Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Phần 2: Nửa hồn thương đau và dòng nhạc của Phạm Đình Chương

Phần 2: Nửa hồn thương đau 
và dòng nhạc của Phạm Đình Chương 

HỘI TRÙNG DƯƠNG VÀ DÒNG NHẠC CỦA PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG 
Phạm Đình Chương, Quê Hương Một Niềm
Ca sĩ Quỳnh Giao - 23.8.2005
Nếu còn ở với chúng ta, Tháng Mười Một vừa qua, Phạm Đình Chương đã 85 tuổi.
Ông mất vào một ngày Tháng Tám, năm 1991. Gia đình và bè bạn ghi nhớ rằng ông thọ có 62 tuổi, nhưng văn học nghệ thuật có lẽ phải nhìn ra một tuổi thọ khác của Phạm Đình Chương, qua mấy trăm ca khúc về tuổi thanh xuân, tình yêu và quê hương.
Hãy nói về tiếng hát, vì ngày nay nhiều người đã có thể quên hoặc không biết.
Hoài Bắc là một trong những giọng nam điêu luyện và xuất sắc của nhạc Việt trong hạ bán thế kỷ XX, từ những năm 1950 đến 1975 và sau đó nữa. Tiếng hát Hoài Bắc đậm đặc chất giang hồ, của men rượu hòa trong khói thuốc. Nhưng có lẽ Phạm Đình Chương đã hy sinh tiếng hát ấy cho sự lẫy lừng của ban Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và tay hòa âm tuyệt vời.
Phòng trà Sài Gòn trước 1975 đã chẳng có nét văn nghệ rất phong lưu nếu không có tiếng hát và cây đàn Hoài Bắc cùng ly rượu và tiếng nhạc Phạm Đình Chương. Sài Gòn ngày nay thì chưa biết đã vội quên, thật đáng tiếc cho thính giả.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991)
Phạm Đình Chương lên đường hội ngộ với tân nhạc và kháng chiến từ rất trẻ, giữa thập niên 1940, với các ca khúc đã hòa vào dòng nhạc hào hùng thời đó, như “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Hò Leo Núi”, “Tiếng Dân Chài” hay “Trăng Rừng”. Nếu có một đặc điểm thì từ thời đó, khi chưa đến tuổi đôi mươi, Phạm Đình Chương đã viết về tuổi trẻ cho tuổi trẻ mà không bước qua khung cửa uy nghiêm của lịch sử. Nhờ đấy, nhạc tuổi xanh của ông cứ mơn mởn hạnh phúc và lấp lánh niềm tin trước mặt.
Vào Nam rất sớm, từ 1951, ông mở ra một trang mới cho dòng nhạc hoài hương với “Xuân Tha Hương”, bài ca dùng trong một cuốn phim Hoa Kỳ thực hiện ở Sài Gòn giữa thập niên 1950. Tuyệt vời nhất trong dòng nhạc quê hương, Phạm Đình Chương có trường ca “Hội Trùng Dương”, dạt dào niềm hội ngộ của ba dòng sông từ ba miền đất nước. Mà nói về Mùa Xuân và dân tộc, còn gì đẹp hơn khúc hoan ca “Ly Rượu Mừng”, ca khúc không thể thiếu trong dịp Tết?
Quê ngoại Phạm Đình Chương là Sơn Tây, và hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng là “Đôi Bờ” và “Đôi Mắt Người Sơn Tây” được ông đưa lên đỉnh cao của thi ca, khi phổ vào nhạc thành ca khúc “Đôi Mắt Người Sơn Tây”, có lẽ là ca khúc quen thuộc nhất của ông ở miền Nam trước đây. Người trình bày tác phẩm này với nét trượng phu bi hùng nhất lại chính là Hoài Bắc, những khi ấy, đôi mắt ông còn long lanh hơn ly rượu trong tay!
Nhớ lại Phạm Đình Chương và những chuyến lưu diễn cùng ông ở nhiều nơi sau 1975, Quỳnh Giao nghĩ rằng từ đầu và mãi mãi về sau, Phạm Đình Chương không đi theo đám đông mà tự tạo một thế giới âm thanh riêng, ông không viết cho thị hiếu quần chúng hay trào lưu của xã hội. Ông mở ra trào lưu riêng. Phạm Đình Chương chỉ biết buồn và viết nhạc buồn khi viết về tình yêu.
Ngoài Quang Dũng với các thính giả miền Nam, nhiều thi sĩ thực ra có món nợ với Phạm Đình Chương khi ông phả thơ của họ vào cõi nhạc để đọng mãi trong hồn người. Nhiều người yêu nhạc đã tìm đến thơ cũng nhờ thanh âm Phạm Đình Chương. Ông nắm lấy cái hồn của bài thơ và vẽ ra một không gian khác, một tâm tư khác, bằng nhạc. Phải chăng vì những bằng hữu chí thiết nhất của ông là những nhà thơ, nhà văn, những người cầm bút?
Nhưng, bản tình ca tuyệt diệu nhất của Phạm Đình Chương “Nửa Hồn Thương Đau” ông đã viết nhạc và phần lớn lời ca với một chút ý từ bài thơ Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền, trong một phút xuất thần. Ông nhận lời Quốc Phong - chủ tịch Liên Ảnh Công Ty & nhà văn Văn Quang sẽ soạn một ca khúc riêng cho phim “Chân Trời Tím” nhưng bạn bè làm ông quên bẵng, cho tới khi men rượu lay ông tỉnh vào đêm cuối cùng trước kỳ hạn với bạn!
