Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Tôi chưa bao giờ đi tàu hỏa trên đất nước của những con tàu

 Tôi chưa bao giờ đi tàu hỏa 

trên đất nước của những con tàu

Tôi thường thực hiện những chuyến đi phượt qua Chợ nổi Cái Răng, miệt vườn Cửu Long, phà Rạch Miễu, Gò Công… nhưng đó là ngược xuôi trên vùng Nam Bộ sông nước mênh mông của một đất nước với đặc điểm địa hình ¾ diện tích là đồi núi, vậy mà với hình thức giao thông rất thông dụng và cũng khá thú vị là đường sắt thì tôi lại chưa hề. Thật là một thiếu sót và thiệt thòi đáng ngạc nhiên. 

Lịch sử ngành đường sắt Việt Nam có chép lại: “Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam được xây dựng vào năm 1881 với chiều dài 71km nối Sài Gòn với Mỹ Tho. Sau đó tuyến đường sắt xuyên Việt bắt đầu được khai thác vào năm 1936. Đến nay, mạng đường sắt đã có bước tiến vượt bậc về cả quy mô và năng lực so với giai đoạn đầu. Mạng ĐSVN bao gồm 7 tuyến chính nối liền 35 tỉnh thành qua nhiều địa hình đặc biệt với hơn 130 năm khai thác”. Hiện nay, trải bao thăng trầm trong lịch sử, Ga Tp. Hồ Chí Minh là điểm dừng chân cuối cùng tại miền Nam của những chuyến tàu thống nhất - xa nhất với tỉnh Lào Cai trong lãnh vực giao thông đường sắt. Chuyện này, tôi vô tình lên mạng tìm hiểu tại trang của Tổng công ty đường sắt Việt Nam mà biết được. Các tư liệu lịch sử đã cho thấy: tháng 5/1886, hãng Eiffel bên Pháp hoàn thành 2 công trình cầu sắt Bến Lức (bắc qua sông Vàm Cỏ Đông) và cầu Tân An (qua sông Vàm Cỏ Tây) để xe lửa qua sông. Khi đó, phà hơi nước khổng lồ đủ sức chịu nặng 10 toa tàu hỏa, có đường ray nối với đường ray trên đất liền đã sử dụng nhằm duy trì giao thông đường sắt giữa Sài Gòn - Mỹ Tho (1885 - 5/1886) mới được nghỉ ngơi vĩnh viễn. Vậy đấy, tôi chưa bao giờ đi tàu hỏa, cũng không sống vào thời điểm 1881 - 1886 nhưng bản thân đã theo dõi lịch sử của những chuyến tàu mở màn kinh tế Việt Nam. Tôi đã hoàn thành sứ mệnh mà đời sau thường làm: Ôn cố tri tân. 

Ngày 28/08/2012, đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên được khởi công xây dựng. Đây là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam. Tuyến đường này chạy ngang qua trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh nơi tôi đang học và làm việc. Sử sách ghi rằng, thời xưa, khoảng tháng 6/1881, để xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, người ta đã phải huy động 1,1 vạn nhân công. Bây giờ, với công nghệ hiện đại, tuyến đường sắt trên cao dù đang xây dựng nhưng tôi thấy thường xuyên chỉ có vài chục công nhân! Thật là một khác biệt lịch sử! 

Tôi từng tham gia phiên đấu giá sách cũ trong buổi chiều giữa Sài Gòn nắng nhẹ. Rất đông người tham gia - chứng tỏ người Sài Gòn vẫn dành cho sách một tình yêu lớn. Những tác phẩm nổi tiếng, những ấn phẩm quý hiếm được đưa ra. Thật cảm động khi biết toàn bộ số tiền trong phiên đấu giá đều dành cho việc mua vé tàu Tết cho sinh viên nghèo, công nhân nghèo. Rất muốn sở hữu những cuốn sách mà tôi từng mơ ước, cũng muốn góp chút ít vào quỹ mua vé tàu, nhưng với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, tôi đành trở thành khán giả… 

Đoàn tàu mới sẽ đẹp hơn, khổ đường ray sẽ rộng hơn, di chuyển nhanh hơn, dù tuyến đường sắt mới chưa xây xong nhưng tôi đã hạ quyết tâm sẽ là một trong những hành khách đầu tiên của những chuyến tàu hỏa trên cao, như một cách thể hiện lòng yêu nước, thể hiện tình yêu với quê hương. 

Hình ảnh mô hình tuyến đường sắt trên cao.

 Xuân Bính Thân 2016

Đức Thọ
Theo https://hcmute.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh Có thể nói, tham vọng về một cuốn tiểu thuyết đào sâu vào đời sống xã hội đạ...