Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Dòng sông quê hương

Dòng sông quê hương

Quê tôi không có con sông dài dằng dặc như dòng Cửu Long Giang của miền Nam Tổ Quốc mà đầu nguồn ở mãi tận vùng núi non trùng điệp miền Tây Bắc Trung Hoa xuôi về Nam trên đoạn đường dài hơn bốn ngàn cây số, chảy ra 9 cửa biển lớn của Nam phần đem phù sa tạo nên vùng bình nguyên trù phú vào bậc nhất nhì Đông Nam Á Châu.

Quê tôi không có con sông nước chảy cuồn cuộn qua bao nhiêu ghềnh thác chập chùng như con sông Hồng trước khi chảy ra vịnh Hạ Long đã tạo nên một vùng châu thổ mênh mông - châu thổ sông Hồng - cái nôi văn hiến bốn ngàn năm của dòng giống Lạc Hồng.

Quê tôi không có con sông thơ mộng chảy qua hoàng thành với giọng hò mái nhì não nuột trong những con thuyền lênh đênh trên sông nước mơ màng vào những đêm trăng thơ mộng như dòng Hương Giang của xứ Huế đẹp và thơ!

Thế nhưng, Trà Khúc, dòng sông quê tôi, tuy chỉ là một con sông thật bình thường như bao nhiêu con sông bình thường khác trên đất nước Việt Nam vẫn đã để lại trong tôi bao nhiêu niềm thương nhớ khôn nguôi:

"Ai về Quảng Ngãi xa xôi

Nhớ sông Trà Khúc sóng dồi lăn tăn!" 

Vâng, làm sao mà quên được con sông hiền hòa, dài không quá một trăm bốn chục cây số ngàn, phát nguyên từ rặng Trường Sơn xuôi về đông chảy ra cửa Đại Cổ Lũy đã mang trên mình nó bao nhiêu là thắng cảnh của quê hương. Đây là những danh thắng, mà vào giữa thế kỷ thứ 18, đã được ông quan đầu tỉnh vừa là một nhà thơ, quan tuần phủ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh, khám phá và đặt tên - những cái tên sao mà nên thơ chi lạ: nào Hà Nhai vãn độ, nào Thiên Ấn niêm hà, nào Long Đầu hí thủy, nào Cổ Lũy cô thôn...

Vào những ngày tháng thanh bình cách đây hàng trăm năm, tương truyền bến đò Hà Nhai nằm trên bờ bắc của con sông Trà Khúc, nay thuộc xã Tịnh Hà, Sơn Tịnh đã là một nơi sầm uất, cửa nhà san sát, tụ hội những thuyền buôn của khách thương hồ từ biển đổ lên, từ nguồn đổ xuống. Nhất là vào mùa đường mía, những trai bạn từ đất Sơn Tịnh sang róc mía hay nấu đường trên đất Xuân Phổ, Tư Nghĩa trở về trên những chuyến đò ngang mang theo những giọng hò tình tứ vang vang sông nước, những tiếng cười thân ái và những câu chuyện tâm tình nên thơ râm ran trên bến Hà Nhai lúc màn đêm vừa bao trùm cảnh vật!

Long Đầu hí thủy lại liên quan đến câu chuyện “trảm long yểm huyệt” của Cao Biền. Từ một rặng núi đất cây cối thưa thớt, nhấp nhô từ Tham Hội (Bình Sơn) giống như một con rồng trườn mình về nam và dừng lại trên bờ bắc sông Trà Khúc là một đỉnh núi thấp nằm trên địa phận xã Tịnh Ấn: núi Đầu Rồng.

Xưa kia, vào mùa mưa lũ, nước xoáy vào vùng đất đỏ chảy xuống lòng sông thành dòng nước màu đỏ và dân gian cho đó là máu của rồng thiêng đã bị tên quan đô hộ Cao Biền chém đứt đầu để tuyệt long mạch đế vương của dân Nam và đã tạo nên câu truyện cổ tích “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”!

Và Cổ Lũy cô thôn nằm trên bờ phía nam sông Trà Khúc nơi hợp lưu của dòng Trà Giang và dòng Vệ Giang thuộc xã Nghĩa Hà, Tư Nghĩa xưa là một thôn ấp quạnh hiu, dân cư thưa thớt, cư dân làm nghề chài lưới và dệt chiếu. Từ đỉnh núi Phú Thọ nhìn về, Cổ Lũy nằm trơ vơ như một ốc đảo chìm trong màn sương khói mờ mờ!

Bây giờ, trải qua bao nhiêu phong ba bão táp của dằng dặc thời gian hơn hai thế kỷ kể từ cái ngày được quan Tuần Vũ Nguyễn Cư Trinh đặt tên, những danh thắng ngày xưa đó hầu như đã mai một nhiều rồi – “Hà Nhai vãn độ” chỉ còn là cái tên trong ký ức của dân gian; núi Đầu Rồng đã bị lấy đất làm con đường từ Quán Cơm xuống Mỹ Khê qua nhiều thời kỳ, vả qua thời gian, dòng sông đã bị xê dịch nhiều nên cái cảnh “đầu rồng dỡn nước” cũng không còn rõ nét.

Vậy là, ngày nay chỉ còn cái hình ảnh của núi Thiên Ấn nằm về tả ngạn sông Trà Khúc với ngôi Tổ Đình Thiên Ấn được dựng lên từ một ngôi thảo am từ thời nhà Lê với câu chuyện chuông thần và giếng thần và lăng mộ của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng thì như vẫn còn thách đố với thời gian, vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt để làm nên đệ nhất danh thắng “Thiên Ấn niêm hà” (ấn trời đóng trên sông) của xứ Quảng thân yêu!.

Ngày xưa! (ừ nhỉ, mới chỉ trong vòng năm, mười năm trở lại dây thôi!) dọc theo bờ nước phía bắc và phía nam của con sông Trà, sau mùa mưa lũ, dân hai quận Sơn Tịnh và Tư Nghĩa đã cho dựng lên hàng trăm bờ xe nước tạo nên một hệ thống dẫn thủy nhập điền thật quy mô và hoành tráng! Có những bờ xe nước thật vĩ đại gồm hàng cả mươi, mười hai bánh xe với đường kính ngoài chục thước tây và mỗi bờ xe nước như vậy có thể đem nước tưới cho hàng mười mẫu ruộng trong một vụ mùa! Có nhiều tỉnh ở miền Trung, và ngay cả một số tỉnh ở miền thượng du xứ Bắc đã biết dùng xe nước để lấy nước sông đem vào ruộng nhưng hình như không có nơi nào có một hệ thống bờ xe nước với bánh xe có kích thước rộng và nhiều bánh xe như hệ thống bờ xe nước trên sông Trà Khúc! Tiếc thay, ngày nay hệ thống bờ xe nước của sông Trà Khúc không còn nữa vì người ta đã cho xây một con đập ngăn nước từ thượng nguồn để tạo một hệ thống dẫn thủy nhập điền tân tiến hơn, hữu hiệu hơn và hình ảnh bờ xe nước của con sông Trà Khúc giờ đây chỉ còn là những ảnh hình trong kỷ niệm!

Bờ xe nước trên dòng sông Trà đi vào dĩ vãng làm cho nghề thả ống bắt cá bống, một hình thức bắt cá bống đặc biệt của cư dân hai bên bờ sông Trà cũng mất đi nhiều lợi điểm, bởi cá bống thích sống ở những vùng nước lặng bên dưới các bờ cừ chắn nước.

Cá bống sông Trà ngon nổi tiếng. Nói về đặc sản Quảng Ngãi, người dân xứ tôi đã có câu:

Cá bống sông Trà

Mạch nha Thi Phổ.

Và món cá bống kho tiêu thì thật là tuyệt vời. Dù xa quê hương bao xa đi nữa, dù xa quê hương bao lâu đi nữa, người dân quê tôi vẫn nhớ đến món ăn đặc sản này của quê hương:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ món cá bống sông Trà kho tiêu

Cá bống sông Trà có nhiều loại, nhưng thịt ngon và thơm thì vẫn là loại cá bống cát, và người ta thường kháo với nhau rằng cá bống cát trên đoạn sông bến Tam Thương ở Thị Xã Quảng Ngãi mà đem kho tiêu thì ngon tuyệt!