Đấy là phút giây kỳ diệu của sáng tác.
Sau khi ra khỏi Việt Nam, Phạm Đình Chương tiếp tục ôm đàn và viết nhạc. U uẩn hơn, ray rứt hơn. Nếu bài “Xuân Tha Hương” được viết tại Sài Gòn mà làm ta nhớ Hà Nội thì gần 40 năm sau, tại hải ngoại, Phạm Đình Chương lại viết một khúc bi ca nữa về quê hương. Lần này, bài ca làm ta nhớ Sài Gòn. Phổ thơ Du Tử Lê, bài “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” có thể là một nhắc nhở nồng nàn nhất về Phạm Đình Chương, trong những năm cuối đời.
Nhân ngày giỗ của ông trong Tháng Tám này, hãy bùi ngùi tìm lại ca khúc Phạm Đình Chương. Để nhớ ông, và quê hương.
Quỳnh Giao (23.8.2005)
Tiếng hát:  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Ban Thăng Long   http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Ban Hợp Ca HD
 
Sáng Rừng: http://cothommagazine.com/images/blinkingblock.gif bản nhạc (pdf) - Tiếng hát: http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifBan Hợp Ca  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifĐức Tuấn
Phạm Đình Chương, Một nỗi nhớ khôn nguôi
Phạm Văn Kỳ Thanh
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Khoác một danh hiệu khi làm văn nghệ cũng như kết thân với một định mệnh. Định mệnh này có thể xoáy người nghệ sĩ trong một cơn lốc dữ cũng như đẩy trôi hắn bềnh bồng trên triền sóng yên bình tùy theo cường độ từ tiếp xúc phản kháng, phủ phục biến cố ngoại cảnh và nội tâm. Trong trường hợp Phạm Đình Chương hình như một nỗi nhớ khôn nguôi đã đeo đuổi ông triền miên từ khi ông chọn Hoài Bắc như một danh hiệu văn nghệ.
Vào quãng năm 1951 gia đình Phạm Đình Chương di cư vào Nam và cũng tại đây ban hợp ca Thăng Long được thành lập để nhớ lại Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật (1). Ngoài ra theo Tạ Tỵ, Thăng Long cũng là tên quán phở của gia đình Phạm Đình Chương lập nên ở chợ Đại cách Hà Nội khoảng 3,4 chục cây số trong thời gian toàn dân kháng chiến.
Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Hà Nội. Bắt đầu học nhạc từ năm 13 tuổi, sáng tác đầu tay viết năm 18 tuổi (năm 1947) (2). Cho đến năm 1971 ông đã viết được trên một trăm ca khúc gồm đủ mọi thể loại trường ca, dân ca, ca khúc đồng vọng (3) tình yêu đôi lứa, tình đầu tiên mang kỹ thuật soạn bè linh động của nhạc Tây phương áp dụng cho nhạc Việt trong thời gian điều khiển về trình diễn với ban hợp ca Thăng Long, sau hai mươi năm lưu diễn khắp ba miền đất nước vào quãng năm 1969 (?) Hoài Bắc và ban hợp ca Thăng Long đã dừng chân tại phòng trà Đêm Màu Hồng (Sài Gòn) để kiểm điểm lại những ca khúc của gia đình họ Phạm viết trong thời gian qua. Ngoài Phạm Duy, trong lịch sử tân nhạc Việt rất ít nhạc sĩ có nguồn cảm xúc đa dạng và phong phú như Phạm Đình Chương.
Thường ra nhạc sĩ nào chuyên làm nhạc buồn rất khó viết nhạc vui và ngược lại những nhạc sĩ chuyên viết hành khúc tươi vui rất khó viết nhạc buồn. Điểm qua những bản nhạc của Phạm Đình Chương, thính giả có thể tìm thấy những nguồn cảm xúc khác nhau từ những bản nhạc rất vui, khỏe như Hò Leo Núi, Sáng Rừng đến những bản thật buồn ảo não như Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau… Để có một cái nhìn khái quát về nhạc Phạm Đình Chương; những nét đặc trưng từng thể loại cần được nêu ra, tuy nhiên không tựa trên niên biểu nhưng tựa trên trường hợp cảm tác.
Mặc dù có liên hệ gia đình và sinh hoạt âm nhạc chung với Phạm Duy trong một quãng thời gian khá lâu (4), Phạm Đình Chương vẫn không bị thu hút bởi “từ lực Phạm Duy”. Nhạc của Phạm Đình Chương vẫn mang một cá tính rất mạnh. Đó là một điều khá đặc biệt. Ít ai phủ nhận, Phạm Duy được coi như “cây cổ thụ” về ca khúc của tân nhạc Việt. Tuy viết sau Văn Cao và các nhạc sĩ tiền chiến khác nhưng Phạm Duy viết rất khỏe và viết rất nhiều, đủ mọi khuynh hướng, thể loại, từ những ca khúc mang âm hưởng dân ca sang đến những ca khúc phổ thông Tây phương, từ nhạc cộng đồng đến nhạc đôi lứa, từ nhạc cách mạng đến nhạc tình ủy mị. Chính vì thế trong bao nhiêu năm Phạm Duy đã “khống chế” tân nhạc Việt trên số lượng nhạc phẩm và nguồn cảm tác phong phú. Tuy với số lượng nhạc phẩm phổ biến ít hơn Phạm Duy, nhưng nguồn cảm tác Phạm Đình Chương không kém.
