Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Gió qua đồng chó ngáp

Gió qua đồng chó ngáp
Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.
Chiếc xuỗng gắn máy đuôi tôm chở chúng tôi băng băng xé sóng trên dòng Vàm Cỏ Tây xanh biêng biếc, lấp loáng mây trời và in bóng hàng tràm gió thướt tha, huyền ảo, lung linh. Xuồng chạy độ nửa giờ thì quẹo vô con kinh ngầu đỏ phù sa.
Hai bên bờ kênh, xanh um những rặng đu đủ, trái như đàn heo núc ních treo chi chít suốt từ thân lên ngọn; những hàng chuối già ngả nghiêng bạt gió, quẫy có tới hàng hai ba chục nải, trái to như ngón tay ông Hộ Pháp... Thú vị nhất là chim. Chim bay hàng đàn hàng lũ, nhiều con to bằng vốc tay bình thản vô tư nhởn nhơ khắp trên bờ, dưới nước mò bắt cá tôm. Thấy tiếng động lạ chúng lập tức bay vù lên trời, kêu vang loạn xạ. Nào là cồng cộc, cốc đen, giang sen, bồ nông, cò trắng, cò bợ, cò ma...
Năm Đức, cán bộ phòng văn hóa hướng dẫn đoàn chúng tôi đi thực tế, kiêm luôn tài  công xuồng máy. Anh  rất xứng đáng là một thổ công, đồng thời là một nhà động vật học có tầm cỡ. Chúng tôi hỏi gì anh đều trả lời rất rành rẽ, rất say sưa!
Nhìn thấy một đôi chim rất to, mỗi con nặng cỡ năm sáu kilô và khi thấy động chúng phải chạy lấy đà như máy bay tới cả chục mét rồi mới giang cánh bay lên, kêu quác quác, nhà thơ nữ Ánh Tuyết liền hỏi:
- Anh Năm ơi, chim gì mà bự tổ chàng vậy?
Năm Đức nở nụ cười láu lỉnh trên khuôn mặt rám nắng đáp:
- Chim "già đẫy" đó, loài chim hay bắt cá tôm bên bờ nước. Chà, lâu lắm rồi mới lại thấy chim này bay về, quả là đất lành chim đậu! Một con này mà mần thịt, xé phay, trộn gỏi... mười thằng nhậu cứ là... quắc cần câu!
Ánh Tuyết nhếch mép cười tỏ vẻ khinh khi cánh đàn ông chúng tôi nghe thấy nhậu là sáng mắt, sáng lòng.
Tôi quan tâm nhiều tới đất đai. Nhìn hai bên bờ ven lòng kênh thấy đất trắng xóa, tôi hỏi, Năm Đức hào hứng trả lời:
- Đây là loại trầm tích Halogen, thường kêu là đất phù sa mới, thuộc vùng đất thấp, thấp hơn mặt biển. Thành phần chủ yếu là đất sét chứa nhiều sắt nhôm rồi đến cát vàng và bùn đen, kiếm cả ngày không thấy một hòn sỏi hay hòn cuội. Đất này phải thau chua, rửa mặn mới làm lúa được. Trung ương đào cho con kinh mới này, dẫn nước ngọt từ kênh Hồng Ngự vô đó. Ngày xưa, đất này chỉ có lúa ma. Đồng đất này tên là "cánh đồng Chó Ngáp" mà anh.
- Cái tên "chó ngáp" nghe kỳ kỳ, chắc là có sự tích gì chăng, anh Năm?
Hoàng Đô liền hỏi.
- Có chớ... nhưng mà thôi, tới xã, hỏi ông Ba Long kể cho nghe.
- Thế cái tên Đồng Tháp Mười sự tích ra sao- tôi hỏi.
- Vầy nè... ngày xửa, ngày xưa dân miền Trung dạt vô đây sanh cơ, lập nghiệp, khai khẩn đất hoang theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn. Họ đào thấy mấy cái tháp bằng gốm đổ nát nằm lẫn với sình. Đếm đi đếm lại cái nào cao nhất cũng chỉ đến mười tầng, vậy là họ kêu luôn khu này là Đồng Tháp Mười. Mấy ông già sống cách nay hai ba trăm năm thế mà khôn, thấy chi kêu nấy! Trên Sài Gòn có ngã ba Chú Ía, chắc là cha nào ngồi ỉa, các ông già nhìn thấy, đặt tên luôn, rồi sau mới kêu chệnh ra cho coi mòi văn minh, lịch sự.

