Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Chắc chiu từng giọt buồn

Chắc chiu từng giọt buồn!

Võ Văn Trường chắt chiu từng giọt buồn để làm nên những “Khúc xưa, khúc mưa”, “Nhắn những yêu thương” đầy da diết nhớ nhung, yêu thương những phận người, phận đời. Thơ Trường man mác buồn nhưng không hề bi lụy mà an nhiên, tự tại như con người Trường vậy!
Ảnh bìa tập thơ “Miền Cư Xá” của Võ Văn Trường
Tôi biết Võ Văn Trường (nhà báo, hiện công tác tại Đài PT-TH Quảng Nam) làm thơ từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường Văn khoa ĐH Tổng hợp Huế (nay Trường ĐH Khoa học Huế). Trường học cùng lớp tôi, Văn K16. Thế nên, tôi không ngạc nhiên khi được Trường tặng tập thơ “Miền cư xá” qua đường bưu điện. Dù vậy, lòng vẫn mừng vui. Mừng vì giữa bề bộn lo toan cuộc sống như Trường bày tỏ: “Ta đứng lại vùi đầu cơm áo/… / Đời vùi dập, để bình yên rẻ rúng…” (Không đề 1), mà vẫn thao thiết được với thơ. Đọc “Miền cư xá” của Trường, nhận ra giọng thơ buồn ngày xưa vẫn còn đó, nhưng câu từ, ý tứ sắc lẹm hơn rất nhiều. Có cảm giác như Trường chắt chiu từng giọt buồn để làm nên những “Khúc xưa, khúc mưa”, “Nhắn những yêu thương” (tiêu đề 2 phần trong tập thơ)… đầy da diết nhớ nhung, yêu thương những phận người, phận đời. Thơ Trường man mác buồn nhưng không hề bi lụy mà an nhiên, tự tại như con người Trường vậy!
Đọc những vần thơ rất đẹp, rất chân thật này của Trường: “…Ta trở về miền cư xá ngày xa/ Vấp ngã vào ta thuở ấy rất khùng/ Vấp ngã vào em, sông Hương đêm mất ngủ/ Thương tô bánh canh ăn chịu… giấu gầm giường” (Miền cư xá) mà da diết nhớ Huế, nhớ ký túc xá (KTX) Tổng hợp những đêm mưa đói cồn cào thèm tô mì tôm, thèm tô bánh canh Nam Phổ được các dì, các chị gánh dạo cất tiếng rao thâm trầm giữa đêm khuya. Nhớ ngày ấy, một hôm, Phan Chín (hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng) từ dãy KTX nam sang KTX nữ hỏi: “Phòng bà có chanh không? Làm cho tui ly nước chanh nóng với!”. Hỏi “Ai đau chi à?”, Chín bảo: “Thằng Trường say, cần ly chanh nóng giải rượu”. Cùng Chín bưng ly nước chanh sang dãy KTX nam, ngó vào thấy bạn nằm thõng thượt mà thương! Trường ngày ấy gầy tong teo, hiền lành ít nói. Chỉ khi nào có hơi men, Trường mới có chút bốc đồng, nhưng cũng là phút bốc đồng của một người hiền lành…
Vốn là người đa đoan, giàu lòng trắc ẩn, Trường nâng niu, gom nhặt những buồn vui, trăn trở trước những phận người, phận đời… vào thơ. “Miền cư xá” vừa là những nhớ nhung, hoài niệm về một thời sinh viên khốn khó nhưng đầy ắp tình bằng hữu giữa đất cố đô, nơi nảy nở một mối tình vụng dại không thể nào quên; về “những người em trong mộng” (chữ nhà thơ Phan Chín); về nỗi khắc khoải, ray rứt của chàng sinh viên nghèo Hiệp Đức (Quảng Nam) đi học nhờ sự chắt chiu, tảo tần của cha mẹ, chị gái quê nhà. Đến khi thành tài, mãi lo chật vật với cuộc mưu sinh nơi phố thị, quê nhà gần đó mà đôi khi trở nên xa ngái trong mòn mỏi chờ mong của mẹ, chị. Đọc những vần thơ Trường viết về mẹ, về chị chân thật đến ứa lòng: “…Mẹ chị ở quê, những sớm tinh mơ/ tiếng ống thổi xoáy vào trôn bếp/…/Mẹ ốm, chị đau, chiếc đòn gánh ngả lưng/ dựa nỗi buồn vào vách/…/Mẹ chị ở quê, mùa nối mùa chân đất,/dưa muối nỗi lo cưới, hỏi, đám, đình/ Ngày giỗ chạp đợi mấy em về,/ cứ ngóng nga ngóng ngẩn/ Thịt mua ráng thêm nửa cân hay bớt mấy bó hành…”, để rồi: “Bông gạo ơi, đỏ về đâu/ đợi ai hoa bỗng đổi màu rưng rưng/ Đợi tôi về với mẹ tôi…/Đợi tôi về với chị tôi…đỡ buồn” (Mẹ, chị ở quê).
Có lẽ, từ nỗi ray rứt như có lỗi với mẹ cha, chị ở quê nhà, nên khi làm cha, Trường có những dòng thủ thỉ, tâm sự với con mà như tự sự với chính mình: “Rằm tháng bảy này hai cháu không về nội/ Trời nắng nhiều nên chỉ có mình con/ Nghĩ vẩn vơ, con thấy thương mẹ quá/ Đành viết đôi điều gửi các con yêu/ Khi con lớn bằng ba chắc ba không còn nữa/ Giống như ba bây giờ và ông nội đấy thôi/ Nhưng lời dạy của ông thì ba vẫn nhớ/ Đã làm sông đâu có thể quên nguồn”, hay “Các con bây giờ là tất cả đời ba/ Dẫu ba biết có những điều ba chưa phải/ Chưa bỏ được những thói quen riêng để đầm ấm gia đình/ Ba sẽ cố bởi các con yêu dấu” để rồi khuyên răn các con: “Khi con lớn chắc con sẽ hiểu/ Một công chức bình thường như ba/ Có thể cả đời không làm nên điều gì to tát/ Vẫn khuyên con giữ đạo làm người”. (Nhân mùa Vu Lan)…
Ngoài những ngôn từ chân thành, thật đẹp nói về mẹ cha, chị gái, quê hương, có lẽ  “Miền cư xá” hay nhất vẫn những bài thơ viết về tình yêu. “…Người trót nợ, những mùa Ngâu truyền thuyết/ Những tóc mai xõa rối cả một trời/ Ngày trai hỡi, ngoảnh lại đâu tìm thấy/ Thuở yêu người buồn hơn tiếng chuông tan/ Ta còn có một khoảng trời hoa phượng/ Cứ như thể mộng của ngày em đến/ Hai mươi năm trả nợ một nỗi buồn”, “Sông cứ chảy. Thơ đề vào dĩ vãng/ Những bến nông sâu nghe như tiếng chuông chùa/ Nghe như tiếng cây cầu đã gãy/Mùa bình thường về đâu đó, xa xôi…” (Xa xôi),  hay “Đôi mắt ấy và cả làn tóc ấy/Đã về đâu, ta biết tìm đâu/ Một lời nhắn với ngày xưa đã mất/ Đêm nguyên sơ, mộng biết Ngự Bình/ Rồi em đi như em từng đến/Chỉ con đường đứng lại lặng câm…/Lẽ nào Huế, một đời ta mắc nợ/Những cơn mưa và những cơn say/ Từng phiến lá trên đường Lê Lợi /Nghe vầng trăng chia nhớ phía Tràng Tiền” (Nhắn với ngày xưa)…
Dù không phải bài thơ nào trong 45 bài thơ của “Miền cư xá” đều hay, đều đạt đến độ “chín”, nhưng những “…suy tư cứ lẫn vào thường nhật…” cùng những ngẫm ngợi đau đáu, rất chân thật, rất đời của Trường về những phận đời, đặc biệt là thân phận người phụ nữ, đã có sức lay động lòng người, chạm đến trái tim người đọc. Và thật mừng cho bạn vẫn giữ được cho riêng mình nét chân chất của ngày xưa!
P.T
 
6/7/2020
Phan Thủy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...