Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Đi giữa trời xanh mây trắng

Đi giữa trời xanh mây trắng

Con bị bứt rời khỏi lòng mẹ vào một buổi chiều đầu tháng ba. 
Tháng ba âm lịch, lẽ ra đã gần bước sang hè nhưng chiều ấy không quang. Mưa như sương xanh mờ, nhìn mặt người cũng lạ. Phố nhỏ âm u bóng cả, quanh năm đen sẫm, trầm mặc dưới màu trời đục lờ, sà thấp xuống trong hơi mưa quẩn chân người. Nằm trong lòng mẹ ấm mà ngoài kia trời lạnh. Con biết thế vì thấy mẹ run nhiều, bàn tay đẫm mồ hôi đặt lên con, níu giữ. Cuộn  mình trong vòng ôm  dịu dàng, con đập tay lên gọi mẹ. Mỗi cái đập tay là một lời thì thầm. Hai mẹ con mình trò chuyện với nhau ngay trong tiếng động cơ ồn ào, tiếng còi xe gắt chói nhức óc của những chiếc container  sầm sập vụt qua. “Mẹ ơi! Lối rẽ! Mẹ nhớ bật xinhan!”. Con huých tay, giục mẹ. Ngón tay mẹ đờ đẫn nhấn nút sang  nhánh ngang dẫn vào thành phố. “Mẹ ước gì tự nhiên mẹ được chết. Chỉ tích tắc thôi. Không kịp sợ. Chẳng kịp đau. Chết cùng nhau để mẹ con khỏi chia lìa”. “Nhưng mẹ ơi! Được gần con thì lại phải xa các chị. Con còn bé, không đi học, không cần mặc, chẳng cần ăn. Các chị cần mẹ hơn con! Nhưng mẹ ơi! Sao lạnh thế?” .“Con ơi! Sắp đến nơi rồi!” .“À con biết rồi! Mẹ đang rẽ vào phố nhỏ, tối sẫm bóng xà cừ cổ thụ, quanh năm nơi đây không nhìn thấy mặt trời chứ đừng nói hôm nay. Sao mẹ không nói gì nữa? Mẹ ơi!”. Con huých tay gọi mẹ. Im lặng mãi. Chắc tay nhỏ quá, con phải dùng cả chân  đạp nhiều lần vào bụng mẹ, mẹ mới đờ đẫn ngẩng đầu lên, cánh tay ấm mềm lại ôm vòng lấy con. Mẹ đang ngồi sụp bên cạnh cổng khu nhà hai tầng cũ lẫn trong bóng cây. Mẹ khóc. Nhưng không ai biết, trừ con, vì nước mắt mẹ cứ chảy ngược vào tim. Lần đầu tiên con biết vị nước mắt: mặn chát và đắng cay. Mẹ ơi! Mẹ đứng lên đi! Đừng khóc! Con không sợ đâu mà. Con đang run không phải vì con sợ mà là vì con lạnh. Con cũng muốn được sinh ra, được mẹ bế trên tay, cũng trắng xinh với váy hồng công chúa, với mái tóc lưa thưa hung hung mềm buộc thành chỏm cây dừa. Nhưng thôi mẹ ạ. Duyên mẹ con mình chỉ đến thế, không hơn. Mẹ đứng lên đi! Con không sợ. Mẹ đừng khóc nữa, đau lòng con!
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Con nghe thấy mẹ run rẩy bước, nghe tiếng người bảo vệ hỏi mẹ đi đâu, đã hẹn bác sĩ chưa, sao đi có một mình…rồi tiếng ai đó lầm bầm: «Rõ tội. Thui thủi cái kiếp đàn bà…», tiếng chân mẹ xiêu vẹo bước vào phía sâu hun hút, lạnh như băng, cánh tay gầy vẫn ôm vòng níu giữ: «Con ơi! Mẹ xin lỗi! Mẹ có tội với con!».
«Cô có hẹn từ hôm qua?». «Vâng, bác sĩ hẹn cháu hai giờ chiều nay» .«Thai mấy tháng?». «Bốn tháng ạ». «Lại con gái?». Mẹ im lặng, nước mắt lại chảy ngược vào tim.
Tiếng kim loại xô vào nhau trong khay loảng xoảng, tiếng bẻ ống tiêm lốp bốp, tiếng cô hộ lí: «Chị kéo tay áo lên! Đây là thuốc co bóp cổ tử cung. Mười năm phút nữa là có cơn nhé!». « Con ơi! Mẹ xin lỗi! Mẹ có tội với con! ». Bàn tay mẹ bấu chặt xuống mặt bàn inox, gờ ngón tay trắng bệch : « Con ơi! ». Mẹ gọi con mấy lần nhưng con không trả lời mẹ được. Lúc nãy, con bảo không sợ là con nói dối. Sắp bị bứt lìa ra khỏi mẹ, con còn ai che chở nữa đâu.
Chẳng cần chờ đến mười năm phút thuốc đã ngấm qua máu mẹ vào tim con.   Đau! Mẹ ơi! Cơn đau truyền từ dây rốn trước bụng con xuyên lên óc làm con co rúm lại. Con vùng vẫy cầu cứu, điên cuồng : « Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi! ». Mẹ vẫn ôm vòng lấy con nhưng vòng ôm không ấm nữa. « Mẹ ơi! Con rét. Mẹ ơi! Tối lắm! Mẹ ơi! Con không thở được…Không thở được… ». Con oằn lên ngáp những cái cuối cùng, nuốt đầy nước mắt mẹ. Mặn chát. Đắng cay.
Có tiếng xô đẩy loảng xoảng, tiếng bác sĩ : «  Nằm yên nhé! Thả lỏng người ra! », tiếng mẹ nức lên : « Con ơi! Con bé bỏng ơi! ». Đèn phẫu thuật bật sáng loà. Rồi con nương theo ánh sáng tìm ra. Con nhìn thấy mẹ rồi. Mẹ đang khóc, nước mắt bây giờ lăn dài trên má. « Mẹ ơi! Đừng khóc! Con hết đau rồi! Con cũng không còn sợ nữa. Con đang lau nước mắt cho mẹ đấy, mẹ có biết không? Bàn tay con bé xíu, nước mắt mẹ thì nhiều, càng lau càng chảy xuống. Con ước mình có một manh áo để con kéo vạt vải mềm lên áp vào má mẹ. Nhưng giờ con không có. Mẹ ơi! Đừng khóc nữa ! Đau lòng con lắm mẹ ơi! ».
Có tiếng  gọi, con ngẩng nhìn lên và thấy xúm quanh mình là một bầy bạn gái trạc tuổi con, đứa mặc áo, đứa choàng khăn, đứa vẫn ở trần. « Mẹ bạn phải không? ». « Ừ mẹ tớ! » Một đứa thì thầm :  « Tớ biết mẹ bạn! ». « Sao cậu biết? ». « Mẹ bạn từng đưa mẹ chúng tớ đến đây! ».
Mẹ ơi! Con gặp người quen rồi đấy! Con cô Thảo, cô Hoa cũng ở cả đây, cũng đều là con gái, đều bị bứt lìa ra khỏi mẹ ở nơi này. Các bạn giữ con lại : « Ở đây với chúng tớ đi! Chúng mình ở chỗ cây hương gốc cổ thụ kia kìa. Ngày rằm, mùng một đều có quà. Không sợ đói! ». « Nhưng mẹ tớ gọi. Tớ phải về với mẹ. » Bọn nó đi theo, tần ngần : « Cậu có nhắn được với mẹ chúng tớ không? Bảo mẹ chúng tớ cũng gọi chúng tớ về! ».
Giọt máu, núm ruột của mẹ nằm gọn trong bịch nilong đen giữa thùng rác, còn linh hồn bé bỏng nương trên vai mẹ, nghe mẹ gọi, theo về.
