Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Cúi đầu

Cúi đầu

PHẦN I
Tuổi thơ của một người đàn bà
1. Tôi chỉ là người đàn bà!
Lúc nào tôi cũng có thể phác ngay trong trí những nét chính cuộc đời tôi cho đến nay, nhưng tôi không thể nhất thiết kể theo thứ tự thời gian như thế được, cả tâm hồn tôi, giờ đây luôn luôn muốn biến thành cái lò nổ, chỗ nào yếu nổ trước; cả tâm hồn tôi mang muôn ngàn vết thương, tôi muốn nhắm mắt nặn nhọt hoặc thoa thuốc vào chỗ nào nhức nhối nhất. Tuy nhiên tôi cũng cố gắng cho câu chuyện một trật tự tối thiểu. Tôi chỉ là một người đàn bà! Phải thổ lộ nỗi lòng, nếu không tôi phát điên lên mất.
Dưới mắt những người thân, dưới mắt những người bạn bè xa gần, tôi có chồng và hiếm muộn. Ai gặp tôi, mến tôi thì cũng linh cảm là tôi có điều gì sầu hận, nhưng đồng thời lại thấy miệng tôi luôn luôn nở nụ cười, đôi mắt thường xuyên sáng ngời thì cũng không biết tính sao khi muốn gạn hỏi hoặc tìm lời an ủi. Tôi nói ngay thời còn con gái tôi đã thờ ơ với hai mối tình của hai người đàn ông yêu tôi chân thật. Giờ đây nữa, một trong hai người còn theo đuổi. Tôi là nạn nhân của chính tôi – phải, của chính tôi – thì còn kêu oan vào đâu?
Tôi có đôi vợ chồng bạn, anh chị Minh, mà tôi quý nhất. Chị Minh người hiền hậu, tiểu gia đình chị có một sự phân công gương mẫu: anh đi làm kiếm tiền, chị quán xuyến việc nội trợ. Chị có bốn đứa con, đứa nào cũng khôi ngô đĩnh ngộ, mỗi đứa một vẻ. Cặp vợ chồng này hòa thuận quá, gặp giờ họp mặt đông đủ, anh pha trò trêu chị, chị pha trò trêu lại anh. Mỗi lần tôi đến chơi, thái độ của cả gia đình niềm nở, tôi nói cả gia đình vì kể cả lũ nhỏ ùa lại ríu rít hỏi quà bác, hai đứa lớn gặp khi đương học hay đương làm bài thì cũng đứng dậy khoanh tay chào “Bác ạ” rồi mới thùy mị ngồi xuống tiếp tục công việc học. Đừng tưởng người chồng quá chân chỉ hạt bột, anh cũng vui anh vui em, khi tiệm nhảy, khi phòng trà, nhưng chị tha thứ, coi đó là nếp sống bừa bãi cần thiết của người đàn ông. Đôi khi chợt đến chơi vào buổi tối, tôi thấy anh ôm trên tay một lúc hai đứa nhỏ, nhảy theo điệu nhạc radio, trông bước đi đủ rõ anh nhảy vào hạng khá. Anh có quát mắng và đánh lũ trẻ khi chúng hư, nhưng chúng yêu bố cũng bằng yêu mẹ. Tôi vẫn hằng tự nhủ nếu có ngày nào phải nói thật chuyện tôi, tôi sẽ nói với chị bạn này (với anh thì nhất định không rồi).
Tôi thiếu tình yêu chỉ có thể tâm sự với người đầy đủ hạnh phúc, không thể tâm sự với kẻ cũng thiếu như tôi, không thể tâm sự với anh Hoan chẳng hạn. Anh Hoan lấy chị Hoan cũng chỉ vì cha mẹ bắt buộc phải lấy cho môn đăng hộ đối, nhưng anh nghệ sĩ phóng khoáng, chị thì quá chi li, quá thực tế, luôn luôn mè nheo anh về vấn đề tiền. Chị Hoan nội trợ đảm đang, trông nom con cái đến nơi đến chốn, anh Hoan biết vậy lắm, nhưng vẫn bất mãn vì tính tình đôi bên quá trái ngược, thành thử đôi bên – chị Hoan cũng như chính anh Hoan – luôn luôn thèm chuyện. Hễ gặp tôi là chị than phiền anh, còn anh, vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, anh cũng lang thang hết nhà bạn này đến nhà bạn khác cũng chỉ để tâm sự cho vơi nỗi lòng. Có đôi lần chị về thì anh tới, tôi phải lẳng lặng nghe và an ủi cả hai. Nhưng anh chị Hoan tâm sự với tôi thì được, chứ chuyện tôi thì làm sao tâm sự với một trong hai người đó? Nguy lắm! Tôi chỉ có thể ngỏ thực chuyện tôi với chị Minh. Tôi đã nhất quyết thế, nhưng đến chơi chị, đã mấy lần sắp nói thì hoặc sực nhớ việc gì chị phải chạy vào trong nhà, vào bếp; hoặc con khóc, con cãi nhau, chị phải chạy lại dỗ, mắng… Lúc đó tôi mới thấy rằng cái người duy nhất để thổ lộ tâm sự ấy không bao giờ có đủ số thì giờ cần thiết để nghe câu chuyện tâm sự chừng ba bốn tiếng đồng hồ liền của tôi. Câu chuyện của tôi mà kể nhát gừng thì còn kể làm sao, và nó ra cái gì?! Tôi thiếu tình vợ chồng, điều mà không ai ngờ nổi kể cả người thân ruột thịt là anh tôi, lỗi ấy không ở chồng tôi – nếu có thể gọi thế được – mà là chính ở tôi. Tôi cần phải nói liên miên, phải kể liền một lúc câu chuyện u uất của tôi, kể không theo một thứ tự gì cả, gặp đâu kể đấy. Sự thực câu chuyện của tôi cũng chẳng cần phải theo thứ tự cho lắm bởi tiểu tiết nào cũng có cái phồn thịnh đặc biệt của nó, tiểu tiết nào vũng có cái vẻ nắm giữ vai trò quyết định để du tôi vào con đường độc đạo hun hút mà rồi tôi phải dần bước, lùi lũi dấn bước suốt đời! Nỗi đau khổ của tôi có đấy mà lại như vô hình vô sắc, sự thiếu thốn của tôi không phải bất cứ người nào, bất cứ lúc nào, mang lại bù đắp là tôi được thỏa mãn. Giả sử Phiên tuyên bố phá giới không tu Bồ tát giới nữa để cùng tôi có sự liên lạc thể xác vợ chồng, tôi sẽ xin ly dị ngay, hoặc tôi sẽ phát điên lên mà tự tử bằng bất cứ cách gì. Tôi gớm làm việc đó với Phiên. Tôi chỉ có thể coi Phiên như người anh, người anh ruột mà tôi mến kính. Có một đêm tôi nằm mơ thấy như xưa kia, tôi còn một người anh ruột nữa, khi mẹ chết, người anh ruột thất lạc. Chao ôi, nếu quả sự thật mà được như vậy thì tôi dám quả quyết người anh mất tích từ ngày thơ ấu kia chính là Phiên bây giờ và tôi đã tái diễn một phần nào định mệnh của nàng Tô Thị. Một lần khác tôi mơ thấy đi trên bãi biển với một người đàn ông, người đó có thể là Huân, có thể là Thiện (hai mối tình hắt hủi), có thể là kết tinh của cả hai. Người đó dắt tôi đi rảo bước trên cát mịn, tiếng sóng từ ngoài xa tuần tự xô vào, khi thì rầm rộ như trận bão lớn, khi thì rì rầm như tiếng thông reo. Bãi biển rất vắng, tuy nhiên chúng tôi có gặp đôi ba người đi ngược chiều lại thì phải, hoặc đôi ba người đứng im hoặc ngồi im đây đó. Hai chúng tôi đi vào một chiếc thành đá, tựa như một con đê thiên nhiên bằng đá, rồi chúng tôi đi vào một khoảng bãi biển vắng, quây tròn xung quanh là những tảng đá cao thấp khác nhau kết lại thành một bức thành khác nhỏ hơn nhưng huyền diệu, hoàn toàn ngăn bước lũ phàm phu tục tử. Chỉ có hai chúng tôi, sáng trăng mờ mờ, chúng tôi không nhìn thấy những khuôn mặt nhau, hình như đôi mắt lúc đó không phải là dùng để nhìn nhau, mà là để kết hợp với đôi tai nghe rõ tiếng sóng biển dạt dào… dạt dào và để ngắm xa xôi vừng trăng mọc cao trên khoảng núi rừng đối diện với biển. Có đám mây lướt tới… và môi người đàn ông cũng vừa lướt tới hôn tôi, hôn lên má… rồi dừng lại trên đôi môi. Trăng, núi, rừng, biển chợt nhòa đi biến vào hư ảo, người đàn ông dìu tôi nằm xuống bãi cát, tôi hưởng một niềm hoan lạc vô cùng quý giá vì nó vẫn rất tinh khiết mà vẫn làm cho tôi tê dại tan hòa vào cái mênh mang không bờ không bến của vũ trụ. Khi tỉnh dậy, tôi chỉ còn thấy chiếc chăn gấp bốn đặt ngang bụng mà tôi chưa kịp tung ra đã chợp ngủ. Tôi chắc chắn rằng đời tôi không bao giờ còn được gặp lại giấc mộng đẹp mênh mông ấy nữa, hoặc giả nếu có tái sinh thì cũng phải đợi nhiều, rất nhiều kiếp nữa. Với mộng thì thế, còn với người, với hoàn cảnh, làm sao tôi gặp được người đàn ông lý tưởng kết tinh vẻ đẹp tình yêu chung thủy của cả Huân lẫn Thiện? Giả sử có được thì làm sao hắn biết cách rủ tôi ra bãi biển một đêm trăng, làm sao hắn biết hôn tôi vào đúng lúc mây lướt tới hôn trăng? Ôi, còn những người xung quanh, những lo lắng của bản thân, những lo lắng của kiếp người. Nói tóm lại trong thực tế, tôi đừng hòng được hưởng một cuộc ái ân tinh khiết tuyệt vời như tôi được hưởng trong giấc mộng ngàn đời một thuở kia. Tôi phải ôn lại tuổi thơ với hình ảnh mẹ tôi, với những đức tính của mẹ tôi để trấn tĩnh lấy tinh thần. Khốn khổ cho thân tôi chưa, tôi đã mất cái gì? Tôi mất tôi chăng?
2. Mẹ mất năm tôi chớm mười ba tuổi, “Nữ thập tam, nam thập lục”, vào tuổi này người con gái đang đứng ở ngưỡng cửa nghĩ ngợi dò hỏi… Tôi không có dịp dò hỏi “Đông đào Tây liễu biết ai bạn cùng”, phải chăng vì mẹ chết vào lúc đó, phải chăng vì trên tôi, dưới tôi, không có chị em gái nào để mà gợi chuyện lứa đôi?
Cha tôi sinh vào năm chấm dứt giai đoạn Văn Thân Cần Vương, nghĩa là năm 1895, năm cụ Phan Đình Phùng chết vì bệnh kiết lỵ trong núi. Cha tôi cũng thuộc dòng họ Phan; người có thể đã là một trong những người được cử đi Nhật Bản nếu phong trào Đông Du không sớm bị tàn lụi vào năm 1912. Theo như sự suy xét sau này của tôi thì sự chuyển hướng của người phải kể từ ngày đó: người không trực tiếp hoạt động chính trị nữa, người chuyển sang hoạt động văn chương, người làm những bài thơ cảnh tỉnh quốc dân, những bài ca trù, những bài hát xẩm ái quốc tiêu cực, giọng điệu lâm ly thấm thía khiến người dân Việt thời đó nếu không thể vùng lên được vì thời cơ chưa thuận tiện thì cũng không thể quên được cái nhục vong quốc. Những bài thơ đó cha ký hẳn tên thực. Danh sĩ bốn phương tấp nập tới thăm. Những viên chức cai trị người Pháp cũng tới làm thân vừa để tỏ thái độ mua chuộc cầu hiền, vừa để dò la canh chừng. Tân Việt Cách Mạng Đảng thành lập (1925) đúng vào thời danh tiếng cha tôi vang dậy như cồn. Các sĩ phu lãnh đạo Tân Việt Đảng (đã chuyển sang Tây học và đã từ bị đầy đi Côn Đảo) thường liên lạc với cha tôi. Tới năm Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời (1927), cha tôi nhiều lần bí mật họp bàn với các cấp lãnh đạo đảng, rồi một mặt người tiếp tục trước tác thơ ái quốc, mặt khác người dịch thuật để phổ biến những bài báo, những trang nói về cuộc cách mạng Tân Hợi Trung Hoa, về Tôn Trung Sơn, về Tam Dân Chủ Nghĩa… (Tuổi thơ của hai anh em tôi lớn lên trong bầu không khí cách mạng và tìm hiểu cách mạng như vậy, chẳng khác gì trà được ủ, được ướp hương hoa.) Những hoạt động đó của cha tôi không thoát khỏi con mắt phòng Nhì thực dân, nhưng chúng biết cha tôi hoạt động thuần văn học nên chỉ canh chừng và vẫn làm ngơ. Sau này khi đã trưởng thành và thực sự đi vào con đường cách mạng, mỗi khi phê bình điều này, anh tôi thường lắc đầu mà rằng: “Cách cai trị của thực dân Pháp thật là cáo già!”
