Khi
người viết văn không xem
Mỗi người dân Việt Nam là một nhà thơ, nghe oách xà lách quá!
“Nhà thơ” một danh xưng phổ cập ai cũng có thể trở thành sau một đêm thức dậy với
mấy câu vần vè… Những hoang tưởng gần như một bệnh dịch lây lan ấy, tràn ngập một
thứ “thơ thẩn” thiếu tư duy, sáng tạo, ngô nghê nghiệp dư đến đáng thương đang
ăn dần xói mòn vào ranh giới và lòng tự ái của những người viết nghiêm túc và
khó tính. Bài viết của bác Vương Trí Nhàn đọc rất thích xin trích lược về
vuthanhhoa,net:
Khi người viết văn không xem
cầm bút là một nghề nghiệp
cầm bút là một nghề nghiệp
Từ những người viết có năng khiếu tới những người viết sống bằng
nghề, có tay nghề hiện đại, đã có một nấc thang; từ những người làm nghề thành
thạo lo sao hình thành nên những người có cốt cách trí thức, biết suy nghĩ và
trả lời cho những lo toan chung của dân tộc, của đất nước, đấy lại là một nấc
thang cao hơn, khó hơn.
Do đức tính khiêm tốn đã ăn vào máu chúng ta (một thứ khiêm tốn
đồng nghĩa với cầu an, sợ sệt, không dám chịu trách nhiệm, cốt sống yên thân
qua ngày), giới cầm bút thường lảng tránh câu chuyện này, cho là trình độ ta
còn thấp, không nên làm. Nhưng lảng mãi không được, cho nên xin phép khơi
gợi lên ở đây và mong được hưởng ứng với nghĩa: bàn đi, bàn đi, rồi may
ra có lúc chúng ta có thể làm, chứ không bao giờ bàn thì chắc chắn không bao giờ
làm nổi.
Thiếu lý tưởng nghề nghiệp, thiếu cốt cách trí thức, đây có
phải căn bệnh có thật của những người viết văn hôm nay không, thậm chí nếu có
thì nên gọi là bệnh hay là quan điểm thực tiễn cần thiết, một điểm đáng tự
hào, xin các bạn đồng nghiệp cùng bàn. Phần chúng tôi, xin thú thực là trước
khi nêu ý kiến này, đã phải phân vân rất nhiều, cầm bút viết ra mà cứ cảm thấy
ngần ngại. Đúng là khi đã vào sâu nghề nghiệp, trong thâm tâm nhiều người cũng
thấy phải phấn đấu để tạo ra cốt cách cho ngòi bút của mình, học thêm, trau dồi
bản lĩnh thêm.
Đọc lịch sử văn học một nước có nhiều duyên nợ với ta như nước
Pháp, hẳn mọi người đều biết rằng ở đây, thời đại nào cũng hình thành nên những
nhà văn đồng thời là những trí thức lớn của đất nước, những người viết văn
không có chức vụ gì trong chính quyền, nhưng luôn luôn là những tiếng nói mạnh
mẽ tham gia vào các việc lớn trong xã hội. Từ V. Hugo trở đi qua R. Rolland, A.
France, H. Barbusse đến A. Gide và J.P. Sartre, A. Camus và L. Aragon… các nhà
văn ấy đồng thời là những trí thức lớn. Cốt cách trí thức toát ra qua tác phẩm
của họ, ở đó có cả truyền thống lâu dài mà nền văn hoá Pháp đã thu góp được, cốt
cách trí thức đó lại cô kết trong con người của họ, bộc lộ ra qua cách ứng xử của
họ. Nhắc đến tên tuổi các nhà văn ấy có nghĩa là nhắc đến một quyền lực, một uy
tín. Đây cũng là chỉ số đánh dấu sự phát triển rất cao của một nền văn học.
Tự đào luyện thành một trí thức chân chính, cái điều ấy càng
ngày càng hiện lên như một mơ ước. Có điều trong những ngày gạo châu củi quế,
văn hóa tiêu dùng tràn lan này, cái chuyện đó xa vời quá, bàn tới không được,
nói ra e thành chuyện lạc lõng. Nhưng có cái lạ ở những người viết văn là những
nét tâm lý đáng sợ sau đây: khi không thể làm, thì coi là việc không cần làm.
Và nếu mình không làm được mà người khác có ý muốn làm thì ra công khích bác,
chế giễu. “Thời buổi này còn nói chuyện trí thức ư? Cũ rồi, lỗi thời rồi! Lại
muốn chơi trội ư? Lại muốn theo kiểu thơ văn hũ nút ư?…”. Những lời châm chọc
tương tự đã giết hại bao mầm mống tốt đẹp ở những người toan đi vào con đường tự
rèn mình, những mong manh lại cho nghề văn một ý nghĩa cao quý như một thiên chức
tốt đẹp.
