Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Hạt ngọc dưới tầng sâu

Hạt ngọc dưới tầng sâu

Tác phẩm đoạt Giải thưởng dành cho tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022

Hơn 10 năm trước, tôi đọc Lê Vũ Trường Giang đầu tiên trên Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn lịch sử Ngủ giữa trùng sơn - tác phẩm đưa Giang đến với tôi - giờ vẫn còn nguyên ấn tượng.
Giai đoạn ấy, trong lúc bạn bè văn chương lứa 8X tôi quen còn đang loay hoay thử nghiệm cách viết, tìm cách khẳng định bản thân thì Giang bật lên đầy bản lĩnh với đề tài ít người viết trẻ dám thử sức: Lịch sử!
Chúng ta hiểu lịch sử đến đâu? Nhớ thời ngồi trên ghế nhà trường, với tôi, cũng như đa số bè bạn, lịch sử chưa bao giờ là một môn học hấp dẫn. Những nhân vật, sự kiện, mốc thời gian… Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao buộc phải biết, phải học? Như tất yếu của câu hỏi đó, trí nhớ thường thoải mái xóa nhanh, sạch sẽ những vết chân lịch sử đầu tiên được nhà trường cài đặt.


Tác giả trẻ Lê Vũ Trường Giang và tác phẩm Bạc màu áo ngự

Chính văn chương đã lập trình lại giúp tôi mối quan tâm đến lịch sử. Tiếp cận lịch sử qua góc nhìn văn học, tôi nhận ra lịch sử cũng như thân phận con người. Sống động, bi kịch và đầy hấp dẫn… Một mốc thời gian, một sự kiện, một cái tên được lịch sử ghi đằng sau đó là cả trăm ngàn câu chuyện. Tựa hồ một dòng sông bí hiểm, lịch sử thường ngụy trang bằng vẻ tẻ nhạt đến nặng nề. Nhưng cứ thử bước xuống một dòng sử đang chảy, sẽ rợn ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của trăm ngã rẽ vụt bung ra. Từ mỗi ngã rẽ, lại tẻ tiếp muôn vàn nhánh nữa. Hợp thành khối mê cung đầy cuốn hút.
Độ cuốn của lịch sử không chỉ trên bề mặt. Mãnh liệt, dữ dội hơn vẫn là lực hút từ lớp ẩn tàng dưới các dòng chảy. Văn chương nhìn ra nguồn khai thác vô tận này, nên cung cấp cho lịch sử các nhà văn - những người thợ lặn vớt ngọc. Ngụp lặn, đào bới, theo khả năng mình, mỗi người viết đem về cho độc giả hạt ngọc tác phẩm của riêng họ.
Với Ngủ giữa trùng sơn, không chỉ mình tôi “ghen” với Lê Vũ Trường Giang vì sở hữu được viên ngọc khá “nặng kí”, dù chỉ mới chạm ngõ văn chương. Không hiểu sao tôi vẫn luôn tin Giang là cây bút của lịch sử. Có thể vì Giang học sử. Cũng có thể vì Huế, mảnh đất cố đô nơi Giang sinh ra và gắn bó, chỉ mỗi tên gọi thôi đã thấy cả vùng sử miên man trải dài. Sau Ngủ giữa trùng sơn, tôi vẫn luôn chờ Giang trở lại… Hạt ngọc được nuôi lâu càng bóng, dày, giá trị. Có lẽ hiểu được điều này, người thợ ngọc khó tính Lê Vũ Trường Giang cứ chậm rãi đợi con chữ mình hấp thụ thêm tinh túy cuộc sống, kết tinh thêm nhiều trải nghiệm.
Ngày nhận được bản thảo Bạc màu áo ngự, tập truyện thuần đề tài lịch sử, tập truyện thứ hai của Giang sau 8 năm, tôi biết: Ngọc đã thành hình. 13 truyện ngắn. Vẫn vẹn nguyên một Lê Vũ Trường Giang tôi quen. Vẫn giọng văn Huế chỉnh chu mà khoáng đạt, giàu triết luận mà lại gần gũi, đầy xúc cảm. Dòng sử trong Bạc màu áo ngự là những dòng chảy đậm mùi chiến tranh. Từ cuộc chiến giữa vua Trần Nghệ Tông và vua Chiêm Chế Bồng Nga, khởi nghĩa chống pháp của vua Hàm Nghi, trận chiến trong nội thành Huế Tết Mậu Thân năm 1968, đến chiến cuộc bày ra giữa những thân phận người Việt tị nạn trên đất Hồng Kông, rồi cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo quê hương ngay cả trong thời bình. Xâu chuỗi hàng loạt cuộc chiến được Bạc màu áo ngự tái hiện, người đọc dễ dàng nhận ra cái bóng phản chiếu chân thực nhất hình dáng lịch sử: Chiến tranh.
