Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

"Thi đàn mới" - Nơi hội tụ của những tâm hồn thơ

 "Thi đàn mới" - Nơi hội tụ 

của những tâm hồn thơ!

Tôi đã vào "Thi đàn mới" đọc thơ rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy tôi đều bị cuốn hút bởi những bài thơ hay, giàu tính nhân văn của những tác giả yêu thơ của CLB thơ Trung tâm VHTT huyện Thủy Nguyên. Những bài thơ trữ tình thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người như bài "Quê ngoại" của Nguyễn Dung, bài "Nợ em" của Huy Tưởng và nhiều bài khác nữa. Tôi rất ngưỡng mộ "Thi đàn mới". Tôi mơ ước có một ngày được gặp mặt và cùng đàm luận về Thơ - lĩnh vực mà tôi và các bạn cùng yêu thích!

Chúc các bạn mạnh khỏe, và thành công trong cuộc sống!

Chúc "THI ĐÀN MỚI" ngày càng phát triển!

Phượng Kỳ, ngày 7/10/2015

Hải Thê

CẢM NHẬN BẤT NGỜ!

Tôi lang thang trên mạng tình cờ gặp trang THI ĐÀN MỚI của câu lạc bộ thơ huyện Thủy Nguyên; trông cũng lộng lẫy và hoành tráng! Với trang chủ khá đẹp về hình thức, phong phú về nội dung tôi không khỏi ngỡ ngàng! Câu lạc bộ của một huyện mà có được trang thơ như vậy quả là đặc sắc và hiếm, mấy huyện đã có được ở Hải Phòng! Với nhiều danh mục độc đáo và tên các nhà thơ tôi thực sự bị choáng ngợp, bị thu hút không thể không thưởng thức thơ của các nhà thơ Thủy Nguyên được.

Đây rồi thơ chị Bích Thạo, thơ anh Đình Lâm, thơ anh Lưu Bán, thơ chị Minh Bảy, Minh Luyện, thơ anh Minh Túy, Văn Hưởng, Nguyễn Dung, Nguyễn Hẹn, Phương Mâu, Quang Tiếp, Trọng Hòa… mấy chục bài thơ phong phú và đa dạng mỗi bài mỗi vẻ làm cho người đọc bâng khuâng xao xuyến về quá khứ, về hiện tại, về tương lai, về Thủy Nguyên quê hương của các nhà thơ.

Đọc những bài thơ của Anh Lê Khoảnh tôi sững sờ trước những nỗi niềm trăn trở, day dứt riêng tư về tình yêu, về cuộc sống về bè bạn mà Anh đã gửi gắm vào những vần thơ hay làm rung động lòng người:

Một mảnh trăng nghiêng dán giữa trời

Sắc vàng nhàn nhạt quán nghèo ơi

Khi đầy khi khuyết theo ngày tháng

Hết bão lại giông cả cuộc đời

Gió táp phên thưa thương mái rạ

Mưa sa quán lạnh chợ thưa người

Quê nghèo buôn bán thường như thế

Một mảnh trăng nghiêng một cuộc đời.

Bài thơ gợi cho ta về sắc cảnh quán chợ một vùng quê nghèo và những mảng đời heo hắt buôn bán kiếm sống ở nơi đây thật chật vật, gian truân; hàng hoá đơn sơ, lều quán tạm bợ, mưa gió dập vùi; chợ người thưa thớt lờ lãi có được là bao cũng chỉ khi đầy, khi vơi xoay vần theo ngày tháng mà thôi. Tác giả khéo sử dụng hình ảnh một mảnh trăng nghiêng dán giữa trời để chỉ cuộc sống của những mảnh đời nơi đây nó mới mờ nhạt làm sao, tạm bợ làm sao, mong manh yếu ớt trước bão táp mưa sa giông tố của trời đất, của cuộc đời. Thật xót sa, thật thương cảm nhà thơ đã không kìm nổi lòng mình đã thốt lên day dứt khi người bạn cũ của mình cũng trong cảnh chợ nghèo đó: “Một mảnh trăng nghiêng dán giữa trời, sắc vàng nhàn nhạt quán nghèo ơi”! Nhưng biết làm sao được nhà thơ cũng chỉ biết bùi ngùi chia sẻ cảm thông với bạn mình mà thôi: “Quê nghèo buôn bán thường như thế, một mảnh trăng nghiêng một cuộc đời”. Với những câu thơ giàu hình tượng gợi cảm nhà thơ dể lại cho người đọc một nỗi niềm thương cảm bâng khuâng. Bài thơ: “Mắt Em” - cũng là bài thơ hay dí dỏm; là bài thơ tương tư ngắn gọn sắc nét làm cho ngưòi đọc cũng khổ sở, cũng sững sờ luyến tiếc như nhà thơ:

