Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Lục bát làng Trầu - Một hồn thơ sâu nặng nghĩa tình

Lục bát làng Trầu - Một
hồn thơ sâu nặng nghĩa tình

“Lục bát làng Trầu” là tập thơ thứ 8 của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, ghi nhận một thành quả mới của anh trên chặng đường sáng tạo thi ca kể từ năm 2003 đến nay. Đây là tập thơ Lục bát 4 câu, gồm 3 phần: Phần I “Dâng mẹ”; Phần II “Thổ âm”; Phần III “Dương khúc”. Cả 3 phần đều được viết theo cảm hứng trữ tình và sự thôi thúc nội sinh của bản thân tác giả, đã mang lại cho tôi sự cảm nhận sâu sắc và mới mẻ về một hồn thơ sâu nặng nghĩa tình đối với quê hương nông nghiệp và nông thôn.
Lục bát là một thể thơ thuần Việt mang đậm bản sắc văn hoá Việt, tưởng dễ viết mà khó vô cùng. Dễ là ở chỗ với người Việt hầu như ai cũng có thể xếp những con chữ thành câu có vần, miễn là cứ trên 6 dưới 8 nối tiếp nhau là thành lục bát. Song, với thơ Lục bát thì không phải như thế, nó đòi hỏi phải có cấu tứ chặt chẽ, khúc chiết; có hình tượng nghệ thuật dung dị, có khả năng khơi gợi mạnh mẽ tình cảm của con người; phải có cảm xúc, cảm hứng sáng tạo tiếp chảy dào dạt từ quá khứ đến hiện tại, tạo ra tính liên tục của thẩm mỹ với hơi thở và nhịp tim mang đậm đà hồn cốt dân tộc và văn hoá dân tộc. Chính vì thế mà có nhà thơ cho rằng: “ Chỉ khi nào cảm xúc của nhà thơ đạt tới độ chín, tìm được tứ thơ mới lạ và sáng tạo, ngôn ngữ chắt lọc uyển chuyển, Lục bát mới lên ngôi, vượt thoát nguy rơi xuống vè”. Là một nhà thơ đã từng đoạt giải thưởng Cuộc thi thơ Lục bát của Hải Phòng năm 2015, chắc chắn Nguyễn Ngọc Tung hiểu rõ điều đó. Cho nên, có thể nói đây chính là nguồn năng lượng giúp “Lục bát làng Trầu” của Nguyễn Ngọc Tung “lên ngôi” và “vượt thoát”, không vần vèo véo von, nhàm chán, mà tươi mới, sâu lắng, vừa dân dã vừa hiện đại, đậm đà chất tình, tạo nên những hứng khởi nhất định cho người đọc.
Ngoài nguồn năng lượng nói trên, cũng cần thấy rằng hơi thở và nhịp tim của “Lục bát làng Trầu” là hơi thở và nhịp tim được kế thừa và dung dưỡng từ ca dao. Các thi pháp của ca dao được tác giả vận dụng một cách có hiệu quả, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ cho cảm xúc. Bởi ca dao chính là bầu sữa ngọt, là mạch nguồn cho Lục bát bám rễ chắc chắn để tồn tại và phát triển, trường tồn cùng thời gian và dân tộc. Nếu không thấm nhuần ca dao, không kế thừa, học hỏi và vận dụng sáng tạo ca dao thì Lục bát không có chỗ đứng trong lòng dân tộc. Hoài Thanh cho rằng, ca dao “là kho tàng đặc biệt của trí thông minh”, “là một nét đặc biệt của dân tộc”. Còn Nguyễn Đình Thi thì khẳng định, ca dao “ là tinh hoa của nền văn học dân tộc, là văn học cao nhất”. Các thủ pháp nghệ thuật của ca dao được Nguyễn Ngọc Tung vận dụng khá nhuần nhuyễn trong “Lục bát làng Trầu”, đó chính là cách nói dân gian; là sự vận dụng khéo léo ngữ điệu đời sống trong ngôn ngữ; là các hình tượng, hình ảnh tạo nên tứ thơ được lấy từ những chất liệu hết sức bình thường trong đời sống nông nghiệp và nông thôn gần gũi và dân dã. Đặc biệt thủ pháp liên tưởng, tạo dựng sự đồng hiện qua suy cảm và cảm nghiệm hầu như quán xuyến trong “Lục bát làng Trầu” đã làm cho hồn thơ Nguyễn Ngọc Tung tươi mới, thấm đẫm nhân tình.
