Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Lưu Trọng Lư những dấu ấn khó quên về đời và thơ

 Lưu Trọng Lư những dấu ấn 

khó quên về đời và thơ

Lưu Trọng Lư (1912-1991) là một con người đa tài và đa tình. Ông sinh ra tại làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, sau cư ngụ ở Huế, rồi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Xuất thân trong một gia đình Nho học, thuở nhỏ học Trường Quốc học Huế, sau bỏ học, gia nhập làng báo ở Hà Nội, Huế ...

Trước cách mạng tháng Tám 1945, ông là một trong những nhà thơ đi đầu trong phong trào thơ mới (1932-1945). Năm 1933 ông chủ trương Ngân Sơn tùng thư ở Huế, từng cộng tác với các báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Sông Hương (Huế), Phụ nữ thời đàm, Tiến Hóa, Tân thiếu niên, Tao đàn... (Hà Nội). Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông hoạt động văn học ở Chiến khu và Hà Nội.

Ông đã từng là Tổng thư kí Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II... Ngoài những tác phẩm nổi tiếng đã xuất bản như "Người sơn nhân" (truyện, 1933), Khói lam chiều (truyện, 1941), Tiếng thu (thơ, 1939), Tỏa sáng đôi bờ (thơ, 1959), Người con gái sông Gianh (thơ, 1966), Từ đất này (thơ, 1971), Mùa thu lớn (tùy bút, hồi ký, 1978), Nửa đêm sực tỉnh (hồi ký, 1989) và nhiều kịch bản cải lương, kịch nói, thì, theo giới chuyên môn đánh giá, ông còn là một trong số ít những nhà thơ Việt Nam có nhiều bản thảo chưa in nhất và nhiều bản thảo bị thất lạc nhất. Sinh thời, khi Trung tâm lưu trữ Quốc gia ngỏ ý muốn thu thập những tác phẩm ông sáng tác, ông rất lúng túng vì không lưu giữ được gì. Ông sáng tác như để cho đời chứ không để cho mình vậy.

Những người yêu thơ ông, say mê thơ ông, tìm đến với thơ ông thường bắt gặp ở ông trước hết một con người, một hồn thơ và những vần thơ giàu tính nhân văn, giàu lòng nhân ái. Ông từng nêu châm ngôn sống của mình rằng: "Tôi thà bị lừa còn hơn không tin vào con người". Chính vì thế mà con người của ông luôn "hiền tươi như ngọn cỏ". Trong trái tim và ký ức của bè bạn, ông luôn là người "say mê yêu, say mê viết, say mê mộng, có nghị lực dám bỏ đi những thói quen mà nhiều người không bỏ được, say mê nói dầu nói nhịu,  nhất là khi say mê nói về thơ" (Hoàng Trung Thông).

Ông còn là người "không bao giờ chê bai dè bỉu người khác, lúc nào cũng theo đuổi ý nghĩ của mình, đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, nhân hậu với bạn bè đồng nghiệp" (Tế Hanh). Vì thế, "những lời khuyên bảo của ông bao giờ cũng thành thực từ đáy lòng, hơn ai hết, bằng cuộc sống và công việc của mình, ông giúp người ta hiểu sứ mạng của một nhà thơ" (Xuân Trình).

Có thể nói, ông là người "thật tốt, thật hiền, cũng thật bao dung". Ông luôn "nghiêng người và chia sẻ những nỗi đau của người khác và theo dõi những bước thăng trầm của người thân" (Nguyễn Thị Hồng Ngát). Ông từng tâm tình với những bạn văn trẻ của mình rằng: "Cần có hiểu biết rộng, cần phải có tài, cần có nghề nghiệp vững, nhưng tài không là một thứ gia bảo. Thời đại mới, hiện thực mới vô cùng vĩ đại hôm nay đã tác động lớn vào con người như vào đứa trẻ, những năng khiếu sáng tạo và tài năng cũng chỉ hình thành đầy đủ trọn vẹn trong quá trình thực nghiệm cuộc sống. Một sự thâm nhập thực tế nghiêm túc bền bỉ, chân thành mê say giúp nhà văn biết xúc cảm có tầm nghĩ, tạo cho nhà văn, phát huy ở nhà văn những khả năng tiềm tàng lớn lao".

Nếu cuộc đời của ông đầy nhân cách, thì sự nghiệp văn thơ của ông như cây đàn muôn điệu. Ông là một người đa tài. Ông viết thơ, kịch, tiểu thuyết, kí sự, hồi ký, tranh luận văn học... tất cả đều đầy dấu ấn và có những đóng góp quan trọng cho nền văn học nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên, trong khuôn khổ có hạn của bài viết, chỉ xin đề cập đến khía cạnh về một Lưu Trọng Lư- một trong những chủ soái của phong trào thơ mới. Năm 1932, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện một biến cố lớn: Tạp chí "Phụ nữ tân văn" số ra ngày 10-3 đăng bài "Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ" của nhà thơ Phan Khôi và bài thơ "Tình già" của Lưu Trọng Lư.

