Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Non xanh nước biếc trùng trùng

Non xanh nước biếc trùng trùng...

Tôi thường chọn mùa hè, mùa đông để lên vùng biên giới phía Bắc. Vì sao ư? Chỉ để được trò chuyện với hoa mộc miên và bông lau nơi bờ cõi.

Dù rằng, mộc miên là tên gọi khác của hoa gạo, hoa pơ lang, cũng chỉ là màu đỏ tươi như ở mọi miền đất khác và cây lau trổ cờ quét gió thì ở đâu chẳng vậy. Nhưng hình như có điều gì đó ẩn giấu trong những vệt đỏ của hoa mộc miên, trong những lô xô lau trắng trên khắp nẻo rừng biên giới tôi qua. Thường là quá nhiều trùng điệp cheo leo và cũng chẳng ít đâu hoang vắng hiu hắt, nhưng cảm nhận sâu nhất của tôi vẫn là dòng thời gian thăm thẳm.
Đã trôi qua đây hàng triệu năm, hàng nghìn năm, dòng thời gian ấy và khi núi sông có chủ nhân, trở thành lãnh thổ thì mộc miên, lau dại cũng mang hồn nước. Chính xác hơn là hồn Việt. Hồn Việt có trong Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
Chủ quyền lãnh thổ là cái thiêng liêng nhất của mỗi quốc gia. Trong mọi thời đại, mọi chính thể, mọi hoàn cảnh nó đều bất khả xâm phạm. Ta chạm vào đó, lòng sẽ ngân rung lên những giai điệu tự hào thân thương, kẻ xâm lăng đụng vào đó là đụng vào ải lũy, tường thành. Không có gì vời xa cả, giữa “Non xanh nước biếc trùng trùng”, ta cảm nhận vô cùng rõ sự thiêng liêng của bờ cõi.
Biết bao thế hệ đã nối nhau bám trụ, trấn thủ nơi biên cương xa xôi heo hút này. Đất đai thấm máu, thấm mồ hôi người. Nước non thấm máu, thấm mồ hôi người. Cỏ cây thấm máu, thấm mồ hôi người. Mộc miên thắm đỏ. Lau trắng ngút ngàn. Cứ vậy, cứ thế mà nhẹ nhàng nhắc nhở khôn nguôi.
Không chỉ là trùng điệp núi rừng, giang sơn còn có biển cả bao la. Cõi bờ trên sóng nước miên man, dù khó hình dung hơn trên đất liền nhưng cũng không phải vô hình, trừu tượng. Một triệu cây số vuông biển đảo đã được xác lập chủ quyền cùng với dải đất liền mang dáng Rồng vươn ra đại dương là tài sản muôn vàn quý giá do tổ tiên, ông cha để lại.
Câu thơ “Non xanh nước biếc trùng trùng” của Bác Hồ là một phác thảo chuẩn xác, linh diệu về giang sơn Việt, đấy là chỉnh thể vĩnh hằng không bao giờ được sai sót, nhầm lẫn về bờ cõi đất nước. Vì thế, Bác mới làm bốn câu thơ lục bát biến thể hết sức mộc mạc, dễ hiểu để dặn dò chúng ta:
Non xanh nước biếc trùng trùng
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao
Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu.
Sau những cuộc hành trình cùng người lính Biên phòng, tôi càng thấy yêu hơn chất từng trải phong sương của chiến sĩ quân hàm xanh. Cương vực giang sơn không bao giờ vắng bóng họ. Lặng lẽ, bền bỉ bên cột mốc chủ quyền, gắn bó, hết lòng với người dân biên giới, những người lính ấy thể hiện thật đầy đủ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Đã từng đến hàng chục đồn Biên phòng trong cả nước từ Lao Bảo (Quảng Trị) đến Làng Mô, Cha Lo (Quảng Bình), Nậm Lạnh (Sơn La), Tây Trang (Điện Biên), Bạch Đích, Phó Bảng (Hà Giang)... tôi thực sự xúc động khi đọc những câu thơ viết về đồng đội của cố Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình: Đội hình tuần tra nối nhau hàng một/ Chuyện quê hương tiếng cười bất chợt/ Ùa qua hơi thở gấp, nỗi mệt tan theo/ Cho ngắn dốc, ngắn đèo/ Mồ hôi quệt ngang, mưa rơi chéo mặt/ Lúc rét bầm đêm, khi mặn mòi nắng chát/ Cột mốc thâm nghiêm/ Vẫn luôn nhận lời chào của người chiến sĩ/ Chúng tôi đi.../ Đêm dừng chân bản nhỏ/ Bên bếp lửa nhà sàn/ Nghe khúc ca Trần Văn Thọ/ Qua chiến hào Tây Nam hay điểm tựa phía Bắc/ Gặp đồng đội mình trong tư thế Lê Đình Chinh... Giờ đây, anh không còn nữa, nhưng những vần thơ của anh viết về người lính quân hàm xanh vẫn còn đọng lại mãi trong lòng chiến sĩ.
