Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Chuyển động Phạm Duy Nghĩa

Chuyển động Phạm Duy Nghĩa

Tôi đọc Phạm Duy Nghĩa từ ngày anh đoạt Giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn do báo Văn Nghệ tổ chức năm 2003-2004 với truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng, rồi đến tập truyện ngắn của anh lấy tên truyện được giải này làm tên của tập(1). Sau đấy một năm, anh cho in một tập khác mang tên Đường về xa lắm(2). Từ bấy đến nay, thi thoảng truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa xuất hiện trên một số báo và tạp chí, nhưng chưa thấy in thêm tập nào (3).
Trước cái khoan nhặt thưa vắng ấy, có người thầm nghĩ chắc cây bút này đã cạn. Lại thấy nhà văn chuyển từ Lào Cai về Hà Nội, nên nỗi nghi ngờ càng có lý do để củng cố. Bởi như thói thường, không ít người sinh sống ở vùng đất nào đó viết đang hay, rồi cũng vì lý do nào đó chuyển về định cư Hà Nội, thế là viết kém hay đi trông thấy.
Ắng đi một quãng dễ có đến gần chục năm, người ta lại thấy Phạm Duy Nghĩa xuất hiện trên báo Văn Nghệ với truyện Sài thục. Có thế chứ, dân văn nghệ lại được phen kháo nhau, đừng vội nghĩ nhầm về nhà văn họ Phạm này, khéo gã lại có những bất ngờ lớn chưa biết chừng…
Tôi, người viết bài này may mắn được đọc tập bản thảo mới nhất của nhà văn Phạm Duy Nghĩa bao gồm chục truyện, trong đó có Sài thục. Bản thảo này cho thấy vẫn là một Phạm Duy Nghĩa nhất quán nhưng đầy chuyển động, quen mà lạ, căn cốt mà biến hóa.
1. Từ tư duy hiện thực đến tư duy huyền thoại hóa
Trở lại với Phạm Duy Nghĩa già chục năm trở về trước, văn anh cắm sâu vào vùng hiện thực đất và người miền núi, nơi ấy hiện lên một anh con trai (với những biến thể khác nhau) muộn vợ, viết văn, gặp những người đàn bà đã có chồng mà phải xa chồng, bị những cơn mê dục vọng làm cho chống chếnh hoặc khốn khổ; cũng đã sa vào đắm say tình ái, rồi vì lý do nào đó vọt từ vô thức, anh ta thoát ra được; rồi anh nghĩ về những nỗi buồn, nỗi cô đơn, về cái khao khát thường tình của một con người, cái ý niệm đạo đức tẻ nhạt, cái niềm vui hiếm hoi khi thấy mình ở lại bến bờ của cõi thiêng cõi thiện… Hoặc có khi trong những chân trời phiêu bạt của mình, anh thấy những mảnh đời, những số phận khát sống, sống mãnh liệt, chính trực mà rồi toàn gặp tai ương, bất hạnh, thậm chí có khi quy hàng hoàn cảnh, sống buông xuôi, chấp nhận, tùy thời. Đấy, thế giới nhân vật của Phạm Duy Nghĩa là như vậy đấy. Chúng được đặc tả trên một nền cảnh núi rừng vừa hiểm trở vừa cô độc, nhưng thỉnh thoảng cũng hắt lên những vẻ đẹp rực rỡ, quyến rũ, mơ màng.
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Đó là một thứ văn phát tiết từ một cảm quan hiện thực bao trùm, nghĩa là nhìn trực diện vào đời sống, lấy đời sống trần thế làm đối tượng quan tâm và miêu tả, xen vào đó là chất thơ của thiên nhiên, của lòng muốn hướng về cõi thiêng. Cái chất thơ mênh mang này như một chất xúc tác làm cho mỗi truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa bớt cái dữ dội khốc liệt của những phận người, của khung cảnh miền rừng, khiến chúng trở nên ám gợi, vấn vít tâm hồn người đọc.
Truyện ngắn Sài thục (viết năm 2010, in báo Văn Nghệ năm 2015) được xem như một chuyển động, làm cái gạch nối giữa một Phạm Duy Nghĩa trước đó và một Phạm Duy Nghĩa sau này.
Câu chuyện được triển khai trên một tình huống hư cấu về một loại củ có tên là “sài thục” (dùng để làm lương thực cho người, có thể ăn quanh năm) như một linh vật, một bảo chứng về lòng hiếu thảo và mối hận thù cần phải khắc cốt ghi xương trong một gia đình nọ với ba nhân vật: người chồng, người vợ và cô con gái; riêng người vợ đã cố ý chống lại một cách quyết liệt và can đảm cái “khế ước tinh thần” đó.
Truyện Sài thục về căn bản vẫn dựa vào cảm quan hiện thực, với một lối viết trực tả, xoáy vào tình trạng sống khốc liệt của nhân vật, trên nền cảnh của một miền đồi núi, thảo nguyên đẹp và u buồn. Tuy nhiên, có hai dấu hiệu cho thấy những đổi khác của ngòi bút họ Phạm này: 1, hình ảnh củ sài thục không có thật, được bịa ra, được cố ý làm trương nở nghĩa, đẩy cao lên như là một vật thiêng theo hướng huyền thoại hóa, vượt ra khỏi kinh nghiệm đời thực, làm hình ảnh trung tâm có ý nghĩa kết nối và sinh sự; 2, đà đi của câu chuyện là sự giải thiêng và thức tỉnh, một ý niệm mang hơi hướng luận đề. Thao tác này đã được Phạm Duy Nghĩa sử dụng trở đi trở lại trong hầu hết các truyện sau đó với những biến thể đa dạng và nhiều cung bậc khác nhau như: Người bay, Gió xanh, Chiếc áo second-hand, Con dê xanh trên núi tuyết, Thành phố biến mất.
Với ngần ấy truyện, Phạm Duy Nghĩa đã tự mình làm nên một đường biên: từ tư duy hiện thực trần thế chuyển sang tư duy huyền thoại hóa. Cách tư duy sau đã khước từ những tình thế khả thể của đời sống thực tại để chuyển sang những tình thế bất khả thể bằng những thủ pháp huyền thoại. Nó khác với huyền thoại có tính khởi nguyên, nơi huyền thoại như là kết quả của tư duy nguyên hợp, chứa đầy những vùng mờ của niềm tin/ tín ngưỡng cổ sơ, đồng nhất mình với thế giới tự nhiên, sùng bái/ sợ hãi tự nhiên… Huyền thoại hóa sau này được các nhà văn sử dụng chỉ còn là một thủ pháp nghệ thuật, mang tính thi pháp, được sử dụng như một cố ý, một phương tiện nghệ thuật mang tính chủ động. Giờ đây, Phạm Duy Nghĩa đã “chơi” tình huống huyền thoại. Anh cố ý dựng lên những tình huống phi hiện thực, lạ hoắc, đi ra từ một năng lực tưởng tượng dồi dào.
Này nhé, có một cậu bé học sinh biết bay và rất đỗi ngạc nhiên về khả năng bay của mình, lại được cô giáo tin và khích lệ; tuy nhiên trước những cái nhìn thế tục, bị quy kết là chuyện bịa đặt, hoang tưởng, cả cô trò bị kiểm điểm, bị xúc phạm; kết cục khả năng bay của cậu bé cũng chấm dứt do những định kiến ác độc của người đời (Người bay). Một ví dụ nữa: trong truyện Con dê xanh trên núi tuyết, nhà văn dựng lên một tình huống về bầy dê bị chết vì ăn lá đỏ của một cây cổ thụ, chỉ duy nhất một con dê lông xanh không chịu ăn, bỏ lên núi, và cũng chết vì băng giá… Thì ra, trong lời người kể chuyện cho thấy cái cây cổ thụ kia là một biểu tượng ý hệ ngoại lai. Câu chuyện được khai triển trên một tình huống có tính huyền thoại hóa đầy chủ ý. Tình huống truyện, các hình ảnh và bối cảnh tham gia vào câu chuyện không có thật trong thực tại, nhưng lại rất thật trong suy tưởng về thực tại. Điểm này đã làm nên phẩm chất tham dự của văn chương Phạm Duy Nghĩa, có thể gọi là xã hội tính của nghệ thuật.
Như vậy, ở cấp độ tư duy nghệ thuật, Phạm Duy Nghĩa đã có bước chuyển rõ rệt: từ địa hạt của tư duy hiện thực chuyển sang địa hạt của tư duy huyền thoại hóa. Đây là điểm khởi đầu, có ý nghĩa tiên quyết. Cái còn lại là cách triển khai lối viết để biến cái tư duy huyền thoại hóa kia kết tinh trở thành máu thịt của hình tượng nghệ thuật.
2. Từ lối viết biểu thực đến lối viết phúng dụ luận đề
Trước nhất nói về lối viết phúng dụ. Đó là một thứ ẩn dụ trên quy mô toàn tác phẩm nhằm biểu đạt một tư tưởng, quan niệm có trước của nhà văn, được nhân cách hóa qua/bằng các sinh thể nghệ thuật sống động. Nó khác với ẩn dụ bộ phận, nằm trong những hình ảnh/chi tiết riêng lẻ. Lối viết phúng dụ đã có từ lâu trong lịch sử nghệ thuật phương Tây với những mức độ khác nhau, và về sau vẫn được bảo lưu như một biện pháp nghệ thuật và nguyên tắc tổ chức chất liệu nghệ thuật, ví dụ: Dịch hạch của A.Camus, Trăm năm cô đơn của G.G.Marquez, Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov…
“Người bay trong gió xanh” của Phạm Duy Nghĩa
Tiếp nữa là lối viết luận đề. Truyện ngắn, tiểu thuyết luận đề không phải đến bây giờ mới có. Nhìn rộng ra thế giới, đó là các tên tuổi bậc thầy như Lev Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov, Franz Kafka, A.Camus, Lỗ Tấn… Nhìn gần, ở Việt Nam đã có các ông Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp và rải rác một số người khác. Tác phẩm luận đề có mấy đặc điểm cơ bản sau: 1, một ý tưởng/ quan niệm có trước đòi hỏi một câu chuyện, một hình tượng biểu đạt sống động nó; 2, trong suốt tác phẩm, tác giả công khai để cho người kể chuyện hoặc nhân vật bộc lộ ý tưởng/quan niệm tiên nghiệm đó một cách trực tiếp; 3, mối quan hệ hài hòa và tự nhiên giữa hình tượng nghệ thuật với luận đề; và 4, cuối cùng, có khi nghĩa của tác phẩm lớn hơn nghĩa của luận đề (hay nói cách khác, luận đề là một tấm áo chật so với tính đa nghĩa của tác phẩm do hình tượng nghệ thuật mang lại).
Thực ra, phúng dụ và luận đề vốn là hai vấn đề tương đối độc lập, khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn từ lối viết phúng dụ, thì những tác phẩm phúng dụ lại rất hay có tính luận đề, hoặc tìm đến luận đề (dĩ nhiên không có chuyện tất yếu và ngược lại). Lý do là bởi phúng dụ cũng mang ý hướng biểu đạt các định đề có sẵn.
Trở lại với truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa. Có một điểm đáng lưu ý là các truyện của anh sau này phần lớn sử dụng lối viết phúng dụ luận đề. Nhà văn đã sáng tạo ra các tình huống nghệ thuật có tính huyền thoại, biến chúng thành những phúng dụ cố ý.
Trước Sài thục, anh viết truyện theo lối biểu thực, lựa chọn tình huống nghệ thuật như những quan hệ xã hội thực tiễn, tập trung dụng công vào hệ thống nhân vật và không gian thiên nhiên/ không gian sinh hoạt thế sự. Anh triển khai truyện theo lối dựa trên một cốt truyện lỏng, tập trung khám phá vào đời sống nội tâm, bản năng sinh tồn, trong đó đậm nhất là dục tính của nhân vật; và khung cảnh thiên nhiên núi rừng mơ mộng đậm mùi hoang dã, thậm chí có chút kỳ bí. Hầu như truyện nào cũng vậy. Cơn mưa hoa mận trắng, Chuyện ở Ô Cán Hồ, Lá Vàng Chải tiêu biểu cho lối viết này. Ở đây, người đọc bắt gặp những con người khát sống mà không đạt được ý nguyện (thiếu thốn vật chất, tẻ nhạt tinh thần, sống mất phương hướng…). Hình tượng sự sống tự nói lên, gợi lên các lớp nghĩa đa diện trong một chất thơ buồn tựa như lớp sương mờ bảng lảng. Một số truyện của Phạm Duy Nghĩa giai đoạn này mang vẻ đẹp cổ điển của loại hình truyện nửa sau thế kỷ XIX phương Tây, bao gồm cả truyện ngắn 1930-1945 của Việt Nam.
Từ Sài thục trở đi, Phạm Duy Nghĩa trở nên “đáo để” hơn, trực diện hơn, và cũng rốt ráo hơn. Như một thức tỉnh về mặt xã hội, anh muốn trình hiện một thứ văn chương biểu tỏ thái độ rõ rệt và mạnh bạo hơn đối với thực tại đời sống. Để đạt được điều này, anh không chọn lối viết hiện thực nghiêng về phơi bày như các bậc tiền bối (kể cả một số cây bút cùng thời) đã làm. Đi theo lối này, nếu không cao tay, rất dễ biến thành truyện chống tiêu cực, hoặc phản biện xã hội trực tiếp. Với mong muốn đạt được một kiểu diễn ngôn nghệ thuật mới hơn, tầm khái quát cao hơn, Phạm Duy Nghĩa đã chọn lối viết phúng dụ luận đề. Không chỉ dừng lại ở phúng dụ, nhà văn đã cài đặt luận đề, phát biểu công khai và phóng chiếu những cái nhìn, suy tưởng của mình về đời sống. Ở đây, tác giả đã tiến hành phối thuộc phúng dụ và luận đề với các cách trộn khác nhau, theo những mức độ khác nhau.
Cái tình tiết hai người đàn bà thủ dâm và lũ khỉ bắt chước máy móc hành vi của họ đặt trên một toàn cục truyện ngắn nói về việc con người giải thiêng chính cái mà con người đã từng thiêng hóa và lệ thuộc vào nó, khốn khổ vì nó (Sài thục). Người kể chuyện đã để cho nhân vật người mẹ nói với con, qua đó lên tiếng công khai một mệnh đề về cách thế tồn tại của con người: “Con hãy khuyên bố mở lòng đón nhận nguồn sống ấy, đừng chết vì tự trói mình. Mọi thứ do con người đặt ra, cũng tự con người phế bỏ”.
Ở Thành phố biến mất, câu chuyện được hoạch định trên một phản đề: xây dựng một xã hội cộng đồng như những tín điều nào đó là ngây thơ và ảo tưởng. Có một chi tiết đắt giá ở phần kết truyện nhằm biểu đạt định kiến, giải thiêng định kiến, mở ra những ý niệm có tính suy tưởng, thậm chí kết án: “Dưới thung lũng chợt có tiếng gì xôn xao. Qua tán ngô xanh anh nhìn thấy rất đông những người dân, mang dao cuốc nhằm thẳng phía mặt trời, đi tới”.
Một truyện ngắn đi theo lối viết phúng dụ luận đề thành công, theo tôi trước nhất phải có một phúng dụ hay, độc đáo, gợi nghĩa; sau đó bộc lộ một/ hơn một luận đề tương hợp với toàn bộ phúng dụ theo cách tự nhiên, mang tính khơi gợi hơn là xác quyết. Đây chính là chỗ khó nhất của lối viết này, và cũng là thử thách tay nghề của nhà văn. Nếu phúng dụ gói khép quá kín, nhất là với phúng dụ kiểu huyền thoại, câu chuyện dễ rơi vào sự mông lung mơ hồ, không hé lộ được ý đồ tư tưởng của người viết. Nhưng nếu phô diễn luận đề vội quá theo kiểu “ăn non” trong khi biểu đạt phúng dụ chưa đủ mạnh để làm bệ phóng, truyện lại rơi vào tình trạng tư tưởng lộ liễu, tự tước bỏ hoặc suy giảm khả năng gợi nghĩa/ năng sản nghĩa mà quyền năng nghệ thuật tự sự có thể mang lại. Theo nghĩa này, có thể nói Sài thục là một truyện ngắn hay và vạm vỡ nhất của Phạm Duy Nghĩa tính từ sau cái mốc 2007 cho đến thời điểm này.
3. Một bước chuyển đẹp và… để đi tiếp?
Với một tinh thần như vừa nói ở trên, tôi cho rằng Phạm Duy Nghĩa về cơ bản đã có năm truyện ngắn thành công với lối viết phúng dụ luận đề: Sài thục, Gió xanh, Người bay, Thành phố biến mất và Con dê xanh trên núi tuyết. Ở mỗi truyện ngắn này đều có một tình huống huyền thoại làm phúng dụ, như những phát hiện mới lạ, độc đáo, có khả năng mở ra những miền nghĩa thú vị, lại được hòa phối với những mệnh đề được tiết chế, có kiểm soát.
Trong số này, nếu còn chút tiếc nào, có lẽ là truyện sau cùng. Phúng dụ bằng hình ảnh một cây cổ thụ trong mối liên tưởng về một trại hè thiếu nhi quốc tế nổi tiếng có từ những năm thế giới chiến tranh lạnh, Liên Xô đang là thành trì của phe xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh trại hè rực rỡ đó hiện lên trong sự hồi nhớ của nhân vật về những bộ phim được xem từ ngày thơ bé, và được tái hiện khi nhân vật tận mắt chứng kiến một khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Thêm nữa, cái cây màu đỏ ấy ban đầu đẹp đẽ, lung linh, về sau trở nên bệnh tật, trụi lá, trốc gốc, gây ngộ độc… Do sự phối thuộc thiếu nhuần nhuyễn nên ý tưởng câu chuyện bị phô, như thể bày sẵn cho người đọc, không thúc đẩy người đọc đồng sáng tạo, làm suy giảm sức cuốn hút của tác phẩm.
Lối viết phúng dụ cũng có khi chứa chấp những nguy cơ. Nếu nhà văn không mạnh vể khả năng tưởng tượng, liên tưởng, không phát hiện được những tình huống phúng dụ mới mẻ (hoặc làm mới những hình ảnh phúng dụ thuộc về truyền thống văn hóa/văn học trước kia) thì sẽ không có cơ hội thành công với lối viết này.
Sử dụng luận đề cũng là con dao hai lưỡi trong trò chơi nghệ thuật tự sự. Nếu luận đề không được hóa thân (và điều này mới là chính yếu) vào mọi tầng bậc của tác phẩm như cấu trúc, nhân vật, không gian, thời gian, chi tiết, ngôn ngữ…; hoặc cài cắm luận đề vội, non, quá giới hạn cần thiết thì tác phẩm sẽ dễ trở nên ép gượng, lộ liễu, mất đi cái tươi xanh của sự sống nghệ thuật.
Thêm một bước nữa, sự phối thuộc, đan xen hai thủ pháp này cũng là cả một nghệ thuật không hề đơn giản, đòi hỏi một sự tinh tế, thông minh.
Với những thành công bước đầu như đã thấy, Phạm Duy Nghĩa đang có một sự thay đổi thực sự cả về ý thức dấn thân, cả về thi pháp truyện ngắn.
Cũng xin nói thêm, Phạm Duy Nghĩa còn có một thăm dò nữa, khác chút so với loại truyện phúng dụ luận đề, đó là loại truyện mang tính chất kinh dị, cụ thể hơn là truyện ma, linh hồn, truyện về/ liên quan thế giới cõi âm. Đó là các truyện Con ma trong hội xô xe, Chiếc áo second-hand, và một phần của Trong nắng huy hoàng. Một thứ truyện kinh dị đương đại. Nghĩa là nhà văn vẫn áp sát vào đời sống đương đại, xoáy vào vấn đề nhức nhối của thì hiện tại, hôm nay. Cũng chưa thể khái quát được gì nhiều về/ từ ba trường hợp này. Chỉ có điều, hợp lại với vệt truyện phúng dụ luận đề dựa trên tư duy huyền thoại hóa, chúng cho thấy có một Phạm Duy Nghĩa đang đổi mới, đang làm khác đi những gì đã có, và trên con đường đó, anh đã đạt được những thành công nhất định. Anh đang bước trên lối đi hiện đang còn thưa thớt bóng người.
Không tự bằng lòng với vị thế truyện ngắn đã được xác lập, nhà văn Phạm Duy Nghĩa đang làm mới chính mình. Tôi gọi đó là chuyển động Phạm Duy Nghĩa (4).
Chú thích:
(1) Cơn mưa hoa mận trắng, Nxb Thanh niên, 2006.
(2) Đường về xa lắm, Nxb Công an nhân dân, 2007.
(3) Những năm gần đây Phạm Duy Nghĩa đã cho in một số truyện rải rác trên Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhà văn và Tác phẩm… Đó là các truyện: Sài thục, Người bay, Gió xanh, Con ma trong hội xô xe, Người hùng biết sợ, Bệnh tỉnh, Chiếc áo second-hand, Con dê xanh trên núi tuyết, Thành phố biến mất, Trong nắng huy hoàng.
(4) Cũng xin nói thêm, khi tập bản thảo cuốn sách Viết khi tâm đắc của tôi (trong đó có bài viết này) đang được san định chờ xuất bản, nhà văn Phạm Duy Nghĩa gửi thêm cho tôi hai truyện ngắn: Đi về vùng thảo nguyên và Khí lạ, trong đó truyện đầu được viết năm 2019, và đã đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội (số xuân Canh Tý) mới đây. Xét thấy, lối viết truyện ngắn thứ nhất khá nhất quán với lối viết Sài thục kể trên. Ở đó, tác giả sử dụng hình ảnh vật thiêng (hi đán, khuây đán – sinh thực khí bằng đá) trong tín ngưỡng dân gian của người Thái như một biểu trưng: sức mạnh trì níu của tâm linh truyền thống và sức kháng cự của con người hiện đại. Đây là một truyện ngắn lấy bối cảnh miền núi Tây Bắc. Hễ cứ trở về với không gian đất và người miền núi, là ngòi bút của Phạm Duy Nghĩa trở nên sống động, thăng hoa. Còn truyện ngắn thứ hai (Khí lạ) cũng lại nằm trong cụm truyện kinh dị – một thăm dò mới của tác giả – như đã nói ở phần cuối bài.
13/4/2020
Văn Giá
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, số 893/5-2018
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...