Nhân
vật người anh hùng trong một số
1. Phan Bội Châu (1867 - 1940) là một trong những nhà hoạt động
cách mạng tiêu biểu trong phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX ở Việt
Nam. Ông đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá là “bậc anh hùng, vị thiên sứ,
đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” (1).
Trên con đường hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã sử dụng văn chương như một
thứ vũ khí tuyên truyền đắc dụng nhất. Ông đã để lại một sự nghiệp văn học
phong phú đồ sộ với nhiều thể loại và góp một vị trí nhất định trong dòng văn học
cách mạng Việt Nam. Văn thơ của Phan tiên sinh đã thể hiện rõ tính giao thời giữa
văn học trung đại và văn học hiện đại, sự kế thừa và cách tân, sự đổi mới và
sáng tạo, tính hiện đại vẫn đan xen cùng dấu ấn truyền thống. Tìm hiểu một số
truyện ký của Phan Bội Châu sẽ cho chúng ta những minh chứng cụ thể về vấn đề
này.
2. Các tác phẩm:Tái sinh sinh, Tước Thái thiền sư, Chân Tướng
quân của Phan Bội Châu viết về những nhân vật có thật trong cách mạng
nhưng đã được tác giả hư cấu thêm (2). Ba tác phẩm này được viết bằng chữ
Hán đăng trên tạp chí Binh Sự (ở Hàng Châu, Trung Quốc) trong các số 39, 41,
42, 43, 54, 55, 56, 57 từ tháng Bảy năm 1917 đến tháng Giêng năm 1919. Có nhà
nghiên cứu gọi đây là truyện ký, cụ thể hơn là truyện anh hùng, liệt sĩ (3),
có tác giả lại cho rằng đó là truyện và nhấn mạnh “nhưng cách viết
thì khác với các truyện được viết trước đó” (ở đây người viết có ý phân biệt với
các truyện viết theo kiểu liệt truyện trong Việt Nam vong quốc sử) (4). Tuy
quan niệm về thể loại ở những tác phẩm này không hoàn toàn thống nhất nhưng có
thể thấy, các tác giả đều cho rằng Phan Bội Châu đã có một cách viết khác với
trước, không chỉ đơn giản là kể lại tiểu sử, tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng
của các nhân vật như trong một số truyện cũng viết về gương các anh hùng trước
đó. Trong ba truyện này, nhà chí sĩ đã khắc họa nhân vật cách mạng bằng những
hình tượng có hư cấu. Kỹ thuật viết truyện đã có nhiều cách tân, đổi mới so với
truyền thống. Vậy Phan tiên sinh đã sử dụng nghệ thuật gì để tạo nên sự đổi mới
trong việc khắc hoạ nhân vật người anh hùng? Từ góc nhìn thi pháp văn học trung
đại, chúng ta thử tìm hiểu ba truyện ngắn chữ Hán viết về người anh hùng của
Phan Bội Châu để góp phần lý giải thêm vấn đề.
Nhân vật người anh hùng của Phan Bội Châu có thể coi là thoát
thai từ mô hình truyện về thánh nhân quân tử. Theo tác giả Thi pháp truyện
ngắn trung đại Việt Nam (5), thánh nhân quân tử là mẫu hình nhân vật lý tưởng của
Nho gia. Họ là những nhân vật phi phàm, xuất chúng, là típ nhân vật lý tưởng -
chính diện: những đấng bậc anh hùng, thánh nhân, vua chúa, nho gia, thiền sư…
Tóm lại, đó là những con người có tài đức lỗi lạc và chủ yếu là kiểu truyện viết
về người đàn ông. Hầu hết các truyện kể về nhân vật lý tưởng này đều dùng các biện pháp nghệ thuật
“tô đậm màu sắc thần kỳ, phi thường, khác thường” để làm nổi bật nhân vật.
Phổ biến nhất là “liệt kê một số đặc điểm phi thường về ngoại hình và các phẩm
chất đạo đức, tinh thần, những năng lực khác” của nhân vật người anh hùng(6).
2.1. Nhìn một cách tổng quan, mô hình về các nhân vật lý tưởng
trong văn học chữ Hán thời trung đại thường chú ý đến ba giai đoạn, đó là: xuất
thân, hành trạng hoạt động và cái chết của nhân vật. Trong đó, các tác giả thường
chú trọng khắc hoạ sự xuất thân mang nhiều yếu tố phi thường, kỳ vĩ và cái chết
hiển thánh, sống trong lòng dân của các nhân vật thánh nhân quân tử. Còn hành
trạng hoạt động của nhân vật được kể sơ lược, tóm tắt, chủ yếu là tổng kết các
chiến công.
