Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Trái tim đập nhịp Cửu Long Giang

Trái tim đập nhịp Cửu Long Giang

Tác phẩm đoạt Giải thưởng dành cho Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022
Chín nhánh da vàng là tác phẩm thứ tư của nhà thơ Khét (Trần Đức Tín), cũng là tác phẩm đạt Giải thưởng tác giả trẻ năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ở đây ta bắt gặp một giọng thơ khá lạ, đầy chiêm nghiệm, bứt phá và độc đáo, một nhà thơ rất nỗ lực trong hành trình chữ nghĩa để kết tinh và phát sáng.
Mở bài thơ đầu đọc câu kết như một câu hỏi lớn: “Điều giỏi nhất của giống loài mình là làm đau người khác/ phải không tôi…”. Phải không tôi, phải không chúng ta, và câu hỏi ấy đã dẫn tôi đi chậm và nhiều phút nghỉ trong miên man Chín nhánh da vàng... Trần Đức Tín, bằng sự nhạy cảm thiên bẩm, từ tấm lòng yêu quê thổn thức đến cuộc mưu sinh nhọc nhằn giữa bao la thiên nhiên nơi anh đã sinh ra và lớn lên, trên sông nước và nắng gió Miền Tây sẵn lòng rộng mở, đã đưa Khét về một vùng mới lạ của thơ... Nơi những kẻ mạnh luôn tìm mọi cách để lấn át kẻ yếu thế hơn mình: “Cũng đừng hỏi tôi đi đâu trong ngày tháng bỏ quê/ chân tôi bỏng rát giữa lòng người chật hẹp/ trăng đêm này đã có từ thiên thu trăng trước/ chỉ lòng ta thay đổi” - (Giống loài).
Thơ Trần Đức Tín canh cánh một nỗi lòng lo lắng cho quê hương, thổn thức cùng xứ sở và đồng bào. Một Khét sâu sắc, một Trần Đức Tín thâm trầm, những câu hỏi ngàn năm chưa có lời giải đáp nhưng lại chẳng có ẩn số bao giờ... Chàng trai tự nhận là kẻ tha phương song chưa một phút rời bỏ xứ sở dấu yêu đầy bất ổn và nhiều thương đau của mình: “Tôi nhớ Cà Mau - mưa đầu mùa rát mặt trên bùn lầy ảm đạm xứ u minh tuổi thơ tôi nguệch ngoạc vết ngang những con còng heo hút gió bông tràm réo gọi” - (Tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong).
Trong hành trình nhọc nhằn chữ nghĩa, Trần Đức Tín đã đi khá xa trên con đường thi ca của riêng mình. Trong ngút ngàn thơ ca hiện đại, không dễ để có một giọng điệu riêng, sự khổ luyện không đủ, tài năng thiên phú là đương nhiên, người thơ còn cần phải có sự nhạy cảm của một tấm lòng, một tâm hồn, một nỗi đau hướng về cội nguồn, xứ sở quê hương và con người..., dường như Khét đang có được điều đó. Những câu thơ cứ lấp lánh trên cuộc rong chơi kiếm tìm mênh mông ấy: “ngủ hết đêm nay với vàm cỏ/ thương những bóng ma trôi trên sông/có khi/ ta ngừng thở để sống/ có khi/ ta tự sinh ra mình” - (Ngủ hết đêm nay với Vàm Cỏ).
Có một điều gì đó mênh mang diệu vợi và sâu thẳm trong câu thơ như một triết lý mà không phải vậy, chỉ có thể là nỗi đau quên mình để hướng tới lòng nhân, hướng về lẽ phải trên đời: “loài người sinh ra/ để lẩn trốn/ nghệ thuật sinh ra/ để đào thoát/ và tôi ngồi đây ăn bóng mình/ còn một mùa đau gieo vào đất/ mấy ngàn năm chưa ai đến gặt” - (Khi ta viết chữ).
Những ẩn ức và cả sự mơ hồ bất chợt đã tạo nên một Trần Đức Tín mang dáng dấp điêu linh, siêu thực và luận lý trong những nét phác thảo vẫn cứ rõ ràng. Anh làm thơ, viết thơ như một “bản mệnh” đất trời sai khiến; giữa đúng sai, thực ảo, vui buồn, sướng khổ, khi chân lý cứ luôn là ảo ảnh ám ảnh phía xa vời. Chữ nghĩa được gieo mầm như vốn vậy, công phu “tỉa cành bắt sâu” không phải là sở trường của nhà thơ mang bút danh Khét bởi chất liệu nơi đó dường như đã được “sàng” qua những trải nghiệm đớn đau cùng với quan niệm rõ ràng, thơ không có sai hay đúng. 
“Tôi vừa đi vừa thắp lửa / đôi lần/ tôi thấy tôi chết/ để được sống/ bước chân ai đã giẫm lối vào lòng/ đêm nay/ nghe lặng lẽ trổ bông” - (Đi như cỏ).
Chỉ có tiếng lòng từ trong sâu thẳm của lý trí cất lên, không sợ hãi hay lo lắng mơ hồ, người đọc có thể cảm nhận hay hiểu đến bao nhiêu là tùy, nhà thơ đã, đang và chỉ là kẻ truyền dẫn ngôn từ đấy thôi... Một cách để những câu thơ ra đời thật thú vị và thi vị; điều này hình như chỉ có ở nhà thơ trẻ tuổi: “không có cái chết của chánh niệm/ ta từ bi ta hơn nửa đời/ bàn tay lúa nước, da vàng, diều giấy/ mọc vào khoảng trống tổ tiên” - (Chánh niệm).