Bọn tôi phì cười, Ánh Tuyết thì cười ngặt nghẽo, mặt đỏ tía. Nắng mỗi lúc một chói chang. Mặt trời đã lên ngang đỉnh đầu, không khí nóng lên hầm hập đến nỗi Năm Đức phải cởi phăng áo quãng ra sàn phơi ra bộ ngực chắc lẵn, đen đúa.
- Chừng mấy chục phút nữa tới xã biên giới Bình Phong, hả chú Năm?
Tôi lại nôn nóng hỏi.
- Thì cứ yên tâm đi cha, chi mà nôn dữ vậy? Làm văn chương phải đi như vậy mới có cái mà viết chớ? Cứ ở thành phố, đi nhà hàng bia ôm hoặc o bế bà xã, có mà... - Năm Đức nói rồi nháy mắt với Ánh Tuyết - kỳ này nữ thi sĩ có chùm thơ bất tuyệt là cái chắc!
Ánh Tuyết nở nụ cười rất duyên cho hằn in hai lúm đồng tiền. Năm Đức lại ồn ã nói: - Ôi thằng tình nguyện chết chìm trong hai lún đồng tiền của em đó, Ánh Tuyết à!
- Thôi đi cha, tán vừa phải thôi nha. Người ta gái một con rồi đó-Hoàng Đô vội xen vô-nhưng mà phải công nhận gái một con trông mòn con mắt, anh Năm nhỉ?
Ánh Tuyết đám vô lưng Hoàng Đô thùm thụp. Tôi nói:
- Kể ra có chú Năm tếu vậy mà vui, đỡ ngán đường xa, nắng nóng.
- Nhằm nhò gì, mấy cha chưa gặp ông Ba Long đó, bá láp bá xàm hết cỡ... Ông nhậu hết mình mà làm bí thư xã cũng hết chỗ chê! Mấy lần Huyện định rút ông lên, ông hổng chịu bảo: "Tôi xa dân không được, xa cánh đồng Chó Ngáp là không chịu nổi!". Vậy đó, chưa thấy ai kỳ cục như ông làm quan to hổng chịu, tối ngày bám trụ ở cái vùng đất giáp biên này, ghê thâý mồ!
Tôi còn đang ngẫm nghĩ về lời Năm Đức thì nhìn thấy từ xa một cây cầu khỉ bắc ngang dòng kênh và lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên mấy nóc nhà phibrô xam xám.
Và hình như Năm Đức đã phôn lên từ trước nên tôi thấy có gần chục anh chị em  đứng lố nhố nơi cửa trụ sở chờ đón chúng tôi. Tôi nhảy cò lên bờ, cúi đầu chào mọi người
Một ông chừng ngoài năm chục tuổi, dáng quắc thước, cặp mắt sáng, vận quần âu, áo sơ mi trắng, đầu đội nón nỉ tiến lên, xiết chặt tay tôi, rồi nói oang oang:
- Xuồng ghe chi chạy như rùa bò vậy hả, thằng Năm? Tao biểu mấy đứa làm đồ nhậu cá lóc nướng trui, giờ nguội ngơ!
- Dạ, thưa chú Ba và mấy anh-Năm Đức đang lui cui, từ xuồng nói lên - con nói nhà dân sáu giờ cho mượn xuồng, mà nó còn chở rau ra chợ, phải chờ hoài hơn tiếng sau. Rõ là "Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc mượn xuồng không cho"
Mọi người phá lên cười trong cái gió lồng lộng từ phía đông thổi tới. Nghe hai tiếng "chú Ba", tôi hiểu rằng vậy là đã gặp anh Ba Long, con người huyền thoại!
Sau gần nửa giờ làm thủ tục thì tiệc nhậu bắt đầu. Cả chục người ngồi quây quần quanh chiếc bàn tròn, la liệt đồ ăn.
Anh Ba Long trịnh trọng đứng lên khai mạc:
- Bữa nay, xã ta được vinh dự đón tiếp các nhà văn, nhà thơ. Nào, ta nâng ly chúc sức khỏe các đồng chí... vừa nhậu lai rai ta vừa tranh thủ làm việc nhà, cần phỏng vấn các đồng chí cứ tự nhiên nha?