Ấy là không kể có những nhà văn nhà thơ đàn anh từng được đào
tạo kỹ càng, giờ vẫn chịu khó làm nghề, chịu khó học hỏi, có thói quen làm việc
của những trí thức, nhưng đôi khi cũng vô tình hay cố ý hùa theo mọi người, bỉ
bác những tìm tòi học hỏi của các bạn trẻ. Việc hùa theo một cách vô trách nhiệm
này lâu ngày ở các vị ấy trở thành một thứ thói quen nhắc đi nhắc lại không biết
nhàm chán đến mức người ta có thể tự hỏi: hay là các vị ấy có tri thức rồi thì
không muốn ai có nữa, thậm chí muốn nghề văn của ta càng lạc hậu càng tốt, nhân
cách anh em chung quanh càng kém đi thì nhân cách các vị ấy càng đẹp đẽ hơn
lên. Dù là động cơ nào đi nữa thì lối ứng xử này cũng rất nguy hiểm.
Trong nền văn học ta sau Cách mạng, đã có những trường hợp do
người viết có được ngoan cường chỉ là mình, dám là mình, mà một phong cách
được hình thành. Đó là, chẳng hạn, những trang văn xuôi của Nguyễn Khải, một
cách nhìn đời sống ban đầu bị bao người kêu là độc ác, tàn nhẫn, nhưng khi quen
rồi, lại cho là sắc sảo, biết phát hiện. Đó là, chẳng hạn, thơ của Nguyễn Đình
Thi, thứ thơ có một thời bị mang ra phê bình cho là yếu đuối, xa lạ với quần
chúng (chúng tôi còn được nghe kể là có một câu phê phán rất cô đọng “Anh không
khóc nhưng những chữ của anh nó thút thít”), nay đối với chúng ta lại là một thứ
thơ có chiều sâu nội tâm và theo ý tôi là một cách tân về giọng điệu trong thơ.
Hóa ra, chưa nói đâu xa, ngay ở các bậc đàn anh hôm nay đang
viết, cũng đã có những bài học quý, các anh đã nêu gương dũng cảm tìm tòi, đi
ngược lại sự công nhận nhất thời của số đông để tìm tới giá trị lâu dài hơn cho
tác phẩm của mình. Tôi không rõ là tại sao các anh thường quên không dặn dò lớp
người sau dũng cảm, dám đơn độc tìm tòi, mà thường chỉ nhắc chúng tôi là lắng
nghe chung quanh, hòa hợp với phong trào và khi xem xét các tác phẩm mới viết
ra, các anh cũng chỉ lấy sự công nhận của số đông ra làm tiêu chuẩn duy nhất để
đánh giá. Trong một hoàn cảnh như thế, dĩ nhiên, cái tâm lý quan liêu nói trên
- thích danh tiếng, thích xác định “địa vị lâu dài” trong văn học, hợm hĩnh một
cách nông nổi - tha hồ lây lan như một thứ dịch bệnh, đời sống văn học có lúc
chỉ còn cái vẻ nhộn nhịp bề ngoài mà thiếu sự âm thầm kiên nhẫn tìm tòi.
Lấy cái nhất thời để đánh giá nhau hoặc chê bai nhau, chúng
ta tự làm yếu mình đi rất nhiều và đến khi làn sóng văn hoá tiêu dùng lan tới,
thì nhiều người bó gối quy hàng. Trước khi mất, Nguyễn Minh Châu có nói với
Nguyễn Đăng Mạnh: “Nhà văn mà sợ dân chủ thì không thể hiểu được”. Mượn cách
nói đó cũng có thể nói nhà văn mà chỉ biết có tiếng thơm đương thời
(tôi nhấn mạnh chữ chỉ), mà chỉ đánh giá theo số lượng trang viết,
số cuốn được làm khi in tuyển tập, số bài phê bình tâng bốc… thì cũng không thể
hiểu được. Nhưng đó là một nét tâm lý đang phổ biến. Cái hướng mà chúng ta phải
nghĩ ở đây là bảo nhau cùng sửa, người nào cũng sửa thì mới nhanh chóng
giải được bệnh.
Vương Trí Nhàn
Nguồn: Bản in trong Những kiếp hoa dại, mang tên
Để nghề viết văn trở thành một nghề cao quý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét