Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Đọc tiểu thuyết của nhà văn làng Chèm

Đọc tiểu thuyết
của nhà văn làng Chèm

Nhà văn Nguyễn Hiếu sinh năm 1948 tại làng Chèm, bên dòng sông Cái đoạn qua huyện Từ Liêm, nên ông còn có biệt danh là “Hiếu Chèm”. Tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam từ đó đến lúc nghỉ hưu năm 2009. Nguyễn Hiếu là nhà văn đã công bố 25 tiểu thuyết, 130 truyện ngắn, 300 bài thơ và hàng chục vở kịch sân khấu, truyền hình…
Nhà văn Nguyễn Hiếu vừa từ trần lúc 10h50 ngày 5.3.2023 tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.
Ai từng đọc Nguyễn Hiếu ắt sẽ khâm phục khi thấy một nhà văn bền bỉ trong địa hạt tiểu thuyết: Năm 1988 ông in tiểu thuyết đầu tay Quá cảnh, đến năm 2015 in cuốn thứ 25 là Con tàu ma, tính ra trung bình một năm ông cho “ra lò” một tiểu thuyết. Có thể coi đấy là một kỷ lục văn chương thời đương đại. Bạn bè văn chương cứ thấy ông vui vẻ sống và vui vẻ viết như một nhu cầu thường trực, như một “nghề” hơn là một “nghiệp”.
Nguyễn Hiếu là nhà văn gắn bó với làng quê bởi chính ông có cái căn rễ ven sông Hồng, còn được gọi là sông Cái, sông Mẹ. Vì thế, không có gì lạ khi tiểu thuyết của ông có những nhan đề gợi tả cái không gian sinh tồn của con người ven sông, như: Làng êm ả bên sông; Vết xoáy trước “ngực” làng; Dòng sông màu máu vẫn chảy; Chân trời vỡ đôi… Người ta nói mỗi nhà văn đều có “thung thổ văn hóa” của riêng mình. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu có một không gian sinh tồn đặc biệt mang tên làng Chiện (chắc có nguồn gốc từ chữ Chèm?).
Có thể nói Chân trời vỡ đôi (1988) là một cuốn tiểu thuyết được viết một cách khá kỹ lưỡng về đời sống nông thôn trải biến qua chiến tranh và hòa bình trong muôn vàn sắc màu của nó. Nhan đề tiểu thuyết mang một ý nghĩa biểu tượng. Cặp nhân vật Lẫm-Hai Nghĩa như một cặp bài trùng đi xuyên suốt tác phẩm, như một bi kịch đời sống. Cái chết của Lẫm, mà thủ phạm là Hai Nghĩa, đã khiến cho các giá trị truyền thống bị vỡ vụn như suy nghĩ của Bí thư Cương: “Bao nhiêu năm làng Chiện qua bao nhiêu thời kỳ giặc giã, can qua, có bao giờ xảy ra sự kiện ghê gớm này đâu” (tr.486). Nông thôn Việt Nam vốn yên ả sau lũy tre làng hàng nghìn năm nay bỗng vỡ vụn ra. Con người cũng vậy, từ một sinh thể thống nhất, thậm chí đơn nhất giờ đây bị xé nát ra trăm mảnh, bị phân thân dữ dội. Nếu biết tiểu thuyết này được xuất bản năm 1988 thì chúng ta sẽ thấy nhà văn Nguyễn Hiếu thực sự nhạy bén, có tinh thần đổi mới văn chương khá sớm và cũng khá quyết liệt. Cùng mạch ý tưởng ấy, làng Chiện trong tiểu thuyết Làng êm ả bên sông (1994) đang vỡ ra, dị dạng trước cơn lốc của kinh tế thị trường. Nông dân dần mất đất. Những bờ xôi ruộng mật biến mất. Thanh thiếu niên bị lối sống hưởng thụ, tiêu dùng kéo xa dần truyền thống yêu lao động, ham cấy cày…
Trong chiến tranh, Nguyễn Hiếu không trực tiếp cầm súng như một số nhà văn khác cùng thế hệ được gọi là “nhà văn áo lính”. Nhưng không có nghĩa là vì thế mà chiến tranh không gây những dư chấn trong tâm hồn nhà văn. Chiến tranh đã lùi xa, những thiệt hại về vật chất rồi đến lúc cũng được hàn gắn. Nhưng những vết thương tinh thần thì không phải một sớm một chiều chữa trị được. Vẫn còn nhiều người là nạn nhân của chất độc da cam. Vẫn còn nhiều số phận hẩm hiu. Vẫn còn có người chết vì bom mìn của chiến tranh để lại… Và vết thương lớn nhất mà cả xã hội còn phải tiếp tục chữa trị, đó là những định kiến vô lý vẫn còn len lỏi, ăn sâu vào tiềm thức của không ít người trực tiếp hoặc gián tiếp liên đới đến cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt đã qua. Vàng dưới đáy sâu (2000), theo tôi, là một cuốn tiểu thuyết thành công của Nguyễn Hiếu viết về đề tài hậu chiến.
Trong tiểu thuyết Dòng sông màu máu vẫn chảy (1995) của Nguyễn Hiếu có hẳn phần thứ tư với tựa đề “Chiến tranh có một thời là thế””(khoảng 70 trang). Trong phần này, bộ mặt, không khí chiến tranh được vẽ lên khá cụ thể, sinh động gợi lại ký ức một thời hoa lửa. Bây giờ việc một người chích máu ở tay viết đơn tình nguyện nhập ngũ được cho là hoang đường, thì thời bấy giờ là sự thật. Không gian câu chuyện vẫn lại là làng Chiện. Nhưng phải khách quan nhận xét rằng: Những trang viết trực diện về chiến tranh trong tiểu thuyết Nguyễn Hiếu không sâu đậm bằng những trang viết về thời hậu chiến. Ở đây có thể giải thích bằng cái gọi là “sở trường, sở đoản” của mỗi nhà văn.
Tiểu thuyết Nguyễn Hiếu thường có độ “rậm rạp” của các chi tiết đời sống, người đọc có cái cảm giác về sự ôm đồm của tác giả, thiếu chắt lọc. Chất sống của tác phẩm vì thế chưa có độ kết tinh cao. Những tình huống truyện được tác giả quan tâm và thường đó là những tình huống mang tính kịch, có lẽ do tác giả cũng là một cây bút viết kịch khá có nghề. Văn Nguyễn Hiếu viết có tốc độ nhưng còn xô bồ, đôi khi hồn nhiên đến mức tự nhiên. Nguyễn Hiếu là nhà văn “2 trong 1” (nhà báo-nhà văn) nên sở trường và sở đoản dễ bị xâm thực lẫn nhau. Cái “nhanh, nhạy” của nghề báo đôi khi lấn sân làm cho chất văn của tác phẩm có tính “thời luận” hơn là “triết luận” về đời sống thông qua nghệ thuật ngôn từ…
17/3/2023
Bùi Việt Thắng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...