Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Lời sáng trên Đôi cánh của bóng tối

Lời sáng trên
Đôi cánh của bóng tối

Đọc tập thơ “Đôi cánh của bóng tối” của Raed Anis Al-Jishi (Ả-Rập-Xê-Út), do Nguyễn Thị Thùy Linh dịch từ tiếng Anh. NXB Hội Nhà văn, 2018
Đọc “Đôi cánh của bóng tối”, tôi trải nghiệm những cú nhảy lượng tử, bất thình lình vào vực thẳm của rung cảm, trong sâu ấy, thấy mình biến mất một cách đơn giản không ngờ. 
Bìa tập thơ “Đôi cánh của bóng tối” của nhà thơ Raed Anis Al-Jishi 
Nhà thơ, họ tìm kiếm điều gì? Câu trả lời đến ngay “cái đẹp”. Thật dễ dàng, phải không bạn của tôi? Nhưng cái gì dễ cũng đáng ngờ. Bạn không thể đến được với thơ thật nếu bằng lòng với cái thấy dễ dãi đó. Tôi nói, cái đẹp chỉ là một khoảnh khắc của thực tại, thậm chí, nó là một chức năng của thực tại. Nó không phải toàn bộ thực tại, cái mà ta luôn muốn chạm đến nhưng không thể. Bởi vậy, thơ cắt nghĩa về thực tại thông qua cánh cửa nó chọn: cái đẹp. Chính điều này là thách thức cho bạn và tôi. Đọc thơ, nếu ta cảm nhận được cái đẹp, rất tốt! nhưng nếu ta nương vào cái đẹp để nhận ra thực tại, đó mới thật sự là thơ. Cái đẹp lúc này là diễn ngôn, là thực tại đặc thù. Không có cái đẹp, thế giới đóng cửa với chúng ta. Tại điểm “nút” này, tôi và bạn có thể chia tay nhau, có người đi tiếp, có người dừng lại. Thơ “gài bẫy” để những người xứng đáng vượt qua, nâng trên tay phần thưởng: nhận ra hiện hữu dù chỉ trong tíc tắc, hiện hữu đó có ta và là chính ta. Điều đó, tôi may mắn tìm thấy khi đọc tập thơ Đôi cánh của bóng tối của nhà thơ Raed Anis Al-Jishi (NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2018).
Trước nói bất kì điều gì về tập thơ này, tôi xin bắt đầu bằng cảm nhận về một bài thơ 13 câu “Tôn giáo là tình yêu”. Raed Anis Al-Jishi là một tín đồ Hồi giáo, đức tin đối với anh hẳn là sinh mệnh. Nhưng hãy đọc để thấy sinh mệnh đó tuyệt đối không có bóng dáng của tín điều cứng nhắc, của sự bám chấp khắc nghiệt mà từ đó, người ta tước đoạt đi tự do và hạnh phúc của nhau.
“Những khoảng trống/ Giữa chúng ta./ Lời cầu nguyện là tình yêu/ Và khi tôi đắm chìm/ Trong ham muốn/ Tôi đã quên đi lá bùa hộ mệnh/ Tôi tự viết/ Bằng nhụy hoa nghệ tây đỏ như máu/ Và bằng cách nào/ Tôi tự xóa mình/ Màu đỏ là ngôn ngữ khác/ Và tôi không còn có thể/ Nói gì nữa”
Tôn giáo là tình yêu bởi khi nó hiện ra ở vẻ chân thực nhất của mình, nó xóa luôn cả Thượng Đế tối cao. Nó đạt tới trạng thái mãn nguyện tuyệt đối, không quá khứ, không tương lai. Nó đạt tới “khoảng trống” vĩnh hằng. Nó phá hủy bản ngã mà con người xây dựng trong suốt kiếp sống của mình “Tôi tự xóa mình”. Khi con người không còn ở đó nữa, tức là nó không thể “nói gì” về chính nó. Nó đã ở trong tình yêu. Bài thơ có lẽ vô cùng xa lạ với hầu hết mọi người. Ta chưa hề biết yêu là gì, ta cũng chưa hề biết tôn giáo là gì, bởi ta còn đây, sừng sững một “ham muốn”. Ham muốn chắn đường, bịt mắt không cho ta biết rằng tôn giáo là tình yêu. Vì sự sống của mình, bản ngã mê mờ sẽ làm tất cả để con người “Quên đi lá bùa hộ mệnh/ Tôi tự viết”. Nhà thơ, bằng cách nào không rõ đã nhận ra “Màu đỏ là ngôn ngữ khác” và tan chảy trong phút giây hiện hữu vô giá.
Những điều tôi cảm nhận ở trên có phải cái đẹp? Không, cái đẹp chỉ là bóng dáng của thực tại, nhà thơ dẫn tôi đi xuyên qua bóng dáng đó, trìu mến chỉ cho tôi thấy chân lý giản dị và thiêng liêng nhường nào. Có nhiều cánh cửa dẫn đến chân lý giản dị và thiêng liêng đó. Cái đẹp của thi ca chỉ là một trong những cánh cửa nhưng là cánh cửa rất gần. Người ta có thể một bước mà ở trong chân lý, nếu nhà thơ-người dẫn đường cầm chìa khóa trong tay. Thi sĩ của đất nước Hồi giáo huyền thoại Raed Anis Al-Jishi đã nắm được chiếc chìa khóa đó.
99 bài thơ trong “Đôi cánh của bóng tối” như 99 nhánh cây tỏa ra từ một gốc. Nhưng cái gốc lại vô hình, mọi nối kết đến đó đều mờ đi, chính sự mờ nhòe và chìm khuất vào vô hình đó là thơ. Nếu không, sẽ chỉ còn là thuyết giáo. Khoảng giữa của thực tại và tâm thức con người cần bị hủy đi nhưng không thể bằng cách thô lỗ của lời thuyết. Nhịp điệu kì diệu của thơ, ngôn ngữ hồn nhiên của thơ, thế giới vừa kì quặc vừa thần thánh của thơ may ra có thể làm cuộc hủy xóa gian nan này. Không ngẫu nhiên mà Raed Anis Al-Jishi viết về sự “mù lòa”, về những “thói quen”, về “góc chết” và “mặt nạ”… Đó là cách thế sống của con người giữa đời sống này. Nhưng thơ anh còn có nhiều hơn nữa những linh hồn lạ, không phải xa lạ mà là lạ lẫm, mới mẻ “Ta nhổ ra một khát vọng đã cũ/ Nhai thuốc lá/ Trước khi nuốt/ Và bỗng nhiên thành con mòng biển lạ/ Ta bay lên/ Ngược gió” (Con mòng lạ trên bờ biển). Đôi khi, linh hồn lạ hiện ra trong dáng dấp của một cuộc thoát thai bên trong bản thể “Sinh vật lộn ngược/ Trong cơ thể tôi/ Duỗi ra những ngón tay/ Theo hướng phản chiếu ánh sáng/ cào xước những tấm gương/ Trên bụng tôi”. Và đây nữa, thi sĩ được hưởng cái phúc lạc của kẻ thoáng nhìn ra cảnh giới khác, trải nghiệm những kinh ngạc vô song:“Tôi đã ở cùng một nơi/ Tôi đã trải nghiệm cùng một cuộc đời/ vậy mà mỗi lúc/ Có ngọn gió/ Kết liễu bước chân tôi/ Vãi ra hạt mầm hoa tuy-lip/ Gieo hạt thời gian?/ Tại sao thời gian lại gom tôi/ Như nước mắt của sáp đang rỉ máu/ Tái sinh làn da Apollo của tôi,/ Tái sinh tôi?/ Tôi đã ở cùng một nơi/ tôi đã trải nghiệm cùng một cuộc đời” (Cùng một cuộc đời).
Cách đây vài năm, tình cờ tôi kiếm được một cuốn sách mỏng với tựa đề “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Masanobu Fukuoka. Từ đó đến nay, tôi vẫn đọc lại nó, vẫn nhận được từ đó những tia sáng hạnh phúc của sự bừng tỉnh. Một cuốn sách về nông nghiệp tự nhiên thì liên quan gì đến “Đôi cánh của bóng tối”? bạn sẽ hỏi vậy. Dĩ nhiên nó không liên quan trực tiếp. Nhưng khi đọc thơ Al-Jishi tôi bỗng nhớ đến cách mà người nông dân Fukuoka bừng ngộ về hiện hữu “Tôi nhận ra mọi khái niệm mình đã từng bám víu vào, ngay chính cái ý niệm về bản thân sự tồn tại, cũng chỉ là những thêu dệt rỗng tuếch”. Và rằng “Sẽ tốt đẹp cả nếu người ta thôi làm bản thân mình bận lòng về chuyện khám phá ra “ý nghĩa thực của cuộc sống”. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tâm linh, mà có không hiểu thì cũng chẳng làm sao cả. Chúng ta được sinh ra và đang sống trên trái đất này là để trực diện với hiện thực của việc sống”. Fukuoka đốn ngộ chân lý và đem sự biết đó vào ứng xử với nông nghiệp. Việc nhận biết về hiện hữu làm cho việc sống của ông trở thành một sự kiện tỉnh giác đầy chất thơ. Cuốn sách của ông là một diễn ngôn, một thực tại đã được hình thức hóa để trí óc người đọc có thể “tiêu dùng” được giống như diễn ngôn thi ca của Raed Anis Al-Jishi dẫn lối cho tôi gỡ đi từng sợi tấm màn huyễn che mắt mình. Bởi thế, mỗi bài thơ trong “Đôi cánh của bóng tối” đều vô định hướng. Tự do là cái nhà thơ dành tặng cho người đọc. Chỉ trong tự do cảm thụ, người đọc mới có thể thả lỏng tâm trí để nhập vào thế giới khác đằng sau ngôn từ, sau cả ý nghĩa. Ở đây, khi “Tôi rời bỏ trật tự của mình hoài nghi/ chơi với một giọt nước” thì sau đó là “Đôi mắt em mở ra những cánh cửa/ Có thể dung chứa/ Tất cả biên giới bóng tối/ Trong toàn thể vụ trụ” (Lấp lánh). Nơi khác, chủ thể trữ tình nhận ra “Trong sự hiện diện của thi ca/ Những giọt máu/ Là lời cầu nguyện/ Và những giọt cầu nguyện/ Là máu/ Không hơn/ Không kém” (Rộng mở). Trong một khoảnh khắc kì diệu nào đó, hiện hữu đột nhiên hiện ra, bừng nở sự thanh khiết nguyên sơ của nó “Một đêm xưa lắm/ Tôi thấy một bông hoa/ vươn lên từ cơn mưa lành thánh/ Trong trái tim tôi/ Tôi nhận ra sức mạnh của nó/ Đó là lí do/ Tôi không có nỗi đau” (Bông hoa thiêng). Xin đừng hiểu “Không có nỗi đau” như một lời giải mang màu sắc Froud. “Không có nỗi đau” chỉ là một sự mô tả giản dị, minh bạch về phút giây con người là chính mình, tan vào toàn thể, biết mình là toàn thể, nơi đó không có đau khổ cũng ko còn hạnh phúc, chỉ còn an lạc vô biên. Cơn mưa lành thánh trong tim, hạnh phúc cũng trong tim, đóa hoa phúc lành bên trong ắt sẽ nở một đêm nào đó, nhất định thế. “Không có nỗi đau” không phải ẩn dụ, nó là hiện hữu. Bởi cái đẹp là cánh cửa nên thực tại nó mở ra phải là bản nguyên, nơi mỗi cá thể đi đến hợp nhất với toàn thể trong một tình thế không gì cưỡng lại nổi.
Vì tôi đang nói về một tập thơ, nên tôi cần biết nhà thơ trao cho tôi ân huệ gì? Có xứng đáng để tôi dấn thân vào thế giới lặng im của chữ, chịu đựng sự vò xé dưới đáy sâu bí mật của thi tứ để sau rốt, biết mình đang trải nghiệm cùng một rung động với thi nhân: “Có phải bạn đang chịu đựng/ Mối lo ngại về thơ ca/ Và đang đọc từng cơn nhức nhối?/ Hãy mang con chữ của tôi đi/ Sẻ chia dòng mực phiền não/ Biển, và muối mặn trong thánh ca người thủy thủ/ Cùng tôi/ Có những nỗi buồn chẳng khi nào kết thúc/ Tới khi nó mưng mủ nhiều hơn trong bạn/ Hơn cả những điều nói ra” (Nỗi buồn). Những dằn vặt của người cầm bút không hề xa lạ “Bất cứ khi nào sự khát muốn/ Biết chắc tôi đang thức/ Và những con chữ phản lại/ Lời thề im lặng của tôi/ Tôi treo mình lên những góc nhọn/ Của đêm cô đơn” (Trằn trọc bên cây bút).
Trong “Đôi cánh của bóng tối”, Raed Anis Al-Jishi mang đến đủ loại trải nghiệm. Có “Chuyển động của cái chết” và “Tiếng rì rầm của ký ức”; Có “Mùi hương của hy vọng” và “Nham thạch của khát vọng”; Rồi “Mù lòa” cùng với “Hiển lộ”, “Cầu nguyện” và “Biểu tình”. Không thể nói đến một thế giới nội cảm trọn vẹn vì trước sau, thơ Al-Jishi chỉ như những chớp sáng soi rọi vài dáng hình trong bóng tối. Những dáng hình sẽ ra sao là do mắt nhìn của người đọc. Nhà thơ dường như lui bước ngay khi vừa đặt chân vào vạch xuất phát, để lịch sử tinh thần anh nối với lịch sử người khác bằng sự vô tư đầy tính tự giác. Không gì bằng những vần thơ không phán xét, bởi thơ ấy cho phép đọc không chỉ bằng trật tự mà còn bằng hỗn độn. Tôi muốn nói về thơ tình yêu của Al-Jishi, nguồn cảm xúc không thể thiếu trong sáng tác của bất cứ nhà thơ nào. Nếu đọc bằng trật tự, ta sẽ thấy tình yêu là một định luật “Mình gặp nhau tình cờ/ Tình yêu kích thích/ Bước chân ta đi” (Định luật tình yêu của Newton). Ngay cả những câu thơ tưởng như cháy bỏng cuồng nhiệt nhất cũng không nằm ngoài lối quen của tình yêu “Nụ hôn nàng dữ dội làm sao/ Nước bọt lành thánh/ Nàng có đôi mắt của Bermuda/ Khiến la bàn trong ta rối loạn” (Nụ hôn tê dại). Nếu đọc thơ bằng hỗn độn, ta bỗng nhận ra tình yêu là cái gì đó thật bất thường“Em có thể hái tất cả chùm nho/ Trong trái tim rượu vang của tôi/ Thậm chí bắn tôi/ bằng những viên đạn bay múa của em” (Bài ca xứ sở). Đôi khi yêu thật sự kinh khủng: “Đó là quyền của tôi/ Để yêu như nàng thích/ Để bị xé toạc bởi nhưng ham muốn/ Khi chiếc vòng cổ của nàng bung ra như/ Nước mắt của ngọc trai/ Đó là sự nổi loạn/ Và là quyền của tôi/ Để yêu và chết/ Như nàng muốn” (Quyền của tôi). Trật tự và hỗn độn là nhị nguyên – tất nhiên, nhưng đó là hình tướng mà tình yêu hiển lộ nơi đời sống chúng ta, nó vừa vặn với sự non nớt của con người, cho đến khi nào ta là tình yêu bất nhị. Trong khi ấy, ta chờ đợi với sự rộn ràng của một cuộc phiêu lưu vào thơ. Al-Jishi hứa hẹn với người đọc ma thuật cuộc phiêu lưu ấy: “Những bước chân đầu tiên của em/ là nước mắt vô định của tôi/ chúng vắt cạn trái tim tôi/ Những mạch đập trần trụi cất tiếng lắp bắp/ Ánh đèn dồn chiếu tới/ Màn kết tuyệt nhất/ trong vở kịch chúng ta/ Phải có/ Một định nghĩa mới/ Cho tình yêu/ Trong cuốn từ điển trinh nguyên của tôi” (Bước chân đầu tiên)
Đọc “Đôi cánh của bóng tối”, tôi trải nghiệm những cú nhảy lượng tử, bất thình lình vào vực thẳm của rung cảm, trong sâu ấy, thấy mình biến mất một cách đơn giản không ngờ. 99 bài thơ, tất cả đều kiệm lời. Ở đây, tôi muốn phân biệt giữa kiệm lời và nén chữ. Kiệm lời là phẩm chất của sự tối giản. Nén chữ là phẩm chất của kết tinh. Thơ Al-Jishi không có cái kết tinh đặc trưng của hành ngôn cổ điển. Chỉ có cái tối giản mà minh bạch của một tư duy thơ hướng đến sự “rỗng không”. Rỗng không sẽ ươm mầm cho mọi đón nhận Thượng Đế, sẵn sàng cho ánh sáng của người tuôn chảy trên mỗi linh hồn đơn độc. Bằng cách đó, bóng tối bay trên đôi cánh của nó để người ta biết thế nào là sự chói sáng của ân sủng trong phúc lạc của thi ca.
Tháng 6-2020
Y.N
 
6/7/2020
Yên Nguyên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...