Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Quê hương, những dòng sông truyền thuyết và sự kiện

Quê hương, những dòng sông 

truyền thuyết và sự kiện

Không biết có từ bao giờ, mà đến nay, mỗi khi nhắc đến hai tiếng Quảng Ngãi, người nghe như có ngay cái ấn tượng nơi có “mía ngọt, don thơm” để xem như đặc sản của một địa phương. Hiện tại, thị trường trong và ngoài nước còn thêm một món ăn mà không thấy nơi nào có, mang tên “Cá bống sông Trà”. Người Quảng Ngãi khi ở xa, có khi còn gọi văn vẻ và thân thương nơi chôn nhau cắt rốn của mình là “quê hương miền núi Ấn sông Trà”; giống như “miền Thùy dương” Thừa Thiên Huế, “miền cát trắng” Nha Trang Khánh Hòa… vậy! Vì nơi đây có núi Thiên Ấn với nhiều huyền thoại, và sông Trà Khúc, một trong những con sông lớn của đất nước.

Ngày xưa, núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc nằm về phía Bắc của tỉnh lỵ nhỏ miền trung nầy. Nay, thành phố mở rộng qua tả ngạn, sông thành dòng chảy giữa phố thị. Núi, vùng ngoại ô không xa. 

Tên Trà Khúc, sông, không rõ do ai đặt cho và từ bao giờ, cũng như có mang ý nghĩa gì không. Và suốt từ nơi phát nguyên, cao nguyên Đắc-Tô-Rôn thuộc tỉnh Kontum đến tận cửa biển, hay như sông Vệ, chỉ trong địa phận tỉnh Quảng Ngãi mà thôi. Vì đầu nguồn, sông là một hợp lưu của bốn sông nhỏ khác, gồm các sông Re, sông Xà Lò (Thò lò?), sông Rinh và sông Tang.

Riêng núi Thiên Ấn, là tên của một trong mười hai thắng cảnh của tỉnh, được ghi nhận từ các triều đại vua chúa xa xưa. Và có lẽ, do núi có hình vuông, hình của một quả ấn (khuôn dấu), sừng sững giữa đồng ruộng bằng phẳng và cạnh con sông lớn nên người xưa lắm tưởng tượng, đặt cho tên thiêng liêng “Thiên ấn niêm hà”.

Trong thành phố còn có địa danh tình tứ “Tam Thương”, tên đầy đủ “bến Tam thương”, bến nước ven sông Trà Khúc của làng Tam Thương. Cũng vì khu dân cư cạnh dòng sông lớn nầy, từ ngàn xưa, đa phần đời sống gắn bó với sông nước, thuyền chài đánh bắt thủy sản trên sông, nên lập bến neo đậu.

Khoảng thập 60 thế kỷ XX, trên tạp chí Phổ Thông phát hành ở Sài Gòn, một tác giả người Quảng Ngãi (lâu ngày quên tên), đăng một bài thơ tả thị xã thân thương của mình, trong đó, người viết hạ bút hai câu có thể kể như hai câu thơ hay cả về ngữ, âm, nhạc và hình ảnh:

“Chiều len lén xuống Tam Thương
Mây giăng Thiên Ấn, khói vương sông Trà”.

Thơ lục bát mà viết đến thế nầy, là tác giả đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca dân tộc. Như vẽ một bức tranh!

Với sông Trà Khúc, đoạn bến Tam Thương. Khi “Tà tà bóng ngã về tây”, những tia nắng chiều chiếu lung linh qua khe lá ngọn tre, tác giả hai câu thơ trên có cảm giác đến Trời cũng không muốn làm lay động bến sông bình lặng tự bao đời, nên bóng chiều cũng phải… “len lén xuống”.

