Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Trăng bạc

Trăng bạc

Tôi bảo tài xế dừng. Chiếc xe tang trườn thêm một đoạn cát rồi dừng lại trước ngôi nhà từng là của chúng tôi, ngôi nhà do cha tôi, người đang nằm trong quan tài, dựng nên.
May là trời đã sụp tối, trước nhà trồng nhiều cây và cửa chính không thấy mở. Tôi bước xuống xe. Không cần ra hiệu, chiếc xe đi sau cũng dừng theo. Chị tôi, em gái tôi cũng bước xuống. Ba chị em đứng sát bên nhau, tần ngần câm lặng trước cánh cổng quen thuộc, khoảnh sân quen thuộc, ngôi nhà quen thuộc.
Dĩ nhiên, cảnh vật không còn như xưa. Cánh cổng gỗ thâm thấp mà tôi có thể trèo qua dễ dàng mỗi khi mê chơi về muộn nay đã là cánh cổng sắt cao vượt đầu. Trước sân, hoa kiểng sống trong chậu nhiều hơn bám vào mặt đất. Chiếc xích đu sơn trắng của tuổi thơ chúng tôi cũng biến mất. Duy chỉ có ngôi nhà là không khác mấy.Vẫn là cái hộp vững chãi được chia ra thành những ô không đều nhau; những cái ô vuông vuông, dài dài với những cửa sổ tràn ánh sáng mặt trời, ấm áp và yên tĩnh. Cái ô sáng đèn trên kia từng là vương quốc của riêng tôi. Cạnh bên là lãnh địa bé nhỏ của chị tôi, em tôi. Căn phòng đang mở rộng hai cánh cửa trông ra khu vườn là phòng khách, nơi sum họp, nơi vui chơi...
- Tới rồi sao ba?  Thằng con trai mười sáu tuổi cao nhồng, cũng mặc chiếc áo xô trắng giống hệt tôi, đến cạnh tôi, cất tiếng  khàn khàn.
Chị tôi vội đưa ngón tay lên môi “suỵt “ một tiếng và nói khẽ như thì thào:
- Dừng lại cho ông con thăm lại ngôi nhà lần cuối!
Có tiếng guốc lộp cộp trong nhà. Không ai bảo ai, tất cả cùng quay gót và lặng lẽ lên xe.
Khi xe chuyển bánh, tôi sờ tay lên nắp quan tài và ngoái lại nhìn ngôi nhà lần nữa.
Đi tiếp chừng nửa cây số đến nhà chú Út, người em trai duy nhất của cha tôi. Có lẽ chú nhận được điện báo nên nhìn vào đã thấy sự chuẩn bị. Bàn ghế dọn sẵn trước sân. Trên mỗi bàn bày sẵn một bộ tách trà. Một bóng đèn néon sáng nhợt nhạt treo tòn ten trên một cành cây, nơi tiếp giáp giữa mái ngói rêu phong và khoảng sân nép mình dưới những thân cây xù xì tuổi tác. Vài bóng người thấp thoáng sau nhà. Chú  cầm cây đèn dầu bước ra. Ông bước chậm, tay khum khum che ngọn gió. Tôi không nhìn rõ mặt chú, chỉ thấy mái tóc bạc, chòm râu bạc ngời lên trong vùng tối sáng. Chú đưa ngọn đèn ra phía trước, cất tiếng chắc gọn:
- Cho xe lùi một chút!
Khi cỗ xe tang trườn đến trước cổng, lối đi chính dẫn vào ngôi nhà, chú khoát tay ra hiệu cho tài xế dừng. Tôi mở cửa xe. Chú như bước hụt, sững lại trước chân dung của người quá cố. Ông nói gì tôi không nghe rõ, chỉ thấy những nén nhang trong tay chú run run.
Khi chị em tôi đủ mặt trước linh sàn vấn vít khói hương, chú nói:
- Theo tập tục, xưa nay kỵ động quan hai lần. Vì vậy, phải đành để cha các cháu nằm ngoài này cho đến giờ hạ huyệt sáng mai!           
Nói xong ông quay mặt, bước nhanh vào nhà. Chị tôi vặn cao ngọn đèn và thắp thêm nhang. Em gái tôi kéo góc khăn trắng che cặp mắt sưng mọng. Tôi thì không dám ngước nhìn cặp mắt khắc khoải chờ đợi của cha tôi.