Trong ba truyện ngắn của Phan Bội Châu, chỉ có duy nhất một
truyện (Chân Tướng quân) đề cập đến nguồn gốc xuất thân của nhân vật. Hai truyện
còn lại (Tước Thái thiền sư và Tái sinh sinh) chỉ nói đến hành tung của
nhân vật là nhà sư và nhà nho còn quá trình sinh ra và những đặc điểm về hình
thể, tài năng… đều bị bỏ qua không hề được khắc họa. Trong truyện Chân Tướng
quân, xuất thân của người anh hùng cũng không hoàn toàn kỳ bí, phi thường như mẫu
nhân vật thánh nhân quân tử của văn học trung đại mà đã có nhiều biến đổi.
Qua lời kể của một người dân, tiểu sử của Hoàng Hoa Thám hiện
ra đan xen các yếu tố hư và thực: “người mới sinh ra đã bị mất cha, không biết
cha là ai, mẹ thì nghèo khổ, lưu lạc tới đây, nương tựa vào nhà họ Hoàng… Làm
con nuôi họ Hoàng, do đó lấy họ Hoàng. Sáu tuổi mẹ chết, cha nuôi cũng chết, bơ
vơ côi cút, đi ở chăn trâu, nhà nghèo không có khả năng đi học… Một vị Chân Tướng
quân mà không biết được một chữ quèn!”(7).
Nếu như các nhân vật anh hùng truyền thống thường được nhấn mạnh
ở nguồn gốc xuất thân thần kì, khắc hoạ ở chi tiết sinh nở kì lạ thì nhân vật
anh hùng của Phan Bội Châu không được chú trọng ở yếu tố này. Trong lời kể về
lai lịch xuất thân của Hoàng Hoa Thám, người đọc không còn bắt gặp các yếu tố
có “tính chất vũ trụ” hỗ trợ cho vị thế linh thiêng của nhân vật nữa. Các chi
tiết kiểu như: lúc sinh ra có “ánh sáng đỏ”, có “mùi hương lạ” hay sự xuất hiện
của “rồng vàng”, “hổ đen”, “khỉ trắng”…. khi nhân vật ra đời đều không có. Tuy
lai lịch nhân vật không còn mang yếu tố kỳ lạ như truyền thống nhưng cũng không
hoàn toàn đoạn tuyệt với truyền thống, mà bước đầu tạo ra sự những suy luận cho
người đọc. Tác giả không nói rõ cha của Hoàng Hoa Thám là ai một cách cụ thể,
chỉ biết rằng “mới sinh ra đã bị mất cha”. Người đọc có thể liên tưởng nguồn gốc
xuất thân của Hoàng tướng quân là thần linh hoặc cũng có thể nghĩ tới một người
dân bình thường như bao người khác. Điều này tạo ra hướng mở trong việc giới
thiệu xuất thân của nhân vật anh hùng.
Trong mẫu người anh hùng danh nhân của Nho gia,“một trong những
dấu hiệu bộc lộ tài năng thiên phú, khiến nhân vật ấy khác thường là tài thơ
văn”(8). Các nhân vật anh hùng không chỉ ứng đối nhanh nhẹn, xuất khẩu thành
thơ như một tố chất thiết yếu mà thơ văn còn thể hiện chí “vá trời lấp biển”, “bộc
lộ khát vọng, hoài bão chính trị” của họ.Thậm chí, “qua thơ văn có thể đánh giá
được phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị - xã hội của nhân vật”(9). Như vậy,
tài thơ văn là một trong những tiêu chí không thể thiếu của mẫu người anh hùng
trong văn học trung đại. Ngược lại, nhân vật Hoàng Hoa Thám của Phan Bội Châu
không những không biết “nhả ngọc, phun châu” mà “một chữ quèn” cũng không biết!
Rõ ràng ở đây tác giả đã có sự cách tân so với thi pháp trung đại khi miêu tả mẫu
người thánh nhân quân tử. Người anh hùng trong con mắt của Phan tiên sinh thật
gần gũi, bình dị. Ông đã đưa người anh hùng từ thế giới cao sang, quyền quý về
với đời thường, bình dân.
Tuy có sự cách tân nhất định, nhưng bên cạnh đó, Phan Bội
Châu cũng vẫn kế thừa thi pháp truyền thống khi liệt kê một số đặc điểm về hình
thể, tướng mạo khác người của nhân vật: “Hồi còn nhỏ, tính nết hết sức đặc biệt,
người khoẻ mạnh béo tốt, sức mạnh như hổ, khi chơi đùa đánh nhau với kẻ chăn
trâu thì một mình có thể đánh nổi vài chục đứa… Ngài rất can đảm, tài trí, có
thể bắt gà của người ta giữa ban ngày mà không ai biết”(10). Chân dung, tính
cách, tài năng nhân vật được miêu tả hết sức khái quát nhưng đã bộc lộ được thần
thái khác người của nhân vật.
Ngoài các chi tiết khẳng định phẩm chất của người anh hùng
như: tính nết đặc biệt, sức mạnh như hổ, đánh được vài chục đứa trẻ…rất giống với
cách miêu tả trong truyền thống về tài năng phi thường của nhân vật. Chi tiết bắt
trộm gà có thể sẽ gây tranh luận cho người đọc. Đây được coi là chi tiết đời
thường, trần tục, hầu như vắng bóng khi miêu tả mẫu người thánh nhân quân tử. Bởi
thế giới của họ là vùng “đất thiêng”, nơi các cám dỗ trần tục của dục vọng cá
nhân, nhất là sắc dục bị “truy đuổi gắt gao”. Nhưng những chi tiết kiểu này lại
rất phổ biến khi miêu tả mẫu nhân vật bình phàm trong văn học chữ Hán thời
trung đại. Phải chăng tác giả chủ trương miêu tả đan xen, xâm nhập giữa hai mẫu
nhân vật để tạo nên tính bình dân cho mẫu người anh hùng của mình?
Theo chúng tôi, mặc dù Phan tiên sinh chủ trương bình thường
hoá người anh hùng, nhưng mẫu người anh hùng trong sáng tác của ông vẫn thuộc mẫu
thánh nhân quân tử. Trước hết, tác giả không nhấn mạnh vào hành động ăn trộm của
nhân vật, mà nhấn mạnh vào cách thức “bắt gà” - bắt “giữa ban ngày mà không ai
biết” để khẳng định sự tài trí, nhanh nhẹn của Hoàng Hoa Thám. Quan trọng hơn
là thái độ của Hoàng Tướng quân đối với việc này. Tác giả viết: “Bắt được bao
nhiêu gà đều đem cả về cho các bạn chăn trâu, rồi tụ họp nhau nấu nướng cùng ăn
với nhau rất vui vẻ. Cũng có những nhà nuôi gà không đem nộp cho ngài, nhưng
Quan lớn không hề nói một lời. Ngài thường nói: Gà của nhà giàu nuôi là để cung
phụng cho bọn anh em chúng tôi, nếu anh em không đòi hỏi, thì tôi lấy mà làm gì”(11).
Như vậy, nếu như nhân vật bình phàm thường được chú ý miêu tả ở các chi tiết trần
tục để qua đó khẳng định một cá tính trong đời thường, một phẩm chất trần tục
thì Hoàng Hoa Thám lại được khắc hoạ về phương diện thái độ đối với chi tiết được
coi là trần tục, bình phàm. Qua đó, tác giả khẳng định tính cách cao quý của
người anh hùng: nghĩ cho anh em, nghĩ cho mọi người chứ không phải cho dục vọng
cá nhân của mình. Hoàng Hoa Thám đã trở thành vua mục đồng trong mắt của đám trẻ
chăn trâu ngay từ thuở bé qua hành động đó.
Về cái chết của nhân vật thánh nhân quân tử, hầu hết các truyện
ngắn thời trung đại thường đề cập đến cái chết của nhân vật, kèm theo lời kết
mang tính chất đánh giá, khẳng định hoặc thông báo về việc hậu thế ca ngợi, tôn
thờ nhân vật ấy. Cũng có khi cái chết của nhân vật anh hùng được miêu tả theo
xu hướng chuyển sang một trạng thái khác, thường là hoá thần và trở về phù hộ
cho dân lành. Trong truyện ngắn của Phan Bội Châu, các nhân vật anh hùng không
thấy nói đến cái chết. Hoàng Hoa Thám sau nhiều năm cầm cự với giặc cuối cùng
đi vào rừng sâu không thấy trở về. Lệ Mai tử, Trần Thiện Quảng cũng không thấy
nói đến cái chết. Rõ ràng, ở đây, tác giả đã không chú trọng khác họa cái chết.
Dường như Phan Bội Châu chủ trương không muốn nhắc đến cái chết, tránh tạo
không khí bi lụy cho người đọc, hơn nữa nhân vật của ông cũng không thể hoá thần
như những nhân vật thánh nhân quân tử trong truyền thống - một điều rất khó
thuyết phục người đọc khi khoảng cách giữa độc giả và nhân vật lịch sử vẫn còn
khá gần gũi - hay nói cách khác, người đọc vẫn kiểm chứng được hành tung của
nhân vật nên nói đến sự hóa thần là điều khó được chấp nhận. Do vậy, tác giả đã
tránh không nói đến cái chết nhằm tạo tinh thần lạc quan và khích lệ nhân dân
noi gương các anh hùng xả thân, cứu nước. Chúng ta có thể coi đây cũng là một ý
đồ cách tân trong truyện của Phan Bội Châu mà tác giả muốn gửi gắm cho độc giả
của mình nhằm đạt được mục đích tuyên truyền cách mạng.
Tư tưởng cách tân thi pháp truyền thống để truyền tải mục
đích cách mạng như trên cũng được thể hiện khá triệt để và nhất quán khi Phan Bội
Châu chú trọng khắc hoạ sâu sắc và nổi bật hành trạng hoạt động của nhân vật
người anh hùng. Quá trình tìm đường tham gia và hoạt động cách mạng của nhân vật
được Phan Bội Châu chú trọng hơn cả trong các chi tiết miêu tả người anh hùng. Ở
cả ba truyện ngắn, hành trạng hoạt động và tham gia cách mạng của người anh
hùng đều được tác giả đề cập đến và với dung lượng nhiều hơn cả.
Hoàng Hoa Thám (Chân Tướng quân) chỉ có một thân một mình với
đám tàn quân, không có khí giới, binh lương mà dám xông pha, cầm cự với giặc
hàng chục năm trời không chịu khuất phục. Thậm chí, với lòng tự tôn dân tộc
cao, tác giả đã so sánh Hoàng Hoa Thám với những tướng tài của thế giới như Nã
Phá Luân (Napoléon) hay Hoa Thịnh Đốn (Washington) để khẳng định vị thế, tinh
thần hơn người của vị tướng quân chân chính này. Dưới ngòi bút của Phan Bội
Châu, Hoàng Tướng quân có những hành động “xuất quỷ, nhập thần” khiến cho mọi
mưu kế của giặc đều bị thất bại. “Thuê người ám sát, giả hòa đánh úp, mời hội
nghị để đầu độc, kế của giặc gian hiểm đến thế là cùng mà vẫn không giết nổi Tướng
quân, chỉ có trời phú chứ sức người không sao làm nổi”(12). Vị tướng quân họ
Hoàng chỉ có một mình với đám tàn quân trong khi lương thực, khí giới không có
đã dám chống lại giặc, cầm cự với chúng hàng chục năm trời… Qua đó khẳng định
rõ chí khí anh hùng của nhân vật. Tác giả còn nhấn mạnh các mưu kế của giặc
hòng giết hại tướng quân đều bị phát hiện và làm cho thất bại (thuê người giám
sát, giả hoà đánh úp, mời ăn để đầu độc… không giết nổi tướng quân). Điều này
được lý giải: “chỉ có trời phú cho chứ sức người không sao làm nổi”. Hành động
của người anh hùng đã được lý tưởng hóa, thần thánh hoá.
Trần Thiện Quảng (Tước Thái thiền sư) có quá trình đến với
cách mạng cũng thật đặc biệt. Tưởng có thể quay lưng lại với việc đời, nhưng
trước cảnh nước mất, nhà tan, nhà sư đã không thể yên lòng “mũ ni che tai” mà
quyết tâm đi tìm Phật để hỏi con đường cứu nước. Để đến được nước Phật xa xôi,
Trần Thiện Quảng đã quyết tâm từ bỏ mọi cám dỗ trần tục, luyện cho mình mỗi
ngày ăn một bữa, chỉ ăn rau, không ăn cơm, không ăn thức ăn mặn, thịt, cá (được
gọi là nhà sư ăn rau). Khác với một số kẻ mượn cửa Phật để trốn việc đời, hòng
an phận no cơm, ấm áo, hoặc chỉ “bo bo giữ mình cho ý chí thanh cao, trong sạch”,
Trần Thiện Quảng là một nhà sư nhưng lại có những hành động kỳ dị, khác thường:
“Một mình một thuyền, bơi trên biển cả, ngồi nghiêm trang tụng kinh, thân thể vẫn
chu toàn. Đó là việc kỳ dị thứ nhất. Bốn phương trời Nam bát ngát, vạn dặm coi
như gang tấc, dấn thân vào nơi nước Phật, giác ngộ đạo Phật rồi quay trở về. Đó
là việc kỳ dị thứ hai. Là một người đi tu mà vẫn gánh vác việc nước, vào nơi
hang hùm miệng sói, dù phải hy sinh cũng không tiếc thân mình. Đó là việc kỳ dị
thứ ba. Hạt gạo không ăn, đồng tiền không lấy, nhiệt tâm yêu nước, đem thân đảm
nhiệm công việc. Đó là việc kỳ dị thứ tư. Có bốn việc kì dị đó, nên nhà sư đã
trở thành một nhà sư kỳ dị”(13). Chính sự khác thường này đã khắc họa tính chất
anh hùng của nhân vật.
Trong Tái sinh sinh, nhân vật Lệ Mai tử cũng được khắc họa
thật đặc biệt. Trong nhà ngục bị đại dịch tả, rất nhiều người chết nhưng Lệ Mai
tử chưa bị nhiễm bệnh. Nhân cơ hội đó, ông đã nghĩ ra một mưu kế để thoát khỏi
nhà ngục trở về với cách mạng. Lệ Mai đã bàn bạc cùng hai người thân tín, uống
thuốc sổ để giả bị bệnh, kiệt sức chết, người nhà đến xin xác đem đi chôn rồi nửa
đêm bí mật đào mộ chui lên. Hành động giả chết để thoát khỏi nhà ngục của Lệ
Mai cực kì nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng nhưng với lòng quyết
tâm được trở lại tham gia cứu nước cùng anh em đã giúp cho Lệ Mai tử đạt được ước
nguyện của mình. Đây cũng được coi là một hành động phi thường hiếm có, dám “chết”
để được “sống” của nhân vật.
Như vậy, cả ba nhân vật Hoàng Hoa Thám, Trần Thiện Quảng và Lệ
Mai đều không có xuất thân kì bí phi thường. Họ là những người anh hùng nhưng
thật bình dị, đời thường: một nông dân nghèo khổ côi cút dám đứng lên đòi tự
do; một nhà sư không an phận ngồi nhìn cảnh đời bị áp bức và một nhà nho có khí
tiết không chấp nhận cảnh nô lệ của dân tộc. Tuy nhiên, chính hành động của họ,
ý chí quyết tâm tìm đường cứu nước, có lí tưởng yêu nước cao cả, sẵn sàng hi
sinh cho đất nước, bằng mọi cách tìm ra con đường hoạt động cách mạng đã tạo ra
sự khác biệt, lạ thường mà tác giả gọi là “kì dị”.
Và điều ấn tượng nhất, gây hấp dẫn hơn cả với độc giả chính
là quá trình đến với cách mạng và hoạt động cho cách mạng của các nhân vật.
Không ai giống ai nhưng tất cả đều thể hiện rõ ý chí quyết tâm và lòng sục sôi
cách mạng muốn cống hiến đến cùng cho đất nước. Tại sao tác giả lại chú trọng
miêu tả qúa trình tham gia và hoạt động cách mạng của các nhân vật anh hùng?
Trong quan niệm của Phan Bội Châu, trong xã hội có ba hạng
người: xu thế, yếm thế và cứu thế. “Bọn người xu thế, dựa theo thế tục để sống.
Đó là cuộc sống hèn mạt, bẩn thỉu không đáng kể. Bọn người yếm thế thì chỉ biết
bo bo giữ mình cho ý chí thanh cao trong sạch, không bổ ích gì cho đời. Họ cũng
chỉ là như những cục thịt thừa trong vũ trụ mà thôi. Điều mà tôi cung kính sùng
bái ở đây là những con người cứu thế. Họ dám xoay chuyển càn khôn, dời non lấp
biển, ấp ủ trong lòng một ý chí quật cường để mưu sự nghiệp cho đời sau. Công
lao đó gần như bậc người tạo thế”(14). Thái độ của Phan Bội Châu rất rõ ràng.
Ông không chấp nhận những kẻ xu thế, chỉ biết mưu lợi cho cá nhân bản thân
mình, sẵn sàng bán rẻ giang sơn cho giặc, làm chim mồi chó săn cho quân cướp nước.
Ngay cả với đối tượng yếm thế, một thái độ xuất - xử của nhà Nho xưa vốn vẫn được
truyền thống coi trọng về nhân cách thì nay Phan Bội Châu lại không chấp nhận.
Ông coi những người ngoảnh mặt trước cơn phong ba của đất nước là kẻ không đáng
trọng, chỉ biết “giữ ý chí cho thanh cao trong sạch” mà không có hành động cứu
nước cụ thể thì cũng chỉ là “cục thịt thừa trong vũ trụ” mà thôi. Đây được coi
là quan niệm mới so với truyền thống. Trong quan niệm của các nhà Nho truyền thống,
thái độ ở ẩn, bất hợp tác với giặc cũng có thể được coi là biểu hiện lòng yêu
nước thầm kín, và được đánh giá là một nhân cách đẹp đáng được trân trọng trong
xã hội (ví dụ trường hợp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến). Nhưng đến Phan
Bội Châu, quan niệm này không được chấp nhận nữa. Trong mắt nhà cứu nước đầu thế
kỷ, chỉ những người cứu thế - dám xả thân mình hành động cứu nước mới là người
anh hùng. Thậm chí, tác giả còn coi họ như đấng tạo thế, có thể làm thay đổi cục
diện thời thế. Tất cả các tác phẩm viết về người anh hùng của Phan Bội Châu đều
xoay quanh người anh hùng cứu thế, người anh hùng lấy lí tưởng cứu nước làm lẽ
sống. Vấn đề sống còn của đất nước lúc đó theo quan niệm của Phan Bội Châu là mỗi
cá nhân phải có hành động cụ thể, dám hi sinh thân mình để cứu nước, cứu dân. Từ
đây, đối tượng người anh hùng có thể mở rộng, không cần đến xuất thân quyền quý
cao sang, trâm anh thế phiệt, chỉ cần có lí tưởng yêu nước, dám xả thân cứu nước
đều có thể trở thành anh hùng. Chính vì vậy, nhân vật người anh hùng của Phan Bội
Châu có xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội không phân biệt
giàu, nghèo…Ông đã phá vỡ thi pháp truyền thống, đưa người anh hùng trở về thế
giới của đời thường, gần gũi. Hầu hết nhân vật anh hùng của Phan Bội Châu đều
có xuất thân rất đời thường, bình dân, thậm chí cả những người phụ nữ cũng có
thể trở thành anh hùng. Trong Trùng Quang tâm sử có cô Triệu mồ côi,
nhà nghèo bị đem bán vào nhà ả đào học nghề múa hát. Cô Liên vốn con nhà gia thế
nhưng cha ông đều chết vì nước nên đi tu ở chùa. Họ làm nghề đàn hát để tìm cơ
hội giết giặc, bầy trò chuốc rượu nghe hát để cướp của cống nạp chia cho dân
nghèo. Họ đã làm cách mạng theo khả năng thực có của mình. Rõ ràng tư tưởng này
đã ít nhiều phai nhạt màu sắc Nho giáo, thể hiện phần nào sự ảnh hưởng của tư
tưởng duy tân từ Trung Quốc và Nhật Bản tác động tới các nhà Nho nước ta những
năm đầu thế kỷ XX. Đây cũng là điều tạo ra sự khác biệt cơ bản trong mô hình
truyện viết về danh nhân, anh hùng của Phan Bội Châu so với truyền thống.
Như vậy, những con người kiệt xuất được nhìn như những con
người vũ trụ là cách nhìn xuyên suốt thời trung đại và vẫn còn tiếp tục ở đầu
thế kỷ XX trong các tác phẩm của Phan Bội Châu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của
không khí thời đại, nó đã được thay đổi và cải biến đi nhiều theo chiều hướng
cách mạng, phù hợp với việc tuyên truyền, cổ vũ cho phong trào cách mạng đương
thời. Qua đó, chúng ta cũng nhận thấy những bước tiếp nối và cách tân của Phan
Bội Châu về thi pháp so với truyện ngắn trung đại Việt Nam khi viết về người
anh hùng.
2.2. Bên cạnh quan niệm nghệ thuật về con người thì không gian
và thời gian nghệ thuật cũng là những phương diện quan trọng cho thấy sự kế thừa
và cách tân thi pháp truyện ngắn trung đại trong các truyện ngắn của Phan Bội
Châu.
Trước hết, về không gian nghệ thuật, tác giả Phan Bội Châu có
kế thừa từ truyền thống khá rõ. Trong các truyện thời trung đại, không gian vũ
trụ là phổ biến để phù hợp với kiểu con người của thiên hạ. Nhân vật có thể hoạt
động trong phạm vi vùng, quốc gia hoặc liên quốc gia. Nhân vật Hoàng Hoa Thám (Chân
Tướng quân) đã hoạt động trong phạm vi vùng đất Yên Thế, là thủ lĩnh của cả một
vùng đất, giặc không sao khuất phục được. Lệ Mai tử (Tái sinh sinh) sau khi ra
khỏi nhà ngục đã tham gia hoạt động cách mạng di chuyển từ vùng này sang vùng
khác trong phạm vi quốc gia. Trần Thiện Quảng (Tước Thái thiền sư) không ngại
khó khăn gian khổ đã trèo đèo, lội suốt, vượt biển qua nhiều nước để tìm được đến
Ấn Độ - đất của Phật hi vọng tìm ra con đường cứu nước. Kiểu không gian vũ trụ
này cho thấy hoạt động xã hội của nhân vật rất rộng lớn.
Bên cạnh đó, không gian nghĩa địa, mồ mả và không gian trần
thế thực tại cũng thấy xuất hiện trong các truyện kí của Phan Bội Châu. Không
gian trần thế tưởng là nơi mang đến sự sống cho con người nhưng lại chỉ là chết
chóc, hình ảnh nhà ngục hiện lên với: “Những người bệnh tật, đói khát, đau đớn,
già yếu ở trong ngục kế tiếp nhau chết mòn. Ma mới kêu oan, ma cũ khóc. Tiếng
rên rỉ thê lương, cảnh đau thương thảm thiết là những việc hàng ngày diễn ra
bên tai, trước mắt”(15) .
Ngược lại, không gian nghĩa địa tưởng chỉ dành cho cái chết
thì lại mang lại sự sống cho con người: “Vầng trăng của hôm Tết Trung nguyên
vươn lên soi sáng cả phần mộ. Dưới ánh trăng, đàn quạ kêu ríu rít ở trên cây
bên cạnh mộ tựa như lời hát chào mừng người trong mộ địa”(16)
Tác giả đã đối lập hai không gian: không gian nghĩa địa vốn
là nơi chết chóc thì lại chính là nơi con người được hồi sinh vì ở đó được tự
do hít thở khí trời, tắm mình dưới ánh tà dương, gió mát, có ánh sáng và không
khí với khoảng trời rộng mênh mông… Đó là thế giới của tự do và sự sống. Còn ngục
tù là thế giới của kiếp sống nửa người, nửa ma, hôi hám, nồng nặc mùi xác chết
“dải thành phía Bắc thây chết dịch vất ngổn ngang tựa như một làng ma quỷ giữa
ban ngày”(17). Chính vì thế khi Lệ Mai từ trong mộ bước ra như được hồi
sinh vậy. Sau khi được “cởi bỏ chiếu tù và tấm áo che thân, nhờ nước mưa làm chậu
nước tắm, gội rửa sạch những cáu ghét từ mấy năm đã bám vào da dẻ. Lệ Mai tử từ
trong mộ bước ra không khác gì khi chúa Giêxu phục sinh vậy”(18). Ở đây tác giả
Phan Bội Châu đã cho người đọc một cảm nhận rất cụ thể: không gian nghĩa địa
không phải là không gian chết chóc, âm u ghê rợn, mà chính không gian thực tại
của nhà tù mới là không gian của cái chết với bệnh tật, xác chết và ma quỷ hiện
hình…Điều này cũng thể hiện sự tố cáo hiện thực xã hội đương thời của tác giả,
xã hội thực tại chỉ có nhà tù với bệnh dịch, không mang lại sự sống cho con người.
Đặc biệt ở phần cuối của truyện Tái sinh sinh người viết còn đan xen
một câu chuyện về giấc mơ được xuống âm phủ xem xử án với “vai trò điện báo” để
tuyên cáo cho nhân gian biết “pháp luật của âm ti rất công bằng”. Tại sao tác
giả lại để cuộc xử án diễn ra ở thế giới khác - thế giới âm phủ? Phải chăng chỉ
không gian âm phủ - kinh thành của vua Diêm La mới là nơi có sự công bằng và
khách quan, còn thực tại trần thế lúc đó không tồn tại sự công bằng? Gián tiếp
một lời tố cáo xã hội thực tại.
Về thời gian nghệ thuật, truyện ngắn của Phan Bội Châu cũng
có những kế thừa và cách tân nhất định. Truyện ngắn trung đại chủ yếu là thời
gian tuyến tính diễn biến theo đời người với quy luật: sinh - lão - bệnh - tử.
