Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Thơ văn miền Bắc - Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và thời kỳ trăm hoa đua nở

Thơ văn miền Bắc - Thời kỳ kháng chiến 

chống Pháp và thời kỳ trăm hoa đua nở

Nói về thơ văn Miền Bắc phải nhận định khách quan rằng có một đóng góp có giá trị cho nền văn học Việt Nam: đó là thơ văn thời kỳ kháng chiến chống Pháp và thời kỳ trăm hoa đua nở.

Nhắc lại một giai đoạn lịch sử, từ năm 1945. Khi Việt Minh cướp chính quyền, mà họ gọi là "cuộc cách mạng tháng tám", thì trên toàn cõi Việt Nam dấy lên một bầu không khí thật sôi nổi.  Dân chúng cảm thấy được hưởng một nền độc lập thật sự của xứ sở, sau hơn 60 năm Pháp thuộc và Nhật thuộc.  Tất cả công sức và nhiệt tình của nhân dân đã đóng góp cho một nước Việt Nam mới.

Riêng giới văn nghệ sĩ đã đem hết khả năng và tâm hồn trong công cuộc sáng tác để xây dựng một nền văn hóa mới.  Họ nêu khẩu hiệu: "Dân tộc, Khoa học, Đại chúng" trên tờ tạp chí tiêu biểu là tờ Tiền Phong, xuất bản ở Hà Nội.  Say sưa với hào khí cách mạng ban đầu, họ đã có những vần thơ khá rung cảm trước sự đổi thay của đất nước, vươn lên từ mảnh đất cằn:

Chiều về mái tóc chờ sương

Gió xuân đượm nhớ mùa hương thuở nào

Đất cằn ý nhỏ xôn xao

Lệ rưng khóe mắt dạt dào đường tơ

(Những Mảnh Đất Cằn - Nguyễn Xuân Sanh)

Hay cái không khí tươi mát của một mùa thu độc lập:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội...

Tháng tám về rồi đây

Hôm nay nghìn năm gió thổi...

(Gặp Mùa Thu - Nguyễn Đình Thi)

Và họ mạnh dạn từ bỏ đời sống cũ:

Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa

Chập chờn ảo hóa tà ma

Đôi dãy hồng lâu mở cửa phấn sa

Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục...

(Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc - Văn Cao)

Và tập "Thơ Tố Hữu", sáng tác trong thời kỳ Tố Hữu hoạt động chống Pháp vào thập niên 30, được xuất bản, trong đó có một số bài được nhiều người ưa thích, vì đó là những vần thơ có tính chất cách mạng, hoặc chan chứa tình nhân loại:

Khóc là nhục, rên hèn, van yếu đuối

Và dại khờ là những lũ người câm

Trên đường đi như những bóng âm thầm

Nhận đau khổ mà gửi vào im lặng...

(Liên Hiệp Lại)

Tung ngục tù ra, tung ngục tù ra

Ai đâu giam cấm được hồn ta...

(14-7)

Đây một mùa xuân tới tới gần

Đây mùa bất tuyệt của muôn xuân

Hương tình nhân loại bay man mác

Gió bốn phương truyền vang ý dân...

(Xuân Nhân Loại)

"- Ai ăn bánh bột lọc không?"

Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng

Không phải giọng của một hầu đứng tuổi

Cao thảnh thót hay rồ khan gió bụi

Đây âm thanh của một cổ non tơ

Mà dây ngân còn vương vấn dại khờ

Trên môi mỏng còn thơm mùi sữa mẹ

Tiếng rao nhỏ của một em gái bé

Không vang lâu chỉ vừa đủ rao mời

Nhưng giọng còn non quá yếu dần hơi

Nên cái "bánh" nửa chừng ra cái "bén"...

(Tiếng Rao Đêm)

Trăng lên trăng đứng trăng tàn

Đời em như chiếc thuyền nan xuôi dòng

... Biết không cô gái trên sông

Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài

Thơm như hương nhụy hoa lài

Sạch như nước suối ban mai giữa dòng...

(Cô Gái Sông Hương)

Thế rồi cái không khí phấn khởi của cách mạng tháng tám tan biến với cuộc chiến tranh bùng nổ ở Nam Bộ vào cuối năm 1945. Thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu cho đến khi Việt Minh thất trận, rút vào các vùng rải rác trên toàn cõi Việt Nam. Và giải pháp Bảo Đại do Pháp an bài đã hình thành một vùng gọi là Quốc Gia. Nhân dân Việt Nam trong vùng này được sống một cuộc sống ổn định tạm thời, có thể gọi là thanh bình, trong thời kỳ 1947-1954.

Các văn nghệ sĩ tên tuổi phần lớn tập kết theo Việt Minh. Họ hết lòng tin tưởng vào chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hăng say sáng tác, cũng như lớp trẻ, phần đông vừa là chiến sĩ vừa là văn nghệ sĩ, đã tạo nên được một nền văn nghệ khởi sắc, đó là văn nghệ kháng chiến.

Thực tế thì nhân dân Việt Nam ở hai miền Quốc, Cộng hồi đó vẫn tin rằng công cuộc kháng chiến chống Pháp là chính nghĩa. Các tầng lớp già trẻ ở vùng Việt Minh kiểm soát đã sử dụng văn nghệ như một lợi khí để cổ võ kháng chiến.

