Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Ký ức hiện hình

Ký ức hiện hình

1. Trong thị trấn Lạc An này chỉ có tôi là người duy nhất còn đeo đuổi nghề vẽ ảnh truyền thần. Trong mắt của dân làm dịch vụ ảnh kỹ thuật số, tôi là một gã gàn, là một kẻ không biết thức thời trước cơn lốc thị trường. Chẳng có ma nào hiểu thời niên thiếu ngày sang ngày tôi từng ngồi hằng giờ trong tiệm vẽ ảnh truyền thần, mắt dán vào từng nét bút của một người đàn ông người cùng xóm tên là Thuận xấp xỉ tuổi chú tôi. Trên cái giá gỗ ván ép, tấm giấy trắng hình chữ nhật dày dặn được gim thẳng thớm theo chiều dài thẳng đứng bởi bốn cái đinh nút. Tấm giấy trắng tinh tươm ấy đón nhận những ô vuông kẽ bằng bút chì, nét bút mỏng như lá lúa làm nền chuẩn cho chân dung của anh A, chị B, bà X nào đấy sắp sửa xuất hiện do ông chủ “truyền tải” từ tấm ảnh cũ bắt đầu hoen màu.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng bên tượng cụ Nguyễn Du
Chú Thuận một tay cầm chiếc kính lúp soi vào tấm ảnh chân dung nhỏ xíu, một tay cầm bút lông chấm vào chén mực bột đen nhánh tỉ mẩn ngồi tô vẽ, ánh mắt chú hiện lên sự đam mê, hoan hỉ. Ngồi một bên là cậu bé mộ điệu nghề vẽ ảnh truyền thần không thua kém chú chính là tôi. Ban đầu chú Thuận mến tôi vì sự chia sẻ nghệ thuật hiếm hoi. Tiếp đến mọi thành viên trong gia đình chú quý tôi vì bản tánh hiền lành. Có lẽ họ nghĩ lứa tuổi thiếu niên như tôi là lứa tuổi hiếu động, phá phách, còn tôi lặng lẽ chiêm ngưỡng cái đẹp, yêu quý nghề truyền thống của gia đình họ nên mỗi lần nhà có củ khoai, trái ổi, quả xoài tôi thường được chia phần.
Một hôm, tôi đang ngồi say sưa nhìn chú Thuận vẽ, bỗng dưng chú dừng tay nửa vời, nhìn tôi chằm chặp:
– Thằng Tý tập vẽ thử xem! Biết đâu cháu có năng khiếu hội họa cũng nên.
Tôi ngượng ngùng, cười bẽn lẽn, song thâm tâm lại rất thích vẽ cho thỏa tánh hiếu kỳ:
– Cháu sợ làm hỏng giấy mực của chú thì khổ!
Chú Thuận cười hì hì, đưa tay xoa đầu tôi khuyến khích:
– Nhóc đừng ngại, chú có giấy vẽ riêng cho cháu đây!
Nói dứt lời, chú Thuận đứng dậy đi về phía chiếc tủ đứng lục lọi một hồi, lấy ra tờ giấy trắng hâm hẩm mỏng mảnh căng trên giá vẽ đặt bên cạnh, trao tấm ảnh chân dung cũ kỹ và bút, mực cho tôi. Đôi bàn tay tôi hơi run, tim cũng đập nhanh hơn. Mặc xác hồi hộp, bối rối đồ dở hơi, tôi bụng bảo dạ:
– Cứ vẽ thử xem thế nào!
Thế là tôi miệt mài vẽ bằng tay, bằng mắt và bằng cả những gì bao ngày tháng tôi ngồi một bên chú Thuận ghi vào bộ nhớ. Chú Thuận thả lỏng cho tôi vẽ tự do, thi thoảng chú liếc qua gật gù đồng cảm.
Hơn hai giờ, người đàn ông dần dà hiện lên trong bức vẽ của tôi với nét mặt đăm chiêu, khắc khổ, chòm râu bạc trắng. Chắc ông đã là người thiên cổ, con cháu muốn lưu giữ hình ảnh của người thân cho đời sau. Chú Thuận đứng sau lưng tôi tự lúc nào, reo lên sung sướng:
– Trời ơi! Đẹp quá! Có thần quá! Chú biết ngay cháu có năng khiếu hội họa cơ mà!
Thím Thuận và mấy người con từ nhà dưới không hiểu mô tê chi cùng ùa lên một lượt. Người bốp vai, người bắt tay, véo má tôi thể hiện sự vui mừng, quý trọng. Tôi sướng rân người như có luồn điện chuyền vào từng mao mạch, muốn rơi nước mắt. Tối hôm ấy chú Thuận đích thân đến nhà tôi xin ba má tôi cho tôi theo học nghề vẽ ảnh truyền thần của chú.
Phải nói cái thời “gạo chợ nước sông” nghề vẽ ảnh truyền thần có đất dụng võ. Chú Thuận như cỗ máy vận hành hết công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những gia đình có người thân già cả quá cố thường muốn có ngay bức ảnh chân dung của ông bà, cha mẹ mình để thờ cúng, tạo áp lực cho chú Thuận mất ăn, mất ngủ. Tôi vào cuộc như một lẽ đương nhiên. Những bức ảnh truyền thần của tôi sớm bắt mắt chú Thuận. Thường thì chú chỉ chỉnh sửa lại vài nét để làm tăng thêm điểm mạnh về sắc thái biểu cảm của gương mặt. Vậy là năm tôi mới mười sáu tuổi đã biết làm ra tiền từ nghề vẽ ảnh truyền thần. Tôi chưa bao giờ dám đón nhận hai chữ “họa sỹ” mà mọi người ban tặng, dẫu lòng luôn háo hức có được điều thiêng liêng ấy.
Từ ngày có tôi trợ lực, chú Thuận giải quyết gãy gọn các mối hàng còn tồn đọng, thu nhập tăng lên. Giữa lúc ăn nên làm ra, chú Thuận chợt ngã bệnh đột ngột, da xanh rớt, không buồn ăn uống. Gia đình đưa chú Thuận vào Sài Gòn chữa trị. Hôm sau bác sỹ gọi vợ chú ra ngoài hiên nói nhỏ:
– Chị đưa anh về nhà gấp kẻo không kịp. Anh ấy bị ung thư gan ở giai đoạn cuối.
Thím Thuận bàng hoàng, cắn răng không để bật ra tiếng khóc, lấy hết can đảm đưa chồng trở về. Ở nhà, tôi ngồi vẽ mà lòng cứ thấp thỏm âu lo, không biết bệnh tình chú Thuận thế nào. Khi chú đã về, thím Thuận rất kín tiếng, dẫu vậy nhìn nụ cười gượng gạo, cách đi lại lóng ngóng, đôi khi bắt gặp ánh mắt buồn thăm thẳm của thím, tôi linh cảm  sắp xảy ra chuyện chẳng lành.
Một bữa, chú Thuận sai thằng Hòa-Con chú gọi tôi vào phòng, nắm lấy bàn tay tôi, giọng phều phào:
– Tý ơi! Chắc chú không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Chú biết thím giấu chú vì sợ chú buồn… Mỗi người đều có số phận cả…Chú chỉ tiếc nuối, day dứt vì các con chú không ai có năng khiếu vẽ ảnh truyền thần, lưu giữ cái nghề mà ông cha để lại. Sau khi chú đi rồi, cháu đừng bỏ nghề này nghe Tý!
Nhìn ánh mắt van lơn tha thiết của chú Thuận, lòng dạ tôi rối bời:
– Vâng! Cháu xin hứa sẽ giữ mãi nghề vẽ ảnh truyền thần của chú cho đến cuối đời!
Người đàn ông cố nở nụ cười trên vành môi héo hắt, hai giọt nước long lanh lăn dài trên gò má tái nhợt, teo hóp:
– Cảm ơn cháu nhiều lắm! Tiếc là chú cháu mình không có duyên được ở bên nhau lâu dài… Tôi nghe mắt mình cay cay, quay mặt đi.
Chú Thuận qua đời, tôi là người vẽ ảnh truyền thần của chú. Đó là bức ảnh mà tôi vẽ lâu nhất trong cuộc đời vẽ ảnh truyền thần. Mỗi lần cầm bút lông, đặt kính lúp nhìn ảnh chân dung cũ của chú tim tôi lại thổn thức. Tôi dồn mọi sự cố gắng vẽ gương mặt chú thật vui tươi, song ánh mắt u buồn của chú vào những ngày cuối đời cứ theo ám ảnh tôi. Thím Thuận nhìn ảnh truyền thần của chú, thảng thốt:
– Đôi mắt chú sao buồn quá vậy?
Tôi cầm cây bút gắn cục tẩy cắt nhọn đưa cho thím Thuận xem qua:
– Cháu đã tẩy đi, xóa lại nhiều lần rồi vẫn vậy thím ơi! Không hiểu sao cháu không truyền thần được đôi mắt tinh anh của chú theo ý muốn.
Có lẽ nỗi buồn cho số phận ngắn ngủi của người nghệ sỹ đã in sâu vào ký ức tôi. Tôi không thể nào làm khác được. Cuối cùng rồi bức ảnh truyền thần của chú Thuận cũng hoàn thành. Đôi mắt chú u buồn một chút vẫn không làm giảm đi sự sống động. Mỗi lần đi ngang qua bàn thờ chú Thuận, tôi thấy dường như ánh mắt của chú dõi theo tôi, động viên tôi hãy hết mình với nghệ thuật.
Mãn tang chú Thuận từ lâu, tôi vẫn còn ngày ngày ngồi lặng lẽ vẽ ảnh truyền thần tại nhà chú. Nhiều lần thím Thuận bảo:
– Cháu là người làm ra sản phẩm, cháu phải được hưởng phần nhiều nhất!
Mỗi lần khách trả tiền ảnh, thím Thuận đều đưa hết cho tôi. Tôi biết thím muốn giữ tôi lại để tưởng nhớ về người chồng tài hoa bạc mệnh, muốn có sự hiện hữu cái nghề cao quý của ông bà. Còn tôi không đặt nặng chuyện vật chất. Tôi biết chú Thuận từ trần, gia đình thím Thuận mất đi nguồn thu nhập chính nên tiền vẽ ảnh tôi chỉ nhận lấy một phần nhỏ.
Hồi đó có một cô gái nhà ở gần thị trấn Lạc An mỗi khi vào phố thường tạt vào nhà chú Thuận xem tôi vẽ ảnh truyền thần. Cô bé dừng rất lâu trước ảnh chân dung của vợ con chú Thuận. Những bức ảnh thuộc về bút tích của thầy tôi thời còn trai trẻ không ngờ làm cho cô gái thích thú. Lần nào đến, Mai (tên cô gái) cũng nhìn đăm đắm vào bức ảnh chân dung của người con gái cười bằng mắt, cái miệng xinh xắn ngậm lọn tóc lòa xòa bên gò má phúng phính lông tơ. Một hôm, sau khi xem ảnh, cô gái đến bên tôi thỏ thẻ:
– Anh ơi! Người con gái trong ảnh truyền thần kia có phải là cô chủ nhà này thời còn trẻ?
Tôi bật cười:
– Em đoán đúng rồi đấy! Nhưng điều gì khiến em cảm nhận người trong ảnh là thím Thuận?
Cô bé đáp không cần nghĩ ngợi:
– Đôi mắt và thần sắc của cô ấy ngày trước và bây giờ vẫn còn giống nhau một cách cơ bản.
Tôi lại bật cười sảng khoái:
– Em cừ thật đấy! Cho anh được khen em một lời khen chân thành nhé!
Cô bé thẹn thùng, lí nhí:
– Anh chọc quê em rồi!
Tôi biết cô bé thích lời khen của tôi. Một lời khen đúng nơi, đúng lúc là món quà tinh thần mang lại niềm vui đến cho mọi người. Và cũng lần ấy tôi khám phá Mai có một vẻ đẹp đằm thắm, nhất là mỗi khi em cười. Cũng vì lẽ ấy mà sau này thím Thuận thường trêu chọc tôi:
– Nhờ bức ảnh truyền thần của thím mà thằng Tý có vợ đẹp, vợ hiền chia sẻ với nghề nghiệp của chồng.
2.
Tôi nói tôi không thức thời trước cơ chế thị trường không sai tí nào. Thời bây giờ có mấy ai còn ưa chuộng ảnh truyền thần nữa đâu. Người ta muốn có ảnh đẹp của thời thơ bé, thời hoa niên để lưu niệm cứ lục lại những bức ảnh chân dung đen trắng ngày xưa, nếu bị hoen ố cũng chẳng sao. Các dịch vụ phục hồi ảnh bằng kỹ thuật số có thể dùng phần mềm tái hiện, thêm thắt các chi tiết sinh động. Trong ảnh cũ mặc áo sơ my, giờ anh muốn thay áo Veston có ngay! Hồi chụp ảnh còn nghèo, chị chưa sắm được dây chuyền vàng, xâu chuỗi ngọc giờ muốn có dây chuyền, dây chuỗi cũng có ngay! Các nhà dịch vụ phục hồi ảnh bằng phần mềm kỹ thuật số còn mượn thân hình mướt mát, thon thả của người này thế vào người kia, miễn sao còn giữ nguyên nét mặt là khách hàng OK! cái rụp.
Khi tôi lập gia đình với Mai, nàng đề nghị mở hiệu ảnh truyền thần ở góc phố thị trấn Lạc An. Tôi đành phải xa rời ngôi nhà của Thím Thuận; Nơi tôi tập tễnh vào đời bằng nghề vẽ ảnh truyền thần cùng người thầy hiền hòa, thân thương đã khắc sâu vào tâm khảm.  Hiệu ảnh truyền thần của tôi rất thưa khách Ta lại được khách Tây mới thật lạ kỳ. Các chàng Tây Ba Lô, khách du lịch là người ngoại quốc hay đến hiệu ảnh của tôi nhờ vẽ truyền thần. Tôi phải nhờ thằng cháu giỏi ngoại ngữ thường trực để giao tiếp với khách hàng.
Người Tây cũng chuộng nghệ thuật tạo hình chẳng kém ta. Kít-man là một người Đức đến Việt Nam lần đầu, trong một lần anh thơ thẩn dạo phố tình cờ thấy tôi vẽ ảnh truyền thần, liền tấp vào ngồi xem hàng giờ. Vài hôm sau chàng trai mang quốc tịch Đức trao cho tôi bức ảnh chân dung còn mới cứng, nhờ tôi vẽ truyền thần. Còn Măng ri na là một sinh viên đại học kinh tế người Pháp, cô sang Việt Nam tìm hiểu tình hình kinh tế thị trường. Điều khiến tôi hết sức bất ngờ là một người theo học chuyên nghành kinh tế lại ký họa chân dung sắc sảo đến thế. Trong lúc tôi đang ngồi hí hoáy tô vẽ, Măng ri na hỏi xin tờ giấy và cây bút chì. Thằng cháu tôi đáp ứng ngay mà chẳng hiểu cô ta mượn giấy bút để làm gì. Khi thấy cô ngồi liếc sang tôi cắm cúi vẽ, lòng tôi dâng lên niềm xúc động, bồi hồi. Con người ta dẫu khác nhau quốc tịch, màu da, ngôn ngữ, tập quán vẫn có điểm tương đồng về tình yêu nghệ thuật, tình yêu con người. Măng ri na vẽ một nhoáng là xong bức ký họa chân dung tôi. Cô tặng tôi bức ký họa, kèm theo nụ cười lấp lánh. Tôi vẽ truyền thần chân dung của Măng ri na trong sự thăng hoa vì cảm mến tài năng một người con gái có tâm hồn nghệ sỹ. Lúc nhận ảnh, Măng ri na nhảy cẫng lên sung sướng, cô khoe bức ảnh với các bạn của cô bằng ánh mắt hoan hỉ. Cô cảm ơn tôi đã vẽ rất đúng thần sắc của cô.
Trong số du khách là người nước ngoài đến hiệu ảnh truyền thần của tôi còn có Tom và Jenmy. Đôi bạn trẻ người Mỹ đến Việt Nam để du lịch và học tiếng Việt. Tôi ấn tượng mạnh với Tom ngay từ lần đầu tiên anh đến hiệu ảnh của tôi cùng với cô bạn gái. Trên người Tom đeo lỉnh kỉnh máy ảnh và đủ loại ống kính. Tom xin phép tôi chụp những bức ảnh truyền thần của vợ chồng tôi và cu Sửu-Con trai đầu lòng của tôi. Anh đứng rất lâu trước ảnh vợ và con trai tôi, bật lên câu nói đùa giọng lơ lớ tiếng Việt:
– Tôi xem ảnh vợ con anh, anh đừng đuổi tôi nhé!
Tôi cười sùng sục:
– Có được người chiêm ngưỡng vợ con mình như anh Tom là niềm vinh hạnh, sao tôi lại đuổi nhỉ?
Tom và cô bạn gái Jenmy xinh đẹp đề nghị tôi vẽ ảnh truyền thần. Anh xìa ra một tập ảnh chụp phong cảnh Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha, cầu Tràng Tiền, các lăng tẩm của Vua chúa triều đại Nhà Nguyễn và vô số con gái Huế mặc áo dài, đội nón bài thơ. Jenmy đưa tay chỉ vào những tấm ảnh có con gái Huế, gật gù:
– Con gái Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá đẹp như tiên.
Tôi bật cười khùng khục. Cô bé nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên, không hiểu vì sao bỗng dưng tôi lại cười. Tôi giải thích cho Jenmy hiểu, cô là một người Mỹ đến Việt Nam chưa lâu mà cũng biết đẹp như tiên đó là điều thú vị. Jenmy có vẻ tự hào:
– Tôi còn biết người con gái Việt Nam đẹp dịu dàng.
Tom thì bộc lộ sự ngưỡng mộ đối với tôi:
– Anh biết không? Tôi rất thích anh họa chân dung của tôi. Những đường nét trong ảnh hay lắm! Đất nước tôi không có ai vẽ ảnh truyền thần như anh. Tôi có các loại máy ảnh hiện đại, Jenmy sẵn sàng chụp ảnh cho tôi trên đường du lịch, nhưng tôi thích anh vẽ hơn.
Đúng là Tom có trong tay chiếc Nikon ống kính Zoom vào loại xịn nhất hiện nay. Anh còn mang theo bên mình một ống kính Wide, một ống kính têlê. Tom giải thích: máy ảnh kỹ thuật số chức năng hiện đại, thông dụng. Song có nơi, có lúc không đáp ứng về chiều sâu, lột tả nội dung của ảnh nghệ thuật bằng máy ảnh cơ học. Những con sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp Mười, những cánh cò chao nghiêng trong sương sớm trên làng quê Việt Nam được Tom sử dụng ống kính têlê chụp rất hiệu quả. Jenmy thì thủ trên tay chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Cô bảo những bức ảnh truyền thần của tôi vẽ đều có trong máy cô như một bộ sưu tập. Thật vậy, hầu như cách vài ba ngày là Tom và Jenmy đến nhà tôi một lần, trừ lúc đi chơi xa. Những bức ảnh truyền thần của tôi vẽ trong một thời gian dài đều có sự chiêm ngưỡng của đôi bạn trẻ người Mỹ.
Để lý giải vì sao người Việt Nam quay lưng lại với ảnh truyền thần truyền thống, Tom  thẳng thắn:
– Người Việt Nam đất nước anh ưa chuộng cái mới, sính hàng ngoại hơn hàng nội, hàng truyền thống, kể cả trên lĩnh vực văn hóa. Tôi thấy các bạn trẻ đam mê nhảy hiphop, rock, zap… Có thể các bạn trẻ ấy cho đấy là sự văn minh, vượt trội. Nhưng với tôi thì không. Các bạn trẻ Việt Nam không thể nào nhảy hiphop, róck, zap…hay hơn thanh niên phương Tây, trong khi các bạn có múa rối nước, những câu quan họ, hát chèo, ca trù… đặc sắc lại thiếu vắng người xem trong nước…
Jenmy thì có mục tiêu khác. Cô bé sang Việt Nam học tiếng Việt cốt lõi là để hiểu sâu hơn về nền văn hóa Việt Nam, để tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao một đất nước hùng mạnh về kinh tế, quân sự như Hoa Kỳ lại chịu thua một đất nước nhỏ bé, kém phát triển như Việt Nam. Tôi phì cười, nói với đôi bạn trẻ đến từ Hoa Kỳ rằng:
– Đất nước tôi sở dĩ thắng Pháp,thắng Mỹ là vì có một loại vũ khí bí mật.
Tom và Jenmy nhìn tôi không chớp. Anh chàng có mái tóc màu bạch kim chấm vai, gương mặt toát lên sự thông minh, lanh lợi thốt lên:
– Vũ khí bí mật?!
Jenmy ngước nhìn tôi bằng cái nhìn qua đôi mắt xanh biếc, giọng bỡn cợt, cô nàng cười khanh khách pha chút khôi hài:
– Vũ khí mà anh sắp nói ra chắc không phải vũ khí hạt nhân đó chớ?
Tôi cười rúc rắc: “
– Còn hơn cả vũ khí hạt nhân gấp vạn lần. Đó là gì các bạn hiểu không?
Tôi cố kéo dài thời gian gây ấn tượng cho đôi bạn trẻ. Nhấp một ngụm nước trà Thái Nguyên đặc quánh, đê mê đầu lưỡi, tôi “bật mí”:
– Vũ khí bí mật của người Việt Nam đó là triệu người như một: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. (*)
3.
Mai của tôi là một người vợ thảo hiền và cực kỳ thông minh. Nàng còn sáng dạ hơn cả tôi. Qua tiếp xúc với du khách nước ngoài đến vẽ ảnh truyền thần và học lóm ngoại ngữ từ đứa cháu, Mai đã có thể nói được tiếng bồi với khách hàng. Tôi giữ đúng lời hứa với chú Thuận, tiếp tục sống bằng nghề vẽ ảnh truyền thần. Những lúc thưa khách, tôi tranh thủ giúp vợ những công việc nội trợ như: tắm heo, chăm con, hoặc phóng xe vù ra chợ mua rau muống, rau môn về ngồi xắt thành đống để nấu cháo heo. Tôi biết nếu chọn một cái nghề khác có khi cuộc sống của gia đình tôi sẽ khá hơn. Mai tinh ý, biết tôi sợ nàng buồn vì cái nghề bấp bênh nơi phố thị nên bao giờ nàng cũng nhẹ nhàng, tinh tế trong ứng xử.
Vào một ngày cuối tuần, tôi ráng ngồi “làm ngụi” cho hoàn chỉnh tác phẩm để ngày mai còn giao cho khách hàng. Bỗng đâu có một bà cụ mặc áo nâu, quần đen, đầu đội chiếc nón lá cũ kỹ lò dò tiến vào nhà. Tôi dừng bút, hướng về phía bà cụ:
– Chào bác ạ! Bác muốn gặp ai? Bác cứ để cái nón ở chỗ đó không sao đâu, đừng ngại!
Tôi thấy bà cụ lưỡng lự, nửa muốn đặt cái nón lên cái ghế đẩu ở góc cửa cạnh lối ra vào, nửa muốn cầm trên tay. Có lẽ cụ sợ phiền hà cho gia chủ. Thấy tôi vồn vã, cụ cười hóm hém:
– Chú đã nói vậy tôi xin nghe theo.
Bà cụ cẩn thận đặt chiếc nón xong, bước lại bên tôi, mắt nheo nheo ngắm bức ảnh tôi vẽ, rồi ngắm tôi, nói giọng chắc nịch:
– Chú làm họa sỹ phải không? Chú vẽ hình con tôi nhé! Chú muốn lấy bao nhiêu tiền tôi trả đủ.
Một bà mẹ quê chất phác, thật thà ngay trong cách nói. Tôi mời cụ ngồi xuống chiếc ghế để sẵn bên cạnh. Đó là chiếc ghế dự bị cho Mai ngồi trò chuyện với tôi hàng ngày. Những lúc có khách đặt hàng, có bè bạn đến chơi, Mai lui về phía sau. Nếu khách là người nước ngoài đặt tôi vẽ ảnh truyền thần, Mai lại liếng thoắng tiến về phía trước để làm thông dịch viên cho chồng. Nghe bà cụ bảo vẽ ảnh cho con bà cụ, tôi cười xã giao:
– Bác đưa ảnh cũ của con bác để cháu vẽ cho. Bác tính chừng nào lấy ảnh để cháu còn lo liệu?
Bà cụ nói cụt ngủn:
– Hổng có hình cũ đâu chú ơi!
Tôi cứ tưởng mình nghe nhầm:
– Bác nói sao? Bác không mang theo ảnh cũ của con bác thì cháu biết đường nào mà vẽ?
Gương mặt nhăn nheo như tờ giấy vò của bà cụ chợt buồn hiu:
– Em nó đi bộ đội năm mới mười sáu tuổi chưa kịp chụp hình, chưa một lần biết cận kề con gái…Nó hy sinh năm mới hai mươi tuổi.
Nghe bà cụ đáp rành rọt, tôi vẫn cứ hoài nghi cụ lẩn thẩn:
– Bác nói vậy cháu biết làm sao bây giờ? Ai muốn vẽ ảnh truyền thần đều phải có ảnh cũ cháu mới làm được, mong bác thông cảm!
Bà cụ thở dài não nuột, hai giọt nước mắt như hai giọt thủy tinh lăn trên đôi gò má nhăn nheo, đen đúa:
– Chú không thương già, không muốn giúp tôi nên chú nói thế, chứ tôi biết chú vẽ được mà! Luân ơi! Mấy mươi năm rồi mẹ chưa tìm được xác con, mẹ ước mong có người vẽ được hình ảnh của con để mẹ thờ cúng, vậy mà ước mong ấy cũng không thành con ơi!
Tôi ngồi xem bà cụ bệu bạo khóc mà lòng xốn xang, nghẹn ngào. Tôi đặt bút trên chén mực, bước lại cạnh bàn rót ly nước trà trao cho cụ:
-Không có ảnh cũ cháu không thể nào vẽ được đâu bác ơi!
Bà cụ đón lấy ly nước, nhưng chưa muốn uống ngay:
-Tôi kể lại gương mặt của con trai tôi cho chú vẽ. Hơn ba mươi năm rồi tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt con tôi. Chú hãy thương tình giúp tôi đi chú! Tôi đã gần tám mươi rồi, không biết lúc nào tôi về với ông bà. Tôi ước sao trước khi nhắm mắt xuôi tay có được tấm ảnh của con tôi đặt trên bàn thờ. Giúp tôi đi chú!
Nghe bà cụ bảo bà kể lại hình ảnh của con trai cụ cho tôi vẽ, tự dưng trong đầu tôi lóe lên tia hy vọng. Đúng là chuyện không tưởng, song biết đâu có thể… Mai đứng phía sau lưng tôi, giọng nói của nàng nhẹ như gió thoảng:
– Hãy cố lên anh! Biết đâu thành công thì sao? Em thấy bác đây đáng thương quá! Anh giúp cho bác anh nhé!
Được Mai động viên, khích lệ, tôi thấy lòng ấm lên, niềm tin vào đôi tay, khối óc cũng tăng lên. Bà cụ nghe vợ tôi ủng hộ hết lòng, thấy tôi gật gù thì biết là tôi đã nhận lời, nước mắt bà lại rơi từng giọt nhỏ, bà ôm chầm lấy vợ tôi, giọng nói khàn đục:
– Bác cảm ơn con! Con phúc hậu quá! Bác chúc cho con luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!
Rồi bà cụ quay sang tôi đổi cách xưng hô thân tình:
– Bác cảm ơn cháu nhiều lắm! Bác mừng quá! Mừng hết chỗ nói. Đêm nay bác có thể ngủ yên giấc rồi cháu ơi! Hơn ba mươi năm qua nhiều đêm bác khóc thầm. Con bác hy sinh gởi nắm xương tàn, bác và đồng đội của nó chưa tìm thấy. Nó đói, no ra sao bác chẳng tận tường.
Tôi mời cụ uống hết ly nước, bình tĩnh trở lại để kể cho tôi nghe từng chi tiết trên gương mặt của con trai cụ. Người mẹ uống nước xong, lấy khăn lau nước mắt, đăm chiêu suy nghĩ rồi kể giọng chậm rãi:
– Thằng Luân của bác gương mặt chữ điền, đôi mắt to, tròn, chân mày rậm, hàng mi cong vút như con gái…
Tôi kêu lên:
– Bác kể một vài chi tiết cơ bản trên nét mặt của anh ấy để cháu còn hình dung, tưởng tượng mà vẽ, chứ kể nhiều quá cháu làm sao nhớ nổi!
Bà cụ cười, nụ cười thật hiền làm tôi nhớ mẹ tôi quay quắt. Mẹ tôi đã về cõi vĩnh hằng từ lâu. Sao nụ cười của mẹ giống nụ cười của bà cụ này quá vậy? Tôi đứng dậy đi rửa mặt vì mắt tôi rân rấn nước. Bà cụ hiểu nhầm, lật bật:
– Thôi, bác không kể nhiều như vậy nữa, cháu yên tâm mà vẽ.
Tôi đặt bàn tay lên vai cụ:
– Cháu vươn vai một tí cho khỏe chân tay rồi trở lại ngay, không sao đâu bác.
Gương mặt, chân mày, lông mi và đôi mắt của con trai bà cụ, tôi vẽ mất hai ngày mới được bà cụ gật đầu bảo giống con trai bà cụ. Được bao nhiêu đó tôi đã thấy phấn khởi lắm rồi.
Nhà bà cụ ở ngoại vi thị trấn Lạc An. Theo cụ cho biết từ nhà cụ đến hiệu ảnh của tôi khoảng gần mười cây số, nhưng ngày nào cũng vào khoảng 6 giờ sáng cụ đã có mặt ở hiệu ảnh của tôi rồi. Mai mời cụ ăn sáng, cụ cười hì hì:
– Ở vào tuổi của bác không ngủ được nhiều. Ngày nào bác cũng thức giấc từ lúc trời còn khuya khoắt đi nấu miếng cơm, miếng nước tự lo cho bản thân. Các cháu cứ ăn sáng đi, bác ngồi đây chơi một lúc.
Mỗi lần bà cụ đến nhà tôi đều mang theo quà. Ngày đầu tiên cụ mang theo cặp gà. Ngày thứ hai cụ mang theo nải chuối. Ngày thứ ba cụ xách mấy cân nếp. Vợ chồng tôi thấy cụ già cả, lụm cụm đường xa nên căn dặn cụ đừng mang quà nữa. Nói mãi bà cụ chẳng chịu nghe:
– Bác mang ơn hai cháu nhiều quá! Bác cho các cháu chút quà lấy thảo. Các cháu mà không nhận bác buồn thật đấy!
Ngày thứ ba, bà cụ tiếp tục kể:
– Thằng Luân tai to dữ lắm! To như tai phật ấy. Mấy bà coi bói bảo rằng nó tai to mạng lớn lắm. Bác tin sái cổ, vậy mà…”. Bà cụ nghẹn lời, nước mắt chực ứa ra. Mai ngồi một bên an ủi cụ, còn tôi lo vẽ đôi tai của người liệt sỹ to , nhưng phải hài hòa với gương mặt chữ điền.
Ngày thứ năm trôi qua, tôi sợ bà cụ không trụ nổi nên bảo Mai nhắc cái võng cho cụ nằm kể. Bà cụ kiên quyết không chịu nằm:
– Các cháu đừng lo bác mệt mỏi. Mấy hôm nay bác thấy trong người khỏe hơn bao giờ hết. Niềm mong ước của bác sắp trở thành hiện thực bác vui mừng lắm! Tinh thần phấn khởi lắm!
Có lẽ bà cụ nói thật lòng, vì so với ngày đầu tiên cụ đến nhà tôi, hiện tại tôi thấy cụ linh hoạt hẳn lên. Cụ ăn được lưng ba bát cơm, ngủ trưa đầy giấc. Bà cụ còn nói đùa với vợ tôi:
– Kiểu này bác ở đây chừng một tháng chắc tăng 5 ký quá cháu ơi!
Ngày thứ bảy, bức ảnh truyền thần của liệt sỹ Nguyễn Văn Luân sắp đến hồi hoàn chỉnh. Gương mặt bà cụ lúc nào cũng hớn hở, mắt nhìn đăm đăm vào ảnh. Thi thoảng bà bật lên tiếng kêu tắc nghẹn:
– Giống con trai bác quá các cháu ơi! Bác nói liều, năn nỉ đại vậy mà cháu cũng vẽ được, cái thằng đại tài!
Tôi biết lời khen của bà cụ xuất phát từ con tim. Những ngày này tôi vẽ như người lên đồng, nhập cốt, tâm hồn tôi như bay bổng trên cao, như có chất men say ngất ngây. Thú thật trong lúc vẽ ảnh truyền thần của liệt sỹ Nguyễn Văn Luân, tôi luôn khấn thầm:
-Anh Luân ơi! Anh sống khôn, thác thiêng hãy phù hộ cho em vẽ ảnh của anh thật giống anh để làm món quà tinh thần an ủi má anh vui sống những ngày còn lại anh nhé!
Có lẽ anh Luân đã phù trợ cho tôi sáng suốt, vững tin vẽ truyền thần từ ký ức mẹ anh nên tác phẩm đã thành công ngoài sự mong đợi.
Buổi chiều, tôi bảo bà cụ nhìn thật lâu vào bức ảnh truyền thần con trai cụ, xem có thật giống chưa. Bà cụ góp ý:
– Cháu cố gắng vẽ đôi mắt và vành môi tươi thêm chút nữa sẽ giống thằng Luân của bác như đúc. Bác đi về đây kẻo trời tối sập tới nơi rồi.
Vợ tôi tiễn bà cụ ra về, còn tôi ngồi vẽ tiếp những chi tiết theo đề nghị của bà cụ.
Sáng hôm sau, bà cụ mon men đến nhà tôi rất sớm, vừa nhìn thấy bức ảnh truyền thần con trai, bà cụ đã ôm chầm khóc mếu máo, tiếng khóc khùng khục trong cổ họng như nỗi đau vỡ tan ra từng mảnh:
– Con ơi! Con của má hiện về đây thật rồi! Má nhớ con nhiều lắm Luân ơi!
Tôi chưa kịp khuyên giải, bà cụ đã ôm chầm sang tôi:
– Bác cảm ơn cháu đã đưa con trai bác trở về! Cảm ơn vợ chồng cháu nhiều lắm!
Lúc chuẩn bị trao ảnh cho bà cụ mang về thì Tom và Jenmy xộc vào. Tom nhìn bức ảnh reo lên:
– A! họa sỹ vẽ bức ảnh này sống động như người thật ngoài đời. Anh này còn trẻ và có nụ cười làm say đắm lòng người!
Jenmy thì nhìn qua, ngó lại, trầm trồ:
– Dạo này anh vẽ lên tay lắm! Người thanh niên này chắc là chưa có vợ, đúng không?
Tôi cười bảo:
– Mình vẽ theo lời kể từ ký ức của một người mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tom và Jenmy hứ một lượt:
– Người Việt Nam nói không trung thực gọi là gì nhỉ?
Jenmy nghiêng đầu suy nghĩ một thoáng rồi bật cười khúc khích:
– À! đúng rồi, nói láo! Anh Tý nói láo!
Bà cụ đưa bàn tay sờ nắn cái khung hình, gương mặt bà rạng rỡ đến kỳ lạ:
– Họa sỹ nói thật đấy cô cậu. Thật một trăm phần trăm, già cam đoan như thế. Con trai tôi đi bộ đội giải phóng rồi hy sinh ở thành cổ Quảng Trị lúc cháu còn trẻ lắm, chưa chụp hình lần nào. Tôi đã kể lại diện mạo con trai tôi bằng trí nhớ để cháu đây vẽ nên hình.
Đôi bạn trẻ nhìn tôi miệng há hốc như nhìn một thiên thể lạ, rồi nhìn bức họa, nét mặt lộ vẻ suy tư. Có lẽ họ mặc cảm tội lỗi vì cuộc chiến tranh đã qua, dẫu họ chưa một lần cầm súng tham chiến trên đất Việt.
TRẦN QUỐC CƯỠNG
__________
(*) Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...