Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Văn chương phi hư cấu: Hãy đi xa hơn nữa

Văn chương phi hư cấu
Hãy đi xa hơn nữa!
Văn chương phi hư cấu là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống văn chương Việt Nam chứng kiến sự nở rộ của những tác phẩm phi hư cấu, thu hút sự quan tâm chú ý của người viết và của người đọc nói chung, người làm nghiên cứu phê bình nói riêng.
VNQĐ số này mở cuộc trò chuyện bàn tròn về chủ đề văn chương phi hư cấu, với sự tham gia của PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Chủ nhiệm khoa Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Thành (Trưởng khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) và nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế.
* Mấy năm gần đây, đời sống văn chương trên thế giới nói chung và ở ta nói riêng nóng lên câu chuyện văn chương phi hư cấu. Vì giải Nobel văn học 2015 xướng tên nữ nhà báo Svetlana Alexievich với tác phẩm phi hư cấu Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, hay là vì/ còn cơn cớ khác, theo các anh?
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Văn chương phi hư cấu (Non-Fiction) và văn chương hư cấu (Fiction) luôn song hành trong vị thế đối trọng giữ cho một nền văn học đủ cân bằng, phát triển. Tùy vào đặc điểm xã hội từng thời đoạn mà chúng được quan tâm cách này hay cách khác.
Khi chiến tranh đã lùi xa, Svetlana Alexievich đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư làng mạc, chuyện trò với hàng nghìn phụ nữ Liên Xô - những người đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại - để viết nên Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.
Cuốn sách đoạt giải Nobel văn học 2015 này đã góp phần kích lên một khung nhiệt mới cho văn chương phi hư cấu ở xứ Việt, vốn không lạ trong kí ức văn chương của người Việt. Trong lịch sử văn học Việt Nam chưa bao giờ văn chương phi hư cấu lại “thi đua” như thời gian gần đây, một phần do điều kiện xuất bản cởi mở, hình thức xuất bản đa dạng.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Đúng là giải Nobel quan trọng nhưng nó cũng quan trọng… vừa vừa thôi. Điều quan trọng hơn là có biết bao nhiêu người xứng đáng mà không có tên trong cái danh sách sang cả hàng năm ấy? Nobel là một giá trị, đã từng là một giá trị, nhưng chỉ là một trong số những giá trị thôi.
Tôi thì tôi nghĩ rằng việc người ta quan tâm đến văn chương phi hư cấu không phải vì chuyện Nobel đâu mà vì một điều, giản dị thôi. Cái nhu cầu được đọc, được biết của người đọc vẫn thế. Vậy mà hãy xem xem khoảng năm năm trở lại đây, cái gọi là hư cấu của chúng ta có gì? Có điều gì khiến chúng ta phải sững sờ, phải kinh hoàng như kiểu chúng ta đã từng sững sờ và kinh hoàng khi đọc Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp hay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh? Đó là tạm chưa nói đến số lượng. Vậy mà mạng xã hội, từ khoảng mười năm nay, từ trước khi có Facebook, đã mở ra một tình thế “dân chủ hóa” của sự viết. Bất cứ ai có năng lực về ngôn ngữ, khi có một cái gì thú vị, một câu chuyện để kể, một sự tìm tòi nào đó, một suy nghĩ về một vấn đề gì đó của cuộc sống… đều có thể đưa lên Blog hoặc Facebook của mình và thu hút một lượng người đọc không nhỏ. Người đọc thấy rằng có quá nhiều thứ để đọc và họ sẽ quen với những thứ đó thay vì đọc văn chương hư cấu. Và bên cạnh đó, cũng trong khoảng thời gian mà văn chương hư cấu “lắng xuống” đó, có biết bao nhiêu thứ để đọc trong lĩnh vực phi hư cấu, từ chuyên khảo, tiểu luận, tạp văn, hồi ký, tự truyện… Vậy thì dễ hiểu tại sao phi hư cấu lại lên ngôi.

* Có thể nói đến một hoàn cảnh phi hư cấu được không, mượn cách nói theo tên cuốn sách Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean-Francois Lyotard?
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Tôi hiểu, anh chỉ mượn cách nói theo tên cuốn sách của Jean-Francois Lyotard thôi. Văn chương phi hư cấu là một dạng thức của văn học tiên khởi, đã xuất hiện rất lâu trước khi “tâm thức” và “hoàn cảnh” hậu hiện đại hình thành. Nó phản ánh diễn tiến đời sống. Tuy nhiên, đặt vấn đề hoàn cảnh văn chương phi hư cấu (nở rộ thời gian gần đây) trong hoàn cảnh hậu hiện đại thì sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về non fiction trong thời 4.0.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Tôi vẫn nghĩ rằng sự lên ngôi của văn chương phi hư cấu ở Việt Nam trong những năm gần đây là một cái gì rất đỗi bình thường, gắn với hoàn cảnh thực tiễn của văn chương Việt Nam. Ngược lại quá khứ, hãy nhớ rằng công cuộc đổi mới văn học được khởi động, chính là trong lĩnh vực phi hư cấu. Tôi muốn nói đến Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc. Thực ra thì nhu cầu đọc văn chương phi hư cấu vẫn là một nhu cầu bình thường, cân bằng của đời sống văn chương. Hãy nhìn sang các nước tạm gọi là có “văn hóa đọc” phát triển, ta sẽ thấy trong bất cứ hiệu sách nào thì khu vực sách phi hư cấu cũng có sự phong phú không thua kém gì sách hư cấu. Dù giải Nobel có trao cho tác giả phi hư cấu hay không thì đó cũng vẫn cứ là một thực tế. Chỉ có điều ở nước ta, tôi có cảm tưởng hình như từ lâu rồi chúng ta có một cái nhìn dường như thiên lệch về giá trị của văn chương hư cấu và phi hư cấu. Chúng ta quên mất một điều rằng những tác giả như Nguyễn Tuân hay Hoàng Phủ Ngọc Tường chẳng hạn, ta sẽ đọc và đánh giá cao điều gì ở họ? Hư cấu hay phi hư cấu?
PGS.TS Nguyễn Thành: Về nguyên tắc, cái gì xuất hiện trong xã hội cũng có hoàn cảnh của nó. Tác phẩm văn chương cũng vậy. Đúng, trong thời đại truyền thông đa phương tiện bùng nổ với sự gia tăng các chương trình trực tiếp và trực tuyến, người đọc, người xem cũng bị cuốn hút với những chuyện có thực. Công cuộc kinh doanh, đề phòng thiên tai, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, cơ hội học tập… đều rất cần thông tin chính xác, kịp thời. Đa phần những người lớn tuổi xem chương trình tin tức của VTV1 buổi tối hằng ngày. Đây có thể là “hoàn cảnh” thúc đẩy người đọc hướng về thông tin xác thực trong văn chương phi hư cấu, cái mà văn chương hư cấu và cả báo chí cũng không đáp ứng được. Mặt khác, từ góc độ tâm lí tiếp nhận, đúng là người đọc bao giờ cũng có nhu cầu cân bằng giữa những chuyện hư cấu và những chuyện có thật. 
* Lấy gì để xác tín, rằng “sự thật” trong tác phẩm phi hư cấu không bị… hư cấu, nhỉ?
PGS.TS Nguyễn Thành: Từ góc độ lý luận thể loại thì văn chương phi hư cấu (thường là văn xuôi) có các đặc điểm đặc trưng như: thái độ khách quan của người trần thuật; tính xác thực của các sự kiện, biến cố, con người được tái hiện trong tác phẩm; sự lựa chọn chi tiết có khả năng truyền đạt những thông tin thẩm mĩ. Đặc trưng thể loại đòi hỏi người viết văn xuôi phi hư cấu phải… không hư cấu. Ở đây chỉ trông cậy vào sự tuân thủ nghiêm ngặt của người viết mà thôi. Văn xuôi phi hư cấu khác với văn xuôi hư cấu là nó phải “nói không” với chuyện bịa. Vậy, ai xác tín “sự thật 100%” trong tác phẩm phi hư cấu của nhà văn? Câu trả lời là: Người đọc.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Phải kể đến một thực tế: con người đã bay bổng đủ các chiều kích với truyện cổ tích, thần thoại, khoa học viễn tưởng…, nhưng sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật thời nay đã hiện thực hóa không ít những câu chuyện thần thoại, cổ tích đó. Khi nhìn mãi lên mặt trăng thì nhân loại cũng phải nhìn xuống dưới chân mình. Nỗ lực tiến xa ra ngoài vũ trụ vài trăm ngàn cây số mỗi mốc giới là chuyện bình thường, nhưng tụt xuống lòng đất, hay đại dương, mỗi một mét thôi đã là sự phấn đấu đôi khi của cả một thế hệ. Cá nhân người cũng vậy, nói chuyện mây gió, chuyện người thì dễ đưa đẩy, nói chuyện mình thường ngọng. Là một người viết không ít những tác phẩm phi hư cấu, tôi tin rằng, với một bạn đọc tinh tường thì tác giả khó mà che giấu cảm xúc qua từng chi tiết đời sống, qua mỗi câu chữ. Cảm xúc thật hay giả thì dễ nhận lắm, trực giác của bạn đọc tinh tường lắm.
Có một chuyện vui ở đại học Sorbone trong buổi học về văn học phi hư cấu. Vị giáo sư nọ gọi nữ sinh viên A lên bảng. Ông ta tiến lại gần nói nhỏ một câu gì đó với cô. Sau đó, ông lần lượt hỏi sinh viên ở bốn góc giảng đường, rằng hành vi giao tiếp của ông với sinh viên A vừa rồi là gì. Ông nhận được các câu trả lời là: 

1. Giáo sư vừa hôn lên tóc bạn ấy; 
2. Giáo sư gằn giọng mắng bạn ấy; 
3. Giáo sư nhặt sợi cỏ trên tóc bạn ấy; 
4. Giáo sư thọc tay vào cổ áo bạn ấy.
Văn học phi hư cấu là vậy chăng, cùng trong một thời điểm, cùng sự kiện, chúng ta có thể có những tác phẩm với cái nhìn chủ quan của các tác giả khác nhau trong dòng chảy khách quan. Văn chương phi hư cấu giúp chúng ta có cảm giác đời sống đa chiều thật hơn, và đậm tính dân chủ.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Tôi nhớ năm ngoái, chúng ta ồn ào về một cuốn tiểu thuyết tạm gọi là thuộc loại “chống tiêu cực” của một nhà văn chuyên viết văn chương hư cấu. Ồn ào đến mức cơ quan quản lí phải vào cuộc, rồi ngừng phát hành. Nhưng thực ra, theo tôi, đó là một cuốn tiểu thuyết không hề tốt, nếu không muốn nói là yếu. Nó không có sự mới mẻ của tư duy tiểu thuyết, không có sự độc đáo của trí tưởng tượng. Với những cách hình dung về thực tại như thế, với cái cách mà nhà văn kiến tạo thực tại như thế, không cần đọc văn chương hư cấu. Tôi cho rằng tiểu thuyết hay truyện ngắn vẫn là một hình thái tư duy nghệ thuật và trong đời sống chúng ta vẫn cần những hình thái tư duy đó. Chỉ có điều, nó phải đem đến được điều gì mới mẻ hơn, xúc động hơn, tác động mạnh mẽ hơn những gì mà chúng ta có thể đọc được trên báo chí thông thường. Cũng như hội họa và nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh không giết hội họa, nó chỉ bắt hội họa phải tư duy lại về chính mình. Người ta xem ảnh không phải vì chán hội họa. Người ta xem ảnh và vẫn khao khát được ngắm nhìn những họa phẩm mà ở đó, có những thứ nhiếp ảnh không thể làm được.
Nói về cái gọi là “sự thật” trong văn chương phi hư cấu. Dường như chúng ta đang bị chia cắt giữa cái gọi là “thật” và “bịa”. Quan niệm của chúng ta về cái “bịa” đã đạt đến mức độ sâu sắc đủ để không ảo tưởng rằng đó là một sự “bịa” không có căn cứ nào từ thực tại (mà làm sao chúng ta có thể tư duy cắt đứt được với những ràng buộc của thực tại khi mà ít nhất, chúng ta vẫn còn tư duy bằng ngôn ngữ). Nhưng còn cái gọi là “sự thật”? Văn chương phi hư cấu được cấu thành nên từ những chất liệu tạm gọi là có thể kiểm chứng. Một ông A, bà B, một sự kiện này nọ được đề cập đến trong văn chương phi hư cấu là những thứ mà ta có thể kiểm chứng được một cách độc lập với những thông tin mà người viết cung cấp. Nhưng cái gì tổ chức những chất liệu ấy thành văn bản?

Cái gì quyết định cách tiếp cận, cách nhìn nhận, đánh giá những chất liệu ấy, nếu không phải là cái chủ quan của người viết? Và ngay cả anh ta, trong khi trình hiện trước công chúng diễn ngôn của mình, khi viết với ý thức rằng văn bản sẽ được “đẩy” vào đời sống, cái tôi nào của người viết đang nói? Lý thuyết hiện đại nói với chúng ta rằng hãy đừng ảo tưởng một cách ngây thơ về cái thật đó. Đúng, văn chương phi hư cấu cũng “bịa” không kém văn chương hư cấu, ở cái khía cạnh nó cũng chỉ là một cách nhìn, một điểm nhìn đầy tính chủ quan, một kiến tạo về thực tại dựa trên cái chủ quan của người viết. Vậy, chúng ta hãy thống nhất ở một điểm: đừng ngây thơ khi cho rằng cái chúng ta đang đọc là “sự thật”. Nó chỉ là một hình ảnh của sự thật được kiến tạo qua lăng kính chủ quan của một cá nhân bị chi phối bởi rất nhiều hệ quy chiếu (những căn tính của anh ta, những mối quan hệ của anh ta, những vị thế xã hội của anh ta…).
* Các anh nói gì về những ấn phẩm tự truyện, hồi kí được công bố ở ta thời gian gần đây?
PGS.TS Nguyễn Thành: Tự truyện và hồi kí đều thuộc văn xuôi phi hư cấu, nhưng tiểu thuyết có tính chất tự truyện (Sống mòn của Nam Cao, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh…) thì thuộc văn xuôi hư cấu. Những cuốn hồi kí được công bố gần đây ở Việt Nam có cuốn rất đáng đọc như Chiều chiều và Cát bụi chân ai của Tô Hoài, cũng có cuốn xôn xao dư luận như Một đời giông bão của Thương Tín (Đinh Thu Hiền chấp bút)… Tự truyện có cuốn truyền cảm hứng về nghị lực như Không thể gục ngã của Nguyễn Bích Lan, có cuốn gây ồn ào như Lê Vân yêu và sống của Lê Vân (Bùi Mai Hạnh chấp bút), Phút 89 của Lê Công Vinh (Trần Minh chấp bút)… Viết hồi kí khó nhất là cung cấp được những trải nghiệm có giá trị sống trong cuộc đời mình cho người đọc đương đại, giúp họ hiểu thêm một điều gì đó. Viết tự truyện khó nhất là dồn nén cái tôi của mình lại để điều tự kể về mình khiến người khác yêu mến và chia sẻ.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Tôi thì cho rằng hồi kí, tự truyện là một trong những khu vực yếu nhất của văn chương phi hư cấu của chúng ta những năm gần đây. Không phải là không có giá trị về mặt này mặt khác. Không phải là không có những cuốn viết tốt. Chẳng hạn như tự truyện của Ma Văn Kháng. Nhưng nếu mong chờ một cái gì thực sự tốt, một cái gì thực sự làm ta “sững người” như kiểu Cát bụi chân ai thì quả thực không có.
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Vâng, các ấn phẩm tự truyện, hồi kí của nghệ sĩ biểu diễn, người mẫu hoặc cầu thủ nào đó gần đây đã giải tỏa được chút chút tò mò của số lượng độc giả là những fan của họ. Dù chính họ thao tác văn bản hay người khác chấp bút thì ta cũng không nên hi vọng nhiều tính văn chương của các ấn phẩm này. Ít ra thì dạng ấn phẩm ấy cũng có công kích thích công chúng đến với văn hóa đọc nhờ ngoáy vào tâm lý tò mò, đồng thời cũng giúp “nhân vật chính” tỏa sáng thêm một lần trước khi trở nên lặng lẽ. Tôi để ý hơn đến bộ bốn tập Hồi ký Phạm Duy, công bố rải rác từ 1990 đến 2001. Tuy nhiên Phạm Duy thường lên sân khấu với tone trang phục rực rỡ giao tiếp với khán giả. Nên văn chương và các chi tiết trong bộ hồi ký dài ngoằng đó đôi khi cũng lóng lánh, mượt mà ngân nga như các ca khúc của ông nhưng chúng lại được phóng chiếu không biên độ…
* Như một thôi thúc tự thân của cái viết, một đòi hỏi tất yếu của cái đọc, vài năm trở lại đây, văn học Việt Nam bung trổ dòng sách phi hư cấu về chiến tranh, cơ bản nhận được phản hồi tích cực của dư luận. Có phải vì nỗ lực bổ khuyết mà chúng được tưởng thưởng, hay chất lượng chỉnh thể của chúng thực sự xứng đáng được tưởng thưởng, thưa các anh?
PGS.TS Nguyễn Thành: Đề tài chiến tranh vẫn còn thu hút cả người viết và người đọc. Từ những năm 90 trở lại đây, văn xuôi hư cấu về đề tài chiến tranh và hậu chiến thực sự có thành tựu nổi bật. Vài năm gần đây, văn xuôi phi hư cấu về chiến tranh có xu hướng nở rộ trở lại với một lối viết mới so với thời chiến tranh, đó là cái nhìn khách quan và nhân bản (hồi ký Hồi ức lính - Vũ Công Chiến, tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 - Trần Mai Hạnh...). Cái hay của Hồi ức lính là kể chuyện về chiến tranh từ những điều bình dị, không phô trương, cường điệu mà vẫn giúp người đọc cảm nhận được hình ảnh người lính một thời gan góc, bền bỉ, có khi lãng mạn, yêu đời, có lúc gian nan, đói khát, có khi ồn ào, tếu táo, nhưng cũng có lúc trầm tư, lo lắng. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 hấp dẫn người đọc bởi cái nhìn khách quan về những nhân vật tên tuổi trên chính trường và chiến trường của chế độ Việt Nam Cộng hòa vào thời điểm bốn tháng cuối cùng trước khi nó bị sụp đổ. Tác phẩm này đầy ắp tư liệu nhưng cái tài của Trần Mai Hạnh là đã phá vỡ sự mâu thuẫn giữa tiểu thuyết và tư liệu, biến các thông tin báo chí thành thông tin văn học. Nói như vậy để thấy hình thức nào cũng có thể hấp dẫn người đọc nếu tác giả của nó có khả năng vượt qua giới hạn của sự dễ dãi.
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Với chủ đề chiến tranh, văn học phi hư cấu cứ như miền nam châm, hút không ít tinh lực những người trong cuộc. Nhưng được ghi nhận chính thống thì Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và Hồi ức lính là những ví dụ điển hình của dòng văn học phi hư cấu. Tác phẩm của Trần Mai Hạnh được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, tác phẩm của Vũ Công Chiến được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Tôi đồng ý rằng khu vực phi hư cấu viết về đề tài chiến tranh là một khu vực đặc biệt thú vị và đầy hứa hẹn. Có điều tôi chú ý hơn đến Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn hay Lính bay của Phạm Phú Thái, tôi cho đây là những tác phẩm điển hình của dòng này. Đừng kể tên tôi là một tác phẩm mà tôi rất tiếc. Nếu đầu tư nhiều hơn về cách nghĩ, điều chỉnh về cấu trúc, cuốn sách có thể tốt hơn thế. Nhưng đó vẫn cứ là một cái gì mà văn chương hư cấu đang thiếu vắng. Mùa chinh chiến ấy có thể nói là một tập xuất sắc về một cuộc chiến qua cái nhìn của một người lính. Lính bay với hai tập thì có thể nói là đã đi đến “hết tầm” của nó. Đó là một thứ mà sau khi đọc xong Vùng trời của Hữu Mai, nếu tiếp tục đọc nó ta vẫn thấy hứng thú.
* Tựu trung, theo các anh, cái “phi hư cấu” phải như thế nào thì mới là “văn chương”?
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Rất khó nói bởi lẽ nó luôn là một cuộc đối thoại với những quan điểm về văn chương. Nhưng tôi luôn đánh giá cao một tính thống nhất của cấu trúc. Nếu có một ý tưởng xuyên suốt, một cái gì chi phối làm linh hồn của một cấu trúc, chi phối từ cấp bậc nhỏ nhất là hành văn, thì khi đó ta có thể hy vọng một tác phẩm tốt. Văn chương theo tôi là thế. Đó là cái cách mà người viết “khảm” cái tôi của mình vào diễn ngôn để biến nó thành một cái gì tuyệt đối cá nhân chứ không phải là một sự nói bản năng (mà thực ra có sự nói bản năng hay không?).
PGS.TS Nguyễn Thành: Như đã nói ở trên, văn xuôi phi hư cấu cũng cần được sắp xếp, chọn lọc, hơn nữa phải biến thông tin tư liệu thành thông tin thẩm mĩ. Bao nhiêu chuyện có thật giữa đời khiến người đọc ngưỡng vọng hoặc xúc động về tình yêu, lòng hiếu thảo, sự cao thượng, nghị lực vượt khó, nỗi cô đơn... có khi không cần hư cấu. Tuy nhiên, người viết phải chọn lọc khi đưa những chuyện có thật vào tác phẩm. Đôi khi sự hấp dẫn không phải là chuyện mà là cách trình bày nó khiến người đọc đồng cảm với mình.
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Bản thân tôi là một người viết luôn đan xen giữa phi hư cấu và hư cấu thì hầu như bao giờ cũng phải băn khoăn với chất lượng văn chương phi hư cấu hay văn chương hư cấu. Cách gì thì nhà văn vẫn phải dùng nghệ thuật ngôn từ trong trường cảm xúc, trường văn hóa đặc thù cá tính của bản thân để “hầu” bạn đọc “phê”.
Sự tréo ngoe đôi khi xảy ra: văn chương hư cấu viết giỏi đến mức như thật, phải sắm sẵn khăn tay cho độc giả. Và ngược lại văn chương phi hư cấu viết vụng thì lại ngây ngô như gà trống ấp trứng…
* Ngôi nhà văn chương luôn cởi mở dung hợp những gì gần mình, ngoài mình, miễn là giàu phẩm tính văn chương nghệ thuật. Môn văn trong nhà trường dạy học cả văn bản văn bia, sử ký, ký sự, phóng sự…, và đặc biệt là văn nghị luận với phong phú đa dạng các thể của nó. Có nghĩa là, đường biên văn chương, từ khởi thủy, đã luôn đặt ở chế độ mở. Ngày nay, mở đến như giải Nobel văn học 2016 xướng tên… nhạc sĩ Bob Dylan, vì ông đã “tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”, thì đã là rất… mở rồi. Nhưng mở đến mức chấp nhận cả những gì phi ngôn từ để định danh “thơ hình ảnh”, “thơ ngoài lời”… thì cái sự mở của văn chương không biết sẽ dừng ở giới hạn nào nữa. Tương lai văn học, trong dự cảm, hình dung của các anh, là gì?
PGS.TS Nguyễn Thành: Hình thức và nội dung là hai yếu tố cấu thành tác phẩm. Mọi hình thức đều được lựa chọn và ủng hộ nếu nó chuyển tải được nội dung mang tính thẩm mỹ. Khó có thể nói về tương lai của hình thức văn học, nhưng tôi dự cảm những nỗ lực làm mới văn chương của các nhà văn trẻ sẽ tiếp tục tạo ra những hình thức mới trong tương lai.
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Sự sống chuyển động, văn chương cũng hồi chuyển theo bởi văn chương cũng chỉ là một dạng thức sinh hoạt tinh thần của con người. Nếu bản thân nó không đặt chế độ mở update tự động thì nó sẽ tự hủy hoại. Quan sát một chiếc smartphone hôm nay, chúng ta thấy nó tích hợp nào máy chữ, nào chụp ảnh, nào nghe nhạc, nào radio, nào biên tập chỉnh sửa ảnh… lưu trữ… máy tính, vô vàn tính năng. Nhưng tính năng chính thì vẫn là để gọi điện thoại, trao đổi thông tin giữa cá nhân với cá nhân hoặc một nhóm. Trong khi đó các thuộc tính tính năng riêng rẽ có tính chuyên nghiệp thì chúng ta vẫn phải viện đến các thiết bị chuyên sâu… Samsung, Sony, iPhone, Nokia… chắc sẽ sập tiệm khi bán điện thoại cục gạch.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Nhìn vào những gì đã qua, tôi cho rằng có hai điều. Một, không ai tiên đoán được giới hạn của những sự mở. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ nó đã cạn kiệt. Bởi mở nữa, nó không còn là nó. Hai, ta hãy nhớ về những tuyên ngôn ồn ào về những “cái chết” của thể loại này thể loại nọ trong suốt thế kỉ XX. Bao nhiêu cái chết? Nhưng cuối cùng, có gì chết đâu. Cái chúng ta gọi là văn chương, những câu chuyện hư cấu hay phi hư cấu được kể lại…, những thứ ấy, nó sẽ vẫn cứ thế. Nó là một nhu cầu không di dịch của con người. Tương lai của văn chương, tôi nghĩ, vẫn… thế thôi.
* Các anh muốn nói thêm gì, khi nói về văn chương phi hư cấu?
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Thì này năm ngoái, nhân ghé qua Paris, tôi được dự buổi ra mắt sách của tờ Le Figaro. Biết tôi đang hoàn thiện tập du kí về châu Âu, mấy người bạn đã giới thiệu hai tác giả văn chương phi hư cấu có tác phẩm chấn động dư luận từ năm 2013.
Nhà văn Jean-Luc Coatalem, tác giả Mì lạnh ở Pyong Yang (Grasset), thực thi thứ văn chương tạo một bước đệm mở ra thể loại auto-fiction (tự truyện hư cấu) của mọi thời.
Jean-Luc Coatalem dẫn người đọc cùng hành trình đến Bắc Triều Tiên với nhà báo Clorynthe, Phó tổng biên tập Geo, người bạn đồng hành hiếm hoi của tác giả. Dưới vỏ bọc đại diện một cơ quan du lịch, họ khám phá đất nước khép kín nhất thế giới, với điều kiện khắt khe không tưởng. Máy ảnh, máy quay, điện thoại di động, MP3 bị cấm ngặt… Jean-Luc Coatalem hài hước kể chuyện khám phá xứ Kim Chi của hai người bạn. Mỗi chi tiết nhỏ cũng được mô tả sinh động, tinh tế một cách kinh ngạc, giúp chúng ta “đi” trong bóng tối của đất nước bị ngắt kết nối với thế giới hiện đại.
Và Maram al-Masri, một tác giả khác, đã chọn thơ để thông đạt về nội chiến Syria. Khi chiến sự bùng nổ, Maram al-Masri, lưu vong ở Paris, nhìn về đất nước trong cơn điên loạn xung đột trên Facebook hoặc YouTube, những hình ảnh khủng khiếp về chiến tranh, diễn ra hàng ngày đến mức tầm thường, vô nghĩa. Maram al-Masri sử dụng tư liệu đó, viết một bài thơ cho mỗi người. Chị tâm tình với khuôn mặt không rõ, thủ thỉ cùng linh hồn của những người đàn ông bơ vơ cầm súng, những người phụ nữ lấm bụi kia, những đứa trẻ nhàu nhò mà chị chỉ biết qua những khoảnh khắc đã hiện lên trong tầm ống kính. 45 bài thơ khiến những hình ảnh khủng khiếp chỉ mang tính thông tấn làm rơi nước mắt của nhân loại.
Thực tại, truyền thông “nuôi” chúng ta hàng ngày bằng những thông tin, hình ảnh trần trụi. Tin mới chèn đuổi tin cũ, hình ảnh này lướt lạnh qua hình ảnh khác với một tốc độ tính bằng phần trăm giây, tuột qua nhĩ thức và nhãn thức, chờn vờn bên ngoài tâm ý mỗi con người. Văn chương phi hư cấu ở thời đại này là một phương tiện kể về hiện thực không vội vã, bằng câu chữ cấu thành nên gương mặt cho một hình ảnh xa lạ mờ nhòa, mang lại cảm xúc cho những gương mặt ấy và hồi chuyển về thực tại “đánh” thẳng đến tâm thức con người.
PGS.TS Nguyễn Thành: Văn chương phi hư cấu đang góp phần cân bằng đời sống văn học ở khâu sáng tác lẫn tiếp nhận. Tuy nhiên, tỉ trọng của một nền văn học, xét về lượng, thường không nghiêng về phía phi hư cấu, vì hư cấu mới là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo của các nhà văn.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch: Về văn chương phi hư cấu, tôi chỉ nói thêm một điều thôi: Hãy đi xa hơn nữa!
* Trân trọng cảm ơn các anh đã tham gia cuộc trò chuyện!.
 Hoàng Đăng Khoa
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
Theo http://vanvn.net/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...