Khoảng năm 1949, họ cho ra đời "Tập Thơ Kháng Chiến", xuất bản ở Liên Khu IV. Cần đánh giá khách quan rằng tập thơ này có những bài thật giá trị, vì các tác giả đã sáng tác với tất cả niềm tin và lòng chân thành trong cuộc đời chiến đấu vì quốc gia dân tộc.

Họ đã vui với cuộc sống đó và đây là một sáng tác tiêu biểu nhất:

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi "một hai"

Súng bắn chưa quen

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến

Lột sắt đường tàu

Rèn thêm đao kiếm

Áo vải chân không

Đi lùng giặc đánh

Ba năm rồi

Gửi lại quê hương

Mái lều tranh

Tiếng mõ đêm trường

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya...

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn mép ba lô

Tháng năm bạn cùng thôn xóm

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng

Kỳ hộ lưng nhau

Ngang bờ cát trắng

Quờ chân nhau tìm hơi ấm đêm mưa

-  Đằng nớ vợ chưa?

-  Đằng nớ?

-  Tớ còn chờ độc lập

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu...

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Trong cuộc đời chiến đấu, ngoài nỗi gian lao ở chiến trường, họ còn vất vả ở chốn núi rừng với công tác lao động, những vẫn dậy niềm phấn khởi:

Chúng tôi đoàn áo vải

Sống cuộc đời rừng núi bấy nay

Đồng xanh ta thiếu đất cày

Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng

Tháng ngày ta góp sức chung

Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây

Rừng xanh ta tới đây

Trên đồi cây cháy nắng

Giữa đôi dòng suối vắng

Đoàn ta vui cấy cầy...

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Ta vui mùa lúa thơm

Ta mừng ngày quả chín

Lúa ta cấy xanh rừng

Hết khoai ta lại gieo vừng

Không cho đất nghỉ không ngừng tay ta...

(Bài Ca Vỡ Đất - Hoàng Trung Thông)

Và từ đây, văn nghệ sĩ giã từ cuộc sống thơ mộng để lên đường đấu tranh chống giặc:

Từ ngai cao Người hãy xuống

Hỡi Người ơi Hoàng đế Thi nhân

Giấc mơ tan vẻ đẹp cũng phai tàn

Vua trong mộng ôi thôi cũng mộng

Hãy lắng nghe dồn vang tiếng trống

Tiếng reo hò dấy động cả thôn quê

Du kích quân lặn lội đi giữa trời khuya

Lựu đạn nổ và liên thanh cũng nổ

Và cờ bay và máu đổ

Nỗi oan cừu giãy dụa giữa đau thương...

Ôi Thi nhân, Người hãy lên đường...

(Lên Đường - Lưu Trọng Lưu)

Trong "Tập Thơ Kháng Chiến" còn có một số khá nhiều bài gợi cảm người đọc với lời thơ chân thực của những con người chiến sĩ, vừa chiến đấu, lao động, vừa cầm bút, như: "Tình Mi Tau" của Vinh Mai, khóc người bạn đồng đội tử trận; "Con Đò Kháng Chiến" của Lương An, mô tả chuyến đò tải quân vào vùng chiến khu; "Nỗi Đau Xum Họp" của Lưu Trọng Lư, nói về cuộc họp giữa rừng sâu của các chiến binh từ mọi nơi về; "Thăm Lúa" của Trần Hữu Thung, ghi mối quan tâm của nông binh trong công tác đồng áng...

Sau đó, một số thi ca kháng chiến tiếp tục xuất hiện và rất được nhiều người, nhất là giới trẻ, hoan nghênh, yêu thích vì thích hợp với hoàn cảnh tâm lý của họ: tình cảm và chiến đấu.

Hữu Loan, đã làm cho họ khóc theo khi viết về người vợ của nhà thơ sớm qua đời:

Nàng có ba người anh

Đi bộ đội lâu rồi

Nàng có đôi người em

Có em chưa biết nói

Khi tóc nàng còn xanh

Tôi người chiến binh

Xa gia đình

Đi chiến đấu

Tôi yêu nàng như em gái tôi yêu

Ngày hợp hôn

Nàng không đòi may áo cưới

Tôi mặc đồ hành quân

Nàng cười vui bên anh chồng bộ đội

Thời loạn ly chẳng ai cần áo cưới

Cưới nhau xong là tôi đi

Từ chốn xa xôi

Nhớ về ái ngại

Lấy chồng chiến binh

Mấy người trở lại

Nhỡ khi mình không về

Thì thương người vợ chờ

Bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết người trai khói lửa

Mà chết người gái nhỏ hậu phương

Hỡi ơi

Tôi về không gặp nàng

Chiếc bình hoa ngày cưới

Thành bình hương tàn lạnh vây quanh...

Tôi ngồi bên mộ nàng

Cỏ vàng chân mộ chí...

Nhớ xưa em hiền hòa

Áo anh em viền tà

Nhớ người yêu màu tím

Nhớ người yêu màu sim

Giờ phút lìa đời

Chẳng được nhìn nhau lần cuối

Chẳng được nghe nói một lời...

Ôi một chiều mưa rừng

Nơi chiến trường Đông Bắc

Ba người anh được tin em gái mất

Trước tin em lấy chồng...

Những chiều hành quân

Qua những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim

Tím cả chiều hoang biền biệt...

Rồi mùa thu

Trên những dòng sông

Gió Thu sang

Gờn gợn trên mộ nàng

Có lời nào ru hời

À ơi

"Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu"...