Thế mà, khu phố nhỏ bến sông nầy, trong chiến tranh, năm 1970, sau một đêm quân đội “cách mạng” về “giải phóng”, sáng ra, mọi người xót xa ngao ngán thốt tên bến Tam Thương nay thành “bến tang thương” vì đó đây trong xóm, nhiều nhà khói hương nghi ngút, ngổn ngang đến ba, bốn cổ quan tài, lo chung sự cho người thân, khiến một vùng yên bình, bỗng dưng sau đêm hãi hung; não nuột bao nhiêu tiếng khóc tiếc thương. Người xấu số lại là những người vô can, già yếu, phụ nữ và trẻ thơ.

Rồi đây, trong mai sau, để tưởng nhớ, chắc chắn nơi nầy sẽ có một ngày giỗ trùng của nhiều người, ở nhiều nhà, như hồi Tết Mậu Thân trên cả nước.

Xưa kia, về mùa khô, khi người nông dân xử dụng bờ xe (guồng) để đưa nước lên đồng ruộng, sông được ngăn dòng thành một bể mênh mông, nước không còn dòng chảy rộng. Từ bên nầy sang bờ bên kia, gờn gợn những con sóng nhỏ trong những chiều lộng gió. Ven bờ, còn có những khóm tre xanh nghiêng mình như đôi vòng tay ôm ấp lấy dòng sông. Thi sĩ Tế Hanh lại thấy:

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre”
(Con sông quê hương)

Bờ xe nước trên sông Trà Khúc của “ngày xưa”

Tỉnh Quảng Ngãi không chỉ duy nhất mỗi con sông Trà khúc, mà còn ba dòng lớn khác nữa, hầu hết đều phát nguyên tận đại ngàn Trường sơn. Từ Bắc tỉnh kể vào, bắt đầu là sông Trà Bồng có người gọi sông Châu Ổ, vì hạ lưu sông chảy cạnh thị trấn phồn thịnh lâu đời Châu Ổ, và ôm ấp ngôi làng đẹp Giao Thủy, để thi sĩ Tế Hanh yêu thương đưa vào văn học nước nhà:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”.
(Làng tôi)

Sông Trà Khúc, nay có đập thủy lợi “Thạch Nham”, hình thành từ khảo sát và thiết kế của người Pháp dưới thời thuộc địa. Trong đó, cũng có công của ông Võ Đình Thụy, người làng Vạn An, một cán sự đầy nhiệt huyết cho quê hương. Mùa khô, đập dường như đưa tất cả nước sông lên bờ để tưới tiêu, làm thành mạch sống của hai phần ba dân cư trong tỉnh. Sông Vệ, chảy cạnh thị trấn Sông Vệ. Và sông Trà Câu - nơi có bến đò Mốc còn tên đến hôm nay: “Bến Mốc” - chảy cạnh khu sầm uất Trà Câu xưa, của huyện Đức Phổ. Ngoài ra, còn có nhiều sông nhỏ khác, kể cả một vài sông đào, như những phụ lưu của các dòng chính, chảy theo hướng Tây Đông. Hệ thống sông ngòi như thế, nên con đường Quốc lộ I khi qua địa phương nầy, cũng phải vượt nhiều cây cầu thay cho đò ngang một thời gian dài trước đó.

Đập Thạch Nham

Riêng sông Vệ, như thiên nhiên an bài một gắn bó mang hình ảnh rất “lãng mạn” với dòng chính, sông Trà Khúc.

Từ thượng nguồn, sông Trà Khúc chảy len lỏi trong những thung lũng hẹp, nhận thêm nước từ các con suối nhỏ. Khi vào huyện vùng cao Ba Tơ, sông đổi hướng thành Nam Bắc. Đến đoạn cạnh một dải đá rộng và rắn chắc, gọi là “Re”, một lượng nước tràn theo độ nghiêng của đá xuống vùng đất thấp. Từ đó làm thành thượng nguồn của sông Vệ để cuối cùng sông lại hợp lưu cùng sông Trà khúc như trở về với dòng mẹ sau cuộc rong chơi, và làm thành một vùng cửa rộng lớn, cửa Phú Thọ. Hả hê hòa nước vào biển cả.

