Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Cửu Long cạn dòng biển đông dậy sóng 4

  Cửu Long cạn dòng biển đông dậy sóng 4

CHƯƠNG XVIII 
NGÀY HỘI CÁ PLA BEUK NƠI VŨNG SÂU LUANG PRABANG 
Extinction is forever, Endangered means we still have time
Sea World. San Diego
Ngay sau Hội Nghị ‘’Sông Mekong Trước Những Nguy Cơ’’ lần đầu tiên tổ chức ở Mỹ với tham dự của cả đại diện International River Network và Cam Bốt tạo được một số tiếng vang, Cao lại bận bịu cho một chuyến đi tiếp theo sang Thái Lan theo lời mời của Tiến Sĩ Chamsak. Chamsak cũng là một trong số những người đầu tiên gửi điện thư từ Bangkok hậu thuẫn ‘’Tuyên Ngôn Sông Mekong’’.
Sau lần gặp Chamsak cách đây 4 năm, như từ bao giờ ông ta vẫn luôn luôn là một chiến sĩ bảo vệ môi sinh bền bỉ. Cùng với ngư dân ở Chiang Khong, chính Tiến Sĩ Chamsak là người chủ xướng vận động tổ chức cuộc hội thảo của WildLife Fund of Thailand với tham dự của 4 nước thành viên trong Ủy Hội Sông Mekong gồm Thái Lan Lào Cam Bốt và Việt Nam với mục tiêu gần là bảo tồn cá Pla Beuk và xa hơn là bảo vệ con sông Mekong. Cho tới nay câu chuyện cá Pla Beuk vẫn cứ luôn luôn là huyền thoại. Cá Pla Beuk (Mekong Giant Catfish), là loại cá bông lau khổng lồ chỉ có ở sông Mekong, tên khoa học Pangasianodon gigas, thuộc bộ Siluriformes, họ Pangasiidae, có con dài tới 6m cân nặng tới 340kg, chính thức đã được các nhà ngư học (ichthyologist) Tây Phương khảo sát từ những năm 30. Nhưng thực sự cá Pla Beuk đã được nhà thám hiểm người Anh James McCarthy nhắc tới sớm hơn nhiều trong cuộc hành trình của ông từ Xiêm qua Lào trong khoảng thời gian 1881 và 1893.
Trong cuốn Surveying and Exploring in Siam xuất bản năm 1900, McCarthy đã kể lại chính ông đã ‘’giúp ngư dân kéo một con cá Pla Beuk nặng 130 cân Anh, dài 7 bộ và vòng thân mình đo được là 4 bộ 2 tấc và đuôi 1 bộ 9 tấc Anh’’. Ông cũng mô tả rất chính xác là ‘’cá Pla Beuk không vẩy và miệng không răng’’. McCarthy cũng nói tới trứng cá Pla Beuk giống như trứng caviar cá tầm (sturgeon) tuyệt ngon nên trong các phẩm vật triều cống của Luang Prabang sang Trung Quốc luôn luôn có món trứng cá Pla Beuk.
Pla Beuk là một chủng loại hiếm hoi trong số 25 loại cá bông lau Á Châu sống trong sông hồ nước ngọt, hình dạng đặc biệt với lưng dẹp bụng cong, không vẩy, hai mắt rất thấp, miệng không răng và ăn tạp. Chỉ có thể so sánh với cá Pla Beuk là loại cá bông lau trên con sông Danube có tên gọi là Wels có con dài tới 4m nặng tới 180kg. Tiến Sĩ Chamsak nói:
- Tôi nghĩ cá Pla Beuk là một trong những chủng loại đang có nguy cơ bị tiêu diệt (endangered species).
Nguy cơ là còn thời gian cứu vãn chứ tiêu diệt là mất đi vĩnh viễn. Ý tưởng đó như ăn sâu trong trí nhớ Cao nhân chuyến thăm Sea World, San Diego đã rất xa với Bé Tư ngày nào.
Các chuyên viên ngư học Ủy Hội Sông Mekong thì cho rằng cá Pla Beuk sống ở khúc dưới sông Mekong trong lãnh thổ Cam Bốt và khi nhiệt độ nước sông thay đổi thì cá Pla Beuk rủ nhau từng đoàn vượt thác Khone bơi ngược dòng qua Ubon Ratchatani, Nong Khai, Luang Prabang, qua Chiang Khong rồi Chiang Saen, qua bang Shan của Miến Điện trước khi vào Trung Hoa, một chặng đường dài hơn 3000km lên tới hồ Nhĩ Hải/ Erhai lake bên Cổ Thành Đại Lý gần Thượng Nguồn sông Mekong để đẻ trứng tức là vào khoảng tháng Tư và tháng Năm.
Chỉ cách đây ít năm thôi trước nguy cơ cá Pla Beuk sắp bị diệt chủng, các nhà sinh học Thái Lan đã tìm cách cứu nguy giống cá bông lau khồng lồ này bằng phương pháp gây giống nhân tạo (artificial breeding). Cá Pla Beuk đực và cái được chích kích thích tố, sau đó lấy tinh dịch của cá đực trộn với mớ trứng của cá Pla Beuk cái, trung bình từ 8 - 10 kg trứng cá. Cá Pla Beuk nhỏ (fry) được nuôi trong Hồ cho tới khi đủ lớn để có thể tự kiếm ăn nuôi sống thì chúng được đem thả xuống sông Mekong. Trong 7 năm qua có khoảng 20 ngàn cá nhỏ Pla Beuk được tạo giống như vậy. Vấn đề tiếp theo đặt ra là sinh cảnh (habitat) sông Mekong còn đủ trong lành tới bao lâu để cá Pla Beuk còn có thể sống được.
Nhưng với ngư dân địa phương cả ở Lào và Thái thì lại cho rằng cá Pla Beuk sống ở vũng hang sâu trên khúc sông Mekong gần Luang Prabang và họ cũng tin rằng không phải chỉ có cá Pla Beuk mà có cả thần linh ra khỏi hang vào ngày Songkhran Tết Thái Lan cũng vào khoảng giữa tháng Tư.
Do đó trước khi lưới cá Pla Beuk ngư dân đều có lễ cúng để được thần cho phép và sau đó là lễ tạ ơn khi đã lưới được cá. Họ tin rằng vào đúng vào ngày ấy đoàn cá Pla Beuk tụ hội ở vũng sâu Luang Prabang để bầu chọn xem chị cá Plabeuk nào sẽ được tiếp tục lên Hồ xa đẻ trứng, con nào sẽ tự nguyện hy sinh ở lại làm mồi cho ngư dân. Hàng năm cứ vào tháng Tư tức là trước ngày Lễ Tết Pimai khoảng một tháng, dân làng hai bên bờ sông Mekong thuộc Tỉnh Chiang Rai phía Thái và Bắc Luang Prabang phía Lào đều có tổ chức ngày hội cá Pla Beuk. Riêng làng Had Krai Huyện Chiang Khong cho tới nay vẫn là địa điểm đánh cá Pla Beuk nổi tiếng nhất vì ở vào một khúc sông không có những khối đá lớn mà đáy sông lại phẳng nên không làm vướng và rách lưới.
Truyền thống xưa của Had Kai là vào mùa cá Pla Beuk dân làng chia toán đứng canh trên những cầu sông từ sáng tới tối để phát hiện gợn sóng của cá Pla Beuk đi qua, toán nào hên thấy cá thì dùng lưới ‘’mong lai’’ loại lưới rà đã có cách đây hàng Thế Kỷ để bắt cá. Ngư dân làng Had Kai vẫn giữ nguyên nghi lễ Brahmin của ngày Hội Cá Pla Beuk trên từng chiếc ghe chài của họ. Người chủ ghe sẽ bốc một nhúm gạo, nếu là số hạt chẵn có nghĩa là thần chài muốn được cúng heo, nếu số hạt lẻ thì cúng gà. Khi bắt được cá Pla Beuk thần chài sẽ được cúng một bữa ăn thịnh soạn với mâm xôi gà hoặc heo và cả rượu đậu nữa. Vui hơn nữa là có cả thi hoa hậu và đua thuyền giữa các ngư nhân Lào và Thái hai bên bờ sông Mekong sau các buổi lễ cúng quải ấy. Dân làng Had Kai biết rất rõ khi nào cá Pla Beuk lội qua khúc sông này để đón lưới. Những năm gần đây do cạnh tranh, họ không còn kiên nhẫn chờ cho Pla Beuk đi qua mà đã chèo thuyền xuống tận dưới xa để tranh lưới với ngư dân làng khác. Bất kể là ngư dân Thái hay Lào họ đều tin Pla Beuk là loài linh ngư và năm nào mà bắt được cá Pla Beuk mà trên lưng có nhiều đốm đen thì năm đó sẽ rất hên và được mùa cá.
Vào năm 1990, chỉ riêng dân làng Had Krai thôi họ đã lưới được tới 69 con cá Pla Beuk và con số đó đã tụt xuống thê thảm chỉ còn 1 con vào 8 năm sau và con cá duy nhất lưới được ấy thì trên lưng cũng chẳng có đốm vằn nên lượng cá đánh được trên sông Mekong càng ngày càng ít đi.
Trước đây dòng sông Mekong vốn rất yên tĩnh tới mức ngư dân làng Had Krai có thể thấy những gợn sóng của các đoàn cá đi qua nay thì không, do có vô số tàu bè lớn nhỏ trên sông lại có trang bị cả máy dò siêu âm và các loại lưới lớn hiện đại quanh năm lùng bắt mọi loại cá kể cả Pla Beuk.
Với các khu rừng mưa ngày càng bị phá hủy rộng rãi, rồi các con đập khổng lồ Vân Nam ngăn chặn nước, còn phải kể tới kế hoạch của Trung Quốc dùng chất nổ Dynamite phá và khai quang những khối đá nơi các ghềnh thác và dưới lòng con sông Mekong để mở đường cho tàu lớn từ bắc xuống nam. Tất cả tác động tích lũy như một chuỗi phản ứng dây chuyền/ chain reactions, cá không những không còn hang đá làm tổ đẻ trứng, lại thêm sự thay đổi quá mức đột ngột về tốc độ và cả nhiệt độ dòng chảy khiến nhiều giống cá không thể sống được và hậu quả là giảm số lượng cá một cách nghiêm trọng trên sông mà ai cũng biết đó là nguồn protein chính của cư dân sống hai bên bờ con sông ấy. Có thể nói Lúa Gạo và Cá là xương sống của nền kinh tế sông Mekong.
Chỉ mới khoảng cách đây 5 năm thôi, nhìn vào rổ cá ngoài chợ của một ngư dân, người ta có thể đếm được tới 6-7 loại cá tươi ngon khác nhau, nay thì không những rổ cá đã ít hơn và cả hiếm gặp những loại cá ngon của mấy năm trước. Lượng cá sút giảm mà kỹ thuật đánh cá thì càng ngày càng tối tân hơn. Người ta dùng tàu lớn lưới lớn gần chắn ngang cả dòng sông mà mắt lưới thì nhỏ như lưới muỗi nên không thoát con cá nào. Một lối đánh cá ‘’lùng và diệt’’ như vậy thì chẳng mấy lâu sông Mekong, con sông Danube Châu Á không còn cá mà chỉ còn rác rưởi phế thải từ các khu nhà máy kỹ nghệ Vân Nam.
Tuy chỉ mới có một con đập Manwan chưa phải là lớn nhất chặn ngang sông Mekong mà mực nước đã xuống thấp hẳn. Tình hình sẽ ra sao khi tất cả các con đập trên Thượng Nguồn xây xong.
Cá Pla Beuk chỉ có thể sống dưới độ sâu tối thiểu là ba thước. Nếu không có biện pháp cứu nguy thì trong một tương lai không xa cá Pla Beuk trở thành sự kiện của quá khứ. Không phải chỉ có Pla Beuk mà tất cả các loại cá khác và cả cư dân sông hai bên bờ sông Mekong đang đặt vận mệnh mình vào tay người láng giềng vĩ đại Trung Quốc.
Ngày xưa khi có mùa hạn hán thì có lễ Cầu Đảo mong mưa nay thì chúng ta phải thường xuyên Cầu Nước xả ra từ các con đập phương Bắc. Bên lề Hội Nghị, Tiến Sĩ Chamsak giới thiệu với Cao Boonrean Jinarat, 52 tuổi không xuất thân từ Trường Đại Học nào, chẳng phải là Kỹ Sư Ngư Nghiệp, chỉ là một ngư dân làng Had Kai năm 40 tuổi đã có sáng kiến lập ra Câu Lạc Bộ Bảo Tồn Cá Pla Beuk khi thấy có nguy cơ loài cá hiếm quý ấy bị tiệt chủng. Chính Jinarat là nguồn cảm hứng cho Chamsak đi tới hình thành buổi hội thảo hôm nay. Jinarat tâm sự là cứ nghĩ tới con sông Mekong không còn cá Pla Beuk là điều mà chỉ cách đây ít năm anh không thể nào tưởng tượng được. Và cũng là điều mà anh cho là không thể chấp nhận nếu như thế hệ con cháu anh không thấy và không biết Pla Beuk là gì ngoài những huyền thoại về con sông Mekong.
Năm 96 Jinarat được sự tiếp tay của Tiến Sĩ Chamsak, đã mở chiến dịch quyên được hơn 2 triệu baht, khoảng 5000 đô la mua lại 5 con cá Pla Beuk mà ngư dân lang Had Kai lưới được để thả xuống sông Mekong với niềm tin ngây thơ rằng những con cá được phóng sinh ấy sẽ sinh sản thêm nhiều cá Pla Beuk. Trên thực tế những con cá ấy đã lại làm mồi cho những mẻ lưới khác chỉ ít lâu sau đó.
Jinarat còn táo bạo vận động đào một hồ lớn bên bờ sông Mekong để nuôi những con cá Pla Beuk mua được mong gây giống và sinh sản ý tưởng tạo một sinh cảnh kiểu giống như Sea World ở Mỹ chỉ mới có giá trị đẹp đẽ trên lý thuyết. Bởi Hồ không đủ lớn chứa không đủ nước và cặp cá nào sống sót trong Hồ ấy cũng trở thành vô sản (sterile).
Xưa kia dân làng Had Krai đánh cá Pla Beuk như một truyền thống lễ hội và chỉ để ăn. Từ những năm 80 đám con buôn tham lam từ xa đổ tới đây lùng kiếm mua cá Pla Beuk với giá ngày một cao hơn tới 500 baht gần 30 đôla một kilô nhằm cung cấp cho các tiệm ăn nổi tiếng về các loại thú hiếm quý ở Bangkok. Nhu cầu tiêu thụ tăng và tăng giá bao nhiêu cũng có người mua lại càng kích thích ngư dân đổ xô đi đánh cá Pla Beuk.
Nhưng rồi như Cao dự đoán, Hội Nghị 4 nước tấu khúc bộ bốn (quartet) ở Chiang Khong đã mau chóng biến thành cung đàn lỗi nhịp. Khi Janaret đại diện của dân làng Had Kai Thái Lan đưa ra ý kiến đặt (quotas) chỉ tiêu số cá Pla Beuk được bắt mỗi năm thì bị ngay Lào phản đối trong khi Việt Nam chỉ thụ động tham dự với tính cách quan sát.
Và kết quả cuộc hội thảo nhiều mong đợi ấy chỉ có trên giấy là dự án thành lập tại Chiang Khong một ‘’Trung Tâm Nghiên Cứu và Khảo Sát Cá Pla Beuk và Cá sông Mekong (Research & Study Centre of Mekong Giant Catfish and Fish in the Mekong River)’’.
Theo Tiến Sĩ Chamsak thì chính quyền cấp nhà nước Thái Lan đã chẳng quan tâm gì tới vận mạng cá Pla Beuk. Ngư dân thì chia rẽ, như Jinarat muốn bảo vệ cá Pla Beuk thì cứ làm, ai muốn đánh cá Pla Beuk thì vẫn cứ tiếp tục. Nghĩa là tự do kiểu luật rừng.
Khi nhắc tới phái đoàn Việt Nam, Tiến Sĩ Chamsak nói giọng chua chát:
- Tại sao Việt Nam chỉ tham dự với tư cách quan sát? Phải chăng cho là Pla Beuk không có trong Đồng Bằng Sông Cửu Long? Thì cũng giống như chúng tôi bảo rằng các Cánh Hạc Đông Phương và bầy Sếu Cổ Đỏ chỉ có nơi các tràm chim của Việt Nam.
Chamsak tiếp:
- Tôi cho rằng cá Pla Beuk, cá Dolphin, các đàn Hạc đàn Sếu Tam Nông không phải của riêng ai nhưng phải được coi đó là những chỉ số an toàn cho hệ sinh thái của con sông Mekong trong đó có cả Đồng Bằng Sông Cửu Long. Phải cùng nhau bảo vệ con sông Mekong như một toàn thể chứ không thể theo kiểu đèn nhà ai nhà nấy rạng.
Rồi Chamsak đưa ra một cái nhìn thực tiễn không hạn chế trong biên giới một quốc gia mà cho toàn vùng:
- Như ở Việt Nam, để bảo vệ các tràm chim, đâu phải chỉ có biện pháp hành chánh cấm những nông dân thiếu ăn vào khai thác, cũng như vậy đâu có thể cấm ngư dân Lào Thái đánh cá Pla Beuk như tiếp tục một truyền thống từ đời cha ông họ.
Không phải chỉ có phê phán, là một Giáo Sư kinh tế Chamsak luôn luôn đề ra giải pháp:
- Sẽ không công bằng nếu cứ ngồi ở văn phòng Bangkok đổ lỗi cho ngư dân ở Chiang Khong Had Krai là thủ phạm tiêu diệt cá Pla Beuk. Vấn đề là phải giúp họ, có gì bù đắp cho họ khi họ chấp nhận chỉ đánh cá Pla Beuk 2 tháng trong năm, số cá bắt được không quá bao nhiêu con và kích thước không dưới một mét chẳng hạn. Chắp cánh cho giấc mơ của Jinarat, Chamsak say sưa nói về dự án tương lai: - Trung Tâm Bảo Tồn cá Pla Beuk với cả Aquarium hồ nuôi cá không phải chỉ có Pla Beuk mà cả Dolphin cá heo mõm ngắn và các chủng loại cá khác rất phong phú của con sông Mekong, một thứ River World sẽ rất hấp dẫn đối với du khách, như vậy sẽ có tiền để đền bù cho ngư dân, ngoài ra họ sẽ được hưởng thêm phần lợi tức khác như bán đồ kỷ niệm, mở quán ăn phục vụ cho du lịch...
Tôi nghe nói có một sáng kiến tương tự như vậy đã được một Kiến Trúc Sư trẻ Việt Nam ở Mỹ nêu lên trên Internet Mekong Forum là làm thế nào để cứu nguy cho Tràm Chim Tam Nông bằng cách biến nơi đó trở thành một tụ điểm du lịch.
Kiến Trúc Sư ấy không xa lạ gì với Cao, đó là Điền anh của Bé Tư. Cao không cảm thấy bị xúc phạm nhưng cũng đã có chút hổ thẹn trước những nhận xét gay gắt của Tiến Sĩ Chamsak.
Ông chuyển sang giọng tâm sự:
- Thật là đáng buồn khi những loài cá Pla Beuk, Dolphin, những đàn Hạc Đông Phương những đàn Sếu Cổ Đỏ trên sông Mekong không còn nữa. Nhìn xa hơn thì sự lâm nguy của chúng là ‘’báo động đỏ’’ về sự sa sút của toàn hệ sinh thái mong manh của con sông Mekong xuyên suốt từ Tây Tạng ra tới Biển Đông.
Và Cao đã rất tâm đắc với câu phát biểu của Tiến Sĩ Chamsak tuy nghiêm trọng nhưng vẫn toát ra vẻ lạc quan, kết thúc hội nghị cá Pla Beuk: Does Mekong have a future? Yes! Even time is running out but if all of us together should conserve the Mekong River.
‘’Tất Cả Chúng Ta’’ đây phải là 60 triệu cư dân đang sinh sống trong lưu vực con sông Mekong. Cuộc Hội Thảo WildLife Fund of Thailand, đã để lại cho Cao và Bé Tư những ấn tượng sâu sắc.
Chứng kiến sự năng nổ của những ngư dân nông dân Thái Lan Lào và Cam Bốt qua hội nghị, Cao có ý nghĩ đã tới lúc chính những người nông dân ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long phải đứng lên và có tiếng nói tích cực bảo vệ dòng sông và Vùng Châu Thổ quê hương họ.
Trước khi về Mỹ, Cao trở lại thăm Lào 4 năm sau đúng vào dịp Tết Pimai và chặng đến đầu tiên không phải Thủ Đô Vạn Tượng mà là Luang Prabang. Cũng vẫn ông già Khắc cho rằng chưa thể nói thực sự ăn Tết Lào nếu không phải là ở Cố Đô Luang Prabang, giàu tính lịch sử nhưng không nhuốm vẻ vương giả xa cách.
Luang Prabang hay Mường Luông từ Thế Kỷ 14 được Vua Fa Ngoum chọn làm Kinh Đô cho Vương Quốc Lan Xang, xứ triệu thớt voi. Prabang là tên bức tượng Phật được coi như thiêng liêng nhất của người dân Lào cũng như Fa Ngoum khuôn mặt huyền thoại là vị vua đầu tiên vĩ đại nhất của họ. Tương truyền Fa Ngoum nguyên là Hoàng Tử Lào sang lánh nạn bên triều đình Angkor nhưng luôn luôn nuôi ý chí phục quốc. Fa Ngoum đã chỉ huy một đội quân Khmer trở về chinh phục và thống nhất được tất cả các bộ lạc ly khai và sáng lập nên Vương Quốc Lan Xang hùng mạnh.
Chawa hay Java, tên nguyên thủy của Luang Prabang là một vùng cây cối xanh um với phong phú những cây trái nhiệt đới, nằm bên bờ khúc quanh của con sông Mekong nơi con sông Nam Khan là một phụ lưu đổ vào, cao hơn mặt biển khoảng 300 mét, với ngọn đồi Phousi ở trung tâm. Khí hậu Luang Prabang có thể nói là không giống một nơi nào trên đất Lào. Bầu trời lúc nào cũng như có một chút mù sương tuy rất loãng. Người ta giải thích đó là lớp khói do đốt rừng làm rẫy của những người Lào Thượng, Lào Núi, vốn là dân du canh. Nhưng cũng để bù lại luôn luôn có những cơn gió ẩm mát với hơi nước từ con sông Mekong thổi vào tạo cảm giác hơi se lạnh. Hình như cái gì ở tỉnh Luang Prabang cũng có vẻ đặc biệt, để có thể đem tiến vua, sản phẩm đồ dệt đẹp nhất, cây trái rau cỏ cũng ngon hơn nơi khác do chất đất và nước nơi khúc sông Mekong có tới ba phụ lưu lớn đổ vào: Các con sông Nam Ou, Nam Sang và Nam Khan. Cả cát của khúc sông này cũng có vàng nữa.
Vào mùa khô, mực nước xuống thấp tới mức để trơ ra phần của lòng sông với những bãi cát lớn, đây là dịp dân làng kéo nhau tới đãi vàng, thứ vàng vụn có dính lẫn với cát. Có cả những cô gái Lào xinh đẹp ngâm nửa mình dưới nước quần áo ướt dính sát làm nổi lên những đường cong khỏe mạnh mềm mại và khêu gợi. Cát dính vàng được mấy chú Chệt thu mua sau đó dùng thủ thuật đặc biệt để tách ra. Cát lẫn vàng được đem trộn với thủy ngân, cho vào vuông vải vắt kiệt thành viên rồi dùng đèn hàn hun cho thủy ngân bốc hơi chỉ còn lại là phần vàng. Một người phải suốt ngày ngâm mình dưới nước, nếu may mắn cũng kiếm được khoảng 600 kip tiền Lào, chưa tới một đôla nhưng đã lại gấp 6 lần lợi tức bình thường của họ.
Cách đây hơn 130 năm khi đoàn thám hiểm Pháp Francis Garnier-Doudart de Lagrée rời Vạn Tượng đi Luang Prabang, nơi mà Henri Mouhot đã được tiếp đón nồng hậu sáu năm trước đó.
Họ khởi hành ngày 04.04.1867, di chuyển bằng đường sông với hơn 150 km dọc theo con sông là đồi núi trắc trở di chuyển thật khó khăn cả với những thác ghềnh, chỉ trông vào sức người kéo thuyền đi ngược dòng, có nơi họ phải giỡ đồ xuống để khuân vác trên bộ nhưng rồi cuối cùng họ cũng tới được Luang Prabang hơn 20 ngày sau đó gần như kiệt sức với dày dép rách bươm và những bàn chân vấy máu. Đoàn thực sự được nghỉ ngơi giữa một Kinh Đô Luang Prabang en fête vui như Tết, lúc đó bị đang bảo hộ bởi cả hai Triều Đình Huế và Bangkok và được mô tả là một Thị Trấn rất phát triển về thương mại.
Cũng trong chuyến đi này đoàn thám hiểm Pháp đã tìm ra nơi vùi nông xác Henri Mouhot sáu năm trước đó, cách bản Phanom khoảng 2km nơi bờ dốc cao của con sông Nam Khan.
Bản Phanom với khoảng hơn một trăm nóc gia đình thuộc sắc tộc Lu phía Đông Luang Prabang, là một làng đan dệt truyền thống vẫn vậy từ suốt 300 năm, nổi tiếng với những chiếc khăn san (pha biang) và (sarong pha sin) kết bằng lụa hay bông vải với những màu sắc và hoa văn rực rỡ. Ngày xưa muốn tìm mua một chiếc khăn san thì phải chờ tới phiên họp chợ, nay do Đổi Mới đã có những quầy hàng mọc lên hai bên đường và cũng không thiếu cả những món hàng giả nhập từ Thái Lan để cả đánh lừa du khách.
Ngược dòng thời gian, theo bước chân thám hiểm đơn độc của Mouhot xuyên qua những khu rừng già của Lục Địa Á Châu với cả một vùng sông nước của con sông Mekong đã khiến Mouhot đầy cảm xúc viết: ‘’Bấy lâu nay tôi đã say khướt với nước của con sông ấy, cũng bấy lâu con sông ấy đã nuôi dưỡng và cả thử thách sức kiên nhẫn của tôi nữa’’.
Mouhot trong khi vô rừng đi lùng kiếm các loài côn trùng hiếm, ông đã bàng hoàng khi bất chợt khám phá ra cảnh đổ nát huy hoàng của Angkor vào năm 1860 mà ban đầu Mouhot không tin Angkor lại có thể là di sản của những người Khmer thô bạo kém cỏi mà ông đã từng gặp tiếp xúc và ghi lại cảm tưởng ‘’Những con người Khmer mà bạo lực như có sẵn ở trong máu và hình như họ chỉ biết có phá hoại mà không bao giờ biết tái thiết’’. Từ Angkor Mouhot tiếp tục đi về phía Bắc dọc theo con sông Mekong sang địa phận xứ Lào. Ngày 15 tháng 10 năm 1961 vẫn không xa bờ sông Mekong, Mouhot tiếp tục cuộc hành trình đầy quyết tâm nhưng vô cùng đơn độc trong các khu rừng mưa (rainforest) vẫn nguyên hoang sơ với voi đàn cọp rống, với tiếng chim kêu đêm và ban ngày vượn hú. Nhà Sinh Học Pháp, tay mạo hiểm trẻ tuổi ấy đã không hề có ảo tưởng về kết thúc một chuyến đi có hậu. Mouhot đã viết ra những dòng tiên tri trong cuốn nhật ký: ‘’Nếu tôi phải chết ở đây, nơi mà bao kẻ phiêu lưu đã gửi nấm xương tàn, tôi sẵn sàng cho cái giờ phút sẽ tới ấy!’’ Và cái giờ phút định mệnh ấy đã đến. Không bao lâu sau Mouhot bị những cơn sốt rừng tấn công, thực ra là cơn sốt rét ác tính. Ở thời kỳ mà các căn bệnh lạ nhiệt đới chưa có có trong giáo trình của Trường Đại Học Y khoa Paris và viên thuốc Ký Ninh thì chưa hề được biết tới, mắc phải sốt rét ác tính thì chỉ có thác. Mấy dòng chữ cuối cùng rời rạc một ngày trước khi Mouhot chết, ngày 10 tháng 11 năm 1861: ‘’Bị cơn sốt rừng...và rồi bốn ngày sau đó. Thương cho tôi Chúa ôi!’’
Xác Mouhot chỉ được vùi nông bên bờ con sông Nam Khan hoang vắng với bạn đồng hành duy nhất là con chó trung thành Tine-Tine vẫn không ăn không chịu rời xa nấm mộ chủ và vẫn tru lên những tiếng kêu thảm não. Phải chờ tới 6 năm sau khi có đoàn thám hiểm Pháp Francis Garnier-Doudart de Lagré đi qua vào năm 1867, mới có được một ngôi mộ cho Mouhot. Một truy niệm cho người chết và cũng là một sinh niệm cho sáu người trong đoàn, bởi vì họ biết rất rõ cái chết như Mouhot thì quá ư gần gũi.
Thực vậy đã có 2 trong số 6 người đứng bên nấm mộ Mouhot hôm ấy cũng đã chết trong vòng mấy năm sau đó. Doudart de Lagré Trưởng Đoàn bỏ mạng trên đường đi vì chứng amibe áp-xe gan một căn bệnh nhiệt đới khác. Riêng Francis Garnier tuy sống sót qua cuộc thám hiểm sông Mekong nhưng cũng lại bị giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích giết một năm sau đó ở Ô Cầu Giấy gần Hà Nội.
Điều ngạc nhiên thú vị cho đoàn là họ gặp lại con chó Tine-Tine của Mouhot còn sống trong một gia đình Lào ở Luang Prabang, nó không cần biết những ông Tây da trắng bạn của chủ nó là ai tới thăm nên cứ thẳng thừng nhe răng xông ra cắn... Nhưng rồi nấm mộ Mouhot cũng lại bị quên lãng một thời gian dài nữa do hơn nửa thế kỷ chiến tranh loạn lạc và chỉ mới được trùng tu vào năm 1990, với thêm một tấm plaque từ Montbéliard tên Thị Trấn nhỏ nơi sinh của Mouhot, với dòng chữ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: ‘’Hãnh diện về đứa con của chúng tôi’’. Và nay ngôi mộ Mouhot là tụ điểm du lịch hấp dẫn đối với các đoàn du khách. Milton Osborne trong cuốn sách ‘’The Mekong River Expedition’’ đã nhận xét: Mouhot, Doudart de Lagré, Francis Garnier... là biểu tượng cho một thế hệ thanh niên Âu Châu có học thức của Thế Kỷ 19 được mệnh danh là Thế Kỷ của chịu đựng và khắc kỷ.
Họ không chỉ dũng cảm và đam mê với viễn tượng các cuộc phiêu lưu tới những vùng đất mới và họ còn ngây thơ cả tin về sứ mệnh khai hóa (mission civilisatrice) của nước Pháp đối với các dân tộc ở Viễn Đông mà họ cho là còn bán khai.
Đứng bên ngôi mộ Mouhot hơn 130 năm sau, bên bờ dốc con sông Nam Khan, nhìn dòng nước chảy vào sông Mekong đẫm những phù sa, Cao miên man nghĩ tới những gì đã xảy ra trên suốt dọc con sông lịch sử, con sông thời gian và cũng là con sông cuối cùng ấy. Được mệnh danh là con sông của tình ái và hạnh phúc khi thì phẳng lặng hiền hòa khi thì ghềnh thác cuộn sóng với bạo lực hủy hoại và cả nỗi thống khổ nữa. Dòng chảy con sông ấy luôn luôn mang trong nó sự sống và cả chết chóc. Nó luôn luôn và mãi mãi là một ẩn số khó hiểu và cuốn hút người ta bằng những năng lực huyền nhiệm. Con sông ấy đã bị bi thảm hóa trong suốt nửa Thế Kỷ chiến tranh và nay đang được thơ mộng hóa trong thời bình với kế hoạch Du Lịch Môi Sinh Năm 2000.
Theo ông Khắc người bạn vong niên của Cao thì cho rằng con sông ấy luôn luôn gợi lại nơi ông những hoài niệm về suốt chiều dài của cuộc chiến tranh trong nỗi kinh hoàng và hy vọng để thấy hai điều lớn lao nhất là tình yêu và cái chết, nói như Rudyard Kipling:
Two things greater than all things are
The first is love, and the second war.
Từ bao ngàn năm rồi Luang Prabang đã có đó, cứ mãi soi bóng trên dòng sông Mekong, cho dù Kinh Đô ấy đã trải qua bao thăng trầm với nhiều đợt bị ngoại xâm tàn phá.
Tới Thế Kỷ 18, số chùa chiền lớn nhỏ vốn cả trăm chỉ còn lại một phần ba. Ngay Hoàng Cung cũng chẳng phải là một công trình kiến trúc cổ xưa, chỉ mới được người Pháp tái thiết từ năm 1909 với Kiến Trúc Sư người Pháp và thợ thuyền được mộ từ Việt Nam và Thái Lan qua, ngân khoản cũng là từ chánh phủ thuộc địa Pháp tặng dữ cho vua Lào. Như vậy sự hấp dẫn của Luang Prabang với Cao có lẽ không phải nơi cung điện cổ kính mà là cả một kho báu tượng Phật chứa đựng trong đó cùng với số chùa chiền cổ chưa hề bị các cuộc chiến tranh phá hủy và còn nguyên vẹn.
Theo ông Khắc, người được mệnh danh là nhà báo của các nhà báo, thì pho tượng Phật Vàng Prabang còn có tên là Lopburi Buddha mang đậm nét văn hóa Khmer từ Thế Kỷ thứ 12 với dáng đứng Abhayamudra, tay phải đưa lên, lòng bàn tay hướng về phía trước biểu tượng cho sự phù hộ che chở và cả xua đi mọi bất an sợ hãi.
Năm 1975 khi cộng sản toàn chiếm nước Lào một xứ sở chỉ có 4 triệu dân với mật độ dân cư thưa nhất Á Châu, khiến Mao Trạch Đông từng có dự định đưa dân Tàu sang Lào ở, tại vùng Bắc núi non có nơi chỉ có 5 người dân trên 1 km2 có tới 68 sắc tộc khác nhau gồm 3 nhóm chính: Lao Lum (Lào Kinh), Lao Theung (Lào Thượng) hay Kha, Lao Soung (Lào Núi) hay Hmong và Yao và được kể là một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Khi mà Nhà Vua Savang Vathana, vị Vua Lào cuối cùng, vốn hòa nhã và đức hạnh được dân chúng yêu mến, rất học thức từng tốt nghiệp École de Science Politique de Paris, say mê đọc sách cùng với Hoàng Hậu và cả Hoàng Thái Tử đều bị bắt đi đầy ải cho tới chết trong các trại cải tạo ở Sầm Nứa, cùng với đám quân nhân công chức chế độ cũ được mệnh danh là patikan (bọn ngụy phản động), thì chế độ quân chủ Lào coi như đã bị bức tử.
Với khẩu hiệu gần giống như ‘’tiến lên xã hội chủ nghĩa’’ của đảng cộng sản nhân dân Lào, một thứ ‘’Socialism made in Vietnam’’ như một nhà báo Pháp đã mỉa mai gọi như vậy và ông Kaysone Phomvihane để chứng tỏ tự chủ đã không muốn gọi là Đổi Mới giống Việt Nam mà là Ý Mới (Chin Thanakaan), đã không muốn gọi xã hội chủ nghĩa mà là Xã Hội Lương Hảo (Sangkhom Nyom).
Nhưng cho dù gọi là gì đi nữa, với nghệ thuật nói và lắp chữ tinh vi tới đâu thì cũng thì cũng không thể nào hơn các các đồng chí kèo đèng (việt cộng), và cũng không thể khác với Việt Nam, nghĩa là bức màn tre cũng đã phải rơi xuống, để cho các doanh nhân ngoại quốc dĩ nhiên có doanh nhân Mỹ với laptop nghênh ngang tự do ra vào nơi mà trước đây ít năm họ đã phải từng cúi mặt ra đi. Một hiện tượng mà ký giả báo Le Monde đã gọi đó là ‘’Ultime revanche des Americains. Sự trả thù tối hậu của ngươi Mỹ’’.
Để tiến tới Xã Hội Lương Hảo (Sangkhom Nyom) thì cái kinh đô thơ mộng này đang bị đĩ điếm hóa để trở thành lai căng không giống ai chỉ để phục vụ cho du khách. Và Hoàng Cung nay được cải tên thành Viện Bảo Tàng Quốc Gia, vẫn trên con đường Phothisarat chạy vòng theo bờ cao của con sông Mekong, nơi mà xưa kia khách của Hoàng Gia có thể tới thăm bằng thuyền. Cung điện vẫn còn đó nhưng chủ nhân thực sự thì đã vắng bóng, chỉ còn những kỷ vật của nguyên thủ các quốc gia trước đây tặng Nhà Vua thì nay vẫn được trưng bày nơi phòng khách: Khẩu súng săn với báng nạm ngọc của Leonid Brezhnev, bộ đồ trà của Mao Trạch Đông và mẫu đá trên mặt trăng do phi thuyền Apollo 11 đem về do Tổng Thống Mỹ tặng... Cao thì thú vị nhất với bức tranh tường (mural), nơi Phòng Khách Sứ Thần của Họa Sĩ Pháp Alex de Fontereau vẽ cảnh sinh hoạt một ngày Luang Prabang êm đềm cách đây hơn nửa Thế Kỷ vẻ đẹp như vẫn còn phảng phất qua mấy vần thơ của nữ sĩ Vân Đài (1942):
Chuông chiều ngân trong gió
Tháp núi ẩn màn sương
Lầu vua thu bóng nhỏ
Chùa bụt lạnh hơi sương
Cho dù UNESCO từ 1995 đã quyết định chọn Luang Prabang là Khu Di Sản Thế Giới (World Heritage Site), nhưng rồi người ta vẫn cứ nhân danh ‘’đem tiến bộ tới cho xứ Lào’’ với kế hoạch mở xa lộ mới từ Vạn Tượng qua Luang Prabang lên tới biên giới phía Nam Trung Hoa tới Côn Minh thì cái viễn tượng hàng đoàn xe bus chở khách du lịch lũ lượt từ Nong Khai Thái Lan băng qua cầu Hữu Nghị Mittaphap tới Vạn Tượng trên đường tới Luang Prabang thì Cao hiểu rằng cái vẻ đẹp mong manh của nơi Cố Đô ấy với những mái chùa tháp lấp lánh, các Nhà Sư trong những chiếc áo cà sa vàng rực rỡ, những con đường rợp bóng cây xanh ngát hương thơm của hoa và nhang trầm, với rộn rã tiếng chim, với những đứa trẻ nô đùa cả trên mặt đường mà không sợ xe cộ, người dân qua lại không một ai dáng vội vã... rồi ra tất cả cũng sẽ mau chóng trở thành kỷ niệm quá khứ.
Cao chợt có ý so sánh con sông Mekong như chiếc đòn sóc mang trên vai nó suốt chiều dài của nước Lào, là cửa ngõ để Lào tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Quanh năm con sống ấy vẫn luôn luôn là mạch sống và cũng là nguồn hạnh phúc của người dân Lào thiếu nó Lào sẽ như một cơ thể không có mạch máu.
Không phải chỉ có ở Luang Prabang mà là bất cứ đâu trong suốt chiều dài của con sông ấy, sự sống của người dân Lào như gắn liền với con sông Mekong, luôn luôn là nơi tụ hội trong những ngày lễ lớn theo chu kỳ của cả hai mùa khô lũ. Là khí hậu Á Châu Gió Mùa (climat des moussons), với mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 10 và bước sang mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4. Vào mùa nước lớn thì có ngày Bun Xuồng Hưa (Lễ Hội Nước), dân chúng đổ nhau ra dọc hai bên bờ sông xem đua thuyền, có cả thuyền rồng của Nhà Vua ngày trước. Buổi tối là hội hoa đăng, trai gái rủ nhau ra thả trên sông những con thuyền nến nhỏ, hàng ngàn chiếc như vậy lập lòe theo con nước mà xuôi dòng.
Vào mùa nước thấp nơi khúc sông cạn, là nơi tổ chức Bun Băng Phay (Lễ Cầu Đảo), với những giàn tre cao tới cả mười thước được dựng bên bờ sông, trai gái họp từng toán ca múa rồi khiêng những chiếc pháo tre (băng phay) đặt lên giàn cao và thi nhau đốt.
Nhưng ngày hội lớn nhất trong năm vẫn là ngày Tết Bun Pimay (Lễ Mừng Năm Mới) và thời điểm thì khác xa với các ngày Tết Dương Lịch và Âm Lịch. Bởi do Lịch Lào khá phức tạp, năm thì được tính theo chu kỳ trái đất xoay quanh mặt trời, trong khi tháng thì lại tính theo tuần trăng. Thường ngày đầu năm theo lịch Lào rơi vào một ngày của hạ tuần tháng 11 hay thượng tuần tháng Chạp Dương Lịch. Nhưng điều lạ lùng và khó hiểu là tết Lào Pimay lại không tổ chức vào ngày đầu năm mà lại nhằm vào khoảng trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng cuối mùa khô nên rất ư là nóng, phải nói là nóng nhất trong năm. Lễ tưới nước tắm mát Pimai rơi đúng vào thời gian này.
Như vậy Pimay tuy gọi là Tết năm mới nhưng thực ra là ăn Tết Tháng Năm (Bun Đườn Hạ), tức là 5 tháng sau ngày đầu năm. Cũng lại vẫn ông Khắc đưa ra lời giải thích lý thú: bản tính ‘’xừ xừ’’ của người Lào hồn nhiên dung dị nhưng cũng rất ư là sâu sắc. Theo họ thì đầu năm theo lịch Lào đêm dài hơn ngày: Ăn Tết vào những ngày đầu năm ấy chẳng khác nào đi sâu thêm vào bóng đêm, mà bóng tối thì tượng trưng cho sự cô đơn sầu thảm; ngược lại kể từ tháng năm theo lịch Lào thì ngày bắt đầu dài hơn đêm, người Lào chọn ăn Tết vào dịp này như để tiến tới ánh sáng hào quang, tượng trưng cho tương lai sán lạn hạnh phúc vui tươi và cả sự may mắn.
Do đó vào dịp lễ Tết Pimay mọi người trên toàn xứ Lào tự do tận hưởng vui chơi suốt ba ngày có khi lâu hơn. Và mỗi ngày trong ba ngày Tết Lào đều có mang những ý nghĩa khác nhau.
Ngày thứ nhất (Mu Sang Khan Pay), vị thần năm cũ ra đi giống như ngày 23 tháng Chạp Ông Táo về trời bên Việt Nam.
Ngày thứ hai (Mu Nao), là ngày bắc cầu giữa năm cũ bước sang năm mới.
Ngày thứ ba (Mu Sang Khan Kune), là ngày vị thần năm mới tới nhậm chức.
Bạn ông Khắc, nhà báo Phạm Trọng Nhân một cây bút của báo Bách Khoa trước 1975, từng là Đại Sứ Việt Nam ở Lào đã dí dỏm nhận xét là không hề có ‘’lễ bàn giao’’ giữa hai ông thần năm cũ và năm mới vì bị cách ly bởi một ngày Mu Nao trung gian. Cũng giống như phong tục Việt Nam, trước ngày Tết, mọi người chăm sóc lau chùi dọn dẹp nhà cửa cho thật sạch sẽ như muốn gột rửa cho hết bụi bặm tối tăm của năm cũ để chuẩn bị đón mừng một năm mới hạnh phúc thanh khiết và sáng lạn hơn. Trong ngày Tết Pimai ai cũng chọn mang những bộ áo mới đẹp nhất để đi Chùa dự Lễ Tắm Phật với nước có tẩm hoa thơm đồng thời cầu cho được một năm mới an khang và làm ăn thịnh vượng.
Rồi người ta dành thì giờ đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau và bất cứ ai dù có nỗi buồn riêng gì đi nữa thì cũng cố giữ vẻ mặt thật hân hoan vui vẻ.
Sang tới ngày thứ hai thì mọi người tụ họp vui chơi tập thể, gõ trống thổi khèn và các chàng phoubao các nàng phousao, đám trai gái hát hò chọc ghẹo tưới nước vào nhau nếu có xàm xỡ thì cũng không sao và dễ dàng cho qua trong mấy ngày Tết:
Ơ Sáo, Ơ Sáo. Ới Nàng, Ới Nàng
Sáo dù bản đáy. Nàng ở làng nào
Ải khó xị đè... Cho anh ấy... với!
Gặp đám con trai cỡ ấy thì các cô gái chỉ biết có sung sướng đỏ mặt mà làm bộ trốn đi. Rồi người ta rủ nhau ra bờ sông làm lễ phóng sinh: Thả cá chậu xuống sông hay thả chim lồng cho tung cánh tự do bay vào bầu trời nắng mới. Cũng trên bờ sông ấy, họ thi nhau đắp những lâu đài cát xong gắn lên đấy hình con vật biểu tượng cho năm mới với lời cầu nguyện cho được mạnh khỏe sống lâu và tiền bạc thì vô dồi dào như cát trên dòng sông Mẹ (Mae Nam Khong)... Và cũng không kém phần long trọng là lễ rước gia tiên (Pou Gneu Gna Pneu), được coi như tổ tiên của người dân Lào. Trên đường phố có cả đám rước Nang San Khan (Hoa Hậu Năm Mới) với đoàn người mang mặt nạ nhảy múa cùng với đầu lân và sư tử. Khi có Nhà Vua đi qua thì tất cả quỳ xuống cung kính chúc thọ. Sau đó thì Vua cũng được thần dân tưới nước và Hoàng Thái Tử cũng bị các nàng thiếu nữ Phou Sao trẻ đẹp nghịch ngợm xông tới xé áo trong không khí cảm thông hòa đồng tươi vui và cùng hớn hở.
Riêng ông Khắc năm đó cũng không tránh được đôi bàn tay xinh đẹp của một thiếu phụ Lào bôi lọ nồi lên má nhưng chưa bị nàng xé áo. Có lẽ người dân Lào không bao giờ quên được những ngày Tết Luang Prabang khi còn Nhà Vua của họ.
Còn đâu những đoàn voi kiệu uy nghi diễn hành trên đường phố, với Nhà Vua hiền từ cùng Hoàng Gia với đoàn tùy tùng đi tới Chùa Vat May làm lễ tẩy trần cho tượng Phật được đưa từ trên bệ cao xuống sân chùa nơi con rồng Hang Lin phun nước thơm lên pho tượng.
Hang Pak Ou cũng là nơi được Nhà Vua tới thăm trong dịp lễ Pimay. Hang gần nơi bờ sông phía Bắc cách Luang Prabang khoảng hơn 20 km. Từ dưới sông phải leo lên những bậc thềm đá dốc để tới được khu hang lúc nào cũng ẩm ướt dịu mát. Hang gồm hai tầng Tham Thing (Hang Dưới), Tham Phum (Hang Trên) chứa cả mấy ngàn tượng Phật với những vóc dáng khác nhau.
Tương truyền rằng vào Thế Kỷ 16 khi Luang Prabang bị ngoại xâm tàn phá thì trước đó dân chúng đã tự động khiêng các tượng Phật dấu vào hang Pak Ou và tới nay đã 4 Thế Kỷ.
Trong dịp tết Pimai, dân chúng cũng lũ lượt cả bằng đường bộ lẫn đường sông rủ nhau tới đây để tắm cho các tượng Phật bằng nước thơm, những bức tượng mang bụi thời gian hàng mấy Thế Kỷ không tránh được nứt nẻ và cả rêu phong duy có nụ cười an tĩnh của Đức Phật thì như bất tử. Đi tới đâu thì Cao cũng chỉ gặp những người dân Lào hiền từ đôn hậu chất phác và không ham tranh đua. Nhiều người đơn giản thì cho rằng bản chất tốt đẹp ấy như kết quả của một quá trình tôi luyện qua nhiều Thế Kỷ dưới ánh sáng của Đạo Phật là Quốc Giáo của Lào.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra tiếp theo là với người Xiêm La, người Khmer thì sao? Họ cũng sống dưới bóng từ bi của Đức Phật qua nhiều Thế Kỷ, Đạo Phật cũng là Quốc Giáo mà người Thái thì trí trá sản sinh ra một bầy hải tặc gây bao thảm cảnh hãm hiếp thuyền nhân trên Biển Đông, còn người Miên thì bạo động tàn ác cứ có dịp là cáp duồn chặt đầu vô số người Việt. Mùa Thổ Dậy luôn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Việt sống ở các Tỉnh gần biên giới Việt Miên.
Câu hỏi tự đặt ra chưa có ngay lời giải đáp nhưng Cao hiểu rằng không thể chỉ đơn thuần dựa theo yếu tố tôn giáo mà phải kể tới những hoàn cảnh lịch sử, sắc thái nhân chủng để tạo nên cái vô thức tập thể (inconscient collectif), nói theo Carl Gustav Jung như một bản năng thứ hai không dễ gì mà thay đổi ấy. 
CHƯƠNG XIX 
NGƯỜI CÁ PAKHA VÀ TIẾNG NỔ RỀN DƯỚI THÁC KHONE
Ordinary life goes on that has saved many a man’s reason
Graham Greene, 1955, The Quiet American
Sau các ngày tết Pimai và những ngày Luang Prabang không thể nào quên, Cao hẹn gặp lại Tiến Sĩ Cham Sak ở Done Khong nơi dưới thác Khone. Cao sẽ không thể nào hiểu được sự phong phú về cá và sinh cảnh thực vật của con sông Mekong nếu không biết thêm được lịch sử hình thành của con sông ấy. Cao nguyên Tây Tạng có từ khoảng hơn một trăm triệu năm trước do sự va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên một địa hình nổi bật là dãy Himalayas và cả vùng cao nguyên Trung Á.
Riêng con sông Mekong chỉ mới được hình thành vào thời kỳ Pleistocene giữa khoảng 1.6 triệu và 10 ngàn năm trước đây thôi. Con sông như hiện nay bao gồm 4 khúc sông thuộc các con sông khác do những cơn địa chấn làm di chuyển những khối đất tạo thành.
Một khúc sông Chao Phraya khi chảy tới vị trí Tỉnh Chiang Rai bị ‘’chụp bắt (captured)’’ vào con sông Mekong và dần dà tạo nên lưu vực trên của con sông.
Đồng Bằng Sông Cửu Long chỉ được hình thành trong khoảng 10 ngàn năm trở lại đây từ đáy Biển Đông do chất sắt trong phù sa của sông Mekong hợp với chất sulphur trong nước biển tạo nên hợp chất pyrite cứ thế bồi đắp dần cho tới khi nhô lên khỏi mặt biển và hàng năm tiếp tục được phù sa phủ dày lên. Riêng Biển Hồ mới được thành hình từ 5700 năm trước do nền đất bị xụp và lún sâu xuống so với mặt biển. Chính do từ những con sông khác nhau hợp thành đã giải thích tại sao các loài cá và hà sản của con sông Mekong lại phong phú đến như vậy.
Đâu là nguồn của con sông Mekong. Cách đây hơn 130 năm khi đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée-Francis Garnier khởi hành từ Sài Gòn, lúc đó là thuộc địa mới của Pháp, ngược dòng sông Mekong để tìm một thủy lộ giao thương với Trung Hoa, các tin tức có được lúc đó chỉ giúp họ đoán biết mơ hồ là con sông ấy phát nguyên từ Tây Tạng. Cuộc hành trình đầy gian khổ và ròng rã suốt hai năm 1866-1868 nhưng rồi cũng phải bỏ dở dang vì cái chết của Doudart de Lagrée Trưởng Đoàn khi họ chỉ mới tới được Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Năm 1894, ba mươi năm sau, một đoàn thám hiểm Pháp khác do Dutreuil de Rhins cùng bạn đồng hành Joseph-Fernand Grenard rời Paris qua Samarkand, xuyên qua vùng Turkestan thuộc Nga rồi vào Trung Quốc trước khi đi về hướng Nam tới Ladakh rồi lại ngược về hướng Bắc, ngang qua sa mạc Taklamakan theo con Đường Tơ Lụa (the Silk Road) rồi bằng một chặng đường rất quanh co trước khi vào được Cao Nguyên Tây Tạng. Họ được coi như đã tới gần nguồn nhất của con sông Mekong nhưng định mệnh dành cho Dutreuil de Rhins thật bi thảm, ông bị các dân làng Khamba bắn chết trong cuộc tranh cãi mất ngựa. Riêng Grenard sống sót về tới Paris, tuyên bố đã tìm ra thực nguồn con sông Mekong nhưng đã không đưa ra được chi tiết chính xác.
Năm 1910, trong bộ Encyclopaedia Britannica nổi tiếng thế giới xuất bản lần thứ 11 khi đề cập tới con sông Mekong chỉ viết: ‘’Nguồn gốc con sông ấy chưa thực sự được giải quyết, nhưng phỏng chừng phát xuất từ sườn dốc của ngọn Dza-NagLung-Mung trong khoảng 33 độ Bắc, 93 độ Đông’’.
Và như vậy cho tới thập niên 50 của Thế Kỷ 20 đầu nguồn của con sông Mekong vẫn còn là một bí nhiệm.
Tới năm 1992, ký giả Thomas O’Neil và phóng viên nhiếp ảnh Michael S. Yamashita báo National Geographic tới Tây Tạng được dân du mục dẫn đường lên tới Zadoi cao khoảng 4600m trên mặt biển vùng xa nhất của con sông Dza Chu tên Tây Tạng của sông Mekong, và tưởng cũng đã tìm ra thực nguồn của con sông ‘’nơi phía sau nhọn núi thiêng nơi có con rồng Zjiadujiawangzha là vị thần linh bảo vệ cho nguồn nước an lành... Chúng tôi di chuyển nơi phía sau ngọn núi và thấy một dải băng tuyết dài khoảng 300 thước Anh, hình thù như chiếc đồng hồ cát. Nghiêng cúi xuống mặt nước đá, tôi nghe thấy tiếng chảy róc rách: đó là những âm tiết đầu tiên của con sông Mekong và tôi cũng khám phá ra rằng tôi và Mike là những nhà báo Tây phương đầu tiên nghe được những âm thanh ấy’’. Không có tọa độ được xác định và cả không có tên ngọn núi thiêng ấy trên bản đồ. Tuyên bố tìm ra nguồn sông Mekong của hai ký giả National Geographic cuối cùng chỉ là một huyền thoại.
Thực sự phải chờ tới ngày 17 tháng 9 năm 1994 một thời điểm lịch sử của con sông Mekong, khi có đoàn khảo sát Anh Pháp với Michel Peissel leo tới đỉnh đèo Rupsa lần đầu tiên xác định được điểm khởi nguồn, Where Beginning Ends của con sông Mekong nơi trung tâm hoang vắng nhất của cao nguyên Trung Á ở cao độ 4975m trên mặt biển và xa khu dân cư hàng trăm cây số và quan trọng hơn cả Michel Peissel là người đầu tiên đã xác định được tọa độ chính xác: Vĩ độ 33 độ 16’ 534 Bắc, Kinh độ 93 độ 52’ 929 Đông. Từ nay bất cứ lúc nào và ở đâu trên bất cứ tấm bản đồ nào của thế giới, người ta cũng có thể xác định được vị trí khởi nguồn con sông Mekong bằng mấy con số trên. Michel Peissel đã ghi lại những dòng cảm tưởng: ‘’Đây mới chính là địa lý và thám hiểm. Chỉ vài con số nhỏ ấy mà bao nhiêu đấu tranh, bao nhiêu máu, nước mắt và mồ hôi đã đổ ra kể từ 1866 như mục tiêu đề ra của Ủy Ban Sông Mekong trong Hội Địa Dư Pháp... Hai mươi lăm năm sau khi con người đã đặt chân lên mặt trăng, thì đây là lần đầu tiên chúng ta ghi nhận được cội nguồn của con sông lớn thứ ba của Châu Á’’.
Cho tới giữa Thế Kỷ 20, ảnh hưởng của cư dân sống hai bên bờ con sông ấy phải nói là không đáng kể. Con sông Mekong vẫn còn nguyên vẻ hoang dã. Từ các phụ lưu như con sông Nam Ou Bắc Luang Prabang xuống tới các con sông Sekong, Sesan Đông-Bắc Cambốt tất cả gần như vẫn còn trinh nguyên. Các khu rừng lũ (prey lik tuk-flooded forests) từ con sông Song Khram Đông-Bắc Thái Lan xuống Biển Hồ sang tới vùng trên của châu thổ sông Cửu Long hầu như còn nguyên vẹn. Chỉ mới từ những thập niên 50 trở lại đây thôi, tình hình hầu như hoàn toàn đổi khác, con sông Mekong đã suy thoái với một gia tốc đến chóng mặt.
Đường xuống See Pan Done (Thác Khone) hay Tứ Thiên Đảo ở phần cực Nam của Lào là một khúc sông Mekong đầy ghềnh thác cuộn sóng trước khi con sông trải ra hiền hòa chảy vào lãnh thổ Cambốt. Đây là phần hết sức kỳ lạ của con sông Mekong. Ngay dưới chân thác là một quần thể phong phú nhất về cá, những loài cá nước ngọt không chỉ của Đông Nam Á mà phải nói là của cả thế giới nữa, chưa kể tới những tôm cua rùa ốc và cả rong tảo cũng là nguồn protein của cư dân sống trong lưu vực dưới sông Mekong.
Sự thay đổi cao độ đột ngột của các con thác có nơi cao tới 21 mét gồm 9 con thác chính và khoảng 30 khe lạch và cả rất nhiều những vũng sâu như một thiên đường cho cá làm tổ và sinh đẻ. Từ Tây sang Đông thác Khone có nơi rộng tới 14km, khúc trải rộng nhất của toàn thể chiều dài con sông Mekong chảy qua suốt bảy quốc gia trong đó có quốc gia Tây Tạng.
Vào mùa mưa thì con sông tràn bờ đổ vào những khu rừng lũ mênh mang với nước ngập tới ngọn cây cao tới 20 mét.
Đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée-Francis Garnier đã phải kinh ngạc khi đối diện với thác Khone. Trước đây họ cũng đã nghe nói tới thác Khone mà họ tưởng tượng như một thác Niagara của Châu Á, nghĩa là một thác nước duy nhất trút xuống từ trên cao.
Nhưng rồi thực tế trước mắt họ chẳng hề có một Niagara mà chỉ có một chuỗi những ghềnh thác trải dài suốt 12km đan móc vào nhau. Cảnh tượng thì hùng vĩ và ngoạn mục với vang ầm tiếng nước đổ vào các ghềnh đá sủi bọt tung tóe. Sức mạnh của con nước có thể thấy từ chân thác với xác chết của cá và cả cá sấu từ trên cao bị nước cuốn đập vào khe đá. Rõ ràng sau con ghềnh Sambor ở Miên, thì thác Khone là một trướng ngại thiên nhiên mà họ biết chẳng một tàu bè nào có thể vượt qua. Francis Garnier đã ghi lại trang hồi ký: ‘’Nơi đó, giữa những khối đá và các hòn đảo xanh là cả một dòng nước lớn khổng lồ từ cao hơn 20 mét như cơn lũ trút xuống và sủi bọt để rồi sau đó lại tiếp tục đổ xuống từ vách đá này tới vách đá khác cho tới khi trườn khuất vào một rừng thảo mộc rậm rạp và xanh um. Nơi đây khúc sông trải rộng tới cả ngàn thước Anh, luôn luôn gây những ấn tượng thật mạnh mẽ’’. Cho dù con sông Mekong chẳng thể là một thủy lộ giao thương với Trung Hoa nhưng với Francis Garnier với biệt danh là Mademoiselle Bonaparte, thì đó vẫn là ‘’một chướng ngại phải vượt qua l’obstacle à vaincre’’ một thách đố cũng giống như cuộc thám hiểm xuống Nam Cực hay leo lên đỉnh núi Himalayas vậy.
Thác Khone từng được ví như một phòng thí nghiệm thiên nhiên lý tưởng, một thế giới vi mô (microcosm) của toàn thể hệ sinh thái con sông Mekong, để cho các nhà sinh học và ngư học (ichthyologist) nghiên cứu. Do tầm quan trọng độc nhất vô nhị ấy khiến Tiến Sĩ Mark Hill đã kêu gọi bằng mọi giá phải bảo vệ sự toàn vẹn của vùng thác Khone trong những kế hoạch phát triển và xây các đập thủy điện trên suốt dọc con sông Mekong.
Mực nước sông Mekong cao nhất khoảng giữa tháng 9 và tháng 10, rõ rệt nhất là nơi vùng dưới thác Khone giữa biên giới Lào và Cam Bốt, nước sông mùa lũ cao hơn 15 mét so với mùa khô. Riêng tại Kratie phía bắc Cambốt nơi con sông Sesan phát xuất từ cao nguyên Trung phần Việt Nam đổ vào sông Mekong mực nước có khi cao hơn 20 mét. Còn phải kể thêm các phụ lưu khác như sông Kong, San Srepok, và Krieng.
Chu kỳ thay đổi mực nước theo mùa của con sông Mekong đã được Walter Rainboth nhận xét là ‘’độc nhất vô nhị so với bất cứ con sông lớn nào trên thế giới’’. Ban đầu chỉ là mối quan tâm nhưng không biết từ lúc nào con sông Mekong ấy đã trở thành nỗi ám ảnh và như một tình yêu lớn của Cao.
Thường gặp anh ở những địa danh khác nhau của con sông Mekong, khiến Tiến Sĩ Cham Sak người bạn Thái Lan của Cao đã bảo đùa: Sau cá Pla Beuk tới cá Dolphin, đã có lúc người ta quên hẳn anh là một kỹ sư trưởng đang trách nhiệm điều hành các công trình thiết kế lớn ở Mỹ.
Auberge Sala Done Khong.
Đã được Tiến Sĩ Cham Sak chu đáo giữ chỗ trước, Cao và Bé Tư được xe đưa tới thẳng khu lữ quán.
Nguyên là nhà khách của ngoại trưởng, trên Đảo Don Khong một trong hai hòn đảo chính của vùng thác Khone. Tòa nhà kiến trúc bằng gỗ tương đối đủ tiện nghi nhất trong vùng nam Lào, nhà tắm có nước nóng khu vệ sinh sạch sẽ và có máy phát điện riêng chạy từ chiều cho tới nửa đêm. Sau đó là ánh sáng thơ mộng dĩ nhiên là bất đắc dĩ, của đèn nến trên một xứ sở từ lâu được vinh danh là Kuwaitthủy-điện của Vùng Đông Nam Á.
Đặc biệt nhất là họ được dành cho căn phòng với bao lơn nhìn ra con sông Mekong. Ngày đầu tiên được bà chủ lữ quán dọn cho mấy món ăn Lào tuyệt hảo, món đặc sản mok pa (cá hấp lá chuối) rồi tới món cá chưng nước dừa và cả món gà tơ sào gừng.
Cham Sak kể lại là vào đầu thập niên 90, tin kinh khủng nhất là một dự án được quảng cáo rầm rộ nhằm xây một khách sạn lớn 5 sao với 300 phòng và sòng bài kiểu Las Vegas với cả sân Golf tại chân thác Khong Phapheng gần Don Khone, lại có thêm đường bay nhỏ và sân trực thăng cùng với một xa lộ lên tới Pakse qua Ubon Ratchathani Thái Lan. Lý do gần gũi nhất vì đây là nơi sinh của Thủ Tướng Khamtay Siphandone, ông ta tha thiết muốn xây dựng và canh tân quê mình.
Dân làng thì hân hoan coi tin ấy như một đặc ân vì sẽ hấp dẫn thêm du khách thêm công ăn việc làm nhưng ngược lại với Cham Sak, Baird và các nhà bảo vệ môi sinh thì đó sẽ là một thảm họa cho hệ sinh thái của vùng thác Khone.
Cũng theo Tiến Sĩ Cham Sak thì điều may mắn là trong đại hội đảng cộng sản Lào năm 1996, Khamtay bị mất chức vì có liên hệ quá chặt chẽ với giới doanh thương Thái Lan.
Cham Sak nói:
- Chuyện chỉ có vậy mà cũng được người ta giải thích đó như một thắng lợi về phía Việt Nam, tiếp tục một truyền thống các Vua Triều Nguyễn trong tranh giành ảnh hưởng giữa hai nước Xiêm La và Việt Nam trên xứ Lào.
Đây là lần đầu tiên được gặp Ian Baird, người mà bấy lâu Cao chỉ ‘’văn kỳ thanh’’, Baird người Gia Nã Đại từ nhiều năm tình nguyện sang sống ở Lào và từ 1993 trực tiếp điều hành một dự án ở Nam Lào, Laos Community Fisheries and Dolphin Protection Project với ngân khoản vỏn vẹn chỉ có 60 ngàn đôla mỗi năm để kết hợp 63 làng xã trong vùng nhằm vận động bảo vệ loài cá Dolphin đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nhưng xa hơn là phát triển một nền ngư nghiệp bền vững (sustainable fishing) vì ai cũng biết ‘’lúa và cá’’ là xương sống của nền kinh tế lưu vực sông Mekong.
Baird đã rất có lý khi chọn cá Dolphin như ‘’một chủng loại quan trọng (flagship species)’’ với hy vọng không chỉ cứu nguy cho giống cá này mà chính là để bảo vệ cho hơn một ngàn giống cá khác còn sống sót trên con sông Mekong. Vì cá Dolphin sống ở cả hai phía biên giới Lào Cam Bốt một số rất ít ở Việt Nam và thử thách khó khăn nhất là tình trạng vô luật pháp bên Cam Bốt.
Những con cá Dolphin trên sông Mekong. 

Dolphin thuộc họ cá voi loài cá có vú (aquatic mammals), người Lào gọi là Pakha (nhân ngư), người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long gọi là cá nược hay cá heo. Da cá có màu xám xanh óng ánh kim loại và đẹp mượt mà, mỗi con dài trung bình khoảng từ 2.5 tới 2.8 mét cân nặng tới 200kg, chung sống từng cặp ‘’như vợ chồng’’ theo từng nhóm từ 8 tới 10 con, sống lâu tới 50 năm, có thể bơi nhanh với tốc độ hơn 40km chẳng thuyền bè nào có thể đuổi kịp. Chu kỳ mỗi hai năm cá Dolphin mang thai 9 tháng và sau đó sinh con chứ không phải đẻ trứng như mọi loài cá khác. Giai thoại khi cá Dolphin đẻ có cô mụ tới đỡ giống như người. Chúng ăn cá và săn mồi với bộ phận siêu âm đặc biệt phía trước trán bằng cách phóng ra những sóng âm và đón nhận âm phản hồi để xác định rất chính xác vị trí con mồi ngay trong môi trường nước rất đục phù sa của con sông Mekong.
Theo các chuyên viên ngư học thì cá Dolphin nước mặn sống dọc theo vùng ven biển phía bắc Úc Châu cho tới Vịnh Bengal Ấn Độ. Riêng loại cá nước ngọt Irrawady Dolphin lần đầu tiên (1738) được phát hiện trên con sông Irrawady thuộc Miến Điện, có tên khoa học Orchaella brevirostris (cá voi mõm ngắn), càng ngày càng trở nên khan hiếm trong vùng Đông Nam Á, hầu như chỉ còn trên sông Mekong. Loại cá Dolphin này đã hoàn toàn tuyệt chủng trên sông Chao Phraya ở Thái Lan từ mấy thập niên qua khi con sông ấy đã trở thành một thứ cống rãnh phế thải kỹ nghệ và nông nghiệp. Hoàn cảnh cũng không khá hơn gì đối với con sông Dương Tử Trung Quốc, sông Amazon Brazil và sông Hằng Ấn Độ. Những con cá Dolphin còn sống sót trên sông Mekong luôn luôn có thể bị nguy cơ nghiền nát bởi các bè gỗ khổng lồ do các công ty phá rừng chuyển gỗ trên sông. Lại thêm những con đập lớn phá hủy môi trường sống của các bầy cá Dolphin: nước thì cạn hơn trong mùa khô và cả ô nhiễm hơn do nguồn thủy điện kéo theo bước phát triển các khu kỹ nghệ và nhà máy.
Có nhiều cổ tích khác nhau về cá Dolphin. Truyện do các cụ già kể lại là thuở rất xa xưa có một cô trinh nữ thật xinh đẹp bị cha mẹ ham giàu có mà cưỡng ép gả cho một con trăn đất bẩn thỉu và xấu xí khiến cô gái tuyệt vọng phải tự vẫn gieo mình xuống dòng Tonle Thom, tên Khmer của sông Mekong nhưng cô không chết mà lại biến thành con cá Dolphin.
Một giai thoại khác thì kể rằng ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng kia cùng nhau đi mảng xuôi dòng Mae Nam Khong, tên Lào Thái của sông Mekong, họ đem theo cả bày gia cầm: một con gà, một con vịt, một con ếch và cả một con công. Khi con mảng tới gần vùng nước xoáy chảy xiết của thác Khone thì cả đám gia cầm đều sợ hãi và kêu toáng lên. Con gà thì cục tác cục tác kêu dừng lại, con vịt vốn quen lội nước mà cũng kêu quạc quạc đòi lên bờ, cả chú ếch cũng ộp oạp đòi ra khỏi mảng. Duy chỉ có mỗi con công thì vẫn giữ vẻ cao ngạo bất cần hô plaew wong, plaew wong tiến tới cứ tiến tới, mà công lại là con vật đẹp đẽ đầu đàn nên được cặp vợ chồng nghe theo và con mảng cứ tiến tới con thác. Và cái gì phải xảy tới đã tới, cả con mảng bị cuốn vào dòng nước xoáy và bị nhận chìm. Không một ai sống sót. Riêng cặp vợ chồng ăn ở hiền lành ấy thì sau đó được tái sanh: Người chồng biến thành con chim Nhạn bay lượn trên sông, còn người vợ thì biến thành con cá Pakha, cả hai luôn luôn gần gũi nhau và chẳng bao giờ hại người ta cả.
Cũng con cá Dolphin nhân ngư ấy, Tiến Sĩ Cham Sak cách đây 4 năm ở Vạn Tượng nơi khách sạn Lan Sang nhìn ra sông Mekong, đã kể cho Cao nghe một giai thoại khác nữa. Các ông già bà cả thường kể lại rằng thuở rất là xa xưa khi cả hai nước Tàu và Việt bị trận động đất thật khủng khiếp sau đó là thiên tai bão lụt nên họ bị chết hết cả. Người Tàu thì tái sinh thành cá Pakha, người Việt thì thành loài giang Nhạn. Tới khi trời yên biển lặng thì cá Pakha gặp giang Nhạn, chúng hỏi han nhau. Giang Nhạn nói: ‘’Tôi sinh ra từ kiếp người nên không bao giờ hại người ta cả.’’ Nhân ngư cũng bảo: ‘’Tôi cũng vậy sinh ra từ kiếp người nên chỉ biết cá cứu người ta thôi’’. Và giai thoại nào thì cũng kể là cá Pakha luôn luôn giúp ngư nhân trong mùa chài lưới, cứu người chết đuối, ly kỳ hơn là cứu cả nạn nhân thập tử nhất sinh đã bị ngậm trong hàm cá sấu.
Nhưng bây giờ thì chính con người bằng cách này hay cách khác đang tàn hại loài cá Dolphin.
Hướng về Ian Baird, Tiến Sĩ Cham Sak đưa ra một cái nhìn toàn cảnh: 
- Cũng giống như cá Pla Beuk, số phận của những con cá Dolphin tượng trưng cho toàn thể vấn đề phát triển rộng lớn của cả con sông Mekong.
Ian Baird một giải thích:
- Không phải chỉ cá Dolphin mà mọi loài cá khác của con sông Mekong đang bị suy thoái mau chóng do cách vừa khai thác vừa hủy diệt bằng sử dụng bừa bãi chất nổ lựu đạn, điện giật, chất độc và các loại lưới móc...
Nhưng rồi Baird cũng thêm vào một nhận xét lạc quan:
- Những ngư dân Lào ai cũng biết rất rõ là nếu cứ tiếp tục cách đánh cá hung bạo như thế thì chẳng bao lâu con sông ấy chẳng còn đâu là cá nhưng rồi họ cũng chẳng biết làm sao để mà ngăn chặn khi mà bọn phạm pháp lại là những ông Tướng ông Tá sẵn súng đạn lại cả đầy quyền uy nhất là bên phía Cam Bốt...
Touch Sieng từ Sở Ngư Nghiệp bên Cam Bốt đưa ra lời trấn an:
- Dù sao thì cũng đã có luật của Sở Bảo Tồn Ngư Nghiệp cấm dùng lưới móc, chất nổ và thuốc độc trên sông hồ áp dụng cho ngư dân, họ bị phạt tới 50 ngàn riels, khoảng 14 đôla nếu vi phạm...
Hướng về Baird thay cho lời khen, Cao chỉ đưa ra nhận xét của người mới tới:
- Thật là cảm động khi thấy được nơi những ngôi làng hẻo lánh xa xôi như thế không xa mấy khu rừng mưa rừng lũ của vùng cực Nam Lào có những chiếc T-shirts những tấm bích chương với dòng chữ Lào kêu gọi ‘’Hãy cứu cá Pakha’’, như một phần vẻ đẹp của con sông Mekong và điều ấy cũng được đem giảng cả ở lớp học hay bàn bạc nơi các cuộc họp của dân làng. Họ thực sự muốn bảo vệ cá Dolphin mà họ coi như bạn và ao ước đời con cháu họ vẫn còn những người bạn ấy.
Bây giờ thì không phải chỉ có Baird người Gia Nã Đại đơn độc mà người ta thấy cả người Nhật, Nhóm HAB21, người Úc, Nhóm Australia-based Community Aid Abroad, tới đây tiếp tay bảo vệ những con cá Dolphin.
Câu chuyện cá Dolphin, nhóm HAB21 và Iwashige là cả một giai thoại. Iwashigi nguyên là chủ một chuỗi ngân hàng lớn của Nhật đầy thanh thế và quyền uy, nhưng khác hẳn một Fuji cay độc cao ngạo và khinh bạc, là nhân viên cao cấp của ADB (Ngân hàng Phát triển Á Châu) đang hỗ trợ cho các dự án xây đập trên các phụ lưu sông Mekong ở Lào, thì Iwashige lại là một con người rất nghệ sĩ và đầy cảm xúc. Iwashige kể lại là anh chẳng thể nào quên những kỷ niệm hồi còn bé sống trên hòn đảo Kaghoshima quê anh ở miền Nam nước Nhật, nơi mà anh đã từng được say mê ngắm những đàn cá Dolphin tuyệt đẹp bơi đùa trên mặt nước giữa bình minh hay mỗi buổi chiều hoàng hôn... nhưng rồi chỉ ít năm sau đó khi trở về thăm làng xưa thì đã chẳng còn một con cá Dolphin nào nữa do nạn ô nhiễm kỹ nghệ. Cũng từ nỗi khát vọng nhớ nhung ấy, anh đã đứng ra vận động sáng lập và cả bảo trợ cho nhóm HAB21/ Human-Animal Bond for the 21st Century (Tương Quan Động Vật và Người Thế Kỷ 21).
Rồi như mối nhân duyên nói theo kiểu nhà Phật, từ một nước Nhật Hải Đảo xa xôi, Iwashigi đã có một ràng buộc định mệnh với ngôi làng Kambi. Đó là một làng đánh cá nhỏ nơi cuối vũng sâu của khúc sông Mekong cách Thủ Đô Nam Vang 180 km về phía Đông-Bắc, như một hồ lớn rộng khoảng 8 mẫu, có một chiều sâu đáng nể, theo các tay thợ lặn người Mỹ thì có nơi sâu tới 70 mét ngay cả vào mùa khô.
Phần hồ trên lại thuộc địa phận nước Lào, có nhiều đảo nhỏ, cồn bãi và cả những khối đá lớn trồi lên khỏi mặt nước, nơi vẫn còn những con cá Irrawaddy Dolphin hiếm hoi sống quanh năm. Nơi mà người ta còn thấy được từng bầy cá nổi lên đùa rỡn trên mặt nước. Vào mùa mưa cá Dolphin bơi ngược dòng lên các phụ lưu xa để đẻ và đến mùa khô hay mùa nước kiệt chúng lại xuôi dòng về sống nơi các vũng sâu ở hạ lưu.
Các nhà ngư học phỏng đoán là chỉ còn không tới một trăm con cá Dolphin trên toàn hệ thống sông Mekong thuộc ba nước Lào-Cam Bốt và Việt Nam.
Cả ngư dân Lào và Cam Bốt đều coi Dolphin là vật linh, họ còn dị đoan tin rằng đi lưới mà đụng phải cá Dolphin là xui tận mạng, sẽ không đánh thêm được con cá nào Nên chẳng có ai ăn thịt hay săn bắt cá Dolphin chỉ trừ dưới thời Khmer Đỏ. Giữa thập niên 70, cá Dolphin đã bị sát hại một cách có hệ thống chỉ để lấy mỡ cá làm dầu máy và đốt đèn. Mỗi con cá Dolphin có thể cho tới 25kg dầu.
Theo Touch Sieng thì đầu năm nay người ta chỉ còn thấy được có hai con cá Dolphin trên mặt Biển Hồ. Rồi sau đó vào thập niên 80, khắp vùng sông hồ của đất nước Cam Bốt đã bị đám lính Việt lính Cam Bốt thặng dư chất nổ súng đạn thi nhau trút xuống để giết cá. Từ phía Lào thỉnh thoảng người ta có thể nghe được những tiếng nổ rền ném cá nơi khúc dưới sông Mekong.
Trong khi ngư dân Lào chuyên nghiệp chỉ lưới được một thì phía Cam Bốt đánh vớt được cả ngàn, dĩ nhiên toàn bằng chất nổ và lựu đạn, với thu hoạch quá dư thừa nên họ phải bán với giá rẻ mạt để cung cấp cho các Tỉnh ở phía Bắc Lào.
Và nói theo giọng chua chát của Ian Baird thì:
- Dĩ nhiên giữa những tiếng nổ rền ấy đã không ít cá Dolphin bị giết. Chính mắt tôi đã thấy cá Dolphin kinh hoảng phóng lên khỏi mặt nước vì không chịu nổi tiếng nổ ép cho dù cách xa đó hàng trăm mét. Đây có thể coi như tổn thất phụ (collateral damages) do lối đánh cá hung bạo kiểu Khmer, cũng vẫn theo ngôn từ của các nhà báo Mỹ khi nói về trận chiến bí mật diễn ra tại Lào trong cuộc chiến tranh Đông Dương trước đây.
Khi nghe nói làng Kambi còn cá Dolphin, Iwashigi đã vội vã tìm tới đây. Trời đã không phụ lòng người. Hôm đó là một buổi hoàng hôn thật đẹp trên sông Mekong, gió thì dịu xuống và mặt sông thì không còn những cuộn sóng lớn, Iwashigi lần đầu tiên sau bao nhiêu năm đã lại thấy được từng đàn cá Dolphin thiên nhiên với cặp vây trên lưng thoáng trồi lên thoáng lặn xuống với cả nghe được tiếng huýt gió của cá như một điệu nhạc hoang dã do hơi thoát ra từ một lỗ thở nơi đỉnh đầu.
Nhưng rồi ngay buổi sáng hôm sau đã là một ngày ảm đạm và tang tóc đối với Iwashigi. Anh phải chứng kiến tận mắt xác một con cá Dolphin bị vướng vào một lưới móc đêm qua và anh đinh ninh đó là một trong những con Dolphin mà anh say sưa ngắm dõi.
Đó là một con Dolphin cái mới ở tuổi dậy thì vì chỉ dài khoảng 1.5 mét. Dân làng cho biết đây là con cá Dolphin thứ 9 bị chết chỉ riêng trong mùa khô năm nay. Thân hình cá Dolphin thật đẹp và thon thả, dáng sang cả khiến Iwashigi có ý so sánh như một nàng Công Chúa kiều diễm của con sông Mekong.
Dưới ánh nắng bắt đầu lên gắt, nước da óng ánh mượt mà của nàng Công Chúa bắt đầu xỉn lại. Nàng chết mà cứ như ngủ, mắt nàng khép lại nhưng miệng thì như vẫn mỉm cười trong giấc mộng đẹp của tuổi thanh xuân.
Dân làng tới bu quanh xác cá vẻ mặt thương cảm, những đứa trẻ lần đầu thấy cá Dolphin thì tò mò đưa những bàn tay xinh xắn vuốt lên lưng lên vây cá.
Cuối cùng thì họ cũng xúm lại khiêng xác cá đưa lên một chiếc xe tải chở về phòng Ngư Nghiệp cũng bên bờ sông Mekong phía Bắc, nơi có dụng cụ mổ cắt để khảo sát. Cá được mổ bụng và cắt đầu nhưng là để tìm kiếm gì đây. Người ta không ai ăn thịt cá Pakha nhưng răng cá thì lại rất có giá, 3 ngàn kíp một chiếc (khoảng 4 đô la) mà người ta tin rằng trẻ con mà đeo vào cổ chiếc răng ấy sẽ trừ được ma quỷ, còn xương cá nếu chôn gần ruộng thì lúa nơi ấy sẽ được tươi tốt hơn.
Nhưng Iwashigi thì đau sót khi thấy máu cá Dolphin thì vẫn đỏ au chảy ra nhập vào con sông Mekong, nơi bấy lâu cũng đã có rất nhiều máu người ta nữa.
Ngay chuyến viếng thăm lần đầu tiên ấy, Iwashigi như bị mê hoặc và cả kinh hoàng. Anh tự coi Kambi như ngôi làng quê thứ hai của anh và anh có ngay quyết tâm sẽ cứu những con cá Dolphin và nghĩ rằng sẽ không để tấn thảm kịch Kagoshima xảy ra lần thứ hai trên dòng sông Mekong.
Và chỉ mấy tháng sau, người ta đã chứng kiến các thành viên đầu tiên của nhóm HAB21 gồm các nhà ngư học và chuyên viên về Động Vật Hoang Dã (Wildlife do Shintani) hướng dẫn đã bắt đầu tới ngôi làng Kampi nhằm khởi sự mở một Trung Tâm Khảo Sát Cá Dolphin với kế hoạch yểm trợ và huấn luyện để sau một thời gian có thể chuyển giao quyền điều hành cho chính những người dân địa phương.
Khi được Anh Thư cô phóng viên thông minh và xinh đẹp của đài truyền hình Việt Nam phỏng vấn, Shintani đã phát biểu:
- Cá Dolphin là cả một biểu tượng, nếu chúng ta có thể sống chung hài hòa với cá Dolphin điều đó có nghĩa là vẫn có thể có một môi trường tinh khiết và tốt hơn cho con sông Mekong và cho cả hành tinh của chúng ta nữa.
Buổi sáng cuối cùng trước khi rời Don Khong, Cao và Bé Tư tới thăm ngôi làng nhỏ của Chanthao cô gái giúp việc trong lữ quán. Khi tới nơi thì bà mẹ già của cô đang cắm cúi tưới những luống cải một màu xanh non mơn mởn. Chan Thao chỉ còn mẹ và một người anh, anh cô thì giờ này đã ra làm việc ngoài đồng. Thấy con về lại dẫn theo mấy người khách thì bà cụ ngưng tay cười một nụ cười nhăn nheo rồi dẫn khách lên nhà. Chan Thao nói: ‘’Mẹ tôi ngoài bảy chục mà bả vẫn làm việc rất cực. Có 4 con mà nay chỉ còn hai’’. Không muốn hỏi thêm vì có thể gợi lại mối thương tâm nhưng Cao hiểu rằng có gia đình nào trong lưu vực sông Mekong mà không có mất mát trong cuộc chiến tranh vừa qua. Bà cụ bảo con gái đi pha trà còn bà thì xuống bếp đem bánh nếp kao nom kok có rắc dừa lên mời khách, cách đối xử hồn nhiên như mẹ với các con. Những Bà Mẹ Mekong.
Dù dưới Đồng Bằng Sông Cửu Long mẹ Bé Tư hay mẹ Chan Thao nơi thác Khone, những bà mẹ Mekong ấy như từ bao giờ vẫn cứ ẩn nhẫn hiền lành chịu đựng đi qua suốt nửa Thế Kỷ bom đạn chiến tranh và vẫn cứ cắm cúi chăm sóc thửa vườn cho dù thời tiết bất lợi đến thế nào.
‘’Cuộc sống thường nhật vẫn cứ diễn ra, điều ấy đã cứu vãn cho bao nhiêu lý lẽ của con người’’, hình như Graham Green đã rất sớm nhìn ra điều ấy trong ‘’Người Mỹ Trầm Lặng’’.
Giã từ bà mẹ Mekong, giã từ ngôi làng xanh với vẳng xa là tiếng thác đổ. Trước mắt hai người bây giờ chỉ còn là cả một khúc sông mênh mông trải rộng, không phải chỉ có cá Pakha và Giang nhạn, còn thấy cả những con chim bói cá mà người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long gọi là chim thằng chài, mà Francis Garnier đã ngắm nhìn cách đây hơn một Thế Kỷ, cũng vẫn với bộ lông cánh xanh rực rỡ, không nhuốm màu thời gian, bay vút như mũi tên lao trên mặt sông trong ánh nắng ấm ban mai.
Chỉ một thoáng cánh chim bay, mà đã xuyên suốt hơn 130 năm lịch sử đầy máu me của con sông Mekong, con sông lịch sử, con sông thời gian và cũng là con sông cuối cùng ấy. 
CHƯƠNG XX 
TỪ CÂY CẦU KHỈ HAI HUYỆN TỚI CẦU MỸ THUẬN Y2K
N’attendez pas le jugement dernier. Il a lieu tout les jours.
Albert Camus, La Chute (1956)
Sau những ngày ở Thác Khone, Cao hẹn gặp Hộ ở Thủ Đô Nam Vang trong cuộc Hội Thảo về Môi Sinh Sông Mekong. Cam Bốt một đất nước đang vực dậy từ tro than. Biển Hồ nay đã trở thành Khu Bảo Tồn Sinh Thái Quốc Tế (International Biosphere Reserve) sau những năm bị Khmer Đỏ tàn phá. Cao cũng được một người bạn Pháp làm cho Tổ Chức Lương Nông FAO tặng cuốn sách Fishes of the Cambodian Mekong, Walter J. Rainboth nói về gần 500 loại cá với đầy đủ hình ảnh tên khoa học và cả tên Khmer mà có lẽ Cao sẽ phải dùng để hiểu hơn về những giống cá từ Biển Hồ đi xuống Đồng Bằng Sông Cửu Long trong cả hai mùa khô lũ.
Hội Nghị đã khai diễn trong một khung cảnh đặc biệt của Thủ Đô xứ Chùa Tháp 20 năm sau ngày quân đội cộng sản Việt Nam tiến chiếm Nam Vang. Trên đường phố trước tòa Đại Sứ Việt Nam và trong các sân trường Đại Học, đông đảo các toán sinh viên Cam Bốt, thế hệ sau Khmer Đỏ liên tục biểu tình đốt cờ Việt Nam với khẩu hiệu bài ngoại đòi lại đất đai. Một hiện tượng được báo chí địa phương đặc biệt tờ Le Courier Phnompenois đề cao như là biểu hiện của một đất nước Cam Bốt hồi sinh đang tiến tới dân chủ.
Chắc chắn là dân chủ hơn Việt Nam, một nhà báo Cam Bốt đã đưa ra một nhận định thách đố như vậy. Ông ta nói tiếp: Có bao giờ các ông thấy có cuộc biểu tình nào của sinh viên Việt Nam trong bấy nhiêu năm ở cả hai miền Nam-Bắc hay không?
Khi mà ông Hoàng Sihanouk chỉ còn là một bóng mờ trên sân khấu chánh trị Cam Bốt, Hun Sen gốc gác Khmer Đỏ đã trở thành một người hùng (strongman) vững vàng vượt qua bao nhiêu thử thách bão tố để đưa đất nước Cam Bốt đi về tương lai, trong đó có cả tương lai của hai đứa con ông ta tốt nghiệp ở hai học viện quân sự lừng danh thế giới: Một West Point ở Mỹ, một Saint-Cyr ở Pháp.
Bảo rằng Hun Sen là bù nhìn của Hà Nội là điều quá đáng khi mà ông ta biết dùng con bài Ranariddh con trai Sihanouk và các toán sinh viên như những chất xúc tác tạo áp lực cho những đổi thay cả bên trong lẫn bên ngoài.
Nhận xét của nhà báo Cam Bốt về sinh viên Việt Nam không phải là sai, với Cao thì sự thầm lặng của tuổi trẻ Việt Nam quả thật đáng kinh ngạc.
Bên trong Hội Trường cuộc họp kéo dài suốt hai ngày với các nước thành viên thuộc Lưu Vực Sông Mekong.
Khởi đi từ các đề tài chung chung với bài tham luận của một chuyên viên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Nước, như một tiếp nối cuộc Hội Thảo Quốc Tế Cairo ngày 22 tháng 3 năm 1999 với chủ đề ‘’Ngày Nước Thế Giới: Ai Cũng Sống Dưới Nguồn (World Water Day: Everybody Lives Downstream)’’.
Thế Kỷ 20 đã có những cuộc chiến tranh vì dầu. Thế Kỷ 21 sẽ nổ ra những cuộc chiến tranh vì nước. Nước ngọt xuyên biên giới các nước qua 215 dòng sông trong đó có con sông Mekong chảy qua 7 quốc gia bao gồm cả Tây Tạng.
Rằng để có thể sống còn, mỗi người cần có từ 20 tới 40 lít nước mỗi ngày để uống, nấu nướng và vệ sinh. Hiện có đã 22 quốc gia đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn 20 lít nước mỗi ngày cho mỗi đầu người, hơn 80 quốc gia khác đang đương đầu với những vấn đề nan giải về nước và tình trạng còn tiếp tục lan rộng hơn nữa do nguồn nước ngọt ngày càng thêm khan hiếm mà dân số khắp nơi thì tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Sau Trung Đông là một vùng thiếu nước đưa tới nghèo đói và các cuộc chiến tranh vì nước, trong các thập niên tới sẽ là các nước Đông Nam Á.
Và cuộc hội thảo trở nên rất nóng khi có một thuyết trình viên khác đi vào đề tài: Trung Quốc xây đập đổi dòng sông Mekong tàn phá kinh tế 5 nước ASEAN. Khai thác tài nguyên con sông Mekong thay vì đem lại phú cường lại có thể dẫn tới đối đầu và chiến tranh mà nước gây rối lại là một siêu cường phương bắc qua kế hoạch xây một chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam (Mekong Cascades), đe dọa đời sống của 250 triệu cư dân đang sông trong lưu vực.
Tiến Sĩ Chamsak thuộc Đại Học Thammasat Bangkok đã đăng đàn phát biểu:
- Quý vị không thể nói tới khai thác và phát triển sông Mekong mà không liên hệ gì tới Trung Quốc, theo cái nghĩa chúng ta phải cảnh giác đối phó với một siêu cường ở phương Bắc. Điều mà ai cũng thấy rõ là các dự án đập khổng lồ mà Trung Quốc đang tiến hành hiện nay tại Vân Nam sẽ gây hủy hoại trên môi sinh vô kể.
Tiếp theo là Cao một thành viên của Mekong Forum cũng lên tiếng nhắc nhở với hội nghị rằng:
- Như quý vị ai cũng biết bất đồng về phân chia nước Vùng Trung Đông đã dẫn tới những cuộc chiến tranh. Khả năng tương tự có thể lại xảy ra với Lưu Vực Sông Mekong. Do đó để có thể chung sống hòa bình mọi kế hoạch khai thác phải có sự đồng thuận của cả 7 nước trong vùng sao cho có lợi nhất và không gây tác hại cho mọi nước liên hệ.
Điều gì là thiết thân cho Đồng Bằng Sông Cửu Long trước Thế Kỷ 21: Nước và Trung Quốc Middle Kingdom-Middle Power, cả theo cái nghĩa là trung tâm quyền lực không chỉ ở Á Châu mà của cả thế giới nữa. Chỉ mong rằng siêu cường Phương Bắc ấy hành sử một cách trách nhiệm với các nước nhỏ lân bang để có thể chung sống hòa bình trong những bước phát triển bền vững. Không né tránh, Hộ phát biểu với tính cách thành viên của Phái Đoàn Việt Nam:
- Từ hơn một thập niên qua, việc đơn phương chuyên quyết tiến hành xây chuỗi 8 con đập khổng lồ Vân Nam, trên thực tế Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh môi sinh không tuyên chiến với 5 nước Hạ Nguồn sông Mekong.
Như từ bao giờ Hộ vẫn giữ thái độ trầm tĩnh nhưng dứt khoát:
- Khi mà tương lai chúng ta đang bị đánh cắp và hủy hoại thì nói như Albert Camus ‘’Đừng chờ đợi phán quyết cuối cùng, bởi vì điều ấy đang diễn ra mỗi ngày’’. ‘’Cảnh giác và đoàn kết’’ là điều nhất trí như một kết luận sau hội nghị. Mà điều đó chỉ có được khi cả 7 nước biết đặt ‘’Tinh Thần Sông Mekong’’ vượt cao hơn chủ nghĩa bản vị dân tộc hẹp hòi.
Đã có những đám Mây Bão từ Phương Bắc báo hiệu thời tiết sẽ rất xấu. Hội Nghị Nam Vang kết thúc trong một không khí bi quan. Bi quan gì thì cũng phải hướng về tương lai, nhìn vào phần nửa ly nước đầy thay vì nửa ly vơi. Cao cũng đã có chương trình về thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long, thăm cây cầu Mỹ Thuận như một biểu tượng của tương lai trước năm 2000. Đồng thời đây cũng là dịp để trở lại với những cây cầu lịch sử, những cây cầu thời gian dẫn về quá khứ không xa của thời kỳ Nam Tiến.
Những Cây Cầu Giữa Chiến Tranh.
Có thể nói biểu tượng tàn phá rõ nét nhất trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam là những cây cầu và đã không còn cây cầu nào thực sự nguyên vẹn. Thành tích ấy phải vinh danh những người lính Cộng sản ở khắp Miền Nam bao năm ngày đêm đào đường đắp ụ phá cầu (cầu sắt cầu xi măng, cầu gỗ cho tới cả những cây cầu khỉ) và Không Lực Mỹ không ngừng oanh tạc các trục giao thông chủ yếu là những cây cầu trên khắp Miền Bắc, đưa vùng đất ấy trở lại Thời Kỳ Đồ Đá (chữ của Tướng Không Quân Mỹ Curtis LeMay, 1965).
Cầu Hàm Rồng và Trái Bom Tinh Khôn. 

Tên cầu Hàm Rồng (Dragon Jaw Bridge) đã rất nổi tiếng trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Cầu bắc qua con Sông Mã cũng rất nổi tiếng với bài thơ Quang Dũng (1948) trong thời Kháng Chiến Chống Pháp.
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Cầu Hàm Rồng đã từng là điểm giao thông chiến lược nối liền Nam-Bắc, được phòng vệ bằng một mạng lưới phòng không dày đặc hết sức kiên cố khiến Mỹ cho dù đã cố gắng dồn hết không lực liên tục đánh phá từ 1965 tới 1972 với hơn 70 máy bay đủ loại bị bắn rơi mà vẫn không sao phá sập được.
Cũng tương tự như vậy với chiếc Cầu Long Biên-Paul Doumer ở Hà Nội bắc ngang qua Sông Hồng.
Phải tới năm 1972, gần cuối cuộc chiến tranh khi có được trái bom tinh khôn (smart bombs) điều khiển bằng Laser, Mỹ mới thành công đánh sập được cả hai cây Cầu Long Biên và Hàm Rồng mà không phải mất thêm chiếc máy bay nào.
Chỉ có điều là ngay sau đó bên dưới chiếc cầu đổ nát Bắc quân đã lập ngay được một cây cầu ngầm (pontoon bridge) và cuộc tải quân và vũ khí từ Bắc vô Nam đã không hề bị gián đoạn.
Cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải
Nối liền hai Tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Chỉ hơn 900 năm trước đây thôi còn là vùng đất của Champa, một Vương Quốc khá hùng mạnh luôn luôn tràn qua đánh phá khiến Lý Thánh Tông phải giao việc nội chính cho Nguyên Phi tức Ỷ Lan Phu Nhân còn Nhà Vua thì đích thân dẫn đại quân đi chinh phạt. Vua Chăm là Chế Củ thua trận bị bắt năm Kỷ Dậu 1069 phải dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội, là vùng đất thuộc Quảng Bình Quảng Trị sau này.
Trong cuộc suốt Chiến Tranh Việt Nam thì Quảng Bình từ Đồng Hới tới Vĩnh Linh được coi như Vùng Trắng trong khi Quảng Trị từ Cổ Thành ra tới Cửa Việt là Bãi Chiến Trường, nơi diễn ra những cuộc giao tranh kinh hoàng giữa Nam và Bắc quân để giành nhau từng căn nhà từng tấc đất.
Một phần tư Thế Kỷ đã qua, trở lại thăm chiến trường cũ, còn đầy rẫy những mìn, những dấu vết thương tích của bom đạn vẫn chưa lành. Nhà báo Mỹ từng gọi đó là một viện bảo tàng sống của cuộc Chiến Tranh Việt Nam trong đó cây Cầu Hiền Lương là một biểu tượng không thể thiếu. Cây cầu có từ thời Pháp như hàng trăm chiếc cầu khác nhưng đã trở thành nổi tiếng ngay từ khi ký hiệp định Genève 20.07.1954 chia đôi Việt Nam lấy sông Bến Hải vĩ tuyến 17 làm đường ranh và Cầu Hiền Lương thì như vật chứng nằm trơ vơ giữa khu đường ranh ấy.
Cầu Hiền Lương, biểu tượng chia đôi đất nước và cũng là nguyên nhân cuộc Chiến Tranh Việt Nam tàn hại nhất Thế Kỷ. Nếu có một tấm bảng đồng nhỏ để ghi lại thành tích của cây cầu lịch sử ấy thì sau đây là vài con số:
‘’Chết: Thường dân 2 triệu, Bắc quân 1.1 triệu, Nam quân 250 ngàn, Mỹ 57 605. Bom 14 triệu tấn / 700 trái bom nguyên tử Hiroshima. Chất Da Cam khai quang 2.2 triệu hecta...’’
Trí nhớ những người sống thì không bền, tất cả mau chóng đi vào quên lãng. Bây giờ đã ngót nửa Thế Kỷ sau ngày chia đôi đất nước, Hà Nội đang có kế hoạch phá rỡ cây cầu lịch sử ấy, viện lý do đã có một cây cầu mới không xa đó do Nga xây cất và thêm nữa là cây cầu cũ với 10 trụ bê tông đã làm chậm hẳn dòng chảy của con sông Bến Hải ra Cửa Tùng.
Người dân Quảng Trị thì vô cùng bất mãn vì Cầu Hiền Lương đang là một tụ điểm du lịch rất nổi tiếng khiến du khách khắp thế giới đổ xô về đây. Chỉ riêng năm qua đã có tới 12 ngàn du khách đa số là ngoại quốc tới đây chỉ để được thăm cây cầu.
Không còn cây cầu Hiền Lương thì Quảng Trị, vùng đất khổ, cái Tỉnh nghèo nàn đói kém nhất nước ấy còn gì để mà hấp dẫn du khách?
Nhưng Hà Nội thì vẫn viện dẫn thêm lý do khác để không muốn giữ lại cây cầu ấy: Rằng đấy không phải cây cầu nguyên thủy do người Pháp xây trước đây, cây cầu ấy đã bị oanh tạc thiêu hủy từ năm 1967 và cầu hiện nay chỉ là do Bắc quân dựng lại chưa đầy 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ.
Nhưng câu hỏi tiếp theo là tại sao không tái tạo một cây cầu giống như cũ để thay thế cho cây cầu sắp bị phá rỡ mà vẫn không ảnh hưởng tới dòng chảy của con sông.
Đề nghị ấy cũng bị bác bỏ, lần này thì bằng quyền uy chứ không viện dẫn thêm một lý lẽ nào nữa.
Rồi ra đất nước sẽ chẳng còn quá khứ mà tương lai thì mù tăm chỉ có toàn là những công trình vá víu lai căng của các công ty liên doanh ngoại quốc đổ xô tới đây chỉ để xâu xé thủ lợi.
Những Cây Cầu Khỉ-Monkey Bridges. 

Đồng Bằng Sông Cửu Long (Mekong Delta) là nơi có chằng chịt sông rạch với những những cây cầu khỉ. Có thể nói cầu khỉ có một lịch sử rất sớm từ những bước chân Nam Tiến cách đây ngót ba Thế Kỷ, khi đám lưu dân Hai Huyện theo chân Quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam khai phá, đi vạch một chân trời, nói theo nhà văn miệt vườn Sơn Nam.
Họ đặt chân tới một vùng châu thổ sình lầy, ngập nước hoang vu trên trời muỗi như sáo thổi dưới nước đỉa lềnh như bánh canh, ngày chim kêu đêm vượn hú với trên bờ cọp beo rắn độc, dưới rạch thì cả bầy cá sấu đói ăn rình chờ.
Lùa được cọp beo thì vẫn còn bầy sấu đông vô số kể. Muốn thoát hiểm qua rạch chỉ có cách bám cây mà đu như khỉ chuyền cành, gặp con kinh rộng thì phải tìm cách cắm cọc gác cây chênh vênh mà leo qua. Đây là thời điểm của nghịch cảnh để cây cầu khỉ đầu tiên xuất hiện.
Từ vượn tới người homo sapiens theo Thuyết Tiến Hóa thì phải cần tới ba triệu năm và những người lưu dân ấy khi gặp lại môi trường nguyên thủy thì vẫn còn nguyên vẹn cái bản năng leo trèo để sinh tồn.
Chỉ với vài thân tràm, năm ba khúc gáo bần cắm sâu vào lòng con rạch, rồi gác thêm lên đó những cây tre cây bần được cột lại bằng những khúc dây mây dây choại để trở thành cây cầu khỉ cho người dân nghèo Đồng Bằng Sông Cửu Long đêm ngày qua lại.
Chỉ bằng thân gỗ tạp với lạt buộc mà phải dãi nắng dầm mưa thì những cây cầu khỉ ấy làm sao có tuổi thọ.
Trải qua bao nhiêu thế hệ, cấu trúc cây cầu khỉ vẫn đơn sơ như vậy, luôn luôn ở những nơi sông rạch bùn lầy bên những người dân quê lam lũ, để xóm nối xóm, nối những căn nhà khuất nẻo xơ rơ mất hút trong những lùm cây um tùm. Nơi có những tiếng hò tình tự của gái trai trong mùa gặt, có câu ca vọng cổ mùi mẫn vẳng lại từ ngoài đồng. Cảnh thì nghèo đến não lòng mà sao vẫn đầy thơ mộng qua ngòi bút trữ tình của nhà văn Lương Thư Trung.
Thơ mộng hóa cảnh nghèo để sống lạc quan phải chăng cũng là một phản ứng phủ nhận (denial) hay chấp nhận qua biện minh (rationalization).
Thương thay cầu khỉ một mình
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Chẳng còn bao lâu nữa là đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba, Đồng Bằng Sông Cửu Long thì vẫn còn cả ngàn cây cầu khỉ và vẫn còn là phương tiện duy nhất cho đám hậu duệ thế hệ Nam Tiến 300 năm sau phải bám vào để băng qua những con kinh con rạch, để tới trường thì ít mà để sớm vào trường đời kiếm sống. Chuyện trẻ sẩy chân té xuống rạch và bị dòng nước cuốn phăng đi trong mùa mưa lũ vẫn là điều quá thường, đâu có được kể là tin để đăng báo.
Những Cây Cầu Hữu Nghị Trong Hòa Bình.
Tháng Tư 1994 một thời điểm đáng ghi nhớ, khi chủ tịch nước Lào, Vua Thái và Thủ Tướng Úc đã cùng đến khánh thành cây cầu đầu tiên bắc ngang qua sông Mekong nơi hạ lưu nối liền Thủ Đô Vạn Tượng và Thị Trấn Nong Khai Đông-Bắc Thái Lan. Cho dù đã có từ lâu một dự án xây cầu như vậy nhưng do nửa Thế Kỷ loạn lạc tất cả phải ngưng lại.
Nay thì cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã trở thành quá khứ, cả đến chiến tranh lạnh cũng đã chấm dứt và mối bang giao Thái Lào có phần tốt đẹp hơn nên dự án được tiến hành và hoàn tất.
Cây cầu Hữu Nghị Mittaphap dài 1.2km phí khoản 30 triệu đôla do Úc tài trợ là một điểm nối quan trọng của mạng lưới siêu xa lộ Singapore-Bắc Kinh trong một kế hoạch phát triển đầy tham vọng có tên là GMS (Greater Mekong Subregion) Lưu Vực Lớn sông Mekong ngoài 4 nước vùng hạ lưu nay thêm 2 nước Miến Điện và Trung Hoa. Cây cầu Mittaphap mang nhiều ý nghĩa khác nhau, với Lào là một nhỏ nước nằm trong góc lục địa bị lãng quên thì đó là cánh cửa mở ra cho Lào đi ra biển qua ngả Thái Lan, với Thái thì đó là cơ hội cho giới đầu tư kinh doanh vào khai thác một đất nước thưa dân nghèo nhất nhưng lại rất giàu nguồn tài nguyên, còn với Úc cây cầu là biểu tượng vùng ảnh hưởng được nới rộng vượt qua Quần Đảo Nam Dương để vươn tới các quốc gia Đông Nam Á tiến sát tới Hoa Lục.
Đã có thêm ba dự án cầu khác được nói tới trong vùng Hạ Lưu Sông Mekong đó là cây cầu nối liền Savannakhet với Mukhalan, một cây cầu nối liền Thakhet với Nakhon Phanom giữa Thái Lào và Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long Nam Việt Nam.
Sự thực thì đã có dự án về cây cầu Mỹ Thuận sớm hơn nhiều ngay từ những thập niên 50 và 60. Trong khi Nam Việt Nam thì tha thiết sớm xây dựng cho được cây cầu lớn bắc qua Sông Tiền nơi Đồng Bằng Châu Thổ thì Cam Bốt là một trong 4 thành viên của Ủy Ban Sông Mekong lại cực lực phản kháng và dùng quyền phủ quyết, viện lẽ là cây cầu ấy sẽ gây trở ngại cho tàu bè từ Biển Đông lên tới Nam Vang. Rồi bang giao Việt Miên gẫy đổ trong bối cảnh cuộc Chiến Tranh Việt Nam ngày càng lan rộng, dự án cầu Mỹ Thuận đầu tiên ấy hầu như bị rơi vào quên lãng.
Cây Cầu Mỹ Thuận-Y2K. Kể từ ngày Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc đến viếng thăm Việt Nam vào tháng 7 năm 1997 để tham dự lễ động thổ xây cây Cầu Mỹ Thuận nơi mà từ bao lâu nay giao thông vẫn trì trệ chỉ có thể qua lại bằng phà cho tới tháng 5, 1999 theo Giám Đốc dự án Richard Magnusson, công trình xây dựng cầu đã hoàn thành 80 phần trăm. Phần cầu dẫn hai bên đã làm xong và đã có 32/128 cáp treo được căng. Cầu có chiều dài hơn một cây số rưỡi (1535.2m) với độ tĩnh không hay tầm gió clearance là 37.5m và là một cầu treo với hai trụ tháp chính ‘’hình chữ H’’ giữa dòng sông với nền móng hai bên bờ Bắc và Nam của Sông Tiền, với 4 lằn đường rộng rãi cho xe cộ hai chiều qua lại và cả thêm 2 lề đường cho người đi bộ.
Cầu Mỹ Thuận sẽ hoàn tất sớm hơn hai tháng, vào tháng 4 năm 2000, đúng 6 năm tròn sau cây cầu Hữu Nghị Mittaphap.
Với Việt Nam, Cầu Mỹ Thuận là biểu tượng của tiến bộ và phát triển nơi Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Với Úc một lần nữa là một phô trương thanh thế về trình độ khoa học kỹ thuật cao đồng thời cũng nhắc nhở với các nước Châu Á về sự hiện diện của một Cường Quốc Da Trắng khác phía Mam bán cầu. Cao hiểu rằng chẳng bao lâu nữa cảnh sinh hoạt nhộn nhịp buôn bán hối hả nơi hai đầu bến phà sẽ trở thành quá khứ. Để rồi mỗi lần qua cây cầu mới lại nhớ tới bắc Mỹ Thuận ngày nào. Xe đò chưa kịp dừng thì đám người bán hàng rong đông đảo từ hai bên đường đã túa ra vây quanh, bám bên hông và cả leo vào trong xe. Người lớn trẻ nít tíu tít mời chào bằng nhưng âm thanh ngắn cụt: Mía mía mía! Nem nem nem! Trà đá trà đá! Dừa Xiêm dừa Xiêm! Những lời rao chẳng thể rút ngắn hơn. Trên bến thì lúc nào cũng có từng hàng xe đò đậu dài, ai cũng muốn theo xe thơ để được ưu tiên xuống trước, trong thời chiến tranh tới đây mà lại gặp phải đoàn công voa đi hành quân thì kể như tiêu một nửa ngày. Dưới sông sóng nước thắm đỏ phù sa mênh mông trải rộng, giữa thấp thoáng nổi trôi những rê lục bình trổ bông tím là những chiếc ghe thương hồ ngược xuôi qua lại. Lâu lâu lại gặp một chiếc tàu dòng kéo theo cả mấy chục chiếc ghe lớn nhỏ chở khẳm những lúa gạo và cây trái ngược dòng đi về hướng Nam Vang. Nhìn sang bên đường là hàng dẫy hàng quán với đủ những món đặc sản. Thức ăn tươi ngon hấp dẫn và bày biện rất bắt mắt, nào là tôm càng nướng, sườn non nướng mỡ hành, chim mía chiên từng sâu thơm lừng. Trái cây thì theo mùa, bưởi cam xoài ổi nhãn chôm chôm chuối mít dừa Xiêm... chở tới từ Mỹ Thuận Cái Bè Mỹ Tho Bến Tre, đầy màu sắc và bày ra ê hề.
Khách từ Bắc vào đứng trước rừng trái cây thì mê tơi, mua một chục được bạn hàng trao cho 14 hay 16, chưa quen thì tưởng chừng được đếm dư nhưng khi biết không phải vậy thì lại càng thêm tin vào hình ảnh ước lệ của một miền Nam với vườn cây xum xuê trĩu trái, ruộng đồng thẳng cánh cò bay với gạo trắng nước trong và tôm cá đầy đồng.
Không còn bến phà nhưng rồi ra có ai cấm khách dừng chân trước khi qua cầu để mua các món quà đặc sản của Mỹ Thuận. Họ bốn người bạn học cũ gặp nhau, trừ Hộ thuộc Đại Học Cần Thơ còn ba người kia Cao Điền Sơn thì từ nước ngoài. Ai cũng mang theo cả một trời tâm sự. Với Điền Cao thì không phải lần đầu tiên nhưng với Bác Sĩ Sơn thì đây là chuyến về thăm quê hương 20 năm sau kể từ ngày anh là thuyền nhân được má Bảy sắp xếp cho đi. Trong chuyến về thăm quê này Sơn sẽ cố tìm gặp cho được má Bảy, người ân nhân của gia đình anh ngày nào.
Những Bà Mẹ Cửu Long.
Hôm đó má Bảy cùng bé Bảy từ trong rạch chèo ghe ra đi từ sáng sớm, lòng thì nóng như lửa đốt chỉ mong sao sớm đem được thằng cháu ngoại tới bệnh viện trước chặp tối. Tới Thủ Thừa chỗ giáp nước thì cũng đã xế trưa, phải chờ tới giờ đổi con nước mới lại đi tiếp, tuy xuôi dòng rồi mà cả hai má con vẫn cố chèo sao cho mau tới. Vậy mà cũng phải xẩm chiều mới vô được bến chợ. Má như kiệt sức giao thằng nhỏ cho bé Bảy ẵm còn má cầm mái chèo tất tưởi theo con đường đất nhanh chân tới bệnh viện. Vô tới sân như được trời độ, hai má con mừng húm khi thấy Bác Sĩ Hai Lộc áo trắng rốp quần tây giày da tay xách cặp từ văn phòng bước ra.
Không hỏi han má Bảy lấy một câu, Hai Lộc mặt hếch lên giọng nói sẵng như với người chưa hề quen biết:
- Hết giờ làm việc rồi, bà biết không!
Như bị tạt gáo nước lạnh vô mặt, má Bảy như nghẹt thở, tức cành hông nhưng rồi cũng lấy lại được hơi vô đầy buồng phổi và la lớn:
- Đồ dzô phước! Chứ tao hỏi tụi bay hồi còn sống dở chết dở trong bưng, đầu hôm tối khuya ngay cả nửa đêm má dậy nấu từng nồi cơm lo nuôi bảo bọc tụi bay có bao giờ má nói hết giờ đâu mà nay ăn nên làm ra rồi sao tụi bay bạc bẽo quá vậy! Không nói dứt câu, bà cầm nguyên chiếc mái chèo bao năm dãi nắng dầm mưa trên sông nước Cửu Long, phang tốt lên đầu Hai Lộc. Đâu có ngờ bị bà má làm dữ, sợ mất mặt với bà con, hắn mặt tái xanh chỉ kịp vội giơ tay lên đỡ rồi bỏ chạy tuốt vô văn phòng đóng chặt cửa lại.
Từ hồi nào tới giờ, má Bảy đâu cần biết hay quan tâm cộng sản quốc gia là cái chi chi. Má không làm quốc sự nhưng vốn chuộng đạo nghĩa, theo gương cha ông lúc nào cũng nghiêng về phía người bị áp bức; hồi còn chiến tranh thấy tụi con cháu như thằng Hai Lộc khi không bị ruồng bắt phải trốn chui trốn nhủi thì bà động lòng thương mà cưu mang vậy thôi. Cũng như nay lại đổi đời rồi bà thấy thương mà cưu mang mấy thằng lính Cộng Hòa bị gọi là lính ngụy đang sống dở chết dở dưới tay mấy thằng Giải Phóng ác ôn như Tám Trí, Mười Nhe bây giờ.
Tiến thối lưỡng nan, đường đường nay hắn cũng là Bác Sĩ giám đốc bệnh viện chứ đâu còn là thằng Hai Lộc y tá khiêng cáng quần xà lỏn trốn chui trốn nhủi trong nhà má Bảy hồi nào, nhưng hắn biết làm gì bây giờ ngoài mấy bịch nước biển và trụ sinh thì chỉ có cây xuyên tâm liên trong khi thằng nhỏ thì ốm tong teo như một con khỉ con đang thoi thóp mà lại sốt nóng như một cục than hồng. Điều mà Hai Lộc không biết mà hắn cũng chẳng thèm biết là trong kho còn cả mấy chục ngàn viên trụ sinh đủ loại do ngụy để lại cả mấy năm không ai biết sử dụng cũng tới ngày sắp hết hạn.
Nhưng rồi hắn cũng lanh trí tìm ra giải pháp. Hắn cho bảo vệ xuống Khoa Nhi gọi Sơn tên Bác Sĩ ngụy lên trình diện. Bằng một giọng vừa quyền uy vừa thân thiết, lần đầu tiên hắn gọi Bác Sĩ Sơn là đồng chí. Bằng mọi giá đồng chí phải cứu cho được thằng nhỏ, nó thuộc gia đình có công với cách mạng thuộc diện chánh sách, nếu cần thêm thuốc men gì cứ cho tôi hay!
Hắn cũng không quên làm thêm một cử chỉ quan tâm chăm sóc: À, tôi cũng đã ký thuận cho đồng chí đi phép về thăm gia đình một tuần lễ, giấy tờ thì xuống phòng Tổ Chức lấy.
Hắn không quên nhắc một câu cảnh giác: Phép về Sài Gòn mà hắn không gọi là Thành Phố Hồ chí Minh, chứ không phải để xuống ghe đi luôn đâu nhe! Tiếp theo là một nụ cười lạnh tanh trên một khuôn mặt không lộ chút cảm xúc.
Ngay sau đó, bên trong phòng giám đốc diễn ra buổi hội chẩn để lập phương án điều trị, và kết quả là thằng bé thập tử nhất sinh ấy được đảng ủy và đồng chí Bác Sĩ giám đốc cứu sống như một kết hợp tuyệt hảo giữa chánh sách và chuyên môn. Nhưng má Bảy thì biết đích ai là người đã cứu sống thằng cháu ngoại của má. Chính Bác Sĩ Sơn mới là người mà má Bảy đã chịu ơn.
Rồi vẫn với tấm lòng rộng như biển, như bao nhiêu bà mẹ Cửu Long khác, bà lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ và bao dung với những thằng con lạc đường như Hai Lộc. Sau ngày đón thằng cháu ngoại khỏe mạnh về nhà, bao nhiêu cây trái ngon ngọt nhất dưới vườn được bà hái tuốt đem vô bệnh viện phát bằng hết cho mọi người, như trước tới nay có bao giờ bà tiếc gì với đám tụi nó mà bà vẫn coi như con.
Chuyện đáng nói là ít lâu sau đó chính má Bảy tuy tiếc đứt ruột là mất đi người hiền tài nhưng cũng nén lòng mà sắp đặt đưa bác sĩ Sơn xuống ghe từ trong rạch ra cá lớn đi vượt biên một lần trót lọt và chỉ hai ngày sau đã sang được tới Đảo Poulo Bidon, sau đó thì Sơn cùng vợ con được đi Pháp.
Vậy mà đã 20 năm rồi 1979-1999 mà sao cứ như mới ngày hôm qua. Hai con Sơn khi ra đi còn bé nay đã thành tài, có tương lai của tụi nó và không còn cần tới anh nữa. Sơn hiểu rằng Việt Nam vẫn là quê hương cuối cùng mà anh muốn trở về. Chuyến đi này như chuẩn bị cho một ao ước ấp ủ bấy lâu là có một ngày Sơn được trở lại sống nơi quê nhà với chòm xóm bà con như gia đình má Bảy, tuy nơi đó vẫn còn một chế độ mà Sơn luôn luôn phủ nhận. Khi hỏi về chốn cũ, Hộ cho Sơn biết:
- Bệnh viện nay trực thuộc Trường Y Đại Học Cần Thơ. Hai Lộc thì cũng đã về hưu. Giám đốc nay là một Bác Sĩ cũ sau Sơn chừng hai lớp và đội ngũ chuyên môn bây giờ là đám Bác Sĩ trẻ mới ra trường được đào tạo chánh quy chứ không là chuyên tu từ y tá khiêng cáng như Hai Lộc ngày nào. Không biết ý định của Sơn, nhưng Hộ nói ra như một ao ước:
- Lượng thì có nhưng thiếu chất. Trường Y Cần Thơ đang cần thêm các Bác Sĩ chuyên khoa cho ban giảng huấn. Phải chi được những người như các anh bên đó trở về, không nhất thiết ở lại luôn nhưng giúp chúng tôi như những Giáo Sư thỉnh giảng. Điều Hộ hồn nhiên nói ra nhưng sao lại đúng với ý Sơn, và anh dự định sẽ cụ thể bàn thêm với Hộ trong chuyến về thăm Tây Đô lần này. Sơn tưởng tượng rằng lần tới khi trở về, hai vợ chồng anh không còn phải qua phà và lúc đó Sơn sẽ rủ vợ đôi phút dừng chân nơi giữa cầu Mỹ Thuận nhìn xuống dòng sông nước chảy để thấy rằng ‘’qua bao khổ đau niềm vui cũng sẽ tới’’. Đôi lần lạnh lẽo ra đứng bên bờ sông Seine, Sơn có niềm tin sẽ có ngày anh đứng trên cây Cầu Mỹ Thuận nơi quê nhà, cũng những vần thơ của Apollinaire ngày nào nhưng là nỗi ngập tràn của hạnh phúc: 