(Màu Tím Hoa Sim)

Bài thơ này Phạm Duy đã phổ nhạc với ít nhiều thay đổi trong lời ca, dưới nhan đề "Áo Anh Sứt chỉ Đường Tà".

Yên Thao, dù lao mình trong khói súng vẫn không quên mang theo hình ảnh người yêu:

Năm xưa em nữ sinh

Mắt huyền lung linh

Đu đưa mái tóc

Tiếng guốc thanh bình

Ta mơ ta hát hề nhan sắc

Ta gọi thầm em gọi một mình

Em là hương ngọt vườn trinh

Gió trăng kết bạn đa tình là ta...

Năm năm ta chiến binh

Say niềm viễn chinh

Ngang tàng áo lính

Khao khát men tình...

Hay khi ở tiền tuyến, nhà thơ hướng lòng về ngôi nhà ở quê cũ:

Nhà tôi đấy xạm đen mầu tiết đọng

Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương

Màu trắng vôi lồm lộp mấy khung tường...

Tôi là anh lính chiến

Giã quê hương từ độ mới khơi dòng

Buông tay gàu vui lại thuở bình Mông

Ghì nấc súng...

(Nhà Tôi)

Hoặc về người mẹ thân yêu:

Tôi có người mẹ già

Tóc ngả màu bông

Tuổi già non thế kỷ

Lưng gầy uốn nặng

Kiếp long đong

Hoàng Cầm, mô tả không khí tưng bừng của một đêm liên hoan giữa những chiến binh Vệ Quốc Đoàn:

Đêm liên hoan đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng

Ta muốn thét cho vỡ tan lồng ngực

Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn

Đêm nay say tiệc liên hoan

Ngày mai xé xác moi gan quân thù...

(Đêm Liên Hoan)

Nhà thơ say sưa với cuộc đời chiến đấu, có lúc nhớ về quê hương:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...

(Bên Kia Sông Đuống)

Hay nhớ về người vợ nghèo:

Tôi có người vợ nghèo

Đời vất vả gieo neo

Từ khi chồng ra lính

Nhà tranh bóng hắt hiu

Lần hồi rau cháo dăm phiên chợ

Ngực lép thân gầy quán vắng teo...

(Tâm Sự Đêm Giao Thừa)

Một số nhà thơ, xuất thân từ quân ngũ, nổi tiếng với những vần thơ hào hùng, đượm tính chất lãng mạn, như Quang Dũng trong bài "Đôi Mắt Người Sơn Tây":

Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy núi Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương...

Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều lưu lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây...

(Phạm Đình Chương đã phổ nhạc bài thơ này cùng nhan đề)

Hay bài Đôi Bờ:

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai

Sông xa từng lớp lớp mưa dài

Mắt kia em có sầu cô quạnh

Khi chớm thu về một sớm mai...

Xa quá rồi em người mỗi ngả

Bên này đất nước nhớ thương nhau

Em xưa áo mỏng buông hờn tủi

Dòng lệ thơ ngây có dạt dào

(Cung Tiến đã phổ nhạc)

Quang Dũng còn mô tả hình ảnh kiêu hùng của "Đoàn Quân Không Mọc Tóc", ở nơi rừng xanh heo hút vẫn mơ một hình bóng diễm kiều:

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi

Người đi heo hút lưng chừng trời

Ngoái nhìn Hà Nội mây che khuất

Một mảnh tình riêng một đoạn đời...

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùng

Mắt trừng gởi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành...

(Tây Tiến)

Chính Hữu, cũng là một chiến binh, trong những cuộc hành quân đã ghi lại tình quân nhân thắm thiết:

Các anh đi

Ngày ấy đã lâu rồi

Các anh đi

Đến bao giờ trở lại

Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong

Làng tôi nghèo

Nho nhỏ ven sông

Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ

Làng tôi nghèo

Gió mưa tơi tả

Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi

Các anh về

Mái ấm nhà êm

Câu hát tiếng cười rộn ràng trong xóm nhỏ...

Các anh về

Không chê làng tôi bé nhỏ

Nhà lá đơn sơ

Nhưng tấm lòng rộng mở

Nồi cơm nấu đỗ

Bát nước chè xanh

Ngồi vui kể chuyện tâm tình xa xôi...

(Các Anh Đi)

(Bài này Văn Phụng đã phổ nhạc)

Và họ vẫn sống vui với cuộc "kháng chiến trường kỳ" trong rừng núi:

Suối tự nghìn năm reo nhạc đá

Người không biết tuổi tháng ngày trôi...

(Khuyết Danh)

Dù có những người đã hy sinh, vì họ tin vào ngày vinh quang của Tổ Quốc:

Những người đã chết vì Tổ Quốc

Gươm súng là tay giết giặc thù

Trang sử rạng ngời gương chiến sĩ

Lòng son hồng mãi với thiên thu

Những người đã chết vì Tổ Quốc

Cho bốn nghìn năm nước Việt bền

Là chết vinh quang là sống thật

Con đường số kiếp mãi đi lên...

(Những Người Đã Chết - Tế Hanh)

Xuân Diệu cũng có những vần thơ đẹp, đậm đà tình đất nước dân tộc, khi chưa lộ mặt "văn nô", xu phụ quyền thế vào thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất và chống nhóm Nhân Văn Giai Phẩm:

Chúng ta là cây kim

Chúng ta là sợi chỉ

Quyết may lại cuộc đời

Cho liền trong vạn kỷ...

