Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Nguyễn Phương Liên đồng hành cùng với cái đẹp

Nguyễn Phương Liên
đồng hành cùng với cái đẹp

Tác phẩm Đồng hành với Đẹp của Nguyễn Phương Liên vinh dự nhận Tặng thưởng (Loại B) Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, năm 2019. Tác phẩm này là một cuộc thử bút, có phần phiêu lưu của Nguyễn Phương Liên, khi cả gan chạm vào lĩnh vực ngoài văn chương – mỹ thuật đương đại, vốn là một lĩnh vực đa dạng và phức tạp.
Tôi thực sự bất ngờ khi được cô học trò giỏi Nguyễn Phương Liên tặng sách Đồng hành với Đẹp (Phê bình mỹ thuật đương đại, Nxb Mỹ thuật, 2018). Nói bất ngờ là vì tác giả vốn là dân văn (đã nhận bằng cử nhân, sau đó là thạc sỹ văn học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Học văn nhưng đầu quân làm báo (chữ trước là nghiệp, chữ sau là nghề). Nguyễn Phương Liên, tôi nghĩ, là đệ tử của phái “xê dịch”, có “gen” giang hồ, lữ thứ, thiên di cả trong và ngoài nước không biết mấy độ. Hành xử này ứng với cái công thức/công việc của một nghệ sỹ ngôn từ “đi – đọc – viết”, theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Tuân. Riêng về văn chương, Nguyễn Phương Liên, theo cách gọi của tôi, là người tương tư… truyện ngắn. Đã đành, dẫu chỉ mới in ba tập truyện trong vòng 18 năm (từ 2002 đến 2020): Ngôi nhà cát trắng, Đối thoại chiều, Họa tình. Truyện ngắn của Nguyễn Phương Liên được viết một cách chậm rãi, nắn nót, nhiều suy nghiệm. Không vào loại “hot”. Nhưng cũng không quá hiền lành. Khi sang một sân chơi khác (ngoài văn chương), Nguyễn Phương Liên, tôi đồ rằng, chắc chắn phải tự trang bị cho mình tối thiểu những kiến thức cơ bản về các bộ môn nghệ thuật khác khi tác nghiệp. Gần đây tôi mới biết Nguyễn Phương Liên còn là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành lý luận phê bình.
Đồng hành với Đẹp là một cuộc thử bút, có phần phiêu lưu, của Nguyễn Phương Liên, khi cả gan chạm vào lĩnh vực ngoài văn chương – mỹ thuật đương đại, vốn là một lĩnh vực đa dạng và phức tạp. Cuốn sách được tổ chức trong hai phần: Phần I – Ở chốn lao xao (gồm 18 bài), Phần II – Những ngọn lửa (gồm 17 bài). Ba mươi lăm bài viết ngắn, hoạt, hấp dẫn đều đã đăng tải trên một tờ báo lớn – Nhân Dân, nơi chị công tác – trong độ dài thời gian 10 năm (2007-2017). Tôi không sành nghệ thuật, trừ nghệ thuật ngôn từ, nhưng đọc Đồng hành với Đẹp lại thấy vui vẻ và thú vị khi được dẫn dắt vào thế giới của Đẹp từ góc nhìn của một cây bút phê bình nghệ thuật đương đại. Âu cũng là một cách học hỏi, nâng cao mỹ cảm của bản thân. Tôi nghĩ, nhiều người khác đọc Đồng hành với Đẹp cũng có được cái ân huệ ấy.
Tuy là “phái yếu” nhưng tôi cảm nhận được tinh thần khảng khái, mạnh mẽ và quyết liệt của Nguyễn Phương Liên khi phê bình mỹ thuật đương đại. Một vài ví dụ: Tranh giả làm nhiễu thị trường, “Cứu” di tích trong phố cổ Hà Nội, Đừng “nhân bản” tường tranh gốm, Mạnh tay với nạn tranh giả, Kiến trúc đô thị ở Hà Nội còn nhiều bất cập, Chung quanh việc di dời các biểu tượng, linh vật lạ tại các di tích,… Những bài có tính “luận chiến” này đều thuộc phần I (Ở chốn lao xao). Đã nhập vào chốn lao xao thì dĩ nhiên không ngại động chạm, đã không ngại động chạm thì phải viết cho cái “bất cập” rút lui, dần xóa bỏ, đi đến triệt thoái như bài Kiến trúc đô thị ở Hà Nội còn nhiều bất cập. Tôi đọc, tuy nhiên thấy tác giả viết vẫn còn nương nhẹ, vì chữ bất cập trong Từ điển tiếng Việt mới chỉ có 2 nghĩa (1/không kịp; 2/ Không đủ mức và điều kiện cần thiết). Có lẽ, tác giả vẫn là người “duy tình” của giới văn chương nên có sự lựa chọn từ ngữ cẩn trọng, thể tất khi viết báo về một lĩnh vực đòi hỏi người viết phải rất am tường nghệ thuật. Nếu ai đã hơn một lần ra khỏi biên giới, đến Thủ đô các nước, chưa nói Âu – Mỹ, chỉ cần khu vực Đông Nam Á (rộng hơn là châu Á), sẽ thấy thủ đô của họ và ta hiện khác xa nhau về quy hoạch kiến trúc tổng thể. Người ta không nói “tầm nhìn” như mình, nhưng cách làm của họ thì thể hiện tầm chiến lược thế kỷ.