Phân loại hơn một trăm ca khúc của Phạm Đình Chương đòi hỏi một chương trình nghiên cứu rất công phu, việc làm này tất nhiên không thích hợp với khuôn khổ bài báo định kỳ. Vì vậy ở đây chúng tôi chỉ nêu lên những nét đặc trưng đã tạo nên sự nghiệp âm nhạc của Phạm Đình Chương. Đại loại những ca khúc, trường ca của Phạm Đình Chương mang những đặc tính sau: Âm hưởng dân ca Việt Nam, sử dụng tài tình ngữ thuật, thổ ngơi, vận dụng khéo léo sức truyền cảm phong phú, điều hợp tài tình sự rung động giữa thơ và nhạc, du nhập những nét đẹp tân kỳ của nhạc Tây phương vào những khúc tình ca thành thị. Hầu hết những đặc tính nêu trên trong ca khúc Phạm Đình Chương, ít nhiều dù tạo thành cảm xúc vui hay buồn đều vẽ lại những nét đẹp… quê hương ngày thanh bình thuở trước, sự nuối tiếc những kỷ niệm, mối tình lở dở, tất cả đều mang một nỗi nhớ khôn nguôi.
Những nét đặc trưng dân ca trong ca khúc Phạm Đình Chương
Phạm Đình Chương đã dùng hai câu đầu của điệu cò lả, dân ca Bắc Ninh để mở đầu cho ca khúc Được Mùa:
“Con cò cò bay lả lả bay la
Bay qua (qua) cửa phủ bay về (về) Đồng Đăng
Tình tính tang (tang) tính tình
Cô mình rằng cô mình ơi
Rằng có nhớ (nhớ) ta chăng”.
Chữ “chăng” của điệu Cò Lả vừa dứt ở chữ âm (tonique), Phạm Đình Chương đã khéo léo kéo sang chữ “cánh đồng” của bản Được Mùa khiến cho người hát dù yếu kém nhạc pháp vẫn có thể bắt ngay vào bản nhạc không khó khăn. Tuy nhiên bản Được Mùa hoàn toàn không khai triển giai điệu cò lả trong suốt bản nhạc, nhưng kiến trúc âm thanh được xây cao dần trong ba câu đầu để tạo thành hình ảnh những bó lúa được dơ cao, hạ thấp khi đập lúa.
Giai điệu của bài Được Mùa không hẳn ảnh hưởng hoàn toàn dân ca, vì chủ âm được nhận ra rõ rệt. Tuy nhiên những dấu láy dùng trong bản nhạc mang ảnh hưởng rất Việt Nam (cánh à a ánh đồng…vui vui lên lua á a à ơi..)
Cũng như Phạm Duy và các nhạc sĩ khác như Hoàng Thi Thơ, Anh Việt Thu, Phạm Thế Mỹ, Lam Phương, Y Vân, Phạm Đình Chương thường phát triển một giai điệu dân ca có sẵn để làm phong phú thêm ca khúc của mình, hay tự tạo cho ca khúc của mình một âm hưởng dân cạ. Cả hai tiến trình sáng tác đều có giá trị ngang nhau là làm giàu thêm cho nền tân nhạc Việt về phương diện xây dựng âm điệu. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ khi sáng tác ca khúc Gạo Trắng Trăng Thanh cảm đề từ Hò Giã Gạo miền Trung (5), tuy không lấy hẳn giai điệu của bài hò đó. Cũng như Anh Việt Thu khi viết Tám Điệp Khúc có cho thêm phần Hò ru con miền Nam vào ca khúc của mình.
Trở lại trương hợp Phạm Đình Chương khi ông viết Hò Leo Núi, về kết cấu âm điệu và tiến trình chuyển cung ảnh hưởng Tây phương hoàn toàn. Đặc biệt trong ca khúc này ông dùng rất ít dấu láy và những nét trang điểm cần thiết cho dân ca. Nhưng trái lại về hình thức ông dùng rất đúng lề lối của điệu hò. Về lối hò để phụ giúp tinh thần cho những động tác như leo núi, kéo gỗ…thường chia ra làm hai lớp: Lớp Trống là đoạn hò của người Hò Cái. Lớp Mái là đoạn hò của người Hò Con (6). Trong Hò Leo Núi của Phạm Đình Chương cũng chia ra hai đoạn như sau:
Hò Cái — Hò Con
… Vượt đồi vượt nương — Dô!
Đi qua rừng hoang — Dô!
Băng suối băng ngàn — Dô!
Chim muông trong hang — Dô!
Nếu có một cái nhìn nghiêm khắc bảo thủ chúng ta có thể ví bài Hò Leo Núi của Phạm Đình Chương như một “ông Tây mặc áo the”. Tuy nhiên, nếu chấp nhận sự giao lưu văn hóa một cách cởi mở hơn, ca khúc nói trên có thể được xem như một pha trộn, hài hòa giữa hình thức và nội dung Đông Tây.
Hội Trùng Dương hầu như là trường ca duy nhất Phạm Đình Chương giới thiệu với quần chúng trong suốt hơn ba mươi năm âm nhạc của ông. Trái hẳn với Hò Leo Núi nói trên, trường ca Hội Trùng Dương xử dụng hình thức khuôn khổ Tây Phương để chuyên chở một nội dung dân ca Việt Nam.