Sous le pont Mirabeau-Mỹ Thuận
Coule la Seine-le Mekong
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Cùng ngày, trên Quốc Lộ 1 khi xe tới cây số 1978 thuộc Huyện Châu Thành Tỉnh Tiền Giang thì đang diễn ra ‘’lễ khánh thành thông xe’’ cho 19 cây cầu đoạn Sài Gòn - Cần Thơ.
Dự án Quốc Lộ 1 đoạn Cần Thơ-Năm Căn với cây cầu bắc qua sông Hậu sẽ chỉ được hợp đồng với công ty Nhật Bản sau khi Cầu Mỹ Thuận hoàn tất.
Trên đường Hộ nao nức hỏi Cao và Điền tin tức của người thầy cũ, Giáo Sư Thới. Câu hỏi như làm sống dậy một khúc phim. Như từ bao giờ Cao vẫn coi Giáo Sư Thới như một ông Thầy, trước sau Cao vẫn giữ nguyên lòng kính trọng.
Cái ngày cách đây đã một phần tư Thế Kỷ, khi những chiếc xe tăng T-54 của Bắc quân tới cửa ngõ Sài Gòn, và Đài Phát Thanh Quân Đội Mỹ cho phát bài White Christmas như tín hiệu bắt đầu cuộc di tản ồ ạt cuối cùng bằng trực thăng trên nóc Tòa Đại sứ Mỹ và trong khi hàng ngàn người hoảng loạn bám tường leo rào để tranh cho được một chỗ thoát thì Thầy Thới lại rất bình thản từ chối 5 chỗ đi dành sẵn cho toàn gia đình và thầy quyết tâm ở lại với ý nghĩ rằng nước nhà hòa bình Thầy sẽ cùng mọi người đồng kham cộng khổ thì chỉ ít năm thôi hoa lại nở trên khắp đường quê hương.
Nhưng rồi cuối cùng thì Thầy vỡ mộng. Đất nước đã chẳng tiến lên mà còn thụt lùi thêm vài chục năm nữa. Kinh nghiệm cuối đời người ấy đã làm Thầy đắng họng. Để rồi cuối cùng thầy cũng phải ra đi nhưng lần này là cảm giác ê chề.
Ra ngoài được rồi, Thầy như một con vật bị thương và chọn cuộc sống như một ẩn tu, khắc khoải với những ước mơ không đạt được, hết còn thiết tha với thời cuộc cộng thêm với nỗi âu lo cô đơn của tuổi già, ở Thầy đã có dấu hiệu trí tuệ bị ngưng trệ, Thầy nhớ như in những chuyện cũ rất xa, remote memory nhưng lại mất khả năng liên hệ với thực tại, một hiện tượng mà đứa con gái Thầy cũng là Bác Sĩ e ngại đó là biểu hiện của chứng bệnh presenile dementia tuy chưa phải là Alzheimer. Từ một Nhà Khoa Học thực nghiệm nay Thầy lại hướng về những suy tưởng siêu hình với ám ảnh về cái chết mà Thầy bắt đầu dần dà chấp nhận như một thảm kịch của số phận.
Bao năm sau, gặp lại Thầy trong cuộc họp mặt Hội Tiền Giang nơi công viên Mile Square Park mới đây, sau khi nghe Cao đứng ra phát biểu về đề tài ‘’Đồng Bằng Sông Cửu Long trước những nguy cơ’’ Cao đã được Thầy Thới thận trọng nhắc nhở: Đã có gì đâu còn quá sớm để các anh phải la hoảng lên như vậy. Khi mà con sông Mekong nước vẫn chảy băng băng và Thầy lại như một chiếc lá suôi dòng, Thầy đang có một cuộc sống rất tĩnh thì những gì mỗi ngày đang diễn ra ở Thượng Nguồn nơi các con đập bậc thềm Vân Nam trở thành chuyện quá xa xôi đâu có đáng phải quan tâm. Cao thấy thương Thầy Thới hơn nhưng không tránh được cảm giác mất mát đến sót sa.
Mỹ Tho được coi như Thủ Đô Tiền Giang nằm bên bờ một nhánh của sông Tiền cách Sài Gòn hơn 70km hướng Đông-Nam, nơi từng có một lịch sử thăng trầm. Tới Thế Kỷ 17 đó vẫn là một vùng đất thuộc Cam Bốt hoang dã xình lầy nhưng rồi dần dà bị sát nhập vào Việt Nam bằng chính sách tàm thực tầm ăn dâu của Nguyễn Cư Trinh qua cuộc Nam Tiến. Cuối Thế Kỷ 17 theo Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định Thành Thông Chí thì đây đã là một khu thương mại sầm uất ‘’với nhà ngói, cột trạm đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển tới đậu đông đúc làm thành một chốn đại đô hội rất phồn hoa huyên náo’’ nên được mệnh danh là ‘’Mỹ Tho Đại Phố’’.
Tới Thế Kỷ 18, thời kỳ Gia Long tẩu quốc, Nguyễn Vương sang cầu viện quân Xiêm La thì nơi đây lại trở thành bãi chiến trường kết thúc bằng cuộc thắng trận Rạch Gằm và Xoài Mút của Nguyễn Huệ 1784 ở phía trên Mỹ Tho đánh đuổi hết năm vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi.
Tới 1862 cùng với các Tỉnh miền Nam, Mỹ Tho lại rơi vào ách bảo hộ của Pháp nhưng với cái giá đắt mà người Pháp phải trả qua các cuộc khởi nghĩa anh hùng của Trương Định và Thủ Khoa Huân.
Tới thăm Mỹ Tho không thể không nghe tới Cồn Phụng với con thuyền Bát Nhã của ông Đạo Dừa ngày nào. Nơi một thời đã từng được mệnh danh là Ốc Đảo Hòa Bình giữa một chiến tranh Việt Nam đang diễn ra kinh hoàng.
Cũng không thể không nghe tới địa danh Ấp Bắc vào tháng Giêng 1963 ghi dấu thắng lợi đầu tiên của cộng quân trong vùng Châu Thổ Sông Cửu Long gây tổn thất cho các đơn vị Quân Đội Nam Việt Nam được trang bị hiện đại, khiến cho viên Trung Tá Cố Vấn Mỹ John Paul Vann phát biểu một cách khinh thị: ‘’... a miserable performance, just like it always’’.
Và luận điệu dè bỉu ấy với người Đồng Minh bị coi dưới chân nhưng lại ràng buộc với nước Mỹ như một định mệnh, còn được tiếp tục lặp lại trong suốt và sau cuộc Chiến Tranh Việt Nam. John Paul Vann cũng không ngừng lớn tiếng chỉ trích giới lãnh đạo cao cấp quân sự Mỹ là bọn kiêu căng và cả thối nát.
Vào giữa Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, John Paul Vann tử nạn trong một chuyến trực thăng bay đêm trên vùng núi non sương mù cao nguyên Trung Phần, đúng thời điểm mà Bắc quân tấn công tràn ngập Tỉnh Kontum, mở màn cho từng bước đi tới sụp đổ của miền Nam ba năm sau đó.
John Vann được vinh danh như người lính Mỹ biểu tượng của cuộc chiến tranh Việt Nam, được mai táng trọng thể với tất cả nghi thức dành cho một anh hùng tại nghĩa trang quốc gia Arlington với hiện diện đầy đủ chánh khách và tướng lãnh Mỹ đã từng có những bước chân lún sâu vào vũng lầy Việt Nam.
Và theo ký giả Neil Sheehan, đối với những người sống có mặt lúc ấy, thì chôn Vann vào thời điểm tháng 6 năm 1972 cũng có nghĩa là chôn luôn cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ. Chôn luôn cả những giao ước long trọng của Hoa Thịnh Đốn đối với người bạn Đồng Minh Nam Việt Nam.
Sau một ngày ở Mỹ Tho, Hộ đưa các bạn về thăm Đại Học Cần Thơ. Trên con phà qua con sông Tiền, Sơn và chắc cả Điền Cao đều có chung một ý nghĩ đây có lẽ là chuyến phà cuối cùng của ba người qua Bắc Mỹ Thuận trước năm 2000.
Điền từ nãy giờ vẫn trầm ngâm, quay sang nói với Hộ: Một phần tư Thế Kỷ sau ngày đất nước thống nhất với bấy nhiêu trí tuệ và cả toàn quyền trong tay mà vẫn chưa làm xong một con đường thông suốt nối liền Bắc Nam. Sau cây Cầu Mỹ Thuận còn chờ bao lâu nữa để có thêm được cây Cầu Cần Thơ qua Sông Hậu.
Cao nói thêm: 
- Bảy mươi triệu đô la cho mỗi cây cầu, có bao nhiêu lần hơn số tiền ấy đã rơi vào quỹ đen quỹ đỏ của những ‘’người đầy tớ nhân dân’’ trong thời kỳ Đổi Mới.
Hộ không giải thích, chỉ đưa ra một nhận xét:
Trong suốt những năm chiến tranh, ‘’người cộng sản Việt Nam’’ đã khẩn trương biết bao nhiêu thì tiếp theo một phần tư thế kỷ thống nhất và hòa bình họ đã ù lì là thế nào. Bằng ‘’lôgíc’’ của chính họ qua cái gọi là ‘’bản chất và hiện tượng’’ cũng không thể nào giải thích cho được.
Hộ người vẫn được bà con nông dân kêu là ‘’Thầy Hộ Lúa Honda’’, nói với các bạn: - Kể từ ngày có chiếc máy bay cánh quạt cổ lỗ đầu tiên với hai khuông cánh vuông dài bay từ Sài Gòn đáp xuống Gò Công năm 1913 thì nay người ta đang nói tới những chiếc máy bay phản lực Air Mekong từ Thủ Phủ các nước Á Châu sắp đáp xuống Vùng Châu Thổ Sông Cửu này!
Hộ giải thích:
- Công ty hàng không Air Mekong liên doanh với General Industry Co. Singapore sẽ nối liền đồng bằng sông Cửu Long và các Đô Thị lớn Á Châu như Hương Cảng, Bangkok, Singapore...chủ yếu để phục vụ Chương Trình Du Lịch Xanh 2000, dự trù chở tới đông đảo du khách ngoại quốc tới thăm sông nước Cửu Long, thăm nền văn minh miệt vườn dĩ nhiên không thể thiếu những cây cầu khỉ cheo leo nơi các con rạch làng quê nối những con đường đất bùn lầy.
Đêm đó tại khu nhà khách vãng lai của Đại Học Cần Thơ, bốn người bạn nói chuyện đến thật khuya. Họ thảo luận nhiều về tương lai của Đồng Bằng Sông Cửu Long và cùng hiểu rằng hai con Sông Tiền Sông Hậu chưa hẳn đã cạn dòng nhưng lưu lượng thì yếu dần nên nước biển tràn sâu vào nội địa gây nhiễm mặn không phải chỉ những con sông lớn mà lan ra khắp mạng lưới kinh rạch không những tàn hại hàng triệu mẫu lúa và hoa màu cây trái mà cả tìm cho được nguồn nước ngọt để dùng uống cũng phải lao đao. Từ là một con sông sâu nước chảy, nếu không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa Cửu Long Chín Cửa Hai Dòng sẽ trở thành một con sông nông nước mặn. Giấc ngủ trằn trọc cũng đến với Điền lúc về sáng nhưng bị nhận chìm trong một cơn ác mộng, anh nằm mơ thấy cây Cầu Mỹ Thuận đẹp đẽ bắc qua con Sông Tiền đã cạn dòng. Không có mưa, các hồ nhỏ ao đầm kinh rạch cũng cạn kiệt. Dân chúng có nơi không có cả nước để uống. Lũ đã không về nữa, thời tiết nắng hạn kéo dài, mặt ruộng trơ trụi nứt nẻ khô cằn.
Đói và khát, từng đoàn người lũ lượt men theo những bờ sông cạn để mò cua lượm ốc bất cứ gì có thể ăn được. Lẫn trong đám người ấy, Điền thấy má ẵm trên tay con Bé Tư thất thểu trên một con đường khô khốc, cứ mỗi bước đi thì đất dưới chân lại vỡ vụn ra theo gió cuốn lên như những cơn bão cát...
Khi không còn thấy má và Bé Tư đâu nữa, Điền bừng tỉnh dậy, miệng khô đắng với trước mắt vẫn còn con Sông Tiền chảy dưới chân Cầu Mỹ Thuận. Trong cơn khát Điền úp mặt xuống dòng sông uống một ngụm nước thì nước đã mặn chát nhưng anh tự trấn an ngay: Cũng không mặn lắm đâu, chỉ mặn như nước mắt người ta thôi và cứ thế Điền hối hả uống những ngụm nước mắt mà vẫn không sao đã được cơn khát.
CHƯƠNG XXI 
TỪ ẤT DẬU 1945 SÁU MƯƠI NĂM ĐI TỚI CÂY CẦU CẦN THƠ 2005 
La vie humaine commence de l’autre côté du désespoir
Jean-Paul Sartre (Les Mouches.1943)
Từ Paris bằng chặng đường xe lửa hơn 700 km đi tới một trong những miền đất nổi tiếng của miền Nam nước Pháp đầy tính lịch sử, nơi có Nhà Thờ Saint Sauveur cổ kính, nơi có Con Đường Cézanne đi về hướng La Montagne SainteVictoire đã trở thành bất tử trong bức danh họa đang nằm trong viện Bảo Tàng Luân Đôn mà ông Khắc mới xem trong dịp sang làm việc với đài BBC đầu năm rồi, nơi có cả những cây hồng leo rạo rực hoa đỏ trên những thân mộc già.
Từ bao năm rồi ông Khắc vẫn thích tranh Cézanne. Chuyến xe lửa tốc hành hơn một lần đang đưa ông tới quê hương người họa sĩ tài danh để lại thấy được mặt trời thì đỏ dữ dội trên những mái nhà ngói đỏ, trên những đỉnh đồi và cả trên mặt biển Địa Trung Hải, để sống lại những cảm xúc thị giác mà Cézanne đã chuyển thành hình khối với ‘’màu sắc là nơi mà tâm hồn và vũ trụ đã kết hợp hài hòa’’.
Ảnh hưởng cùng một lúc trên nhiều trường phái: Ấn tượng, dã thú, lập thể, sau Cézanne thì hầu như tất cả những họa sĩ lẫy lừng của Thế Kỷ 20 như Matisse, Dufy, Braque, Chagal, Picasso... đều tới đây tìm cảm hứng và sáng tạo nên những tác phẩm để đời.
Khí hậu Địa Trung Hải vào mùa Thu trời vẫn chan hòa nắng ấm và long lanh như ngọc. Thời gian sống ở Aix-en-Provence là những tháng ngày có thể coi là hạnh phúc nhất của ông Khắc. Ngày hai buổi đều đặn cho dù thời tiết thế nào, ông đi bộ từ căn phòng thuê tới Thư Viện Khu Văn Khố Đông Dương, đằm mình vào đống tài liệu chuẩn bị cho cuốn sách Cahier d’Asie du Sud-Est mà ông Khắc dự định sẽ cho in trước ấn bản tiếng Việt vào dịp Tết Nguyên Đán Canh Thìn năm 2000.
Mỗi ngày là một ngày mới và không ngày nào mà không là ngày hạnh phúc tuyệt vời. Cho dù đã ở khá xa cái tuổi cổ lai hy, ông Khắc thấy mình như trẻ lại đang sống đời sinh viên. Giữa tràn ngập sách vở và tư liệu dồi dào, với ông thì Aix-enProvence như một thiên đường cho nhà nghiên cứu về Việt Nam trong giai đoạn Pháp Thuộc. Tình cờ gặp lại Duy và Giang trong dịp hai người sang dự Đại Nhạc Hội chào mừng ‘’Một Thế Kỷ Âm Nhạc’’ đón Thiên Niên Kỷ Mới, hôm nay tự thưởng cho mình một ngày nghỉ, ông Khắc rủ hai người bạn trẻ tới Le Bistro Latin ăn trưa, không chỉ vì thức ăn ngon như món risotto scampi có chút hương vị Ý mà ông Khắc rất thích nhưng còn vì giá cả phải chăng 89 quan đồng hạng cho mỗi bữa ăn gọi là bình dân nhưng đã là đắt với túi tiền của một lão sinh viên như ông Khắc.
Lúc chia tay, cả Duy và Bé Tư cùng nắm tay ông Khắc mời dặn thiết tha: ‘’Bận gì anh cũng phải về Tây Đô dự đám cưới tụi em!’’ Ông Khắc cười trấn an: ‘’Về chứ, làm sao có thể vắng mặt trong một đám cưới của Thế Kỷ.’’
Cao và Điền trước đó cũng đã gửi vé máy bay cho ông về dự cuộc Hội Thảo về Môi Sinh Sông Mekong mà chủ lực là các thành viên của Nhóm Bạn Cửu Long lần đầu tiên tổ chức trong nước nhân dịp Lễ Động Thổ xây Cây Cầu Cần Thơ, tất cả như một kết hợp tình cờ cùng diễn ra trong tuần lễ đầu tiên của tháng 8 năm 2000.
Sổ Tay Nhà Báo.
Buổi sáng sớm như thường lệ, trước khi xuống đường ông Khắc ngồi trước máy điện toán lướt qua địa chỉ trang nhà của một số tờ báo quen thuộc. Tin của tờ báo Nhân Dân trong nước sáng nay khiến ông Khắc chú ý và dừng lại đọc:
‘’Ba năm sau ngày Việt Nhật ký kết dự án Cầu Cần Thơ, ngày 04 tháng 10 năm 1999, đoàn đại diện Công Ty Nippon đã tới làm việc với Ủy Ban Nhân Dân hai Tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ để chuẩn bị cho đợt khởi công vào tháng 8 năm 2001 và hoàn thành vào tháng 4 năm 2005.
Cây cầu sẽ cách phà Cần Thơ hiện nay khoảng 3km phía hạ lưu ngang Cồn Ấu, nối với Quốc Lộ 1 phía Vĩnh Long tại cây số 2061 qua Cái Vồn-Bình Minh và đầu kia phía Cần Thơ tại cây số 2077 thuộc khu du lịch Ba Láng. Cầu dài 2615m, sẽ là cây cầu dây căng dài nhất Việt Nam có độ tĩnh không cao 39.1m, mặt cầu rộng 24.9m với toàn công trình có chiều dài hơn 15km.’’ Như một sự thực hiển nhiên, trong Thế Chiến Thứ Hai Nhật đã gây không ít tang thương đổ vỡ: Thảm sát Nam Kinh, nạn đói Ất Dậu... đã làm chấn động lương tâm của chính nhân dân Nhật và họ đang phải trả giá. Sau đập Thủy Điện Đa Nhim công suất 160 ngàn KW ở Đà Lạt vào những năm 60 với ngân khoản 39 triệu đô la, nay tới Cây Cầu Cần Thơ bắc qua Sông Hậu với kinh phí lên tới 249 triệu đôla cũng do Nhật tài trợ không hoàn lại, như khoản bồi thường chiến tranh khác. Phải chăng đó là cái giá cao nhất mà người Nhật muốn đền bù cho ngót hai triệu mạng người Việt chết oan khiên năm Ất Dậu.
Nhưng quan trọng hơn cả bồi thường là ‘’sự thật lịch sử nạn đói năm Ất Dậu là thế nào?’’ Theo ông Khắc thì không thể nhìn nạn đói 1945 một cách riêng lẻ với 2 triệu người Việt Nam chết mà phải xem xét tấn thảm kịch trong bối cảnh Đông Dương lúc đó với cả người Pháp và Nhật cùng hiện diện.
Những tưởng rằng từ 1945 hai triệu người Việt ấy đã vĩnh viễn nằm xuống nhưng không họ đã gượng dậy âm thầm đi thêm một chặng đường dài 60 năm để hoàn tất điểm nối cuối cùng trên Con Đường Thống Nhất sau khi hoàn tất cuộc Nam Tiến.
Cứ như bên tháp Babel, rồi ra tùy theo tâm cảnh mỗi người cây Cầu Cần Thơ sẽ mang những tên gọi khác nhau: cầu Ất Dậu cho những ai không quên được quá khứ như với ông Khắc, Cầu Hữu Nghị Việt Nhật cho chánh quyền hiện tại và là cây Cầu Thống Nhất cho những tấm lòng mong mỏi hướng về tương lai. Sau 1975, một phần tư Thế Kỷ đã qua mà vẫn chưa làm xong một con đường chạy xuyên suốt chiều dài đất nước và lòng người thì vẫn cứ vỡ ra từng mảnh. 

Ông Khắc Và Bộ Nhớ Về Nạn Đói Ất Dậu 

Lúc đó ông Khắc đang sống ở Hà Nội, bố dạy Trường Bưởi, mẹ thì trông coi hiệu sách ở Tràng Thi, ở cái tuổi 16 chưa thành người lớn nhưng cũng đã qua thời trẻ con tuy chưa gánh vác được gì nhưng lại đủ lớn để cảm nhận và nhớ như in những gì xảy ra trong sáu tháng đầu của năm Ất Dậu ấy.
Lúc đó tự thấy sách vở không ích gì cho buổi ấy, ông Khắc đã sớm rời gia đình ở cái tuổi 17 đi theo người chú làm cách mạng. Người mà ông ngưỡng mộ như một thần tượng ấy gốc Quốc Dân Đảng, sau đó bị mất tích trên đường sang Côn Minh. Có lẽ ông bị Việt Minh bắt và thủ tiêu sau đó. Tuổi 30 từ Bắc di cư vào Nam với mấy chục năm làm báo không ngưng nghỉ, bằng những phấn đấu tự bản thân, ông Khắc đã trưởng thành trong nghề nghiệp, đã vươn lên vị trí hết sức được kính trọng không chỉ bằng các bài báo mà qua cả nhân cách, vì thế mà ông rất được yêu mến và được các nhà báo trẻ gọi ông là ‘’nhà báo của các nhà báo’’.
Năm 1975, hiểu biết cộng sản không ai hơn ông vậy mà ông Khắc quyết định ở lại để rồi sau đó là 14 năm tù đầy, tuy không đảng phái nhưng ông Khắc cũng cứ nghiễm nhiên được gắn cho cái nhãn hiệu Việt Quốc do thời gian theo chân ông chú. Qua bao nhiêu đầy ải vẫn như một cây tùng trước bão, ông vững vàng qua cơn bão táp. Ra được tới ngoài này, ông Khắc không thể không ngạc nhiên về sách vở chữ nghĩa ở hải ngoại. Cả đất nước vừa trải qua những kinh nghiệm kinh hoàng vết thương nào cũng còn rướm máu, vậy mà làm sao người ta vẫn có thể viết hay vẽ như trước đây được nữa.
Dĩ nhiên là vẫn cứ phải viết nhưng làm sao mà tránh được thứ ngôn ngữ bầm dập cùng với nỗi bầm dập đầy ải của con người. Viết trong hoàn cảnh cực đoan như thế đã trở thành một thách đố và chữ nghĩa đã trở thành những mũi tên đánh động khiêu khích ngay với chính người đọc là đồng bào mình cả bên trong lẫn bên ngoài. 

Sổ Tay Nhà Báo
Kinh Nghiệm Pháp.
Với trong tay tập tài liệu ‘’Témoignages et documents francais relatifs à la colonisation francaise au Vietnam, 04.1945’’, như một flashback, ông Khắc bỗng chốc sống lại những ngày tháng của năm Ất Dậu, nhưng lần này với mắt nhìn của người Pháp...
‘’Họ đi thành hàng dài bất tận gồm cả gia đình, đàn ông đàn bà, già lão có, trẻ con có, người nào người nấy cũng rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ để trơ những bộ xương run rẩy, ngay cả những thiếu nữ đang ở tuổi dậy thì lẽ ra đẹp đẽ và e thẹn thì cũng chẳng hơn gì. Thỉnh thoảng họ dừng lại để nếu không là vuốt mắt cho một người trong bọn vừa ngã xuống thì cũng cố lột cho được miếng giẻ rách còn che trên thân người mới chết đó. Chứng kiến những hình người xấu xí hơn cả những con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp bên lề đường chỉ có chút rơm che thân thay cho tấm vải liệm, người ta lấy làm tủi hổ thay cho cái kiếp con người’’
... ‘’Nạn đói khủng khiếp năm 1944-1945 đã làm chết 2 triệu người miền Bắc từ Quảng Trị trở ra, là hậu quả không thể tránh khỏi của một chánh sách nhằm hai mục đích:
- Về chánh trị là làm chết đi một bộ phận quan trọng dân chúng và nhấn chìm số còn lại trong nạn đói, đó là cái dây thắng hữu hiệu để hãm bớt nhiệt tình yêu nước mà Thống Sứ Bắc Kỳ Chauvet đã thấy rõ.
- Về kinh tế là cho phép các công ty Pháp Nhật (Denis Frères, Mitsubishi...) độc quyền thu mua và tích trữ hàng triệu tấn gạo với giá rẻ mạt. Cũng bằng cách ấy họ dễ dàng tuyển mộ những cu ly bản xứ cho các đồn điền cao su và hầm mỏ sang Tân Thế Giới...’’
Kinh Nghiệm Nhật Bản.
Người Pháp ở Đông Dương từ bấy lâu đang ở vị trí chủ nhân ông với tất cả quyền uy bỗng một sáng chiều đối diện với Nhật L’Indochine francaise en face du Japon Gaudel đã mau chóng trở thành công cụ tay sai của người Nhật.
Sách Giáo Khoa cho học sinh Nhật Bản trước đây khi viết về Thế Chiến Thứ Hai phần liên hệ tới Á Châu đã cho rằng: ‘’Nước Nhật đưa quân vào Á Châu không phải với mục đích xâm lược cướp bóc mà là để giải phóng nhân dân các nước Châu Á khỏi ách nô dịch Da Trắng’’. Đó cũng chính là thuyết Đại Đông Á mà Nhật không ngừng tuyên truyền với chính dân Nhật và cả trước dư luận thế giới.
Nhưng qua cái nhìn phản tỉnh của những người Nhật lương tâm thì lại rất khác như Katsumoto Saotome trong cuốn ‘’Ký Lục Nạn Đói Hai Triệu Người Chết ở Việt Nam’’, như Furata Moto thì đang cặm cụi đi tìm ý nghĩa lịch sử của nạn đói Ất Dậu trong bối cảnh lịch sử cận đại Việt Nam qua những nhân chứng còn sống sót, như Yoshizawa Minami trong tập tài liệu ‘’Chiến Tranh Châu Á Trong Tiềm Thức của Chúng Ta’’ cũng đã nhận định:
... ‘’Tình hình khu vực Việt Nam thật đặc biệt do sự có mặt thường xuyên của 80 ngàn quân ta và 200 ngàn lực lượng hậu cần đã khiến tình trạng kinh tế ở đây hỗn loạn đến cực độ...’’
... Đông Dương có vị trí then chốt đối với Nhật Bản về lương thực. Ngoài lượng gạo nhập khẩu vào Nhật, quân đội Nhật còn rất cần một trữ lượng gạo lớn lao để tiếp tế cho các mặt trận đang lan rộng ra khắp Á Châu và khu vực Thái Bình Dương. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây nạn chết đói cho 2 triệu người Việt năm 1945.
… Cũng không thể không nhắc tới sự kiện quân Nhật đã dùng lúa thu mua vội ở miền Nam đốt thay than để sản xuất điện lực tại các cứ điểm chiến lược trọng yếu vì không vận chuyển than tới kịp thời.
... Cảnh người Việt chết đói la liệt ngay bên ngoài những kho thóc của người Nhật chất cao như núi chưa dùng tới và bỏ cho mục nát là điều được chính nhân chứng Kawai người Nhật, viên quản lý kho lúa gạo ở Nam Định kể lại: ‘’Tại một khu Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, gạo chứa đầy ắp trong kho, lại thấy người chết đói ngã lăn dọc đường suốt từ Nam Định lên tới Hà Nội, tôi đã cố thuyết phục Tùy Viên Kinh Tế của Đại Sứ quán Nhật mở các kho gạo đó nhưng họ không nghe...’’
Tưởng cũng nên nhắc lại là người nói điều nhân nghĩa trên cũng là tác giả của câu nói để đời: ‘’Bọn người Việt đều là kẻ ăn xin’’. Nạn đói 1945 chỉ là hậu quả tất nhiên của chính sách tàn bạo của Nhật trong khắp vùng Á Châu Thái Bình Dương, chủ trương cai trị bằng cách gây khiếp sợ. Câu chuyện lính Nhật treo cổ người đói cướp xe lúa, mổ bụng ngựa để nhét một phụ nữ Việt Nam vào khâu lại đem chôn sống vì tội danh đã trộn mạt cưa vào cám làm ngựa chết, tất cả không phải là giai thoại mà là tấm gương chính người Nhật muốn rêu rao để răn đe dân chúng bản xứ.
Kinh Nghiệm Việt Nam.
Khái Hưng, báo Bình Minh, 12.04.1945 đã viết về ‘’Mưu Sâu Của Thực Dân Pháp Ở Xứ Này’’:
...‘’Trong toa hạng nhất, ngồi đối diện với chúng tôi là 2 người Pháp. Họ đàm thoại với nhau:
- Đó là môn thuốc hiệu nghiệm để giữ trị an cho xứ này.
- Phải, phải lắm... nếu dân chúng nó sung túc thì chúng nó chỉ nghĩ làm giặc, nhàn cư vi bất thiện mà!
- Đúng! Thỉnh thoảng cũng phải mất mùa vỡ đê đói kém cho chúng nó phải khó khăn xoay sở cái ăn cái mặc, cho chúng nó chỉ đủ thì giờ nghĩ đến sống mà không có cuồng vọng phản đối chúng ta...’’
... Tô Hoài trong ‘’Chuyện cũ Hà Nội’’ nói về cảnh đói 1944-1945 đã phải thốt lên. Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được, khủng khiếp quá. Trong khi bên ngoài Hà Nội người chết đói như rạ, thì người dân trong Thành Phố bị khủng khiếp xanh mặt về nạn đói. Cái lý do dân Hà Nội chưa phải chết đói vì cả Pháp Nhật đều muốn che mắt thế giới, muốn giữ tươi tỉnh bộ mặt phố xá nên họ được đong gạo bông. Cảnh chết đói thê thảm là do những đoàn người đói từ các nơi ngoại thành kéo về cho dù cả đội xếp Pháp và lính Nhật hết sức đánh đuổi nhưng không xuể, họ vào được Thành Phố để rồi chết la liệt trên các vỉa hè. Suốt ngày đêm chỉ có những chiếc xe kéo xác lầm lũi đi qua.
... Rồi Võ An Ninh qua ‘’Ống Kính Nhà Nhiếp Ảnh đã chụp lại những thảm cảnh của nạn đói từ tháng Giêng tới tháng Sáu năm 1945’’, cho dù ở đâu và lúc nào ai xem những tấm hình ấy cũng chỉ để mà khóc, đau thương và uất hận và không bao giờ quên. Chỉ thấy xác là xác, nếu chưa chết thì cũng chỉ là chiếc xác còn biết đi như những bóng ma. Người đàn bà sắp chết đói đẻ rớt con trên đường, nhìn xác con đỏ hỏn cũng chẳng còn sức và nước mắt đâu để thương sót vì biết chính mình cũng chết sau đó. Từ những tấm hình chụp giữa Thủ Đô Hà Nội mà cũng nồng lên mùi hôi thối của xác chết và cả của người còn sống. Ngày đêm những chuyến xe bò âm thầm đi nhặt xác để chở xuống nghĩa trang Hợp Thiện đổ xác người như đổ rác vào những hố chôn tập thể.
… Văn Cao chứng kiến cảnh tượng não lòng ấy đã viết nên những lời thơ ai oán trong ‘’Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc’’: Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây 

Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy
... Một nhà báo từ Sài Gòn. Những năm 1944-1945 phương tiện truyền thông rất ư là hạn hẹp, lại thêm ảnh hưởng chiến tranh Mỹ Nhật, nên cho dù nạn đói đã xảy ra ở miền Bắc mà không vang ngay tới Sài Gòn. Mãi tới khi có một thanh niên tên Chu Hương Mậu một thân một mình lặn lội đường bộ đem vô được xấp hình cảnh đói. Tôi thực hiện cuộc phỏng vấn và đăng tít lớn ngang trang nhất trên một Nhật Báo (chủ nhiệm: ông Tín Đức Thư Xã) với đầy đủ hình ảnh.
Tập hình đã là động cơ thức động tâm tư nhiều người và được làng báo hưởng ứng. Phong Trào Cứu Đói mở rộng, được sự tiếp tay của một số trí thức, giới kinh doanh và dân chúng. Lạc quyên được rất nhiều và bắt đầu ngay các chuyến gởi gạo ra Bắc bằng thuyền, chỉ một số rất ít bằng đường bộ, không có vụ chở gạo bằng đường xe lửa vì thiết lộ đã bị cắt và máy bay Mỹ thì oanh tạc dữ dội. Cho dù bằng ngả đường nào thì áp tải theo những bao gạo ấy là những thanh niên không chỉ có lòng vị tha mà còn vô cùng can đảm và cả chịu hy sinh nữa... Nhưng rồi cũng thật đau lòng khi được biết là đã không một thuyền gạo nào tới miệng người đói: Do bị bom dọc đường, bị Nhật tịch thu và cả tổ chức đón nhận kém, còn bao nhiêu tiền bạc thì cuối cùng bị trưng thu vào quỹ kháng chiến sau đó. Qua vụ cứu đói Ất Dậu, kinh nghiệm làm báo đầu đời cho tôi thấy: Cầm bút hô hào khác xa với thực tại của sự việc.
... Nhân chứng nhà họ Vũ, không ai khác hơn là Vũ Kiên thuộc Viện Sử Học Hà Nội. Thái Bình thuộc Châu Thổ Sông Hồng là Tỉnh điển hình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất. Là một Tỉnh đất chật người đông cũng là cái nôi của nhiệt tình cách mạng. Họ Vũ chúng tôi số gia đình cũng nhiều, số miệng ăn cũng đông mỗi nhà chỉ có vài sào ruộng đất công. Giàu nghèo trong làng chẳng khác biệt bao nhiêu, gặp thiên tai dịch hạn mất mùa thì ‘’nhà giàu được ăn cháo đặc thì chúng tôi ăn cháo loãng độn với củ chuối và rau’’ nhưng tới năm Dậu 1945 thì vấp phải nạn đói khủng khiếp quá.
Bảo rằng do thiên tai thì cũng có, ruộng lúa cấy mới trổ đòng đòng thì buổi sáng dậy đã thấy cả cánh đồng trắng xóa do bị rù sâu rầy.
Chuyện thiên tai hạn dịch qua suốt lịch sử lúc nào mà không có nhưng nay dân còn bị cưỡng bức nộp hết lúa gạo tới cả những đấu cuối cùng vốn chỉ để tích cơ phòng hàn, đã thế còn bị quân Nhật bắt phá ruộng ngô khoai để trồng đay, khiến lương thực hoa màu hoàn toàn cạn kiệt.
Cho dù có tinh thần lá lành đùm lá rách nhưng chẳng còn gì để mà chia xẻ. Riêng gia đình tôi chín người ngoài bố mẹ còn có năm anh em và hai đứa cháu. Không muốn là gánh nặng thêm cho gia đình đang túng đói, tôi xin phép bố mẹ liều thân bỏ làng ra Hà Nội tìm đường sống. Tôi không bao giờ quên cái hình ảnh khắp các đường ngang ngõ xóm trong ngoài làng nơi nào cũng nhan nhãn những xác chết đói khô héo. Ra tới Hà Nội, không phải đã hết thấy cảnh người chết đói. Tôi đã phải đi ở, làm thuê bán bánh mì bán báo làm bất cứ việc gì chỉ để kiếm sống. Đến lúc Pháp đánh Hà Nội, tôi gia nhập Tự Vệ Thành, cho tới khi trở về làng thì gia đình đã chẳng còn ai nữa. Sau đó Kiên vào Bộ Đội trong suốt 9 năm Kháng Chiến Chống Pháp, được kết nạp đảng cộng sản trước ngày kết thúc trận Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, do công trạng và có trình độ, Kiên được cử đi Liên Xô học, có bằng Tiến Sĩ Sử Học, trở về nước và trở thành một trong số ít trụ cột của Viện Sử Học Hà Nội, Kiên có mối liên hệ rất thân cận với Tướng Võ Nguyên Giáp mà báo Pháp mệnh danh là Nã Phá Luân Đỏ (Napoléon Rouge).
Ở nơi chân trời góc biển Aix-en-Provence này ông Khắc đã gặp Kiên. Như một saga novel, bản thân mỗi người đã đi qua những những biến cố lịch sử bằng những ngả đường khác nhau, rồi như một may mắn tình cờ và cũng rất hiếm hoi, cả hai còn sống sót, còn được gặp lại nhau nơi đây ở những năm muộn màng của đời người, để cùng đi tìm ý nghĩa về những Kinh Nghiệm Việt Nam với rất nhiều mảng tối cần được chiếu dọi.
Phải chờ tới hơn 40 năm sau Nhân Văn Giai Phẩm, Kiên mới cảnh tỉnh và chọn con đường phản kháng trong một chuyến ra nước ngoài. Được hưởng quyền tỵ nạn chánh trị lại cả được một năm trợ cấp của Hội Đồng Văn Hóa Âu Châu để làm việc tại Aix-en-Provence cho một đề tài nghiên cứu tùy nghi. Kiên không tệ đến nỗi về hùa để hãm hại các bạn cầm bút của mình nhưng cũng đã rất khôn ngoan giữ im lặng. Nỗi oan khiên của Kiên bây giờ là vẫn bị một số người bên ngoài tàn nhẫn nhìn như một thứ quạ đen cơ hội, bấy lâu xấu xí nay thì lại muốn trở thành những cánh én cho một mùa Xuân muộn màng. Đâu phải tới bây giờ những người như Vũ Kiên và mấy ông đảng viên trên 30 năm tuổi đảng ấy mới biết điều sai trái. Chẳng qua nói theo kiểu Nguyễn Tuân là bấy lâu họ đã biết sợ để sống còn. Và nay thì lại là những con chuột khôn lanh đang tìm cách thoát chạy ra khỏi con tàu đắm.
Nạn đói Ất Dậu vẫn còn là một vấn nạn. Cố thổi phồng tấn bi kịch hay giả bộ làm ngơ là hai khuynh hướng có thật và dễ thấy.
Đổ hết tội lên đầu người Nhật là không đúng khi mà bộ máy cai trị Pháp lúc đó vẫn còn hiện diện. Đổ lỗi cho Mỹ và Đồng Minh oanh tạc cắt hết đường tiếp tế gạo từ Nam ra Bắc cũng không đúng khi mà vẫn có gạo chuyển được từ Sài Gòn ra tới Nam Định chất vào các kho thành núi chưa dùng tới. Thiên tai mất mùa là có thật nhưng làm sao mà giải thích được cảnh la liệt người chết bên những kho thóc gạo của Nhật còn đầy ắp? Và cũng đâu phải không còn kho thóc nào của người Việt ngay giữa trung tâm nạn đói như qua câu nói của một nhân chứng người Thái Bình: ‘’Trong nhà còn nhiều thóc, nếu bà cụ moa không...’’
Hội Nghị Môi Sinh Đông Nam Á
Hội Nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Đô Cần Thơ nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long gồm các nước thành viên của Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission). Đã qua giai đoạn nói về Con Sông Mekong Trước Những Nguy Cơ mà tiến thêm một bước nữa là Hợp Tác Môi Sinh và Phát Triển với ba chủ đề lớn:
1.- Bảo vệ phẩm chất nước.
2.- Quản lý nguồn nước.
3.- Ứng dụng kỹ thuật sinh học trong nông tác.
Những ngày trước Hội Nghị, Cao và Hộ đã cùng Tiến Sĩ Chamsat thuộc Đại Học Thammasat Bangkok, có thêm 1 Tùy Viên Kinh Tế của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Thái Lan đi quan sát thực địa (field trip) để chọn địa điểm cho trạm EcoWatch xa nhất đầu tiên nơi thượng nguồn trong Hệ Thống Thăm Dò Môi Trường EMS (Environnmental Monitoring Systems) thuộc Lưu Vực Sông Mekong. Qua ảnh hưởng của Cao, Hộ đã hết sức thuyết phục ông Ngoại Trưởng đi tới chấp nhận một quan niệm mới về vai trò của các Tùy Viên Kinh Tế nơi các Tòa Đại Sứ bao gồm cả chức năng Tùy Viên Môi Sinh, ít ra bước đầu là tại các nước thuộc Lưu Vực Sông Mekong.
Bản Houei Sai do nằm sát biên giới Hoa Lào, ngay dưới Khu Kỹ Nghệ Vân Nam, theo Cao sẽ là địa điểm lý tưởng của Tiền Trạm EcoWatch xa nhất khoảng 2000km cách Đại Học Cần Thơ. Bản Houei Sai nơi xưa kia trước 1954 từng là Tiền Đồn Carnot của Pháp nay còn lại là mấy cỗ súng cối hoen rỉ theo khí hậu và thời gian. Houei Sai nay là Thị Trấn thương mại phát triển bên sông Mekong, nơi có một ngọn đồi là Chùa Phật, trên một ngọn đồi khác trước đây là khu bệnh xá của Tom Dooley. Bản Houei Sai không chỉ buôn bán với Thị Trấn Chiang Khong bên kia sông Mekong mà còn là nơi tàu bè lớn từ Trung Quốc ghé qua trên đường xuống Louang Prabang và Vạn Tượng. Những cửa hiệu mọc lên như nấm và tràn ngập hàng hóa Made in China. Từ năm 1997 đã có dự án một cây cầu biên trấn bắc qua sông Mekong từ Bản Houei Sai sang Chiang Khong Thái Lan nhưng tất cả đã bị khựng lại do cơn khủng khoảng kinh tế Á Châu. Cái Giá của Ô Nhiễm, đó là đề tài thuyết trình của Cao tại Hội Nghị Cần Thơ và Làm Sao Bảo Vệ Nguồn Nước Trong Lành.
Vào những năm 50 ở Nhật, dân làng Minamata bỗng nhiên chứng kiến một hiện tượng lạ: Những con mèo bắt đầu nhảy múa điên cuồng lên cơn co giật rồi sau đó là chết. Sau mèo, tới người, phụ nữ sinh ra quái thai, trẻ sinh ra sống sót thì cũng bị những dị tật bẩm sinh và chết dần.
Bất ngờ và quá trễ để mà ngăn ngừa tấn thảm kịch môi sinh của Thế Kỷ ấy: Bấy lâu công ty hóa chất Chisso đã đổ các chất phế thải kỹ nghệ có thủy ngân xuống Vịnh Minamata, tạo ra một chu kỳ nhiễm độc trước hết trên các loại rong tảo tôm cá, tiếp theo là các động vật như mèo và dân cư sống trong vùng bị nhiễm độc gián tiếp do ăn phải những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân rất cao ấy.
Tang chứng thì đầy rẫy vậy mà Chisso vẫn khăng khăng không nhận trách nhiệm.
Mãi cho tới khi xuất hiện những tấm ảnh của Eugene Smith chụp năm 1972 gây xúc động và kinh hoàng cho toàn thế giới. Tomoko Uemura như một điển hình, một thiếu niên 17 tuổi tại làng Minamata ngay từ lúc sinh ra đã mù lòa câm điếc co quắp biến dạng không còn là hình người Tomoko sống như cây cỏ, hoàn toàn trông nhờ vào bà mẹ tâm hồn thì đẹp đẽ và vô cùng ẩn nhẫn nhưng cũng rất can trường phấn đấu cho nhân phẩm và sự sống còn của đứa con.
Tomoko được mẹ bón cho từng miếng ăn được vệ sinh tắm rửa trong suốt từng ấy năm cho tới ngày cuối cùng. Điều đáng nói là cha mẹ Tomoko cũng như bao nhiêu dân làng khác trước đó đều khỏe mạnh.
Cuối cùng thì công ty hóa chất Chisso dù bất ưng cũng phải đứng ra nhận trách nhiệm và chịu tẩy rửa cả con Vịnh. Phải hơn nửa Thế Kỷ sau 1997, nước trong Vịnh Minamata mới được coi như trở lại trong lành nhưng những nạn nhận như Tomoko thì chết trước đó đã 20 năm rồi. No More Minamata, Nhắc lại tấm thảm kịch ấy như điều tâm niệm của mỗi người dân đang nơi Lưu Vực Sông Mekong, khi mà mỗi ngày chúng ta phải sống với đủ loại nước thải đổ xuống từ các khu kỹ nghệ khổng lồ Vân Nam và cả từ Thái Lan.
Ngay sau đó là câu hỏi đặt ra trước Hội Nghị:
- Vấn đề nêu ra quá lớn và liệu sức chúng ta làm được gì? Ngăn Trung Quốc không xây chuỗi 8 con đập bậc thềm Vân Nam là không thể được rồi, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hoàn thành kế hoạch của họ.
Là các quốc gia Hạ Nguồn, chúng ta chỉ còn cách phòng ngừa qua ba giai đoạn. Primary Prevention là bước phòng ngừa tích cực tốt nhất ngăn chặn sớm ngay từ gốc nguyên nhân, nhưng chúng ta đã bị động không làm được gì, cả không được quyền dòm ngó vào các nhà máy kỹ nghệ Vân Nam. Secondary Prevention là bước phòng ngừa thứ hai nhằm phát hiện được sớm nhất dấu hiệu suy thoái để kịp báo động ngăn chặn, đây không phải thượng sách nhưng là điều chúng ta còn có thể làm đây là chủ đề mà tôi sẽ đào sâu trong kế hoạch lập Mạng Lưới Thăm Dò Môi Sinh. Tiertiary Prevention là bước thứ ba cũng là tệ hại nhất tức là để cho thảm họa đã xảy ra như tấn bi kịch môi sinh Minimata phải trả giá bằng bao sinh mạng và nỗi khổ của con người, sau đó phải cần cả một tài nguyên khổng lồ để sửa sai lỗi lầm.
Thực hiện Phòng Ngừa Thứ Cấp chúng ta có khả năng theo dõi độ thải và mức di chuyển của ô nhiễm từ các nhà máy Trung Quốc bằng sử dụng những máy thăm dò đặt tại các Trạm Sinh Thái (EcoWatch) ở các địa điểm khác nhau nơi Hạ Nguồn. Vào đầu những năm 60, Tiến Sĩ Leland Clark đã sáng chế ra một màng điện cực có khả năng đo nhanh và chính xác độ oxy hòa tan trong nước. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi ở Mỹ và sau đó lan rộng ra nhiều nước kỹ nghệ phát triển với kết quả là gia tăng bảo vệ được phẩm chất những nguồn nước trong lành.
Tiến xa hơn nữa, các nhà môi sinh cho rằng theo dõi một hay hai thông số parameters là không đủ nên đã có một dụng cụ mới có khả năng theo dõi cùng một lúc nhiều thông số trong một thời gian liên tục (long-term multi-parameters monitoring).
- Là dụng cụ gọn nhẹ (a compact sonde) có khả năng thử và đo đạc nước trong các môi trường rất khác nhau: nước ngọt, nước mặn và cả nước ô nhiễm, đo cùng một lúc 9 thông số như: Độ pH, nhiệt độ, độ mặn (salinity), độ đục (turbidity), độ dẫn (conductivity), độ oxy hòa tan (Dissolved Oxygen DO), bao gồm cả ammonia, nitrate, tiềm năng khử oxy (Oxygen Reduction Potential ORP) và cả độ sâu (nonvented depth). Các dữ kiện trên có thể chuyển qua một máy điện toán PC nhỏ dùng EcoWatch for Windows.
- Lấy mẫu nước mỗi tháng để thử là phương pháp lỗi thời có thể đưa tới lượng giá sai lạc tình trạng suy thoái của nguồn nước vốn luôn luôn biến động. Được thay thế bằng kỹ thuật Thu Thập Dữ Kiện Chính-Thời (Real-Time Data Collection) có khả năng phát hiện rất sớm chất ô nhiễm trong nước.
- Bước đầu cơ bản sẽ lập 6 Trạm Sinh Thái: Trạm xa nhất đầu tiên sẽ là Bản Houei Sei Bắc Lào sát khu kỹ nghệ Vân Nam, một trạm Kratie dưới Thác Khone biên giới Lào Cam Bốt, hai trạm Tân Châu-Sông Tiền, Châu Đốc-Sông Hậu sát biên giới Việt Cam Bốt và cuối cùng là hai trạm hạ lưu nơi cầu Mỹ Thuận và Cầu Cần Thơ với thêm chức năng triều ký. Các dữ kiện thu thập từ các trạm EcoWatch được chuyển về Khoa Môi Sinh thuộc các Đại Học Cần Thơ Việt Nam, Đại Học Hoàng Gia Cam Bốt, Đại Học Vạn Tượng Lào và Đại Học Thammasat Thái Lan. Xa nhất là Đại Học Cần Thơ cách trạm Bản Houei Sai tới cả 2 ngàn km phía Thượng Nguồn một khoảng cách không có nghĩa lý gì với máy điện toán qua mạng lưới Internet. Các chuyên gia môi sinh thuộc các Đại Học sẽ phân tích và tổng hợp những dữ kiện của các Trạm Sinh Thái để kịp thời báo động cho toàn vùng và đề ra phương pháp giải quyết.
- Vài ý nghĩa về các thông số ứng dụng trong EMS: Như độ pH của dòng sông Mekong bình thường là 7.0. Nếu vì lý do gì như do chất phế thải kỹ nghệ mà độ pH xuống thấp hơn 5.0 acid hay cao hơn 9.0 kiềm thì tôm cá sinh vật trong nước có thể bị tiêu diệt tùy theo loại. Đối với các chất hữu cơ hòa tan do ô nhiễm, thì thay vì độ oxy hòa tan DO trong nước thông thường vào khoảng 7.5 đến 8.0 mg/L, nếu xuống thấp hơn 6.5 mg/L sinh vật trong nước có thể đã bị chết ngộp. (Ví dụ một vài nơi trên sông Sài Gòn, DO đã xuống thấp hơn 3.5, có nghĩa là chẳng còn giống tôm cá nào sống trong nước nữa).
Còn đối với các kim loại độc cũng có các máy xách tay có độ chính xác cao để có thể phát hiện.
Ứng Dụng Bản Đồ Dữ Liệu Dạng Số về Nước trong Vùng Hạ Lưu Sông Mekong. Là đề tài thuyết trình của chủ đề thứ hai do Tiến Sĩ Chamsak Ủy Viên Viện Quản Lý Nước Quốc Tế IWMI đảm trách. 
- Bước vào Thế Kỷ 21, chúng ta chưa đến nỗi quá thiếu đất nhưng sẽ rất thiếu nước. Hiện tại đã có một phần tư nhân loại đang lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Điều dễ hiểu là dân số tăng theo cấp số nhân mà thực phẩm thì chỉ tăng theo cấp số cộng. Áp lực phải gia tăng nhanh thực phẩm đòi hỏi thêm một lượng nước khổng lồ mà hành tinh này thì khó đủ cung cấp. Đã vậy nhiều vùng nông tác đã khai thác nguồn nước quá mức, tưới dẫn phí phạm đưa tới tình trạng nền nước dưới sâu bị tụt thấp tới mức báo động. Phải điều chỉnh ngay tình trạng không hợp lý kéo dài này nếu không muốn bị rơi vào cái vòng lẩn quẩn tiếp tục phung phí một tài nguyên đang ngày càng khan hiếm.
Đây cũng là nhận định của Nhóm Tham Vấn Nghiên Cứu Nông Tác Quốc Tế CGIAR khi khảo sát về nhu cầu nước nơi các vùng trồng trọt trong Thế Kỷ tới. Họ đang có nỗ lực dùng máy điện toán để khảo sát và phân tích các vùng đất đai có thể đưa vào canh tác.
CGIAR đang bảo trợ cho IWMI Viện Quản Lý Nước Quốc Tế hoàn thành một Bộ Phận Tổng Hợp Synthetizer có tên là Bản Đồ Dữ Liệu Dạng Số về Nước và Khí Hậu Thế Giới (World Water and Climate Digital Atlas) nhằm cung cấp thông tin về thời tiết và trữ lượng nước trên mỗi vùng, với điểm ảnh (pixels) có thể đạt tới độ chi tiết thu hẹp trong nửa dặm vuông. Bất cứ ai từ cấp chánh phủ tới xuống tới các nông gia đều có thể sử dụng bằng cách tải xuống download từ mạng lưới điện toán Internet hoặc qua dạng CD do IWMI cung cấp.
- Nói một cách dễ hiểu mà không cần tới mô hình toán học, nếu vòng tròn trái đất được tính là 360 độ, thì ở vùng xích đạo mỗi cung giây tương đương với 0.2 dặm. Và độ chính xác đạt được hiện nay là 2.5 phút tức khoảng 3 dặm, đủ dữ kiện cho vùng rộng như hạ lưu của các con sông. Mục tiêu hướng tới của IWMI là tăng độ nét hay độ phân giải-resolution xuống tới 30 giây tức là khoảng nửa dặm vuông đáp ứng cho cả những vùng hẹp của Đồng Bằng Châu Thổ như Đồng Tháp Mười nơi mà tính chất thổ nhưỡng rất là biến thiên.
- Bộ Phận Tổng Hợp sẽ luôn luôn được cập nhật hóa không chỉ về trữ lượng nước, thời tiết mà còn kết hợp với nhiều biến số khác giúp nhà nông hoạch định một cách hợp lý vùng đất nào, loại hoa màu nào, mùa nào là thích hợp cho việc gieo trồng và cả không phí phạm nguồn nước.
Không Có Kỹ Thuật Sinh Học Nhân Loại sẽ Đói.
Đó là chủ đề thứ ba kết thúc Hội Nghị nhưng thực sự là một cánh cửa mở ra cho tương lai thịnh vượng chung của các quốc gia trong Lưu Vực Sông Mekong. Thuyết trình viên là Tiến Sĩ Martina, khách đến từ Đại Học Stanford.
Trong dịp về giảng dạy Đại Học Cần Thơ lần này, Duy đã mời được Martina, cô bạn đồng sự thân thiết bấy lâu của Duy thân tới mức tưởng như hai người có thể sẽ lấy nhau cho tới khi Duy gặp được Bé Tư. Camellia (Trà hoa mộc) là bó hoa Duy chọn tặng Bé Tư trong ngày cưới, như nhắc lại kỷ niệm của chuyến đi Vân Nam, vậy mà đã cách đây hơn 2 năm. Ngay từ buổi ban đầu mới gặp, Bé Tư đã bị cuốn hút về quan niệm độc đáo của Duy, một ngôi sao đang lên của Đại Học Stanford. Theo Duy thì Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ là cái nôi của nền văn minh Việt Nam bước vào thiên niên kỷ mới do cái gene trẻ trung khỏe mạnh sẽ thay thế cho văn minh sông Hồng đã già cỗi suy kiệt và cả biến thể (defective gene) nói theo ngôn ngữ Di Truyền Học của Duy.
Tuy là vợ của Duy rồi nhưng các mối liên hệ kiểu rất Tây Phương ấy của Duy không phải không làm Bé Tư đôi lần phải ghen tức nhất là khi mà những phụ nữ quanh Duy đều là những người đàn bà đẹp như Martina cô gái gốc Ý tóc vàng trẻ trung, hiện là Giám Đốc Chương Trình Kỹ Thuật Sinh Học (Biotechnology Program tại Đại Học Stanford).
Cũng nhân chuyến Du Lịch Xanh nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long, Martina sẽ được mời nói chuyện tại Phân Khoa Khoa Học Canh Nông và Môi Sinh của Đại Học Cần Thơ về đề tài: Ứng Dụng Kỹ Thuật Sinh Học Trong Nông Tác.
Trước một cử tọa gồm ban giảng huấn và đông đảo sinh viên các phân khoa khác, bằng lối nhập đề trực tiếp và sống động Martina nói:
- Trước hết tôi xin được ngỏ lời công khai cám ơn Bác Sĩ Duy, người bạn đồng sự của tôi ở Stanford đã tạo cho tôi cơ hội lần đầu tiên được đi thăm Việt Nam đặc biệt là Đồng Bằng Sông Cửu Long trong chuyến Du Lịch Môi Sinh đầy kỳ thú. Và điều làm cho tôi xúc động nhất khi được nghe một nhà báo lão thành nói về Nạn Đói Năm 1945 đã làm chết ngót 2 triệu người Việt, điều không thể tưởng tượng có thể xảy ra ngay trên một đất nước có một vựa lúa giàu có nhất Á Châu này. Cũng nhân đây chúng ta nên để một khắc tĩnh lặng để truy niệm những nạn nhân oan khiên và xấu số ấy.
Ngay từ phút đầu tiên đầy cảm xúc ấy, Martina đã chinh phục trái tim của toàn thể cử tọa. Cô tiếp:
- Thực ra từ bấy lâu ở nhiều nơi trên hành tinh này nạn đói như một nạn dịch (epidemics) vẫn cứ xảy ra tuy ở quy mô lớn nhỏ khác nhau: Như ở nhiều nước Phi Châu, như ở Bắc Hàn ngay bên cạnh Nam Hàn phồn thịnh... Bước vào Thế Kỷ Toàn Cầu Hóa, trong khi chúng ta vẫn phải cung cấp cái ăn cái mặc cho dân số thế giới ngày một tăng nhanh, để tránh nạn đói nhưng đồng thời cũng phải giảm thiểu tác hại của sản xuất trên môi trường sống đã bị suy thoái tới mức báo động. Rừng ngày một thu hẹp, đất màu mỡ ngày một bị sói mòn, cảnh sa mạc đang bành trướng mau lẹ, không lẽ cứ tiếp tục phá thêm các khu rừng mưa (rainforest) ở Lào Cam Bốt hay cầy xới cả những công viên quốc gia như Cúc Phương để không rơi vào cảnh đói kém.
Đã không có một hàng rào ngôn ngữ nào qua trực tiếp thông dịch rất lưu loát của Duy, cô Martina tiếp vẫn bằng tiếng Anh giọng BBC Luân Đôn:
- Thực ra với kỹ thuật sinh học (biotechnology) khác hẳn với lối canh tác cổ điển, chúng ta có thể tránh được sự hủy hoại môi sinh lẽ ra phải có. Khi biết ứng dụng các phương pháp phân tử như DNA tái kết hợp (recombinant DNA) và kỹ thuật di truyền (genetic engineering), dùng vi sinh vật và những diếu tố... các nhà khoa học đã có thể sản xuất gấp bội thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao với các sinh tố, các chất chống acít hóa (antioxydants), các chất sợi...
Kỹ thuật sinh học phân tử đang trở thành phổ quát trong thập niên cuối của Thế Kỷ này. Một ví dụ điển hình, Viện Lúa Gạo Quốc Tế đang nghiên cứu tạo các giống lúa siêu thần nông không những có năng suất rất cao mà còn có khả năng chịu hạn kể cả cái nắng hạn của Tây Phi Châu, lại có cả khả năng tự chống sâu rầy đi tới chỗ nông gia không còn bị lệ thuộc vào các hóa chất như phân bón thuốc trừ sâu...
Kỹ thuật sinh học đang chứng tỏ tiềm năng khổng lồ để bảo vệ các nguồn tài nhiên thiên nhiên và cả cải thiện sự thanh khiết của môi trường đã bị ô nhiễm như dùng các vi sinh vật để xử lý rác và các chất phế thải...
Bị cuốn hút vào những điều quá mới mẻ, ông Khắc tự thấy mình là quá khứ, ông như đang dừng lại ở bên này đầu cầu Cần Thơ mà tương lai thì ở phía bên kia, phải chăng nói như Sartre ‘’Cuộc sống bắt đầu từ bên kia bờ tuyệt vọng.’’ 
CHƯƠNG XXII 
TÌM VỀ PHƯƠNG ĐÔNG ĐỊA ĐÀNG LẠI ĐÁNH MẤT 
Địa phương, tôn giáo, chủng tộc, môi sinh...
Đồng Bằng Sông Cửu Long có đủ cội nguồn bất an của cả nước
Địa Đàng Ở Phương Đông
Đi cùng chuyến bay từ Bangkok tới Vạn Tượng, từ đây họ tách ra nhưng cũng hẹn gặp lại nhau ở Sài Gòn. Cao thì đi về hướng Bắc tới Bản Houei Sai kiểm tra Trạm Môi Sinh (EcoWatch) xa nhất và then chốt trong mạng lưới theo dõi môi sinh của lưu vực sông Mekong.
Còn vợ chồng Duy thì đi về phía nam trong chuyến field trip khảo sát chim muông với Đoàn Nghiên Cứu Khoa Học Anh Worldwide Fund for Nature. Duy có dịp gặp lại những người bạn cũ. Lần gặp đầu tiên ở Nam Vang cách đây 2 năm khi họ bất kể hiểm nguy của mìn bẫy, quyết tìm cho được con Kouprey, một loại bò rừng cực hiếm lần đầu tiên được các nhà sinh học tìm thấy vào năm 1939, được ông Hoàng Sihanouk chọn làm con vật biểu tượng của Cam Bốt năm 1963 và nay thì gần như đã tuyệt chủng, hy vọng mong manh còn vài ba con trong vùng rừng rậm Pailin phía Tây Cam Bốt tiếp giáp với Thái Lan, nơi vốn là khu sào huyệt của Khmer Đỏ. Sau hàng tháng trời lặn lội, lần ấy đoàn đã ra về với tay không nhưng may mắn không bị tổn thất.
Vẫn những khuôn mặt quen thuộc ấy nhưng ở chuyến đi này, có Bé Tư hình như họ may mắn hơn. Họ mới tìm thêm được 2 loài chim hiếm trong những khu rừng mưa (rainforest) biên giới Lào Việt, đặc biệt là họ đã phát hiện được một loài thỏ cực hiếm bên ngoài một ngôi làng nhỏ Balak phía Trường Sơn Tây. Đó là một loài thỏ rất lạ chưa thấy ở bất cứ một nơi nào khác, có lông vàng sọc đen trên lưng và mông đỏ, được đặt tên là thỏ Trường Sơn rất giống với loài thỏ vằn ở Đảo Sumatra Nam Dương, nay đã tuyệt chủng.
Là một Giáo Sư di truyền học, Duy suy luận nếu cuộc nghiên cứu ‘’cấu trúc gene’’ xác định sự tương đồng với loài thỏ Sumatra thì lại có thêm luận cứ cho giả thiết một thời kỳ Đông Nam Á Lục Địa nối liền với các hải đảo như với Quần Đảo Nam Dương qua thềm lục địa Sunda sau đó do nước biển dâng cao, phần thấp bị chìm xuống chỉ còn lại những phần đất cao là những đảo quốc hiện nay.
Những chiếc trống đồng Đông Sơn còn được tìm thấy ở cả Đông Nam Á Hải Đảo là bằng chứng về mối tương quan rất gần gũi giữa những nền văn hóa cách nhau cả một đại dương.
Mới đây Duy đã ngạc nhiên khi cầm trên tay cuốn sách khá đồ sộ không phải của nhà khảo cổ nhưng lại là của một đồng nghiệp y khoa người Anh minh chứng một cách có hệ thống và khá thuyết phục điều mà Duy vẫn chỉ coi như ở giai đoạn giả thiết.
Stephen Oppenheimer là một Bác Sĩ Nhi Khoa nhiệt đới khi đi nghiên cứu về Sốt Rét ở Đảo Papua New Guinea Nam Thái Bình Dương, qua khảo sát các đặc tính gen biến thể (genetic mutations) đã cho thấy thêm bằng chứng về những cuộc di cư ồ ạt từ Đông Nam Á tiếp theo trận lụt vào Thời Kỳ Băng Tuyết Sau Cùng (the Last Ice Age). Suốt 20 năm qua Oppenheimer không ngừng đi khảo sát khắp vùng Viễn Đông lục địa và hải đảo Thái Bình Dương để chứng minh ‘’các nền văn hóa gốc (founder cultures) hay cái nôi của văn minh nhân loại’’ là từ Vùng Đông Nam Á nay đã bị nhận chìm dưới biển sâu.
Đó là chủ đề tác phẩm Eden in the East (Địa Đàng ở Phương Đông), mới xuất bản tháng 7 năm 1999. Sách vở viết về nguồn gốc các nền văn minh thế giới hầu như đã lãng quên Vùng Đông Nam Á, bỏ qua hẳn một vùng văn hóa cổ xưa, đa dạng và phong phú nhất trên hành tinh này, do các sử gia trước đây cho rằng văn hóa Đông Nam Á chỉ là sản phẩm của các nền văn minh lục địa từ Ấn và Hoa.
Thực ra vào cuối Thời Kỳ Băng Tuyết Sau Cùng, Đông Nam Á nguyên là một lục địa được biết dưới tên thềm lục địa Sunda-Sunda shelf-Sundaland, qua ba giai đoạn tuyết tan đột ngột mực nước biển dâng cao tới 130m và đã nhận chìm các Nền Văn Hóa Thềm Lục Địa này. Vùng đất bị vùi lấp rộng bằng khối lục địa Bắc Mỹ. Trận lụt biển sau cùng xảy ra vào khoảng 8000 năm trước với những ngọn sóng thật lớn do phần vỏ trái đất dạn nứt khi các tầng băng tuyết ở bắc cực bị xụp xuống.
Do thềm lục địa Sunda bị nhận chìm nên đã tạo ra những cuộc di cư ồ ạt bằng cả đường bộ đường biển ra khắp hướng: Bắc nhập vào Á Châu sang tới tận Trung Hoa, Đông về hướng các Hải Đảo Thái Bình Dương, Tây nhập vào Ấn Độ Dương và nam về hướng Úc Châu.
Sau này khi mực nước biển phần nào hạ thấp xuống, các nhà khảo cổ đã khai quật được dưới lớp bùn dấu vết các nền văn hóa bị nhận chìm ở nhiều nơi như Đông Nam Á, Trung Hoa, Mesopotamia và Đa Đảo (Polynesia), Hắc Đảo (Melanesia) thuộc Đại Dương Châu.
Đồng thời có nhiều bằng chứng về ngữ học cho thấy Đông Nam Á còn là trung tâm phát xuất nhiều ngôn ngữ, như ngôn ngữ của sắc dân Đa Đảo (Polynesians) không hề phát xuất từ Trung Hoa như người ta thường nghĩ mà là từ các Hải Đảo Nam Dương.
Cũng có thêm cả những bằng cớ qua dấu ấn di truyền (gene markers) cho thấy các thổ dân Đông Nam Á đã tứ tán đi rất xa tới các Hải Đảo Nam Thái Bình Dương, tới tận Trung Đông và sang tới Châu Mỹ.
Cả đến khảo sát đối chiếu chủ đề thần thoại (myth motif) về các trận hồng thủy trong vùng Đông Nam Á hải đảo và Tây Nam Thái Bình Dương cũng đều thấy được nhắc tới trong thần thoại từ Trung Đông sang tới Châu Âu.
Tóm lại những bằng chứng về Hải Dương Học, Khảo Cổ Học, Ngữ Học, Di Truyền Học và cả Văn Học dân gian đã đưa tới một kết luận thuyết phục rằng Cái Nôi Của Nền Văn Minh Nhân Loại không phải là Trung Đông mà là từ thềm lục địa Sundaland Đông Nam Á bị chìm sâu.
Lướt Trên Những Xa Lộ Nâu
Sau chuyến đi Lào, hai vợ chồng Duy trở lại Sài Gòn, qua đêm trong một khách sạn trên Đường Nguyễn Huệ để sáng hôm sau về Cần Thơ cho kịp khóa thỉnh giảng của Duy ở Trường Y.
Buổi sáng dậy sớm xuống phòng ăn sáng. Continental Breakfast được ưa chuộng là món cháo trắng với hột vịt muối và các trái cây tươi của Đồng Bằng Sông Cửu Long: Chuối đu đủ thơm dưa hấu sa bô chê và cả trái thanh long có vị mát và hơi rớt chua. Theo đề nghị của Cao họ sẽ đi đường sông lần đầu tiên bằng Tàu Cánh Ngầm Liên Xô của Vina Express (công ty liên doanh giữa Singapore và Việt Nam).
Khúc Đường Nguyễn Huệ từ Lê Lợi ra hướng sông Sài Gòn không còn chợ hoa, buổi sáng sớm vắng xe nên biến thành những sân đá banh hay cầu lông cho cả người lớn và con nít. Chạy Jogging trên vỉa hè sạch sẽ có cả phụ nữ. Ra tới bờ sông là tấp nập các toán tập Tai Chi đa số là cao niên. Bên kia bờ sông nổi bật những tấm bảng thật lớn quảng cáo bia rượu và đồ dùng điện tử sản xuất từ xứ sở các Con Rồng Á Châu Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Singapore.
Nơi cầu tầu không xa nhà hàng Ngân Đình là những chiếc Tàu Cánh Ngầm trông uy nghi và dũng mãnh như những chiếc tiềm thủy đĩnh. Là loại tàu cao tốc chở khách chạy đường sông qua hầu hết các khúc sông lớn của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tàu có máy lạnh, quầy giải khát, có báo mới ra trong ngày biếu cho hành khách và các cô tiếp viên giống như tiếp viên hàng không trong tà áo dài Việt Nam duyên dáng.
Khởi hành rất đúng giờ 7:30 sáng từ Bến Bạch Đằng khi bình minh vừa ló dạng. Tàu chạy xuôi dòng theo con sông Sài Gòn qua những cánh rừng đước xanh ngút ngàn, nơi mà trong thời kỳ chiến tranh luôn luôn ẩn hiện những họng súng B-40 sẵn sàng phóng ra những trái đạn xé toác cả thân tàu và gây chết chóc. Tàu Cánh Ngầm lớn lại chạy nhanh tạo ra những đợt sóng mạnh đủ sức làm chìm những chiếc ghe nhỏ đi gần. Sau đôi tai nạn ban đầu chết người ấy thì tránh voi chẳng xấu mặt nào nên đã không còn ghe mảng nào muốn lại gần Con Tàu Liên Xô ác ôn ấy.
Đúng như hẹn, có Cao từ Bản Houei Sai Bắc Lào trở về cùng đi nên vợ chồng Duy đã có một hướng dẫn viên du lịch lý tưởng. Cao luôn luôn làm homework trước mỗi chuyến đi nên lần này có cả tấm bản đồ ‘’Hướng dẫn khách Hội Nghị Thượng Đỉnh các Nước Nói Tiếng Pháp du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long’’ với đủ chi tiết cho chuyến giang trình.
Tàu chưa đến cửa Soài Rạp không đi tiếp ra biển mà rẽ ngược vào Kinh Nước Mặn để vô sông Vàm Cỏ. Sau đó theo con Kinh Chợ Gạo để vào Sông Tiền. Cảnh tượng quen thuộc hai bên bờ sông và kinh rạch là những mái nhà lá.
Mắm trước, đước sau, tràm theo sát,
Sau hàng dừa nước, thấp thoáng nhà ai?
Trước cửa ra vào những mái nhà lá ấy là các phụ nữ trong những bộ áo quần màu sắc nổi bật trên cảnh trí chỉ có mênh mang một màu xanh của lá cây và màu nâu của nước. Những cô gái Cửu Long thì vẫn cứ đẹp như vậy trong một vùng kinh rạch nước thì đỏ như gạch qua cả hai mùa khô lũ nhưng vẫn luôn luôn là những bà mẹ suốt đời tảo tần nuôi một gia đình rất ư là đông con.
Điện đã về tới Đồng Bằng Sông Cửu Long xuống tận Năm Căn nên đã thấy các cột ăng-ten truyền hình trên những mái nhà lá. Nay có thêm phương tiện giải trí rồi có vì thế mà các gia đình người dân Miền Tây Nam Bộ ít con đi chăng khi mà họ lúc nào cũng sống thật hồn nhiên lạc quan yêu đời. 