(Kim Chỉ)

Hay:

Mỗi năm hoa về đây

Hoa nói gì với người

Lòng đời chắc nặng lắm

Hoa nói hoài không thôi

(Hoa Nói)

Cũng như Huy Cận, nồng nàn với tình yêu đồng ruộng, quê hương:

Đồng quê bát ngát xôn xao

Xanh xao thơm mát vàng sao mặn nồng

Êm sao gió thở bên sông

Ấm sao hỡi bạn đất hồng bên chân

Đời lên không chút phân vân

Đời lên tuần tự từ nhân ngọt ngào

(Đồng Quê)

Ngoài thi ca, có một số tác phẩm văn được xuất bản trong thời kỳ kháng chiến, như tập "Xuống Làng" của Tô Hoài, mô tả cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân miền thượng du Bắc Việt, trong đó có sự đóng góp của dân tộc thiểu số.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã tạo nguồn cảm hứng dồi dào cho văn nghệ sĩ ở bên này cũng như ở bên kia chiến tuyến.

Thực vậy, khoảng đầu thập niên 50, ở vùng Quốc Gia một số nhà văn, nhà thơ có khuynh hướng sáng tác thiên về "kháng chiến". Nhận định một cách khách quan thì vùng Quốc Gia hồi đó chưa phải là mảnh đất lý tưởng cho những người Việt có ý thức và tinh thần yêu nước. Họ cho rằng chế độ chính trị ở vùng này vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của người Pháp và đó là mục tiêu tranh đấu hợp lý cho những người đối lập.

Văn nghệ sĩ là thành phần nhậy cảm nhất, và một số đã thừa nhận cuộc kháng chiến chống Pháp của phía "bên kia" là cuộc đấu tranh có ý nghĩa cao đẹp. Họ đã lý tưởng hóa cuộc đấu tranh đó qua những tác phẩm tiểu thuyết như: "Nắng Bên Kia Làng" (Lý Văn Sâm), "Vó Ngựa Cầu Thu" (Thẩm Lệ Hà), "Nửa Bồ Xương Khô" (Vũ Anh Khanh)...

Một số nhà thơ, tự cho mình bị trói buộc ở vùng "chiếm đóng" (theo từ ngữ của người kháng chiến), mà họ gọi là "nội thành" và mơ một vùng trời "giải phóng". Sáng tác tiêu biểu của họ là tập "Thơ Mùa Giải Phóng", xuất bản vào đầu thập niên 1950. Tác phẩm này gồm những bài của các thi sĩ Miền Nam hồi bấy giờ như Vũ Anh Khanh, Bân Bân Nữ Sĩ, Thẩm Lệ Hà, Chim Xanh, Khổng Dương... xen lẫn các nhà thơ ở vùng kháng chiến như Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Tố Hữu... Các nhà thơ "nội thành" đã bóng gió đề cập đến cuộc kháng chiến chống Pháp, qua những vần thơ:

Đây Tha La xóm đạo

Có trái ngọt cây lành

Tôi về thăm một dạo

Giữa mùa nắng vàng hanh

Ngậm ngùi Tha La bảo

Đây rừng xanh rừng xanh

Bụi đùn quanh ngõ vắng

Khói đùn quanh nóc tranh

Và lửa loạn xây thành

(Hận Tha La - Vũ Anh Khanh)

Tuổi thơ dệt mộng trong thành cũ

Nhớ vạn người đi dạ sắt son...

Nghe chăng cô gái đô thành nội

Chinh chiến ba năm trống dập dồn...

Bóng ai múa giáo ngoài sương gió

Nhắn hỏi giùm xem biết mất còn

Chàng trai phong nhã ngày xưa ấy

Đã bỏ tình riêng theo nước non...

Quê hương lạnh rượi mùa binh lửa

Muôn vạn người đi dạ sắt son

Nghe chăng cô gái đô thành nội

- Ai điểm trang mà em phấn son?

(Phấn Son - Vũ Anh Khanh)

Và họ ca ngợi những bàn tay đẹp, không phải là những bàn tay chau chuốt hàng ngày của các nàng khuê nữ, mà là những bàn tay đã xoa dịu vết thương chiến tranh:

Bao nỗi niềm riêng đành phủi bỏ

Những bàn tay ấy quyết đeo mang

Đem bao êm dịu cho đau đớn

Hàn vá lành cho những vết thương...

Đây một trời thương phủ chiến công

Nơi đây ve vuốt chí anh hùng

Nơi đây an ủi hờn chinh khách

Trên cánh tay in chữ thập hồng

(Chữ Thập Hồng - Bân Bân Nữ Sĩ)

Những nhà thơ này không phải là những kẻ "nằm vùng", dùng văn nghệ để tuyên truyền cho Cộng Sản, họ chỉ ngưỡng mộ lý tưởng đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà, khi người Pháp còn hiện diện trên đất Việt. Ngoại trừ Vũ Anh Khanh đã vào bưng theo "kháng chiến", sau đó chết trong bưng, có lẽ cũng vì mơ theo lý tưởng đó (chống Pháp).  Các nhà thơ nhà văn trên, cho đến ngày nay, vẫn không đứng trong hàng ngũ Cộng Sản. Hình ảnh người chiến sĩ trong thơ văn họ có những nét đẹp như những hình ảnh mà những văn nghệ sĩ "kháng chiến" đã mô tả. Chính dòng thơ văn kháng chiến này đã có sức thu hút mãnh liệt đối với lớp tuổi trẻ "nội thành" và đã có những người rời bỏ các đô thành đi vào vùng kháng chiến.