Về bố cục trường ca Hội trùng Dương gồm một đoạn mở đầu và ba phiên khúc. Mỗi phiên khúc là tiếng nói của một dòng sông tiêu biểu cho mỗi miền. Miền Bắc có sông Hồng Hà đại diện, vào đến miền Trung có Sông Hương lên tiếng, xuôi miền Nam có Sông Cửu Long góp mặt. Tiếng nói của ba dòng sông đều được biểu tượng hóa bằng nỗi lòng của ba thiếu nữ. Tâm sự của mỗi dòng sông cũng là tâm sự của người dân địa phương về dân sinh, về nỗi khó khăn trong sự khuất phục với thiên nhiên, về sự can trường tranh đấu với nạn ngoại xâm.
Để tạo sự chú ý của người nghe, Phạm Đình Chương mở đầu với dòng nhạc chậm rãi, vững chãi rất hợp với sự dẫn đạo của tiếng kèn trumpet, tực như tiếng báo hiệu sự xuất hiện của bậc quân vương thời trung cổ:
Trùng dương
Chốn đây ngàn phương
Có ba dòng sông
Cuốn xuôi biển đông
Nhắc câu chờ mong
Về nhạc thuật, trong cả ba phiên khúc Phạm Đình Chương đã dung hợp ý nhạc có âm hưởng dân ca, với nhịp điệu Tây phương. Những điệu hò dùng ở đây đều do sự sáng tạo tinh anh của Phạm Đình Chương, vì ông không dùng âm điệu dân ca nguyên thủy. Trái lại ở phần đầu của Tiếng Sông Hồng (Chiều nay nước xuôi…người áo nâu giãi dầu) ông đã dùng điệu Hò Dô Ta sáng tạo. Sở dĩ chúng tôi dùng chữ “sáng tạo” ở đây là vì đã có sự tranh luận về từ ngữ này. Đứng về phía Trần Văn Khê và Nguyễn Hữu Ba, theo quan niệm định nghĩa dân ca một cách cổ điển, Willi Apel và Ralph Daniel đều cho rằng: “Dân ca là bài hát cổ, không biết tác giả là ai, được truyền miệng trong giới bình dân qua nhiều thế hệ và trở thành phổ thông khắp nước hay trong một cộng đồng nhỏ hơn”. Đứng về phía Phạm Duy, ông mệnh danh những bài hát của ông có âm hưởng dân ca là “dân ca mới” (7). Ngoài ra Lê Thương cũng tạo một tên mới cho tập “Dao Ca Tạp Khúc” của ông là “dân ca cải biến”.
Như vậy rõ ràng điệu Hò Dô Ta của Phạm Đình Chương thoát ly dân ca nguyên thủy từ nhạc điệu đến nhạc thức. Vì lớp trống ( Hò Cái) nét nhạc hoàn toàn Tây phương và lớp mái (Hò Con) biến đổi thành một phần đối âm (counterpart) của lớp Trống và cả hai bị chi phối bởi luật hòa âm (harmony) Tây phương.
Phần hai của đoạn Tiếng Sông Hồng dồn nhanh (acceleration), (chậm hơn Foxtrot và nhanh hơn March) và cứ như thế hai lớp Trống Mái không còn ở tư thế đối đáp nữa, cuối cùng lớp mái đã nhập vào lớp Trống để biến thành một hành khúc.
Sang đến phiên khúc hai Tiếng Sông Hương, trừ đoạn cuối (Bao giờ máu xương… Tiếng cười đoàn viên), có lẽ vì muốn duy trì nét cổ kính của miền cố đô nên Phạm Đình Chương đã khéo léo trở về với nét nhạc ảnh hưởng rất nặng dân ca nguyên thủy. Ở đây, ông đã phỏng theo điệu hò Mái Đẩy (8) miền Trung, nhịp điệu chậm rãi, rất hợp với sự than van kể lể (Hò ơi phiên Đông Ba…. để lan biển khơi). Đoạn hai của phiên khúc hai nhái lại đoạn hai của phiên khúc một. Tuy nhiên khó phủ nhận được nghệ thuật dụng âm ngữ tài tình của Phạm Đình Chương ở phiên khúc hai. Những chữ Ánh (Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than), Bến (Bến Vân Lâu thuyền có đơm sâu), Lắm (Quê hương em nghèo lắm ai ơi!), Mỗi (Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm), Vắng (Ai là qua là thôn vắng), Nắng (nghe sầu như mà mưa nắng), tuy là những thanh trắc nhưng đã bị kéo oằn xuống ở một vị trí thấp hơn thành bằng của chữ đi kế trước hoặc tiếp sau (khua, trăng, vân, ai, năm, thôn). Chính vì vậy điệu hò mới nỗi bật địa phương tính qua lối phát âm thổ ngơi miền Trung. Nét đặc trưng này khiến người hát không cần phải là người miền Trung, nếu xướng âm (déchiffrer) đúng cao độ của câu hát cũng có thể tạo thành âm hưởng của tiếng nói miền này.