Ở nhiều bài trong Chín nhánh da vàng, một tư duy ngỡ như mung lung, đa chiều nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nỗi lòng cô độc, thiên hướng cội nguồn và tình yêu cuộn chảy tiếc thương của thi sĩ với lịch sử bi hùng của quê hương, đất nước, giống nòi; mà ở nơi đó, sự hùng tráng và bi tráng cứ luân phiên đổi ngôi cho nhau: “trăng quê mình mắc cạn ở sau lưng/ có bụi lục bình trôi vào áo mẹ tôi rồi bật khóc/ chiếc áo màu nâu lặng câm như tràng hạt/ bay ra đồng rồi củi lửa lưng trời/chúng con: bọn bỏ quê/ quê trôi trên đầu/ quê bạc theo tóc/ trong đau đớn kiệt cùng/ trăng gọi mẹ/ bằng một tiếng chuông hoang” - (Trăng quê).
Hiển hiện trong thơ Trần Đức Tín luôn là quê hương với ngàn vạn nỗi niềm, quê hương nhỏ và quê hương lớn cứ là muôn nỗi xót xa. Xót xa cho mình, cho người, cho những thân phận bỏ quê, bỏ xứ sở ra đi bởi những biến động thời cuộc và bởi cả cuộc mưu sinh mệt nhoài áo cơm. Những cuộc ra đi hay lui về đều nhọc nhằn như nhau, thậm chí là cả nước mắt và sự tiễn biệt thương đau: “loài người/ hồi hương giấc mơ/ bằng cách/ di cư nó/.../ một ngày tháng bảy năm hai không hai mốt/ tôi hồi hương giấc mơ/ bằng cách/ vấn khăn tang cho mình” - (Một ngày).
Và, nỗi đau thắt tim từ mấy chục ngàn linh hồn đã bay cùng mây trắng trong đại dịch Covid-19, những cột khói trắng trời thay những dải khăn tang, phải chăng những linh hồn ấy đã nhập vào thơ anh quằn quại trong ngày tưởng niệm những số phận oan khuất ấy: “ngày mười chín tháng mười một/ ngồi đối diện với những con số/ những con số nhuộm trắng thành phố quấn đứa trẻ mồ côi/ hai mươi ba nghìn ngọn nến không thiêu được nước mắt/ hai mươi ba nghìn ngọn nến bỏng rát lưng quê hương/ ai đốt giấc mơ bằng ngọn nến lòng ta đầy khăn tang/ người có về với mẹ những mô đất ven làng/ con số lặng thinh găm vào bốn nghìn năm cúi mặt/ vàng lên đời chúng ta/ tôi bày ra lòng một nghĩa địa liệm thêm đôi mắt mình…”.
Từ trong những điều cụ thể nhất, Trần Đức Tín vẫn khái quát được mọi câu chuyện, mọi sự kiện, mọi điều theo cách của riêng mình, sự độc lạ của thơ anh chính là cụ thể trong khái quát và khái quát trong cụ thể rất ấn tượng. Thơ anh không ít mơ hồ mà vẫn luôn hiển hiện, không rõ thân xác mà vẫn hình hài, không đi dường vòng mà ý tứ xa xôi... Tín đã thành công với những câu thơ tự do của mình bởi sự cô đọng và khác biệt: “không có cái chết của chánh niệm/ ta từ bi ta hơn nửa đời/ bàn tay lúa nước, da vàng, diều giấy mọc vào khoảng trống tổ tiên/ không có cái thở của chánh niệm/ sau lưng ta vẫn là nghĩa địa làng/ không có tiếng kinh nào là chánh niệm/ sót tiếng vịt đồng mổ quê hương” - (Chánh niệm).
Thơ Tín có khi là tiếng thở dài, khi là lời ai điếu, rồi vẫn có thể là một lưỡi dao khoét vào nỗi đau muôn đời của con người, của thân phận làm người từ thuở hồng hoang sơ khai ấy…
“chúng ta sống bằng định nghĩa/ bằng giáo lý/ bằng tôn thờ/ bằng cuồng tín/ bỏ hết những thứ con người làm ra/ kể cả suy nghĩ này/ thì cội rễ của chúng ta là gì/ những thứ được đặt tên/ là sự bất lực của giống loài/ như môi em chẳng hạn/ trong những đêm tối cổ/ da ta có kịp vàng?” - (Trên môi em tối cổ).
Rõ ràng thơ Trần Đức Tín luôn đánh thức lòng người, để gợi mở những cánh cửa tâm hồn từ nhiều góc nhìn: “nắng lưu dân làm da ta vàng/ mưa lưu lạc làm mắt ta đen/ tôi phải băng bao mùa nữa/ để về đến ngọn cỏ đầu làng/ vài người mẹ đã ngủ quên dưới đất/ tôi phải chọc thủng bao khoảng trời nữa/ để về thắp hương cho mình/ trong làn khói điểm danh tộc người di tản/ tôi xin hát/ về những giấc mơ…” - (Hình hài).
Trần Đức Tín là một nhà thơ rất trẻ, anh mới ngoài ba mươi tuổi. Thơ với anh như bùa mê, như món nợ không vay mà tự nguyện trả. Với gia tài là bốn tập thơ và nhiều giải thưởng, thơ anh đã làm được nhiều điều ngoài giá trị văn chương. Trái tim ấy đã, đang và mãi mãi vẫn đập nhịp Cửu Long Giang máu thịt, vâng, cứ ném hòn đất xuống nước sẽ nhập thành cội nguồn…
18/2/2023
Trần Đức Tín
Nguồn: Văn nghệ số 7/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Ghi Chép Trong Mưa Nhiều thế kỷ trước, Phạm Đình Hổ viết “Vũ trung tùy bút”, như một sự nuối tiếc dằng dặc. Có thể là do mát trời ...