Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Ngôi nhà của Napoléon

Ngôi nhà của Napoléon

Từ bé, tôi đã được biết đến bài hát trẻ thơ: “Napoléon có 500 tên lính…”. (Napoléon avait cinq cent soldats…). Vị hoàng đế huyền thoại ở tận phương trời xa lắc nào đã khua động tâm hồn tinh khôi trẻ thơ… cho đến một ngày, ở tuổi trung niên, tôi may mắn được về quê hương biển xanh cát vàng của ông.

Corse, một vùng biển xanh lạ lùng

Khi cánh máy bay vừa chao nghiêng hạ độ cao, tôi nhìn qua ô cửa sổ và thảng thốt thực sự vì một màu xanh kỳ lạ dưới kia. Xanh thăm thẳm. Biển cả mang một màu xanh mênh mang, vừa dịu êm vừa đằm thắm trữ tình. Tôi đã đến với Corse, một hòn đảo tận Địa Trung Hải xa xôi thuộc Pháp, mà họ gọi là “hòn đảo mỹ miều” (l’ile de la beauté).

Ra khỏi sân bay Ajaccio nhỏ xíu tràn trề ánh nắng hè, mùi hương núi, mùi thảo dã hòa quyện đem làn gió mát rượi cho những con người trần tục mệt mỏi. Chiếc taxi sang trọng nhưng làm đám du khách thường thường hạng trung như chúng tôi… nhấp nhổm, vì giá cả đắt đỏ kinh hoàng. Tôi vừa nhìn chừng đồng hồ xe, vừa tranh thủ ngắm cảnh sắc biển núi tuyệt vời lướt qua. Chao ơi, lại biển xanh, và xa xa, thấp thoáng những cánh buồm trắng ngọc ngà…

Đứng bên cửa sổ khách sạn, thỏa thuê ngắm biển màu xanh biếc lấp loáng nắng chiều, và hàng dài đến cả cây số, những chiếc du thuyền sang trọng, trắng tinh, kiêu hãnh. Đúng là một giấc mơ có thật, khi được lạc vào chốn thiên đường trần thế này.

Các đoàn thuyền chở đầy du khách đang cặp bến tàu đông đúc. Thủ phủ Ajaccio là một bến cảng xanh, đó đây đầy những bãi tắm trần tục nhưng hấp dẫn với hàng ngàn du khách trai thanh, gái lịch khắp nơi đổ về. Tôi có một buổi chiều dạo chơi thú vị, lang thang lên tận Sanguinaires, ngắm no mắt những bãi cát vàng, nước biển trong leo lẻo như nước lọc, nhưng chỉ mới xa bờ vài mét, đã trở nên xanh biếc lạ lùng. Những ngôi nhà ven biển, đẹp như mơ và đắt tiền hơn vàng ngọc của các quý tộc, nhà giàu khắp thế giới. Họ mua nhà ở đây để hưởng thụ cuộc sống vương giả, họ thảnh thơi dạo chơi Corse bằng những chiếc du thuyền cá nhân lộng lẫy.

Corse là một đơn vị tự trị thuộc nước Pháp, mặc dù về địa lý thì gần vùng Toscana của Italia hơn rất nhiều so với bãi biển Côte d’Azur của Pháp. Lịch sử đảo Corse cực kỳ thăng trầm, trải qua nhiều cuộc xâm lăng và mấy lần thuộc địa. Chắc chắn vùng đất xinh đẹp thần tiên và xanh mướt từ rừng ra biển này không thể thoát khỏi lòng ham muốn giành giật vì lòng tham của con người. 

Có lẽ vì Corse lận đận, mà hun đúc nên một vĩ nhân.

Đó là Napoléon.

Tôi định tạm ngưng cuộc lang thang bờ biển để đi tìm dấu vết của Napoléon, thì tình cờ và may mắn làm sao, tôi gặp môt cư dân Corse, một bà lão vui tính. Bà nói rằng bà đã từng đến Việt Nam năm 14 tuổi (!). Âm sắc và ngữ điệu tiếng Pháp miền duyên hải Corse ríu ra ríu rít, nét hồn hậu và cởi mở như sẵn sàng trải lòng, và hãnh diện lẫn hào phóng với khách phương xa.