Lục bát làng Trầu – tập thơ Lục bát của Nguyễn Ngọc Tung, NXB Hội Nhà văn, 2019)
Dưới đây, xin nêu một vài ví dụ để minh chứng cho nhận định trên. Ở phần II “Thổ âm”, với số lượng bài nhiều nhất, tròn 50 bài, từ những chất liệu bình thường của đời sống, tác giả đã thổi hồn Lục bát vào nó, để tạo nên cảm xúc thổ lộ nghĩa tình sâu nặng và đằm thắm của mình đối với làng quê và con người của quê hương. Đây là “Bánh đa, bánh đúc”:
“Vẫn từ hạt gạo trắng trong
Thảo thơm tấm lòng ăn ở với nhau”.
“Hạt gạo” và “tấm lòng” là nguyên liệu làm ra bánh đa, bán đúc. Sự liên tưởng và đồng hiện giữa hạt gạo và tấm lòng với bánh đa, bánh đúc đã kết bện nên tình nghĩa chị em. Chị trên em dưới có gì mà không gắn bó, cố kết, mà phải tỵ nạnh, hiềm khích, so bì hơn thiệt. Thật đúng là “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Đây là “Bọng tre”:
“Đêm qua bão ghé qua làng
đổ cây nên nỗi ngổn ngang lối về
Rỡ ràng thơm tự bọng tre
Lòng ngay dạ thẳng giữ bề trắng trong”.
“Tre già ấm bụi” không nương tựa vào nhau làm sao chống chọi được với bão giông. “Thơm tự bọng tre” là một cảnh tỉnh từ suy cảm thông qua liên tưởng.
Đây là “Tiếng vạc đêm”:
“Nửa đêm nghe vạc kêu sương
tiếng kêu thảng thốt tìm phương gọi đàn
Nhìn lên màn tối mênh mang
tiếng như muối rót… vuốt ngang mặt người”.
Thơ có hơi thở của “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên”, nhưng lại trầm sâu một ý tưởng : Từ tiếng vạc, tiếng lạc đàn “thảng thốt” trong “màn tối mênh mang” nghĩ đến phận người và đời người. Hình ảnh“muối rót… vuốt ngang mặt người” tạo cảm giác xa xót, đau đớn của sự lạc đàn, lìa đàn.
Còn đây là “Mái chèo”
“Sắc như nước vẫn yếu mềm
Mạnh như gió cũng chẳng xuyên nổi tường
Mấy ai được cả đôi đường
gặp cơn sóng cả, biết thương mái chèo!”.
“Nước” và “gió” là ẩn dụ về sự đối nghịch: sắc nhưng yếu mềm; mạnh nhưng cùn không thể xuyên qua được tường. Từ đó liên tưởng đến sự toàn vẹn “đôi đường”. “Cơn sóng cả” và “mái chèo” là hình ảnh gợi suy cảm về sự bừng tỉnh, bừng ngộ, chớ có kiêu căng, lên mặt vẻ ta đây, chẳng coi ai ra gì. Một sự nhắc nhở thật sự sâu sắc và thấm thía.
