Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Đôi lời về chữ hiếu qua ca dao Việt Nam

Đôi lời về chữ hiếu 
qua ca dao Việt Nam
"Trong ca dao Việt Nam, chữ hiếu đóng một vai trò quan trọng, là nền tảng về đạo đức và luân lý xã hội. Nó góp phần giáo dục, xây dựng một xã hội mang tính nhân văn và hạnh phúc. Trước tiên và quan trọng hơn hết, ca dao nhấn mạnh đến công ơn trời biển và công đức sâu nặng của cha mẹ, một thứ công ơn khó mà diễn tả cho hết. Công ơn ấy được ví như núi Thái Sơn như nước trong nguồn vậy. Đây là một sự khẳng định không thể chối cãi được:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Ca dao Việt Nam đã diễn tả tình cha mẹ rất chính xác. Cha thương con hết mực nhưng cứng rắn, rất nghiêm khắc nên được ví sừng sửng của núi Thái sơn, một ngọn núi to cao hơn tất cả những ngọn núi khác xung quanh. Mẹ thương con ngọt lịm dịu dàng nên được sánh ví với suối nguồn luôn chảy êm ả, nhẹ nhàng, bất tận. Ca dao Việt Nam còn nhấn mạnh đến nỗi cực nhọc chín tháng cưu mang, ba năm bồng ẵm của người mẹ:
Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhủ bộ biết bao nhiêu tình.
Hay:
- Ðội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.
- Công cha nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân
- Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người ta phải xót xa
Ðáp đền nghĩa nặng như là trời cao!
Ngoài ra, ca dao còn diễn tả sự hy sinh vô cùng lớn lao của người mẹ:
Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn
Lên non xắn đá xây lăng phụng thờ.
Ðặc biệt ca dao còn xác nhận công lao cao dày của cha mẹ là một sự thật, một thực thể tình người, mà những ai đã có con cái thì sẽ cảm nhận chính xác nhất:
- Có con mới rõ sự tình
Xưa kia thầy mẹ thương mình thế nao.
- Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ (mẹ thầy).

Chính vì công lao sâu dày của cha mẹ là khôn cùng, ca dao Việt Nam khẳng định vị trí của cha mẹ là vô song, không gì có sánh bằng. Một khi cha mẹ mất, con cái phải chật vật, đau khổ và dường như mất đi cả ý nghĩa của cuộc đời:
- Còn cha gót đỏ như son
Mai sau cha mất, gót con lấm bùn
- Còn cha còn mẹ thì hơn
Mất cha mất mẹ như đờn đứt dây.
Trong các thứ tình cảm, ca dao khẳng định tình cảm giữa mẹ và con cái là cao quý nhất, vượt hơn hẳn tình yêu đôi lứa:
Cha mẹ già thật đã khó tìm
Ðạo vợ chồng chẳng hiếm chi nơi.
Chính vì thế, còn có nỗi đau nào hơn nỗi đau khi cha mẹ mất:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ cha nhớ mẹ chín chiều ruột đau
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Hay tình cảm đối với cha mẹ còn sống nhưng trong cảnh chia cách:
Gió thúc cội thung nhánh tùng khua rúc rắc
Nhớ cha mẹ già ruột thắc gan teo.
Tình cảm hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ đã trở nên một thứ tình cảm gắn bó bền lâu. Ca dao đã ví cha mẹ như chuối chín cây, như xôi nếp ngọt, như đường mía lau, để làm ngọt lịm cuộc đời và sự sống của con:
- Mẹ già như chuối chín cây
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi.
- Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Và do vậy, phận làm con phải luôn kính cha thương mẹ:
Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ
Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha.
Tuy nhiên ca dao cũng tích cực lên án những hạng người con bất hiếu, bỏ quên công ơn sinh thành dưỡng dục lao khổ của cha mẹ, trở lại tính tháng đếm ngày khi phải nuôi nấng cha mẹ:
Mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi mẹ tính tháng kể ngày.
Dĩ nhiên những hạng người vô ân bất hiếu đó sẽ không bao giờ nhớ đến sự khó nhọc và lao khổ của cha mẹ:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày mẹ thức đủ trọn năm.
Mặt khác, ca dao cũng không quên nhắc đến những trang nam tử, những nữ thiện nhân thành tâm hiếu dưỡng cha mẹ hết lòng, sớm thăm tối viếng:
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Ca dao cũng khen ngợi những người con có hiếu thảo, tảo tần chịu khó gian khổ, hiếu dưỡng cha mẹ từng miếng ăn nước uống, cho thỏa dạ chân tình:
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Hay tình cảm thống thiết của người con chẳng quản giàu nghèo, dưỡng nuôi cha mẹ, bằng tất cả những gì có được, dù phẩm vật ấy có thô sơ, đam bạc:
Dây bầu dây mướp cùng leo
Sớm nuôi cha mẹ giàu nghèo sá chi.
Ca dao Việt Nam còn tin vào nghiệp báo luân hồi, tin vào sự tái sinh, vào kiếp sống đời sau, tin vào những thiện nhân phước báo mà con cháu đã và đang làm; Ðồng thời ca dao còn tin vào quy luật nhân quả, ở đây là nhân hiếu quả hiếu, nhân bất hiếu thì quả bất hiếu. Ðây chính là bài học thiết thực và có giá trị về chữ hiếu mà người Việt Nam đã sống và thực hiện từ bao đời nay:
Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Ðừng mong con hiếu làm gì hoài công.
Nhờ có một nền tảng giáo dục luân lý đạo đức đặt trên cơ sở hiếu nghĩa như vậy, xã hội Việt Nam, con người Việt Nam đã xứng đáng với truyền thống:
Làm người hiếu nghĩa đi đầu
Hiếu cha hiếu mẹ việc nào cũng xong.
Tóm lại, trên nền tảng tôn thờ đạo hiếu thảo, xã hội Việt Nam có thể được xem là một xã hội chuẩn mực về đạo đức hiếu thảo và làm người.
Nguyễn Đức Quýnh
Theo http://vanhoanghean.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Võ Tòng ở Cảnh Dương

  Võ Tòng ở  Cảnh Dương Đây là vào khoảng Hốt tất Liệt đại đế đang nắm chính quyền nhà đại Nguyên. Trên toàn đất Trung Thổ. Đoàn hát Hồ Qu...