Vào thập niên 50, do sự khinh suất trong công tác thông tin tuyên truyền và sự lỏng lẻo của chế độ kiểm duyệt sách báo ở vùng Quốc Gia, một số thơ văn kháng chiến đã được đưa vào vùng này, để rồi được truyền tay đến những cảm tình viên. Các tuần báo, tạp chí ở Miền Nam, vì muốn thỏa mãn nhu cầu của độc giả yêu thích thơ văn tranh đấu, đã công khai đăng tải những sáng tác của các văn nghệ sĩ kháng chiến, sau khi bỏ bớt một số câu, hoặc sửa chữa một số từ để tránh lưỡi kéo kiểm duyệt cắt bỏ.  Cho nên giới trẻ ở vùng Quốc Gia, phần đông là sinh viên học sinh, được biết nhiều về thơ văn kháng chiến và có lòng yêu thích.  Mà họ không yêu thích sao được khi thưởng thức những vần thơ nóng bỏng, đầy nhiệt tình được làm ra bởi những con người yêu nước, theo lòng tin của họ, ra đi vì lý tưởng phụng sự Tổ Quốc.  Hơn nữa, thi ca kháng chiến lại đượm nồng tính chất lãng mạn, lấy nguồn cảm hứng trong khói lửa chiến tranh và tình yêu.  Và tình yêu muôn thuở vẫn được con người nhắc nhở, dù trong hoàn cảnh nào, hoà bình hay chiến tranh.  Và những nhà thơ kháng chiến đã mạnh dạn đưa hình ảnh người yêu vào thơ mình, mang hình ảnh họ theo cuộc đời lưu động khắp núi rừng, đồng nội, xóm làng, thôn bản,... trong cuộc chiến trải ra từ Nam chí Bắc nước Việt.

Thơ văn kháng chiến quả thật có giá trị do tính cách nhân bản của nó, đánh dấu một thời đại thi ca Việt Nam, được kết thành trong khói lửa và cái giá trị này sẽ còn có ảnh hưởng lâu dài.  Nhưng đối với người Cộng Sản, thơ văn kháng chiến như là công cụ phục vụ giai đoạn.  Cho nên, về sau, khi đánh giá nền thi ca đó, những phê bình gia Mac-xít đã gọi là "văn học lãng mạn cách mạng".  Dưới con mắt người Mác-xít, họ chỉ công nhận giá trị của một nền văn học gọi là "hiện thực xã hội chủ nghĩa", mà họ luôn đề cao ở thời kỳ "chống Mỹ cứu nước".

Cũng vì lý do đó, khi Cộng Sản tiếp thu Miền Bắc, sau Hiệp Định Genève 1954, loại thơ văn "lãng mạn cách mạng" nói trên đã không được phổ biến. Người ta thường được đọc những tác phẩm cố gắng sáng tác theo đường lối hiện thực XHCN của các nhà thơ, văn đã "lột xác" như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư,... hay những cây bút mới như Anh Đức, Nguyên Ngọc...

Có lẽ để làm vừa lòng chính quyền Cộng Sản, khỏi bị phê bình là sáng tác thi ca "lãng mạn cách mạng", Nguyễn Đình Thi đã tái tạo bài "Đất Nước" (có tính chất hiện thực" để thay thế bài "Gặp Mùa Thu" (có tính chất lãng mạn), có cấu trúc ý tưởng tương tự, đã được phổ biến khắp từ trước.  Ta hãy so sánh hai bài ấy sau đây:

Gặp Mùa Thu

Sáng mát trong như sáng mắt xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội

Phố dài xao xác heo may

Bụi phơi ngõ vắng

Thềm cũ lá rơi đầy

Ôi nắng dội chan hòa

Nao nao trời biếc

Gió thổi hương đồng nội

Hương rừng chiến khu

Tháp Rùa lim dim nhìn nắng

Những cánh chim non

Trông vời nghìn nẻo

Mây trắng nổi tơi bời

Mấy đứa giết người

Hung hăng một buổi

Tháng tám về rồi đây

Hôm nay nghìn năm gió thổi

Trời muôn xưa

Đàn con hè phố

Ngày hẹn đến rồi

Các anh ngậm cười bãi núi ven sông

Hà Nội

Ơi núi rừng!

Đất Nước

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác heo may

Người ta đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng đây vui giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phất phới

Rừng thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngã đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm nghe tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