Không kèn không trống nhưng chỉ độ nửa giờ sau, bà con gần xa đã biết tin cha tôi trở về. Người nọ ới người kia. Không bao lâu, con đường làng vốn vắng vẻ vào giờ lên đèn đã thấp thoáng ánh sáng của những ngọn đuốc.
Họ không đến tay không. Họ mang theo hoa trái nhang đèn, những thứ có thể lẹ làng cắt được hái được trong vườn nhà hay tạt mua ở một hiệu tạp hóa nào đó bên đường. Chú sai người kê hai chiếc ghế đẩu gần nhau và đặt chiếc nia lên. Dòng người viếng lần lượt đặt lễ vật vào đó.
Bàn ghế không đủ ngồi. Chú trải rộng hai chiếc chiếu dưới mái hiên. Đàn bà con gái kéo xuống đất. Họ uống nước, cắn hạt bí và khơi lại trong trí nhớ hình ảnh của người quá cố. Cánh đàn ông sau một hồi khề khà nâng ly cạn ly đầu óc dường như trở nên minh mẫn. Nhiều người còn nhớ khá rõ về cha tôi.
Tuy lầm lỳ ít nói nhưng cha tôi là người quyết đoán, biết làm và làm giỏi. Ông luôn là chủ nhân của ngôi nhà to nhất làng dù được xây bằng tranh, bằng ngói hay bằng cốt thép bê-tông. Trước những ngôi nhà bao giờ cũng là một vuông sân trồng nhiều loại hoa, nhiều nhất vẫn là mẫu đơn, loại hoa được những người đến viếng kết vội thành một bó to đặt trước chân dung ông. Còn sau ngôi nhà luôn là một mảnh vườn xum xuê cây trái. Nhiều người  còn cả quyết rằng, xoài do cha tôi trồng ăn ngọt hơn, dừa do cha tôi chăm sóc nước uống cũng thanh thao hơn. Một cụ râu tóc bạc phơ mà tôi gọi bằng ông, khục khặc từng cơn ho còn cố ráp nối cho được ngày cưới của cha mẹ tôi và cái ngày cha tôi gần như quỵ ngã khi mẹ tôi đột ngột từ giã cõi đời. Cụ cho cha tôi là một người đàn ông thủy chung hiếm hoi, biết chung tình đối với cả nấm mồ của vợ.
Chú tôi gần như không nói. Ông lừ lừ lắng nghe và lặng lẽ rót rượu, mời rượu.
Khi người khách cuối cùng rời khỏi chiếc xe tang, chú ngấm rượu. Ông khoát tay ra lệnh cho chị tôi, em tôi, thằng con tôi và đám cháu chắt dắt díu hết vào trong nhà nghỉ để sáng mai đủ sức đưa cha tôi lên sườn đồi, nơi đặt hài cốt mẹ tôi và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của cư dân xứ sở. Lúc chỉ còn hai chú cháu, ông cầm ly rượu, bước liêu xiêu.  
-  Cạn đi cháu! - Ly rượu sóng sánh, tràn xuống đất.
Tôi cạn ly, thấy cuống họng vẫn khô và khát. Loay hoay một lát, tôi tìm thấy chai rượu còn đầy trong đám vỏ chai lăn lóc dưới gốc khế già. Chú giằng lấy và rót đầy ly. Bước thấp bước cao chú mang rượu cho cha tôi.
Lúc quay vào, trông chú thật lạ lùng. Dường như chú hụt hơi vì mang vác. Tôi vội đứng lên đỡ lấy chú. Như một thân cây tróc gốc, chú ụp đổ xuống bàn, thút thít khóc như một đứa trẻ. Tôi muốn dìu chú vào trong nhà nhưng thấy lành lạnh. Ít ra có một người bên cạnh với một trái tim còn đang đập vẫn hơn một mình ngồi canh quan tài, dù đó là thân xác của cha tôi.
Tôi tưởng chú đã lịm ngủ nhưng thình lình chú ngồi bật dậy. Chú nhìn tôi. Nhìn không chớp. Đôi mắt trở nên ráo hoảnh, dữ tợn. Ánh mắt nóng bừng bừng. Tôi rùng mình, co người lại trước cái nhìn thiêu đốt.
-  Sao cha cháu phải bỏ xứ mà đi ?
Câu hỏi như bật ra từ lồng ngực. Chú nắm bàn tay đấm bình bịch vào ngực mình:
-  Bỏ xứ đi làm chi, anh ơi?
Nghe. Buốt nhói.
Ngày cha tôi bán nhà, sang vườn tược đất đai và chuẩn bị ra đi có lẽ chú là người khổ tâm nhất tuy không cản ngăn, không kéo níu.
