Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Tam quốc di sự - Quốc bảo của Hàn Quốc

Tam quốc di sự
Quốc bảo của Hàn Quốc

Cùng với Tam quốc sử ký (Sam-guk-sa-gi, 三國史記) của Kim Phú Thức (Kim Bu-sik), Tam quốc di sự (Sam-guk-yu-sa, 三國遺事) là một trong những bộ sách lớn của lịch sử Hàn Quốc thời cổ trung đại. Tác phẩm được đánh giá “không chỉ có những người chuyên nghiên cứu về Hàn Quốc, mà tất thảy người Hàn Quốc thuộc mọi lứa tuổi phải đọc qua một lần”.
Tam quốc di sự là tài liệu chữ Hán do Phổ Giác Quốc sư Nhất Nhiên (Il Yeon), tục danh là Kim Kiến Minh (Kim Gyeong-myeong), dưới triều Cao Ly biên soạn. Có nhiều ý kiến tranh luận về thể tài của tác phẩm Tam quốc di sự là sách lịch sử, dã sử hay sách viết về văn hóa Phật giáo? Dù viết theo thể tài nào đi nữa thì Tam quốc di sự vẫn là một tài liệu quý giá đối với lịch sử Hàn Quốc, chịu ảnh hưởng của bối cảnh thời đại ở đất nước Cao Ly thế kỷ XIII. Đây là giai đoạn dân tộc Cao Ly muốn phấn đấu, nhận thức lại truyền thống văn hóa của quá khứ để lấy lại tinh thần và giúp họ có thể vượt qua mọi thử thách sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược. Xuất phát từ tinh thần đó, Nhất Nhiên đã viết nên bộ Tam quốc di sự với mong muốn khơi lại lịch sử của nghìn năm văn hiến, gieo niềm tự tin của dân tộc trong lòng mọi người.
Biên soạn Tam quốc di sự, Nhất Nhiên đã có chủ ý xây dựng lịch sử chính thống Hàn Quốc bắt đầu từ thời kỳ Cổ Triều Tiên (Go-jo-seon); Mã Hàn (Ma-han); Tam quốc (Sam-guk): Tân La - Cao Câu Ly - Bách Tế; Hậu tam quốc (Hu-sam-guk); đến Cao Ly (Go-ryeo).
Về bố cục - kết cấu, Tam quốc di sự được chia thành 5 quyển phân bố thành 9 thiên. Hai quyển đầu tiên, gồm hai thiên Kỷ dị đệ nhất và Kỷ dị đệ nhất hậu tục biên, ghi chép những sự thật lịch sử từ thời kỳ lập quốc của Đàn Quân Vương Kiệm (Dan-gun-wang-geom) ở vùng đất A Tư Đạt (A-sa-dal), đến sự phân hóa lãnh thổ thành ba lãnh địa Mã Hàn (Ma-han), Biền Hàn (Byeon-han) và Thìn Hàn (Jin-han) – tiền thân của ba quốc gia cổ Cao Câu Ly (Go-gu-ryeo), Bách Tế (Beak-je) và Tân La (Sil-la). Trong đó tác giả đặt trọng tâm trình bày sự phát triển của nước Tân La từ thời vị vua thủy tổ Hách Cư Thế (Hyeok-geo-se) tồn tại trong 992 năm, sau đó bị Cao Câu Ly thôn tính, thống nhất cục diện Tam quốc. Bên cạnh đó, tác giả cũng dành nhiều tâm tư sưu tầm và giới thiệu sự tồn tại và phát triển hưng thịnh cũng như sự diệt vong của một quốc gia thần bí – nước Giá Lạc (Ga-ya).
Ở quyển thứ 3 của bộ sách, nội dung trình bày trong hai thiên Hưng pháp đệ tam và Tháp tượng đệ tứ tập trung xoay quanh vấn đề truyền bá Phật giáo từ Trung Quốc vào Cao Câu Ly rồi Bách Tế và cuối cùng là Tân La. Theo sau đó là những huyền thoại xung quanh các danh lam, bảo tháp ở ba nước, nhất là Tân La, đất nước có tinh thần tích cực nhất trong việc tiếp nhận và đề cao Phật giáo. Trọn vẹn trong quyển 4 của tác phẩm, thiên Nghĩa giải đệ ngũ, Nhất Nhiên đã ghi chép 14 nội dung về câu chuyện của các nhà sư và những huyền thoại đậm màu sắc kỳ ảo xung quanh họ. Trong đó nổi bật tên tuổi các danh tăng như Viên Quang (Won-gwang): Vị cao tăng mở đường du học Phật pháp cho đời sau; Từ Tạng (Ja-jang): Người có công phát huy Phật giáo đưa Phật pháp đi vào thời kỳ toàn thịnh; Nguyên Hiểu (Won-hyo), Nghĩa Tương (Eui-sang): Những vị sư có công lao giáo hóa Phật pháp…
Rốt lại ở quyển 5, Nhất Nhiên đã tích hợp bốn thiên nội dung vẫn lấy Phật giáo làm trọng tâm. Thiên Thần chú đệ lục nói về sử tích các thần tăng của phái Mật tông. Chủ yếu là những truyện kể Phật giáo lưu truyền trong dân gian về ba vị pháp sư Mật Bản (Mil-bon), Huệ Thông (Hye-tong) và Minh Lương (Myeong-nang). Trong 3 thiên còn lại (Cảm thông đệ thất, Tỵ ấn đệ bát, Hiếu thiện đệ cửu) lần lượt trình bày những kỳ tích của tín ngưỡng Phật giáo, huyền thoại về các nhà sư ẩn dật và đề cao hiếu đức của các nhà sư.
Từ thời Cao Ly, Tam quốc di sự đã được đánh giá là một tài liệu quan trọng để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Hàn Quốc cổ đại. Năm 2003, tác phẩm đã được Hàn Quốc công nhận là quốc bảo và được lưu giữ tại Khuê chương các của Đại học Seoul, tại Đại học Korea và chùa Phạm Ngư (Beom-eo).
Bìa Tam quốc di sự
Đến với Tam quốc di sự, người đọc sẽ được thả mình tự do vào dòng thời gian nửa hư nửa thực tràn ngập không khí trang nghiệm của lịch sử cũng như không khí ly kỳ huyền ảo của văn chương. Bởi tác phẩm được xây dựng trên tính chất “văn sử nhất thể”, tạo nên một loại hình trước thuật lịch sử hấp dẫn, không nhàm chán.
Đọc Tam quốc di sự, người đọc sẽ nhận thấy một tinh thần say mê miệt mài với lịch sử nước nhà của nhà sư Nhất Nhiên trong từng câu chữ. Trong đó, lịch sử hàng nghìn năm được tái hiện lại sống động, khơi dây niềm tự hào lâu dài của một dân tộc.
Trong Tam quốc di sự tích hợp một lượng không nhỏ những tri thức lịch sử, tư tưởng, văn hóa, văn học… Tác phẩm đã vận dụng đa dạng 27 nguồn tài liệu Trung Quốc và trên 50 nguồn tài liệu Hàn Quốc, cùng với các tư liệu cổ ký, hương ký, bia văn, văn bản cổ. Nội dung Tam quốc di sự là tập hợp các truyện kể về các nhân vật từ vua, quan, các vị cao tăng đến dân thường và đời sống của họ. Đây còn là tài liệu quý giá ghi nhận 15 bài hương ca (hyang-ga), một thể loại thơ ca mang bản sắc riêng của Hàn Quốc, như Tán Kỳ Bà lang ca, Đâu suất ca, Tế vong muội ca… Không những vậy, Tam quốc di sự chứa đựng đậm đặc tinh thần Phật giáo, hòa trộn với màu sắc Đạo giáo và không gian văn hóa Nho giáo. Sự hỗn dung ba hệ tư tưởng làm nên giá trị cốt lõi tinh thần của văn hóa khu vực Đông Á.
23/6/2014
Vương Hoài Lâm
Theo http://vanchuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đ...