Khổ vì em thả câu thơ

Chết vì con mắt hững hờ nhìn nghiêng

Phũ phàng trái cấm vườn tiên

Sao băng vời vợi sáng trên thiên hà

Rộng dài rừng thẳm biển xa

Sông sâu cũng lội rừng già cũng leo

Soi đường nhờ mấy vì sao

Vẫn không tìm được lối vào mắt em

Nhà thơ tả người đẹp mà tuyệt nhiên không có từ đẹp trong bài thơ, thế mới hay mới tuyệt làm sao: “Phũ phàng trái cấm vườn tiên, sao băng vời vợi sáng trên thiên hà”. Đẹp như vậy làm sao chả khổ sở chả tìm mọi cách đẻ chinh phục nhưng nào có được đâu, đến lối vào còn không tìm thấy thì sao lọt vào mắt em được, ôi thật là phũ phàng phải không nhà thơ? Năm bài thơ của Anh Lê Khoảnh đều hay, sâu thẳm tâm hồn. Bài: “Em và đường đời” hay bài: “Em và Biển” mang nặng dấu xưa đầy ắp nỗi niềm riêng tư như muốn chia sẻ cùng ai! Và đây nữa bài: “Lều canh dưa” đọc xong bài thơ ai cũng phải bật cười, nếu không cũng phải tủm tỉm vì cái hay cái tinh túy cái ý nhị của những việc đời thường mà nhà thơ đã khéo miêu tả:

Cánh diều tựa chiếc thuyền thoi

Lênh đênh neo đậu giữa trời xanh non

Đồng dưa như chợ lợn con

Mơn man dưới ánh trăng tròn vàng tơ

Lều canh chiếu hẹp phên thưa

Bữa cơm muộn chợ em vừa mang ra.

Tóc buông hương bưởi vườn nhà

Ao nâu gió động hai tà thắt lưng

Gạt tay bối rối anh đừng

Ơ nhà nồi cám khéo chừng lại khê

Thì thầm anh để em về

Khéo mà sao ở trên kia đang cười

Tác giả đã phác hoạ một buổi tối thanh bình trên cánh đồng dưa rất thanh vắng yên ả thơ mộng; trên trời một cánh diều nhỏ đung đưa qua lại tưạ như con thuyền đang neo đậu giữa trời xanh, dưới đất đồng dưa được mùa đang độ thu hoạch, những quả dưa to mỡ màng ngổn ngang dưới ánh trăng tròn mơn man trước gió làm người canh dưa cũng phơi phới trong lòng.

Canh dưa cũng là công việc rất bình thường như bao công việc khác của nhà nông; Trông cả ngày đêm phải dựng tạm một cái lều con nho nhỏ để che mưa che nắng cho người canh, nếu như vậy có gì để mà nói nữa? Có đấy! lều canh có lúc không phải là lều canh, đó là điều mà nhà thơ muốn nói đến. Lúc đó chính là lúc người vợ mang cơm chiều ra hơi muộn, một ngày bận rộn chợ búa đã qua, phút giây thanh thản đã trở lại, nét đoan trang dịu hiền của người vợ đang ở trước lều canh: “Tóc buông hương bưởi vườn nhà, áo nâu gió động hai tà thắt lưng”. Trong không gian tĩnh mịch thơ mộng như vậy, có ai mà lại không rung động, không khát khao, không yêu thương vợ mình ngay được, và điều gì sảy ra cũng đã sảy ra:

Gạt tay bối rối anh đừng

Ở nhà nồi cám khéo chừng lại khê

Thật là một câu thơ hay, ý nghĩa thâm thuý, ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ nội dung cần diễn tả, rất chân thực mà không thô, trừu tượng mà cụ thể vui vẻ và hài ước, hai chữ “lại khê” mới thú vị làm sao! thật là: “Cám khê thì mặc cám khê, xong việc em về anh ở lại canh”. Đây là điều khác bình thường, chuyện tình cảm chăn gối vợ chồng là bình thường, sảy ra ở trong nhà càng bình thường với phòng the đầy đủ chăn bông gối đệm thì nói mà làm gì. Nhưng chuyện đó lại sảy ra trong lều thưa chiếu hẹp, trong trời đêm gió mát giữa đồng dưa, vừa như chân chính vừa như vụng trộm, cái cảm giác đó nghe mới khoái làm sao mấy ai đã có được, không biết nhà thơ có đi canh dưa bao giờ chưa mà phát hiện ra điều mới lạ thế?

Tôi không biết nhà thơ Lê Khoảnh ra sao, làm nghề gì, già hay trẻ (vì lúc này tác giả chưa đăng ảnh) nhưng tôi thực sự yêu thích thơ anh, cảm phục tài làm thơ của anh, ước mong có ngày giao lưu hội ngộ. Mong cho trang thơ của Thuỷ Nguyên ngày càng phát triển và trường tồn cùng năm tháng.