Ngày nay cá bống sông Trà đã chu du khắp thế giới ở bất cứ nơi nào có con dân Quảng Ngãi trú ngụ, bởi vì những người Quảng Ngãi xa quê hương, mỗi khi được về thăm quê là thế nào khi sang lại xứ người cũng mang theo vài ba hủ cá bống sông Trà của nhà hàng Bắc Sơn để dành ăn dần cho đỡ nhớ mùi vị quê hương!

Trên sông Trà Khúc lại còn loại cá thài bai, chỉ xuất hiện vào những ngày cuối tháng Chạp. Cá thài bai giống như con cá bống nhưng chỉ lớn hơn que tăm xỉa răng một chút và dài không quá hai phân tây. Cá thài bai mà đem um với dầu phụng xúc bánh tráng thì ngon hết chỗ chê. Cá thài bai nhỏ nhoi như vậy đó, lại ngon và hiếm nên những người bán cá thài bai chuyên nghiệp thường đong cá trong một cái khu chén trẹt lét với đôi bàn tay vốc cá bỏ vào khu chén trông thật điệu nghệ!

Nhưng nguồn thủy sản đặc biệt hình như không có trên bất cứ con sông nào khác ngoài con sông Trà Khúc của quê tôi thì phải kể đến một loại hến có tên là don. Và trên sông Trà Khúc thì don chỉ sinh sống ở vùng nước chè hai, cái vùng nước lờ lợ không ra mặn không ra ngọt gần cửa biển. Ruột don mềm mại, quan sát kỹ thì thấy con don có hai cái tua màu hồng như hai sợi râu dính vào thịt thân don.

Ngày xưa, các cô các bà thường gánh don bằng một cặp ui, một đầu thêm một chồng bánh tráng cao nghệu. Thực khách có thể gọi người bán don dừng trước hiên nhà mình, hay nếu là khách bộ hành thì cô hàng don có thể đặt gánh dưới một tàn cây nào đó bên vệ đường. Cứ thế rồi múc don ra tô cho khách ngồi ăn một cách tự nhiên ngon lành. Cái cặp ui của cô hàng don đã đi vào văn chương bình dân của người dân núi Ấn sông Trà:

Có nghèo có khổ

Cũng lấy con vợ bán don

Lỡ khi nó chết cũng còn cặp ui!

Ngày nay cái hình ảnh quen thuộc của cô hàng don với cặp ui kẽo kẹt trên vai không còn nữa mà ở tại Thị xã và dọc theo con đường tỉnh lộ chạy về Phú Thọ, Thu Xà mọc lên những quán don dọc đường!

Bao năm xa quê hương núi Ấn sông Trà, tôi vẫn ước ao có ngày ăn lại món don đầy hương vị quê hương, nhưng buồn một nỗi là không còn hình ảnh cô gái bán don trong cặp ui, một hình ảnh thật đặc biệt vang bóng một thời của quê hương tôi!.

Quả thực, những điều tôi vừa kể một phần nay chỉ còn là vang bóng. Hà nhai vãn độ, Long Đầu hí thủy, Cổ Lũy cô thôn cũng chỉ còn vang bóng một thời. Bờ xe nước chạy dọc theo hai bên bờ Trà Khúc ngày nay cũng chỉ là vang bóng một thời. Thế nhưng, dù có bao nhiêu vật đổi sao dời, con sông Trà Khúc vẫn còn lưu mãi trong tôi những kỷ niệm của một thời niên thiếu.

Tôi làm sao quên được những ngày nghỉ học cùng bạn bè rủ nhau đi tắm ngoài bãi sông bên cầu Trà Khúc, cái cầu ngày xửa ngày xưa chỉ còn một nhịp đứng cô đơn giữa dòng sông nước lặng lờ trôi để có lúc cao hứng ngân nga khúc hát Thương Về Quảng Ngãi của Anh Đỗ và Văn Quang, cái khúc hát đã hơn một thời làm ấm áp những con tim non trẻ của chúng tôi “Dòng nước trong cuốn theo bóng mây về đâu? Lặng lờ Trà Khúc nước trôi mau, nắng vươn qua nhịp cầu...”