Tác phẩm “Đồng hành với Đẹp” của Nguyễn Phương Liên
Phần II: Những ngọn lửa (gồm 17 bài), theo cảm nhận của tôi, mới là nơi chất văn hòa vào ngòi bút phê bình mỹ thuật đương đại của Nguyễn Phương Liên, tạo nên chất “văn nghệ”. Câu “Nghệ thuật đi tìm cái Đẹp trong đời sống, phê bình đi tìm cái Đẹp trong nghệ thuật” như một định đề/tiên đề trong toán học vậy đã được ứng dụng trong sự viết của Nguyễn Phương Liên khi đóng vai người phê bình mỹ thuật đương đại.
Đọc 17 bài của phần II, tôi cảm nhận, Nguyễn Phương Liên “cảm tình” hơn cả với hội họa (hay là chính chị có ít nhiều năng khiếu về lĩnh vực này, như người đồng hương cũng làm văn làm báo giống mình – Như Bình – tôi cứ tự hỏi như vậy mà không chờ câu trả lời). Bằng chứng: Tranh Hồng Việt Dũng ở nước ngoài, Vẻ đẹp trẻ thơ trong tranh Nguyễn Quốc Hội, Họa sỹ Hoàng Lập Ngôn: Nhà lăn xe vẽ Mê Ly, Khôi phục và phát triển tranh lụa, Vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc trong tranh Lò An Quang, Một họa sỹ say mê vẽ chân dung, Sống là được vẽ mỗi ngày,… Bài viết nào trong cụm bài này cũng thể hiện sự hân hoan, đôi khi như là sự chiêm bái của người viết về người được viết.
Bài Sống là được vẽ mỗi ngày (về Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm), theo cảm nhận của tôi, là bài hay nhất trong phần II, nơi Nguyễn Phương Liên thể hiện cái tình của mình với các loại hình nghệ thuật ngoài văn chương. Khi đến thăm những căn phòng cũ kỹ trên phố Trần Hưng Đạo – nơi lưu giữ những bức tranh của họa sỹ danh tiếng Nguyễn Tư Nghiêm, tác giả thưởng ngoạn và cảm thấy: “Cả một thế giới hội họa tràn ngập hơi thở cuộc sống dân gian hòa quyện nét hiện đại, đời thường của một ngòi bút tài hoa hiện hữu khiến người xem choáng ngợp, say mê (….).
Say mê học hỏi nghệ thuật dân gian trong thời gian dài, Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng biệt ở những hình nét được khởi nguồn từ tạo hình truyền thống của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, với bảng mầu sơn mài dịu dàng mà đa dạng, biến ảo (…). Học mỹ thuật phương Tây, say mê danh họa Picasso, nhưng ông luôn lấy truyền thống dân tộc làm gốc với cái nhìn hiền triết phương Đông. Ông đã cho thấy trong di sản văn hóa nghệ thuật cổ Việt Nam như văn hóa Đông Sơn, kiến trúc, điêu khắc đình chùa, tranh dân gian Đông Hồ… ẩn chứa đủ các yếu tố ấn tượng, siêu thực, trừu tượng…. Ông được xem là một trong những người khai sinh ra mỹ thuật hiện đại Việt Nam một nghệ thuật vừa dân tộc, vừa hiện đại”.
Ở đây, tôi nhận thấy ở người viết cái năng lực dồi dào, không chỉ là bẩm sinh biết thấm thía, cảm thụ vẻ đẹp của hội họa (nghệ thuật của đường nét và màu sắc), mà còn là phẩm chất của người có tư duy lý luận khi tri nhận một trong những đặc trưng của văn hóa của nghệ sỹ là biết làm chủ quy luật “đến hiện đại từ truyền thống”. Đây là một vấn đề lý luận văn hóa, văn nghệ rất quan thiết hiện nay mà bất kỳ người làm công tác trên lĩnh vực này cũng cần thấu triệt. Nói thế là bởi đang có tình trạng vọng ngoại, vong bản coi cái mới, cái hiện đại tất tật là “nhập khẩu” từ phương Tây (!?).
Hiện Nguyễn Phương Liên là Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Báo Nhân Dân, Giám đốc Truyền hình Nhân Dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng, tôi biết, giữa miền xa ngái ấy với Thủ đô, không xa xôi gì vì Hà Nội là nơi chị trưởng thành cả trong nghề văn, cả trong nghề báo; nơi có những con người làm nghệ thuật mà chị từng gắn bó, trân quý, gửi gắm niềm tin và hy vọng.
16/9/2021
Bùi Việt Thắng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...