Hải Phòng, 10.02.2011

Hạ Vũ

Lửa chiều - Một nỗi niềm sâu thẳm

Lẽ thường khi nói đến tình yêu đôi lứa ai cũng nghĩ rằng: đó là lĩnh vực tình cảm của tuổi thanh xuân trai trẻ, cái thời mà “Hoa thơm phong nhụy, trăng vòng tròn gương” trong trắng ngây thơ, vô tư say đắm dại khờ. Mấy ai nói đến khi tuổi đã xế chiều, càng không dám nói đến khi đã là người “xưa nay hiếm”; Bởi nhiều lý do khiến người ta ngại nói ra hoặc không dám nói ra. Nhưng tình yêu giữa con người với con người, giữa nam và nữ dường như không phụ thuộc vào tuổi tác thấp cao, mà bản chất của tình yêu thì bao giờ cũng trẻ trung và thánh thiện. Tác giả Lê Đình Lâm đã gửi gắm lòng mình vào bài thơ “Lửa Chiều” đầy khát vọng yêu thương.

Cái tên của bài thơ là nỗi niềm sâu thẳm tâm hồn mà tác giả muốn giãi bày; Ta còn nhớ truyện Kiều có câu: “Sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”, nếu tắt thật thì còn gì để nói nữa? Nhưng lửa lòng của nhà thơ vẫn còn âm ỉ, rạo rực đâu đây, có lúc như muốn bùng lên dữ dội, nhưng rồi lại lắng xuống da diết, bâng khuâng; Bởi vậy viết cả trăm bài thơ tình hết cầm lên lại đặt xuống mà chưa dám gửi tặng cho người mình yêu bởi vì:

Hai ta có thực mà mơ

Biết rằng em chẳng bao giờ của tôi

Tình em khó nói lên lời

Tình tôi nửa đứng nửa ngồi khác đâu

Tác giả bộc bạch lòng mình rất chân thực, một mối tình có thực nhưng lại là mơ, một mối tình đã biết chẳng bao giờ đi đến đích mà âm thầm day dứt khôn nguôi; Một câu thơ đa cảm, một ánh mắt dịu hiền, một nỗi niềm chia sẻ, một nụ cười đôn hậu, duyên dáng hồn quê… đã làm lửa chiều bùng cháy đam mê trong lòng nhà thơ chăng? Nhưng tác giả cũng rất trăn trở suy tư vì mối tình đó có điều khó nói lên lời của cả “hai ta”, bởi sự ngăn cách vô hình nào đó, tác giả ví sự ngăn cách ấy như một dòng sông sâu chảy siết nguy hiểm nào ai dám vượt qua, đành ngậm ngùi thương cảm đau xót nhìn nhau như bờ đê lở bồi mà thôi:

Hai ta như giải sông sâu

Giữa dòng nước xoáy bờ đau lở bồi

Chính dòng nước xoáy vô hình đó càng làm cho tình cảm đôi bờ khát khao cháy bỏng trong lòng, âm thầm thương nhớ đầy vơi, khi xa nhau thì mong đợi thắc thỏm tưởng như một ngày dài bằng ba thu, như hai ta không thể thiếu nhau trên cõi đời này. Lúc gặp nhau hạnh phúc tràn ngập qua ánh mắt nụ cười, nhưng một lời nói thương yêu nhau vẫn dấu kín ngại ngùng chẳng dám thổ lộ cùng nhau:

Khi xa mong nhớ đầy vơi

Lúc gần không dám nói thương yêu

Đây là đặc trưng của “Lửa Chiều”, tình cảm của những người khi không còn trẻ trung nữa không bồng bột không phô trương mà ngọt ngào sâu lắng hơn, yêu nhau bằng tâm hồn bằng kỷ niệm bằng ký ức riêng tư, một chút vương vấn yêu thương đọng lại cũng đủ thỏa lòng mơ mộng bấy lâu:

Mong Em giữ lấy lửa chiều

Cháy trong kỷ niệm bấy nhiêu cũng là…

Bài thơ kết thúc nhẹ nhàng thoải mái để lại nỗi cảm thông sâu sắc cho bao ngọn “Lửa Chiều” cũng đang âm ỷ trong lòng mà chẳng bao giờ dám nói ra. Đây là bài thơ tự tình, tác giả chia sẻ lòng mình tự nhiên khéo léo, ý thơ cô đọng chặt chẽ, từ ngữ mang màu sắc âm hưởng của “Lửa Chiều” khá rõ nét phản ảnh một tâm hồn hiện thực lãng mạn của những người cao tuổi. Hình tượng giải sông sâu ngăn cách trong bài thơ thật hay, thật ý nhị!.

Tháng 5 / 2011

Vũ Hạ
Theo https://sites.google.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái chi còn lại họa còn văn chương

"Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chả...