Chúng tôi cùng đứng lên cụng ly lanh canh. Ba Long cầm chung rượu, uống một nửa rồi đưa qua tôi, người lớn tuổi nhất trong đoàn.
Chiếc chung được xoay một vòng, anh Ba cuốn cá lóc, rau vô bánh tráng, chấm mắm nêm, nhai ngon lành rồi cười ha hả, anh nói:
- Tao đố mấy cha biết vì sao tao có tên Ba Long.?
- Sao mà biết được chú Ba, mỗi người đều có bí mật của riêng mình, Bao Công đã nói vậy chú - Ánh Tuyết nhanh nhẩu đấp.
- Chà, con này giỏi, nhớ "giai" đó. Bao Thanh Thiên mặt đen xì mà xử án hết chỗ chê! - Ba Long cầm ly rượu uống cái "trút", rồi khà lên và tiếp-ngày má tao đang mang bầu tao thì ông già tao ra đồng, má tao khóc thảm thiết: "Anh Bẩy ơi, anh mới để cho em được ba lon bắp... mà anh đã bỏ má con em anh đi... đau xót lòng em biết bao!"
Mọi người rộ lên, Ánh Tuyết mặt đực ra như ngỗng ỉa, tôi phải ghé tai giải thích, nghe ra, nàng cười như nắc nẻ.
Anh Ba khoát tay cho mọi người trật tự, rồi lại nói:
- Vậy là khi sanh ra tao, má tao đặt tên luôn là Ba Lon, tới khi đi bộ đội, tao phải hối lộ thằng trung đội trưởng một gói thuốc thơm nó mới cho thêm con "dê" (ý nói chữ g) vào sau tên tao, mới thành tên lịch sử như vầy.
Mọi người lại cười ran. Nhân cơ hội mọi người không để ý, tôi nhẹ đẩy chung rượu qua Hoàng Đô, định trốn một tua, nào ngờ Ba Long cảnh giác cao, kiểm soát kỹ, nói:
- Hà, mày quê ở đâu?
- Dạ, ngoài Bắc, anh Năm.
- Cụ thể ở tỉnh nào?
- Dạ, Hà... Nội.
- Vậy mà tao cứ tưởng mày quể An-Giang chớ, uống rượu mà cũng tính "ăn gian" hả?
Không khí bàn nhậu càng lúc càng rộn ràng, xôm tụ. Rồi thấy tôi cứ ngồi ngó lơ ra cánh đồng trước mặt, Ba Long lại bảo:
- Uống đi, nhà văn, tới rồi đó!... Chiều tao đến dẫn bọn bay đi tham quan cột mốc biên giới, chi mà cứ ngồi ngó lơ hoài. Cánh đồng Chó Ngáp này thì có chi đáng ngó. À mà bọn bay cho biết điển tích "cánh đồng Chó Ngáp" không?
Năm Đức nháy sang tôi, ý chừng nói: ổng bắt đầu bốc lên đó, rồi khích:
- Kể đi chú Ba, thật đúng là trang huyền thoại, nghe cả chục lần không ngán!
- Như vầy nè... Năm 19... gì ấy, quên mẹ nó mất rồi, thôi được, cho qua năm đó, đại đội bộ đội địa phương của tao oánh nhau với một tiểu đoàn ngụy tại kinh Cả Cối, bên xã Hưng Điền. Bọn nó trang bị tận răng lại có máy bay trực thăng yểm trợ.