Thơ văn thời kỳ chống Pháp tất nhiên chấm dứt vào thời kỳ phân chia hai miền Nam Bắc và không còn dư âm ở thời kỳ "chống Mỹ cứu nước". Thời kỳ này, chỉ có loài thơ văn đấu tố, phục vụ cho chương trình Cải Cách Ruộng Đất, dưới sự lãnh đạo của Tố Hữu, làm thơ văn chửi rủa, lên án "trí, phú, địa, hào", hoặc ca ngợi lãnh tụ hay tuyên truyền cho cuộc chiến tranh chống Mỹ như Xuân Diệu, Lưu trọng Lư, Hoài Thanh... Chẳng cần bình luận, ai cũng rõ giá trị của loại thơ văn này như thế nào. Nhưng không phải toàn thể văn nghệ sĩ Miền Bắc vào thời kỳ này đều là "văn công", "văn nô" như hạng trên. Còn có những con người văn nghệ đích thực, dám nói dám làm, dùng văn nghệ phục vụ cho một lý tưởng cao quý là chống đối bất công, áp bức làm cho nhân dân nghèo đói, tranh đấu cho tự do dân chủ về quyền làm người trong một xã hội tốt đẹp. Đó là những văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm vào thời kỳ "Trăm Hoa Đua Nở". Gọi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, là những người đã chủ trương tạp chí Nhân Văn (do Phan Khôi làm chủ nhiệm) và đặc san Giai Phẩm, xuất bản từng thời kỳ như Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Xuân... (do Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức chịu trách nhiệm xuất bản). Những văn nghệ sĩ viết bài cho NV-GP gồm có: Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Trần Duy, Tử Phác, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Chu Ngọc... và một số cây bút trẻ khác.

Gọi "Trăm Hoa Đua Nở" là do tiếng Trung Hoa "Bách Hoa Tề Phóng". Nguyên đó là nửa vế của một khẩu hiệu của chính quyền Trung Quốc, dưới thời Mao Trạch Đông, tung ra: "Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh" (Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng), cho phép văn nghệ sĩ được có nhiều khuynh hướng sáng tác để làm phong phú nền văn nghệ nước nhà (nhưng không được ra ngoài khuôn khổ một chương trình chung). Sở dĩ chính quyền Mao đã nới lỏng ngôn luận cho giới trí thức vì muốn xoa dịu họ, sau khi thanh trừng mọi phần tử đối lập, tiêu biểu là nhóm Hồ Phong.

Phong trào "Trăm Hoa Đua Nở" xẩy ra ở Miền Bắc vào đầu năm 1956 có hai nguyên nhân từ ngoài nước và trong nước. Ở Nga, Khruschev hạ bệ uy tín Stalin để đưa ra tân chính sách là dân chủ hóa chế độ và mở một thời kỳ mới cho văn học, thường gọi là "thời kỳ băng rã". Sau đó, cử sứ giả sang Hà Nội giải thích về tân chính sách của Khruschev. Hồi đó, ở Việt Nam vừa thực hiện xong chương trình Cải Cách Ruộng Đất, một cuộc cải cách với nhiều vụ đấu tố và giết chóc, rồi kết cuộc chính quyền tuyên bố "sửa sai", theo khuyến cáo của Liên Xô.

Các văn nghệ sĩ đã lợi dụng thời cơ đó để nổi dậy chống đối chế độ thiếu tự do dân chủ và gây nên cơ cực cho mọi tầng lớp dân chúng. Họ đã xuất bản tạp chí" Nhân Văn và đặc san Giai Phẩm làm diễn đàn đấu tranh. Ngoài NV-GP, còn có một số báo khác đã hưởng ứng chống đối theo như: Đất Mới (của sinh viên đại học), Trăm Hoa (của nhà thơ Nguyễn Bính), Văn (trước là báo Đảng, sau lại chống Đảng).

Nhiều độc giả ở Miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, đã có dịp đọc một số bài viết của các nhà văn, nhà thơ trên, qua tập "Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc", do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản năm 1959, tại Sàigòn. Các bài viết này, hoặc ngụ ý chống đối, hoặc vạch trần những cái xấu của chế độ Miền Bắc, đại khái như sau:

- Phê bình lãnh tụ và các thuộc hạ: Càng già càng tồi (Ông Bình Vôi - Thơ Lê Đạt, Văn Phan Khôi); kém khả năng sau một thời gian phục vụ (Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh - Phùng Cung); nịnh hót, xu phụ quyền thế (Cũng những thằng nịnh hót - Hữu Loan).

- Nhận định về giai cấp thống trị: thối nát hoặc gian ngoan, đểu giả (Ông Năm Chuột - Phan Khôi).

- Mô tả hình ảnh xã hội không tốt đẹp: đói rét, buồn khổ (Nhất Định Thắng - Trần Dần).

- Nhận xét đặc tính của chế độ Cộng sản: đào tạo nên những người máy, không có tâm hồn (Những Người Khổng Lồ - Trần Duy); nghệ sĩ sáng tác theo mẫu đặt hàng của Đảng (Thi Sĩ Máy - Hoàng Tích Linh).

- Phê bình lãnh đạo văn nghệ: làm mất tự do của văn nghệ sĩ; làm mất giá trị của sáng tác phẩm, do chỉ đạo; bênh vực phe nhóm, dìm tài năng (Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ - Phan Khôi).

- Nói về sứ mệnh của nhà văn; vai trò của chuyên môn: Phải chân thực, không khuất phục trước bạo lực cường quyền (Lời Mẹ Dặn - Phùng Quán); cần được tách rời khỏi chính trị (Ông Năm Chuột - Phan Khôi).

- Nhận định về cuộc Cải Cách Ruộng Đất: có nhiều sai lầm, không có căn bản pháp lý (Qua Những Sai Lầm Trong CCRĐ... - Nguyễn Mạnh Tường).

- Mô tả thảm cảnh đấu tố trong CCRĐ: gây đau khổ, chết chóc cho nhân dân (Cơm Mới - Hoàng Tích Linh; Em Bé Lên Sáu Tuổi - Hoàng Cầm).

Trên đây là nội dung một số bài viết tiêu biểu đã được giới thiệu ở tập "Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc".