Làm sao có thể ngăn cản, níu kéo khi chú rõ ý nguyện của cha tôi là được sống vui vầy với con cháu sau bao nhiêu năm xa cách. Và với một người không muốn ở lỳ một chỗ như cha tôi, không muốn suốt đời giới hạn tầm mắt bởi cái sườn đồi loang lổ trước mặt, trong ước muốn âm thầm, đó còn là dịp xê dịch, là cơ hội tìm kiếm một cuộc sống khác hơn. Mà có xa xôi Đông Tây gì đâu, chỉ bước lên xe, chịu ngồi già nửa ngày đường.
Cái khoảng cách tưởng chừng thật gần ấy hóa ra bị kéo dài theo năm tháng, theo tuổi tác. Suốt hơn hai mươi năm đằng đẵng cha tôi không một lần quay về quê cũ. Ông không ngại con đường dằn xốc mà chỉ vì hành trình cuộc đời có những khúc quanh.
Sau khi rời xứ sở và định cư tại thành phố, cha tôi chỉ thực sự sống hạnh phúc có mấy ngày chộn rộn đoàn viên. Rồi ai về nhà nấy, con đi làm, cháu đi học, cha tôi trở thành người giữ cửa, coi nhà.
Nói là nhà, chứ thật ra nó chỉ gấp đôi căn phòng tràn ánh sáng của tôi trong ngôi nhà hình hộp kiên cố ngày xưa. Cửa chính duy nhất của căn phòng mở ra hành lang hun hút cùng với những cánh cửa giống hệt nhau, phải đánh dấu khác biệt bằng những con số. Cửa sổ không mở ra khoảng sân cũng không nhìn thấy bầu trời. Cửa sổ gần như che lấp bởi hàng rào quần áo.
Cha tôi ngột ngạt, bức bối và tìm mọi cách xoay trở. Tiếc là khoản tiền bán nhà sang đất đã gởi hết vào ngân hàng. Và không may, chưa lấy được đồng lãi nào thì Nhà nước đổi tiền. 
Với số tiền còn lại, cha tôi quyết định mua một miếng đất trồng điều, trồng cà-phê ở tận vùng đất đỏ miền Đông. Tôi không tán thành, bàn ra. Ông nạt ngang: “Cam chịu như mày không phải là sống!”
Ông còn lập lại câu đó nhiều lần. Lúc đầu nó còn ám, còn dày vò nhưng dần cũng nhàm. Nhàm như cái điệp khúc ca cẩm dai dẳng của vợ tôi. Nhàm như cái thanh âm hỗn độn của sinh hoạt cộng đồng. Ngày ngày tôi vẫn trung thành với công việc tẻ nhạt của một anh công chức, trung thành với gói mì ăn liền mỗi sáng, trung thành với ly cà-phê đen ở quán cóc đầu hẻm, trung thành với sự tù túng trong một căn phòng thiếu ánh mặt trời.
Rồi cha tôi vấp ngã nơi miệng giếng khi gánh nước tưới cây. Ông đành bỏ lại mảnh đất để vào bệnh viện với chiếc chân bị gãy. Lúc chân trái vẫn còn băng bột cố định, nhưng thấy tôi, ông liền gượng dậy. Ông khuyên giải, ông nài nỉ tôi từ bỏ công việc chẳng nuôi nổi bản thân, từ bỏ cái sĩ diện hão của anh trí thức bàn giấy đã không tạo nổi cho vợ con cái cơ may hạnh phúc; thay ông trông coi chăm sóc vườn điều, vườn cà-phê đang ra hoa. Tôi không vội trả lời, xin ông cho tôi có thời gian. 
Tôi lưỡng lự. Tôi cân nhắc. Và tôi thấy sợ. Sợ nắng. Sợ gió. Sợ cái giếng sâu đến chóng mặt. Sợ gánh nước nặng trình trịch. Sợ cái màu đỏ quạch của đất đai bám vào da thịt. Sợ cái chòi tranh heo hút. Sợ thiếu vắng cái ồn ĩ, cái tiện nghi của thành thị. Sợ mất đi những thói quen đã thành máu thịt. Sợ phải thay đổi. Sợ sự bứt phá. Sợ mất lối mòn. Cha tôi tức giận gào lên: “Sống như mày thà chết còn hơn!”
Lần cuối, đứng chống gậy, bịn rịn nhìn vườn điều, vườn cà-phê cành lá xanh mượt, hoa kết từng chùm đã về tay kẻ khác, ông khóc.