Hiện tượng nói trên xảy ra là vì tiếng Việt với năm dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng khi mỗi tiếng phát âm ra tự nó đã được xếp ở năm cao độ khác nhau. Chẳng thế, một nhà văn ngoại quốc đã nhận định: “Ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có nhiều giọng điệu cung bậc… Phải nghe người dân mỗi miền, người Bắc, hay Trung, hay Nam hát những dân ca quen thuộc với tiếng nói thuần túy của họ, chúng ta mới thấy ý vị của giọng nói ấy đậm đà chừng nào…” (8). Nếu phân tích cấu trúc âm thanh của các dấu trong tiếng Việt, thanh nặng được xắp ở vị trí như sau:
(Huyền) (Nặng) (Không dấu)
Thanh ngã không có cao độ nhất định, khi thì tựa từ Thanh Huyền để uốn lên Thanh ngang (không dấu) (giọng miền Bắc) có khi nhập hẳn vào Thanh sắc (giọng miền Nam) Thanh Hỏi uốn khúc từ trầm lên bổng (Huyền-Sắc), cho nên vị trí nó phải cao hơn Thanh Ngang (không dấu) và thấp hơn Thanh Sắc (9). (Huyền) Âm vực chính của Thanh Hỏi (Sắc)
Đoạn hai của phiên khúc Tiếng Sông Hương dồn nhanh hơn đoạn đâu và về ý nhạc nhắc lại đoạn hai của phiên khúc một Tiếng Sông Hồng. (Ai là qua là thôn vắng… Tiếng cười đoàn viên)
Vào đến miền Nam, miền đất phù sa màu mỡ, sức đối kháng với thiên nhiên không còn mãnh liệt như miền Trung. Vì thế, Phạm Đình Chương đã dùng những nét nhạc thật khỏe khoắn, cởi mở, sung túc để nói lên đặc tính địa lý nhân văn của miền nàỵ. Trong cả phiên khúc ba Sông Cửu Long, ông chỉ xen lẩn hai câu hò theo điệu ru con miền Nam:
Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ai sông Mỹ có ngày gặp em
Điệu ru này thuộc ngũ cung hơi Nam giọng oán tựa như điệu ru con ở Quảng Nam miền Trung (10). Do Mi Fa Sol La
Tương tự như Phạm Đình Chương trong trường ca “Con Đường Cái Quan” Phạm Duy cũng biến cải điệu Hò Ru Con miền Nam thành bốn câu đầu của đoản khúc số 18 để đưa người lữ khách thăm viếng miền Nam nước Việt.
Như thế, điệu Hò Ru Con miền Nam đã đóng vai trò rất quan trọng trong dân ca miền Nam. Phạm Đình Chương đã nhận chân được điều ấy, khiến ông thành công trong tiến trình nêu lên địa phương tính đặc trưng cho miền Nam. Chỉ với hai câu Hò Ru đó thôi cũng đã làm nổi bật ý nhạc dân tộc giữa những cung điện Tây phương khỏe khoắn tươi sáng (Nước sông dâng cao… nắng khô đồng lầy). Đoạn cuối của phiên khúc ba Sông Cửu Long một lần nữa lại nhắc lại tứ nhạc của đoạn cuối của phiên khúc một Tiếng Sông Hồng và phiên khúc hai Tiếng Sông Hương.
Nét đặc trưng dân ca mới chỉ là một trong những cá tính âm nhạc Phạm Đình Chương. Với cảm nhận bén nhậy ông là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của miền Nam Việt Nam đã mang những nét tân kỳ của nhạc phổ thông Tây phương vào hồn thơ Quang Dũng, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Ngọc Ẩn… Thi ca tự nó đã có nhạc tính khi ngâm hay đọc lên. Tuy nhiên sự kỳ diệu của âm nhạc như đôi cánh vạm vỡ nâng hồn thơ lên cao hơn và bay xa hơn. Đó là nét đặc trưng thứ hai trong nhạc Phạm Đình Chương, nói đúng hơn trong “Nỗi Nhớ Khôn Nguôi” của Phạm Đình Chương, chúng tôi sẽ nêu lên trong dịp khác với tiêu đề: “Phạm Đình Chương bàn tay dịu vợi kết nối Thi Ca với Âm Nhạc”.
Phạm Văn Kỳ Thanh
(Tạp chí Nhân Văn số 29 tháng 9 năm 1984)
Chú thích:
1) Tạ Tỵ: Phạm Duy còn đó nỗi buồn, Văn Sử học… Sài Gòn 1971 tr. 105
2) Phạm Đình Chương: Mười bài ca ngợi tình yêu, Đêm Mầu Hồng xuất bản. Sài Gòn 1970
3) Lê Thương - Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938-1946) Nhạc Tiền Chiến. Kẻ Sĩ xuất bản. Sài Gòn 1970 trang 66. Đồng Vọng cũng là tên gọi của nhóm sáng tác nhạc hướng đạo do Hoàng Quý đề xướng. Nhóm này để đáp ứng sự đòi hỏi của thanh thiếu niên ưa cuộc sống ngoài trời đã gom góp sáu bảy chục bài hát tươi sáng, nhẹ nhõm thích hợp cho sự sinh hoạt cộng đồng. Tiêu biểu cho loại nhạc này là ca khúc “Tiếng chim gọi đàn” (Hoàng Quý), Gọi bạn lên đường (Hoàng Quý)
4) Phạm Đình Chương là em ca sĩ Thái Hằng (hiền thê của nhạc sĩ Phạm Duy)
5) Văn Giảng “The Vietnamese Traditional Music in Brief”. Ministry of State in Charge of Cultural Affairs, Saigon 1970
6) Miền Trung gọi Hò Cái là Vế Kể và Hò Con là Vế Xô
7) Xin đọc Nhân Văn số 3, tháng 10 năm 1982 ”Bàn về dân ca Việt Nam” Phạm Văn Kỳ Thanh (8) Sở dĩ gọi là điệu hò Mái Đẩy là vì cứ đến lượt điệu mái hò là thuyền được đẩy đi.