Ở mảng thơ về “Thổ âm” còn có nhiều bài gây ấn tượng sâu đậm như: “Mây”, “Cái chang”, “Trăng non”, “Gánh”, “Cớ gì”, “Nết quê”, “Mâm mộc, “Làng Trầu”, v.v…, nhưng không thể không nói đến “Cổ thụ”:
“Ngàn năm mưa nắng đội trời
tình cây tình đất tình người thân thương
Dẫu ai xa vạn dặm đường
trông cây tìm hướng nhớ phương mà về”.
Tình đất, tình người chất chứa trong tình cây. “Cổ thụ” là biểu tượng của cây cao bóng cả, cũng là biểu tượng của hồn cốt làng quê, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để về với quê hương bản quán, với tình làng nghĩa xóm thân thương, như cây có cội, như lá có cành.
Ở phần III “Lục bát làng Trầu” , Nguyễn Ngọc Tung dành 26 bài Lục bát để viết về “Dương khúc”. Từ “Lời gốm” : “Thương nhau cháy cả một đời/ nghe trong hơi lửa tạc lời trăm năm” đến “Liềm trăng” như một giãi tỏ về sự thuỷ chung son sắt, mặc dù “nắng mòn vẹt trấu, mưa gò lưng ong” nhưng “Liềm trăng” vẫn “hái nhớ gặt mong” với tấm lòng trung trinh “ ai đem mài sáng đêm hong cuối trời”. Để tất cả từ đó tạo nên “Tình quê”: “Không dây mà buộc lời thề từ đây”- “lời thề” từ “trầu cay trầu quế”, “chưa say lòng đã vấn vương lối về”. Đó là sự thức nhận của một tình yêu thấm đậm tình nghĩa trong tình quê, tình người không bao giờ tàn phai, héo úa.
Trở về phần đầu tiên “Dâng mẹ” được Nguyễn Ngọc Tung đặt lên hàng đầu. Bởi đó chính là tấm lòng thành kính trân trọng và biết ơn sâu sắc của tác giả đối với bậc sinh thành và với cội nguồn.
Nói về công cha nghĩa mẹ, Nguyễn Ngọc Tung bộc lộ cảm thức của mình qua “Mo cau”, “Cây rơm”, “Đời chuối”, để từ đó anh bày tỏ lòng thành kính biết ơn sâu sắc. “Đời chuối” được ví như đời mẹ “dầm mưa dãi nắng ru buồng quả non” để rồi “Bây giờ lá héo thân mòn/ vẫn bồng nải chín dắt con đợi mùa”.
Hai bài thơ Nguyễn Ngọc Tung viết cho mẹ dưới đây thật sự ấn tượng và cảm động. Đây là “Nẻo đời”:
“Mẹ còng bóng lõm mặt đường
đôi quang gánh gió quẩy sương nẻo đời
Bên nắng dội, bên mưa rơi
mẹ tôi gánh cả cõi người trên vai”.
Và đây là “Quả chín”
“Chẳng cần bấm đốt ngón tay
 nuôi con đời mẹ đắng cay ngậm ngùi
Mẹ như quả đã chín rồi
vẫn còn vắt kiệt dâng đời mùa thơm”.
“Mẹ còng bóng lõm mặt đường” là sự thấu cảm nỗi gian truân, vất vả của đời mẹ, từ đó dẫn tới suy cảm “mẹ tôi gánh cả cõi người trên vai” và thức nhận “Mẹ như quả đã chín rồi/ vẫn còn vắt kiệt dâng đời mùa thơm”. Những ẩn dụ mang phong vị ca dao qua liên tưởng và suy cảm, ngẫm cảm đã làm bừng sáng tâm hồn thành kính trân trọng của tác giả. Cảm ơn Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung đã nói giùm tôi cùng nhiều người tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với bậc sinh thành bằng thơ Lục bát!
Trên đây là những điều tôi thâu nhận được qua đọc “Lục bát làng Trầu” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung. Xin chúc mừng anh và mong được nhiều bạn đọc chia sẻ.
7/9/2021
Quang Hoài
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...