Ra đi gặp vịt cũng lùa
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu
Đến bến Mỹ Tho trước 9 giờ. Đang mùa trăng tròn, nên cả một hạm đội đông đảo tàu đánh cá Biển Đông thả neo nơi bến đỗ nằm chờ. Lưới cá bằng đèn nên họ chỉ ra khơi sau tuần trăng. Tàu đánh cá ngoài biển khác với ghe sông, không có vẽ đôi mắt rắn thần Naga.
Điều Duy và Bé Tư mới được biết trong chuyến đi này. Với Cao không phải là lần đầu tiên đi đường sông và anh cũng không có cảm xúc của một khách du lịch. Là một kỹ sư môi sinh, Cao có mối ưu tư của riêng anh.
Dân cư Đồng Bằng Sông Cửu Long thì vẫn cứ tăng nhanh theo cấp số nhân, Du Lịch Sinh Thái kéo thêm du khách tới ngày một đông có nghĩa là lượng chất thải đổ xuống ngày một nhiều hơn trong khi các con đập khổng lồ Thượng Nguồn không chỉ làm dòng chảy của những con sông yếu dần mà còn tạo ra một số lượng rác kỹ nghệ trút xuống con sông ấy. Lại thêm viễn tượng trái đất nóng hơn 3 độ trong Thế Kỷ tới không chỉ có nghĩa là một số hải đảo của Quần Đảo Hoàng Sa Trường Sa sẽ biến mất mà thềm lục địa còn bị đẩy lùi do nước biển dâng cao và nạn ngập mặn sẽ lan khắp vùng châu thổ.
Nhìn ra dòng sông, giữa thấp thoáng những giề lục bình xanh man mác trổ một hai bông tím là các bao rác nilông và cả xác một con vật sình trương chết trôi chắc đã vào giai đoạn bắt đầu thối rữa.
Phân người, phân súc vật, phân bón thuốc trừ sâu, nước cống rãnh các đô thị có cả những chất thải từ các bệnh viện cứ nguyên vậy mà trút xuống và điểm hẹn vẫn là khúc cuối của những dòng sông.
Khi xuống tới Mỹ Tho Vĩnh Long Cần Thơ chưa kịp đổ ra biển thì lại gặp con nước thủy triều trong ngày và chất thải bị dội ngược lên cứ thế mà chạy đường vòng và cư dân miệt dưới thì lãnh đủ.
Kết quả phân tích của Trạm Sinh Thái Cần Thơ mới đây cho thấy lượng vi sinh trong nước đã tăng cao gấp hơn 200 lần mức an toàn. Những con số báo động ấy đã chẳng đủ sức làm động lòng ai, bởi vì bấy lâu ‘’đã thấy quan tài đâu mà đổ lệ’’ vả lại nếu có thiệt hại thì cũng là ai đó chứ không phải mình. Trước mắt Cao là những đứa trẻ vẫn hồn nhiên ngụp lặn dưới sông và người lớn thì vẫn múc nước sông để rửa rau, nấu nướng và cho nhu cầu gia dụng.
Viễn tượng cái ngày không tránh được (The Inevitable Day) là cả một vùng sinh thái đang chắc chắn dần dần bị hủy diệt do các con sông nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đều ô nhiễm, chung số phận với hơn một nửa các dòng sông của hành tinh này như báo động của Ủy Hội Nước Thế Giới Thế Kỷ 21.
Du lịch đang trở thành một kỹ nghệ. Đại Học đã mở các Phân Khoa Du Lịch, thêm hàng trăm ngàn công ăn việc làm chỉ để phục vụ cho du khách và đem về ngoại tệ. Một con số đầy tham vọng cho năm 2000 sẽ là 2 triệu du khách đến thăm Việt Nam, Du Lịch Xanh Đồng Bằng Sông Cửu Long đang là một trọng điểm thu hút.
Ngoài cảnh trí thiên nhiên sông nước, các vườn cây xanh và hoa trái, liệu có còn phải thêm Sex Tour kiểu Thái Lan với các cô gái Cửu Long ra để hấp dẫn thêm du khách? Phải chăng sau nửa Thế Kỷ chiến tranh và may mắn sống sót, người ta đã mặc nhiên chấp nhận một thứ ‘’văn hóa phổ quát với bất kỳ lối ứng xử nào’’ miễn sao ‘’chỉ để được sinh tồn’’.
Trong niềm vui tìm lại được cái nôi của nền văn minh Lục Địa Sunda từ 8000 năm trước, chứng kiến một bình minh phục sinh nền Văn Minh Miệt Vườn đầy sức sống trẻ trung ấy kéo dài chưa đầy 300 năm đã bắt đầu thấy những biểu hiệu tàn lụi không phải vì thiên tai mà là do chính con người gây ra qua Một Thảm Họa Môi Sinh và một Trận Dịch HIV đủ sức tiêu hủy trọn vẹn các Thiên Đườg Tìm Lại Được ấy...
Tàu rẽ vào con Kinh Chợ Lách nối các nhánh Sông Tiền rồi quẹo vào Kinh Măng Thít để ngược dòng vào Sông Hậu tới Bến Ninh Kiều lúc 1 giờ 35, là một Giang Cảng lúc nào cũng tấp nập tàu bè qua lại, với mực nước sông sâu tới trên 10 mét tàu biển lớn cũng có thể dễ dàng ra vào. Đã tháng 11 rồi, thay vì đỉnh lũ vào tháng 9, vậy mà mực nước sông vẫn còn lớn lại thêm trăng tròn nên nước lênh láng cả Bến Ninh Kiều vào tới chợ. Tàu Cánh Ngầm chạy suốt nhanh hơn đường bộ lại không phải chờ qua hai con phà, giá vé khoảng 10 đô la, rẻ đối với du khách nhưng vẫn là quá đắt với mức lợi tức của người dân Vùng Đồng Bằng Châu Thổ khi mà hàng hóa không thể chuyển tải theo người như với xe đò.
Thành Phố Cần Thơ bên Hữu Ngạn Sông Hậu, cách Sài Gòn 166 km hướng Tây-Nam, với dân số đã lên tới hơn nửa triệu và còn tiếp tục gia tăng theo đà kinh tế phát triển. Sân bay Trà Nóc đang được nâng cấp để trở thành đường bay quốc tế với Air Mekong chuẩn bị đón thêm du khách từ nước ngoài. Là nơi hội tụ của các đường giao thông từ Sài Gòn xuống Sóc Trang Bạc Liêu Cà Mau, từ Châu Đốc Long Xuyên tới, từ Hà Tiên Rạch Giá qua và cũng là nơi giao nhau của nhiều con kinh rạch. Chợ nổi Phụng Hiệp hay Ngã Bảy lớn nhất phía Nam là nơi hội tụ của bảy nhánh sông như một ngôi sao.
Ngay từ thời Pháp, Cần Thơ đã được coi như Thủ Đô của Miền Tây, nổi tiếng với những cô gái đẹp, cả đến phóng viên National Geographic cũng phải biết tiếng. Nằm giữa một vựa lúa gạo và trái cây của cả nước, Cần Thơ không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm chánh trị văn hóa với Đại Học Cần Thơ và Đại Học Khoa Học Nông Nghiệp nổi tiếng với nghiên cứu các giống lúa Thần Nông của Đồng Bằng Sông Cửu Long, chỉ sau Viện Lúa Gạo Quốc Tế Los Banos. Vợ chồng Duy thì ở lại Cần Thơ riêng Cao thì tiếp tục cuộc hành trình của anh đi Châu Đốc Tân Châu vào sáng ngày hôm sau.
Vương Quốc Phù Nam Và Nền Văn Minh Óc Eo
Chỉ hơn 10 ngàn năm trước đây thôi, Đồng Bằng Sông Cửu Long còn là một vùng biển chạy dài nối liền với thềm lục địa Sunda, dần dà do chất Pyrite trong phù sa con sông Mekong, cộng thêm chất sắt kết hợp với Sulfur trong nước biển tạo thêm hợp chất Pyrite bồi đắp đáy biển và tạo thành vùng châu thổ. Là vùng đất mới còn thấp so với mặt biển, như Đồng Tháp Mười vẫn còn là một vùng trũng có nơi chỉ cao hơn mực nước biển trung bình có nửa mét. Và rồi đã có một nền văn minh nảy nở trên vùng đất mới ấy.
Vào thập niên 30 khi đào kênh xáng Ba Thê nơi vùng Óc Eo Huyện Thoại Sơn Tỉnh An Giang, người ta đã phát hiện được một Thành Phố Hải Cảng cổ bị chôn vùi. Giả thiết cách đây 18 Thế Kỷ đã có một Vương Quốc Phù Nam (Funan Kingdom) nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long với một nền văn minh biển rất phát triển về hàng hải thương thuyền, nơi giao dịch buôn bán từ Ấn qua, từ Hoa xuống và là điểm giao lưu văn hóa rộng rãi của cả hai nền văn minh Ấn Hoa nhưng đậm nét nhất vẫn là sắc thái ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ với đạo Bà La Môn, đạo Phật Tiểu Thừa. Cũng còn dấu vết của cả một hệ thống kinh rạch cho thủy lợi và giao thông trên vùng Óc Eo phản ánh một xã hội Phù Nam đã phát triển có tổ chức và phân công lao động.
Louis Malleret Nhà Khảo Cổ, Nhà Sử Học Pháp đã nói tới sự hiện hữu của ‘’Nền Văn Minh Óc Eo’’. Người ta còn tìm thấy được ở đó cả những đồng tiền vàng xuất xứ từ La Mã có khắc hình hoàng đế Marcus Aurelius (121-180), những đồng tiền Ba Tư, các tượng thần Bà La Môn và cả tượng Phật.
Cùng trên một dải đất Việt Nam, trong khi phía Bắc chịu nhiều ảnh hưởng Trung Hoa điển hình với các tượng tạc trên gỗ, càng xa về phía Nam do ảnh hưởng văn hóa Ấn, các tượng thường được đục chạm trên đá. Nơi Viện Bảo Tàng Lịch Sử trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn, tiền thân là Viện Bảo Tàng Blanchard-de-la-Brosse với Louis Malleret một tên tuổi lẫy lừng làm Quản Thủ thời thuộc địa, không chỉ có Bộ Sưu Tập Nghệ Thuật Khmer Tiền Angkor từ lưu vực sông Mekong mà còn phải kể tới Bộ Sưu Tập các di chỉ nền Văn Minh Phù Nam, gồm các sản phẩm đồ gốm làm từ bàn xoay, các nhạc cụ và đồ dùng bằng đồng, các đồ trang sức bằng vàng và đá quý với kỹ thuật chạm trổ tinh xảo.
Chưa có câu trả lời dứt khoát tại sao một nền văn minh rực rỡ trên một vùng đất màu mỡ như vậy bỗng nhiên bị tàn lụi ngoài giả thiết về sự tàn phá của một trận thiên tai. Những người dân Phù Nam họ từ đâu và đến đây tự bao giờ trên một vùng mà chỉ mấy trăm năm trước đây thôi khi bắt đầu cuộc Nam Tiến đất thì chưa ‘’vững chân’’ và còn nguyên hoang dã sình lầy. Chưa có câu trả lời chính xác, cũng như chưa có câu trả lời cho xuất xứ những nền văn minh dọc theo con sông Mekong như sự hiện diện của những cái chum trên Cánh Đồng Chum ở Lào vẫn còn là điều bí nhiệm. Đây vẫn là những đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu ở Thế Kỷ tới.
Nhưng những năm gần đây đã lại có thêm các ý kiến khác như David P. Chandler cho rằng ‘’những cái tên như Vương Quốc Phù Nam hay Chân Lạp trong cổ sử Trung Hoa thực ra chỉ là gồm nhiều lãnh địa-chiefdoms-small principalities được kết hợp chung dưới tên gọi như một Vương Quốc nhằm tạo dễ dàng cho việc gửi phẩm vật triều cống sang Trung Hoa hay cho mục đích cùng đi tìm sự bảo hộ nhằm chống lại xâm lăng của các nước lân bang.’’
Trước Chandler, O.W.Wolters cũng đã đưa ra ý niệm Vòng Đai Mandalas phản ánh đúng nhất về hình thái ‘’các Vương Quốc Đông Nam Á’’. Sự hình thành mỗi Vương Quốc khởi đầu với một bô lạc mạnh như một trung tâm quyền lực với vòng đai ảnh hưởng lan rộng bao trùm các bộ lạc yếu kém hơn bắt khuất phục và sát nhập. Nhưng cũng tùy theo sự thịnh suy của trung tâm quyền lực ấy mà Vương Quốc có thể co giãn. Lại thêm các bộ lạc bị chinh phục lúc nào cũng tìm cách tách ra để lập một Vương Quốc mới cho mình.
Do đó không thực sự có một Vương Quốc Phù Nam, Chân Lạp hay Lan Xang (Lào) với đường biên giới rõ ràng như trên các tấm bản đồ Tây Phương sau này.
Sang tới Thế Kỷ thứ 7, thì vùng đất này được coi là thuộc Thủy Chân Lạp (Water Chenla) nhưng vẫn chỉ là một vùng hoang dã với thưa thớt những người Khmer an phận trong các phum sóc sống bằng nghề nông kỹ thuật canh tác thô sơ, họ sống như vậy trong suốt nhiều Thế Kỷ cho tới khi giao tiếp với những người lưu dân Việt từ phương Bắc tới vào cuối Thế Kỷ thứ 16 thời kỳ Trịnh Nguyễn Phân Tranh.
Người Việt đi về Phương Nam ngày càng đông, tuy chẳng phải là một đạo quân chinh phạt nhưng bằng sức sống dũng mãnh họ đã khai phá và chế ngự được cả một vùng đất sình lầy để tạo nên Vùng Đồng Bằng Nam Bộ trù phú ngày nay. Khác với dải đất Miền Trung quê hương của dân tộc Chăm đã trải qua những Thế Kỷ chinh chiến điêu linh, nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đã không có những cuộc giao chiến đẫm máu của đám di dân Việt mới tới để chiếm đất, như đã xảy ra giữa người Da Trắng và các thổ dân Da Đỏ ở Mỹ Châu, nhưng do các Cộng Đồng người Khmer thì sống khép kín và tự động co rút lại trên những giồng đất cao và đương nhiên sau đó họ trở thành sắc tộc thiểu số. 

Người Khmer Nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long
Nay chỉ có khoảng 900 ngàn người Khmer trong tổng số 18 triệu cư dân sống nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long (mà dân địa phương còn quen gọi là Thổ-Mùa Thổ Dậy vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân Miền Tây Nam Bộ và Kampuchea Krom thuộc FULRO trước đây nguyên là Mặt Trận Giải Phóng Đồng Bằng Cửu Long).
Tuyệt đại đa số người Khmer theo Đạo Phật Tiểu Thừa Nam Tông hay còn gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada với tinh thần tự tu và chỉ thờ mỗi Đức Phật Thích Ca.
Họ sống đông nhất ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Châu Đốc, vẫn giữ nếp sống khá biệt lập trong những phum sóc [mươi căn nhà họp thành ‘’phum’’, nhiều phum họp thành ‘’sóc’’ như một làng].
Nhà cửa của người Khmer đơn sơ nhiều nhà còn lợp lá nhưng lại nổi bật các ngôi chùa vàng uy nghi với sư sãi như các vị lãnh đạo tinh thần. Không xa chùa có tháp đựng cốt người chết được hỏa thiêu, trong các phum sóc Khmer không có nghĩa địa.
Hình ảnh quen thuộc nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long vùng có đông người Khmer sinh sống là mỗi buổi sáng các Nhà Sư mặc những chiếc áo cà sa vàng rực ra khỏi chùa bắt đầu ngày đi khất thực. Bước vào thời kỳ Đổi Mới, đã không còn hình ảnh Nhà Sư tự ôm bình bát như ngày nào mà bây giờ có lẽo đẽo theo sau mỗi Nhà Sư một chú tiểu đồng một tay cầm dù một tay xách chiếc cà men bằng nhôm nhiều ngăn sáng choang để nhận các thức ăn mà dân làng cúng dường, món chay hay mặn gì thì các Nhà Sư cũng đều được phép dùng, khác với Phật Giáo Đại Thừa Bắc Tông chỉ được ăn chay.
Hai Trạm Môi Sinh Biên Giới
Hộ thì đang bận chủ trì Hội Nghị Nông Nghiệp không thể cùng đi với Cao nhưng có gửi theo một kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp con của ‘’đồng chí’’ tỉnh ủy Mười Nhe, nguyên là huyện ủy Tam Nông. Từ huyện lên tỉnh, trở thành tỉnh ủy viên Tỉnh Đồng Tháp được bầu vào trung ương đảng, sự thăng tiến của Mười Nhe được coi như thắng thế của phe bảo thủ.
Khi được hỏi về sự hỗ trợ từ địa phương cho Mạng Lưới Môi Sinh thì Thuận với giọng không vui kể lại:
‘’Các đồng chí tỉnh ủy thì không cản bởi vì đây thuộc diện chánh sách nhưng cũng chẳng mặn nồng giúp đỡ vì cho rằng còn bao nhiêu chuyện bức xúc khác của cuộc sống hàng ngày từ cái ăn tới cái mặc phải lo hơi đâu mà bàn tính chuyện môi sinh xa vời!’’
Đây chính là quan điểm trước sau như một của Mười Nhe, ba của Thuận. Chuyến ‘’field trip’’ của Cao đi tìm địa điểm biên giới xa nhất cho các Trạm Môi Sinh được mào đầu bằng ‘’một gáo nước lạnh’’ như vậy.
Từ Thị Xã Long Xuyên bên Hữu Ngạn Sông Hậu đi Châu Đốc, nhà cửa hai bên quốc lộ mọc san sát, sinh hoạt sầm uất với đủ các loại xe kể cả những xe hàng lớn chạy nhanh lạng lách bóp còi inh ỏi nơi có nhiều người qua lại, cả rất đông học sinh vào giờ tới trường hay tan học. Ngồi trên chiếc Minivan 15 chỗ với tay tài xế cự phách mà cũng không thấy thêm an toàn. Cao tự thấy mình chưa đủ ‘’tiêu chuẩn’’ để lái xe trên các con lộ như vậy cho dù anh đã có hàng nhiều ngàn giờ lái kể cả xuyên bang trên khắp các nẻo đường Mỹ Quốc. Nhanh gì thì cũng phải ngót 2 giờ xe chạy để tới một Tỉnh lỵ biên thùy chiến lược quan trọng được bảo vệ kiên cố từ thời Chúa Nguyễn và rồi được xây cất khang trang từ thời Pháp, nay vẫn còn những ngôi biệt thự kiến trúc cổ kính với vườn cây cao xanh um.
Châu Đốc cũng là nơi đầu mút con kinh Vĩnh Tế như một đường biên giới nhân tạo chạy thẳng ra tới cửa biển Hà Tiên. Là một địa danh giàu tính lịch sử với Đình Châu Phú Thờ Quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh tên tuổi gắn liền với cuộc Nam Tiến, núi Sam với Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An và miễu Bà Chúa Xứ đem lại cho Châu Đốc khuôn mặt của những tháng ngày lễ hội.
Ngã ba sông Châu Đốc trước đây rất nổi tiếng với ngôi chợ nổi nay không còn nữa nhưng nơi đây vẫn là trung tâm nuôi cá bè lớn nhất của Đồng Bằng Sông Cửu Long và cũng còn rất nổi tiếng về món mắm cá lóc. Nói như Thi Sĩ Tản Đà nếu ăn uống là văn hóa thì người ta đang nói tới nền Văn Hóa Tương (Tương Cự Đà) của Châu Thổ Sông Hồng đang bị thay thế bởi Văn Hóa Mắm (Mắm Châu Đốc) của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đâu có cần tới thuật ngữ di truyền học cao xa của Duy để nói về sự hoán vị của hai nền văn hóa ấy.
... Từ thác Khone đổ xuống, Con Sông Lớn (Tonle Thom) tên Khmer của con sông Mekong khi đến gần Nam Vang thì chia làm ba nhánh hợp với dòng chính tạo thành Ngã Tư Sông mà người Pháp gọi là Quatre Bras: Một nhánh sông Tonlé Sap chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ và xuôi dòng trong mùa khô, còn hai nhánh kia phía bắc là Sông Tiền, phía nam là Sông Bassac khi vào Việt Nam có tên là Sông Hậu. Sông Hậu trên đất Cam Bốt vì là dòng phụ nên tương đối hẹp nhưng khi vào Việt Nam do được thêm con sông Châu Đốc đổ vào và các con kinh đưa nước Sông Tiền qua nên lưu lượng trở nên lớn hơn và hai bờ sông mở rộng thêm ra. Hai người ngồi trên chiếc xuồng máy chạy băng băng về hướng Bắc trên con Sông Hậu mênh mang nước thắm đỏ phù sa, rồi bằng khúc quẹo ngặt để rẽ vào một con kinh thông sang Sông Tiền tới Tân Châu sát biên giới Việt Cam Bốt. Tân Châu vốn nổi tiếng về hàng lụa dệt, ‘’lãnh Tân Châu’’ nhuộm bằng quả mặc nưa do bền nên rất được ưa chuộng.
Lũ vẫn cứ cuồn cuộn đổ về từ Thượng Nguồn, mực nước chuẩn Sông Tiền ở mức báo động cấp 3. Mặt sông trải rộng tới hơn 2 km nhưng vẫn thấy được các hàng cây xanh từ hai bên bờ. Tới Vĩnh Xương, một xã với hơn 10 ngàn dân được coi là cửa khẩu kế cận với Om Xà No thuộc Cam Bốt, chỉ cần mươi bước là đã vượt qua biên giới hai nước. Nơi đây có trạm hải quan và mấy quán cóc bên sông. Cứ theo kế hoạch của Nhà Nước thì vào năm 2000, sẽ có một khu Chợ Cửa Khẩu Quốc Tế rộng 11 hecta thay thế khu chợ trời đang là giang sơn tung hoành của đám dân buôn lậu.
Chiếc tàu sắt lớn của đội biên phòng đang bỏ neo giữa sông và cứ phải tưởng tượng như có thực một đường biên giới giữa hai nước đang còn nhiều tranh chấp nên với bất cứ đường vẽ nào trên bản đồ cũng ‘’chỉ có giá trị tham khảo.’’
Ngược dòng Sông Tiền là những chiếc ghe thương hồ chở đầy ắp bắp cải rau trái, thỉnh thoảng cũng có tàu dầu lớn mấy ngàn tấn, tất cả cùng hướng về Nam Vang.
Đã qua rồi thời kỳ tàu bè tấp nập từ Biển Đông ra vào khi Liên Hiệp Quốc đưa lực lượng đa quốc UNTAC vào giúp ổn định đất nước Cam Bốt sau khi quân đội Việt Nam triệt thoái.
Ra thăm chiếc tàu sắt giữa gió sông lồng lộng trong ánh nắng nhiệt đới chan hòa, sóng từ chiếc xuồng máy làm chòng chành những chiếc thuyền câu bé tí teo, neo ngay giữa dòng để câu những con ‘’cá ba sa’’ nhỏ, giống cá bông lau xuống từ Biển Hồ, để đem bán cho các nhà bè nuôi cá dưới ngã ba sông Châu Đốc.
Dự trù rằng sau hai trạm Theo Dõi Môi Sinh (EcoWatch) nơi Bản Houei Sai và Kratie dưới thác Khone thì Ngã Ba Sông Châu Đốc và Tân Châu sẽ là 2 trạm biên giới của hai con Sông Tiền và Sông Hậu ngay khi đổ vào Việt Nam.
Riêng với Trạm Tân Châu, nơi mà hơn 60 năm trước học giả Nguyễn Hiến Lê khi còn là một cán sự công chánh mới ra trường chỉ có một cây thước nước cho trạm đo đạc, nay với một dụng cụ xách tay gọn nhẹ/ compact sonde đem đặt trên con tàu sắt, thì chỉ cần một kỹ thuật viên truyền tin như anh Bảy là đủ, anh nay không chỉ là chiến sĩ biên phòng anh còn là đội trưởng Tiền Sát Môi Sinh có khả năng phát hiện sớm nhất dấu hiệu xâm nhập ô nhiễm từ Phương Bắc. Anh Bảy nghiễm nhiên đã là thành viên của Nhóm Bạn Cửu Long theo trọn vẹn ý nghĩa của danh từ phấn đấu cho điều mà ký giả báo Le Monde mệnh danh là une cause célèbre: ‘’Cho Tương Lai Tốt Đẹp của Con Sông Mekong’’ bao gồm các bước phát hiện sớm, xác định hiểm họa và cơ hội, tiến thẳng tới mục tiêu hành động. Và sẽ chẳng bao giờ là quá sớm.
Người Chăm Mới Châu Đốc-Chăm Bhrâu 

Chuyến khảo sát chọn địa điểm hai Trạm Môi Sinh biên giới hoàn thành tốt đẹp, Thuận mang máy trở về Đại Học Cần Thơ trước. Cao thì ở lại Châu Đốc tiếp tục chuyến du khảo nhân văn đi thăm các khu làng Chăm nhằm cập nhật một vấn đề mà anh rất quan tâm có liên quan thiết thân tới tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long. Không phải là ngẫu nhiên mà báo chí sách vở vào những năm tháng cuối của Thế Kỷ 20 đang nói tới một trào lưu mới của nhân loại khi bước vào Thế Kỷ tới. Cách đây không lâu, Cao không thể không có một thoáng lo lắng khi đọc một cột tin trang trong như chẳng có gì là quan trọng nhưng với Cao thì lại rất nhiều ý nghĩa, trên tờ New York Times tiên đoán ‘’bước sang Thế Kỷ 21 thế giới sẽ có thêm nhiều quốc gia nhỏ mới hình thành do phong trào đòi tự trị của các sắc tộc thiểu số và cả tôn giáo nữa’’. Bài học Nam Dương trên bờ vực tan rã đang là một minh chứng.
Tờ báo Pháp Le Monde mới đây cũng đề cập tới ‘’Những giấc mơ độc lập trong vùng Châu Á (Songes indépendantistes dans l’Asie)’’. Người ta bắt đầu nói tới manh nha các phong trào đòi độc lập của các sắc dân thiểu số và người Hồi Giáo tuy số ít nhưng lại hoạt động rất mạnh ở Á Châu.
Trong cuốn sách ‘’Nổi Dậy Có Nguyên Do (Rebels With a Cause)’’ Nicholas L. Kittrie đã báo động về một viễn tượng chánh trị toàn cầu trong đó ‘’Tôn giáo quá khích đang có khuynh hướng trỗi dậy với toàn lực. Nguy cơ tranh chấp lớn nhất trong tương lai sẽ xuất phát từ cuồng tín chánh trị tôn giáo.’’ Hiển nhiên bản chất tôn giáo là tốt đẹp nhưng khi có chánh trị xen vào đều có thể trở thành The ‘’Dangerous Duo’’ (Bộ Đôi Nguy Hiểm), nghĩa là quá khích đưa tới cuồng tín.
Trong buổi họp trù bị cho Đại Hội Các Sắc Dân Thiểu Số Đông Dương diễn ra tại San Francisco mới đây tưởng chừng như hoàn toàn đổ vỡ vì quan điểm cứng rắn và không tương nhượng của một số thành viên tham dự vốn gốc là các nhà hoạt động FULRO. Họ dứt khoát tuyên bố sẽ không có Đại Hội nếu có thành viên người Việt tham dự mà mấy khách người Mỹ gốc Việt dự trù được mời là do các công trình nghiên cứu của họ về sử học Đông Nam Á thuộc Đại Học Berkerley. Và rồi Đại Hội được tiến hành với các đoàn đại biểu quốc tế nhưng dĩ nhiên là không có mặt một thành viên người Việt nào.
FULRO (Front Unifié de Libération-de Lutte des Races Opprimées-Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng-Đấu Tranh các Sắc Tộc Bị Áp Bức) nguyên là phong trào chánh trị hình thành vào thập niên 60 ban đầu chỉ được nhìn đơn giản như sự nổi dậy của các sắc tộc thiểu số Người Thượng trên Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam với tên lãnh tụ là Y Bham nhưng thực ra còn bao gồm cả Mặt Trận Giải Phóng Champa, Mặt Trận Giải Phóng Đồng Bằng Cửu Long (Kampuchea Krom) mà bộ óc chỉ đạo thực sự là một người Chăm có tên Les Kosem nguyên là Sĩ Quan Nhảy Dù cấp Tá rất thân cận với Tướng Lon Nol trong Quân Đội Hoàng Gia Cam Bốt sau đó được vinh thăng lên cấp Thiếu Tướng. Luận cứ của phe tranh đấu cực đoan cho rằng: ‘’Sự diệt vong của Champa có một nguyên nhân chính yếu là cuộc Nam Tiến của Việt Nam mà thực chất là chánh sách bành trướng và xâm lược’’.
Cũng vẫn theo họ thì: ‘’Quốc gia Champa tuy không có tên trên bản đồ thế giới nhưng dân tộc Champa như một đa sắc tộc thực ra vẫn tồn tại, không phải chỉ có những di tích cổ vật bia đá hay những tháp Chàm đổ nát nhưng chính là sự hiện diện của hai Cộng Đồng nhân chủng rất sinh động: Nhóm đầu tiên gồm 300 ngàn anh em Tây Nguyên ở Miền Trung Việt Nam, nhóm thứ hai khoảng 100 ngàn người Chăm ở Phan Rang Phan Rí, 30 ngàn người ở Châu Đốc Tây Ninh và hơn 150 ngàn người lánh nạn ở Cam Bốt Thái Lan.’’ (Trên thực tế, chính giới lãnh đạo người Thượng Tây Nguyên hải ngoại không tự nhận họ thuộc Champa mà là một quốc gia riêng có tên là Dega có cờ riêng bốn màu, trên home page, với hình tượng con voi biểu trưng cho sức mạnh và màu xanh của núi rừng, đỏ của máu và đấu tranh, trắng của hòa bình, vàng tròn của công lý và hữu nghị).
Nhưng cũng có những học giả người Chăm đại diện cho khuynh hướng ôn hòa thì lại đưa ra một cái nhìn phân tích rất khác: ‘’Trong suốt quá trình lịch sử từ Thế Kỷ 11 tới Thế Kỷ 19 đã có sự xung đột liên tục trong nội bộ Champa như một liên bang và đây cũng là nguyên nhân đưa Vương Quốc này tới chỗ tiêu vong’’. Và cũng không thể không nói tới tấn thảm kịch lịch sử: Dân tộc Chăm đã là nạn nhân trong cuộc nội chiến giữa người Việt ngay từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh Nguyễn Hoàng phải mở rộng biên giới phía Nam để đương cự với họ Trịnh phía Bắc, tới thời Nguyễn Ánh chống Tây Sơn Vương Quốc Champa đã trở thành bãi chiến trường, rồi thời kỳ Lê Văn Duyệt chống lại triều đình Huế dân tộc Chăm bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp của các phe để rồi bị nghiền nát trong những cuộc chém giết ấy bằng một chánh sách đàn áp tàn bạo của Vua Minh Mạng (1820-1841) mà người Chăm gọi là Lengka (Đại Đế). Có thể nói năm 1832 Vương Quốc Champa hoàn toàn bị xóa trên bản đồ.’’
Người Chăm ở Miền Trung thực tế nay cũng chỉ còn khoảng 60 ngàn người sống trên một dải đất hẹp khô cằn từ Phan Thiết xuống tới Phan Rí (Bình Thuận) nhưng đông nhất vẫn là ở tỉnh Phan Rang (Ninh Thuận), vùng đất của cát và nắng gió. Champa nguyên là một Vương Quốc hùng mạnh với nền văn minh rực rỡ, lãnh thổ kéo dài từ Quảng Bình vào tới gần Biên Hòa, với những đội quân rất thiện chiến đã từng đánh ra tới thành Thăng Long gây khiếp sợ cho vua quan triều đình Đại Việt, họ cũng từng đánh chiếm và tàn phá Kinh Đô Angkor còn để lại dấu tích trên những phù điêu trong Khu Đền Đài Angkor phục sinh.
Nhưng rồi bằng từng bước Nam Tiến, Thế Kỷ thứ 11 (1069) Triều Đại Nhà Lý, người Việt đã vào tới Quảng Bình Quảng Trị, tới Thế Kỷ 17 (1697) đời Nhà Nguyễn, họ đến gần tiểu Vương Quốc Panduranga phần đất cuối cùng của Vương Quốc Champa. Người Chăm Phan Rang đa số theo Đạo Bà La Môn. Chăm Ahier, còn giữ nhiều nét truyền thống của chế độ mẫu hệ, duy trì việc thờ cúng trên các Tháp và có tục hỏa thiêu người chết. Cũng có ít người Chăm Awal hay Bani chịu ảnh hưởng truyền thống Hồi Giáo nhưng khác với Hồi Giáo Muslim của người Chăm Châu Đốc mà họ gọi là Chăm bhrâu (Chăm Mới).
Làng mạc của người Chăm Pani Panang (Phan Rí Phan Rang) rất đặc biệt, luôn luôn có hàng rào kín bằng thân cây khô hay tre bao quanh, khoảnh đất quanh nhà thì không trồng cây rất trơ trụi vì tục lệ kiêng cử cho rằng tàng cây che mát có thể là nơi ẩn trú của ma quỷ. Có người tự nhận là am hiểu lịch sử thì lại có lối giải thích khác cho rằng đó như một thứ Ấp Chiến Lược của người Chăm nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và sát hại của người Việt và sau này thì chính ông Ngô Đình Nhu đã mô phỏng để biến thành một quốc sách.
Phụ nữ Chăm vẫn vận những chiếc váy dài tới gót, không gồng gánh nhưng lại đội trên đầu các om nước và các rổ hàng ra chợ. Miền Trung nhất là Phan Rang còn rất nổi tiếng với những Tháp Chàm cổ như Ba Tháp Thế Kỷ thứ 9, Tháp Po Klong Garai Thế Kỷ 14, Tháp Po Rômê là ngọn tháp cuối cùng vào Thế Kỷ 17. Di tích các ngọn Tháp cho dù đổ nát và sinh hoạt truyền thống của người Chăm vẫn là những cảnh quan luôn luôn hấp dẫn ống ảnh của du khách. Ngược dòng lịch sử, trước những tháng ngày Vương Quốc Champa tiêu vong, như bắt đầu một chia lìa định mệnh, một số Cộng Đồng người Chăm vượt dãy Trường Sơn thoát chạy về phía Tây phiêu bạt sang các nước như Cam Bốt (Kompong Cham và trên các giồng đất dọc theo con sông Mekong) và Thái Lan (Ban Khrua ở Bangkok, Cố Đô Ayutthya và cả một khu Chăm bên bờ sông Chao Phraya)... Khi phải lưu lạc sang Xiêm La chính người Chăm đã giúp phát triển lực lượng hải quân của Vương Quốc này.
Cho tới khi Chúa Nguyễn mở mang đất đai tới Châu Đốc, Thoại Ngọc Hầu được giao trọng trách đào con kinh Vĩnh Tế, thì số người Chăm ở đây được điều động và biên chế thành những đạo quân ‘’Côn Man’’. Vốn là những chiến binh giỏi họ rất đắc lực trong việc bảo vệ Thành Châu Đốc đồng thời đóng vai trò đôn đốc tám chục ngàn sưu dân Khmer và Việt gian khổ ngày đêm đào con Kinh Vĩnh Tế trong suốt 5 năm trường với rất nhiều tổn hại nhân mạng. Sau khi con Kinh Vĩnh Tế hoàn tất, cả triều đình Huế xem đây như thành quả to tát và để thưởng công cho đám người Chăm này, cũng vẫn Vua Minh Mạng đã lại chiêu dụ cấp đất cho họ lập thành 7 làng Châu Giang, Phum Xoài, Lama, Katambong, Tam Hội, Bún Bình Thiên, Đồng Ko Ki (với người Chăm luôn luôn là số 7 có một ý nghĩa truyền thống lịch sử). Sau này thêm làng Đa Phước do dân từ Phum Xoài bên kia sông qua, chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nên còn có tên là Cồn Tơ Lụa (Koh Kaboăk).
Từ đó tới nay họ vẫn sống khá cách biệt với Cộng Đồng Người Việt và còn giữ được một số nét bản sắc văn hóa Champa nhưng cũng đã khác xa với đồng bào của họ nơi gốc gác quê nhà.
Tuy cùng một nguồn gốc chỉ tách xa nhau chưa đầy 300 năm nhưng họ phát triển theo những hướng khác nhau và cả lắm ‘’dị mộng’’. Ngay giữa các Cộng Đồng người Chăm bhrâu (Chăm Mới) theo Đạo Hồi ở Châu Đốc và người Chăm Awal (Bani) theo Đạo Hồi ở Phan Rang và người Chăm Ahier theo Đạo Bà La Môn đã có những khác biệt và dấu hiệu phân hóa phức tạp, phản ánh chính xác cái nhìn của chính các Nhà Sử Học Chăm.
Như một sự kiện mới của lịch sử dân tộc Chăm cuối Thế Kỷ 20, cùng với hơn 2 triệu người Việt Cam Bốt Lào đã có khoảng 25 ngàn người Chăm tỵ nạn ở nước ngoài từ sau 1975. Khoảng 20 ngàn người Chăm Hồi Giáo từ Châu Đốc Cam Bốt chọn định cư ở Mã Lai, xứ sở ngay từ đầu mở rộng vòng tay tiếp đón họ. Số còn lại gồm cả người Chăm Phan Rang Phan Rí sang định cư tại các nước thứ ba khác như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại... với danh nghĩa là công dân Việt Nam hay Cam Bốt và đông đảo nhất khoảng 5 ngàn người ở Bang California Hoa Kỳ. Họ vẫn sống khá biệt lập với tín ngưỡng và thân tộc của họ. Cộng Đồng người Chăm hải ngoại tuy không phải đa số nhưng được lãnh đạo bởi thành phần có học tốt nghiệp từ các Đại Học Mỹ Pháp Mã Lai, họ là một tập thể người Chăm đã vượt qua giai đoạn than khóc ai oán tiếc hận vẫn được xem như bản chất người Chăm từ ngày mất nước. 

