Nhìn lại văn học dịch: Vẫn đọng lạisự vật lộn ấy của kiếp
người
Suốt một thập kỷ qua, mỗi năm, khi cần có một cái nhìn
tổng kết về tình hình văn học dịch của Việt Nam, ta đều có thể thoải mái mà tự
hào là một trong những nước có hệ thống văn dịch phát triển mạnh mẽ.
Từ văn chương cổ điển tới đương đại, từ khu vực châu Á sang
châu Âu, từ các giải Nobel, Goncourt, Booker, đến Pulitzer, Orange, không mảng
nào mà nền xuất bản của chúng ta bỏ sót. Chưa bao giờ độc giả trong nước được
hưởng một sự đa dạng đến vậy của dịch phẩm. Đúng 15 năm sau khi gia nhập Công ước
Berne, nền xuất bản Việt Nam gần như đuổi kịp thế giới.Những mảnh ghép sắc nhọn2019, do vậy, một lần nữa là một năm thành công vang dội của
văn học dịch. Những tác phẩm kinh điển và đương đại nặng ký về cả số trang lẫn
chất lượng vẫn được cho ra mắt đều đều, từ Hán Sở diễn nghĩa của
Chung Sơn cư sĩ Chân Vĩ, Những linh hồn chết của N. Gogol, đến Thằng
cười của Victor Hugo, Chết chịu của Céline, Giờ Đức văn của
Siegfried Lenz.
Các tác phẩm đoạt các giải thưởng danh giá cũng đều đặn xuất
hiện: Những người đẹp say ngủ, Đẹp và buồn của Kawabata Yasunari
(Nobel năm 1968), Herzog của Saul Bellow (Nobel năm 1976), Cảnh
đồi mờ xám của Kazuo Ishiguro (Nobel năm 2017), Trong một đêm tối trời
tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của Peter Handkle - nhà văn vừa đoạt giải
Nobel và gây nên một cuộc tranh cãi trên toàn cầu vào năm nay.
Những hiện tượng văn chương mới của châu Á khuấy đảo văn đàn
thế giới cũng góp mặt cho bộ mặt sách dịch năm nay với Bản chất của người của
Han Kang, Cô nàng cửa hàng tiện ích của Murata Sayaka (giải Akutagawa
năm 2016) và tác phẩm nữ quyền bán chạy cả triệu bản Kim Ji Young, sinh
năm 1982 của Cho Nam Joo. Rất tiếc, về đến Việt Nam, cả ba không gây được
nhiều tiếng vang như mong đợi.
Một loạt nhà văn đương đại ít nhiều tạo được danh tiếng cũng
đã được dịch sang tiếng Việt như Christopher Isherwood (Người chuyển tàu, Hoa
tím ngày xưa), Ray Bradbury (Người minh họa), đặc biệt là Philip Pullman - người
được tờ Times bình chọn là một trong “50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ
năm 1945” với bộ ba Vật chất tối của ngài.
Trong bài “Ngôn từ, đối thoại, tiểu thuyết”, phê bình gia và
nhà triết học Julia Kristeva nêu ra quan niệm về liên văn bản, “như một ghép mảnh
hay khảm (mosaic) của các trích dẫn; bất kỳ văn bản nào cũng là sự hấp thu và
biến hóa của văn bản khác”.
Đọc, trong những ngồn ngộn sách vở ấy, không chỉ là nhận ra
được những tác phẩm xuất sắc và thưởng thức riêng lẻ, mà còn là kết nối chúng lại
với nhau, tạo thành một mạng lưới nơi các cuốn sách có thể cùng vang vọng hay đối
chọi nhau. Những cuốn sách nổi bật nhất năm 2019, với tôi, là một tập hợp những
cuốn có thể phân thành những cú đọc sóng đôi, một cách tình cờ mà soi rọi đầy ý
nghĩa. Và đôi khi sự móc nối không chỉ nằm ở một cặp đôi.
Cặp đôi đầu tiên là hai cuốn sách cách nhau 2.000 năm, Biến
thể của Ovide và Lưỡng giới của Jeffrey Eugenides vì cùng chung một
mảng đề tài: sự biến đổi diễn ra và tác động của nó lên thân thể cũng như tâm
lý con người. Ovide là nhà thơ La Mã nổi tiếng với tác phẩm vĩ đại nhất Biến
thể - bài thơ sử thi gồm 15 thiên, kể lại hơn 250 câu chuyện thần thoại, từ
khởi đầu của thế gian. Biến thể của Ovide tập trung vào “những hình
hài biến đổi thành những hình thể mới”, nơi con người bị biến thành sói, cây
nguyệt quế, con gấu, những vì sao…
Điểm độc đáo của Biến thể nằm ở sự phóng túng và cợt
nhả trong cách kể chuyện và nội dung truyện kể với đầy những vị thần tai quái,
sân si, với những yêu đương, ghen tuông, thù ghét, cưỡng đoạt. Nếu bắt buộc phải
xác định, như nhà nghiên cứu Hy-La của Đại học Oxford Jonathan Bate chiêm nghiệm,
Ovide quan tâm tới khía cạnh tâm lý con người, cụ thể hơn là khía cạnh nguy hiểm
của việc làm người.
Đầy rẫy trong Biến thể là những câu chuyện về tình
yêu, bạo lực, khổ đau, những biến hóa khôn lường của lòng người và tạo hóa.
Không có gì ngạc nhiên khi Ovide gây ảnh hướng lớn tới thế hệ các nhà thơ, văn
sau này, mà người học trò lớn nhất của ông chính là William Shakespeare, người
đã lấy cả một tích truyện về cặp tình nhân Pyrame và Thisbé, biến nó thành vở kịch
lừng danh Romeo và Juliet.
Lưỡng giới không chỉ lấy khuôn mẫu từ một nhân vật xuất
hiện trong Biến thể là Tiresias. Jeffrey Eugenides muốn đi xa hơn thần
thoại bằng cách tạo ra một nội dung mới toanh với một người kể chuyện là nhân vật
lưỡng giới thật. Sự biến thể hẳn nhiên cũng xảy ra ở Cal Stephanides, nhân vật
chính của Lưỡng giới, khi sinh ra là một đứa con gái, nhưng đến tuổi
dậy thì lại phát hiện ra mình có tinh hoàn ẩn bên trong do bị đột biến gien.
Trên nền tảng nhân vật có một không hai này, Eugenides xây dựng cốt truyện,
hoàn cảnh, dẫn tới cái sự đột biến gien ấy. Và Lưỡng giới là rất nhiều
thứ trong một: sử thi hào hùng, câu chuyện gia đình vắt qua mấy thế hệ, qua nhiều
giai đoạn và biến động lịch sử.
Không hề khó khăn để đọc vắt từ Lưỡng giới sang một
tác phẩm kinh điển đương đại khác của văn học Mỹ được xuất bản cũng vào năm
2019: Vết nhơ của người.
Eugenides công khai thừa nhận mình học tập và chịu ảnh hưởng
từ một bậc thầy người Mỹ trong việc tạo ra một giọng kể mang hướng văn hóa mới,
đó chính là Philip Roth. Và còn ở đâu hơn Vết nhơ của người, với nhân
vật chính là vị giáo sư người Do Thái, Coleman Silk, người từng giữ vị trí danh
giá là chủ tịch hội đồng giảng viên suốt nhiều năm, bị quy kết là phân biệt chủng
tộc, ta có thể đọc về sự tan vỡ của giấc mơ Mỹ một cách khủng khiếp hơn?
Vết nhơ của người kể lại cái bi kịch đầy ngẫu nhiên này
khi lần về quá khứ của Coleman - nạn nhân của phân biệt chủng tộc và quyết tâm
đổi đời mình, ở một cái đất nước nhồi sọ công dân về giấc mơ Mỹ. Coleman đã cố
tạo ra số phận lịch sử của riêng mình, cố “phá tung xiềng xích của lịch sử”
nhưng “cuối cùng lại bị sập bẫy bởi cái lịch sử mà ông hoàn toàn không ngờ tới”
của thói đạo đức giả và sự phải đạo chính trị.
Roth chỉ ra rằng Coleman không vượt thoát nổi “cái thòng lọng
của lịch sử mà chính là thời đại của mỗi người”.
Cách Coleman trong Vết nhơ của người 105 năm, một nhân
vật khác cũng bị sa lầy trong chính thời đại của mình: chàng Jude của Thomas
Hardy. Mồ côi cha mẹ, sống với bà cô ở một làng quê lạc hậu thời Victoria, Jude
Fawley chỉ có một khát khao tột bậc là được đến Christminster (nguyên mẫu là
Oxford), nơi có cây tri thức mọc để trở thành một học giả. Jude - Kẻ vô
danh là một trong những cuốn tiểu thuyết tố cáo xã hội mạnh mẽ nhất của
Hardy khi tấn công không khoan nhượng vào cái pháo đài đạo đức giả của xã hội
thời Victoria. Gặp phải vô số chỉ trích của giới phê bình thời đó, thậm chí cuốn
sách còn bị một vụ giám mục ném vào lửa đốt.
Hơn 70 năm sau, một cuốn sách khác bị ném vào lò đốt vì bị
coi là có nội dung không lành mạnh: cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh Lò
sát sinh số 5 của Kurt Vonnegut. Từng bày tỏ sự ngưỡng mộ vô bờ bến của
mình dành cho Céline trong nhiều bài viết, một trong những nhà văn Pháp vĩ đại
nhất nhưng đầy tai tiếng của thế kỷ 20, Vonnegut đi xa hơn nữa là đã lấy cảm hứng
và học Hành trình đến tận cùng đêm tối cách chiến tranh khủng khiếp
vô nghĩa tàn sát bao nhân mạng có thể được triển khai một cách lố bịch và đầy
hài hước như thế nào.
Chết chóc, sự vô nghĩa lý và hài hước bao trùm Lò sát
sinh số 5 nơi mỗi khi cái chết xảy ra, độc giả lại được nghe cái điệp khúc
“đời là thế”. Là nhà văn của trò đùa và cái chết, với Vonnegut, “Hài hước là
cách để trì hoãn lại sự khủng khiếp của cuộc đời, để bảo vệ chính mình”. Lò
sát sinh số 5 đặt người đọc vào thế lưỡng nan, một bên là chiến tranh vô
nghĩa, một bên là sự khó khăn đến tột độ để cắt nghĩa sự vô nghĩa đó.
Sự vô nghĩa và tăm tối của bạo lực đưa tôi đến tác phẩm nổi bật
cuối cùng của văn học dịch năm 2019: Khó mà tìm được một người tốt của
Flannery O’Connor. Được coi là một tác giả kinh điển của văn chương Mỹ, mãi đến
tận năm nay O’Connor mới xuất hiện ở Việt Nam trong một tập truyện gồm mười
truyện ngắn khắc họa đời sống người dân miền Nam nước Mỹ. Những cái ác dửng
dưng và những pha bạo lực ập đến trong truyện của bà trong những tình thế bất
ngờ nhất như là một phương cách để tác giả phơi bày những mặt tối của nhân
tính, để từ đó tạo ra những phút giây ân sủng, hay đốn ngộ.
Văn chương của O’Connor gây ảnh hưởng lớn tới nhiều nhà làm
phim nổi tiếng sau này như anh em nhà Coen, như họ thú nhận, “Anh có thể nhận
ra sự ngưỡng mộ của chúng tôi dành cho các nhà văn miền Nam như […] Flannery
O’Connor. Bà ấy hiểu biết thật sự được tâm lý người miền Nam mà nhiều nhà văn
khác không có được”. Mỗi nhà văn tạo ra được tác phẩm của mình thế giới theo đặc
điểm riêng của họ, và đó chính là dấu ấn của thiên tài. Độc giả không bao giờ
có thể nhầm lẫn O’Connor với ai khác, một khi đã bước chân vào cái thế giới đầy
nghịch dị với những chân dung nhân vật như biếm họa, những con người khao khát
sục sạo đi tìm chính mình và đi tìm đức tin nhưng thường thất bại.
Trong một cái nhìn đọng lại, văn học dịch của năm 2019 vẫn
bày ra những chủ đề khiến người đọc phải trầm tư: con người chống lại thời đại,
ký ức và những gương mặt tráo trở của nó, sự hiểm nguy của việc làm người và những
biến thể của cảm xúc, lịch sử và cách chúng ta nhìn nhận và tạo tác nó, chiến
tranh và sự vô nghĩa của bạo lực, con người và quá trình truy tìm căn tính…
Đọc văn chương, ta thử thách chính mình trong công cuộc truy
lùng cái biểu đạt và cái được biểu đạt, rồi đi tìm chính mình, ngoài đi tìm cuộc
đời và những hiện thực khác.
17/1/2020
Zét Nguyễn
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 1.1.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét