Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Đường lên Thiên Mụ

Đường lên Thiên Mụ 

“Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” là một quy luật tự nhiên của đất trời. Nhưng sau mùa đông thì mùa xuân trở lại như đã hẹn ước nhân duyên từ tạo hóa. Bước vào một ngôi chùa, nơi cửa Phật, vào những ngày đầu năm là một nét văn hóa Phật Giáo để đón sự tái sinh của mùa xuân, người ta thường nghĩ đến mọi điều tốt lành, hướng thiện và chúc phúc cho cõi nhân gian. 

Dòng Hương Giang êm ả chảy ngang qua Đại Nội, Huế, mà mặt trước Đại Nội có hướng đông - nam được núi Ngự Bình che chắn như tạo thế tương sinh trong phong thủy: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, hình thành vùng đất vượng địa. Ngược dòng sông về phía thượng nguồn vài km, một ngôi chùa tuyệt đẹp với lối kiến trúc cổ kính, phảng phất nét buồn dìu dịu tựa nơi đất trời giao hòa, được dựng lên từ lưng chừng đồi Hà Khê và soi bóng bên dòng sông mà lịch sử của nó đã từng gắn liền với sự hưng thịnh của các vua chúa triều Nguyễn. Đó là chùa Thiên Mụ. 

Từ thời xa xưa lắm, những người lái đò ngược xuôi sông Hương về đêm khi ngang qua đồi Hà Khê, thỉnh thoảng, nhìn thấy bóng của một bà già mờ mờ ảo ảo có bộ tóc trắng xóa, áo đỏ tía, quần xanh lá nhẹ nhàng lướt qua những hàng cây cao vút và có giọng nói vừa đủ ấm để làm vang động cả vùng không gian: “Sau này, ai xây cho tại đây một ngôi chùa thì người đó sẽ làm chủ giang san!”. 

Năm 1527, Mạc Đăng Dung giết vua Lê Cung Hoàng, vua cuối cùng nhà Lê Sơ (1438-1527), chiếm Thăng Long và lập Bắc Triều. Họ Lê không khuất phục, kéo về Thanh Hóa lập Nam Triều, mở đầu thời kỳ nhà Lê trung hưng (1533-1789) với vị vua đầu tiên là Lê Trang Tôn và được Nguyễn Kim (1468-1545), một danh tướng, giúp sức. 

Trên đà thắng lợi trước quân Bắc triều thì Nguyễn Kim đột ngột qua đời và người con rể, Trịnh Kiểm (1503-1570), chiếm lấy toàn bộ quyền lực. Để loại trừ âm mưu tạo phản, Trịnh Kiểm giết chết người anh vợ là Nguyễn Uông. Trước tình thế đó, người em vợ là Nguyễn Hoàng (1525-1613) phải nhờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm giúp kế. Sau đó, theo mưu kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm vào trấn giữ vùng đất phía nam của Nam triều, vùng Thuận Hóa (nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay). 

Nguyễn Hoàng trở thành vị chúa đầu tiên của xứ Đàng Trong với tên gọi chúa Tiên. Khi dọc xuôi miền đất Thuận Hóa, chúa Tiên nghe được câu chuyện trên và nhận thấy đồi Hà Khê có dáng dấp đặc biệt vì nó nhô lên bên dòng sông Hương như hình đầu rồng, tạo thành vùng đất địa linh. Thế là, vào năm 1601, chúa Tiên cho dựng lên ngay trên đồi này một ngôi chùa, lấy tên là chùa Thiên Mụ như là sự tưởng nhớ “bà trời” trong câu chuyện đã kể. Và đúng như lời truyền, họ Nguyễn đã làm chủ giang san sau rất nhiều biến động và tang thương của lịch sử, từ 200 năm sau, năm 1802. 

Từ đó về sau, chùa Thiên Mụ luôn được các vua và chúa Nguyễn tôn tạo và xây dựng thêm. Năm 1710, với nỗ lực chấn hưng Phật Giáo, chúa Minh (còn gọi là Quốc chúa) Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc Đại hồng chung, một chuông đồng lớn dùng để đánh tiếng chuông vang xa như gởi vào không gian niềm mong ước “quốc thái dân an” và xây dựng thêm rất nhiều công trình trong chùa. 

Năm Gia Long thứ XIV (1815), vua Gia Long cho đúc thêm cái chuông thứ hai đảm nhiệm việc đánh chuông thay cho cái chuông thứ nhất đến tận ngày hôm nay. 

Năm Thiệu Trị thứ IV (1844), tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện được dựng lên. Tuy nhiên, đình Hương Nguyện đã bị cơn bão năm 1904 phá tan tành và không còn vết tích. Đến hôm nay, tháp Phước Duyên, gồm 7 tầng cao 21m, như là một biểu tượng không thể thiếu của chùa Thiên Mụ. Nó phảng phất những vần thơ thả trôi qua dòng Hương Giang. Một chút gì đó đượm buồn như những nỗi nhớ u ẩn trong dòng máu Việt pha lẫn vẻ sầu bi trần thế của giáo lý Phật Giáo cùng cảnh đất trời thơ mộng và tĩnh lặng của đồi Hà Khê. 

Vua Tự Đức không có con để nối dõi. Ông đã cố gắng nhiều cách để có hoàng tử. Ông đã tưởng rằng chữ “Thiên” trong chữ Thiên Mụ đã phạm phải Trời vì bà già ngày xưa trong câu chuyện đã kể chỉ là người hay một cảnh giới nào đó chứ không phải Trời nên năm Tự Đức thứ XVI (1862), chùa lại có tên mới, Linh Mụ. 

Những lời truyền quanh tháp Phước Duyên vẫn còn cho đến tận ngày hôm nay. Mặc dù có tên là “Phước Duyên” nhưng không se duyên cho những đôi lứa yêu nhau đến chùa mong ước tơ hồng. Chuyện kể là ngày xưa, không biết tự lúc nào, có một đôi trai gái yêu nhau với mối tình vụng trộm. Chàng trai thì nghèo hèn và mồ côi, cô gái lại là con của một quan lại danh giá. Họ đến chùa Thiên Mụ và cầu xin trời đất cho được bên nhau suốt đời. Tuy nhiên, họ đã không đến được nhau vì gia đình và những định chế xã hội thời đó. Thế là đôi trai gái đứng trên đồi Hà Khê và cùng gieo mình xuống dòng Hương Giang. 

Xác chàng trai bị cuốn ra cửa biển. Cô gái thì được cứu sống, dần dần quên hẵn mối tình xưa và sau này có một cuộc sống vinh hoa với một người khác là quan lại dưới thời chúa Nguyễn. Vong hồn chàng trai tức giận, lởn vởn quanh chùa Thiên Mụ, nhất quyết không kết duyên cho bất cứ cặp đôi nào đến tháp Phước Duyên cầu mong như chàng đã từng làm xưa kia. Lời thề nguyền độc của vong hồn chàng trai vẫn còn được lưu truyền quanh chùa Thiên Mụ cho mọi cặp đôi đang yêu đến tận ngày hôm nay. Chuyện kể là như vậy, thực hư thế nào thì xin dành cho những đôi lứa đến chùa Thiên Mụ kiểm chứng! 

Mỗi ngày, tiếng chuông Thiên Mụ được vang lên hai lần. Lần đầu vào đầu canh một, lúc trời vừa bắt đầu tối và lần hai vào đầu canh năm, lúc trời gần sáng (lúc mà những con gà trống bắt đầu cất lên tiếng gáy). 108 tiếng chuông được lan tỏa đều đặn, ngân vang lên trong màn đêm tĩnh mịch như nhắc nhở 108 nỗi sầu bi của kiếp người. 108 tiếng chuông cũng gởi gắm tâm nguyện từ bi đến mọi chúng sinh để giải tỏa bao nỗi phiền muộn cho nhân gian: 

“Một trăm lẻ tám tiếng chuông tiêu tan trăm nỗi oan kết muộn phiền. Ba ngàn thế giới tỉnh ba duyên” 

Xuân Bính Thân 2016

Võ Thanh Tân
Theo https://hcmute.edu.vn/




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự cứu rỗi – Truyện ngắc của Võ Chí Nhất 23 Tháng Mười Một, 2021 Tôi phá lên cười rồi sà xuống ghế xa lông quan sát, còn chị Hà thì ch...