Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười 1

                              Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười 1

Vài lời thưa trước 
Trong bài Tựa viết năm 1954, tác giả đã cho chúng ta biết khá rõ “số phận” đặc biệt của tác phẩm này. Hơn hai mươi lăm năm sau, trong Hồi ký (về sau viết tắt là HK) [1], tác giả còn cho biết thêm một số chi tiết: “
(…) bác Ba tôi [2] từ năm 1913 hay 1914, phải lẻn về làng Tân Thạnh [3] ở ven Đồng Tháp Mười để tránh bọn mật thám Sài Gòn, rồi lập nghiệp ở đó, nên biết được cảnh hoang vu của Đồng Tháp hồi đầu thế kỉ, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về dân tình, lối sống, thổ sản miền đó; sau đó tôi lại đi đo trong Đồng Tháp trong một thời gian rồi đi kinh lí nhiều lần từ Hồng Ngự tới Tân An; về Sài Gòn tôi đọc thêm được nhiều tài liệu của Sở Thủy lợi, mua được cuốn La Plaine des Joncs của V. Delahaye, nhờ vậy tôi biết được khá nhiều về Đồng Tháp. 
Sau khi nhận lời anh Vũ Đình Hòe viết giúp tờ Thanh Nghị, tôi khảo cứu thêm các cuốn sử, địa phương chí, các số báo Courrier de Sài Gòn năm 1865-1866, đọc tất cả những gì liên quan đến Đồng Tháp để viết cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, nhưng sau sáu bảy tháng viết xong thì Sở Bưu điện Sài Gòn không còn nhận đồ bảo đảm ra Hà Nội nữa vì giao thông trắc trở, tôi đành cất bản thảo đi, đợi một cơ hội khác. Cuốn đó tôi viết công phu, nhưng sau bản thảo mất ngay trong Đồng Tháp Mười hồi tôi tản cư về đó, năm 1946. Tôi rất tiếc, và tám năm sau tôi phải viết lại”. (HK, tr.185) 
Năm 1947, cụ Nguyễn Hiến Lê qua Long Xuyên, tạm trú nhà bà Nguyễn Thị Liệp. Ở đó cụ dạy học và viết sách. Cuối năm 1953, cụ thôi dạy học, quay về Sài Gòn để sống bằng cây bút. Cụ lập nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê để tự xuất bản sách của mình. Sau khi xuất bản cuốn Tự học để thành công [4], cuốn sách đầu tiên của nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, cụ bắt tay vào việc viết lại cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Cụ cho biết: 
“Đầu năm 1954, tôi lại Sở Thủy lợi Nam Việt, gặp lại các bạn cũ và họ cho tôi tra cứu về các tài liệu của sở về Đồng Tháp, dùng các bản đồ của sở. 
Tôi lại Thư Khố Nam Kì đường Gia Long, nhờ ông Lê Ngọc Trụ [5] tìm cho những tài liệu sử, địa về Đồng Tháp, nhất là các số báo Courrier de Sài Gòn năm 1865-66, về cuộc chống Pháp của Thiên Hộ Dương. Tất cả những tài liệu đó tôi ghi trong mục sách báo để tham khảo ở cuối sách. 
Đọc những tài liệu của Sở Thủy lợi, tôi nhớ lại rành mạch những lần tôi đo đất và đi kinh lí ở Đồng Tháp, cho nên viết lại lần này tôi thấy dễ dàng và thích như lần trước, năm 1944. Những đoạn trích có tính cách nên thơ, mà năm 1944 tôi đã say sưa viết, bây giờ lần lần hiện lại trong óc, tôi chỉ việc chép lại, chắc chắn là không đúng hẳn, nhưng cũng không sai mấy. Chẳng hạn đoạn về Tiếng nói sông Cửu Long mà sau vài sách Việt Văn cho Trung học đã trích; đoạn tả các ghe đậu lại ở chỗ giáp nước Thủ Thừa; tả chỗ kinh Lạc Giăng (Largrange) và kinh Cát Bích (4 bis) gặp nhau ở Gẫy [6] mà nhà văn Bình Nguyên Lộc bảo “không đi tới chỗ thì không thể tả được như vậy”; rồi cảnh tìm vàng ở chung quanh Tháp Mười, cảnh một đầm sen ở giữa Đồng Tháp mà thi sĩ Quách Tấn rất thích [7]; cảnh uống rượu dưới trăng trên Giồng khiến tôi nhớ truyện Các vì sao (Les étoiles) của A.Daudet; cảnh sông Cửu Long, cảnh Chợ Thủ, cảnh trăng và nước ở miền Cao Lãnh (Hàng Châu của Nam Việt) gợi cho tôi nhớ bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư, thi sĩ đời Sơ Đường; và truyện Ghen vì hò mà một cô em đọc xong buồn rười rượi, thương thiếu phụ trong truyện trách tôi: “Anh thật tàn nhẫn, truyện thương tâm như vậy mà anh kết một cách thản nhiên, chỉ tả công dụng của cái phãng, không một lời than thở cho người vợ và trách người chồng”. 
Tôi đáp: “Người viết chỉ cốt gợi lòng thương tâm của người đọc, chứ không kể nỗi thương tâm của chính mình. Tôi đã đạt được rồi đấy và đã không nói thay cô, để cô suy nghĩ, như vậy mới có dư âm trong lòng cô”. 
Đồng Tháp chỉ dầy hơn một trăm trang, vừa du kí, vừa là biên khảo, tôi viết hai tháng xong, gởi vào trong đó tất cả tấm lòng yêu cảnh, yêu người Nam của tôi. Viết xong tôi thấy khoan khoái như làm trọn một bổn phận đối với quê hương thứ hai của tôi”. (HK, tr.349-350) 
Cuốn đầu, tức cuốn Tự học để thành công, cụ giao cho nhà in Việt Hương (đường Lê Lợi); cuốn thứ hai, tức cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười này, cụ giao cho nhà Ban Mai gần chợ Tân Định in ngay trong năm 1954. Tác phẩm này có thể xem là loại du ký viết về quê hương đất nước mình đầu tiên và nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều sau này. Cụ cho biết: 
“Một thanh niên ở Nha Trang đọc cuốn đó rồi nảy ra ý dùng xe đạp đi thăm cao nguyên miền Trung và viết bài đăng trên báo Tự do ngày 15-9-1961. Tôi trích dưới đây một đoạn: 
“Du ký viết về xứ người thì nước mình không hiếm. Nhưng viết về chính lòng đất thân yêu thì vỏn vẹn chỉ có một cuốn: Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Mà theo tôi thấy, không có cuốn địa lý nào có thể hấp dẫn thanh niên và gây tác dụng mạnh bằng những thiên du ký (…) Vì nó dễ kích thích tinh thần yêu nước của thanh niên hơn những bài địa lý khô khan ở nhà trường (…)”. 
Đa số các bạn văn của tôi cho cuốn đó tuy mỏng nhưng là một tác phẩm có giá trị, văn tươi mà hấp dẫn, có chỗ nên thơ, gợi tình yêu quê hương đất nước trong lòng người đọc. Ông Đào Duy Anh ở Hà Nội rất thích cuốn đó, bạn văn nào tới chơi ông cũng đem ra giới thiệu và cho mượn đọc. 
Có thể nói nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều trong khoảng 1960-1970”. (HK, tr.352). 
Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê “ra đời không gặp thời”. Hiệp ước Genève đã làm “thị trường sách đã thu hẹp mất non một nửa, ít nhất là một phần ba”, và vì cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười sẽ bán không chạy bằng cuốn Tự học nên cụ “chỉ in có 2.500 cuốn, giá 29 đồng”. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Cụ cho biết: “Mới phát hành được độ một tuần thì nhà Nam Cường đã bán hết 100 cuốn, bảo tôi giao thêm “vì sách bán chạy như tôm tươi”. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao độc giả hoan nghênh như vậy. Sau hỏi ra mới biết chỉ nhờ cái nhan sách. Lúc đó các anh em kháng chiến ở Nam đương tập kết ở hai địa điểm Cà Mau và Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp Mười để chờ tàu Ba Lan và Pháp chở ra Bắc. Đọc nhan đề sách độc giả tưởng lầm rằng tôi đã vào Đồng Tháp làm một cuộc phỏng vấn về cuộc tập kết đó. Về nhà đọc rồi họ mới thất vọng. Thành thử chỉ trong một tháng đầu bán được ngàn cuốn, đủ vốn in, còn 1500 cuốn bán lai rai năm sau mới hết”. (HK, tr.360) 
Năm 1971, cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười được tác giả “sửa chữa lại và nhường bản quyền cho nhà Trí Đăng xuất bản”. Bản tôi chép lại dưới đây của Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2002, có lẽ được in lại từ bản in của nhà Trí Đăng. 
Sau một thời gian dài dọ hỏi, tôi mua được bản của nhà Văn hóa Thông Tin và vội gõ ngay bài Tựa cuốn này, một trong các bài Tựa tác giả tâm đắc, và đăng trên topic “Một số bài Tựa cụ NHL viết cho sách của mình”. Trong khi gõ dỡ dang Chương I: Một dịp may, tôi đã có “một dịp may”. Đó là nhận được cuốn Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm của Nhiều tác giả (NHL CĐ&TP), và một cuốn sách khác nữa do một người cô họ ở Nha Trang gởi tặng. Tôi tạm ngưng cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười lại để chuyển qua cuốn NHL CĐ&TP như là một cách tỏ lòng biết ơn người tặng quà. Tôi đã đăng được hai bài, một ảnh và chú thích một ảnh khác. 
Khi gõ gần xong Chương VII, máy tính bị trục trặc, phải cài lại. Cũng may là tôi gõ xong đoạn nào thì đăng đoạn đó, phần gõ dở dang không bao nhiêu. Nay gõ xong cả cuốn, tôi phải chép lại từ TVE phần đã đăng. “Số phận” Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười một lần mất bản thảo vận vào bản điện tử này chăng? 
Trong lúc gõ, tôi ghi thêm một số chú thích và một số hình ảnh sưu tầm trên mạng (trong sách chỉ có hình chỗ giáp nước và bản đồ Đồng Tháp Mười) để chúng ta dễ hiểu tác phẩm mình đang đọc hơn. Tôi đã có dịp sống khoảng một năm ở một vùng đất cũng đầy cỏ năng, bàng, lát, lau, sậy…; cũng có bông sen, bông súng, lúa ma; cũng có lung, có giồng; cũng có tràm lụt… Như những người nông dân sống ở vùng đất ấy, tôi cũng cấy lúa, cắt lúa, bẩy chim, bắt cá… Vào mùa khô, nước chua lòm, phải gội đầu bằng bột giặt, nhưng mùa lụt thì nước ngọt tràn ngập khắp nơi và khi nước xuống thì cá nhiều vô số kể. Một lần, cùng hai người bạn đi kéo cá ở cuối một con kinh nhỏ [8], một con kinh đổ ra kinh Vĩnh Tế, điên điển trên bờ chỉ còn lác đác mấy bông trỗ muộn, sắc đã kém tươi. Đến lượt thay phiên, tôi leo lên bờ và bất chợt thấy một vạt hoa vàng rộng chừng bốn, năm chiếc đệm, bò lan trên nền đất màu xám, leo lên mấy cây sậy, cây lác. Đó là của một loại dây leo giống như bìm bìm, hắc sửu, nhưng bông màu vàng như màu bông mướp chứ không phải màu trắng hay màu tím nhạt. Tôi đứng lặng người rất lâu. Một cảm giác là lạ tràn ngập lòng tôi, một cảm giác chưa từng có trước đó, mãi đến bây giờ cũng chưa từng lập lại khi ngắm hoa. Thế đấy. Ở vùng đất hoang vu cũng có cái đẹp bất ngờ! Đồng Tháp Mười hẳn cũng thế! 
Trong eBook mới này, để tiện tham khảo, tôi chép thêm vào phần Đọc thêm: 
- Trích thư Quách Tấn ngày 28.10.1971; 
- Trích thư Nguyễn Hiến Lê ngày 6.11.1971; 
- Trích Hồi Ký Quách Tấn. 
Ngoài ra, bạn Phaplu còn giúp tôi sửa lỗi chính tả. Xin chân thành cảm ơn bạn Pháplu và xin trân trọng giởi đến các bạn. 
Goldfish 
Tháng 12 năm 2008 
Bổ sung tháng 12-2011 và tháng 4-2012 
TỰA 
Tháng 7 năm 1934, tôi ở Trường Công chánh ra. Hai tháng sau, có người giới thiệu cho tôi một chỗ làm ở Lào tại Savanakhét, nơi hiện nay có cuộc xung đột. Tôi lúc ấy thích xứ Lào lắm vì đã được đọc một ít sách tả đời sống an nhàn giữa cảnh thiên nhiên của các cô “phù sao” [9] ngây thơ và tình tứ; nhưng mẹ tôi không muốn cho đi Lào, bảo: 
- Mày qua bên đó, mỗi lần tao đi thăm mày sao được? Rồi mày cưới một con vợ Lào, nó nói tiếng nó, tao nói tiếng tao, làm sao hiểu nhau? Thế là tôi đành chờ một cơ hội khác. 
Ba tháng sau, người ta cho tôi một chỗ làm ở Sài Gòn. Sài Gòn tuy xa hơn Lào và tuy đối với mẹ tôi cũng là xứ lạ - người quê mùa lắm - nhưng đường đi có phần dễ hơn mà lại gần nơi một ông bác ở [10], nên mẹ tôi bằng lòng cho tôi đi, và tôi đi Sài Gòn sáng một ngày gần Tết. 
Ở Sài Gòn được mươi ngày thì có lệnh đưa tôi đi làm tại Long Xuyên, nhằm ngay tỉnh bác tôi ở, thế là tôi có dịp ăn Tết ở một làng hẻo lánh, bên bờ sông Tiền Giang, trên Đồng Tháp Mười. 
Chiều mùng một Tết, tôi và vài anh em ra sau nhà; nhìn sương, khói phủ rặng tre ở rạch Trà Bông, tôi bồi hồi nhớ những bụi tre ở Sơn Tây, và trong cảnh xa quê tôi yêu ngay làng đó, một điểm trên Tháp Mười như quê hương thứ hai của tôi vậy. 
Những năm sau, Tết nào tôi cũng về đó chơi và gặp được vài bạn thân gần như ruột thịt. Năm 1937, sau khi đo khắp các tỉnh ở Hậu Giang, tôi được đo ngay tỉnh Đồng Tháp. Nằm trong một chiếc ghe hầu [11], tôi đã lênh đênh khắp các kinh, rạch từ Hồng Ngự tới Thủ Thừa, từ Cái Thia tới Mộc Hóa; có khi đi trọn một tuần giữa một vùng bát ngát toàn lau, sậy, bàng, năng, hai ba chục cây số không có một nóc nhà, một bóng người. 
Sau sáu bảy tháng như vậy, tôi có thể tự hào rằng rất ít người Việt, ngay cả những bạn Nam, được biết rõ cảnh Đồng Tháp như tôi. 
Biết thì biết, mà chưa bao giờ có ý định viết về cánh đồng ấy. 
Đầu năm 1944, có dịp ra Hà Nội, tôi gặp một bạn học từ lớp nhất, làm chủ bút một tờ báo [12]. Anh bảo tôi: 
- Đồng bào ngoài này không biết chút gì về miền Nam. Anh sống ở trong ấy, nên chép lại những điều mắt thấy tai nghe cho độc giả hiểu thêm xứ Đồng Nai. 
Tôi nghĩ ngay đến Đồng Tháp Mười, đáp: 
- Xin lĩnh ý anh, tôi sẽ viết về cánh Đồng Tháp. 
- Cánh đồng ấy ở đâu? Tôi chưa hề biết nó. 
Tôi cười: 
- Anh làm sao biết được? Sách địa lí chỉ nói về nó một hai hàng, mà lại đặt cho nó một cái tên khác, là “Đồng Cỏ Lát [13] ” (Plaine des Joncs), nên nói đến Đồng Tháp thì mười người Việt, chưa chắc được một người biết. 
Về Sài Gòn, tôi thu thập ngay tài liệu về địa lý, thủy học (hydraulique), kinh tế, phong tục thì tôi đã có sẵn nhờ sáu bảy tháng sống trong đồng. Chỉ thiếu tài liệu về lịch sử. Thì may, nhờ người giới thiệu, tôi được ông Khuông Việt, hồi đó tòng sự tại Thư Khố Nam Kỳ, chỉ giùm cho một số sách, báo, bản đồ để tham khảo. 
Sáu tháng sau, tôi viết xong cuốn Đồng Tháp Mười dày khoảng 150 trang, đem gởi cho tòa soạn nhưng vì giao thông trắc trở, Sở Bưu điện ở Sài Gòn không nhận đồ bảo đảm ra Bắc nữa. 
Thế là đành sai hẹn với anh bạn và bản thảo phải cất trong rương, đợi một cơ hội khác, vì tôi chưa đủ tiền đem in mà cũng chưa quen một nhà xuất bản nào. 
Thượng tuần tháng 10 năm 1945, tôi lại về Đồng Tháp Mười, tại nhà bác tôi. Một đêm sáu bảy tên cướp vào đánh nhà, chủ ý là bắt cóc một ông điền chủ lớn đang lánh nạn trong nhà; song, rủi cho chúng và rủi cho tôi, ông điền chủ đó trốn thoát, chúng đành vơ vét ít quần áo, mùng mền rồi ôm luôn cái va ly của tôi đi. Thế là tập Đồng Tháp Mười mất ngay trong Đồng Tháp Mười. Tôi tiếc lắm! 
Vậy là tôi đã có cái duyên mới được bổ vào làm ở cánh Đồng Tháp rồi gặp bà con ở đó, nên mới biết rõ được nó. Lại có cái duyên bạn một ông chủ bút trọng lịch sử và địa lý Việt Nam, nên mới hăng hái viết về cánh đồng ấy. 
Nhưng lại vì vô duyên nên viết xong, in không được mà đến bản thảo cũng không giữ được. 
Cuối năm ngoái, sau một thời gian xa cách tám năm tôi trở về Sài Gòn, và cố ý viết lại cuốn Đồng Tháp Mười. Tôi bỏ ra một tháng tìm lại những tài liệu cũ, song mười phần thu thập được bốn, năm; hoặc vì chính những tài liệu đó đã mất, hoặc vì tôi không còn biết kiếm ở đâu ra. 
Một hôm, nhân vào chào ông giám đốc Thư viện Nam Việt - vì ông đã có nhã ý giúp tôi ít nhiều tài liệu - ông giới thiệu anh Lê Ngọc Trụ với tôi. Từ trước anh Trụ và tôi chỉ biết tên nhau chứ chưa biết mặt nhau nên gặp nhau chúng tôi mừng lắm và khi hay tôi đương băn khoăn vì thiếu tài liệu về Đồng Tháp thì anh tỏ ý sẳn sàng giúp liền, và chạy đi ôm về từng chồng sách cho tôi coi. Những học giả thường tậm với văn hoá như vậy! 
Thế là lần này, nhờ cái duyên văn tự, tôi lại tìm được gần đủ tài liệu về Đồng Tháp mà lần trước tôi đã kiếm ra và ăn tết Giáp Ngọ xong, tôi khởi sự viết ngay trang đầu. 
Vậy là lời cổ nhân đã đúng một lần nữa: “Phải có duyên mới viết được một quyển sách”. 
Hôm nay, đã viết xong trang cuối, tôi tự hỏi: “Có duyên để xuất bản không đây? Hay là bản thảo lại thành đất bùn trong Đồng Tháp một lần nữa?”. Như con chim phải tên, tôi nghi ngờ hết thảy. Chỉ khi nào sách bày trong cửa tiệm, tôi mới có thể nói chắc được. 
Viết cuốn này, tôi có ý tặng các bạn Bắc và Trung để các bạn ấy biết thêm một miền trên đất Việt, nhưng cũng là để tặng các đồng bào miền Nam của tôi nữa. 
Non 20 năm sống trên đất Đồng Nai này, tới đâu tôi cũng được tiếp đón một cách chân thành và thân mật. 
Một đêm ở trên kinh Phong Mỹ, trong Đồng Tháp, vào đụt mưa trước cửa một căn nhà lá. Lúc đó đã quá hai giờ khuya. Một bà già trong nhà đằng hắng hỏi tôi. Tôi đáp. Tức thì có tiếng lục đục, rồi tiếng quẹt; một tia sáng lọt qua tấm vách lá và một bà cụ mở cửa, mời tôi vào. Căn nhà nhỏ quá, chừng sáu thước vuông, kê mỗi một bộ ván gỗ tạp. Một cô độ mười bảy, mười tám, xếp vội mùng, mền, chào tôi rồi đứng nép một bên. Tôi ân hận làm mất giấc ngủ của chủ nhân, xin lỗi cụ rồi ra đứng trước cửa, nhưng bà cụ không chịu, nhất định bắt tôi vào ngồi nghỉ trong nhà vì “ngoài đó gió lạnh lắm”. 
Hai bà cháu thức trên một giờ, tiếp chuyện tôi cho tới khi mưa ngớt. Đưa tôi ra cửa bà cụ nói: 
- Tội nghiệp thầy Hai, đường trơn, coi chừng té đấy. 
Một lần khác, vào thăm một vườn quít ở Tân Thuận, tôi được chủ nhân, một bà già góa chỉ đủ ăn chứ không giàu, tiếp đãi một cách cực kỳ đôn hậu, cố giữ tôi lại dùng một bữa thịnh soạn do chính tay bà nấu lấy và khi từ biệt bà, xuống ghe thì đã thấy ở dưới ghe, năm, sáu chục trái quít và hai ba nải chuối. 
Tôi nhớ hoài một bà cụ khác [14] rất nghiêm khắc mà rất nhân từ, đã giúp tôi trong lúc tản cư được yên ổn học hỏi và viết sách. Cụ rất ít nói nhưng có những cử chỉ cảm động vô cùng. Một hôm gần Tết, cụ bảo tôi: “Tôi biết thầy có học Nho, không quên tổ tiên, nên bảo trẻ mua đồ cúng, thầy dọn bàn này đi mà cúng ông bà”. Tôi muốn rưng rưng nước mắt. Hương hồn cụ lúc nầy chắc tiêu diêu ở cõi Phật. 
Một thi nhân vịnh Nam Việt có câu: 
“Tối khả hoài nhân duy lão mỗ” 
Lời ấy thật đúng! Không ai quên được tấm lòng rộng rãi, thương người của các bà già miền Nam. 
Những bà cụ ấy, đều chất phác, không biết sử ký và địa lý nước Việt, mà đối với tôi - một người phương xa mới tới - thân mật như trong nhà, làm cho tôi nghĩ tới “đầu óc địa phương” của một số bạn “có học thức” của tôi mà xấu hổ thay cho họ! Họ mạt sát hết thảy những cái gì không phải ở trong cái xứ họ mà ra. Còn giữ tinh thần hẹp hòi ấy thì còn bị người ta chia rẽ, còn phải làm nô lệ. 
Tôi mong rằng đọc xong cuốn này, đồng bào Trung, Bắc hiểu đồng bào miền nam hơn và hết thảy chúng ta đoàn kết, tương thân tương ái nhau hơn. 
Được như thế là tôi đã đạt được mục đích và đáp lại một phần nào tấm lòng thành thực tự nhiên của các bạn miền Nam. Trong số các bạn ấy, tôi phải cám ơn trước hết cô Nguyễn Thị Liệp và học giả Lê Ngọc Trụ là những người đã giúp tôi tìm tài liệu soạn cuốn này. 
Sài Gòn, ngày 15-4-1954. 
CHƯƠNG I: 
MỘT DỊP MAY 

Trung tuần tháng 3 năm 1939, một buổi tối, anh Bình với tôi ngồi uống nước trà hột ướp sen bên hai chậu lan trong một khu sân nhỏ tại Khánh Hội (Sài Gòn). 
Bình là con một thương gia, mới đậu cử nhân Luật, vào chơi Sài Gòn lần này là lần đầu.
Anh cầm tờ T.Đ. [15] coi qua vài cái tựa chữ lớn, rồi bỏ xuống, nói: 
- Tôi không thể nào đọc báo trong này được. 
- Sao thế? 
- In sai nhiều quá. Hỏi, ngã nhầm be bét, rồi ác, át, an, ang… không phân biệt, thật chướng mắt. Cây cau mà in là cây cao thì có chết tôi không chứ? 
- Còn báo ngoài Bắc, không in sai sao? S thì lầm với x, tr với ch… mà sao anh không thấy chướng? 
- Bề gì ngoài mình in cũng ít lỗi hơn. Còn về nội dung thì bài vở tầm thường lắm. Ít bài xã thuyết có giá trị. Có lẽ chỉ có mỗi tờ tuần báo Mai là đọc được. Nói chung thì về văn học, Sài Gòn còn kém Hà Nội xa. 
- Thế còn về phương diện khác? Anh đã ở đây được một tuần, đã đi thăm gần hết những nơi đáng coi, đã được biết vài vùng ngoại ô như Gò Vấp, Thủ Đức và nhận xét vài gia đình Nam, anh cho biết cảm tưởng của anh ra sao? 
Bình suy nghĩ một chút, đáp: 
- Khó nói quá vì cảm tưởng còn hỗn độn. Hồi anh mới vào - dễ trên bốn năm rồi đấy nhỉ? - cảm tưởng anh thế nào? Để xem có giống của tôi không? 
- Chắc không giống vì hoàn cảnh của tôi khác. Hồi ấy tôi vì mưu sinh phải vào đây, còn anh đi chỉ có mục đích du lịch. Tôi tới Sài Gòn trong lúc thiên hạ sửa soạn ăn Tết. Đi dạo chợ Bến Thành, không thấy cành đào và thủy tiên mà chỉ thấy dưa hấu cùng hoa sen, tôi chán nản lắm [16]. 
Song bây giờ thì tôi quen rồi và thích đời sống ở đây. 
- Có lẽ tôi đi du lịch nên tôi thích ngay Sài Gòn từ phút bước chân ở xe hỏa xuống. Tôi thích từ giọng trong trẻo, lanh lảnh của các thiếu nữ, tới những rặng sao cao vút, thẳng tấp và khí hậu mát mẻ điều hòa ở đây. Anh nói mùa này là mùa nóng nhất mà đêm có thể đắp chăn đơn được thì thấm vào đâu với mùa hè ngoài mình, nắng tới nứt tre, quạt luôn tay mà mồ hôi vẫn nhễ nhại. 
Nhất là tính tình đồng bào ở đây vui vẻ, tự nhiên, hợp với tôi lắm, không kiểu cách như các bà hàng Bạc, hàng Đường ở Hà Nội. Không khi nào tôi quên được cô Ba Đa Kao, má lúm đồng tiền, giọng nói nhẹ nhàng, thân mật quá. Món nem nướng… 
- Lại quên rồi. Chả giò. 
- À, quên, món chả giò cô ấy dọn cho ăn bữa đó ngon tuyệt! Còn món cù lao, món thịt kho nước dừa nữa chứ. 
Tôi sẽ chép lại cách nấu các món ấy về chỉ cho bà con ngoài Bắc. 
Tôi nói đùa: 
- Thích Sài Gòn như vậy thì nhập tịch Sài Gòn phắt đi. 
- Chưa biết chừng. Có lẽ ra chuyến này, tôi thu xếp rồi xin phép thầy mẹ tôi vào làm ăn ở đây. 
- Tôi sẽ thưa với hai cụ không cho anh vào vì hễ vào là về không được nữa. Chắc anh biết câu ca dao này: 
Sài Gòn dễ ở khó về 
Trai đi có vợ, gái về có con. 
- Trai đi có vợ? Thế thì còn gì tuyệt bằng! Thầy mẹ tôi đương mong có cháu nội ẵm đây. Nhất là khi các cụ được nếm miếng thịt kho nước dừa thì phải mê các cô Sài Gòn, còn ngăn cản gì nữa? 
Chúng tôi đều cười. 
Trầm ngâm một lát, anh Bình tiếp: 
- Câu ca dao đó đúng thật. Xét kĩ, Sài Gòn không có gì đẹp. Không có nhiều di tích cũ như Hà Nội; không có thắng cảnh như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, cách ăn mặc phụ nữ ở đây cũng không được nhã: áo dài thì ngắn quá, mầu thì lòe loẹt quá, ra đường thì nhiều cô chỉ mặc áo bà ba, không quen mắt như tôi, thấy trơ trẽn lắm; hoa không có thứ quí; hải đường, trà, đào… đều thiếu; cuộc sinh hoạt thì ồn ào: người ta sống ngoài đường nhiều hơn trong nhà; quán ăn, tiệm nước đầy phố và lúc nào cũng chật ních khách. Vậy mà không hiểu sao, Sài Gòn có sức quyến rũ tôi rất mạnh anh ạ. 
- Tôi còn nhớ hồi mới tới có cảm tưởng rằng Sài Gòn không phải là một thành phố Việt Nam. Vừa ở trong một tiệm ăn Quảng Đông ra, tai còn văng vẳng tiếng xí xô của các hấu théng thì đã gặp ngay một chùa Chà, hương trầm ngào ngạt, với những Ấn kiều y như tượng đồng đen ngồi xếp bằng tròn trên gạch bông sặc sỡ. 
Ở ngoài đường, ta chạm trán với khách mọi phương: những ông lục Cao Miên áo vàng nghệ che dù đen, những anh gác dang Băng Ga Li hút điếu bằng đồng, cần dài và cong, một bọn thủy thủ Anh, da đỏ như tôm luộc, mắt xanh như nước biển, những anh lính Ma Rốc tóc xoăn, mắt và răng trắng dã! Rồi người Chàm, người Mã Lai, người Nhật, người Pháp, người Huê kiều ở Hải Nam, Quảng Đông, Triều Châu… bao nhiêu giống người bấy nhiêu tiếng nói, y phục, phong tục mà cùng chung sống trên miếng đất này, làm cho Sài Gòn có những vẻ đặc biệt, khác hẳn với Hà Nội, Huế. Ban đêm vào Chợ Lớn thì ai mà không có cảm tưởng là đương ở Hồng Kông hoặc Thượng Hải? 
Có lẽ cái duyên của Sài Gòn mà anh vừa nói là ở chỗ ấy. Không khí tại đây là không khí giang hồ, tứ chiếng. Mỗi lần đứng ở cột cờ Thủ Ngữ hoặc trước bến Nhà Rồng, hóng mát trên bờ sông, nhìn những chiếc tàu biển từ phương xa tới, những đoàn ghe từ Lục tỉnh lên, tôi có cảm giác là lạ này anh ạ: tôi tưởng như trong ngọn gió thổi trên sông, có phản phất hương của muôn phương. Vì vậy tôi bảo Sài Gòn không phải là một đô thị Việt Nam, nó là một thương cảng của thế giới. Anh mới biết Sài Gòn chưa có thể nói là biết Nam Việt được. 
- Phải. Tôi cũng mờ mờ nhận thấy rằng Sài Gòn có vẻ tứ chiếng và vẫn đợi anh đưa đi xem Lục tỉnh đây. Anh đã xin phép nghĩ chưa? 
- Khỏi phải xin phép. Một dịp may hiếm có: sở giao cho tôi đi kinh lý Đồng Tháp Mười trong một tuần lễ. Người ta cho tôi dùng chiếc tàu lớn có hai chỗ nằm. Tôi đã xin phép cho anh theo. 
- Đồng Tháp Mười ở đâu? 
- Nó là Plaine des Joncs đấy mà. Anh còn nhớ địa lý Nam Việt không? 
- Học lâu quá quên rồi. 
- Cánh đồng đó rộng lắm, tôi chỉ trên bản đồ cho anh coi. Bây giờ anh chỉ cần biết rằng chúng ta sẽ có cơ hội thăm những tỉnh này: Tân An, Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc. 
- Thế ư? Vậy bao giờ đi? 
- Ngày mốt. 
- Ngày mốt là ngày gì? 
- Ngày mai rồi tới ngày mốt. Ngày mốt tức là ngày kia. Nhưng tôi cho anh hay trước, phải lội sình cực lắm đa! 
- Lội sình là sao? 
- Sình là bùn lầy. Trong Đồng Tháp Mười, cuối mùa nắng này còn những chỗ sình tới đầu gối và rộng hàng trăm thước. Lội được không? Lại phải len lỏi trong đám lau, sậy hàng chục cây số mà không gặp một nóc nhà, một bóng người, và rắn đỉa thì vô số. 
- Eo ơi! Ghê thế kia à? Anh nói thật chứ? Hay dọa đấy? 
- Ai dọa anh làm gì? Theo nổi thì theo. Không nổi thì ở lại đây mà xuống thăm cô Ba Đa Kao để tôi đi một mình. 
- Từ Hà Nội vào đây, nằm hai ngày hai đêm trên xe hỏa mà chỉ để biết Sài Gòn thôi thì ai chịu? Phải theo anh cho biết lục tỉnh chứ. Khó nhọc nào mà anh chịu được thì tôi cũng chịu được. Ba năm “xì cút” [17] rồi mà! 
- Vậy nhất quyết đi? 
- Nhất quyết! 
- Không sợ rắn hổ dài ba thước và đỉa trâu lớn bằng ngón chân cái ư? Còn cái nạn muỗi nữa! Nhiều như… không thể tả được, vào trong đồng sẽ biết. Chỉ thấy chúng bay như đám mây cũng đủ rợn mình. - Cái gì cũng không sợ. Người Pháp qua đây trèo đèo lội suối chịu đủ gian lao để biết rõ xứ của ta rồi về vẽ thành những bản đồ, còn chính chúng ta lại không biết chút gì về giang sơn của tổ tiên để lại thì “mắc cỡ” lắm. 
- Học được tiếng “mắc cỡ”. Giỏi. Để mai tôi thu thập ít tài liệu về cánh Đồng Tháp Mười rồi xuống tàu chỉ cho anh coi. Cánh đồng đó tới nay, đối với người mình, ngay cả với nhiều người Nam, còn là khu vực bí mật, chứa nhiều cái lạ. Dù phải lội sình và bị muỗi cắn, đỉa bám thì cũng nên đi cho biết. 
CHƯƠNG II: 
TRÊN SÔNG VÀM CỎ

Từ Sài Gòn đến 
Tân An Tân An 
Một câu chuyện phiếm 
Đồng Tháp Mười trên bản đồ 
Thủ Thừa - Thủy triều ở Nam Việt 
Giáp nước 
Trên sông Vàm Cỏ Tây - Quận Mộc Hóa 
Hai hôm sau vào lúc mờ sáng, chúng tôi lên xe đi Tân An. Khi xe ra khỏi Phú Lâm không khí thơm ngào ngạt. Chúng tôi khoan khoái hít đầy phổi. Tôi nói với anh Bình: 
- Thôn quê Bắc Việt có hương xoan, hương bưởi, hương chanh thì ở đây có hương sao, hương sấu, hương mù u. Tôi nhớ mấy năm trước, đi đo ở miền Hậu Giang, có lần vào xin nước mưa trong một nhà lá nhỏ nọ, tôi cầm chén nước vừa đưa lên miệng thì ngưng lại: nước thơm quá y như là ngâm hoa. Rút khăn ra chùi miệng, khăn cũng phảng phất có hương. Nhìn lại mới thấy căn nhà cất giữa một khu trồng đầy sao và mù u. 
- Cây mù u ra sao? 
- Nó cao, lá dầy, có bông tựa như bông mai, tuy nhỏ nhưng cũng nhị vàng, cánh trắng. Tương truyền hồi Nguyễn Ánh thua Tây Sơn, chạy vào miền Đồng Nai này, thấy bông mù u đặt cho nó cái tên là Nam Mai, nghĩa là mai phương Nam. Trái mù u tròn và lớn bằng đầu ngón chân cái, hột có dầu dùng để thắp. Anh nhận kỹ, phong cảnh miền này có khác miền Bắc không?
Bông mù u 
- Nhiều dinh thự nguy nga. Nhà thường thì vách ván và lợp ngói hoặc lá chứ không có vách đất và lợp rạ. Ngoài ra tôi không thấy có gì khác. - Miền Chợ lớn này khai phá đã hơi lâu năm, lại ít sông rạch, nhiều đường xe, nên không khác gì miền Bắc. Nhưng càng đi về phía Tây, phong cảnh càng đổi: nhà cửa rải rác hai bên bờ sông, rạch chứ không thu lại từng chòm, có lũy tre xanh bao chung quanh, có đường cái xuyên qua và hai cổng gạch ở hai đầu đường như tại thôn quê Bắc Việt.
Ngồi xe, thấy chỗ nào có rặng cây xanh ở trước mặt là anh biết trước rằng nơi đó có một dòng nước mà hai bên bờ là làng, xóm, đình, chùa, nhà việc [18] thường cất ở chỗ hai, ba đường nước gặp nhau. Đó là một đặc điểm phong cảnh miền Nam. 
Chúng ta đang sắp đến cầu Bến Lức rồi. Rặng cây trước mặt là bờ sông Vàm Cỏ Đông. Một lát nữa, chúng ta sẽ qua một con sông cũng lớn như con sông này, và gọi là sông Vàm Cỏ Tây. Qua sông đó rồi là tới Tân An, một châu thành nằm ở ven Đồng Tháp. 
Tám giờ, chúng tôi tới Tân An, đã thấy chiếc tàu của sở đậu ở bến. Chúng tôi cho xe dạo một vòng trong châu thành để anh Bình biết qua nhà ga, các công sở cùng các biệt thự ở bờ sông Vàm Cỏ, rồi tìm chỗ điểm tâm. Anh Bình nhất định lựa tiệm ở gần chợ vì anh vốn ưa cảnh náo nhiệt, thích nhìn người ta đi lại, mua bán. Anh mua một trái dưa hấu và một chục quít, ngạc nhiên lắm khi thấy cô hàng đếm cho anh mười hai trái. Anh cầm hai trái trả lại: 
- Cô đưa thừa cho tôi. Tôi mua có một chục thôi mà. 
Cô hàng nghe giọng là lạ của anh, mỉm cười, đẩy hai trái quít về phía anh: 
- Thầy mua một chục thì tôi đếm một chục đó. 
Anh Bình chẳng hiểu gì cả, tôi phải giảng: 
- Ở miền này trái cây như quít, mận thì một chục là mười hai trái. Có tỉnh một chục mười bốn hay mười sáu kia. 
- Lạ nhỉ! Một chục mười sáu trái. Thế thì có ông thánh hiểu. 
Rồi anh quay lại bởn cô hàng: 
- Chắc cô bán mắc cho tôi rồi. Một chục mười sáu mà cô bán có mười hai. 
Anh cố sửa cho thành giọng Nam, không nói “bán”, “đắt”, “một” mà nói: “báng”, “mắc”, “moột”. 
Cô hàng chỉ mỉm cười, có duyên đáo để, làm cho anh Bình mê tít. Xuống tàu, tôi giới thiệu anh với nhân viên trong tàu rồi dắt anh đi xem từ mũi tới lái. 
Tàu bắt đầu chạy. Chúng tôi kê hai chiếc ghế gần mũi tàu, ngồi nhìn phong cảnh. Anh Bình bảo tôi: 
- Công chức các anh sướng như tiên. Đi kinh lý thì có cả một chiếc tàu “bự”. Tính ra chuyến này tốn cho chính phủ bao nhiêu? 
- Khoảng 500 đồng [19], kể cả lương và phụ cấp của nhân viên trong tàu, cùng tiền củi, tiền dầu… Tôi là công chức bậc nhỏ, đáng kể gì? Một viên kỹ sư Pháp đi kinh lý, là sở cho một người bếp theo để nấu cơm Tây. Tàu họ lớn hơn tàu này nhiều. Nói chi tới những hạng như thống đốc đi kinh lý. 
Kể ra công sở tiêu tiền rất phí phạm. Theo cuốn “Man du tạp ức” của Hồ Thích, chính phủ tỉnh Quảng Đông năm 1930 tiết kiệm công quỹ một cách ta khó tưởng tượng nổi. Công chức nào muốn lấy một tờ giấy đánh máy hoặc một cây bút chì cũng phải ghi vào sổ. Các ông huyện - một huyện bên đó lớn bằng một tỉnh của mình - mà đi kinh lý chỉ có ngựa và thuyền. (Chẳng bù với Nam Việt, trong một tỉnh nhỏ xíu, ông chánh tham biện có một chiếc công xa, ông phó một chiếc khác rồi mỗi ông chủ quận một chiếc. Nhà cách sở 100 thước cũng phải leo lên xe). Còn y phục thì từ Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hy, - hai nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Tây - đến các ông giáo làng, hết thảy đều dùng đồ nội hóa. Về ẩm thực thì trong một bữa tiệc trường Đại học Quảng Tây đãi Hồ Thích, người ta xa xỉ lắm mới dùng tới rượu bia, nhưng hai chục người uống mà chỉ có một chai và người ta uống bằng ly nhỏ, như uống rượu mạnh. Rượu bia có nhiều bọt, thành thử mỗi ly rót độ một muỗng súp rượu là đã đầy rồi. Họ nghèo như vậy mà làm việc vẫn đắc lực. Hết thẩy các khách phương xa tới thăm tỉnh họ đều khen rằng họ thực hành được nhiều việc lắm mà nền kinh tế của họ vững nhất các tỉnh Trung Hoa, vậy thì đâu phải cứ có nhiều tiền mới làm được việc.
Nước ngược tàu chạy rất chậm. Dòng sông uốn khúc, 
làng xóm lưa thưa, ghe thuyền cũng ít, cảnh có vẻ tiêu điều. 
Tôi mở một bản đồ tỷ lệ xích là 1/400.000 (coi bản đồ ở cuối sách) [20] và cầm bút chì chỉ cho anh Bình: 
- Châu thành Tân An là đây. Đi ngược sông Vàm Cỏ Tây lên tới Gò Bắc Chiên, rồi Svay Riêng [21] rồi qua phía Tây, theo kinh Cái Cỏ, rạch Sở Hạ xuống Hồng Ngự, xuôi con sông Tiền Giang tới bắc Mỹ Thuận, sau cùng theo đường xe ngang Cai Lậy về Tân An: địa giới của Đồng Tháp Mười đấy. 
Nhiều nhà địa lý cho Đồng Tháp Mười gồm cả khu ở phía Đông sông Vàm Cỏ Tây vào tới tận bờ Vàm Cỏ Đông, nhưng đứng về phương diện thủy học khu sau đó có tính cách khác hẳn Đồng Tháp, tách riêng nó ra thì phải hơn [22]. 
Đồng Tháp có nhiều cửa để tiếp xúc với các miền lân cận. Phía đông có châu thành Tân An, phía bắc có quận Mộc Hóa và châu thành Svay Riêng, phía tây có quận Hồng Ngự, phía nam có quận Cao Lãnh, quận Cái Bè và chợ Cai Lậy. 
- Cánh đồng bao nhiêu cây số vuông, anh? 
- Chiều ngang từ Hồng Ngự tới Tân An khoảng 120 cây số, hơn từ Hà Nội tới Hải Phòng. Chiều dọc từ Cao Lãnh tới Svay Riêng khoảng 70 cây số (bằng từ Hà Nội tới Việt Trì); tính ra khoảng 8.000 cây số vuông tức 800.000 mẫu Tây. (Nếu kể cả khu giữa hai sông Vàm Cỏ thì non một triệu mẫu Tây). Con số 800.000 mẫu Tây đó không gợi trong óc anh một hình ảnh gì cả, tôi xin đổi ra một con số khác. 
Mỗi mẫu Tây bằng ba mẫu ta ở Bắc. Tại Bắc mỗi gia đình nông phu trung bình có được mấy mẫu ta? 
- Làm gì được mấy mẫu. Năm, sáu sào là may rồi. Như tại Sơn Tây, một tỉnh trung bình không nghèo, không giàu, gia đình nào được ba mẫu ta đã là có “máu mặt”. Tại nhiều làng, nhà nào giàu nhất chỉ có năm, sáu mẫu. 
- Vậy nếu mỗi gia đình nông phu ngoài đó được ba mẫu ta tức một mẫu Tây, thì họ có thể tự cho là phong lưu rồi chứ? 
- Phải. 
- Vậy tám trăm nghìn mẫu đất của cánh đồng có thể phân phát cho 800.000 gia đình; mà mỗi gia đình trung bình có 4 người (2 vợ chồng, 2 con), thì Đồng Tháp có thể nuôi được 3 triệu người, một phần ba dân số Bắc Việt. 
- Mà hiện nay dân số trong cánh đồng là bao nhiêu? 
- Chưa có thống kê chính xác. Theo ông Victor Delahaye trong cuốn La Plaine de Joncs et sa mise en valeur thì năm 1928, cánh đồng có khoảng 80.000 người Việt, 20.000 người Miên, và 10.000 Huê Kiều. Chắc ông kể cả các quận đông đúc như Cái Bè, Cao Lãnh, cả châu thành Svay Riêng nữa. Trong 10 năm nay, dân số chắc không tăng mấy, và nhiều lắm là có 100.000 người Việt trong cánh đồng mà khoảng ba phần tư sống ở ngoài ven còn một phần tư len lỏi vào trong. Có chỗ, trên 20 cây số vuông không có một bóng người. Dân cư thưa thớt như vậy vì cánh đồng chưa được khai phá hết. Mới một nửa trồng lúa mà trồng thiếu phương pháp, nên sản xuất kém lắm. Rồi anh sẽ thấy sự hoang vu của Đồng Tháp. 
Tàu chạy ngang vàm rạch Thủ Thừa. Từ vàm đi vào ít cây số thì tới quận (tức như phủ ở Bắc và Trung). 
Quận Thủ Thừa khá lớn, có đủ nhà thương, sở Bưu điện, nhà việc và có đặc điểm này là ghe xuồng qua lại suốt ngày đêm, địa thế quan trọng hơn địa thế châu thành Tân An, có lần người ta đã tính dời châu thành Tân An về Thủ Thừa và làm thêm một quảng đường xe lửa nối hai nơi đó với nhau [23]. 
Thủ Thừa quan trọng vì hai lẽ: 
Nó nằm trên con đường kinh, rạch từ miền Tây lên Sài Gòn. 
Nó ở một chỗ giáp nước. 
Nền kinh tế và đời sống ở Nam Việt chịu ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Vậy mà không sách địa lý nào nhắc tới điều ấy cả. Thực là một thiếu sót rất lớn. 
Muốn cho độc giả hiểu rõ cánh Đồng Tháp và những chỗ giáp nước, tôi tưởng nên giảng ít điều về thủy triều. 
Bạn nào đã nghĩ mát ở Đồ Sơn (gần Hải Phòng) tất nhớ nước biển ở đó mỗi ngày (24 giờ) chỉ lên xuống một lần. Ở trong này, mỗi ngày thủy triều lên xuống hai lần. Ví dụ sáu giờ sáng nước bắt đầu lớn thì hơn mười hai giờ trưa, nước lớn tới cực độ (lúc đó gọi là nước đầy) mà rồi nước bắt đầu ròng (tức xuống) cho tới khoảng sáu giờ rưởi chiều (lúc này kêu là ròng sát). Con nước sau cũng vậy: lớn hơn sáu giờ rồi lại ròng hơn sáu giờ.
Hôm nay nước lớn sáu giờ sáng thì mai nước lớn trễ non một giờ; nhưng ngày nào cũng vậy, cứ lúc trăng bắt đầu mọc thì nước bắt đầu lớn: ngày rằm trăng mọc vào khoảng sáu, bảy giờ tối thì nước cũng cũng lớn vào giờ đó. 
Thủy triều ở Bắc Việt chỉ lên tới vùng Hải Dương, nghĩa là cách bờ biển vài chục cây số; nên ở Hà Nội không bao giờ có thủy triều, nước sông Hồng luôn chảy xuôi, thuyền đi từ miền dưới lên miền trên quanh năm ngược nước, nhất là mùa nước lớn, phải chèo kéo vất vả lắm. 
Ở trong này, trái lại, thủy triều mùa nắng lên tới khỏi Nam Vang, nghĩa là cách biển hai ba trăm cây số và ngay giữa mùa lụt, tháng 9 tháng 10 dương lịch, thủy triều cũng lên tới Cần Thơ. Cho nên trong mùa nắng, bất kì trên kinh, rạch nào ở đây, mỗi ngày cũng có hai con nước. Nhờ vậy sự chở chuyên rất dễ dàng; cứ đợi con nước xuôi mà đi, gặp nước ngược thì ngừng lại, đợi con nước xuôi sau, như vậy mỗi ngày có thể đi được 12 giờ; nghỉ 12 giờ; tất nhiên là có khi phải đi đêm cho kịp con nước và dân quê ở đây làm việc ban đêm nhiều hơn dân quê ở Bắc. Nhờ thủy triều, kinh rạch Nam Việt chiếm một địa vị quan trọng hơn đường bộ. Hiện nay xe lửa và xe hơi vẫn chưa giành nổi với tàu và ghe trong sự chở chuyên các đồ nặng. Như muốn chở lúa, người ta vẫn dùng ghe và cảnh những chiếc tàu giòng (tức kéo) 30 chiếc ghe lớn, nhỏ, thành một dảy dài mấy trăm thước là một cảnh rất đẹp mắt, ở Bắc Việt không có hoặc rất hiếm. 
Gia đình nào cũng có ghe, xuồng hoặc tam bản, có thể nói chiếc xuồng đối với dân quê cũng như chiếc xe đạp đối với thợ thuyền ở châu thành. Không có nó cũng như cụt chân. 
Thủy triều ở biển dâng lên tiến vào sông rạch. 
Nếu có ba cái rạch A, B, C như hình bên trái thì thủy triều từ biển tiến vào tới điểm M, chia làm hai luồng, một luồng vào rạch A, một luồng vào rạch B. Hai luồng đó tới N và P, đều tiến vào rạch C và gặp nhau ở điểm G kêu là chỗ giáp nước. 
Khi hai luồng nước gặp nhau thì không chảy nữa (trừ phi một luồng rất yếu, một luồng rất mạnh thì luồng này mới thắng luồng kia được), bùn cát đọng lại ở lòng rạch C, lâu sẽ thành một cái ụ như lưng con lừa (nên người Pháp gọi là dos d’âne). Ụ cao tới một mực nào đó sẽ làm cho ghe, tàu mắc cạn và người ta phải múc đất bùn đổ lên bờ, nghĩa là phải “vét” rạch. 
Độc giả nhận thấy tại chỗ giáp nước, luôn luôn có hai con nước ngược nhau, hoặc cùng tiến tới G một lúc (như trên hình) hoặc cùng xa G một lúc khi nước cùng rút ra. 
Hiểu như vậy rồi bây giờ xin bạn coi trên bản đồ ở cuối sách. Thủy triều ở biển tiến vào sông Vàm Cỏ Lớn rồi chia làm hai luồng vào sông Vàm Cỏ Đông và Tây, sau cùng một mặt đổ vào Kinh Mới, một mặt đổ vào Thủ Thừa: Thủ Thừa thành chỗ giáp nước. 
Đi trên kinh rạch Nam Việt, gặp chỗ giáp nước thì luôn luôn ta thấy một cái chợ hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất cũng là một xóm có vài quán bán hàng, vì chỗ giáp nước là chỗ đổi con nước; mười ghe thì chín ghe đậu lại đợi con nước sau. Trong khi nghỉ, người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, cà phê, thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tóm lại, chỗ giáp nước cũng tựa như một nhà ga có chỗ tránh trên đường thủy vậy. Chợ Thủ Thừa này vừa là chỗ giáp nước, vừa nằm trên con đường từ Sài Gòn về miền Tây do rạch Bến Lức, Kinh Mới, rạch Thủ Thừa, kinh Bà Bèo, kinh Tổng đốc Lộc, kinh Tháp Mười (cũng kêu là kinh Phong Mĩ) và Tiền Giang và Hậu Giang. 
Con đường đó ngắn hơn mà lại ít sóng gió hơn con đường đi trên sông lớn, tức đường do sông Soi Rạp, sông Vàm Cỏ Lớn, kinh Chợ Gạo, Tiền Giang, Hậu Giang; nên ghe, xuồng thường dùng nó, nhất là trong mùa nước đổ.
Hồi làm việc ở Thủ Thừa, tới những giờ đổi con nước, tôi thường ra bờ rạch ngắm cảnh ghe xuồng cùng nhổ sào, đi về hai ngã, chiếc trước chiếc sau, chiếc lớn chiếc nhỏ, đầy mặt rạch trên một khoảng dài. Cũng vui như ngắm xe xuôi ngược ở ga Hàng Cỏ [24] vậy. 
Nhất là những buổi chiều rực rỡ, ánh hồng của mặt trời chiếu vào những chiếc buồm vàng hoặc trắng, ngọn gió hây hẩy phất phất chiếc áo của các cô chèo ghe, cảnh cực linh động. Kẻ nhổ sào ra đi thường vui, nhưng lần nào cũng có vài người tiếc cái bến tạm cất câu hò từ biệt người bạn đường mới gặp mà đã phải xa nhau: 
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào? 
Những tình đó, có khi thoáng qua, có khi bền chặt, luôn luôn giúp cho đời sống giang hồ của họ có chút thi vị. Tại bến nào họ cũng để lại chút kỉ niệm, và gần tới một bến cũ, có khi họ vui như về cố hương vậy. 
Tàu ngược sông Vàm Cỏ Tây, cảnh càng tiêu điều: hai bên bờ toàn là dừa nước [25] cùng lau sậy, chưn bầu. Lâu lâu mới hiện một xóm nhà lá lụp xụp ở trên một khu đất mới phá chung quanh là cỏ dại. 
Tàu tới vàm kinh Ngang. Nhìn trên bản đồ, thấy kinh Bo Bo, anh Bình hỏi tôi: 
- Sao có tên kinh Bo Bo? 
Tôi đáp: 
- Tôi đoán chắc tại miền đó trồng nhiều cây bo bo. Bo bo cao và hình dáng giống như cây ngô, có hột lớn bằng đầu ngón tay út, ăn được và có tính trị thấp nhiệt, người Trung Hoa gọi là ý dĩ nhân. Tương truyền hồi Mã Viện qua đánh Hai Bà Trưng, quân lính không quen thủy thổ, bị bệnh thấp và chết rất nhiều. Nhờ có một tên Mường chỉ cho cách dùng hột bo bo mà họ đỡ chết, nên khi về nước, Mã Viện chở theo nhiều xe chất đầy ý dĩ nhân. 
Trên sông Vàm Cỏ Tây mỗi tuần chỉ có 2 chuyến tàu chạy từ Tân An lên Mộc Hóa chở thư từ và hành khách. Mộc Hóa là một quận, ở gần ngọn sông ấy. Ngoài công sở như quận, nhà thương, trường học là cất bằng ngói, gạch, còn hết thảy các quán ở chợ đều bằng ván. Chợ lèo tèo, mới 9 giờ sáng đã không còn ai mua bán nữa. Vài chú lính ngáp dài trước ly cà phê trong những tiệm nước tối tăm và đầy ruồi. Cách chợ chừng 100 thước là bốn bề một màu cỏ lát xanh thẳm tới tận chân trời. Miền đó là miền nghèo nhất Nam Việt, các công chức phải lên Mộc Hóa tự coi mình như bị đày vậy.
Nguyễn Hiến Lê
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh Có thể nói, tham vọng về một cuốn tiểu thuyết đào sâu vào đời sống xã hội đạ...