Một an bài khác, là như chia nguồn phù sa, ban phát màu mỡ cho ruộng đồng, làm phong phú nhiều nơi trong tỉnh. Sông Trà Khúc tưới và đem phì nhiêu cho huyện Sơn Tinh, một phần huyện Tư Nghĩa. Sông Vệ nhỏ hơn, nhưng là nguồn sống cho một phần của các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Mộ Đức.

Không có một tài liệu nào lưu truyền ghi lại việc đặt tên cho sông. Và, có lẽ, người xưa có suy nghĩ chỉ là một nhánh của sông chính (Trà Khúc), nên ngay từ đầu, sông Vệ không được mang một tên gọi chính thức, cư dân hai bên bờ, cho đến nay, có nơi còn gọi “Sông cái”, có nơi gọi là “Nguồn” thế thôi. Chỉ đến khi sông chảy ven một thị trấn, góp thêm phần phồn thịnh cho nơi nầy (Nhất cận thị, nhì cận giang). Sông mới được gọi chung tên: Sông Vệ.

Cũng có thể, sông đã được đặt tên “sông Vệ” từ trước. Sông mang lại phì nhiêu cho nhiều cánh đồng, sung túc cho phần lớn cư dân bốn huyện. Quan trọng hơn nữa là nối khu thương mại cổ phồn thịnh nhất vùng (từ Phú Yên đến Hội An Quảng Nam). Phố Thu Xà, hình thành từ thập niên 50 thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn, triều vua Tự Đức thứ 8; với một thị trấn phát triển trên quốc lộ I nên thị trấn “cận giang” nầy mang tên sông: thị trấn sông Vệ.

Sông Vệ

Cho đến nay, sông Vệ, hay cầu sông Vệ, ngoài điểm qui định theo dõi mực nước trong hệ thống thủy văn quốc gia, còn là một trong những địa danh ghi trên bản đồ giao thông đất nước, trục lộ Bắc Nam, Quốc lộ I. Có cả trên vệ tinh định vị GPS toàn cầu.

Dọc theo dòng chảy của sông Vệ, từ thượng nguồn cho đến nơi hợp lưu, có những kênh đào, dòng chảy tự phát. Sông chính có đến bốn vực sâu, thuyền bè dùng sức cơ bắp, mỗi khi qua đây không thể dùng sào chống, mà phải dùng chèo đẩy. Vực đầu tiên ở xã Hành Thiện, hai vực tiếp theo thuộc xã Hành Thịnh huyện Nghĩa Hành và vực cuối cùng khi qua xã Nghĩa Hòa huyện Tư Nghĩa. Vực cuối cùng có tên “Vực Hồng”. Ba vực kia, mang chung tên “Ba vực” thế thôi.

Một số cư dân sống gần vực trên cùng - vực hẹp nhất - có lần hiếu kỳ rủ nhau cột tảng đá nặng, ngồi trên thuyền nối dây thả giữa trung tâm vực để biết độ sâu. Hơn ba mươi mét, hết dây nối, vẫn chưa đến đáy.

Trước khi hợp lưu một đoạn xa, sông Vệ như chảy song song với bờ biển. Đến địa phận xã Nghĩa Hòa, sông tạo nên một cửa cạn và nhỏ thường gọi tên “Cửa Lở”. Mùa Hè, có năm ghe thuyền dù nhỏ vẫn không ra vào được. Mùa Đông, nước nguồn về nhiều, cửa nhỏ thoát nước chậm gây lũ lụt. Đến một lúc nào đó, khi “tức nước vỡ bờ”, xoi đẩy cát ra biển, cửa thành rộng và sâu, thượng nguồn mới giảm bớt nước nôi. Những lúc như thế, bầu trời mây đen vần vũ, mưa như trút nước, và có một tiếng nổ lớn, dân miền trên nghe được, gọi “điềm” Trời mở cửa, hết lụt. Ngược lại, người dân tại chỗ, khi thấy bỗng dưng cửa sông thông thoáng, cũng nhận định không còn lụt nữa, nhưng không nghe tiếng nổ miền trên gọi là “sấm” ấy.