Còn dân còn biên giới. Người lính Biên phòng, bằng sự từng trải của mình rất thấm thía điều đó. Chính vì thế, chẳng ai hiểu dân, thương dân ở biên giới bằng họ. Tôi nói ra điều này bằng những gì mắt thấy, tai nghe, qua các cuộc đi biên giới. Nhân dân coi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là người của bản làng, buôn sóc. Đồn, trạm Biên phòng là địa chỉ tin cậy để người dân tìm đến giãi bày những nỗi vui buồn, khúc mắc đời thường.
Tôi đã lên Bạch Đích ở Hà Giang cách đây hơn 15 năm, được tận mắt chứng kiến mấy cặp trai gái người Mông, người Nùng lên hỏi ý kiến cán bộ đồn Biên phòng trước khi kết hôn. Thỉnh thoảng, có mấy đôi cơm không lành, canh không ngọt cũng lại tìm đến cán bộ Biên phòng nhờ giải quyết. Bản làng, ai xích mích, giận hờn nhau không phân xử được cũng nhờ BĐBP, thậm chí, đến con trâu, con bò, con gà, con chó bị mất cũng báo đồn Biên phòng tìm hộ.
Đó là những việc nhỏ, còn việc lớn như triển khai các dự án, mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng đời sống mới, phòng chống tệ nạn xã hội... thì BĐBP vừa là người tham mưu cho địa phương, vừa là người cầm tay chỉ việc cho dân. Không hiếm những cán bộ Biên phòng làm kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn bà con trồng lúa nước, cây ăn quả; làm thầy giáo xóa mù cho các cháu nơi heo hút bản xa.
Ở các điểm nóng vận chuyển, buôn bán ma túy, người lính Biên phòng luôn đương đầu với sự hiểm nguy rình rập không lường hết. Vừa kiên trì vận động nhân dân thấy rõ đúng sai, vừa kiên quyết, khôn khéo chống lại bọn buôn bán “cái chết trắng”... Đã có những người lính Biên phòng anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ truy bắt bọn tội phạm buôn ma túy.
Cũng chẳng có gì lạ, khi nhân dân trở thành tai mắt, chân tay của BĐBP. Dân quân vùng biên sát cánh tuần tra cột mốc với bộ đội. Nhân dân bất kể lương hay giáo thường giúp đỡ bộ đội hết lòng. Mùa hè năm 2014, tôi đến Trà Cổ được nghe nhiều câu chuyện thú vị về mối quan hệ gắn bó giữa đồn Biên phòng và giáo xứ ở đây. Giáo dân ở Trà Cổ có tới 1.000 người, chiếm 1/3 dân số. Linh mục Ngô Văn Vàn, năm nay 48 tuổi, rất có cảm tình với BĐBP. Lý do, thật đơn giản: Bộ đội làm được nhiều việc tốt cho dân, cho nước.
Những ngày lễ trọng, giáo xứ mời cán bộ, chiến sĩ BĐBP xuống liên hoan văn nghệ với bà con. Chánh xứ Vũ Đình Phúc kể cho tôi nghe chuyện giáo dân tham gia vào việc phân giới cắm mốc trên cửa sông Bắc Luân. Dạo đó, mỗi ngày có 2 bè mảng của giáo dân tự nguyện chở vật liệu xây cột mốc cho BĐBP. Cặp vợ chồng Phạm Xuân Đăng và Nguyễn Thị Từ là một trường hợp điển hình. Mùa hạ năm 2003, phía Trung Quốc cho dân ra đóng 283 cọc đáy trên hòn Tài Xẹt, lấn chiếm trái phép lãnh thổ nước ta.
Đêm đến, các giáo dân Trà Cổ đưa 8 đến 10 bè mảng với khoảng 100 người khỏe mạnh ra đấu tranh phá bỏ. Nơi đầu sóng ngọn gió này, BĐBP và nhân dân luôn sát cánh bên nhau trên từng khúc sông, dặm biển. Ngày truyền thống BĐBP, ngày thành lập QĐND Việt Nam, Linh mục và Ban hành giáo luôn mang hoa, quà tặng cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng...
Thế đấy, bất cứ trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, những người lính Biên phòng vẫn sát cánh cùng nhân dân giữ gìn vững chắc “Non xanh nước biếc trùng trùng” như lời căn dặn, mong ước của Bác Hồ kính yêu.

26/2/2015
Nguyễn Hữu Quý

Theo https://www.bienphong.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái chi còn lại họa còn văn chương

"Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chả...