Còn đâu nữa những ngày oai hùng cũ
Khi tháp Chàm ủ rũ dưới màn sương
Từ những Cộng Đồng rời rạc không vua chúa không người lãnh đạo, cùng nói tiếng Chăm nhưng đã không hiểu được nhau, nay họ trở nên rất sinh động với những ý tưởng mới trong ý hướng phục hưng nền văn minh Champa: Nghiên cứu lịch sử và khơi dậy tình tự dân tộc Chăm đi tới thống nhất các Cộng Đồng Người Chăm bên trong cũng như bên ngoài. Đáng kể hơn nữa là họ tạo được mối liên hệ và sự hậu thuẫn của các nước Hồi Giáo giàu có trên thế giới như Ả Rập Sau-đi, Ai Cập và gần cận nhất là Mã Lai. Cũng không thể không nhắc tới Nhật Bản với những ngân khoản tài trợ rất ư là dồi dào và cả Pháp với Trường Viễn Đông Bác Cổ. Cả hai đều muốn có một vai trò trở lại Đông Dương. Riêng Bắc Kinh thì chưa có biểu hiện muốn nhúng tay vào không phải vì muốn một nước Việt Nam bất khả phân nhưng là nỗi e ngại vết thương tự gây ra (self-inflicted injury) do các phong trào Hồi Giáo đòi tự trị dai dẳng ngay trong lãnh thổ Trung Quốc từ Tân Cương xuống Vân Nam không phải mới đây mà là rất sớm đã từng được đoàn thám hiểm Francis Garnier-Doudart de Lagrée ngược dòng sông Mekong khi vào lãnh thổ Trung Hoa ghi nhận cách đây cả hơn một Thế Kỷ.
Với một hậu phương lớn như vậy, ý hướng phục sinh một quốc gia Champa ‘’Ngày vinh quang của non nước Chiêm Thành’’ không phải không được một số ít nhà lãnh đạo militant Chăm một thoáng nghĩ tới.
... Bằng một chiếc ghe chèo len lách giữa các căn nhà nổi và khu nhà nuôi cá bè trên Sông Hậu đối diện với Thị Xã, Cao tìm tới ngôi làng Chăm Đa Phước còn có tên Cồn Tơ Lụa-Koh Ka Boaak.
Như một định mệnh, một tháp ghép lịch sử (historic transplant), đã có khoảng 12 ngàn người Chăm sinh sống ở Châu Đốc mà dân địa phương vẫn quen gọi là Chà, vì họ theo đạo Hồi chính thống, rất gần và giống như người Mã Lai.
Họ sinh hoạt khá cách biệt trong những ngôi nhà sàn sạch sẽ và cao ráo, phụ nữ tuy không che mặt nhưng trên đầu có đội khăn rất ít ra ngoài, sống bằng nghề dệt tơ lụa thủ công chủ yếu xuất cảng sang Mã Lai.
Mỗi làng Chăm có một ngôi thánh đường mới với tháp nhọn uy nghi, bên trong rộng thênh thang sáng sủa và không có bày biện bàn thờ hay tranh tượng nào.
Các bậc trưởng thượng trong làng cho biết thánh đường mới xây cất từ 92 do tiền từ nước ngoài gửi về từ các Cộng Đồng Chăm Hải Ngoại đang được hậu thuẫn rất mạnh từ các nước Hồi Giáo nhất là Mã Lai. Hôm đó, nơi ngôi làng Đa Phước lịch sử đầy ắp những hoài niệm của quá khứ, Cao được các vị trưởng lão mời một bữa ăn trên căn nhà sàn bên trong trang trí hoa văn có nét giống Ả Rập. Cũng là lần đầu tiên Cao được dọn cho ăn món đặc sản ‘’tung lamo’’ của người Chăm, một thứ lạp xưởng bò (người Hồi Giáo kiêng cử thịt heo) hay đúng hơn là dồi thịt bò ướp gia vị trộn với một ít cơm đã được phơi nắng cho lên men. Các khúc dồi được nướng trên than hồng cháy thơm phức, sau đó dọn ra ăn với rau sống khế chua và chuối chát không những là món ăn lạ miệng mà còn rất ngon nữa.
Cũng buổi chiều ngày hôm đó trước khi giã từ ngôi Làng Đa Phước, khi bế em bé Karim 3 tuổi với khuôn mặt thật khôi ngô và hiền hòa trên tay, thế hệ người Chăm Thế Kỷ 21, Thế Kỷ Toàn Cầu Hóa, Cao tự hỏi nếu anh thực sự là một người Chăm không quên quá khứ anh sẽ có mơ ước chọn lựa nào? Quả thật không dễ dàng để có lời giải đáp. Nhưng dứt khoát bé Karim phải tồn tại để nuôi dưỡng giấc mơ với tấm lòng bao dung rộng mở, làm sao vượt qua được giai đoạn lịch sử đau thương quá khứ, hóa giải những thù hận nghi hoặc của hiện tại để thăng hoa xây dựng cuộc sống hài hòa thịnh vượng trong một sinh cảnh thiên nhiên được giữ gìn tinh khiết. Thế hệ em xứng đáng để có một tương lai như vậy. Điều ấy không phải đương nhiên mà có được khi trước em vẫn còn một thiểu số tuy rất ít nhưng lại rất năng động tin tưởng ở các thế lực bên ngoài giúp họ hình thành ‘’một quốc gia tự trị’’ trong ‘’bối cảnh một Việt Nam vỡ ra từng mảnh’’ vẫn là những ‘’lessons unlearned’’ qua kinh nghiệm lịch sử đắng cay của những người Thượng cách đây hơn một phần tư Thế Kỷ khi người Mỹ hoàn toàn bỏ rơi họ trên những núi đồi bi thảm.
Ngay hiện giờ thì Cao chỉ có thầm nguyện ước sao cho em không bị lôi cuốn vào những cuộc phiêu lưu đẫm máu để bị nghiền nát trong những tranh chấp mang màu sắc chủng tộc tôn giáo đầy thù hận. Đoạn đường chông gai ấy sẽ không bao giờ có những bước chân em.
Em sẽ được sống hạnh phúc trọn vẹn như một người Chăm trong một thời đại Văn Hóa Hòa Bình như mơ ước của nhân loại khi bước vào năm đầu tiên của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Giã từ Thế Kỷ 20 có nghĩa là giã từ một nền Văn Hóa Chiến Tranh với chuyển biến cơ bản trong cách suy nghĩ và hành sử của mỗi con người trên hành tinh này, theo đó bất bạo động linh hoạt sẽ thay thế cho võ lực, văn hóa sáng tạo và đối thoại hợp tác sẽ thay thế cho hình thái đấu tranh triệt tiêu lẫn nhau.
Em phải được tồn tại và phát triển để có thể nuôi dưỡng giấc mơ cho tương lai cuộc sống thái hòa trên một vùng đất định mệnh vốn là quê hương chung của trăm họ mà chỉ mới hơn tám ngàn năm trước đây thôi đã là cái nôi của nền văn minh nhân loại. 
CHƯƠNG XXIII 
NGÀY MỚI TRÊN CÔNG VIÊN LÊNIN 
Tự Do là quý, quý tới mức phải khẩu phần hạn chế
Vladimir Ilitch Ulyanov Lenin
Người đàn ông mái tóc điểm sương với cặp kính cận thật dầy bước đi nhẹ và thanh thoát dọc theo hai bên hàng cây Jaracanda hoa tím nở đầy, báo hiệu những ngày thật nắng ấm của miền nam Cali.
Ông có dáng của một cây tùng trước bão đứng vững qua bao nhiêu thăng trầm của thời thế cho dù ông mang đủ thứ bệnh do những năm tháng dài tù đầy. Với bệnh phổi đang thời gian điều trị thì khí hậu ở đây cũng là lý do khiến ông không chọn miền Đông với Trái Táo Lớn Nữu Ước như một vùng đất lành. Với ông cũng như các nghệ sĩ lưu vong chọn cuộc hành trình tới Mỹ Quốc thì Nữu Ước vẫn có sức mạnh hấp dẫn của một thứ lò luyện kim, để hoặc chỉ còn là tro than hoặc trở thành chất thép tinh ròng. Đã có một khoảng thời gian dài không biết đã mấy năm rồi, hàng ngày ông bước xuống những toa xe điện ngầm, chạy rầm rập như mắc cửi dưới lòng đất dưới cả lòng sông, như một Thành Phố mênh mông dưới một thành phố khác. Làm sao sức người có thể làm nên chuyện kỳ vĩ ấy khi chưa bước vào giai đoạn kỹ thuật cao. Lúc đó với ông Nữu Ước mới thực sự là nước Mỹ của những bước khai phá với các thế hệ tiên phong. Nhưng rồi phải sống giữa cảnh bon chen tranh giật nhỏ nhen của Nữu Ước sau này, ông tự hỏi phải chăng đã qua rồi những thế hệ di dân lớn lao lẫm liệt, khi mà họ đã phải băng qua những sóng gió đại dương đặt chân tới tân lục địa này.
Hôm ấy từ Nữu Ước trước khi bay về Cali ông Khắc ghé qua Hoa Thịnh Đốn đúng vào mùa anh đào. Chưa thấy niềm vui hoa nở, ông đã khựng lại trước Bức Tường Thương Tiếc. Nhìn sang ngay phía bên kia công viên là tòa Nhà Trắng với Clinton đã trải qua hai nhiệm kỳ trong đó. Clinton thì ai cũng biết về một quá khứ trốn quân dịch. Ông ấy cũng không kém nổi tiếng về thành tích hút cần sa mà không hít vào phổi trong sân trường Đại Học Oxford giữa giai đoạn nóng nhất của cuộc Chiến Tranh Việt Nam khi mà Hà Nội đang có những nỗ lực cao nhất để nâng cao con số những thanh niên Mỹ thơ ngây can đảm và vô tội đi vào trong những nấm mồ. Ông Khắc lúc ấy là phóng viên chiến tranh lại đang gian lao cùng với những người lính của miền Nam lặn lội trong những cuộc hành quân trên đồng lầy hay rừng rú cao nguyên. Để rồi hai mươi lăm năm sau, lần thứ hai trở lại Mỹ đứng bên bức tường đá đen, với ông đâu phải chỉ sáu mươi ngàn tên thanh niên Mỹ mà chồng chất lên đó là hàng hàng lớp lớp xác chết của hàng triệu những người Việt Nam vô danh phải chăng đã chết vô ích do nỗi mê lầm của con người...Bao giờ cũng vậy mỗi lần tới đây ông đã không cầm được xúc cảm. Một nhà báo Mỹ bạn ông đã phát biểu rằng cho dù trong quá khứ anh chọn cuộc chiến đấu chống cộng sản trên đồng lầy ở Việt Nam hay đã chống lại cuộc chiến tranh ấy ngay trên các đường phố ở Mỹ Quốc, thì sự hiện diện của bức tường ấy vẫn khiến anh đau xé lòng. Huống chi chính ông đã có những người bạn trong số sáu chục ngàn tên tuổi ấy trước khi chết vẫn còn vật vã với ý nghĩa của cuôc chiến tranh và chưa hề bao giờ được thực sự an nghỉ. Bỗng chốc ông Khắc có cái cảm giác mang mang giữa một thực tại thì như là hư ảo (virtual reality), trong khi quá khứ thì có thật. Đến bao giờ ông mới nhận ra được rằng chính quá khứ ấy mới là hư ảo, lẽ ra ông phải sớm biết mà thoát ra để rũ đi những gánh nặng cho bước chân thênh thang đi tới...
Sau những tháng dài đơn độc làm việc trong một Thư Viện miền Nam nước Pháp Aix-en-Provence, ông Khắc có dịp trở lại Little Saigon lại đúng vào dịp 30 tháng 4 nhưng đã ở một phần tư Thế Kỷ sau. Giữa một rừng cờ ấy, vẫn là những khẩu hiệu kêu đòi và ép buộc. Như từ bao giờ, chiến thắng thì lúc nào cũng có vô số những cha mẹ trong khi thất bại thì luôn luôn là con những bà Phước, nghĩa là mồ côi. Nhưng rồi ông Khắc tự hỏi người Việt bên này hay bên kia đã học được gì sau cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn ấy. Vẫn có đó một ‘’nhân cách lịch sử (historic dignity)’’ cho phe chiến bại, tại sao không? Đó cũng là lý do để hôm qua ông Khắc đã có một bữa ăn tối ‘’off-the-records-dinner’’ để giới thiệu nhóm bạn trẻ trong đó có nhóm Văn Mới của Tạ Linh với mấy nhà báo Mỹ đã từng có liên hệ tới cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Tạ Linh là ngôi sao đang lên trong nền văn học hậu cận đại Việt Nam. Cùng các bạn đồng trang lứa sinh trước sau năm 75, không liên hệ gì tới hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Linh được giới phê bình văn học xem như người lãnh đạo nhóm nhà văn trẻ, tự nhận là thế hệ Hậu Cận Đại tuổi không quá 35, họ nổi tiếng ngay sau khi cho ra mắt một tuyển tập có tên là Cuộc Đi Dạo Tình Cảm và Tình Yêu ở Phía Trước, mà Linh là chủ biên. Gọi là nhóm nhưng thực sự phong cách mỗi người rất khác nhau, đó là điều đáng nói. Riêng Tạ Linh ở cái tuổi 32 nhưng đã vững chãi, chứng tỏ là một tài năng phong phú: Nổi tiếng ngay với cuốn tiểu thuyết đầu tiên tái bản nhiều lần sau đó trong đó có 2 cuốn sách khác được chuyển ngữ sang tiếng Anh trở thành best sellers và chuyển thành phim. Nguyên là con một ông Tướng trận hồi hưu, hoàn toàn khác cha, mối liên hệ cha con phải nói là có những giai đoạn rất giông bão. Kềm hãm một dân tộc trong thất học nghèo đói cho thứ ảo vọng anh hùng, không phải là con đường Tạ Linh lựa chọn. Đã có một khoảng trống thế hệ. Ông Tướng nào thì cũng vậy, luôn luôn nói về hào quang quá khứ cho dù, nhất tướng công thành vạn cốt khô. Linh thì hướng về tương lai cho dù bất định ra sao và anh chưa bao giờ tơ tưởng mảy may chút vàng son của cha như là credits của chính mình. Với Linh thì cha mình tuy đã là quá khứ nhưng vẫn còn là một biểu tượng áp bức tâm lý (psychological repressiveness) tệ hại trên đời sống hiện tại và cả tương lai như một thứ hàng rào cản vô hình của sự tiến bộ của cả một đất nước.
Không bằng tuyên ngôn như Nhóm Sáng Tạo trước đây nhưng qua tác phẩm họ là một phủ nhận thế hệ nhà văn cả tiền chiến lẫn hiện thực xã hội chủ nghĩa, không tin vào những khuôn mẫu mang tên truyền thống. Chọn cuộc chiến tranh hay thời điểm chia lìa của đất nước để làm dấu mốc phân ranh cho các thời kỳ văn học, theo họ, tự nó đã là điều bi thảm.
Họ gốc gác khác nhau bên trong và ngoài nước nhưng có mẫu số chung là hồn nhiên chấp nhận khuynh hướng toàn cầu hóa, không chút mặc cảm và chẳng nề hà cả cái tai tiếng Mỹ Hóa, viết văn bằng computers, xuất bản tuyển tập trên mạng lưới internet, ăn uống kiểu fast food giống như ở nhà hàng MacDonald’s, xem phim ảnh Mỹ, thưởng thức nhạc MTV... Họ đang là biểu tượng cho một xã hội sinh động thiếu vắng khẩu hiệu nhưng lại rất hiệu năng.
Văn chương của họ chính là đời sống riêng tư và dung dị mỗi cá nhân nghĩa là đời thường, phi chánh trị, chánh trị được hiểu theo một nghĩa xấu của xã hội toàn trị khi trước nhưng lại là nhân tố kinh tế rất sinh động trong xã hội Việt Nam Thời Hậu Hiện Đại với cả những nét bất toàn, trong khung cảnh một đất nước có xa lộ rộng thênh thang, có shopping malls, khách sạn 5 sao, cable TV, các quán cà phê Internet và cả không thiếu nạn kẹt xe và không khí ô nhiễm...
Cũng chính họ đem lại cho tiếng nói và chữ viết, bấy lâu bị hủy hoại làm cho bị kiệt quệ thì nay mỗi ‘’chữ’’ trở lại có nghĩa và mang hơi thở ấm áp của cuộc sống. Sự xuất hiện của thế hệ nhà văn trẻ này, rất thành công cả về thương mại lẫn ảnh hưởng, mạnh mẽ như một nguồn sinh lực mới nhưng đồng thời cũng bị đám nhà văn thủ cựu đang tuột về phía sau phê phán nghiêm khắc là bọn Mỹ con tha hóa mất gốc, và theo ông Khắc thì phủ nhận cũng chỉ là một trạng thái tâm lý chối từ (denials) không chấp nhận bị lãng quên.
Phủ nhận hay không thì họ vẫn là tiếng nói của thế hệ Việt Nam 2000 vươn lên từ những Thành Phố có cả nhà cao tầng và các khu ổ chuột, từ các khu canh tác hoàn toàn cơ giới hóa tới những mảnh ruộng nhỏ vẫn cứ cầy cuốc với đôi chân đạp bùn của bác nông dân.
Họ không lên gân, nói chung văn chương của họ phản ánh một xã hội bất toàn nhưng có tự do là nền móng toát ra niềm hy vọng của những bước đi lên. Bản thân họ, trong lứa tuổi ấy không dính dáng gì tới những năm tháng máu me vừa qua. Họ không có những nỗi đắng cay không muốn nhận vòng hoa chiến thắng hay bó đuốc căm thù hay từ bất cứ ai, họ muốn tự tìm hiểu tự rút ra một bài học để trong tương lai sẽ không còn tái diễn ‘’Tấn Thảm Kịch Việt Nam’’ như vậy nữa (No More Vietnams).
Cũng trong buổi gặp gỡ ấy, trong lúc nhiệt tình ông Khắc đã phát biểu bằng một câu nói tiếng Anh đại ý là: Sự đặc sắc (radical) không thể phát xuất từ cõi thường tình (common sense). Hẳn ông Khắc đang muốn nói tới sức mạnh của chữ nghĩa trong biến đổi và tạo dựng xã hội.
Có là ảo tưởng hay không thì ông Khắc cũng đã suốt một đời chọn gối đầu lên chữ nghĩa. Nhóm bạn trẻ vẫn thường thắc mắc hỏi sao ông không viết hồi ký. Ông Khắc thì chưa bao giờ nghĩ có lúc mình cầm bút làm chuyện ấy. Nếu viết hồi ký chỉ để hoài niệm quá khứ thì không bao giờ có ông. Bởi vì hồi ký theo ông như bức màn khói bao phủ lên những sự thật nếu không để huyền thoại hóa về mình thì thường cũng là để tự bào chữa, chẳng có ai viết hồi ký để tự hạ giá mình. Phải có hùng tâm và can đảm lắm mới dám tự phê phán và cả nhận trách nhiệm về những lỗi lầm.
Ông Khắc hiện vẫn làm free-lance cho mấy tờ báo Mỹ đặc trách các đề tài về Đông Nam Á với Việt Nam như một dải đất định mệnh mà ông sẽ còn gắn bó cho đến hết phần cuộc đời còn lại. Làm báo, ngay từ thời còn trẻ ông đã không ở cả hai phía của sự cực đoan.
Ông đi tìm chân lý nhưng lại hiểu tính tương đối trong cuộc sống nên ông chỉ cố gắng thu thập các sự kiện mà ông cho là khách quan, để người đọc tự phán đoán, còn riêng ông nếu phải đưa ra nhận xét ông thường có thái độ phân tích, luôn luôn dùng chữ ‘’có thể’’ thay vì võ đoán. Không có hào quang của chức vụ mà do nhân cách đáng trọng, ông có uy tín trong nghề nghiệp, được sự tin cậy từ những người cho tin cũng như từ phía người đọc. Do thái độ chan hòa và chia xẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trẻ, ông rất được yêu mến với cái tên ‘’nhà báo của các nhà báo’’. Bước vào thời đại tin học, ông mau chóng thích nghi với cái mới của khoa học kỹ thuật, dễ dàng chuyển từ chiếc máy chữ Olivetti cổ lỗ đã theo bước chân ông từ bao nhiêu năm, sang chiếc laptop gọn nhẹ tối tân mà tòa soạn cấp cho. Với fax modem e-mail từ chiếc computer mỏng nhẹ ấy thì văn phòng của ông bây giờ là ở bất cứ đâu chẳng còn khoảng cách nào với tòa báo nữa. Về điểm này ông rất gần với lớp người trẻ cách ông đến cả hai thế hệ. Ông ham đọc đủ mọi loại sách và có sức hấp thu nhanh để cập nhật kiến thức nhưng bên trong ông là ý muốn gạn lọc chống chỏi lại những điêu mà ông gọi là sự ô nhiễm của trí tuệ. Bản thân ông đã đi suốt chiều dài của cuộc chiến tranh sống với tang thương của những người lính dũng cảm, để rồi hình ảnh của họ bị bôi xấu, công lao của họ bị phủ nhận, ông luôn luôn là người đứng bên họ, ông muốn trả lại cái hình ảnh chân thực của họ trong cuộc chiến mà ông nghĩ đó là sự công bằng chứ không phải là một chọn lựa bên này hay bên kia.
Dưới mắt mọi người thì ông là con người quá lý tưởng trong một thế giới lẽ ra đáng bi quan. Là con trai út trong gia đình ông lại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bà mẹ. Tuy là một người đàn bà ít học nhưng bản chất lại rất mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh. Ông thừa hưởng của bà một tấm gương bổn phận và sự hy sinh vượt lên trên giới hạn của bản thân. Khi đã đủ khôn lớn, ông mới hiểu được rằng điều ân hận nhất nơi mẹ là hồi nhỏ đã không được học nhiều. Chỉ xong bậc Tiểu Học, là con gái lớn trong gia đình đông anh em, bà phải ở nhà phụ trông coi hiệu sách ở Phố Tràng Thi. Trong khi các em bà đều tiếp tục học lên tới Đại Học. Thời gian đứng ở hiệu sách xen giữa những bận rộn bà đọc đủ mọi loại sách. Ông không biết bà đã đọc truyện Kiều lần thứ bao nhiêu, nhưng cho mãi những năm về sau này hơn ba ngàn câu thơ của Nguyễn Du và cả những áng cổ văn khác vẫn không hề suy suyển trong trí nhớ của bà. Bà không khỏe mạnh nhưng lại có một sức chịu đựng phi thường, quán xuyến cả gia đình nổi trôi theo vận nước nhưng vẫn nuôi giấc mộng lớn nơi những đứa con, nhất là nơi đứa con út của bà.
Ông Khắc đã sống qua hình ảnh giấc mơ của mẹ. Bước đi trong một vùng xám của thời thế, nghề báo nhiều khi du ông vào những tình thế lưỡng nan, nhưng bao giờ ông cũng có một chọn lựa theo lương tâm mà ông cho là tốt nhất. Đó thực sự là cuộc chiến đấu mà ông tìm thấy ý nghĩa của đời sống, với những nguyên tắc mà với ông đồng nghĩa với phẩm giá ông chẳng bao giờ tương nhượng.
Việt Nam năm 2005 đang chập chững bước vào thời kỳ dân chủ. Với rất nhiều khuynh hướng đảng phái, tôn giáo, địa phương và sắc tộc nữa, phía sau những nhân vật tranh cử. Và dĩ nhiên không thiếu những kẻ cơ hội, cả mưu toan lợi dụng tôn giáo cho những mục tiêu chánh trị. Điều mà ông Khắc gọi là ‘’Bộ Đôi Nguy Hiểm (the Dangerous Duo)’’ và trong suốt cuộc đời làm báo của ông Khắc luôn luôn cảnh cáo và chống đối. Sẽ không có dưỡng khí cho sinh hoạt dân chủ cho dù đó là hình thức toàn trị hay tôn giáo cực đoan. Phải tách rời tôn giáo ra khỏi chánh trị, với ông Khắc đó là một nguyên tắc. Điển hình là thời kỳ sau 1963, trong cơn mê hoảng được mệnh danh là Cách Mạng ông Khắc đã là nhân chứng sống của tấn thảm kịch các thày tu áo đen áo nâu hai phía xô đám con chiên trong đó có cả trẻ thơ với giáo mác gậy gộc xuống đường đằng đằng sát khí như mở màn cho một cuộc thánh chiến…
Nhưng nhìn toàn cảnh thì đáng kể nhất là cuộc chạy đua giữa hai đảng tự do và đảng khoa học xã hội mà tiền thân là đảng cộng sản với nhóm theo khuynh hướng Glasnost rất sớm mà chủ yếu là giới chuyên viên được đào tạo từ Đông Âu. Thủ lãnh của họ là nhà vật lý học Lê Châu đã từng bị khai trừ khỏi đảng do chủ xướng phong trào phản kháng rất sớm khi mà thành trì của chủ nghĩa xã hội còn đang rất vững chắc. Còn bọn cộng sản bảo thủ cũng là đám tư bản Đỏ gộc thì đã vội vã rũ áo ra đi đem theo những tài sản kếch xù tính bằng đơn vị triệu đô la và chọn cuộc sống an thân ngay trong hang ổ của bọn Đế Quốc Phương Tây chưa chịu rẫy chết, bỏ lại phía sau là một đất nước tan hoang về môi sinh với khoảng cách giàu nghèo như cả một đại dương cách biệt. Bây giờ thì đúng là thời kỳ trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng với đông đảo số ứng cử viên, cả với những tên tuổi không ai biết từ đâu tới. Một số ứng viên bắt đầu được chú ý vì có tiền biết sử dụng phương tiện truyền thông kiểu Mỹ kể cả Internet trong chiến dịch rộng lớn bôi bác lẫn nhau. Sự xuất hiện những phù thủy trên truyền hình telegogue là một hiện tượng thật đáng ngại trong bối cảnh sinh hoạt dân chủ còn quá non trẻ. Phải kể tới những tay khoa bảng với học vị tiến sĩ từ các Đại Học danh tiếng Âu Mỹ với những tên như Oxford, Sorbonne, Harvard chỉ biết sách vở mà không có kinh nghiệm thực tiễn nào của đất nước nhưng lại có tài huyễn hoặc với cái tôi là trên hết (ergomaniaes) liên tục xuất hiện trên hết đài truyền hình này tới đài phát thanh khác tấn công mọi đối thủ bằng những những trái bom tinh khôn (rhetoric bombs) chỉ để khoe kiến thức nhưng lại không có khả năng đưa ra một đường lối chánh sách nào. Sự hào nhoáng trí thức ấy không phải là không hấp dẫn được một số cử tri để có thể biến họ thành những chậu kiểng đẹp đẽ nhưng chắc chắn là vô hiệu trong quốc hội tương lai. Thêm một sự thật tàn nhẫn nữa là chiến dịch vận động tiêu cực ấy vẫn rất có hiệu quả miễn sao luôn luôn được lặp lại. Và đã không thiếu những mũi tên độc được đưa vào tay các ứng viên tự do để họ hăng hái bắn lẫn nhau. Và hiển nhiên là sự phân hóa giữa những khuynh hướng tự do đem lại hy vọng cho những người cộng sản trẻ trở lại cầm quyền cho dù họ không thể nào chiếm được đa số nhất là khi mà chủ nghĩa Mác Lê chỉ còn là những dòng chữ chết trên những trang sách đã đóng bụi của Thế Kỷ trước và tượng đài ngạo nghễ Lênin cuối cùng tại Việt Nam cũng đã bị giật xập. Nhưng đáng sợ hơn cả là sự lạm phát của những hứa hẹn không tưởng, rất hiếm những cuộc thảo luận đứng đắn về một tương lai hiện thực của đất nước ra sao. Và thiếu vắng hẳn động lực thôi thúc cho những giấc mơ đi tới. Khai mạc Đài Tưởng Niệm Phong Trào Nhân Văn-Giai Phẩm trên công viên Lênin năm xưa, nay là Công Viên Nhân Văn bỗng dưng mang ý nghĩa một cuộc vận động chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận kiểu Tây Phương đã đem lại những con số hết sức mâu thuẫn khiến có một dấu hỏi lớn về giá trị thống kê của những cuộc thăm dò ấy. Trải qua nhiều năm sống dưới những chế độ độc tài, người dân vẫn chưa dễ gì quên được kinh nghiệm đắng cay của những năm dài quá khứ. Mọi phát biểu ý kiến riêng của họ về người đang cầm quyền hay sẽ cầm quyền đều có thể xô họ vào tình cảnh dầu sôi lửa bỏng. Cho dù bước vào Thế Kỷ 21 đa số người Việt Nam vẫn chưa có được điện thoại riêng, vậy thì các câu trả lời với những người lạ tới gõ cửa từng nhà không hẳn là phản ánh ý kiến của họ. Do đó ai thắng ai vẫn là một dấu hỏi lớn làm điên đầu các nhà báo ngoại quốc vốn tự nhận là am hiểu Việt Nam.
Thế rồi nổi bật trên cái nền tối đen và rối rắm ấy, người ta thấy xuất hiện những khẩu hiệu ‘’Tự do và Trách nhiệm’’, ‘’Luật pháp và Trật tự’’ được đưa ra không phải bởi các chính đảng lớn mà từ một ứng cử viên độc lập trước tình trạng bất trắc của một đất nước bên bờ vực thẳm. Ông ta còn khá trẻ so với đa số ứng viên khác, không có gốc gác đảng phái, không phải hoàng tộc, cũng chẳng phải dòng dõi văn thân hay từ một danh gia vọng tộc nào. Nghĩa là gốc gác bình dân, thứ mẫu người thân tự lập thân. Con một giáo viên nhà nghèo lớn lên trong khung cảnh giáo dục của một gia đình nghiêm khắc nhưng học rất giỏi tú tài đậu hạng ưu nên được học bổng du học. Tốt nghiệp Kỹ Sư Tin Học, đã sống nhiều năm ở ngoại quốc, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và trở về nước khá sớm với tư cách một chuyên viên. Được biết đến từ nhiều năm do những hoạt động xã hội bền bỉ, ông cũng là người sáng lập và chủ biên tập san Vietnam Forum với nhiều bài viết được trích đăng trên báo chí hải ngoại và gần đây là trong nước. Phát biểu của ông ta sâu sắc nhưng trình bày thì giản dị đi ngay vào trái tim mọi người...
Bây giờ thì những vết thương quá khứ cần được khép lại chứ không thể được đào sâu thêm. Nói về hình ảnh một nước Việt Nam tương lai theo ông... sẽ là một thể chế dân chủ pháp trị theo nguyên tắc phân quyền, theo đó bộ máy hành pháp sẽ là một nhà nước gọn nhẹ trong khung cảnh một đất nước được định nghĩa một cách năng động như là sự chấp nhận chia xẻ một tương lai chung với vai trò sinh động của các Cộng Đồng sắc tộc, địa phương, tôn giáo, nghề nghiệp trong sinh hoạt chính trị của cả nước. Trước mắt một hiện tại với dấu vết rạn vỡ khắp nơi, chỉ thấy toàn những hứa hẹn và các giải pháp đưa ra đầy mâu thuẫn; trong khi các ứng viên khác chỉ thích đào bới quá khứ và nói tốt về mình, thì ông ta hướng về tương lai. Ông không phải là một con thú chính trị theo cái nghĩa giảo quyệt và thủ đoạn, bởi cái gốc đôn hậu ông ngây thơ, thật là ngây thơ tin rằng vẫn có thể có một nền chính trị vương đạo. Sự bộc trực thẳng thắn đến trong suốt của ông khiến người ta kính trọng nhưng đồng thời cũng không dấu được sự e ngại về khả năng tồn tại lâu dài của ông giữa một thời thế đầy bất trắc trên một lục địa Á Châu của những âm mưu và phản bội.
Là mẫu người của hành đông, không quay lưng lại với khó khăn nhưng trong hoàn cảnh dù đen tối đến thế nào ông cũng tìm thấy được ở đó tia sáng của hy vọng chuyển hóa và phương hướng giải quyết. Hiểu biết sâu xa về thực tế của đất nước trong bối cảnh toàn cầu, có uy tín và liên hệ mật thiết với các Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, ông sẽ là nhịp cầu nối kết không chỉ giữa Người Việt Đôi Bờ mà còn cho một Việt Nam sau những năm cô lập vươn ra thế giới bên ngoài nghĩa là hướng về tương lai. Cũng bởi lẽ đó và thật là hiếm hoi ông là ứng viên duy nhất có được sự hậu thuẫn của giới trí thức và các hội chuyên gia bên trong cũng như ngoài nước do sức thuyết phục và khả năng tìm ra được một mẫu số chung rộng rãi để những dị biệt trở thành những đóng góp đa dạng phong phú thay vì là những đố kỵ và chia rẽ.
Rất bình thường với một bề ngoài giản dị, ít vẻ thành thị mà còn mang nét thô mạnh của một nông dân miền Đồng Bằng Sông Cửu Long hậu duệ của thế hệ Nam Tiến tiên phong khai phá, cho dù đã nhiều năm sống ở ngoại quốc. Ông ta không có cái sức thu hút quần chúng (charisma), đầy ma thuật của một tay cáo già chính trị nhưng ở lần gặp đầu tiên người ta có ngay một cảm giác yên tâm và tin cậy, bởi thế những điều ông nói ra được mọi người lắng nghe.
Tên tuổi ông bắt đầu được chú ý không chỉ trên báo chí Việt ngữ mà ngay cả những tờ báo lớn ngoại quốc và được đánh giá theo dõi rất sát bởi các Tòa Đại Sứ. Người ta nhìn ra phong cách lãnh tụ của ông qua bộ tham mưu (brain trust), rất đa dạng sinh động và thuần nhât. Một Giáo Sư nghiên cứu về Trung Hoa, cũng là bạn vong niên của ông Khắc đã phát hiện rất sớm ‘’viên ngọc ẩn thạch’’ này và đã ví ông ta qua hình ảnh kết hợp một Tôn Văn của Trung Hoa và Walesa của Ba Lan, được hậu thuẫn mạnh mẽ không phải bởi thiểu số tư bản doanh thương giàu có mà chính là bởi đông đảo giới lao động trong và ngoài nước với lợi tức thấp nhưng lòng không nguôi hướng về tương lai quê hương và vẫn muốn đưa vai gánh phần chia xẻ trách nhiệm.
Cũng vẫn theo nhận xét của ông Giáo Sư thì cái tài năng đáng nể của người lãnh tụ trẻ tuổi ấy chính là ‘’thuật dụng nhân’’ không phải chỉ với thiểu số người tài đức mà ngay cả với những người rất bình thường cũng thấy được cái căn cước và phần công lao của họ khi tới làm việc với ông. Theo ông ta cho dù trước đây họ có đi theo những ngả đường khác nhau nhưng họ có một mẫu số chung là lòng yêu nước họ đã cùng cực nhọc cho những điều vượt quá bản thân để hướng về một tương lai tươi sáng của đất nước. Sống dài đẵng trong một thời đại hoài nghi, vậy mà người ta không ngừng ngạc nhiên khi thấy phương tiện và tiền bạc không chút dè dặt từ mọi nơi đổ về tổ chức với tên ông. Từ đồng năm đôla của bà cụ già sống ở Quận Cam, tới tấm ngân phiếu năm chục đôla của một gia đình ‘’chồng tách vợ ly’’ trong một hãng điện tử nhỏ ở Úc Châu cho đến những phương tiện lớn lao quy mô của các Hội Chuyên Gia Bắc Mỹ và Âu Châu. Bởi vì ai cũng tin răng chỉ qua ông các phương tiện ấy sẽ biến thành công ích và tới tay người dân hay cho tương lai một Việt Nam Bền Vững. Chính những điều ông ta tiên tri cách đây hai thập niên đang trở thành hiện thực, rằng hai triệu người Việt Nam hải ngoại gắn bó với vận mạng đất nước đã và đang nỗ lực vận dụng và chuyển hóa tài lực của thế giới thành tài lực của Việt Nam, khai thông những hưng thịnh của thế giới chuyển đổ về quê hương, thực hiện vận mạng Việt Nam bằng những phương tiện của thế giới.
Ngồi trước màn ảnh lớn của đài truyền hình, qua remote control chuyển đổi các băng tần, ông Khắc như trải qua một giấc mơ. Ông vẫn thích Đài Truyền Hình Tự Do, một thứ CNN của Việt Nam, phát hình liên tục 24 giờ được tiếp vận qua vệ tinh, có thể bắt nghe được bất cứ đâu trên toàn thế giới. Lãnh thổ Việt Nam bây giờ không chỉ còn là một dải đất cong hình chữ S chạy từ ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau mà đã trở thành một ngôi làng trải rộng khắp thế giới nhưng lại vô cùng gần gũi với chằng chịt những mạng lưới truyền thông tiếng Việt. Dưới mỗi mái nhà trong Ngôi Làng Việt Nam ấy, người ta có thể dễ dàng trò truyện với nhau cho dù khoảng cách không gian là nửa vòng trái đất. Hôm nay vẫn là Cô Xướng Ngôn Viên Anh Thư trẻ trung với bản tin Prime Time của buổi chiều. Khởi đầu từ một xướng ngôn viên không nói thạo tiếng Việt trên Đài Little Saigon, nay cô trở thành anchorwoman có giá nhất của Đài Truyền Hình Tự Do. Anh Thư là điển hình của thế hệ thứ hai lớn lên ở Mỹ. Bé Mỹ Tho là tên ở nhà của Anh Thư, là con gái út của Bác Sĩ Bách bạn ông Khắc, có năm anh em thì bốn đã ra Bác Sĩ. Không có gì khó khăn để Anh Thư theo chân các anh chị. Tốt nghiệp ưu hạng Cử Nhân Sinh Hóa của Đại Học Stanford, được nhận vào Trường Y Khoa Harvard, cô bé đổi ý chuyển sang học báo chí Đại Học Columbia.
Bác Sĩ Bách vẫn trách đùa Anh Thư đổi ngành cũng tại bác Khắc. Bác Khắc bấy giờ là thần tượng (role model) của con bé. Từ một cô bé bề ngoài cả thẹn nhưng bên trong là một cá tính mạnh mẽ và tự tin. Nó không dấu được vẻ bất bình và như bị xúc phạm khi có ai so sánh gọi cô là một Connie Chung của Việt Nam.
Nhiều năm trưởng thành trong nghề nghiệp, nhưng sao vẫn cái giọng Nam ngọt ngào của Anh Thư chiều nay không dấu được xúc động với bản tin đầu giờ: Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bắc Kinh, Thái Lan đã bất chấp lời khuyến cáo của Việt Nam quyết định sẽ khởi công xây đập thủy điện lớn nhất trên sông Mekong và đồng thời cho đổi dòng chảy để dẫn nước vào các vùng ruộng đất trên cao nguyên Isan khô cằn của họ. Với một chuỗi tám con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam nay thêm con đập lớn của Thái Lan, Việt Nam là nước ở hạ lưu con sông nên Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chịu những hậu quả không thể nào lường trước được: cá không xuống hạ lưu, lưu lượng nước sẽ giảm hẳn, nước mặn từ biển sẽ tràn vào, việc sản xuất lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đó là chưa kể các nước Thượng Nguồn do có nhiều điện sẽ phát triển các nhà máy kỹ nghệ ven sông với chất phế thải độc hại sẽ đổ xuống sông và Việt Nam phải chịu tất cả hậu quả về ô nhiễm môi trường.
Việt Nam ra tuyên cáo và phổ biến cuốn bạch thư kêu gọi Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, chính phủ Thái Lan và Trung Hoa đình hoãn ngay kế hoạch thủy điện cho tới khi hoàn tất cuộc nghiên cứu về hậu quả môi sinh. Trên khắp các Thủ Đô thế giới, đồng loạt có những cuộc biểu tình phản đối trước tòa đại sứ Trung Quốc và Thái Lan của các Cộng Đồng người Việt ở hải ngoại...
Ông Khắc trạnh nghĩ cả đất nước chưa hề có hòa bình, nay lại đứng trước thử thách giữa một mạng lưới chằng chịt của Bắc Kinh, một thứ (Chinese Connection): Tranh chấp biên giới và các Hải Đảo Hoàng Sa Trường Sa trên Biển Đông, khích động phong trào tự trị các sắc tộc, với đường dây nha phiến và giờ đây là chiến tranh vì nước và môi sinh. Mất vựa lúa gạo lớn nhất để nuôi sống ngót 100 triệu dân Việt, Trung Quốc sẽ hoàn toàn khống chế Việt Nam bằng thứ vũ khí môi sinh này với thâm ý đánh gẫy sống lưng Con Rồng Việt Nam trong vùng trời Đông Nam Á... Nhưng ông Khắc lại có ngay ý nghĩ lạc quan, thôi cũng là điều hay như một vận hội để trong và ngoài nước có đoàn kết...
Thời gian như lùi lại hơn mười năm, tại căn phòng Sinh Hoạt Cộng Đồng của người Việt ngay giữa Thủ Đô tỵ nạn Little Saigon vào một buổi chiều như mọi buổi chiều của tháng 10 năm 96 ông Khắc đã có mặt cùng khoảng 30 người trẻ tuổi cùng bày tỏ mối quan tâm về hậu quả tác hại của các dự án xây đập thủy điện trên Lưu Vực Sông Mekong. Ông Khắc còn rất nhớ như mới ngày hôm qua cuộc thảo luận sôi nổi của Nhóm Bạn Cửu Long và khuôn mặt nổi bật của Cao người kỹ sư trẻ tốt nghiệp kỹ sư môi sinh và lúc ấy là cố vấn cho một công ty điện khí lớn ở Mỹ. Liên tục kể từ hôm ấy họ âm thầm làm việc để cho cả đất nước không bị bất ngờ vì khúc ngoặc lịch sử hôm nay. Cuốn bạch thư dày ngót một ngàn trang gồm cả ba ngôn ngữ Việt Anh Pháp, đầy sức thuyết phục là kết quả của hùng tâm trí tuệ và lòng yêu nước thiết tha, mà theo ông Khắc thì tương lai Việt Nam là ở trong tay đám người trẻ bên trong cũng như ngoài ấy...
Nhưng rồi tiếp theo qua mục sinh hoạt, Anh Thư cũng đem lại chút tin vui. Trong cuộc thi Toán Quốc tế ở La Mã, đội tuyển Việt Nam do Thầy Giáo Nguyễn Châu hướng dẫn đã chiếm giải nhất toàn đội và đặc biệt là giải ưu hạng cá nhân xuất sắc lần đầu tiên được trao cho trò Đinh Quang Bảo Toàn, học sinh Quốc Học Huế được vinh danh như một thần đồng toán học do cách giải đầy sáng tạo làm kinh ngạc toàn hội đồng giám khảo. Rồi tin từ Đà Lạt, Hội Thân hữu Điện Lực Thế Giới Kỳ 14 lần đầu tiên tổ chức ở trong nước với chủ đề ‘’Điện Khí Hóa Nông Thôn’’.
Tiếp theo là phần tường trình đặc biệt live cuộc đua xe đạp xuyên Việt chạy tiếp sức từ Sài Gòn tới Hà Nội có tên Hành Trình Tự Do của Liên Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam từ các Đại Học trong và ngoài nước. Trạm dừng của đoàn là tại mỗi Đại Học với tưng bừng các cuộc hội thảo về những đề tài liên quan tới phát triển và dân chủ. Thực tế trước mắt là họ gấp rút yểm trợ đào tạo mạng lưới nhân sự và giúp điện toán hóa cuộc bầu cử quốc hội sắp tới trên toàn quốc qua kinh nghiệm từ nhiều năm của những đoàn cử tri gốc Việt từ Bắc Mỹ. Không có Việt tịch không có quyền bầu cử chỉ là những thiện nguyện viên nhưng họ đang là yếu tố tích cực và là chất xúc tác tạo thuận cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Tại mỗi đình làng, bên cạnh mỗi thánh thất, chùa hay nhà thờ hay trên mỗi nhà rông đều có màn ảnh truyền hình lớn ngoài tính cách thông tin giải trí, hiện đang liên tục có những buổi phát hình hướng dẫn mỗi người dân từng bước làm quen thủ tục bầu cử với những lá phiếu bấm lỗ. Đó như những tấm căn cước họ tìm lại được sau bao năm bị thất lạc.
Theo dự trù thì đoàn sinh viên tới Hà Nội đúng vào ngày Khai Mạc Tượng Đài Văn Hóa cũng là Đài Tưởng Niệm Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm trên công viên Lênin năm xưa. Nhân dịp này nhà xuất bản văn nghệ cho phát hành toàn tập bộ Nhân Văn-Giai Phẩm cùng một lúc ở trong nước và hải ngoại. Kể cả báo chí đều có đồng thời hai ấn bản trong và ngoài nước. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí, hiện thực một phần giấc mơ một Công Ty Truyền Thông Liên Quốc của ông Khắc từ bao nhiêu năm, một con tàu thả neo trên Cảng Sài Gòn hoạt động như một tòa báo nổi với cả đài phát thanh và truyền hình. Trong đời làm báo của ông Khắc, chưa bao giờ có một giai đoạn hào hứng đến như vậy.
Khá bất ngờ là buổi lễ phải lùi lại hai tiếng vì cú điện thoại báo tin có âm mưu đặt bom phá hoại. Dĩ nhiên cũng là dịp để các phe mạnh mẽ tố cáo nhau. Biện pháp an ninh được tăng cường. Và điều ngạc nhiên là số người tới tham dự vẫn đông ngoài sức tưởng tượng ban tổ chức. Đặng Thái Sơn, huy chương vàng giải Chopin lần thứ mười, cũng là con của một nạn nhân trong Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, đã có mặt cùng với giàn nhạc giao hưởng Thành Phố Hà Nội trình tấu hành khúc Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Mến Yêu, thay cho những bài quốc ca cũ, với chan chứa tình tự dân tộc và đầy màu sắc quê hương. Tiếp theo là Trường Ca Con Đường Cái Quan khởi đi từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mau ra tới các Hải Đảo Hoàng Sa Trường Sa với những biến tấu phát triển nhộn nhịp trải dài suốt một giang sơn gấm vóc đầy những âm thanh rộn rã dẫn đến hy vọng reo vui của Ngày Hội Lớn Dân Tộc.
Bây giờ tới phần lễ tưởng niệm, là khúc giao hưởng Người Về Đâu trầm lặng ngân nga với man mác tưởng nhớ quá khứ người xưa. Không ai trong Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm còn sống nhưng đã một thời họ là lương tâm thao thức và là nguồn cảm hứng của cả hai miền đất nước và hôm nay hồn thiêng của họ đã có mặt đầy đủ nơi đây: Gió xào xạc với nắng vàng trên những ngọn cây cao. ‘’Với những người yêu tự do thì vụ Nhân Văn-Giai Phẩm là định nghĩa trọn vẹn của một tấm thảm kịch (the perfect definition of a tragedy)’’. Đó cũng là tiêu đề bài báo tiếng Anh của ông Khắc cùng ngày gửi đi cho tờ báo Asia Week.
Quá khứ đau buồn và hạnh phúc hiện tại trộn lẫn, khiến ai cũng rưng rưng nghẹn ngào và không cầm được nước mắt. Nhủ rằng từ nay đất nước không còn vay mượn tư tưởng các ông Mác Lê hay Mao như những ngày xưa nữa. Thăng Long Năm Cửa Ô với bao hồn thiêng sông núi tụ lại từ đây. Đài tưởng niệm là biểu tượng bất diệt của Tự Do Văn Hóa Việt Nam, một thách đố trước những bất trắc tương lai. Tinh thần nhân văn của sĩ phu bất cứ ở đâu cũng là ngọn đốc sáng chỉ đường cho Văn Hiến Việt Nam từ đây. Với ông Khắc thì cả đất nước như đang hồi sinh và chính ông chẳng thể tưởng tượng được rằng mình còn sống sót sang đến Thiên Niên Kỷ Thứ Ba và đã vượt khá xa cái tuổi ‘’thất thập cổ lai hy’’ và một đất nước Việt Nam vẫn không ngừng lớn lên cho dù những năm tháng trước mặt vẫn còn khẩn trương và chưa có hòa bình.
THAY LỜI KẾT
Nam Vang bây giờ là vào tháng Mười cuối Mùa Mưa. Trước đó từ tháng Sáu cùng với tuyết tan từ rặng Hy Mã Lạp Sơn cộng thêm với khối nước mưa tạo nên những cơn lũ từ Thượng Nguồn đổ về dâng cao tới hơn 10 mét, có nơi cao tới hơn 20 mét dưới Thác Khone đã có một hiện tượng kỳ lạ dòng sông Tonlé Sap đổi chiều chảy ngược lên Biển Hồ tăng diện tích hồ nước ngọt này từ 300 ngàn hecta tới 1.5 triệu hecta gấp năm lần so với Mùa Khô, chiếm 1/7 toàn diện tích Cam Bốt. Từng đàn cá từ Biển Hồ tranh nhau tràn vào các khu rừng lũ (flooded forest) để kiếm ăn và làm tổ sinh đẻ.
Hết Mùa Mưa khi nước Biển Hồ và con sông Mekong đã cân bằng thì trong khoảnh khắc ngắn ngủi gần giống như hiện tượng ‘’giáp nước’’ nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long con sông Tonlé Sap hoàn toàn ngưng chảy, để rồi bất chợt sau đó con sông nước ngọt ấy lại đổi chiều chảy xuôi dòng, đem theo bao nhiêu là nước và cá từ các khu rừng lũ rút về Biển Hồ rồi theo phụ lưu Tonle Sap đổ vào con sông Mekong nơi Quatre Bras tiếp tục nhịp điệu tự ngàn năm, mở màn cho những ngày Hội Lễ Mùa Nước Giựt vui nhất trong năm rộn rã khởi đầu cho mùa đánh cá và gieo trồng.
Đã bước vào năm 2000 sang tới thiên niên kỷ thứ ba, còn được chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu này như một niềm hy vọng và cũng là thời điểm được chọn cho trang cuối của cuốn sách viết về con sông Mekong chẳng bao giờ được kể là hoàn tất khi mà mỗi ngày suốt dọc con sông ấy có biết bao nhiêu những bất chắc đổi thay.
Liệu còn kéo dài được bao nhiêu lâu nữa khi Con Sông Mekong, Con Sông Lịch Sử, Con Sông Thời Gian, cũng là Con Sông Cuối Cùng ấy, là mạch sống của bao triệu dân cư đang có nguy cơ trở thành Con Sông Của Quá Khứ.
Chỉ riêng với chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam khi hoàn tất dự trù sẽ ngăn không cho lũ đổ về nữa, tức khắc đó sẽ là một thảm họa cho Biển Hồ, sẽ như một trái tim thiếu máu phải ngưng đập và đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng suy thoái dây chuyền (chain reactions) trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trong đó có Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với bảy quốc gia dọc hai bên bờ sông Mekong riêng nước Tây Tạng đang bị Hán hóa có nguy cơ bị xóa tên trên bản đồ, cho dù mang những tên gọi khác nhau nhưng có một mẫu số chung là không có dân chủ và khoảng cách giàu nghèo thì như một đại dương cách biệt. Sự phồn vinh ngắn ngủi sau chiến tranh sao mà mong manh với cái giá ô nhiễm môi sinh phải trả lâu dài trong nhiều thế hệ về sau này.
Với dòng sông chảy xuyên suốt, với hai bên bờ là những quần thể sắc tộc thuộc nhiều nền văn hóa sống ràng buộc với nhau trên vùng đất định mệnh trong tương lai chung nghèo khó hay thịnh vượng là do chính nơi họ, và cho dù ở đâu và bao giờ trên khúc sông nào thì phải hiểu rằng ‘’Mọi Người Đều Sống Dưới Nguồn (Everybody Lives Downstream)’’.
Đã không có một Tinh Thần Sông Mekong, The Mekong Spirit như một dòng chảy thuần nhất để nối kết sự hợp tác và phát triển cho phúc lợi chung của hàng trăm triệu cư dân mà vận mệnh của họ luôn luôn gắn bó với sự tinh khiết của dòng sông và ai cũng biết là đang bị hủy hoại triệt để. Khủng hoảng lòng tin cậy vẫn là nét đặc thù với biểu hiện tiêu cực qua cuộc chạy đua võ trang bằng chính những đồng tiền phúc lợi vốn đã mỏng manh của cư dân trong vùng. Điển hình như với một nước khổng lồ Trung Hoa, cả về lãnh thổ và dân số, cho dù mang nửa chiều dài của dòng sông chảy trong lãnh thổ mình nhưng lại không hề có ý muốn trở thành hội viên của Ủy Hội Sông Mekong để khỏi bị ràng buộc và được toàn quyền tự do khai thác. Không phải chỉ giới hạn tham vọng về nước của con sông Mekong, Trung Quốc còn công khai và rất sớm tỏ ý muốn khống chế toàn vùng Biển Đông với độc chiếm cả khối trữ lượng dầu trong đó. Tây Tạng Hóa Biển Đông là một từ mới rất gợi hình nói tới tình huống của các nước Đông Nam Á một hôm thức dậy thấy Biển Đông đã nằm trong tay Hoa Lục giống như cảnh ngộ của quốc gia Tây Tạng.
Trở lại với khúc Thượng Nguồn con sông Mekong, với điện khí hóa kéo theo kỹ nghệ hóa quy tụ thêm đông đúc dân cư nơi các Tỉnh Hoa Nam, con sông Mekong sẽ giống như mọi con sông khác của Trung Quốc đương nhiên trở thành dòng sông chuyên chở đủ loại chất phế thải kỹ nghệ và tiện dụng gia cư.
Ở một quy mô nhỏ hơn, các quốc gia hạ lưu như Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam cũng đổ thêm vào con sông ấy đủ loại nước thải không hề được xử lý trước. Với tiến trình tích lũy khi tới khúc cuối của dòng sông thì Cam Bốt và Việt Nam là hai nước lãnh hậu quả ô nhiễm nặng nề nhất.
Sông Mekong kể cả những phụ lưu không chỉ bị chặn nghẽn bởi các đập thủy điện, bị đổi dòng chuyển nước vào các khu sa mạc khô cằn mà tệ hại hơn nữa là đang biến thành những cống rãnh phế thải.
Các Khu Rừng Mưa như những tấm bọt biển khổng lồ có chức năng điều hòa dòng chảy con sông Mekong qua suốt hai mùa mưa nắng thì vẫn tiếp tục bị phá hủy cả với tốc độ ngày một nhanh hơn mà theo lượng định của Ngân hàng Thế Giới (5.98) thì tài nguyên rừng sẽ cạn kiệt vào năm 2003. Cá như nguồn chất đạm chính cho cư dân sông hai bên bờ sông Mekong cũng ngày càng ít đi: Do kỹ nghệ đánh cá khai thác quá mức kiểu lùng và diệt lại thêm nước sông ngày càng ô nhiễm khiến nhiều giống cá hiếm quý như cá Pla Beuk, Dolphin như biểu trưng chỉ số an toàn hệ sinh thái sông Mekong, đang có nguy cơ bị tiêu diệt.
Và hiển nhiên không có giải pháp đơn lẻ cho riêng vấn đề môi sinh mà phải là bước chuyển hóa cơ bản và đồng bộ của các hệ thống xã hội từ ‘’Toàn Trị’’ tiến lên ‘’Dân Chủ’’. Có dân chủ là có cơ hội mở mang dân trí và chính cư dân sống hai bên bờ sông Mekong sẽ có ý thức và tiếng nói bảo vệ dòng sông như là mạch sống của chính mình.
Qua tham khảo các sách báo để thấy bao nhiêu công sức của những người đi trước mà đa số là ngoại quốc, cộng thêm với sự tìm kiếm của bản thân người viết, cũng để thấy rằng cho tới nay sự hiểu biết về con sông Mekong nói chung còn rất hạn chế khác hẳn với những con sông lớn khác của thế giới trong khi tốc độ của sự đổi thay theo cái nghĩa suy thoái lại qúa mau chóng khiến cho những đặc tính sinh thái kỳ diệu của con sông Mekong có khi chưa được ghi nhận thì đã lại không còn nữa. Các Nhà Ngư Học (ichthyologist) tin rằng trên sông Mekong, không phải chỉ có hơn 500 loại cá đã được phân loại nghiên cứu mà còn nhiều giống cá và hà sản khác, như nơi Thác Khone, chưa kịp phát hiện thì nay có thể đã lại không còn nữa. Thật Là Đáng Tiếc!
Thiện chí bảo vệ sự tinh khiết và toàn vẹn của con sông Mekong chỉ hữu hiệu khi có được sự hiểu biết tối thiểu về hệ sinh thái của con sông ấy. Một cơ hội quý giá đã bị bỏ qua khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chối từ không cho con tàu Calypso với với Nhà Thám Hiểm Môi Sinh Pháp Jacques Yves Cousteau đi khảo sát ngược dòng sông Mekong, một mất mát lớn cho sự hiểu biết hệ sinh thái sông Mekong, JYC thì nay cũng đã chết.
Với bao năm bị bỏ lỡ nhưng vẫn còn đó một con sông Mekong tuy có suy thoái nhưng không phải là không còn cơ hội cứu vãn. Hãy Cứu Lấy Dòng Sông.
Đây đúng là một cuộc chạy đua với kim đồng hồ, nhưng cũng là một thử thách hào hứng với các Bạn Trẻ Việt Nam trong và ngoài nước có hùng tâm khởi đầu những luận án nghiên cứu về Con Sông Thiêng như Nguồn Sữa Mẹ đang có nguy cơ bị khô cạn.
Riêng với Nhóm Bạn Cửu Long là những người quan tâm rất sớm và bền bỉ tới con sông Mekong, cuốn sách này được gửi tới họ như nguồn cảm hứng và mối đồng tình chia xẻ. 
Ngô Thế Vinh 
California 2001 
THAM KHẢO SÁCH NGOẠI NGỮ: 
1.- Tom Athanansiou. Divided Planet: The Ecology of Rich and Poor. The University of Georgia Press, Athens and London 1996
2.- K.Aoyagi. Mekong The Last River. Cadence Books, San Francisco, 1995 
3.- Stephen Batchelor. The Tibet Guide, Central and Western Tibet. Wisdom Publications Inc., Massachusetts 1998 
4.- Elizabeth Becker. When The War Was Over. A Touchstone Book, New York, 1987 
5.- David P. Chandler. A History of Cambodia. Westview Press, Inc. San Francisco, 1992 
6.- Coedès,G. Les Etats Hindouisés d’ Indochine et d’ Indonésie. (Réimpression de la deuxième édition, 1964). De Boccard, Paris 1989 
7.- Arthur Cotterell. East Asia: From Chinese Predominance to The Rise of The Pacific Rim. Oxford University Press, New York 1993 
8.- Bruno Dagens. Angkor Heart of an Asian Empire. Discoveries. Henry N. Abrams, Inc. New York 1995 
9.- Dai Qing. The River Dragon Has Come: The Three Gorges Dams and the Fate of China’s Yangtze River and Its People. M.E. Sharpe, New York 1998 
10.- Louis Delaporte-Francis Garnier. A Pictorial Journey On The Old Mekong: Cambodia, Laos, Yunnan. The Mekong Exploration Commission Report(1866-1868) Volume 3. White Lotus Press 1998, Bangkok Thailand 
11.- Humberto Fernandez. Heroin. Hezelden, Center City, Minnesota 1998. 
12.- Philippe Franchini. Sai588 cửu long cạn dòng gon 1925-1945. Séries Mémoires, Editions Autrement, Paris 1992 
13.- Guido Franco. Mekong: Du Laos Au Vietnam, Après Le Dégel. Série Monde H.S. 1992 
14.- Donald M. Golstein, K.V. Dillion, J.M. Wenger. The Vietnam War, The Story and The Photographs. Brassey’s, Inc., Virginia 1997. 
15.- Graham Greene. The Quiet American. Penguin Books, New York 1996 
16.- Tenzin Gyatso. Freedom In Exile. Hodder & Stoughton Ltd, London, 1990 
17.- Philippe Héduy. Histoire de l’ Indochine, La Perle de l’Empire 1624-1954. Editions Albin Michael S.A., 1998 
18.- Mary Somers Heidhues. Southeast Asia, A Concise History. Thames & Hudson, Ltd London 2000 
19.- Mark Hertsgaard. Earth Odyssey: Around The World in Search of Our Environmental Future. Broadway Books, New York 1998 
20.- Gerald C. Hickey, John K. Musgrave. Ethnic Groups of Mainland Southeast Asia. New Haven 1964 
21.- Franklin P. Huddle. The Mekong Project: Opportunities and Problems of Regionalism. US House of Representatives, Wash.Govt.Off. 1972 
22.- Henry Kamm. Cambodia: Report From A Stricken Land. Arcade Publishing, New York, 1998 
23.- Henry Kamm. Dragon Ascending, Vietnam and the Vietnamese. Arcade Publishing, New Yorl 1996 
24.- Stanley Karnow. Vietnam A History. Updated Edition, Penguin Books, New York 1997 
25.- André Malraux. La Voie Royale. Grasset-Librairie Générale Francaise 1992 
26.- Patrick McCully. Silenced Rivers: The Ecology and Politics of Large Dams. Zed Books Ltd, New Jersey, 1996 
27.- Nguyen Thi Dieu. Mekong River and The Struggle For Indochina: Water, War and Peace. Praeger, Westport, Con biển đông dậy sóng 589 necticut, 1999 
28.- Richard Nixon. No More Vietnams. Arbor House, New York 1985 
29.- Stephen Oppenheimer. Eden In The East: The Drowned Continent of Southeast Asia. Weidenfeld & Nicolson, Limited 1999 
30.- Milton Osborne. River Road To China: Search for the Source of the Mekong, 1866-1873. Allen & Unwin, London 1975 
31.- Milton Osborne. The Mekong, Turbulent Past, Uncertain Future. Atlantic Monthly Press, New York 2000 
32.- Tim Page. Tim Page’s Nam. Thames and Hudson Inc. New York 1983 
33.- Michel Peissel. The Last Barbarians: the Discovery the Source of the Mekong in Tibet. Henry Holt Company, Inc. 1997 
33b.- John Pimlott. Vietnam Decisive Battles. Barnes & Noble Books 1999 
34.- Sandra Postel. Last Oasis: Facing Water Scarcity. W.W. Norton & Company, New York 1997 
35.- Walter J. Rainboth. Fishes of The Cambodian Mekong. Food and Agriculture Organization of the United Nations, Rome 1996 
36.- Steve Rothert. Lessons Unlearned: Damming The Mekong River. Intl. Rivers Network Working, Oct 1995 
37.- Morley Safer. Flashbacks: On Returning to Vietnam. Random House, New York 1990 
38.- Somporn Sangchai. The Mekong Committee: A New Genus of International Organization. Indiana Univ. 1967 
39.- Jagdish Chandra Sharma. Temples of Champa In Vietnam. Social Sciences Publishing Houses, Ha Noi 1992 
40.- Neil Sheehan. A Bright Shinning Lie: John Paul Vann and America in Vietnam. Random House,Inc. New York 1988 
41.- Paul Simon. Tapped Out: The Coming World Crisis in Water and What We Can Do About It. National Press Books of Wash.D.C & Welcome Rain New York 1998 
42.- Liesbeth Sluiter. The Mekong Currency: Lives and Times of a River. International Books. PER-TERRA 1993 
43-Gary R. Smith, Alan Maki. Death in The Delta, Diary of a Navy Seal. Ivy Books, New York 1996. 
43.- Rick Smolan. Passage to Vietnam. Against All Odds Productions & Melcher Media 1994 
44.- Harry G. Summers Jr., The Vietnam War Almanac. Presidio Press, California 1999. 
45.- Jon Swain. River of Time. St. Martin’s Press, New York 1995 
46.- Michael Yamashita. Mekong: A Journey on The Mother of Waters. Takarajima Books, Inc. New York 1995. 
SÁCH TIẾNG VIỆT 
47.- Bình Nguyên Lộc. Nguồn Gốc Mã lai của Dân Tộc Việt Nam. Xuân Thu tái bản, California Hoa Kỳ. 
48.- Bùi Tín. Mặt Thật, Hồi ký Chính trị. Saigon Press, California 1993. 
49.- Dohamide, Dorohiem. Dân Tộc Chàm Lược Sử. Hiệp Hội Chàm Hồi Giáo Việt Nam, Sài Gòn 1965 
50.- Đông Hồ. Văn Học Miền Nam, Văn Học Hà Tiên, Chiêu Anh Các, Hà Tiên Thập Cảnh Khúc Vịnh. Nhà xuất bản Quỳnh Lâm, Gia Định 1970. 
51.- Huỳnh Minh. Bạc Liêu Xưa và Nay. Nhà xuất bản Bách Việt tái bản Hoa Kỳ 1994 
52.- Hứa Hoành. Nam Kỳ Lục Tỉnh. I, II, III, IV. Nhà xuất bản Văn Hóa, Texas Hoa Kỳ,1995 
53.- Lê Hương. Người Việt Gốc Miên. Sài Gòn 1969. Xuân Thu tái bản Hoa Kỳ. 
54.- Lê Hương. Việt Kiều Ở Kampuchia. Nhà xuất bản Trí Đăng Sài Gòn 1971, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ 
55.- Nguyễn Văn Ba. Chút Tình Với Quê Hương. Nhà xuất bản Phù Sa, Saskatoon Canada 1997 
56.- Nguyễn Cúc. Sài Gòn 300 Năm Cũ. Nhà xuất bản Tiếng Sông Hương, Texas 1999 
57.- Nguyễn Hiến Lê. 7 Ngày Trong Đồng Tháp Mười. Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ. 
58.- Nguyễn Khắc Ngữ. Việt Nam Ngày Xưa Qua Các Họa Ký Tây Phương. Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam, Montréal 1988 
59.- Nguyễn Quới, Phan Văn Dốp. Đồng Tháp Mười: Nghiên Cứu Phát Triển. Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 1999 
60.- Nguyễn Văn Hầu. Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn. Nhà xuất bản Hương Sen, Sài Gòn 1971, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ 
61.- Nguyễn Văn Hầu. Thoại Ngọc Hầu: Những Cuộc Khai Phá Miền Hậu Giang. Sài Gòn 1971, Xuân Thu tái bản Hoa Kỳ 
62.- Nguyễn Văn Huy. Người Hoa Tại Việt Nam. Nhà xuất bản NBC, Paris 1993 
63.- Nguyễn Văn Xuân. Khi Những Lưu Dân Trở Lại. Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1990 
64.- Phạm Hoàng Hộ. Cây Cỏ Việt Nam. Quyển 1 Tập I. Tác giả xuất bản tại Hoa Kỳ 1991. 
65.- Phạm Quỳnh. Hành Trình Nhật Ký: Một Tháng ở Nam Kỳ. Nhà xuất bản Ý Việt, Pháp 1997. 
66.- Phạm Việt Châu. Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh. Nhà xuất bản North Falls House, MN, USA 1997 
67.- Phan Khoang. Việt Sử Xứ Đàng Trong 1558-1777: Cuộc Nam Tiến của Dân Tộc Việt Nam. Xuất bản tại Sài Gòn 1967, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ 
68.- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện. Tập 1 Quyển 6. Truyện Các Bề Tôi: Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Trần Thượng Xuyên. Bản Dịch, viện sử học. Nhà xuất bản Thuận Hóa Huế 1997. 
69.- Sơn Nam. Văn Minh Miệt Vườn.Biên khảo. Nhà xuất bản Văn Hóa, Sài Gòn 1992 
70.- Tạ Chí Đại Trường. Thần, Người và Đất Việt (bản mới). Nhà xuất bản Văn Học, California, 2000 
71.- Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Nhà xuất bản Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ 1990 
72.- Văn Tạo, Furata Moto. Nạn Đói Năm 1945 ở Việt Nam. Viện Sử Học Việt Nam, Hà Nội 1995 
73.- Vũ Hữu San. Địa Lý Biển Đông Với Hoàng Sa và Trường Sa. Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn lãnh Thổ Việt Nam xuất bản 1994 TẠP CHÍ & TÀI LIỆU: 
74.- Bulletin de l’Ecole Francaise d’ Extrême-Orient XLI, 1941 (Extrait du BEFEO, pp.151-200). Marcel Ner. Les Musulmans de l’ Indochine Francaise. 
75.- Champaka. No 1-1999, International Office Of Campa, IOC-Campa, San Jose 
76.- Đi Tới. Tạp Chí Số Đặc Biệt Bộ Mới. 05.1999. Trung Quốc Việt Nam và Biển Đông. 
77.- Đi tới. Tạp Chí Số 29 Bộ Mới, 01.2000. Cầu Mỹ Thuận Năm 2000. 
78.- Far Eastern Economic Review.12.24.98. Tiglao R., Sherry A., Thayer N. Vatikiotis M. Tis the Season. 
79.- Institute of Medicine. Veterans and Agent Orange: Health Effects of Herbicides used in Vietnam. National Academy Press, Wash.D.C. 1994 
80.- International Rivers Network, Feb 1999. Power Struggle: The Impacts of Hydro-Development in Laos 
81.- Life Magazine, Oct 1999, Collector’s edition. Great Pictures of The Century and Stories Behind Them. 1972 The Price of Pollution (Minamata Bay). 
82.- The 1999 Mekong Papers. The 1999 Conference On The Mekong At Risk. Mekong Forum & VAST, California 1999 
83.- Le Monde Diplomatique. No.552, Mar.2000. Picardo Petrella. La Nouvelle Conquête de l’Eau. 
84.- National Geographic, Vol 134, No.6, Dec. 1968. P.T. White, W.E. Garrett. The Mekong River Of Terror And Hope. 
85.- National Geographic. Vol 139, No.3, Mar 1971.P.T. White, W.E. Garrett. Southeast Asia: Mosaic of Cultures. 85a.- National Geographic. Vol 157, No 2, Feb 1980. Fred Ward. In Long Forbidden Tibet 
86.- National Geographic, Vol 161 No 5, May 1982. P.T. White. Kampuchea Wakens From a Nightmare-Ancient Glory in Stone 
87.- National Geographic, Vol 171 No.6, June 1987. P.T. White, Seny Norasingh. Laos Today. 
88.- National Geographic, Vol.176, N.5, Nov 1989. P.T. White, D.A. Harvey. Vietnam Hard Road to Peace. 
89.- National Geographic. Vol 183, No.2, Feb 1993. Thomas O’Neill, Michael S. Yamashita. The Mekong River. 
90.- National Geographic, Vol 188, No.1, Jul 1995. Joel L. Swerdlow, Steve McCurry. Burma: The Richest of Poor Country.
91.- National Geographic, Vol 189, No.2, Feb 1996. Noel Grove, Jodi Cobb. The Many Faces Of Thailand.
92.- National Geographic,Vol.193 No.2, Feb 1998. Luis Marden. Master of The Deep: Jacques-Yves Cousteau 1910-1997
93.- National Geographic, Vol 194, No.6, Dec 1998. Tracy Dahlby, Michael Yamashita. Crossroads of Asia: South China Sea.
94.- National Geographic, Vol. 195, No.3, Mar 1999. Curt Suplee. El Nino La Nina: Nature’s Vicious Cycle
95.- National Geographic, Vol.198, No 2, Aug 2000. Duglas Preston, Steve Mc Curry. The Temples of Angkor Still Under Attack.
96.- Sử Địa, Tập San Số 29. Đặc Khảo Về Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản Khai Trí 1-3, 1975, Văn Nghệ & Khai Trí tái bản, Hoa Kỳ 1992
97.- Thế Kỷ 21. Số 121, 05.1999. Ngô Thế Vinh. Đá Vành Khăn, Con Domino Trong Quần Đảo Trường Sa. 

