Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Nhịp điệu của tâm hồn người Việt trong ca dao

Nhịp điệu của tâm hồn người Việt 
trong ca dao
Nhịp điệu “một phương diện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật trong văn học, dựa trên sự lặp lại có tính chất chu kỳ, cách quãng hoặc luân phiên của các yếu tố  có quan hệ tương đồng... phạm trù nhịp điệu trước hết gắn với một dáng điệu vận động, cảm xúc nào đó mà cơ sở của nó là nhịp, phách, tức là cái chuẩn  của sự lặp lại trong từng hệ thống nghệ thuật” (1). Nhịp điệu ngôn ngữ kết hợp với vần điệu, thanh điệu để tạo nên những câu thơ gây tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm, chúng ta gọi chung là nhịp điệu của ca dao. Nhịp điệu là một yếu tố quan trọng  của thơ nói chung và ca dao dân ca nói riêng. Riêng yếu tố nhịp điệu ca dao không có những gì thật khác biệt so với thơ ca.
Tìm trong thế giới những công trình viết về ca dao “Thi pháp ca dao” (2), “Những thế giới nghệ thuật ca dao” (3), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (4)... Ta thấy có bao điều đáng để nói về ca dao, và cũng còn biết bao điều vẫn tiếp tục cần nói. Hầu hết trong các giáo trình, chuyên khảo nghiên cứu về ca dao, những nhà nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu ngôn ngữ, hình ảnh, cấu trúc, không gian thời gian, biểu tượng trong ca dao. Tìm trong kho tàng tri thức ấy ta nhận thấy những kiến giải sâu sắc, những phân tích kỹ càng của người đi trước đã gợi mở cho chúng ta khám phá về nhịp điệu của ca dao để hoàn thiện thêm bức tranh tâm hồn của người nghệ sĩ bình dân.
1. Nhịp điệu - giây lặng của tâm hồn
Mỗi một nhịp điệu là một giây lặng của tâm hồn, thường được ngắt bằng dấu phẩy, dấu chấm. Giây lặng của tâm hồn vừa đủ để tâm hồn rung cảm trọn vẹn mà hình ảnh, nhịp điệu thơ  mang lại. Những giây lặng ấy chính là nhịp bước của tâm hồn trong thơ văn nhất là trong thơ. Vì thế có thể nói giây lặng - nhịp điệu của tâm hồn là hạt nhân của việc đọc diễn cảm. Giây lặng của tâm hồn quyết định cường độ, trường độ, cao độ của âm thanh. Giây lặng của tâm hồn khác với cái lặng của nhịp điệu phổ biến, có khi khác cả cái ngắt câu của tác giả. Nhất là với những đoạn có vần điệu, thanh điệu biến hóa, sự biến hóa trong thơ văn bao giờ cũng do yêu  cầu của sự  phô diễn tâm tình. Người nghệ sĩ luôn có những cố gắng lớn lao để tâm hồn người đọc hòa điệu cùng với những biến điệu  của tâm hồn tác giả. Thơ dân gian hay thơ viết đều như thế:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mền lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Câu ca thứ nhất toàn thanh bằng và thanh không dấu, cảm giác câu ca dao đi ngang, bình lặng. Bỗng câu thứ hai bắt vần ở giữa với thanh huyền “Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” khiến câu ca như như gãy gập ở giữa: Bất ngờ gặp nạn, nhanh đến không ngờ! Nhịp điệu câu ca dao diễn tả cái số phận người nghèo mắc nạn không thể lường trước.
Câu thứ tư vẫn là vần giữa câu. Câu thơ như tức tưởi, tắc nghẽn vì bị nạn oan ức. Lòng ngay thẳng bỗng thành kẻ gian, câu thơ trở nên đau xót, vì phải đổi bằng cái chết - chịu xáo măng. “Ao” bắt vần với “nao”, như tiếng nấc nghẹn không nói rõ lời.
Dưới góc nhìn nhịp điệu, ta thấy rất rõ khoảng lặng của tâm hồn trong bài ca dao sau:
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!
