Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Sức sống của văn học

 Sức sống của văn học

Văn học không còn là lĩnh vực trung tâm của đời sống văn hóa mà đang có nguy cơ bị đẩy ra vị trí ngoại biên! Đây không phải là nhận định bi quan về hiện trạng văn chương mà là một thực tế đáng suy ngẫm. Vấn đề không chỉ nằm ở nội tại bản thân đời sống văn hóa, văn học-nghệ thuật mà còn do chính công chúng của văn học ngày hôm nay.

Bất cứ đâu trên thế giới, khi mà môi trường sống hiện đại hóa, gia tốc đời sống chuyển động chóng mặt, tràn ngập các phương tiện nghe nhìn, thiết bị giải trí, thì văn học chịu sức ép cực lớn. Ở thời ít nhà có radio, người ta có thể bỏ vài đêm để đọc một cuốn tiểu thuyết. Ngày nay, muốn chìm đắm vào một câu chuyện hấp dẫn không nhất thiết phải đọc văn chương mà chỉ cần hơn 90 phút để xem một bộ phim. Đó là sự chuyển biến tự nhiên, khách quan của đời sống văn hóa, văn nghệ. Còn công chúng hiện nay với văn học thì sao? Thói quen đọc, bàn luận về văn học, các vấn đề nhà văn và tác phẩm của người hôm nay so với cách đây hai chục năm có khác không? Lần gần nhất chúng ta đọc một tác phẩm văn học đương đại là khi nào? Một sự kiện “nóng” trong giới văn học có ảnh hưởng đến xã hội gần nhất là từ bao giờ? Ở cả hai chiều khách quan và chủ quan, dấu ấn và ấn tượng của văn học mờ dần, lẽ tự nhiên môn nghệ thuật ngôn từ sẽ bị đẩy ra “ngoại biên”-thuật ngữ chỉ lĩnh vực, thể loại văn nghệ ít có tác động đến đời sống văn hóa, xã hội.

Dù sao văn học vẫn có sức sống, độc đáo, vẫn có công chúng tìm đến. Đây không phải là sự lạc quan duy ý chí của những người yêu văn học mà là niềm tin có cơ sở từ những đặc trưng vốn có của văn học.

Trước hết, sự tưởng tượng vô bờ bến của con người là điểm tựa cho văn học. Về thể hiện sự tượng tưởng, văn học thua xa điện ảnh-bộ môn của hình ảnh động; nhưng văn học cung cấp ý tưởng, hình tượng nền móng. Chẳng ai nghĩ một bà mẹ đơn thân, thất nghiệp như J.K.Rowling lại có thể trở thành tỷ phú nhờ nhân vật cậu bé phù thủy Harry Potter. Từ những trang sách, Harry Potter bước ra màn ảnh nhưng nhiều người vẫn thích đọc sách để đắm chìm trong thế giới siêu nhiên. Cũng nhờ những trang văn sinh động, mượt mà, tinh tế của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà công chúng thời nay mới rủ nhau đến rạp xem phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc"...

Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn ngữ bên cạnh phản ánh đời sống xã hội ở một giai đoạn nhất định, còn phản ánh sự tồn tại cá tính con người, tâm hồn dân tộc muôn đời. Ngôn ngữ của một số đối tượng "trưởng giả học làm sang", bịp bợm, lưu manh trong “Số đỏ” qua lời nói của Xuân "tóc đỏ", bà Phó Đoan, ông Văn Minh, ông T.Y.P.N... vẫn có thể bắt gặp ngay bây giờ ở một số kẻ trọc phú. Và dịp này, khi cả nước đang tổ chức các hoạt động hướng tới tưởng niệm 200 năm Ngày mất đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta thấy sức sống của kiệt tác văn chương “Truyện Kiều” lâu bền thế nào. Người đọc vẫn khóc, cười với bao số phận nhân vật và cảm nhận, thấm thía bao điều về nhân tình thế thái được Nguyễn Du thể hiện vô cùng uyên thâm trong thế giới ngôn ngữ trong sáng, tinh diệu, đậm đà tính dân tộc. 

Điểm qua hai nét chính đặc trưng nhất của văn học có thể thấy chỉ cần một tài năng văn chương xuất hiện, tình hình của một nền văn học có thể được thay đổi, bởi câu chuyện văn chương suy cho cùng là sự sáng tạo của cá nhân. Chúng ta khó có thể đào tạo nhà văn theo lối trường lớp chính quy, nhưng ta có thể tạo môi trường để tài năng cá nhân phát triển, tăng thêm sức sống cho phong trào sáng tác văn học. Những cuộc thi như “Đại sứ văn hóa đọc”, các cuộc thi sáng tác văn chương, trại bồi dưỡng kể cả đối tượng các em thiếu nhi... là những điểm sáng cần phát huy, nhân rộng. Và chính bản thân văn học cũng cần thay đổi. Đã đến lúc nhà văn không nên ở "tháp ngà" viết về cuộc sống; cần phải hiểu tâm lý, tình cảm, thói quen độc giả ngày nay để có tác phẩm nằm trong lòng dân, để văn học không bị đẩy quá sâu về phía ngoại biên. 

 17/9/2020

Hàm Đan

Nguồn: QĐND

Theo http://baovannghe.com.vn/


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  "Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng c...