8) Doãn Quốc Sĩ - Người Việt Đáng Yêu. Sáng Tạo Sài Gòn 1965 trang 143
9) Minh Lương - Tìm hiểu Âm Giai Ngũ Cung. Tư liệu thuyết giảng cho Ban Quốc Nhạc (Âm nhạc viện Sài Gòn) chưa xuất bản Sài Gòn 1968.
10) Phạm Duy - Đặc khảo về Dân Nhạc ở Việt Nam. Hiện Đại Sài Gòn 1972 trang 55.
Trường ca Hội Trùng Dương: http://cothommagazine.com/images/blinkingblock.gif bản nhạc (pdf) 
Tiếng hát: http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifBan Thăng Long
           http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Ban Hợp Xướng Hy Vọng (youtube)  - "Màu Kỷ Niệm" 
concert - 21/9/2003 ở Nam California
Đức Tuấn, Ánh Tuyết, Anh Khoa:  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif MP3    http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Youtube
               40 NĂM ÂM NHẠC VÀ MÂY - Nhà văn Mai Thảo

http://cothommagazine.com/images/blinkingblock.gif Bài viết của Nhà văn Mai Thảo (pdf) (Trích trong tập nhạc "Ly Rượu Mừng" ấn hành năm 1989)
Từ trái: Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, 
Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Đình Chương, Tạ Tỵ 
Quỳnh Giao nói về ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây - Người Việt online 2013:  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Youtube   http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif MP3
Tiếng hát:  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Phạm Đình Chương - Phạm Thành   http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Quỳnh Giao  
"Quê ngoại Sơn Tây của Phạm Đình Chương với ngọn núi Ba Vì nhìn xuống cánh đồng Bương Cấn, với sông Đáy “chậm nguồn qua Phủ Quốc” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng chàng thiếu niên Phạm Đình Chương. Để rồi sau đó, trong những năm tháng tha hương ở đất Sài Gòn, trong một niềm thương nhớ vô hạn về một vùng quê thanh bình, về những ngày tháng êm đềm đã qua, nhạc sĩ đã rung cảm trước 2 bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của nhà thơ Quang Dũng để cho ra đời một trong những nhạc phẩm đẹp và bi tráng nhất về tình cố hương".
Bản nhạc trong Tuyển tập “Tình Ca Người Cô Đơn”  với nhiều tác giả do NXB Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản tại Sài Gòn năm 1971
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm (sinh năm 1921, mất năm 1988), quê ở Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Ông là nhà thơ tài hoa, thơ ông hào sảng mà kiêu hùng, đượm chất cổ thi. Bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" được ông cho in nhiều lần. Và mỗi lần in lại, chính tác giả lại chỉnh sửa một chút nên hiện nay có nhiều dị bản khác nhau.
MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan...
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ…
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoát thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
ĐÔI BỜ
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
1948
Nguồn: Quang Dũng - tác phẩm chọn lọc, NXB Trẻ, 1988
(Ở dưới là trích đoạn từ bài viết " Đi Tìm Đôi Mắt Người Sơn Tây" của tác giả Quốc Việt đăng trên tuoitre.vn ngày 2017-01-30)
"Sau cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946, Akemi cũng như nhiều người khác theo Việt Minh, ra vùng tự do. Cô dừng chân ở Chợ Đại - Cống Thần, mở một quán cà phê nho nhỏ bên bờ sông Đáy, độ nhật cùng mẹ già.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Giáp, người bạn rất thân của Tạ Đình Đề, Akemi không chỉ đơn thuần là cô hàng cà phê xinh xinh trong mắt kẻ si tình. Cô chính là tai mắt bí mật của Việt Minh ở vùng trái đệm luôn dày đặc tình báo ta lẫn mật thám Pháp cài cắm nghe ngóng lẫn nhau. “Tôi tin Tạ Đình Đề nói chính xác.
Lúc ấy, ông Đề là đội trưởng biệt động Hà Nội, chuyên làm nhiệm vụ trừ khử quân Pháp và Việt gian, nên thiết lập rất nhiều đầu mối mật báo và hiểu rõ nhiệm vụ bí mật của Akemi”, ông Giáp còn kể thêm chính mình và Tạ Đình Đề cũng nhiều lần ghé quán cà phê này.
Quán tranh nhỏ bé, nhưng Akemi pha cà phê rất ngon, đặc biệt là dung nhan và nghệ thuật ăn nói thu hút của cô đã khiến nhiều bậc trai hùng mê mệt, không đành lỡ bước ngang qua. Và tất nhiên, trong đó cũng không thiếu Quang Dũng, một chiến binh Tây Tiến có trái tim thi nhân lãng mạn trong cái vẻ bề ngoài phong trần, khinh bạc…   
Nỗi sầu tương tư
“Tôi biết Quang Dũng hồi ấy cũng hiểu mình chỉ là một trong những người tương tư Akemi, nhưng trái tim anh lính mê thơ này đã đắm say rồi, biết làm sao”, ông Hoàng Giáp nhớ trong một lần say cô hàng cà phê, Quang Dũng đã đề tặng ngay mấy câu thơ lên vách nứa: “Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/ Khuấy nước kênh Đào sóng nổi lên/ Ý nhị mẹ cười sau nếp áo/ Non sông cùng đắm giấc mơ tiên”.