Nước mắm đổ lẫn nước vôi
Chàng ơi có thấu thân tôi chăng là
Chia từ cây cải chia ra
Chia cửa chia nhà chia sáng chia đêm
Giường chị chị ngồi đã êm
Giường tôi chị lại chị ngồi đánh ghen
Đánh ra cờ đỏ cờ đen
Đánh ra chỉ ngũ sắc đánh ghen trận này
Giường chị chị ngồi tới đây
Chồng chị tôi trả cho chị tôi lội qua sông tôi về.
Bài ca dao nói về nỗi khổ đau, uất ức, đắng cay, cực nhục và thái độ dứt khoát tự giải thoát của người phụ nữ phận làm lẽ mọn. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là người vợ lẽ. Bấy lâu nay đã cam chịu sống cảnh “đơn chăn gối chiếc”. Nay bị  vợ cả đối xử cay nghiệt quá đáng, chị đã quyết tâm từ bỏ địa ngục trần gian, dù cho lòng vẫn không nguôi nuối tiêc. Những hình ảnh quen thuộc, những vật dụng thân thương như quấn quýt nhưng chị vẫn quyết xa lìa. Thể thơ lục bát dạng biến thể, nhịp điệu kéo dài bởi số lượng âm tiết dôi ra ở 2 dòng bát  phần cuối bài ca dao đã góp phần đắc lực trong việc diễn tả nội dung trữ tình.
Như chúng  ta đã biết nhịp thơ dân tộc - lục - bát - là nhịp 2/2. Nhịp thơ lục bát 2/2 với vần bằng đều đều,  thích hợp nhất cho việc diễn tả những tâm trạng buồn man mác, lâng lâng. Tuy vậy, thể thơ lục bát là lối hành văn rất thích hợp với người Việt Nam. Khi câu lục bát được ngân lên: “Có ai bán cái dịu dàng/ Tôi mua một gánh tặng nàng làm duyên”. Nghe xuôi tai thuận miệng. Thể thơ lục bát với những nhịp ngắt phong phú góp phần không nhỏ vào việc biểu đạt bản hòa tấu của tâm hồn.
Nhịp thơ phổ biến thường là nhịp chẵn: 2/2/2; 2/2/2/2 hoặc: 2/2/2; 4/4. Nhịp điệu thơ lục bát uyển chuyển, linh hoạt có sở trường trong việc diễn đạt các cảm xúc vốn rất tinh tế và phong phú  trong tâm hồn con người. Nguyễn Đình Thi đã nhận xét: “Dùng một hình ảnh, ta có thể ví lối thơ Đường luật như một chiếc bình pha lê kết tinh trong suốt nhưng không đủ sức lôi cuốn một dòng sông. Thơ lục bát, trái lại, vì hợp với tiếng nói nước ta hơn nên có thể dung được nguồn cảm hứng tràn lan, đó là thể thơ ca hát, kể chuyện dân chúng” (Dẫn theo Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, tr. 220).  Nhà nho Phạm  Đình Toái, trong bài tựa của Sách Quốc âm thi tập cũng đã nhận xét: “Ở thất ngôn thì có hình thức đối lập nhau, ở lục bát thì có vẻ quanh co, lưu chuyển, đó là chỗ khác nhau vậy. (...) Thể thơ lục bát đâu cũng quen thuộc không hẹn mà giống nhau, tao nhân mặc khách mở miệng  nên thơ, gái dệt trai cày nói lời hợp điệu, cho đến câu hát của xóm làng, lời đùa của con trẻ, cũng không gì là không nhịp nhàng hợp vần” (Dẫn theo Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, tr. 220).
2. Nhịp điệu ký hiệu thẩm mỹ nghệ thuật
Nhịp điệu trong thơ luôn là một tín hiệu quan trọng để người đọc khám phá, giải mã những kí hiệu thẩm mỹ nghệ thuật. Ví dụ như câu thơ sau của nhà thơ Trần Dần:
“Tôi khóc những
Chân trời
Không
người bay
Lại khóc những người bay
Không có
Chân trời” (5)
Nhịp thơ ngắt quãng, từng chữ rơi trên trang thơ hay giọt nước mắt khóc cho những xót xa nuối tiếc, khi con người không đạt tới những tầm vóc cao xa, rộng lớn. Và càng xót xa hơn, khi con người mang trong mình những khát vọng và hoài bão lớn lao, có khả năng vươn tới bầu trời cao rộng nhưng tiếc rằng lại bị giới hạn kìm hãm không có điều kiện để bay cao, vươn xa. Đây chính là minh chứng cho nhịp khác thường của thơ cũng như nhịp lỡ của trái tim nghệ sĩ.