Khắc họa cái bóng đó, Lê Vũ Trường Giang đã tỉ mẩn chọn những đường nét khốc liệt nhất: “Không ai kịp lau nước mắt, không ai kịp nói lời trối trăn. Mặt trời rực đỏ trên đầu. Loạt đạn đầu bắn đi như mưa. Tiếng nổ rát mặt trời. Thân người đổ xuống như chuối. Tất cả đều chết, chết hết. Một em bé nhỏ xíu chỉ mặt một chiêm áo ngắn bò lê trên đống xác chết…” (Từ bờ bên kia); “Pháo kích liên tục ngày đêm, pháo bắn vào nhà dân lẫn trận địa. Bao nhiêu công trình cổ kính của triều Nguyễn tan theo bụi khói” (Phía dưới cầu vồng); “Đánh từ sang đến trưa, thây người ngã xuống đầy sông, lổn nhổn cả những vũng bùn trống” (Sầu lên ngọn ải)… Khốc liệt mà vẫn đẹp. Đẹp bởi hào khí chiến binh, bởi chất bi tráng âm vang ngay giữa lòng mỗi cuộc chiến. Những chiến binh của Giang, từ Trần Khát Chân, La Ngai, lính trận đạo Lưu Đồn, Mai Thánh, Tân, Hải, Job… - những người đàn ông không phân biệt thời đại, dân tộc vì thế cuộc buộc phải cầm vũ khí - dù bầm dập, tả tơi giữa các bánh răng tàn nhẫn của cỗ máy nghiền chiến tranh vẫn lấp lánh khát vọng vượt thoát. Tinh thần phản chiến ấy in hẳn một dấu ấn đậm nét trong Tôn nữ còn buồn.
Độc giả sẽ bắt gặp một cựu phóng viên chiến trường người Mỹ ám ảnh không nguôi với cuộc thảm sát mình chứng kiến, một người lính đang ở giữa khói lửa chợt nhận ra: “Chiến tranh tàn nhẫn quá, đã thay đổi số phận và cả tâm hồn luôn bị giày vò của muôn vạn con người lầm lũi, trầm kha” và “chỉ có những người nằm xuống mới biết được chiến tranh đã thật sự kết thúc như thế nào”, hay anh lính trận trên đường truyền tin chợt “thấy một hình dung ngút ngát của thế giới xa mù, sẽ không còn khổ đau, không còn thù hận, không còn tham muốn”…
Cùng tinh thần phản chiến, tôi tin, Bạc màu áo ngự sẽ lay động người đọc bởi những phận người. Từ một vị vua yêu nước chịu án lưu đày khiến Bạc màu áo ngự, một kẻ bị lịch sử kết án Việt gian mang Bí mật của cỏ, một nhà thơ tài hoa bạc mệnh với giấc mộng Phượng hoàng trăng, đến tay đao phủ hết thời như chiếc lá nát bươm trong mùa tàn… Những nhân vật đàn ông của Giang, dù vua chúa, chiến binh, người mộng mơ hay kẻ tàn nhẫn đều vật lộn trong cuộc chiến với chính bản thân mình. Thấp thoáng trong những trận chiến nội tâm và thực tại của các nhân vật, hình ảnh người mẹ, người chị, người yêu, trẻ thơ - những mềm yếu mà đẹp đẽ vô ngần - hiện lên. Như gối cỏ êm đỡ lấy những giấc mơ đàn ông xơ xác. Như đốm sao dẫn đường cho những bước chân lạc lõng đi về phía lương tri.
Tựa vào nền nội dung, không gian truyện của tập sách trải vệt dài khắp các địa danh nổi tiếng của miền Trung Việt Nam: từ Ái Tử, Khe Sanh (Quảng Trị), Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), tới Gò Bồi (Bình Định). Rồi mở rộng sang cả đất Hồng Kông, làng El Biar của đất nước Algérie, rồi thành phố New York. Thổn thức và lay động nhất, vẫn là những dòng văn Giang viết về Huế. Huế của Giang, mảnh đất quê dù trong những ngày nhuốm đạn bom lửa khói vẫn đẹp, vẫn thơ với “dòng Hương ngập khói sóng, xa xa, mây phủ vờn Kim Phụng”, với “những chiều nắng nhạt, sương mờ giăng xa, tím Huế hiện lên rìn rịn”, “màu tím ảo diệu” “tràn qua mây, núi, sông và cả cánh chim về tổ đón xuân”… Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh chị Hân, người con gái Huế “nằm chết dưới gốc cây sứ phía sau Phu Văn Lâu”. Phải chăng đấy cũng là hồn Huế của Giang? Mảnh hồn chưa bao giờ chết, dẫu qua bao thăng trầm, dời đổi. Mảnh hồn đẹp thanh khiết, nguyên sơ, như tình yêu bất cứ người con nào dành cho Huế, luôn sẵn sàng vỗ cánh, vút bay lên.
Chợt muốn trở lại Huế, về lại buổi sáng được ngồi cùng Giang bên góc quán nhỏ, nhìn qua Cồn Phụng. Bến Đò Cồn chắc vẫn còn đó, dòng Hương chắc vẫn còn óng ánh vẩy nắng như trong buổi sáng xưa. Chỉ chúng tôi, những kẻ đã qua ngưỡng 30, trôi theo những dòng sử riêng mình…
20/2/2023
Nguyễn Thị Kim Hòa
Nguồn: Văn nghệ số 7/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...