Tuy nhiên, cuộc hành quân Tây Tiến không thể cho Quang Dũng dừng bước chinh nhân, xây mộng hồ điệp. Akemi cũng không đủ thời gian tường tận tấm tình của chàng chinh nhân để trái tim của mình đáp trả.
Giấc mơ tình chỉ như sương khói thoảng qua, thuyền tình theo nước sông Hồng cuốn trôi. Quang Dũng cầm súng lên miền sơn cước Tây Bắc, cô hàng cà phê vẫn bên bờ sông và ngày ngày lại dập dìu khách đến người đi. Nỗi buồn man mác như những câu thơ vọng xa xăm: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa/ Đã hết sắc màu chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta?”…
Nhiều năm nhắc nhớ một thời hào hoa và hùng tráng, tướng Ngô Huy Phát kể không hiểu sau này Quang Dũng còn qua lại với Akemi không, nhưng ông biết chuyện mỹ nhân có một cuộc tình khác, đã đơm hoa kết trái dù cái hậu cũng rất buồn. Người ấy chính là T.S., trung đoàn trưởng trung đoàn 48, sư đoàn 320.
Còn tướng Phát hồi ấy là trợ lý trực tiếp của ông. “Những ngày dừng chân ở Chợ Đại – Cống Thần, tôi biết cả T.S. lẫn Quang Dũng đều ghé quán cà phê Akemi, nhưng nhà thơ hành quân trước, còn T.S. vẫn ở lại nên đã chinh phục được trái tim người đẹp”, tướng Phát kể thêm có những đêm T.S. lặng lẽ đi tới 12 giờ mới trở về, và có những tối không mưa mà ông vẫn cầm tấm khoác của lính đi.
Khi T.S. lên đường, Akemi đã có một sinh linh trong lòng mà ông không hề biết, vì người đẹp không đành níu kéo bước chân vị tướng quân. Năm 1950, T.S. tử trận gần chân núi Ba Vì vẫn không biết mình có con gái với Akemi. Sau đó, mẹ con Akemi về lại Hà Nội, rồi di cư vào Nam, để lại nỗi lưu luyến vẩn lòng bao kẻ si tình.
Trong đó có nhà thơ Quang Dũng vẫn không nguôi ngoai đôi mắt người Sơn Tây: “Vầng trán em vương trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây phương/ Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương… Em mơ cùng ta nhé/ Bóng ngày mai quê hương/ Đường hoa khô ráo lệ”.  
Chiến tranh kết thúc, Quang Dũng giã từ áo lính, về Hà Nội tiếp tục nghiệp cầm viết, có đi tìm đôi mắt người xưa nhưng người ấy đã xa rồi…
http://cothommagazine.com/images/blinkingblock.gif Toàn bài viết " Đi tìm đôi mắt người Sơn Tây"  của Quốc Việt (pdf)
 http://cothommagazine.com/images/blinkingblock.gif Hồng Vân diễn ngâm "Mắt Người Sơn Tây" của Quang Dũng
http://cothommagazine.com/images/blinkingblock.gif Ngọc Sang diễn ngâm "Đôi Bờ" của Quang Dũng 
TA Ở TRỜI TÂY, NHỚ TRỜI ĐÔNG...
Theo Phạm Thành, trưởng nam của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương: ca khúc Ta Ở Trời Tây được phổ từ thơ của thi sĩ Kim Tuấn và là sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào năm 1982.
Tiếng hát:   http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifElvis Phương    http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifBích Vân
NỖI NHỚ ÂM THẦM
Thơ: Kim Tuấn
Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ trong sợi khói, cuốn phiêu bồng
Có muôn trùng núi, ngăn người đến
Có một nguồn xa, chia mấy sông 
Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ nhau nghìn nỗi, xót xa lòng
Sao ta chợt thấy, men đời đắng
Thấy một mình trong, nỗi nhớ mong
Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ như con nước, trôi thành giòng
Như chim mỏi cánh, bay tìm về núi
Có một mình riêng, hoài ngóng trông
Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ mưa nhòa phiếm, nắng tơ hồng
Nhớ đôi dòng tóc, chia đường gió
Cõi mình ta mù, như hư không.
Kim Tuấn tên thật Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1940 tại Thừa Thiên - Huế, bắt đầu sáng tác từ năm 1954, là nhà giáo, nhà thơ. Ông mất ngày 11-9-2003 (tức rằm trung thu Quý Mùi) tại Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số bài thơ của Kim Tuấn đã trở thành ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Hiền (Anh Cho Em Mùa Xuân), Y Vân (Từng Bước Chân Âm Thầm), Phạm Duy (Khi Tôi Về), Lê Uyên Phương (Khi Xa Sài Gòn), Thanh Trang (Nói Với Mùa Thu) ...