Quần nhau nửa ngày thì xác cả hai bên đã phơi đầy mặt ruộng, bờ kênh. Tao bị dính đạn vô bắp đùi, máu chẩy lênh láng, nhức nhối quá chừng. Được lệnh rút, thằng Bẩy Hồng dìu tao khập khễnh đi. Bất ngờ bọn nó đưa máy bay trực thăng xuống, đổ quân chặn đầu, rồi hốt cả tao và thằng Bẩy lên. Về tới Sài Gòn, chúng băng bó sơ sơ cho tao, rồi đẫy ra đảo Phú Quốc nhốt. Ở ngoải, bộ đội mình có cả ngàn, Bắc, Trung, Nam có hết. Một năm ở ngoài đảo, sống cảnh tù đay cực khổ, tao ngán quá chừng. Một đêm tao bàn với năm anh em cùng lán trốn. Xưa tao là tay chài và bơi có hạng ở sông Vàm Cỏ Tây mà. Anh em nhứt trí, vậy là bọn tao ra bến cướp thuyền, đợi gió lên, căng buồm chạy. Nào ngờ sau một đêm, rơi đúng lên đất Căm pu chia. Ngày đó dân Căm pu chia tốt lắm, họ cưu mang bọn tao  và chúng tao đêm đi, ngày thì ngủ bờ ngủ bụi, ăn cả chuột, rắn nướng... ròng rã hơn tháng trời thì tới được cái chùa vàng bên kia cột mốc chiều bọn bay ra sẽ thấy. Năm anh em chia tay nhau, ôm nhau, rơi nước mắt... Chờ đêm xuống, tao vượt qua đường biên, tìm về cánh đồng nơi có vợ và ba đứa con, tao đã mấy năm xa vắng. Nỗi nhớ lúc đó sao mà cứ cồn cào gan ruột!
Về tới ruộng nhà mình, tao run quá, cứ hình dung sắp được ôm vợ mà sướng run lên... Tao bò vào tới cửa, lắng nghe tiếng vợ con ngáy pho pho, rồi giường tầm vông kêu cót két. Tao mới nhè nhẹ la lên:
- Hường, Hường ơi, anh về nè, Ba Long về nè!
Vợ tao kém tao hai tuổi, đẹp gái nhất vùng này. Một hôm tao ra sông Vàm Cỏ Tây bắt cá, khi tới gần một cây cầu bắc từ cửa một ngôi nhà nghiêng xuống sông thì tao hít một hơi không khí cho tràn đầy hai buồng phổi, rồi lặn xuống. Lúc tao trồi lên, hai tay cầm hai con cá bự tổ chảng thì... Trời đất! Tao nhìn thấy một cô nàng da dẻ trắng phau phau, vận quần đen, cởi trần đang ngồi trên cầu xối nước ào ào. Từ một gốc tràm, tao mới lặn ra sau lưng nàng thiệt nhẹ nhàng, rồi trồi lên, nói: "Nè, cho em hai con cá nè, đem về nấu canh chua cho ba nhậu". Nàng tưởng tao là ma ôm quần chạy té. Một lát thì ông già của nàng vác búa ra, tao hoảng quá, mới giai bầy rằng nhà nghèo quá, phải đi mò cá, bán kiếm tiền mua gạo, chớ không có cố ý ghẹo con gái nhà lành. Tao tưởng ổng cho tao một búa bể đầu chớ, nào ngờ ông vứt búa đi, rồi cười khùng khục, kêu tao vô nhà. Tao cứ vậy với cái quần cụt và hai tay hai cá đi theo ổng. Không hiểu sao tao không chạy, chớ sức tao mà chạy, chấp ba ổng không đuổi kịp. Vừa đi ổng vừa bảo tao:
- Mày đã coi được da thịt con gái tao, tao cho mày luôn, chịu không? Nếu không chịu... tao giết! Trời đất, ông muốn gả con gái cho người ta mà nói giọng ông nội vậy đó! Tao mới ngẫm nghĩ rất lung lừa thì mình cũng tới tuổi rồi, cưới vợ được rồi... Vậy  là tao nhẹ gật đầu. Trưa đó, tao nhậu với ông chết bỏ. Nàng thì đứng từ xa cười khúc khích. Mấy hôm sau, tao kêu bà già tao mang rượu tới nhà nàng và dắt nàng về luôn, khỏi phải vu qui với tân hôn chi hết ráo! Thế là thành vợ chồng vui vẻ hạnh phúc ra phết! Vợ tao được cái đẹp người, lại có hai bầu vú to như hai trái dừa Xiêm, lại ngoan nết và hay lam, hay làm, chớ không ngổ ngáo như tao. Rồi nàng đẻ sòn sòn cho tao ba đứa con, hai trai một gái. Thằng lớn tao giành quyền đặt tên cho nó là thằng Gạo. Lon thì phải có gạo chớ?... Rồi chiến tranh bùng nổ và tao đi bộ đội lại vì nghe mấy đứa con gái trong xóm hát bài "Lá còn xanh như bao anh còn trẻ"... nghe đi tòng quân mà bắt ham!
Ngụm một ngụm nước đá lấy hơi, Ba Long lại nói:
- Tới khúc nào rồi nhỉ?
- Tới khúc Hường ơi, anh về nè-Hoàng Đô nhắc vở.
- Ủa, phải, một lát thì nàng ngọ nguậy rồi ra khỏi giường, đốt đèn cầy lên, thắp nhang lên và tới bên bàn thờ khấn khứa. Nàng khấn như vầy nè: "anh Ba Long sống khôn, chết thiêng phù hộ cho em tránh hòn tên mũi đạn, được sống mà nuôi hai thằng con trai của anh lớn lên, đi bộ đội trả thù cho anh...
Nghe vậy tao tức muốn đỏ con mắt, bèn vung chân đạp tung cửa và nhào dô ôm lấy nàng... Có lẽ nàng thấy đầu tóc tao bù xù như tổ quạ, râu ria xồm xoàm như tướng cướp và hôi như cú, nàng mới đẩy mạnh tao ra làm tao loạng chạng xuýt dính vô tường. Tao mới nói:
- Hường, em mong tôi chết lắm hả? Để lấy chồng bé hả?
Nghe giọng nói, nàng nhận ra tao liền chạy đến ôm chặt lấy tao như thể cả đời chưa bao giờ được ôm! Tao nghe xương sống, xương sườn "răng rắc" nên mà bữa đó tao không bị gẫy cái xương nào!
Sau khi rời tao ra, nàng nhễu nhão khóc:

- Anh ơi, trên người ta gởi giấy báo tử của anh về cho em... em cứ ngỡ hôm nay hồn ma anh hiện về, hu... hu... hu!
Tao bật phì cười thì bất ngờ con chó Mi-lu nhà tao từ đâu xuất hiện, xông tới đớp vô giò tao, rồi nhay nhay quần tao vốn đã te tua tơi tả. Tao mới điên tiết lên, sẵn con dao găm dắt sau lưng tao cho nó một nhát direct vô cuống họng thế là nó lăn ra, "ăng ẳng", rồi ngáp ngáp ba cái, rồi tắt thở.
- Quân dã man, nó làm gì mà anh giết nó?! Vợ tao hét lên. Tao quăng con dao nhểu máu vô gầm giường, đứng ngẩn nhìn con chó. Bậy thật! Xưa tao đi đâu về, nó cũng ngoáy tít cái đuôi mừng rỡ. Thế mới biết, con người ta khi bị kích động, tâm thần bất ổn, khùng lên bất tử thì không có chuyện chi không dám làm!
Ân hận thì đã trễ! Lúc đó ba đứa con tao từ buồng trong mới ngọ nguậy. Tao giựt mình nhận ra là mình vẫn còn có ba đứa con. Tao lao vô ôm lấy ba con mèo, con chuột và hôn hít mặc cho chúng khóc thét.
- Rồi sau sao nữa anh Ba? Tôi lại hỏi.
Anh Ba kéo cái đĩa thuốc ra tới gần, rê một điếu, bật quẹt hút, phả khói um lên, rồi lại tiếp:
- Rồi sau Tỉnh ủy về đây lập căn cứ, một ông gặp tao hỏi: "vùng này kêu là vùng gì, chú?". Tao mới nói liền: "vùng cánh đồng Chó Ngáp". Vậy là thành tên, nghe mới sướng lỗ tai không chớ!
Tất cả lại cười ồ. Ánh Tuyết gợi ý tiếp:
- Chuyện tình của chú Ba coi bộ đẹp tựa một bài thơ!
- Tao thì chẳng biết thơ phú là gì, không như cha Bẩy Hồng bạn tù Phú Quốc của tao làm bí thư huyện ủy bên huyện nọ. Nó khoái làm thơ Đường lắm. Một hôm nó qua nhà tao chơi, đọc thơ cho cả chục người nghe hay ra phết! Nó bảo sẽ đọc một bài thơ Đường. Mọi người im lặng nghe. Và nó đọc:
Chào mào vui hót cành cam,
Gió reo trên nẻo đường làng em ơi!