Không hãnh diện sao được, Corse của bà, nơi đó có ngôi nhà thơ ấu của Napoléon. Bà nói: “Bố tôi thường kể rằng, trước ngày Napoléon Bonaparte ra đời, một sao chổi xuất hiện trên bầu trời thành phố. Dân địa phương coi đó là điềm lành báo trước sẽ có  người tài xuất thế….”

Ngôi nhà Napoléon sinh ra vẫn còn nguyên trên đường Saint-Charles, trước được gọi là đường Malerba. Nơi căn nhà nói trên, vị hoàng đế tương lai đã cất tiếng khóc chào đời ngày 15/8/1769. Người ta kể lại rằng thân mẫu Napoléon, bà Letizia Bonaparte, đã chuyển dạ trong lúc đang dự lễ ở Thánh đường; bà vội vã ra về và chỉ kịp cho ra đời đứa con thứ nhì ở tầng trệt, nơi phòng khách.

Ngôi nhà đơn sơ của Napoléon hiện ra. Một ô vuông trên khung cửa bằng biển báo rình rang sang trọng. Một ô vuông trên khung cửa bằng gạch, ghi: “nơi đây Napoléon được sinh ra”… bằng tiếng Pháp. Không phải bảo tàng, chẳng có lính gác oai vệ. Bình dị và bình yên. Quanh đó là những ngôi nhà dân dã, đầu ngõ thấp thoáng những quán ăn đặc trưng Địa Trung Hải. Bờ biển xanh ngọt ngào vỗ về ngoài kia.

Chợt có tiếng kèn trompette và tiếng trống ếch vang lừng. Dân chúng từ các nơi chạy nhanh ra quảng trường, trẻ em nô nức vỗ tay theo nhịp trống. Thì ra chúng tôi may mắn đến Corse đúng vào “Ngày Napoléon”. Đường phố như những bàn cờ nho nhỏ rộn ràng đón đoàn quân Napoléon diễu hành với kèn trống và vũ hội tưng bừng. Câu chuyện về vị vua kiêu hãnh và si tình được kể lại trong nao nức tiếng “tambour” và nhịp quân hành rộn rã. Quần áo của Napoléon và binh lính của ông thật đẹp. Họ đi thành đội ngũ chỉnh tề, dân Corse và cả du khách quây quần bên đoàn quân, gió biển lồng lộng thổi vào, như nhắc nhở về người “anh hùng áo vải” của đảo Corse, sau khi đánh Nam dẹp Bắc, trở về với thần dân của mình, trước khi vào nhà, trong ngõ nhỏ Place Letizie, nơi tôi vẫn đứng ngắm, tần ngần chưa muốn rời xa.

Buổi chiều muộn, quảng trường trên đảo thần tiên đầy ắp khách du lịch. Các quán xá lên đèn, bắt đầu cho Corse về đêm. Tiếng hát trầm ấm và sang trọng của ca sĩ lừng danh Tino Rossi - một người đàn ông nức tiếng khác của Corse, vị vua không ngai của dân Corse, niềm kiêu hãnh của cư dân đảo Corse vang lên trong các quán rượu nhàn nhã, dặt dìu…

Những vệt nắng cuối cùng đã nhẹ nhàng lẫn khuất. Trong ngõ vắng, ngôi nhà nhỏ của vị hoàng đế tung hoành một cõi trời Âu Á trở lại yên tĩnh, có phần quạnh hiu. Ngoài đường phố, nghe như tiếng trống trận của đoàn quân còn rơi rớt, vọng lại xa xăm...

Corse, một thành phố đầy phong vị.

11/11/2016

Thanh Thủy
Nguồn: Tạp chí Du lịch
Theo http://vtr.org.vn/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái chi còn lại họa còn văn chương

"Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chả...