Thơ đã in:
- Hoa mười phương (1959)
- Ngàn thương (chung với Định Giang, 1969)
- Dấu bụi hồng (1971)
- Thơ Kim Tuấn 1962-1972 (1975)
- Thời của trái tim hồng (1990)
- Tuổi phượng hồng (1991)
- Tạ tình phương Nam (1994)
- Thơ Lý và thơ ngắn (2002) 
Khi xem kỹ các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có liên quan đến thơ của thi sĩ thân hữu, chúng ta không khỏi khâm phục khi nhận thấy đôi khi ông dùng chữ của toàn bài thơ, một phần của bài thơ hay chỉ lấy ý của bài thơ và đôi khi phải thay đổi vài chữ để hát cho êm ái hơn, quyện với nhạc hơn. Đó là nhờ tài hoa hiếm có của ông để tạo những nhạc phẩm bất hủ với lời ca cũng không kém phần thơ mộng và lãng mạn. Điển hình là ca khúc "Nửa Hồn Thương Đau", ông chỉ dùng 2 trong số 22 câu từ bài thơ "Lệ Đá Xanh" của Thanh Tâm Tuyền: "Đôi khi anh muốn tin. Ôi những người khóc lẻ loi một mình" để viết thành bản nhạc chính dùng cho phim Chân Trời Tím; và ca khúc "Mầu Kỷ Niệm", ông chỉ dùng 4 trong số 44 câu từ bài thơ "Tuổi Mười Ba" của Nguyên Sa: "Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương Tôi thay mực cho vừa màu áo tím" để viết lên bản tình ca chứa chan niềm hy vọng trong khói lửa chiến chinh... PAD
Lời bài hát "Màu Kỷ Niệm"
Nhớ ngày nào tan trường về chung lối
Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời
Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi
Cho ngon màu trìu mến ướt lên môi
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu luyến thương
Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa
Thấy sắc hoa tươi nên mơ màu áo năm xưa
Kỷ niệm đâu len lén trở về tâm tư
Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ
Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau
Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu
Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời
Ôi màu hoa, màu… thương... nhớ.
Nguyên văn bài thơ “Tuổi mười ba” của Nguyên Sa
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng.
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn.
Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế?
Tôi nói lâu rồi.. nhưng ngập ngừng khe khẽ
Để giận hờn chim bướm chả giùm tôi
Nhưng rồi lòng an ủi “nắng chưa phai…”
Tình chưa cũ bởi vì tình chưa mới…”
Má vẫn đỏ, đỏ một màu con gái
Với những lời hiền dịu nhưng chua ngoa
Lòng vẫn ngỡ ngàng: tóc ướp bằng thơ
Sao hương sắc lên mắt mình thi tứ?
Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chia sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng
Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám… quay đi
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất thì thầm “chưa phải lúc…”
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím
Chả có gì… sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ… hay là ai?
Trăm bức thư lót giấy kẻ dòng đôi
Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ)
Tôi đã viết hay chỉ thầm âu yếm kể
Tôi đã nhìn hay lặng lẽ say sưa?
Nên đêm vui sao cũng chớm buồn thưa
Và lo sợ khi lòng mừng quá đỗi
Rồi trách móc: trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá, sao mà kiêu
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu”
Hôm nay nữa… nhưng lòng mình sao lạ quá…
Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1/3/1932 tại Hà Nội, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc, thuộc trường phái thơ lãng mạn với những tác phẩm nổi danh như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi mười ba”, “Tháng Sáu trời mưa”, v.v...
Năm 1949 gia đình cho Nguyên Sa qua Pháp du học. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của Nguyên Sa được sáng tác trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, cả hai ông bà về nước.
Ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyên Sa dạy môn triết học tại trường công lập Chu Văn An (cùng với Vũ Hoàng Chương dạy môn văn học), ông còn dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ngoài ra hai vợ chồng nhà thơ Nguyên Sa cũng mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi, đồng thời cộng tác với nhiều trường trung học tư thục khác như Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền... Ngoài việc dạy học, nhà thơ Nguyên Sa còn chủ trương tạp chí Hiện Đại, một tạp chí sáng tác văn học, cùng thời với nhóm Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.
Năm 1975, gia đình nhà thơ Nguyên Sa di tản sang Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình mới dọn qua California, Hoa  Kỳ, sinh sống. Ở vùng đất mới, ông chủ trương tạp chí Đời, băng nhạc Đời và nhà xuất bản Đời. Nhà thơ Nguyên Sa ở California từ đó cho tới ngày ông qua đời vào ngày 18/4/1998.
Tác phẩm Nguyên Sa đã in:
Thơ Nguyên Sa tập 1, 2, 3 và 4, Thơ Nguyên Sa toàn tập. Về truyện dài có Giấc mơ 1, 2 và 3, Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ. Về truyện ngắn có Gõ đầu trẻ, Mây bay đi. Trong thể loại bút ký có Đông du ký. Thể loại hồi ký có Hồi ký Nguyên Sa, Cuộc hành trình tên là lục bát. Về sách viết biên khảo triết học và văn học: Descartes nhìn từ phương Đông, Một mình một ngựa, Một bông hồng cho văn nghệ. Sách giáo khoa có Luận lý học, Tâm lý học ...
Tiếng hát:  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifVũ Khanh   http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifThái Hiền
Bản nhạc trong Tuyển tập “Mười bài ngợi ca tình yêu” 
do NXB Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản tại Saigon.
6/2/2016
Phan Anh Dũng
Theo http://cothommagazine.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái chi còn lại họa còn văn chương

"Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chả...