Quả thật nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và một số văn nghệ sĩ ngoài nhóm, đã tạo nên được một bầu không khí sinh hoạt văn nghệ sinh động ở Miền Bắc thời bấy giờ, một mặt đấu tranh chống Đảng, một mặt dấy lên một tư trào phóng khoáng tự do, làm nức lòng dân chúng.

Ngoài ra, còn có một số bài khác được viết trong thời điểm NV-GP hoạt động, không kém giá trị về mặt chống đảng. Chẳng hạn bài "Lá Diêu Bông" của Hoàng cầm:

Đứa nào tìm được lá diêu bông

Từ nay tao sẽ gọi là chồng

Hai hôm sau em tìm thấy lá

Chị chau mày, đâu phải lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy lá

Chị lắc đầu, nhìn nắng vãn bên sông

Chị đã ba con em tìm thấy lá

Xòe tay phủ mặt chị không nhìn

Từ thuở ấy em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể gió thu vi vút gọi

Diêu bông ơi hỡi diêu bông

Em đi trăm núi ngàn sông

Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ

Diêu bông là loại lá mọc ở Đình Bảng, người dân nông thôn thường hái lá về giã nát đắp lên mặt để làm tốt da.

Nội dung bài Lá Diêu Bông có ý nghĩa nói về Đảng, qua hình ảnh một người con gái khó tính, hứa hẹn sẽ lấy làm chồng những ai làm vừa lòng mình. Ở đây, những người đi tìm lá diêu bông chính là văn nghệ sĩ. Đảng đã nêu lên đường lối chỉ đạo trong văn nghệ để họ thực hiện. Nhưng những sáng tác mà họ cung hiến không làm vừa lòng Đảng, vì Đảng chỉ công nhận là giá trị những gì được Đảng chỉ đạo. Vậy thì người văn nghệ sĩ chân chính không bao giờ làm được như vậy, họ không thể viết trái với lòng mình những gì mà họ không muốn để làm vừa lòng kẻ khác, dù đó là Đảng, có nhiều quyền lực.

Một bài khác cũng cũng của Hoàng Cầm:

Qua Vườn Ổi

Cách xa ba bước qua vườn ổi

Chị xoạc cành ngang em đứng trông

Xin chị một quả non

- Quả non còn xanh chát

Xin chị của quả ươn

- Quả ươn chim khoét thủng

Xin chị một quả chín

- Quả chín quá tầm tay

Lẽo đẽo em đi đường, may sao

Cúi nhặt chiều sương dăm quả rụng

Ý nghĩa của bài này cũng bóng gió nói về Đảng và chính quyền Cộng Sản, là những kẻ không có lòng cầu mưu phúc lợi cho nhân dân, làm ngơ trước cả nguyện vọng tối thiểu của dân nghèo như miếng cơm, manh áo. Họ viện cớ này cớ khác để từ chối, chẳng hạn vin vào lý do chiến tranh để bắt dân thắt lưng buộc bụng, hoặc kêu gọi nhân dân lao động sản xuất để có cái ăn cái mặc. Cho nên, ở đây, người dân phải tự lo lấy thân phận mình, trong cảnh cùng khổ, cho đến mãn đời, may chăng có được chút ít lợi tức nhỏ.

Không thể chịu đựng được với những bài viết chống Đảng như đã nêu trên, đầu năm 1958, chính quyền Cộng sản đã cử Tố Hữu đứng ra chỉ huy cuộc đánh dẹp "phiến loạn văn nghệ" đó. Lần lượt, các "văn nô" đã viết bài trên các báo Nhân Dân, tạp chí Văn Nghệ, hoặc sách "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận", để công kích, lên án kết tội các văn nghệ sĩ phản kháng chế độ. Hoài Thanh viết về Trương Tửu, Thế Lữ viết về Phan Khôi, Phạm Huy Thông viết về Trần Đức Thảo, Xuân Ba viết về Trần Thiếu Bảo, Hồng Vân viết về Nguyễn Hữu đang... Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, ngoài sự cáo buộc văn nghệ sĩ làm văn nghệ phản động để công khai khai trừ họ ra khỏi Hội Văn Học Nghệ Thuật, ngấm ngầm sa thải ra khỏi các cơ quan công quyền, trường học, bắt giữ... chính quyền Cộng Sản còn biến vụ này thành một vụ án gián điệp để xét xử và kết tội năm người: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Phan Tài, Lê Nguyên Chi với bằng chứng bịa đặt (như Thụy An đã giao thiệp với người ngoại quốc), để có bản án dành cho mỗi người từ 5 fđến 15 năm tù. Mục đích của chính quyền Cộng Sản khi tạo nên vụ án điển hình này là để dằn mặt lớp trí thức tư sản, trước khi đưa Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nói đến văn nghệ Miền Bắc, từ lúc Việt Minh cướp chính quyền cho đến năm 1975, có thể nói là một nền văn nghệ không có văn nghệ. Bởi vì, với người Cộng Sản, văn nghệ chỉ là một lợi khí để phục vụ cho những chủ trương, sách lược của Đảng từng bước thực hiện chế độ theo đường lối Mácxít-Lêninnít. Cho nên văn nghệ ở vùng Cộng Sản chỉ có tính cách phục vụ giai đoạn. Dưới chế độ Dân Chủ Cộng Hòa, văn nghệ phục vụ cho công tác xóa nạn mù chữ, kêu gọi đầu quân, thần tượng hóa lãnh tụ... Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, văn nghệ phục vụ chiến tranh, cổ động đi dân công đào hố đắp đường, xẻ núi băng rừng (lập đường mòn Hồ Chí Minh). Thời kỳ tiếp thu Miền Bắc, phục vụ cho chương trình Cải Cách Ruộng Đất, thời kỳ chống Mỹ, văn nghệ lại phục vụ chiến tranh:

Cô du kích nhỏ dương cao súng

Thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu

Ra thế to gan hơn béo bụng

Anh hùng há phải chỉ mày râu

(Tố Hữu)

Tuy nhiên, vẫn có biệt lệ dành cho văn nghệ thời kỳ kháng chiến chống Pháp và thời kỳ Trăm Hoa Đua Nở. Văn nghệ thời kỳ kháng chiến chống Pháp là nền văn nghệ tự phát, do các thành phần yêu nước trẻ tuổi, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh dành độc lập đất nước, nên những sáng tác của họ có một giá trị chân thực. Là thơ văn mà đó cũng là tiếng nói của những con tim đã rung động trước nạn lớn của tổ quốc. Và tiếng nói, tiếng gọi kêu, gào thét nào của người dân mất nước, cũng như đứa con mất mẹ, lại không làm rung động con tim kẻ khác? Thơ văn của họ bừng bừng như khí thế đấu tranh chống giặc mà cũng nồng nàn tình yêu chân chính của tuổi trẻ.

Đảng Cộng sản đã lợi dụng phong trào văn nghệ đó để ngỏ cho thế giới biết rằng họ có chính nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Pháp, và làm ngơ trước những sáng tác có ít nhiều tính chất lãng mạn (về sau mới chỉ trích, phê bình vì hết thời gian tác dụng).

Sáng tác thơ văn trong thời kỳ đó là phản ảnh cuộc sống chiến đấu của văn nghệ sĩ và do cảm xúc chân thành của họ tạo nên, chứ không do đảng chỉ đạo như trong thời kỳ chống Mỹ về sau.

Trong cái bát nháo của loại văn nghệ nhằm phục vụ tuyên truyền cho cuộc kháng chiến "chống Mỹ cứu nước", nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm đã xuất hiện và trong cuộc đấu tranh chống Đảng bằng ngôn luận, họ đã thay mặt nhân dân cất lên tiếng nói thiết tha về nguyện vọng tự do dân chủ, và đã để lại cho đời tấm gương đấu tranh trong sáng với những sáng tác có giá trị về lòng sôi nổi chân thành của những con người biết yêu đồng bào và Tổ Quốc.

Về mặt sáng tác văn nghệ, chỉ có những tác phẩm được viết ra với tâm hồn chân thật, với cuộc sống thật, với những cảm hứng thật, mới gợi được xúc cảm sâu xa và lâu dài trong lòng người đọc. Thơ văn Miền Bắc Thời Kháng Chiến Chống Pháp và Thời Kỳ Trăm Hoa Đua Nở đã đáp ứng được điều kiện đó, nên có giá trị đáng lưu truyền trong nền văn học Việt Nam.

- Ghi chú: Phần thơ trong bài này, một số ghi theo trí nhớ người viết, hẳn không khỏi có điều sơ sót hoặc nhầm lẫn, xin độc giả bổ sung.

Bao Lần Cúc Nở

Linh Thảo

Tôi cư ngụ

nơi thường gọi là miền cao xứ tuyết

có đường phân ranh lục địa

xuyên bang với rặng Thạch Cơ Sơn

quanh năm bốn mùa gió lộng

vùng tôi ở thuộc miền đồi

có dốc cao nẻo thấp

đường dài lối rộng

vắng khu phố bán buôn

chỉ toàn nhà dân chúng

tôi ở đây

làm lưu dân trên đất khách

lòng không buồn không vui

vẫn trôi theo dòng đời năm tháng

nhớ quê hương vời vợi

thương về người thân xa xôi

láng giềng quanh quất

là người bản địa lẫn người tứ xứ

đến từ châu Á Phi Âu

đồng hương là bạn hữu

nhà tôi ở

chái bên phía nam trông về thủ phủ

tầng tầng cao ốc vượt lưng trời

ngày nhìn cảnh tượng

thành phố chìm trong sương mờ ảo

đêm nhìn đèn sáng khắp nơi

như một trời sao rực

tôi ngồi bên hiên trải bốn mùa

đông trắng tuyết rơi

mênh mông thu vàng lá

nắng hạ tỏa ấm nồng

xuân hồng hoa thắm

mỗi mùa một hứng thú riêng

ngước trông mây lơ lửng lưng trời

từng đám lang thang đây đó

mà nghĩ đến tấm thân phiêu lãng

mà hồn mình không ràng buộc vào đâu

mà cảm ơn

xứ sở tự do dân chủ

dung dưỡng mình bao lâu

mà đêm vẫn hằng mơ về đất mẹ

ngày bâng khuâng ngắm cảnh xứ người

mà ngậm ngùi như thơ Đỗ Phủ:

"một chiếc thuyền neo quê cũ nhớ

bao lần cúc nở lệ tha hương".

Linh Thảo

Hàm Thạch

Theo http://www.daiviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự cứu rỗi – Truyện ngắc của Võ Chí Nhất 23 Tháng Mười Một, 2021 Tôi phá lên cười rồi sà xuống ghế xa lông quan sát, còn chị Hà thì ch...