Cũng giống như trường hợp này, cách ngắt nhịp trong bài thơ “Màu tím hoa sim ” của Hữu Loan cũng đã mở ra thế giới của tâm trạng đớn đau, mất mát:
“Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa”
“Các thi sĩ đã đi tìm cái mới một cách toàn diện, không riêng gì cảm xúc mà là cách nói, từ ngữ, nhịp điệu, hình ảnh mới lạ” để bày tỏ cho được lòng mình (6) .
Cũng giống như văn học thành văn, nhịp của ca dao hay tục ngữ đều tạo nên tính nhạc chất thơ, sự hòa đối trong từng câu từng chữ (7). Nhịp của ca dao nói riêng và của văn chương nói chung bao giờ cũng phản ánh nhịp đời, âm vang nhịp điệu của cuộc sống muôn màu, nhịp tâm hồn, nhịp trái tim người nghệ sĩ. Nhịp điệu phần nào thuộc về xúc cảm. Trong ca dao, người nghệ sĩ đã bày tỏ xúc cảm đặc biệt, khác thường của mình một cách rất độc đáo đó là những nhịp biến tấu của ca dao. Nhịp của thi ca hòa với khúc nhịp lòng bật lên thành những giai điệu tha thiết. Thơ với người là một ngôn ngữ, giai điệu với tiếng lòng hòa một. Thể thơ lục – bát đã hay và Lục bát biến thể lại càng hay, cái quanh co của điệu hồn, bộc lộ qua cái nhấn nhá trong điệu ngắt. Cái khúc mắc trong tâm tình, hiện hình trong cái gập ghềnh trúc trắc của nhịp điệu:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.
 Bài ca dao sử dụng thể lục bát biến thể. Các dòng thơ đều có sự tăng lên về số âm tiết, từ đó dẫn đến sự thay đổi về ngắt nhịp, vị trí gieo vần, thanh điệu, 9/13 âm tiết của dong thứ hai là thanh trắc. Sự gia tăng tối đa số lượng âm tiết ở cả 2 dòng lục bát đã góp phần diễn tả những khó khăn, trắc trở thực tế mà đôi lứa yêu nhau phải trải qua, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách để  họ đến với nhau trong tình yêu chung thủy.
Dẫn ra một bài ca dao nữa, ta sẽ dễ dàng rút ra kết luận: Sự bất thường của thanh điệu, như sự khác thường của nhịp lòng, nhịp trái tim, đó là những phút lặng của tâm hồn, không dễ gì diễn tả hết:
Trời xanh dưới nước cũng xanh
Trên non gió thổi dưới gành sóng xao
Bấy lâu cách liễu trở đào
Chim trong lồng chim thảm, cá dưới ao cá sầu.
Bài ca dao như một lời than, lời oán thán số phận. Bằng những hình ảnh cụ thể, sinh động, tác giả dân gian đã nói rất khéo với chúng ta về nỗi niềm của nhân vật trữ tình: nhớ và buồn da diết khi tình cảm lứa đôi bị chia lìa, cách trở. Nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình trong bài ca dao này khó có thể xác định cụ thể. Song cho dù đó là chàng trai hay cô gái thì đó cũng là người có tình cảm sâu sắc bởi cách trở đã lâu mà vẫn đau đáu một nỗi niềm nhung nhớ. Bài ca dao làm theo thể thơ truyền thống: lục bát nhưng dòng thơ cuối đã có sự gia tăng về số lượng âm tiết (biến thể) mượn những hình ảnh ẩn dụ (chim, lồng, cá...); nhân cách hoá (chim, cá biết sầu, thảm) để nhấn mạnh nỗi thảm sầu  trong hồn người “ái biệt ly”. Như vậy, lục bát biến thể thường được dùng để diễn tả những nội dung trữ tình khác thường, thường là để nhấn mạnh vào nội dung biểu đạt nào đó. Sự khác thường trong nhịp điệu của lục bát biến thể  được biểu hiện ở sự thay đổi vị trí gieo vần (vần tiếng thứ 6 sang tiếng thứ 4), thay đổi về âm vực (bằng-> trắc), thay đổi số lượng âm tiết (ít hoặc nhiề hơn), thay đổi nhịp điệu (chẵn ->lẻ). Theo quan niệm của tác giả Mai Ngọc Chừ: “Lục bát biến thể được quan niệm là nhưng câu ca dao có hình thức lục bát nhưng không khít khịt “trên sáu dưới tám” mà có sự co giãn nhất định về số lượng âm tiết” (dẫn theo Nguyễn Xuân Kính trong Thi pháp ca dao, tr. 224).