Là một người sinh ra và lớn lên bên dòng sông thân thương nầy, cả tuổi thơ, đến khi trưởng thành, từng được “… con sông đã tắm mát cả đời tôi”, nên người viết biết nhiều chuyện về sông. Trọng tâm bài nầy, tôi muốn kể ra đây một truyền thuyết có từ rất lâu, vừa mang tính như huyền thoại, lại vừa có chứng cứ như hiện thực về hai dòng sông. Truyền thuyết kể rằng: Giữa hai con sông Trà Khúc và Sông Vệ, có một đường ngầm thông nhau dưới lòng đất. Miệng ngầm phía Sông Vệ, ở đáy sâu vực “Đèo dưới” (Đèo Quán Thơm), còn gọi “Vực Đá chãi” hay “Vực dinh Bà”, vì ngay bên bờ vực, có một gành đá nửa trên bờ, nửa dưới nước, và cạnh đường đi bộ bên trên, có bàn hương án để người qua lại thắp nhang nguyện cầu chuyến đi bình an, mua may bán đắt, thay cho phải leo lên dinh chính trên núi cao. Dinh chính xây dựng giữa một nền đá tự nhiên rộng và bằng phẳng, chung quanh dinh, nhiều cây xanh lâu đời, tua tủa những giống chùm gởi đeo bám. Cũng không ai biết “Dinh Bà” là thờ bà nào và lập từ bao giờ, cũng như ai là người tạo dựng đầu tiên. Mãi cho đến nay, cứ hễ thấy dinh hỏng hóc, dân làng ở gần tự nguyện cùng nhau tu bổ. Phía bên kia sông - tả ngạn - cạnh đường đèo “Đá Bàn”, cũng có một dinh xưa nhìn qua, được gọi là “Dinh Ông”. Cũng không có tài liệu nào lưu lại.

Miệng ngầm phía sông Trà Khúc, ngay vũng sâu dưới chân núi Phước, làng Xuân Phổ xưa. Đến khi trên đỉnh được lập dinh thờ “Bắc quân đô đốc phủ. Trần Quận Công Bùi Tá Hán 1496-1568”. Núi đổi tên thành “núi Ông” hay “núi dinh Ông” đến ngày nay.

Truyền thuyết còn kể: Đã có lần, có người nhân giờ nước xuống (thủy triều rút) của sông Trà Khúc (hạ lưu sông Trà Khúc độ dốc ít, không chảy vòng vèo, ảnh hưởng thủy triều nhiều hơn sông Vệ), từ vực dinh Bà, bỏ một quả dưa tròn có đánh dấu cẩn thận, độ nặng dưa đủ nổi lưng chừng trong nước, sau một thời gian theo dõi, nhìn thấy quả dưa trong vũng núi Ông. Đó là một truyền thuyết.

Thực tế khác, mà người viết tạm nghĩ như một hiện thực của đường thông. Đó là, qua tìm hiểu nhiều ngư dân hai vạn chài, một ở thôn Mễ Sơn xã Hành Thiện, gần vực dinh Bà, và một ở xóm Vạn, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh đối diện vũng núi Ông, tất cả đều ghi nhận trên sông cùng có một loại cá được goi tên cá “Thài bai”. Cá giống nhưng nhỏ hơn cá Bống con, chỉ hai mắt lớn hơn và chung quanh mắt nổi một vòng hồng lợt, không liền như mí mắt cá khác. Điểm đặc biệt của loại cá nầy, tuy nhỏ nhưng lại bơi ngược dòng chảy để kiếm ăn. Mà trên sông Vệ, loại cá nầy chỉ có từ vực dinh Bà trở lên. Trên sông Trà Khúc, từ vũng núi Ông trở xuống tuyệt nhiên không thấy cá xuất hiện. Cách chế biến loại cá nầy thành món ăn là rang với dầu phụng, xúc bánh tráng. Có lẽ không cá nào ngon hơn.