Truyện của Phan Bội Châu không tuân thủ hoàn toàn nguyên tắc này. Thời gian tuyến
tính vẫn xuất hiện khi miêu tả về nhân vật Hoàng Hoa Thám (thuở nhỏ như thế
nào, lớn lên ra sao), tuy nhiên không nhiều. Tác giả chú ý nhiều đến thời
gian thực tại, cụ thể. Đó là thời gian Hoàng Hoa Thám bài binh bố trấn, chuẩn bị
lương thực, khí giới để chống giặc (sáng hôm sau, một ngày tháng Chạp, mùa xuân
năm ấy đến năm Mậu Thân, tháng mười hai… ) Thời gian miêu tả về diễn biến
quá trình giả chết của Lệ Mai tử đầy hồi hộp, căng thẳng, gấp gáp. Thời gian
hành trình đến Ấn Độ của Trần Thiện Quảng với các mốc cụ thể. Chủ yếu các nhân
vật anh hùng được khắc hoạ trong thời gian hoạt động cách mạng - tức là khoảng
thời gian cụ thể, ở thời điểm thực tại chứ không phải toàn bộ quá trình về cuộc
đời của một con người như văn học trung đại. Thời gian đời tư cá nhân ít xuất
hiện, phần lớn là thời gian gắn liền với các sự kiện, hoạt động của nhân vật
mang tính chính trị. Điều này cho thấy tác giả chú trọng vào thời gian hoạt động,
cống hiến cho cách mạng của nhân vật nhằm làm nổi bật hành động anh hùng của
nhân vật.
3. “Trong
dòng chảy của lịch sử văn chương, có những hiện tượng, những tác giả, hoặc tác
phẩm trở nên giá trị không phải vì chúng là kiệt tác mà bởi chúng đại diện xuất
sắc cho hiện thực phát triển của thời đại ấy”(19). Có thể coi ba truyện kí của
Phan Bội Châu (Chân Tướng quân, Tước Thái thiền sư, Tái sinh sinh) viết về người
anh hùng mà chúng tôi đã khảo sát ở trên là những đại diện xuất sắc cho hiện thực
về văn học giao thời Việt Nam ở khu vực văn học cách mạng viết bằng chữ Hán.
Qua ba tác phẩm này, ta thấy rõ sự chuyển đổi thi pháp truyện ngắn chữ Hán ở loại
truyện viết về danh nhân, anh hùng. Dấu ấn truyền thống vẫn hiện tồn trong mô
hình về người anh hùng cùng quan niệm về không gian và thời gian nghệ thuật,
nhưng không khí thời đại đã mang đến sự cách tân sâu sắc. Phan Bội Châu đã đưa
người anh hùng từ thế giới cao sang trở về đời thường, bình dân và xác định được
mẫu người anh hùng tiêu biểu của thời đại mình: người anh hùng lấy lí tưởng cứu
nước làm lẽ sống.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị
Quốc gia, H.,1995, tr. 257.
(2) Chân Tướng quân viết về tướng quân Hoàng Hoa
Thám, Tước Thái thiền sư viết về nhà sư - liệt sĩ Trần Thiện Quảng, Tái
sinh sinh viết về nhà chí sĩ cách mạng Bùi Chính Lộ.
(3) Triệu Dương và Chương Thâu: Ba truyện anh hùng, liệt
sĩ của Phan Bội Châu: Chân Tướng quân, Tước Thái thiền sư, Tái sinh sinh, trong
cuốn: Phan Bội Châu toàn tập, tập 4. Nxb Thuận Hóa và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2001, tr 299.
(4) Trần Đình Hượu: Phan Bội Châu (1867 - 1940), trong
cuốn: Văn học Việt Nam 1900 - 1945, Nhiều tác giả, Nxb Giáo dục (tái bản),
H., 2009, tr.117.
(5) Trần Nho Thìn: Thi pháp văn học trung đại, trong cuốn: Văn
học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, H., 2008.
(6), (8), (9) Trần Nho Thìn: Thi pháp văn học trung đại,
trong cuốn: Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, Sđd,
tr.152-153.
(7), (10), (11), (12) Phan Bội Châu: Chân Tướng quân,
trong cuốn: Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, Sđd, tr.311-317.
(13), (14) Phan Bội Châu: Tước Thái thiền sư, trong cuốn: Phan
Bội Châu toàn tập, tập 4, Sđd, tr.335 - 326.
(15), (16), (17), (18) Phan Bội Châu: Tái sinh sinh,
trong cuốn: Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, Sđd, tr.340 - 344 - 343 - 346.
(19) Trần Hải Yến: Đường văn của nhà cách mạng Phan Bội
Châu, trong cuốn: Phan Bội Châu tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục, H., 2009,
tr.20.
Cao Thị Hảo
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học,
số 4 (506), tháng 4/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét