Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Những chân dung phác họa

Thủy Nguyên - Cái tên như gợi về một điều gì đó của một sự bắt đầu, của nguồn cội, trong trẻo và an lành...

Tôi đang dạo bước trên con đường thiên lý, một ngày kia lạc vào khu vườn thi ca nơi ấy. Thú thực, tôi tưởng sẽ gặp ở đó những tiếng chim cuốc cuối mùa, hay những tiếng vạc giữa trời đêm lạnh! Nhưng bất ngờ thay, tôi nghe ở đó có tiếng ve râm ran bản nhạc đồng quê, có tiếng tu hú gọi về mùa vải và có cả những tiếng chim cuốc kêu khắc khoải dưới những bụi dành dành hoa trắng... một khu vườn thật xôn xao - thuộc địa của những tâm hồn đương trẻ lại!

Trong những âm hưởng ấy, tôi thấy có sự vụng dại của tình yêu, có thẹn thùng lúng liếng, có giận hờn, trách cứ, có nón trắng che nghiêng, có yếm đào tươi tắn... Những sắc màu, những âm thanh, những cung bậc ấy giao thoa giữa mơ hồ của không gian một vùng văn hóa!

Trong thế giới đa thanh, đa chiều và đa cung bậc ấy, những người đầu tiên tôi gặp là Quang Tiếp và Minh Túy. Đó là hai tâm hồn, hai tiếng thơ khác nhau. Minh Túy giàu triết lý, chiêm nghiệm:

Mẹ già như chuối chín cây

Thột nghe câu hát xót cay xé lòng

Mẹ đang còm cõi thân còng

Mà thời gian cứ níu cong cuộc đời

Và thường có tứ:

Một chiều mắc lưới duyên tơ

Một chiều chôn kiếp vô tư một chiều

Một chiều buộc nhớ vào yêu

Ngàn chiều để nhớ cho nhau một chiều

Nhưng tôi nghĩ, thế mạnh của Minh Túy nằm ở mảng thơ thế sự, kể cả những câu thơ về tình yêu của anh.

Còn Quang Tiếp “bồng bột” hơn “tình tứ” hơn và đó mới chính là điểm mạnh của anh. Tôi rất thích những câu như: Nón nghiêng, cái lúm đồng tiền cũng nghiêng/ Vu vơ chao cái vơi đầy vu vơ/ Quàng xanh chồi lộc biếc... và:

Ngọt lịm bờ môi

Nụ cười như trẻ lại

Bàn tay anh vụng dại

Dắt em vào... xuân

Đó là những câu thơ xuất thần của anh, với cái đằm thắm của ý và mới lạ của tứ. Tôi thấy nơi anh ở là một cái nhà mặt phố nhưng bên trong lại là một mái tranh với hoa cau, hoa khế rụng mơ màng bên giếng nước!

Đi một quãng nữa tôi gặp một chú bé đang chạy ngơ ngác, ngửa mặt lên trời, đuổi theo quả bóng bay vừa tuột khỏi tay mình. Đừng cho chú là kỳ lạ vì quả bóng bay ấy có chị Hằng, có cây đa làng và chú Cuội - một người bạn chăn trâu. Đó là Nguyễn Văn Nam!

- Có vầng trăng bị đánh rơi

Ngày xưa, ngày xửa ở nơi giếng làng

- Vậy mà đêm mốt, đêm mai

Người ta đem ánh trăng cài ngọn tre

Tôi chưa bíêt Nguyễn Văn Nam là ai, nhưng hình như đó là một chàng thư sinh hay tiếc, hay hoài niệm và suy tư, trăn trở:

- Một chiều vắng tiếng “ầu ơi”

Giấc mơ gặp những chơi vơi chập chờn

- Vẫn là xanh bát nước chè

Mà như thiếu một đêm hè sáng trăng

Vẫn mòn lối tắt, lối ngang

Thiếu đi những bước chân sang ngõ gần

- Có mùa xuân về ngang ngõ

Đánh rơi một nỗi mong chờ

Chợt nhìn thấy mùa xuân cũ

Trở mình trong một vần thơ

Không biết những bài thơ này được viết tự bao giờ, nhưng tôi chắc nó được ra đời từ những cô đơn, trống vắng; viết để trả nợ với quá khứ, với quê hương và ký ức (một kí ức đẹp mà đượm buồn). Tôi tin Nam là người rất hiểu và trân trọng giá trị của quá khứ. Đọc thơ Nam tôi gặp hồn tôi trong đó!

Chợt một người từ dưới ruộng đi lên, vừa đi vừa ngâm nga câu hát nói. Tôi đoán đó là Lê Đình Lâm, bởi đã từng nghe đồn có một người vẫn “Trồng lúa và làm thơ”! Tôi cũng thấy ấn tượng với Lê Đình Lâm kể từ khi đó.

Lê Đình Lâm trước hết phải là một người thẳng thắn, đó là một tâm hồn tinh tế nhưng rất chân thành và giản dị, yêu cuộc sống: Tôi yêu tháng ba/ Trắng muốt hoa trinh nữ/.../ Mẹ già đi trảy hội/ Em phơi phới sân đình/.../ Tôi tìm trong cõi bao la/ Hương về cho quả, cho hoa vườn đời và:

- Tìm vần thơ toả ngát hương

Gửi đi bằng sóng con tim tặng đời

Một điều đáng quý, đáng trân trọng nữa ở Lê Đình Lâm là cái ý thức trăn trở về sứ mệnh của mình - người làm thơ trước cuộc đời:

- Chẳng mơ thơ tới cung mây

Chỉ mong vợi chút đắng cay cho đời

- Vần thơ vẫn cứ đa tình

Mà ta bạc tóc chưa thành thi nhân

Tôi nghĩ rằng những câu thơ này Lê Đình Lâm đã nói hộ nhiều người dù đã thành hay chưa thành thi nhân...

Dưới gốc đa, trước cổng đình làng, tôi thấy một người "thợ cắt tóc" vừa múa kéo vừa đọc thơ - Đấy là Nguyễn Dung với tấm biển kẻ chữ mảnh dẻ phía trên: “Người làm đẹp cho đời”!

Trong cái làng thơ nghiệp dư của chúng ta, Nguyễn Dung Là người chuyên nghiệp nhất; người nắm vững nguyên tắc sáng tác, chỉ huy được nguồn cảm xúc của mình. Đó không phải là tiêu chí hay chìa khoá của những bài thơ hay, nhưng điều đó sẽ cho ra đời những tác phẩm luôn ở tầm khá trở lên. Nghĩa là như ăn một bữa cơm ta không phải nhăn mặt khi gặp những hạt sạn. Vấn đề còn lại thì cũng như tất cả những người làm thơ khác: Đợi “nàng thơ” đỏng đảnh tới gõ cửa. Đó là lúc bừng sáng của tư duy gặp sự thăng hoa về cảm xúc, và kết quả của nó mới là những vần thơ hay, những câu thơ để đời.

Tôi đang nói về Nguyễn Dung, tôi nghĩ Nguyễn Dung cũng đã có những câu thơ như thế:

Chiều thả vào vu vơ

Gió đương thì xanh ngắt

Hay:

Chia tay nắng tắt còn lưu luyến

Gió thả bỏng chiều những dấu môi!

Thơ là mở ra một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó còn bị phong kín. Tôi chưa nghe và chưa nhìn thấy cơn gió nào như thế, nên tôi nghĩ, dẫu nhỏ thôi thì cũng là một cái mới trong thi ca mà Nguyễn Dung đã đóng góp.

Tôi cứ đọc đi, đọc lại hai dòng thơ này và trong một giây tôi bất giác nghĩ tới câu thơ này mà rơi vào tay một cậu học trò cấp 2 của tôi thì cậu sẽ chẳng ngần ngại hạ bút sửa “gió” thành “lúa” (vì trong tư duy logic của cậu ta điều đó là vô lý).

Lúa đương thì xanh ngắt

Thế thì sao nhỉ? Thực quá còn gì? Và bình thường quá phải không?

Không! Bình thường mới chính là cái chết của nghệ thuật. Sự logic kia đã giết chết một câu thơ xuất thần. Đó chỉ là một từ, nhưng tôi nghĩ Nguyễn Dung hơn người và đóng góp được cái gì đó cũng chỉ bằng một từ mà thôi!

Thế mới hay, mỗi bài thơ đều được duy trì trên một mạch nguồn cảm xúc cao mà mỗi từ là một mạch nối. Bớt đi một từ, sửa đi một chữ có khi làm cả bức tường bằng thơ ấy sụp đổ. Thơ là một chỉnh thể của cảm xúc và trí tuệ. Nó không chỉ là vần, là nhạc, là ý, là lời mà sau những thứ kia là: Hồn người!

Thơ ca có cái logic riêng của nó, nhưng tuyệt nhiên không phải là thứ logic dung tục. Nó thiên về sự cảm hơn là sự hiểu. Thế mạnh của nó là sức gợi của ngôn từ hơn là dung lượng của sự kiện và tình tiết. Nó nằm giữa “khả giải” và “bất khả giải” nhưng không phải là cả hai. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, thế giới của thơ ca là thế giới của hình tượng và cảm xúc vì vậy khi tiếp cận với thi ca phải từ sự sâu lắng của tâm hồn, phải bằng tư duy hình tượng.

Tháng 5 / 2011

Trần Đình Thanh
Theo https://sites.google.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự cứu rỗi – Truyện ngắc của Võ Chí Nhất 23 Tháng Mười Một, 2021 Tôi phá lên cười rồi sà xuống ghế xa lông quan sát, còn chị Hà thì ch...