Ánh Tuyết bật phì cười, phụt cả cơm ra nền nhà, đến là mắc cỡ... Khoảng hai giờ chiều thì cuộc nhậu ngưng, Ba Long bảo chúng tôi đi nghỉ, năm giờ sẽ dẫn đi thăm cột mốc. Nằm trên giường tầm vông có đủ chiếu gối mà tôi không sao chợp mắt được, cứ nghĩ tới chuyện anh Ba kể, sao mà hay quá, sống động quá!... Trong khi nằm giường bên anh Ba Long đã ngáy khò khò. Tôi thầm nghĩ: anh thiệt là một con người tiêu biểu của vùng đất Phương Nam, vùng Đồng Tháp Mười này: cương trực, coi khinh cường quyền, bạo lực, sống điệu nghệ, hào phóng hết mình và rất mực thủy chung.
Chốc sau, một cô gái chừng mười lăm tuổi có khuôn mặt chữ điền khá giống anh Ba Long bước vô gật đầu chào tôi, rồi nhẹ ngồi xuống giường kêu: "Ba, Ba!". Ba Long mở choàng mắt dậy nắm tay cô gái, nói: "Có chuyện chi vậy gái?". "Chủ nhật này là giỗ má con". Kỳ này chẵn mười năm má con đi xa. Con lên xin ba ít tiền về mua đồ. Ba định là mấy mâm hả ba?". Ba Long ngồi nhỏm dậy, đưa bàn tay thô nháp vào túi quần lấy ra cái ví rồi rút ra xấp tiền dúi vô tay con gái "Làm năm mâm! Con gái về đi, chiều thứ bẩy cha về. Hôm nay mới thứ năm". Cô gái thong thả bước ra. Tôi liền nhỏm dậy: "Con gái anh à". Ừa, mười lăm, học lớp 9. Tôi cười cười: "Con gái giống cha giầu ba đụn!"
Anh bảo: "Làm cán bộ giầu mẹ gì. Gà trống nuôi con, nuôi cho ba đứa ăn học muốn hụt hơi!". Không nén được xúc động, tôi xin lỗi anh, hỏi: "Chị mất rồi à, mất trong trường hợp nào, anh Ba".
- Năm 1978 đó, chú à. Một năm thật là khủng khiếp! Đang mùa gặt lúa, dân ta ra đồng cả trăm người người thì bất thình lình đại bác rồi các cỡ súng lớn, nhỏ từ bên kia biên giới bọn Pônpôt bắn sang như mưa. Từng đám khói đen và lửa bùng lên khắp các ruộng và rừng tràm. Dân ta mạnh ai nấy chạy như vịt đàn, vô cùng hoảng loạn chẳng biết chuyện gì đang xẩy ra. Ở trụ sở này mình phải hét anh chị em nhẩy đò xuống kênh lánh nạn. Chúng nó bắn suốt từ trưa tới chạng vạng tối thì ngưng. Chừng bẩy giờ tối thì thằng Gạo hớt hơ hớt hải đạp xe tới hét toáng lên: Ba ơi, má chết rồi! Vì sao chết? Má cùng mấy dì đang cắt lúa thì bị đại bác bắn qua. Khi con ra đồng thì má và mấy dì đã chết, tay vẫn còn ghì chặt bó lúa. Tôi như đứt từng khúc ruột, loạng choạng đứng dậy cho thằng con chở về nhà. Về tới nhà thì vợ tôi đã được bà con liệm vô cỗ hàng, đậy hờ nắp chờ tôi về. Tôi như điên như loạn lao tới  hất tung nắp ra và tôi quì xuống ôm lấy Hường của tôi, người vợ rất mực thủy chung và rất mực yêu thương của tôi! Vậy là mãi mãi tôi đã phải rời xa Hường!...
Bà con kéo tới mỗi lúc một đông, ngỏ lời chia buồn với tôi. Tôi chợt nhớ ra: mình là cán bộ đứng đầu của xã, không thể để bà con mềm lòng. Tôi lau nước mắt, đứng lên và nói với bà con:
- Xin bà con hãy bình tĩnh, chờ sự chỉ đạo của cấp trên. Hãy chôn cất nhang khói cho người đã chết và ráng đào hầm hào tránh đạn...
Ngay đêm đó, tôi chôn cất Hường sau vườn nhà mình, rồi lặng lẽ ra đi, lòng nặng chình chịch như có đá đeo, chú à!
Lát sau anh Hai Hơn chủ tịch ủy ban xã bước vô và anh nói liều: Báo cáo đồng chí bí thư, liên lạc từ ấp 4 vừa chạy lên báo, đêm qua lợi dụng có trăng non đầu tháng, dân bên kia sang cả trăm người, gặt trộm lúa, chỉ một đêm mà chúng gặt hết cả ba hec-ta loại giống mới OM... năng suất cao... Dân đang hoang mang và nóng giận lắm... giờ ta tính sao, anh?