Với tất cả những yếu tố đó, thơ lục bát có khả năng diễn đạt nhiều cung bậc tình cảm, vì thế có nhà thơ đã gọi thể thơ lục bát là “thể thơ vạn năng” (Chế Lan Viên). Khi nói đến nhịp điệu là nói đến tác dụng thể hiện tình cảm như là một yếu tố nghệ thuật, và điều đó thì lục bát biến thể là trường hợp rất đáng chú ý. Cái khác thường của lục bát biến thể là cái khác thường trong xúc cảm, tình cảm của con người. Những thuận lý, nghịch lý, giằng xé, đan chéo dường như được thể hiện nhiều hơn trong lục bát biến thể:
Chồng đánh bạc/ vợ đánh bài
Chồng/ hai ba vợ/ vợ/ hai ba chồng
Câu trên là “ăn miếng trả miếng”, cấu dưới vẫn “ăn miếng trả miếng” thật cân đối, nhưng có cái gì dằn vặt, trớ trêu cho nên nhịp điệu cũng trở nên bất thường: 1/3/1/3
Rằng ta ta chẳng có ghen
Chồng ta/ ta giữ/ ta nghiến/ ta nghiền/ ta chơi
Câu bát có đến 5 chữ “ta”: khẳng định chủ quyền chắc chắn. Nhịp 2/ 2 nghe thật nhẹ nhàng, bình thản mà thẳm sâu trong từng tiếng là sự dằn vặt, nỗi hờn ghen, tức tưởi.
Những câu ca trên ta thấy tác giả không chăm chút từ ngữ, cách diễn tả như khẩu ngữ thường ngày nhưng đều lột tả được cảnh huống, tâm trạng. Cái đẹp là sự giản dị. Vì câu thơ đã nói lên được những cảnh, việc tiêu biểu, đại diện cho tâm trạng tiếng lòng của bao người bởi vậy mà nó trở nên hấp dẫn. Hay lúc này không phải hình ảnh ngôn từ, cũng không phải hình ảnh vật liệu mà hay là do từ dùng sắc sảo, nhịp điệu sát tâm trạng.
- Búp sen lai láng giữa hồ
Anh/ muốn thò tay vô bẻ, sợ chùa có sư
- Có sư thì mặc có sư
Anh/ cứ thò tay vô bẻ có hư em đền
Câu thơ “trần trụi” nhưng vẫn hay là vì đã nêu đúng cái khát khao của người con gái đã đi tu mà vẫn còn vướng nợ trần.Thân thoát tục mà hồn đòi nhập thế!
3. Vần kết hợp với thanh cùng phác họa tâm trạng.
Nhiều khi vần kết hợp với thanh tạo nên, phác họa ra cả một bầu tâm sự. Đây là nhớ thương khắc khoải của người con gái trong tình yêu:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi chưa yên mọi bề.
Bài ca dao đã diễn tả nỗi nhớ, niềm thương của một cô gái, đó là nỗi nhớ thầm kín, lắng sâu. Nỗi nhớ thương ấy được biểu đạt qua nhiều biện pháp tu từ như nhân cách hóa, câu hỏi tu từ, điệp từ ngữ. Với hình ảnh cái khăn, ngọn đèn, đôi mắt đã được nhân cách hóa mang tâm trạng “thương nhớ” của con người. Sáu câu hỏi được cấu trúc theo lối vắt dòng, láy lại sáu lần từ "khăn" ở vị trí đầu câu thơ, và láy lại năm lần "thương nhớ ai" như một điệp khúc làm cho nỗi nhớ càng thêm triền miên, da diết "sầu đong càng lắc càng đầy". Dường như mỗi lần hỏi là một lần nỗi nhớ trào dâng. Hai mươi tư chữ có đến mười sáu thanh bằng, hầu hết là thanh không, làm cho nỗi nhớ càng thêm bâng khuâng, da diết mà vẫn man mác, nhẹ nhàng. “Đó là nỗi nhớ mang màu sắc nữ tính nói lên nhân cách của một người nhớ mà biết trân trọng, nâng niu nỗi nhớ, biết ghìm lại nỗi nhớ kín đáo trong lòng mình, đây cũng là kiểu nhân vật trữ tình khá phổ biến trong các khúc hát giao duyên Việt Nam” (8).