98.- Tiền Giang, Đặc San I.1996, II.1997, III1998. Tiền Giang Hậu Giang IV.1999 

99.- Viễn Phương, Tuyển Tập, Hàn Lệ Nhân et Al. Nhà xuất bản Phan Đình, 1992 Paris. Ai Lao: Cái Đẹp và Con Người.
100.- Vietnam. Oct 1996. Tony Spletstoser. Defoliation (Operation Ranch Hand)
101.- Watershed, Vol.1 No.2, Nov 95. Feb 96. Chris Lang. The Legacy of Savage Development.
102.- Watershed, Vol.1 No.3, Mar-Jun 1996. Sustaining the Gifts of The Mekong. The Future of Freshwater Capture Fisheries in Cambodia.
103.- Watershed, Vol.3 No.3, Mar-Jun 1998. Chinese Dams on The Mekong Mainstream: Conflict or Cooperation? 

104.- Watershed, Vol.4 No.2, Nov 1998-Feb 1999. From the Mekong to the Chao Phraya: The Kok-Ing-Nan Water Diversion Project.
105.- Watershed. Vol.4 No.3, Mar-Jun 1999,. D. Hubbel. Food For The People: Natural fisheries of the Mekong River.
106.- Watershed. Vol.2 No.2, Nov 96-Feb 97. The Politics of Power. Grainne Ryder. The Rise and Fall of EGAT
107.- Watershed. Vol.2 No.1, Jul-Oct 96. Defending Their Livehood. Tashmanian dambuilders in Laos PDR.
108.- Watershed. Vol.6 No.1, Jul-Oct 2000. Cooperation for Sustainaible Development: Death, Disaster and the Yali Falls dam.
109.- Workshop Proceedings 1-2 Oct 1996, Melbourne. Monash Univ-Monash Asia Institute 1996, VIC Australia. Bob Stensholt et Al. Development Dilemmas In The Mekong Subregion
110.- Xưa Nay, Tạp Chí Số 59, 01.1999 Hà Nội. Mai Văn Tạo. Theo Dấu Chân Phật Thầy.
111.- Le Mekong. Cyril Drouhet, Eric Sampers. Éditions Tallandier 2000 

112.- Laos and Cambodia. Insight Guide. Apa Publications GmbH & Co. 2000.
Ngô Thế Vinh
Theo https://thuvienhoasen.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự cứu rỗi – Truyện ngắc của Võ Chí Nhất 23 Tháng Mười Một, 2021 Tôi phá lên cười rồi sà xuống ghế xa lông quan sát, còn chị Hà thì ch...