***
Mẹ con mình về đến nhà khi chiều sẫm. Chị lớn không thấy mẹ đón, tự đi bộ, men trái đường hai cây số về nhà. Chị bé gào khản tiếng, sưng húp mắt sau chấn song sắt phòng bảo vệ mẫu giáo, chân tay, mặt mũi nổi tịt lên bởi muỗi độc bay như trấu rắc lúc ẩm trời. Mẹ không còn thời gian đâu mà khóc cho con nữa. Mẹ còn phải khóc thương cho chị lớn đang ngồi ôm bát cơm nguội đã bốc mùi thiu rắc vài hạt muối vừng, khóc thương chị bé vì chỗ thịt nào hở ra chỗ ấy vần lên như vầng cơm cháy, khóc thương cho chính bản thân mình khi bước vào căn nhà tối om, sặc mùi rượu, đá phải đống bát đũa ngổn ngang, suýt vấp phải người chồng ngồi im trong bóng tối như con ma xó, thấy vợ về lảo đảo đứng dậy, đi thẳng lên gác, không quên chửi với lại một câu : « Đi con mẹ mày làm gì mà lâu thế! Tưởng chết ở  đấy rồi! ».
Hỡi ơi là cay đắng! Cơn đau cắt thịt vẫn còn nguyên, máu vẫn âm ỉ chảy, mẹ lặng câm dọn dẹp, nấu nướng, tắm rửa cho hai chị và giặt một thùng quần áo dồn lại của cả bốn người. Xong việc, yên ắng bốn bề, mẹ mới lặng lẽ ngả lưng xuống mép giường, nơi hai đứa con đang yên giấc, gạt thầm nước mắt, vòng tay tìm con và nức nở trong tim : « Con ơi mẹ mất con rồi! ». Cũng không dám khóc to sợ chồng biết mà thức dậy. Rồi sẽ nổi cơn điên lên nếu chị bé giật mình, khóc ré. Sẽ lao vào đấm đá, đạp mẹ giúi xuống mặc cho hai đứa con nhao vào ôm lấy mẹ khóc lặng đi. Chồng của mẹ đấy. Bố của con đấy. Mẹ ơi đừng khóc vì thương con, vì ân hận nữa. Con phải cảm ơn mẹ vì đã không sinh con ra.
« Con ơi! Ngày mai con theo mẹ lên chùa nhé! Mẹ thắp cho con nén hương ngoài ấy, mua cho con hộp sữa, bộ quần áo. ». « Mẹ đừng để sữa lại đấy, nhớ mang về cho chị bé con uống. Cửa Phật từ bi, mẹ đừng sợ con đói. Con chỉ xin mẹ bộ váy hồng có nơ trước ngực và đôi giày búp bê hồng. Con cũng không ở ngoài ấy đâu, con lại về với mẹ. Mẹ đã đi tìm con suốt mấy năm rồi, con không xa mẹ được đâu. ».
***
Ừ phải rồi, mẹ đã đi tìm con suốt mấy năm.
Nhà nội con phong kiến gốc. Bà nội đẻ mười một lần, nuôi được mười trai, bỏ đốt con gái đầu duy nhất bây giờ gọi là bà cô bé. Mẹ chồng đẻ toàn con trai nhưng mười cô con dâu chỉ sinh rặt cháu gái. Nhiều thì bốn. Ít thì hai. Chỉ có bác trưởng một trai, một gái. Nhưng con trai bác trưởng chục năm nay bị xích chân trên tầng bốn vì nghiện oặt xà lai.
Ngày mẹ sinh chị bé, một tuần đẻ mổ ở bệnh viện tỉnh, nằm trong phòng sản phẫu mấy chục giường bệnh hôi hám, tanh tưởi, ồn ào không có lúc nào là đêm, ở với mẹ chỉ có bà ngoại và mấy chị em dâu cùng cảnh xót nhau. Bố quay gót về ngay sau khi nghe bác sĩ báo : « Con gái. Ba cân hai. ».
Chị bé khóc dạ đề. Nhưng không chỉ khóc đêm mà khóc suốt cả ngày. Hai bàn tay nắm chặt gồng lên, hai bàn chân vặn xoắn vào nhau, da tái thâm đi trong những cơn khóc ngằn ngặt không dứt như xé vải. Mình mẹ với chị, mấy tháng trời ròng rã, rã rời, ngủ cũng không dám đặt vì chỉ một tiếng động nhỏ chị bé cũng giật thót lên, lại ngằn ngặt khóc. Đêm nào mẹ cũng phải bìu díu ôm con ra tận đầu hồi giáp vườn âm u bóng nhãn, để tiếng chị bé tan loãng bớt trong đêm, khỏi kinh động đến giấc ngủ của chồng – người đã từng rít lên, chỉ tay vào mặt mẹ : « Mày không dỗ cho nó nín, tao bóp chết bây giờ! Đã con gái lại còn khóc lắm! ».
Nhờ trời thương, hết ba tháng, chị bé trở về lành như đất. Ăn rồi ngủ.
Hàng ngày mẹ dậy từ bốn rưỡi sáng, cháo cơm, giặt giũ, gọi các chị dậy ăn uống, áo quần rồi ba mẹ con đùm đúm, dắt díu nhau đi. Chị lớn vào lớp một. Chị bé đi nhà trẻ. Bảy giờ, công ti may của mẹ vào ca. Bảy giờ cũng là giờ bố dậy, lục tung đống quần áo phơi phóng thơm tho, chọn lấy bộ ưng ý nhất, chải chuốt lượt là rồi đi ăn sáng để bảy rưỡi có mặt ở cơ quan. Chiều mẹ tan ca, phóng vội về vừa kịp đón chị lớn. Chị bé phải bồi dưỡng thêm tiền để cô trông muộn hơn. Trên đường về rẽ ngang qua đầu đường chợ cóc mua vội mớ rau, con cá rồi ba mẹ con sấp ngửa quay về trong bóng tối nhá nhem. Bố còn chơi cầu lông, bóng chuyền, tắm gội sạch sẽ xong mới mang đống quần áo đẫm mồ hôi về vứt vào chậu thau  chờ tối giặt.
Hành trình của mẹ đi tìm con bắt đầu khi chị bé lên hai tuổi, khi bà nội gọi mẹ về, thẽ thọt : « Đã làm dâu nhà này thì phải cố lấy mụn con giai! Con gái ngắn đời lắm! Đi lấy chồng là hết. Mày không cố đẻ, nó đuổi đi lúc nào thì tay trắng mà về. Đừng bảo bà không nói trước. Mà mày cũng phải nghĩ cho nó. Thanh minh nào cũng bị anh em thằng Tiến đuổi xuống mâm dưới. Chúng nó bảo không cố được con giai thì mặc váy vào! ».
***
Con về với mẹ là duyên trời định.
Sau hai năm tính toán, thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây đủ kiểu vẫn không có gì, bố bắt đầu lầm bầm : « Ăn lắm lấp mề! ». Mẹ lặng lẽ xin nghỉ việc một ngày, dặn chị lớn tự ăn, tự đi học, gửi chị bé cho bà hàng xóm đưa đi đón về, bắt xe lên thành phố, tìm đến bệnh viện phụ sản khám vô sinh. Bốn rưỡi sáng, mưa sầm sập, lạnh thấu tim người, mẹ một mình dò dẫm, đi bộ ra chờ xe. Hàng phố im lìm, thi thoảng mới có một chuyến xe sớm nhấp nháy chạy ào qua : « Thái Nguyên không chị ơi! ». « Gia Lâm đây! Bến xe Gia Lâm nào! ». Mẹ lắc đầu. Phải chờ đúng chuyến xe ấy mới qua ngang cổng bệnh viện, dẫu có phải chen, phải lèn trong mùi xe, mùi người, mùi nôn xộc vào mũi. « Chị đi đâu ? ». « Bệnh viện phụ sản bác ạ! ». « Năm phụ sản. Sáu Việt Đức. Năm viện Nhi… ». Người phụ xe gào xuyên qua những lớp lưng áo đẫm mồ hôi, báo cho tài xế những điểm cần trả khách. Chuyến sớm này chỉ toàn người đi khám bệnh. Mệt mỏi, nhàu nhĩ, đờ đẫn…Tất cả đều vàng ệch trong ánh đèn  mờ như sương, lúc sáng, lúc tối của bóng đèn trần. Bảy chục cây số đường trường, người không xuống mà  tiếp tục lèn lên. Mẹ đứng, ôm chặt vào ngực cái túi nhỏ. Bao nhiêu tiền dành dụm của mẹ mang đi hết hôm nay.
Sáu giờ sáng, phòng chờ bệnh viện đã ngập những người. Trong đám người xếp hàng lấy số chẳng ai dám di chuyển vì chỉ cần lệch đi một bước là có người khác chen vào. Mệt mỏi, thâm quầng, nhàu nhĩ, xác xơ, ai cũng giống như ai trong đám đông hỗn độn, ồn ào. Tờ hai trăm nghìn không yêu cầu trả lại tiền thừa phát huy tác dụng. Mẹ được người phụ nữ bán sổ y bạ và cấp số thẻ rút từ trong ngăn kéo ra cái thẻ hai chữ số nhỏ nhất với lời dặn : « Khám vô sinh cửa số hai. Vào ngay đi! Số mười nhé! Đừng ăn uống gì để thử máu! ». Mẹ nhao vào giữa hàng người như con rắn mốc, lặng lẽ trườn trước cửa số hai. « Cô kia xếp hàng đi chứ! ». « Chị ơi ! Em số mười! ». « Số mười mà đi đâu bây giờ mới đến? ». « Em đi vệ sinh ». Con rắn người giãn ra, đủ cho mẹ lách vào sau người phụ nữ cầm số chín.
Những đồng hai trăm nghìn kẹp trong sổ y bạ lần lượt lọt qua phòng xét nghiệm, phòng siêu âm, phòng khám phụ khoa…Mẹ biết phải làm thế nếu muốn lấy kết quả sớm để về kịp chuyến xe cuối trong ngày. Ba giờ chiều mùa đông trời đã âm âm nặng, phía sau mẹ còn cả một hàng dài những người phụ nữ, lặng lẽ, âm thầm. Tất cả đều vô sinh dẫu thứ phát hay nguyên phát. Tuyệt vọng hay cố tìm hi vọng, tất cả đều âm thầm, lầm lũi trong sẫm xỉn chiều đông.
***
Chín giờ tối mẹ về đến nhà. Chị lớn vẫn ôm em ngóng từ đầu hè ra cổng, reo ầm lên, nhào vào lòng mẹ, dụi đầu vào vòng ôm quen thuộc, mắt sáng lên háo hức khi mẹ rút từ trong cái túi vẫn ôm trước ngực ra hai chiếc bánh mì. Quà Hà Nội cho con sau bảy chục cây số đường trường, sau ba lần chuyển xe đổi tuyến vẫn ấm nóng hơi người. Con theo mẹ về từ lúc mẹ tất tả rẽ ngang quán ăn dưới gốc si già trước cổng bệnh viện : « Bà bán cho con hai chiếc bánh mì! ». « Còn ba chiếc cô lấy nốt nhé. Bảy nghìn.». « Không bà ơi! Con tính đủ tiền về. Chỉ còn năm nghìn. ».  Hai chiếc bánh mì, quà cho hai con. Mẹ đã ăn một chiếc hai nghìn rưỡi, buổi trưa, lúc ngồi vạ vật chờ kết quả xét nghiệm trên bậc cầu thang bệnh viện. « Bây giờ cô ra bến nào? ». « Bến Gia Lâm bà ạ! ». « Để tôi gọi xe ôm cho! ».  Rồi với sang đường:  “Bác Phúc ơi! Xe ôm sang bến Gia Lâm bao nhiêu tiền?”. “Bốn chục nghìn bà ạ!”. “Ba chục thôi! Người ta đi khám bệnh làm gì có tiền. Cô  cầm nốt cái bánh mì. Ăn ngay đi!  Người gì mà toàn xương với mắt. Không biết thương thân mình, quật xuống đấy, thiệt thân!”. Mẹ ứa nước mắt, miếng bánh mì nuốt nghẹn trong cổ. Người hàng xứ không quen còn lo cho mẹ hơn người chồng sáng nay vẫn ngon giấc khi mẹ lầm lũi, đội mưa đi. Con thương mẹ và theo mẹ về từ lúc ấy.
Chồng của mẹ vẫn ngồi trước tivi, xem thời sự cuối ngày, quay ngang sang hỏi mẹ: “Bác sĩ bảo bị làm sao?”. “Em không bị làm sao.”. “Nói vô lí. Không bị làm sao thì dễ thằng này bị chắc?”. “ Đây anh xem. Kết quả xét nghiệm, chụp phim tất cả đều bình thường. Có bệnh thì vái tứ phương. Mai em đi cắt thuốc Bắc cho anh uống”.  Im lặng… Mẹ đi vội xuống bếp, hai chị dắt hai bên. Ba mẹ con chụm đầu bên nồi cơm nguội đóng chầng và bát canh bắp cải lạnh tanh, thì thầm trò chuyện, khúc khích cười.
***
Con bé bỏng của mẹ ơi! Bốn tháng con về với mẹ không đêm nào mẹ yên giấc. Mẹ ước bé bỏng của mẹ là trai, mẹ con mình đỡ khổ. Nhưng cảm giác bất an vẫn theo mẹ lớn từng ngày. Bố bảo mẹ phải chờ đủ bốn tháng mới được đi siêu âm cho chính xác. Mẹ lạnh người không dám nghĩ con là bé gái cho đến buổi chiều hôm ấy.
“Chị siêu âm thai bốn chiều? Con dạ? Vòng đầu…Dài cẳng chân…Dài cẳng tay…Dự kiến ngày sinh…Tim thai tốt”. Qua ống nghe khuếch đại, tiếng tim con đập rộn ràng. Con đang gọi mẹ đấy mẹ ơi! “Hình bé đây chị này!” . “Bác sĩ ơi! Cháu là con trai hay con gái?”. “Con gái.”. Tất cả đổ sụp. Tối sầm. “Con gái thì bỏ. Gọi hẹn bác sĩ đi!”. Tiếng bố từ trong bóng tối dội về. Hình con đấy, bé bỏng của mẹ. Ngày con ra đời dự kiến cũng đây. Con vừa gọi Mẹ ơi trong ấy, tai mẹ còn nghe rõ. “Anh để em đẻ. Em nuôi”. Bố rít lên vừa đủ cho mẹ nghe: “ Cô làm tôi mất mặt hai lần thôi. Đừng để tôi nhục thêm lần nữa”.
***
“Con bé bỏng của mẹ! Ngày mai là rằm tháng bảy, con theo mẹ lên chùa nhé! Mẹ mua  cho con thêm bộ váy nơ hồng. Con là con của mẹ chứ không phải là hạt máu rơi máu rụng. Ai cấm được mẹ yêu con bằng trái tim  mình”. “Con luôn ở bên cạnh mẹ mà. Mẹ ở chỗ nào là con ở đấy. Chỉ tội con bé quá, không che chở được cho mẹ mà thôi”. “Không cần đâu con! Mẹ có hai chị rồi. Hôm chị bé trượt cầu thang, ngã gãy chân, bố gầm lên định xông vào đánh mẹ. Chị lớn lao vào che. Chị bé lết nửa người trên nền gạch, ôm lấy chân bố, khóc kéo về. Con không cần lo cho mẹ!”. “Dạo này bố đi nhiều thế mẹ?”. “Ừ! Từ khi bà nội gọi mẹ về, ngồi giữa giường, chỉ tay vào mặt mẹ: “Chị không cố đẻ thì đừng trách con tôi nó bạc!”. Rồi quay sang con trai: “Mẹ cho phép con đi kiếm lấy thằng con giai để nối dõi tông đường. Có thì đem về đây mẹ cưới cho. Đứa nào biết điều nghe lời bà thì được. Vô phúc không biết điều thì ra tay trắng”. Nhưng kể cả đánh đổi mười năm làm dâu tủi nhục lấy hai bàn tay trắng thì mẹ cũng không chấp nhận may rủi bỏ thêm một sinh linh bé bỏng nào nữa”. “Hay mình li hôn đi anh! Sống thế này chi bằng giải phóng cho nhau!” Bố rít lên: “Nhà này chỉ có chồng bỏ vợ, không có thói vợ bỏ chồng. Mày đừng tưởng li hôn là dễ. Cả đời mày chỉ xứng để hầu tao. Từ giờ trở đi, tao đi đâu, ở đâu là quyền của tao, mày không được phép hỏi. Mày có tin tao cho liều thuốc chuột là cả ba mẹ con mày cùng chết không?”. Con biết mẹ thoi thóp từng ngày trong cái địa ngục gọi là nhà ấy chỉ vì chúng con.
***
Bốn mẹ con mình dắt díu lên đường vào đêm đầu tiên trong chuyến đi xuyên Việt của bố. Chuyến xe đường dài 22 giờ 30 phút. Đủ khuya để hàng phố không ai biết mẹ con mình đứng chờ xe dưới bóng bàng cổ thụ. Đơn li hôn gửi luật sư xin toà xử vắng mặt. Giấy tờ tuỳ thân, học bạ, giấy khai sinh, hình của các chị, hình của con… mẹ giấu kĩ trong người. Túi du lịch xách theo óp xọp vài bộ áo quần, bịch giấy ăn, chục bánh mì. Mẹ đã âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi này nửa năm rồi. “ Ở lại thì có nhà có cửa. Đi chưa biết thế nào. Hai đứa có sợ không?”. “Đâu có mẹ ở đấy là nhà. Chỉ cần không có bố là vui”. Hai chị nắm tay mẹ hăm hở bước.
“Mẹ ơi nhìn này! Con cũng đi theo mẹ đấy! Mẹ gọi điện cho bà ngoại đi!”. “Ừ mẹ nhớ rồi!”
***
Trưa tháng ba Tây Nguyên.
Chẳng kịp ngơ ngác đã nghe thấy tiếng người: “Ôi trời! Hoà ơi! Chờ mãi đấy! Thế nào? Quyết định thoát tù rồi hả. Hai bé con rõ yêu chưa! Ở lại đây với cô Thanh nhé!”. “Cô ơi! Quả gì vậy cô?”. “Quả cà phê con ạ!”. “ Mẹ ơi! Đẹp quá mẹ ơi!”. Hai chị con bay như chim sổ lồng giữa bạt ngàn cà phê, giữa Tây Nguyên trời xanh mây trắng. Lần đầu tiên con nhìn thấy mẹ cười, má mẹ hồng, mắt mẹ lấp lánh. Con cũng cười với mẹ đấy! Con là gió mơn man trên tóc mẹ. Mẹ xinh đẹp của con ơi!
“Mẹ bình yên rồi! Con ở với mẹ ít hôm nữa thôi rồi về nơi cũ, đậu dưới bóng si già trước cổng bệnh viện ngày xưa tìm mẹ mới”. “Nhưng xa xôi lắm! Làm sao con biết đường về?”. “Mẹ không lo! Con sẽ theo lối cũ, sẽ đứng ở gốc cây bàng bên phố chờ chuyến xe 4 giờ 30 phút sáng chở người đi khám bệnh. Dễ thôi mà!”. “Nhưng mẹ nhớ, mẹ thương con lắm!” “Đừng mẹ ơi! Con đi tìm mẹ khác. Tìm người nào yêu con như mẹ ấy. Con sẽ được sinh ra, sẽ là một bé gái xinh xắn mặc váy hồng có nơ trước ngực, con sẽ đi giày búp bê, sẽ buộc tóc cây dừa”…
Tháng ba Tây Nguyên không âm u mà trời xanh mây trắng lắm. Lúc ấy con đã đi xa nên  mẹ ơi dẫu có nhớ có thương  cũng đừng gọi con về!
NGUYỄN HẢI YẾN
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...