Trở lại sống giữa những bức tường bợt bạt vô hồn, cha tôi trở thành một con người khác. Một người thua cuộc. Một phế nhân. Một kẻ lòa không còn trông rõ con đường, dù là con đường dẫn về nơi cắt rún chôn nhau.
Như đọc thấu được tâm can tôi, ánh mắt chú dịu đi. Ông không rót rượu nữa mà rót nước từ chiếc bình nguội lạnh. Ông uống một hơi hết ba tách nước rồi đứng dậy, vươn vai. Ông bước một mạch đến khạp nước đặt dưới mái hiên và vục mặt vào đó.
Khi quay lại, vỗ vỗ vào vai tôi, chú nói:
- Chú mắc cho mày cái võng ở dưới hiên, vào đó mà ngủ, để mình chú thức được rồi!
Tôi đi được mấy bước, chú gọi lại:
- Mà này, chú chưa nói, ba cháu. . . không nằm cạnh mẹ cháu được, tháng trước đã có người. . .
Vậy là ý nguyện cuối cùng của cha tôi không thành. Tôi muốn thắp  cho cha tôi một nén nhang. Khi đến gần, một lần nữa, tôi không dám nhìn vào đôi mắt ông.
- Ờ. . .
Chú bỏ lửng, không nói tiếp. Chắc chú còn giữ điều gì đó trong lòng.Tôi trở lại, ngồi xuống cạnh chú. Chú đặt tay lên vai tôi, gần gũi, tin cậy:
- Miếng đất hương hỏa này chú sẽ giao lại cho cháu. Ráng mà gìn giữ. Sau này đem hài cốt ông bà cha mẹ về đây. . .
Chú còn dặn dò một hồi dài. Tôi cố lên giây cót tinh thần cho đầu óc tỉnh táo. Nhưng những sợi thần kinh cứ nhũn ra.Tôi không thể tập trung lắng nghe và ghi nhận, dù biết đó là lời bộc bạch của một ông già đã thấm thía nỗi cô độc của kẻ không vợ không con và thiếu tình thân. Những cơn buồn ngủ rủ nhau kéo đến. Tôi lấy tay che miệng, ngáp. Bực, chú gắt: “ Thôi, ngủ đi!”.
Tôi nằm dài trên võng, chỉ một lát sau, sự mỏi mệt rã rời đã đưa tôi chìm vào giấc ngủ cho đến khi nghe tiếng vỗ cánh phành phạch và tiếng gà gáy sát bên tai. Mắt tôi không mở nổi, cứ díu lại. Không ngủ không thức. Lềnh bềnh. Lềnh bềnh. Rồi tấp vào một bến bờ nào đó.Tôi gặp cha tôi. Ông gầy và yếu. Yếu đến nỗi không còn sức để giận dữ hay mắng mỏ. Ông bảo tôi tắt đèn đi, ông chói mắt lắm. Tôi tắt đèn. Ông nằm ho trong bóng tối. Nghe tiếng ho khản đặc của ông, chịu không nổi, tôi bật lửa thắp đèn. Ngọn đèn phựt cháy. Ngọn lửa bùng lên. Tôi bối rối không biết làm gì trước đám cháy ngày một lan rộng thì một bàn tay chộp cổ tôi, lôi đi. Tôi choàng tỉnh.
Ngồi dậy, thoạt tiên, tôi nhìn ra cổng. Cỗ xe tang vẫn sừng sững, ngọn đèn vẫn kiên nhẫn giữ một đốm lửa đỏ quạch dưới trăng. Mặt đất, bầu trời, rặng cây, khu vườn, cỗ xe và bức chân dung nhìn không rõ đường nét của cha tôi như được nhuộm bạc. Cả một không gian bàng bạc sáng. Vô số chiếc bóng đổ xiên xiên xuống mặt sân, mặt đường. Bóng cỏ, bóng cây, bóng võng nhẹ lay theo ngọn gió. Bóng cỗ xe im lìm, bóng ngôi nhà bất động. Cả chị tôi, em tôi, không rõ ngồi sát bên nhau nơi chiếc bàn đặt dưới gốc khế từ lúc nào cũng thành hai chiếc bóng câm lặng. Tôi đưa mắt tìm chú. Chẳng thấy chú đâu. Chắc ông ngồi bó gối bên cạnh cỗ xe hay tha thẩn đâu đó dưới trăng. Vầng trăng cao hơn, xa hơn và lạnh hơn.
11/2/2001
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...