Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Minh Ngọc: Bạn câu

Truyện ngắn Nguyễn
Minh Ngọc: Bạn câu

Đã thành lệ, cuối mỗi chiều thứ sáu hằng tuần, Tấn thường dông ra phố lượn một vòng xe rồi quành lại tấp vô mấy cửa hiệu bán đồ nghề câu cá. Ở đây có đủ món, từ chiếc cần câu vài chục đến hàng trăm ngàn, thậm chí có cái tiền triệu, giá nào cũng có. Hàng nội, hàng Tàu, rồi hàng Đài Loan, hàng Nhật chính hiệu bày ra ngan ngác khiến cho người xem cứ hoa cả mắt.
Mê mẩn ngắm mớ cần câu mới khự, Tấn định bụng chờ tích cóp được một món tiền khơ khớ thì sẽ thửa luôn một chiếc cho bõ những ngày ao ước. Chủ tiệm là một người đàn bà xinh xắn trạc ngoài ba mươi có đôi mắt lúng liếng, cặp má ưng ửng, nụ cười mủm mỉm, trông nàng giòn tựa một quả táo chín. Cánh đàn ông vẫn hay kiếm cớ ghé tiệm chỉ để ngắm dung nhan nàng rồi kín đáo quay đi nuốt cục thèm dằn xuống bụng. Mỗi khi gặp Tấn, nàng luôn đon đả. Giọng nàng ấy ngọt lịm và mềm như khúc mía tím. “Anh giai cứ lựa thoải mái, vừa mắt cái nào cứ cầm về, gửi tiền sau cũng được”. Nói đoạn, nàng nheo mắt. “Nom tướng anh giai là sát cá phải biết nha. Người phong độ thì phải sắm hẳn vài cái cần câu xịn cho thiên hạ lác mắt chứ lị”. Tấn cười hì hì. “Tôi thì sát cái quái gì chớ, hễ cứ buông mồi là cá chạy mất tiêu!”. Đuôi mắt lá răm của nàng cứ dài ra như thể châm chích, cù cứa vào da thịt kẻ đối thoại. Rồi nàng dấn thêm. “Nếu em không nhầm thì anh giai thuộc hạng sát đủ thứ, nhưng hơi bị thỏ đế, đúng không?”. Cứ vậy, nửa đùa nửa thật, lâu dần Tấn thành khách quen.
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Có lần, Tấn thử tạt vào một tiệm khác trên cùng một con phố chỉ vẩn vơ lựa mớ dây cước hoặc mua thêm ít lưỡi câu với mớ mồi làm bằng thứ sợi mầu. Cũng là một cách tiêu khiển cho hết thì giờ ứ đọng, vô bổ. Khốn khổ cho lũ cá, biển cả mênh mông nhường ấy mà chúng vẫn bị mắc lỡm bởi đám mồi giả có sắc màu sặc sỡ. Đương khi mê mải kiếm tìm, tự nhiên anh cảm như có gì nhồn nhột từ phía sau. Ngoái lại, thì bắt gặp ánh mắt lem lẻm như dao cau của cô nàng “táo chín” cách đó vài chục thước đương “chiếu tướng”.
Bữa nay lúc trở về, Tấn cho xe chạy nhẩn nha dọc con đường biển uốn lượn như một khúc cong tuyệt mĩ trên thân hình của thiếu nữ vừa tuổi dậy thì. Anh vừa phóng tầm mắt nghiêng ngó trời biển, hóng ngọn gió từ khơi xa thổi vào mà đoán định thời tiết hôm sau. Giữa dòng người và xe cộ hối hả đan nhau, nom Tấn vẻ như thư nhàn lắm. Dường như anh chẳng hề vướng bận gì đến công việc gia đình như phần lớn những người đàn ông khác.
Thực ra thì cũng không hoàn toàn phải vậy. Trong gia đình, Tấn vẫn là người đàn ông chu toàn và đầy trách nhiệm, anh chẳng nề hà hay bỏ bê việc nhà theo kiểu khoán trắng cho vợ con. Nhưng chả hiểu sao, năm nào cũng vậy, cứ áp Tết là Tấn lại thấy đầu óc trống rỗng, lòng ray rứt buồn. Chẳng có cách gì để giải khuây được. Tửu lượng của Tấn vốn thuộc hàng ngồi mâm dưới, vì thế anh không thể mượn hơi men để tiêu sầu. Hát xướng ồ ề thì anh ghét cực. Có khi suốt cả tuần, dù chả tha thiết gì chuyện ăn uống, mồm miệng nhạt thếch, nhưng Tấn vẫn cảm thấy bụng dạ bí bích, rất khó ở. Công việc hằng ngày cứ đều đều, buồn tẻ ở chốn công sở khiến anh chán ngấy lên tận cổ. Cứ ngỡ bỏ nghề giáo nhảy sang làm khoa học ngang xương thì nhẹ cái đầu, nhưng hóa ra giời đất đâu cũng vậy. Tới cơ quan, chường mặt với những mưu mô, thủ đoạn lắm khi rất đỗi bần tiện, đành phải chung đụng với thói tật giả lả xun xoe. Một bậc đàn anh cười nửa miệng bảo Tấn nên học cách “sống chung với lũ” là vừa. Kẻ sĩ thời nay đã hiếm thì chớ, nhưng chính bởi cái sự muốn yên phận mà lắm người cứ tự mình hèn đi nhiều lắm. Thôi thì giữa đám đông ngậm miệng ăn tiền cho xong, vừa chả mất gì của bọ vừa được yên thân. Có khi lại còn được yêu, được quý nữa ấy chứ!
Chẳng hiểu cái anh khoa học nước mình rồi sẽ đi đâu về đâu, nếu cứ nhìn vào cung cách hoạt động của cơ quan Tấn thì nẫu lắm. Năm nào cũng ồn ào xét duyệt rồi lập hội đồng nhớn, hội đồng bé rổn rảng công bố nghiệm thu hàng vài chục đề tài, nướng tiền tỷ của nhà nước. Xong xuôi, cả mớ công trình kia được xếp vào tủ sắt làm giường “hạnh phúc” cho lũ gián ngự. Chả thế mà trong giới vẫn lưu truyền câu tự trào đầy chua chát, rằng: “Con đường khoa học nghĩ mà kinh. Một thằng bảo vệ, chín thằng khinh”.
Tấn thấy mình lạc lõng và cô đơn. Tất cả chỉ vì anh không chịu té nước theo mưa, suốt ngày lo đón ý sếp cốt để hành xử sao cho phải phép, chẳng có lấy chút chính kiến nào. Tay trưởng phòng cậy cục huy động cả tá đệ tử giúp rập, mãi rồi cũng tậu được mảnh bằng tiến sĩ, vừa “vinh quy” gã đã làm như thể rạch giời rơi xuống vậy. Tên gã là Trần Hội, nhưng cacvidit in không dấu, Doctor Tran Hoi. Chẳng kể lạ quen, gặp ai gã cũng lấy các ra tặng. Lắm người lẩm nhẩm, à thì ra Nghè Hoi. Tưởng đùa, lâu dần hóa ra tục danh và không sao cải chính được. Nhưng Tran Hoi thì phởn chí lắm, bạ đâu gã cũng lên mặt dạy dỗ thiên hạ. Rằng thì là làm cái anh khoa học thời nay là cứ phải đi tắt đón đường… nghe đến lộn cả ruột. Bao chuyện bi hài khiến Tấn không chịu nổi, anh tìm đến làm bạn với chiếc cần câu và biển giã. Dường như đại dương bao giờ cũng rộng lượng với con người. Đối mặt với biển cả, lòng người như được tắm gội thanh sạch và nhuần nhị hơn. Tấn xin nghỉ phép.
*
Năm cùng tháng tận, trong khi thiên hạ hối hả sắm Tết, vậy mà Tấn lại xách câu ra biển, kể cũng lạ và vẻ như… hơi bị ấm đầu. Tuy bực bõ và ấm ách lắm nhưng vợ Tấn không dám để lộ ra mặt. Hàng chục năm chung sống, thị ngán cái thói gia trưởng với tính khí nóng như lửa của chồng. Người đâu mà cộc cằn, mà sắt đá. Đã nói là cấm cãi, định làm gì thì nhất quyết phải làm cho kỳ được.
Sau bữa cơm chiều, khi hai đứa con đùa chơi chí chóe, vợ dọn rửa xong lên ngồi coi tivi thì Tấn bắt đầu cặm cụi ở góc sân. Phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ khâu làm mồi, buộc lưỡi câu, đến kiểm tra cái vợt rồi túi lưới… Mỗi loại cá có một kiểu mồi khác nhau, chẳng thể tùy tiện dùng chung được. Tấn ưa dùng mồi cá cơm than. Anh mua nguyên cả mớ đem về để ráo nước rồi xóc qua chút muối cho săn, gói cất vào tủ lạnh. Lúc nào đi mới lấy ra. Sửa soạn xong đâu đấy, thì xếp gọn các thứ vào một túi rồi treo đúng chỗ quy định. Cấm tiệt không một ai, kể cả vợ con được quyền rờ rẫm hoặc bước qua đồ nghề.
Tôm chạng vạng, cá rạng đông. 4 giờ sáng. Điện thoại báo thức. Tấn bật dậy vớ chai nước muối để ở bàn súc nhẹ rồi bước ra sân mở vòi nước rửa mặt. Khoác bộ đồ bảo hộ, tròng chiếc nón vải rộng vành thả sau lưng, anh luồn tay choàng túi đồ nghề lên vai, dắt xe máy ra ngõ.
Bạn câu của Tấn khá nhiều, thường dân, công chức, lính tráng, văn nghệ sĩ, rồi hưu trí, đủ cả. Họ gặp nhau ở chỗ là thảy đều coi chuyện câu kéo như một thú chơi nhàn, chẳng toan tính lỗ lã. Phơi mặt ra trước biển nước mênh mang, cả hội có đủ thứ chuyện để kháo nhau mà chả phải nhìn ngang ngó dọc gì sất. Lắm khi oang oang cãi nhau như mổ bò, mặt đỏ tía tai, thậm chí phùng mang trợn mắt, nhưng rồi chẳng ai lấy đó làm điều. Chỉ sau một vài lần trò chuyện, cánh thợ câu đã biết về nhau tuốt luốt, hiểu nhau từ chân tơ kẽ tóc. Thế nên chỉ cần ai đó vắng một buổi câu là đã điện thoại í ới hỏi thăm rồi nhắn nhe các kiểu.
Trong nhóm, Tấn quý nhất anh Quyến. Dạo mới gặp nhau, Tấn để ý thấy người đàn ông đeo kính cận lơ ngơ này thường hay nhìn chăm chắm vào một chỗ vẻ như muốn xiên thủng mọi vật. Có bận ngồi câu mà tâm trí anh này phiêu bồng tận đẩu đâu, đến nỗi cá rỉa mồi sạch trơn cũng chả buồn giựt. Hỏi ra mới biết Quyến từng là bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng ở bệnh viện X, một tay dao hàng đầu rất được đồng nghiệp nể trọng. Vì dám đấu tranh chống lại những việc làm sai trái của ban giám đốc bệnh viện, Quyến bị khép vào tội gây mất đoàn kết nội bộ và ngay lập tức, đương sự được “ưu ái” cử lên Suối Đá sung vào bộ phận chăn bò và nuôi heo. Chịu hết xiết, ông bác sĩ đành tặc lưỡi xin nghỉ hưu non.
Trong lúc chờ giấy phép mở phòng mạch tư, Quyến chọn cách đi câu để thư giãn, vừa luyện tính kiên nhẫn lại vừa xả streess rất hữu hiệu. Buổi đầu thấy tay câu mới còn lóng ngóng, vụng về, Tấn phải hướng dẫn tỉ mỉ mọi thao tác từ cách móc mồi đến cuốn dây. Câu cá biển nó khác với câu cá nước ngọt ở sông hồ. Cương nhu tùy lúc. Nghề câu cũng lắm công phu! Phải hiểu đặc tính của từng loại cá thì mới hòng bắt được nó. Có hôm Quyến giựt lia lịa mà chẳng dính được lấy một chiếc vảy cá nào. Thấy vậy, cuối buổi câu, Tấn chủ động sớt qua cho ông bác sĩ một ít cá. Chẳng ai bảo ai, các thành viên của nhóm cũng tự động làm vậy cả, gọi là san sẻ chút chút để lấy thảo. Thoạt tiên, Quyến cứ giãy nãy, chối từ. Nhưng thấy mọi người chân tình nên cuối cùng anh cũng vui vẻ nhận. Nghĩa cử nho nhỏ ấy đã gắn kết cả hội với nhau.
Ngồi lặng trên chiếc bè của ông chủ nuôi tôm hùm lồng, Tấn chăm chú dõi theo mồi câu đương dập dềnh. Bên cạnh là bác sĩ Quyến và Tùng mập, một sĩ quan đương tại ngũ. Thêm ông văn sĩ họ Đào vừa mới xin nhập hội, thế là đủ bộ tứ. Mọi bận họ chỉ buông câu quanh quẩn ở gần cầu cảng. Bữa nay, cả nhóm nổi hứng mướn thuyền sang tận gành Mũi Kê. Thôi thì coi như đánh bạc một keo với ông trời vậy, được ăn cả ngả về không. Họ mang theo bánh mì, xôi, cơm nắm và nước đủ dùng cho cả ngày.
Trời hanh mà se se lạnh. Mù khô đặc quánh giăng ngang lưng chừng núi. Nhìn trời, Tấn khấp khởi mừng thầm trong bụng. Để giết thời gian, cả bọn thi nhau kể chuyện tiếu lâm. Quái lạ, quẩn quanh một chặp rồi cũng lại quay về chuyện đàn bà. Nghe Tấn kể về cô nàng “táo chín” mới quen, ông nhà văn tưng tửng: “Rõ phí! Sao đệ không buông câu? Cá đương say mồi…”. Rồi gật gù: Bóng gương lấp ló trong mành. Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
Ngưng một lát, văn sĩ họ Đào bỗng hướng về ông bác sĩ, cặp mắt nheo nheo, miệng ư ử ngâm ngợi: Đường tác hợp trời kia run rủi. Trốn làm sao cho khỏi nhân tình. Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh. Thử xem con tạo gieo mình nơi nao?
Không thể làm ngơ, Quyến quay sang bắt chuyện:
– Hình như thơ của cụ Ôn Như Hầu thì phải?
Ông nhà văn liền vỗ đùi đánh đét.
– Tuyệt! Tôi chịu ông đốc rồi đó nha. Này các vị ạ, tài hoa đến cỡ như cụ Nguyễn Gia Thiều mà vẫn cứ bị nhà Trịnh vùi dập tả tơi. Cụ sinh năm Tân Dậu (1741). Mà tôi nghiệm thấy xưa nay cánh đàn ông tuổi Dậu, phàm anh nào có tài thường bị giời đày phải chịu kiếp long đong lận đận mãi, thế mới lạ. Nguyễn Du rồi Phạm Thái… đều vậy cả.
Tấn lẩm bẩm một mình. “Cầm hèn chi…”.
Nhác thấy họ Đào vừa nhổm người đứng dậy khiến cho tấm bè lúng liếng, Tùng mập láu lỉnh:
– Cẩn thận đấy. Nhà văn các bác là rất dễ sẩy chân…
– Coi vậy mà cũng khó lắm đa – Ông nhà văn cười thú vị bởi câu kháy của chàng trẻ tuổi. “Tay này có vẻ thông tỏ giới cầm viết đáo để”.
Gần trưa, áng chừng mấy cái giỏ lưới dong cạnh bè đã khẳm, Tấn nâng lên ướm thử cái nào cũng chừng hơn chục ký chớ không ít. Trúng đậm, toàn cá dìa với cá mú, con nào con nấy to vật. Bác sĩ Quyến còn giựt được cả một con nhệch to bằng cổ tay, dài gần cả thước. Tùng mập cười tít mít: “Vậy là Tết này xôm rồi. Anh em mình có cá ăn nhoè”.
Bấy giờ, mù khô vẫn dày đặc như một thứ hồ dán ai vô ý làm đổ loang ra giữa vòm trời. Mặt biển bình lặng và thản nhiên như không. Từng con sóng nhỏ lao xao đùa giỡn xô vào thành bè tạo nên những tiếng vỗ nhẹ ì oạp. Chút nắng hanh hao không đủ xua đi cái lạnh hun hút, gai người. Đúng ngọ, cả hội thu câu, giải lao. “Đổ xăng” – Ai đó kêu lên. Chủ bè trạc ngoại bảy mươi, gương mặt nhầu nhĩ, mái tóc trắng như cước. Từ non trưa, ông đã lúi húi nhóm cái lò than giúp cánh thợ câu nướng cá làm mồi nhậu. Khói trắng bay mù mịt, ho sặc sụa.
Của nhà làm được, ăn no. Những con cá dìa đem bọc lá chuối kẹp vỉ nướng trên lửa than, mỡ chảy xèo xèo thơm điếc mũi. Văn sĩ họ Đào lôi chai rượu nếp trong ba lô bày ra. Mọi người xoa tay ngồi xếp bằng vòng quanh mâm rượu được trải bằng tờ báo. Có độc một cái ly nên cứ phải chuyền nhau. “Thế mới sướng”. Tấn ra rượu. “Kính lão đắc thọ. Mời bác nâng ly trước”. Ông chủ bè cảm động giơ hai bàn tay sần sùi dày cộp lên đỡ chung rượu đưa lên ngang mặt. “Mời các chư vị tao nhân, tui xin vô phép trước”.
Cái ly được chuyền đi giáp vòng theo chiều kim đồng hồ. Ông nhà văn khà một cái ngon lành rồi chẹp miệng lẩy hai câu: Vốn đã biết cái thân câu chõ. Cá no mồi cũng khó nhử lên.
– Câu chõ là câu làm sao hả bác? Tùng mập thắc mắc.
– Ậy, tức là phận câu ké, câu ghé. Ở đây, cụ Nguyễn Gia Thiều muốn ám chỉ cái thân phận của đám cung nữ hầu hạ trong phủ Chúa.
Ngừng một lát, văn sĩ họ Đào lại tiếp: “Được anh em cho nhập hội, tôi xin cạn ly này”. Nói xong, ngửa miệng lên trời. Ực! Cái cần cổ phơi ra tai tái.
Cứ thế, đến phiên ai người ấy đều phải dốc cạn. Mọi người xì xụp bóc cá chấm muối tiêu. Tiếng xuýt xoa, tiếng chẹp, tiếng hít hà xem chừng khoái trá. Tùng mập cao hứng: “Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn…”[1].
Cuộc nhậu đến hồi cao trào thì bỗng chuông điện thoại di động trong túi áo của Tấn réo vang. Mặc kệ, cứ chén cái đã. Khi nhạc chuông đổ đến lần thứ ba thì mọi người đều vểnh tai và dừng cả lại. Bác sĩ Quyến gắt: “Nghe coi có chuyện gì”. Tấn chùi tay vô giấy báo rồi móc điện thoại kề tai. Tiếng vợ ca cẩm: “Anh có định cho mấy mẹ con ăn Tết nữa hay không thì bảo?”. Chừng như thấy hơi quá lời, đầu dây bên kia, chị chàng liền chùng xuống, dịu giọng. “Nếp nác em ngâm cả rồi, lá dong cũng đã rửa. Thôi nhà liệu về sơm sớm để còn gói bánh rồi nấu cho kịp. Chứ ba mẹ con thì có nước ngọ luôn”.
Ông nhà văn lấy tay quệt miệng:
– Thôi, anh em. Coi mòi cạn hết chỗ này rồi liệu đường phắn…
– Phàm là gia đình, vợ con thì chớ có sa đà. Già néo… đứt cước là lãnh đủ đó nghe – Bác sĩ Quyến giọng tỉnh rụi.
– Ừ, phải đó. Mai là ba mươi Tết rồi. Về còn lo cúng kiếng nữa chớ – Tùng mập hưởng ứng.
Trong khi Tấn cùng cả hội thu dọn đồ đoàn, ông chủ bè mặt buồn hiu.
– Tết này tui ở luôn ngoài đây. Chư vị nào rảnh thì ra lai rai…
– Nhứt định tụi này sẽ kéo nhau ra. Ông anh cứ chuẩn bị mồi cho thiệt xôm vào – Văn sĩ họ Đào vỗ vỗ vào vai ông chủ bè.
Những cái bắt tay thật chặt. Chiếc thuyền từ từ quay mũi. Lúc gần vào tới bờ, bác sĩ Quyến đột ngột thông báo:
– Đúng ngày khai hạ, mùng bảy Tết, tôi sẽ khai trương phòng mạch. Buổi chiều, tôi sẽ khao mọi người một chầu túy lúy ở quán bò lúc lắc, chịu không?
Tất cả cùng gật cái rụp. Nhứt trí heng.
Ba người đã ngồi lên xe máy. Tấn còn nấn ná lùi lại một chút. Phố xá ồn ào khoác bộ cánh Tết mướt mát hiện ra rờ rỡ ngay trước mặt. Cơ man nào là mai, đào, quất, hồng, thược dược… Dòng người và xe cộ vẫn hối hả đan nhau trên con đường biển. Một cú va quệt bất ngờ, tuy nhẹ thôi nhưng cũng đủ khiến cho người phụ nữ mang khăn che mặt đang điều khiển chiếc Leed loạng choạng mất lái, đổ vật xuống bên lề đường. Một chú gà trống lông đỏ tía nom rất đẹp mã vừa sổng ra thừa cơ vùng chạy tháo thân. Nó rún mình đập cánh bay tót lên bức tường cao và thoắt cái đã mất hút phía sau dãy nhà kho. Hắn sảng khoái cất tiếng gáy chào tự do. Ò… ó… o!
Trong khoảnh khắc dập bã trầu, Tấn đương nhìn và chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra thì nghe một giọng nói rất quen ngay sát sạt phía sau.
– Rõ chán mớ đời cho nhà anh giai quá! Sao không đuổi bắt nó giùm em, giờ thì kiếm đâu ra gà để cúng tất hở giời?
Tưởng ai, lại hoá ra cô nàng “táo chín” đang rên rỉ vì xót của.
Tấn lóng ngóng đỡ nàng, dựng xe dậy. Thôi, đừng tiếc nữa, coi như của đi thay người. Để rồi anh thường cho. Nhà anh có hẳn một đàn gà sống thiến. Người yên lành thì xuân khắc đến…
– Ứ… thèm vào cái giống gà thiến nhà anh!
NGUYỄN MINH NGỌC
Văn Nghệ số 51/2019
___________
[1] Nhạc Trịnh Công Sơn.
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...