Sau sự kiện gây dư chấn này, ông liên tiếp có những hoạt động cổ súy cho thơ mới và cho rằng đây là một hình thức cởi trói cho thi ca Việt Nam và cũng chính là khát vọng được nói rõ những điều kín nhiệm u uất, khát vọng của những thanh niên sục sôi nhiệt huyết "khao khát đi tìm thi nhân của mình như con đi tìm mẹ". Ông cổ súy cho thơ mới với một quan niệm rất rõ ràng: "Hình thức thơ phải mới, mới luôn cho hợp tâm hồn của ta..., cái điệu mới phải phù hợp với thi tình thi tứ mà cũng cần phải hợp luật pháp nhất định của thanh âm. Có thế mới đi vào lòng ta...". Ông cổ súy cho đổi mới nhưng không phải là lối đổi mới tùy tiện.

Ông nói rằng: "Tôi ưa sự khuôn phép, nhưng là cái khuôn phép rộng rãi". Vì vậy, thơ ông không phải là "bất chấp tất cả" mà "vẫn luôn nhuần nhuyễn trong các thể thơ dân tộc: Thất ngôn, tứ ngôn, ngũ ngôn, họa hoằn lắm ông mới phá thể, như lối phá thể trong bài Hoàng hôn: "Bên thành con chim con/ hót nỉ non/ Giục lòng em bồn chồn/ buổi hoàng hôn". Còn thường thì ông sử dụng một thể thơ mà lúc bấy giờ các nhà thơ rất ít dùng: Thể thơ song thất lục bát: "Đêm ấy rượu nàng ta không uống/ Từ sau thề không uống rượu ai/ Đôi phen ngồi ngóng chân trời/ Chẳng bao giờ nghĩ đến đời phiêu lưu" (Giang Hồ). Nhà phê bình Hoài Thanh từng cho rằng: "Đọc thơ người khác, ta có thể tìm thấy nhiều bài âm điệu tinh tế hơn, nhiều hình ảnh xinh đẹp hơn, nhưng ít có bài cảm động như thơ Lư. Ấy chỉ vì Lư thành thực hơn... Lư đã không ngần ngại nói đến vợ con, một điều các thi nhân gần đây hình như kiêng lắm": "Nó đưa ta một chai rượu bé/ Bảo rằng "Đây, rượu mẹ dâng cha"/ Giật mình ta mới nhớ ra/ Là ngày sinh nhật vợ ta đó mà" (Giang hồ). Còn ông Vũ Ngọc Phan thì nhận xét: "Thế giới của thơ Lư gói trong hai chữ Tình và Mộng. Thơ Lư là tất cả tấm lòng thổn thức của con người mơ mộng, lúc nào cũng nặng lòng yêu dấu, nó nhẹ nhàng từ âm điệu đến ý tưởng, cám dỗ ta bằng sự mơn man, rồi thấm dần vào cõi lòng ta làm ta phải ngây ngất".

Vâng, thì đó, trong cả tập "Tiếng thu", hình ảnh nào cũng ảo ảnh mơ màng, với nhiều bài truyền cảm như: Nắng mới, Mưa, Giang hồ, Trăng lên, Một mùa đông... nhưng chín câu thơ của bài "Tiếng thu" thì mới thật là giai tác, thấm vào lòng người và cứ lan, lan mãi. Đọc "Tiếng thu", nhiều người không hiểu đúng, luận đúng cái thâm trầm sâu sắc của hình ảnh "Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp lên lá vàng khô". Lưu Trọng Lư đã từng tâm sự với nhà thơ Hoài Việt rằng: "Cái buồn của Tiếng thu là cái buồn của cả một thời, là cái buồn có thật... Ở cái làng Cao Lao Hạ ấy trước đây từng diễn ra bao cảnh phân li: Cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, Thế chiến thứ nhất, cướp đi bao người chồng... Do đó mà có hình bóng kẻ chinh phu (người đi lính) trong lòng người cô phụ (người ở nhà). Cái ngơ ngác hiền lành của con nai là vẻ hiền lành của xứ sở mình, hiền lành đến thế mà vẫn bị chà đạp...".

Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, một "Mùa thu lớn" thật sự đã hồi sinh nhà thơ. Và từ một nhà thơ dường như chỉ "Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" bây giờ đã lột xác, một Lưu Trọng Lư đã hình thành cho mình, cho thơ mình một con đường mới, đó là con đường: "Tỉnh mộng người ơi mau tỉnh mộng/ Vì bên khe chim đà đổi giọng/ Bên khe hoa lá đã thay màu/ Người hỡi người hãy đến giữa thương đau/ Hãy đến giữa trận này, chiến đấu". Một tuyên ngôn mới về nghệ thuật của ông bắt đầu...

19/6/2012

Nguyễn Thị Thọ

Theo https://www.baoquangbinh.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ‘Tôi lẫn vào đồng bào tôi’ giữa đại dịch! 30 Tháng Mười Hai, 2021 Những ai từng yêu mến mục “Nhàn đàm” đều đặn xuất hiện trên báo Than...