Và tôi làm sao quên được những đêm trăng tuyệt đẹp, đứng trên cây cầu mới xây, nhìn xuống dòng sông với những lượn sóng vàng lăn tăn như đang chảy mãi về vô tận để thấy tâm hồn mình như đang chìm đắm trong dòng sông trăng tuyệt vời đó.

Và mãi về sau nầy, khi đã làm một lưu dân bất đắc dĩ nơi xứ người, không còn dịp nhìn lại dòng sông trăng thuở xưa, oái oăm thay, lại được đọc những vần thơ trăng tuyệt vời của thi hào Cao Bá Quát nói về vầng trăng bất tử trên sông Trà: Trà Giang Thu Nguyệt Ca (Bài Ca Trăng Thu Sông Trà). Có người bảo đây là một trong những bài thơ viết về trăng tuyệt vời nhất trong nền thi ca Việt Nam. Có phải vậy chăng? Thôi thì xin mời người hãy cùng tôi thưởng thức trọn vẹn bài thơ nầy của Cao Chu Thần để biết đâu chẳng gây trong lòng người một mối cảm hoài man mác khi hồi tưởng về dòng sông quê hương xưa - dòng Trà Khúc thân thương có cá bống Tam Thương, cá thài bai Sung Tích, có tô don Hiền Lương - đang vẫn ngày đêm miệt mài xuôi nước về biển Đông!

TRÀ GIANG THU NGUYỆT CA

(Tặng Bảo Xuyên Ông chi An Giang quân thứ)

Trà Giang nguyệt

Kim dạ vị thùy thanh?

Quan san vạn lý hạo nhất sắc

Hà xứ bất hệ cố viên tình?

Cử bôi thí yêu nguyệt

Nguyệt nhập bôi trung hành

Hàm bôi dục yết cánh phi khứ

Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành

Đình bôi thả phục trí

Hựu kiến cô quang sinh

Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả?

Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh!

Giang đầu thử dạ phùng thu tiết

Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết:

Đà giang cựu lữ Tồn Chân ông

Cần hải minh tiên hiểu tương biệt

Tạc dạ kim phong hạ thiên khuyết

Bạch lộ, thanh sương sảo xâm cốt

Nhân sinh hội ngộ an khả thường?

Hữu tửu thả ẩm Trà Giang nguyệt

Trà Giang nguyệt!

Như kính hạ ngân lưu

Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ

Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu!      

Cao Bá Quát

Phần dịch xuôi:

BÀI CA TRĂNG THU SÔNG TRÀ

(Tặng Bảo Xuyên Ông đi quân thứ An Giang)

Trăng sông Trà

Đêm nay vì ai trong vắt?

Muôn dặm quan san, một màu vằng vặc

Nơi nào không buộc chặt mối tình quê?

Cất chén mời trăng cùng uống

Trăng rơi vào lòng chén

Nâng chén toan uống, trăng bay đi

Chỉ còn bóng người chao ngang dọc

Ngưng uống đặt chén xuống

Lại thấy ánh trăng le lói hiện về

Hỏi tại sao người dùng dằng không nỡ rời

Ta chỉ là gã lính quèn của Trúc Lâm

Đầu sông đêm nay gặp thu tiết

Rượu tàn uống cạn, tỏ người biết:

Sông Đà bạn cũ bác Tồn Chân

Cần hải thét roi, mai giã biệt

Đêm qua gió thu từ trên cao thổi về

Móc trắng, sương trong thấm xương thịt

Đời người gặp nhau đâu dễ thường

Sẵn rượu đây cứ uống đi, Trăng sông Trà.

Trăng sông Trà

Như ánh bạc chảy tràn mặt gương

Trượng phu chống kiếm, bước cứ bước

Đường dù khó cứ đi. Chớ vương sầu nữ nhi.

(Bản dịch của Phương Đình)

Đào Đức Nhuận

Theo http://stckquangngai.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái chi còn lại họa còn văn chương

"Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chả...