Ngôn ngữ người Việt có một đặc điểm nổi bật là nhịp đôi và sự hài hòa, cân đối. Chính cái đặc điểm cân đối và nhịp đôi đã đưa đến sự hình thành và ổn định của thể thơ lục bát: Số chữ chẵn 6 - 8, nhịp đôi. Trong cách nói hàng ngày cho đến nay vẫn ưa nhịp đôi: ăn nói, nhà cửa, rơm rạ, lúa má, đi đứng, đong đưa,... Sự cân đối trong thơ được biểu hiện ở nhiều phương diện, cân đối thanh nhịp, từ, ý:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Không đi thì nhớ thì thương
Đi thì lên động xuống chuông nhọc nhằn
Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi để anh chịu sào
Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng...
Lên - xuống, cao - thấp, già - trẻ, anh - em, đen - bạc, chua - chát, đắng - cay...những cặp từ đối lập về ý nghĩa, màu sắc, khuôn dạng, nhịp điệu, thanh điệu thường được ca dao sử dụng để diễn tả những cung bậc tình cảm nhất định. Cũng có khi gieo vần một cách lạ lẫm kết hợp với thanh điệu đã tạo ra kết quả biểu cảm đến không ngờ:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay
Biếc đi với tiếc,  trong thơ lục bát hay thơ ca dân gian nói chung gieo vần bằng thanh trắc mà lại là dấu sắc quả là có vấn đề. Vì thông thường những vần mang thanh trắc như vậy thường được cho là không xuôi tai, thuận miệng người Việt. Nhưng cảnh ngộ và tâm trạng của người con trai gặp người con gái quá muộn, câu thơ tạo được hiệu quả nghệ thuật cao: như một tiếng nấc nghẹn ngào, góp phần bộc lộ nỗi đau thất tình - nuối tiếc mà chất chứa sự chung tình - dở dang.
Như vậy, nhịp điệu của ca dao như những nốt nhạc gõ lên mặt trống của tâm hồn, đánh thức mọi tâm hồn rung  ngân cùng câu ca. Nhịp điệu cũng là một chất liệu chủ yếu để khám phá sâu hơn nơi lắng đọng của tâm hồn người Việt trong ca dao.
* Bài viết được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc Gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII1. 4-2011.10
Chú thích:
(1) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên)(2009),Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, tr. 238
(2) Nguyễn Xuân Kính (2006), Thi pháp ca dao, NXB KHXH.
(3) Phạm Thu Yến (1998), Những thế giới nghệ thuật ca dao, NXB Giáo dục
(4) Vũ Ngọc Phan (1997), Tục ngữ ca dao dân ca VN, NXB KHXH
(5) Website:  (vi.wikipedia.org/wiki/ Trần Dần)
(6) Ngô Thị Thanh Quý (2014), “Đặc trưng cảm xúc trong ca dao”, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 363, tr. 15 - 18 (Bài viết  được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc Gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII1. 4-2011.10)
(7) Ngô Thị Thanh Quý (2014), “Tục ngữ người Việt từ truyền thống đến hiện đại”, Tạp chí nghiên cứu văn học, số 2, tr. 99-114.
(8) Nguyễn Xuân Lạc (1998), Văn học dân gian Việt Nam trong nhà trường, NXB Giáo dục, tr.163.
Ngô Thị Thanh Quý
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, 
số 1, 2015, Tr. 75
Theo http://khoavan.dhsptn.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những chuyển động của hiện thực tinh thần trong Dưới trăng và một bậc cửa Trong sự liên thông, chuyển động giữa hồi tưởng, kí ức, cõi âm...