Cá “Thài Bai” chưng trứng

Phải chăng đường thông nước, cũng là đường dẫn loài cá nầy đến với hai con sông. Mỗi khi thủy triều sông Trà Khúc xuống, nước từ sông Vệ thông qua, cá từ sông Trà Khúc lội vào sông Vệ. Và khi thủy triều sông Trà Khúc lên, nước từ sông Trà Khúc chảy ngược vào sông Vệ, cá từ sông Vệ lai kéo nhau về sông Trà Khúc. Loại cá luôn bơi Ngược dòng chảy để tìm mồi.

Sự xuất hiện trên hai con sông của loài cá nầy, có là chứng cứ cho một hợp lưu ngầm như truyền thuyết?
Truyền thuyết nếu có thật, và trong lòng đất không gặp trở ngại địa hình nào, ngầm thông là một đường thẳng, ít nhất cũng xa đến hơn mười lăm cây số.

Truyền thuyết trên đây, người viết đã nghe được từ khi còn nhỏ. Cho đến nay, thế hệ đương thời vẫn còn được lưu truyền. Vì vậy, bài viết nầy cũng mong rằng có nhà thông tuệ nào về ngành địa chất của tỉnh, hay nhà khoa học đồng hương phục vụ trong các cơ quan không gian nghiên cứu địa cầu, tìm hiểu sự thật, công bố để thêm phong phú thông tin kỳ bí của quê hương.

Cá bống sông Trà

Còn sự kiện liên hệ, một câu chuyện thê thảm nhưng có thật, có liên quan tới vực dinh Bà sau đây, do nhiều người trước kia làm du kích hiện còn sống, sau năm 1975 kể lại. Một buổi chiều năm 1968, một đơn vị bộ đội “cách mạng” khoảng hơn 30 người thuộc “Công trường 48 chủ lực”, sau nhiều ngày quấy phá đồn Cộng Hòa của quân đội miền Nam, nhưng không công được đồn. Trên đường di chuyễn xuống vùng dưới, khi đến trước dinh Bà, lúc nầy trời đã nhá nhem tối, nhìn thấy một con rắn đầu có mồng cao màu đỏ, mình đen và to bằng ba, bốn gang tay xoát, dài độ ba mét, từ dưới vực nước trườn lên bờ. Người đi đầu bắn chết ngay, sau đó, chặt một đoạn độ một mét cùng nhau khiêng xuống thôn Thuận Phong lấy thịt “cải tạo bữa ăn”, trước khi vào “Cấm Ông Thi” nghỉ dưỡng quân. Đến khuya, thình lình pháo binh đồn Cộng Hòa đồng loạt bắn vào cấm, khiến cả đơn vị kẻ chết người bị thương. Trong đêm, du kích địa phương phải khẩn cấp chôn cất và tải thương đến một trạm xá. Những người bị thương, sau đó, lần lượt cũng thành “liệt sĩ”. Về sau, nhiều lần nghe các đoàn đi truy tìm hài cốt bộ đội kể tiếp: cả “Công trường 48” cũng bị xóa tên trong vùng rừng đồi nầy vào những năm tiếp theo trong cuộc chiến.

Còn về chuyện rắn, trước kia đã có tin đồn dân trong vùng, thỉnh thoảng có người nhìn thấy hình thù như vừa kể, và gọi “Rắn Thần”, bơi qua lại giữa dinh Ông và dinh Bà.

Xuân Thới

Theo http://stckquangngai.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Về cuốn hồi ký ‘Gánh gánh gồng gồng’ của Xuân Phượng 19 Tháng Mười Hai, 2021 Tôi sinh ra sau chiến tranh. Bố tôi là một ...