Ba Long nhíu cặp chân mày sâu róm rồi lại từ từ dãn ra, trầm ngâm suy nghĩ, rồi anh nói gọn lỏn: " - Để tao!"
- Có cần triệu tập họp liên tịch ủy ban và chi bộ không anh?- Hai Hơn lại hỏi.
- Thôi, khỏi! - Ba Long khoát tay - chuyện nước sôi lửa bỏng này, triệu tập được mấy ủy viên các cấp lên lại mất cả ngày. Để tao qua gặp xã trưởng của nó!
- Đi vậy có nguy hiểm không, anh Ba. Anh là bí thư... hay là ta cử đồng chí trưởng công an xã qua?
- Không được! Tao biết mặt thằng Xôm-Xít, xã trưởng, để tao đi!
Nói rồi anh Ba cáo lỗi tôi và chạy nhanh về phòng chuẩn bị đi.
Một loáng sau, chúng tôi đã thấy anh chỉnh tề trong bộ complé xanh, cà-vạt đỏ, giầy đen băng qua cầu khỉ, đi nhanh vào giữa cánh đồng xanh ngát.
Tôi chợt thấy nhoi nhói trong tim, thực sự lo lắng cho chuyến đi của anh. Lỡ mà chúng nó nổ cơn khùng bất tử rồi không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, làm sao anh về kịp đám giỗ mười năm của chị Hường? Ôi, người cán bộ đứng mũi chịu sào con thuyền dân xã vùng biên giới này thật lắm gian nan!" Phần khác, chúng tôi cứ tiếc hùi hụi chuyến đi ra thăm cột mốc để có cảm hứng thực cho văn và thơ, thế là đành dang dở, biết bao giờ mới có dịp nữa đây?
Suốt hai giờ chúng tôi sống trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng... Tới khi hoàng hôn ngả sang mầu tím nhạt và vầng mặt trời đỏ như trái hồng đang ngả dần xuống phía trời Tây thì anh Ba hiên ngang trở về. Chúng tôi lập tức quây lấy anh. Anh cười lớn và kể:
- Bọn bay biết không, tao đi một mình, không mang súng ngắn, tao cũng lo lo. Đi tới gần cột mốc, tao bèn hát váng lên:
"Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi. Vì nhân dân quên mình. Đoàn vệ quốc chúng ta, ở nhân dân mà ra..."Hát cho đỡ sợ mà hề hề! Tới cột mốc tao đứng khựng lại nhìn sang cái chùa vàng phía bên kia. Sao mà nó hiền lành, dễ thương đến thế, vậy mà... rồi tao ung dung vượt qua đường biên...
Bỗng có sáu thằng lính của nó như từ dưới đất chui lên, chĩa súng AK vô ngực tao, hô "giơ tay lên" và đồng loạt lên qui-lát cái "réc".
Xém chút nữa thì tao teo dái, nhưng rồi tao nghĩ: thế ta là thế đứng trên đầu thù, sợ mẹ gì. Vậy là tao xổ ra một tràng tiếng Căm pu chia bồi. "Tao là xã trưởng xã Bình Phong, qua gặp xã trưởng chúng mày, bàn việc quan trọng! Việt Nam-Cam pu chia "xa-ma-khi" mà, rồi tao cười vang.
Thằng Xôm-xit từ chòi bước ra, súng trễ ngang hông, coi bộ rất ngầu. Nó chửi bới om sòm tụi lính của nó. Thế là các nòng  súng đều chúi xuống. Và tao hiên ngang tiến vô văn phòng của nó làm việc. Hút thuốc ba số năm và bia lon xả láng! Thằng Xôm-xít hứa với tao sẽ cho lính canh ngăn không cho dân qua cắt trộm lúa nữa. Khà khà, muốn bắt cọp phải vô hang nó, phải không các nhà văn?"
Tôi gật đầu ngẫm nghĩ lời anh!
Từng đợt gió hào phóng chạy ngang qua cánh đồng Chó Ngáp, phả vào thân thể chúng tôi từng đợt vô cùng? dịu mát!.
5/11/2009
Nhật Hà
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...