Một lần anh tôi cất lời hỏi thêm:
- Cô có nhận thấy tới dạo thầy đã nghiện a phiến thật sự rồi, thì không còn bóng một tên quan cai trị người Pháp nào tới thăm lấy lòng nữa?
- Vâng, em nhớ. - Tôi đáp.
- Cô có hiểu lý do vì sao không?
- Có thể thực dân cho rằng như vậy là một nguồn hiểm họa của chúng hết hiệu lực!
- Đúng, cô nói đúng. Chúng thật cáo già! Dòng dõi nhà quan, cha tôi là sở hữu chủ khoảng trăm mẫu tư điền hạng thượng đẳng ở quê nhà, một làng thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông. Làng tôi nằm giữa bốn bề phương vật; phía Đông có húng Láng, thứ húng thơm quý mà trồng khỏi làng Láng thì thành… bạc hà, phía Tây có cốm vòng, thứ cốm xanh màu ngọc thạch, đẹp mịn và dẻo thơm như kết tụ được phẩm chất cao quý của lúa thời con gái, phía Nam là cánh đồng Thanh Trì có thứ gạo gié cánh vẫn thường được xay bột, tráng bánh cuốn, thứ bánh trắng mỏng như nõn chuối, thoạt trông ngỡ là trong suốt, khi miếng bánh được đặt vào miệng thì tưởng như bột đó tự ý tan ra mà thấm vào thớ lưỡi, tan hòa vào mạch máu, ôm ấp lấy vị giác, tỏa thành hương đồng Bắc Việt.
Cha tôi ít về thăm quê, việc thu hoa lợi đã có gia nhân, người chỉ từ ấp Thái Hà về quê vào những dịp có đám giỗ lớn, hoặc Tết nhất, hoặc làng vào đám. Sự có mặt của người tại ấp Thái Hà là một điều cần thiết, vì nơi đây đã trở thành một trong những trung tâm liên lạc cách mạng. Không ngày nào là trại nhà không có thực khách. Anh tôi vẫn thường nhắc lại cho tôi nghe một vụ mật thám Pháp bất chợt ập tới khám nhà. Chúng dò biết có một yếu nhân vừa tới. May thay vị lãnh tụ cách mạng thoát nạn vì cha tôi đã lanh ý trao cho bộ đồ của người vú; lãnh tụ hóa trang, bận váy, mặc áo cánh nâu, đeo yếm cổ thìa, chít khăn mỏ quạ, ôm tôi (ngày đó mới vừa đầy năm) và đưa võng kĩu kịt trong buồng tối, ngoài cửa buồng là chiếc nồi đất đầy tro ấm có đốm chút than hồng, dấu hiệu trong buồng có trẻ đang lên đậu mùa.
Lần đó ví chẳng may phòng nhì Pháp bắt được lãnh tụ, cha tôi hẳn mang gánh trách nhiệm và trở thành một thứ thiên thần gẫy cánh. Đàng này hoàn toàn vô tang chứng, hôm sau lập tức viên chức cai trị người Pháp tới thăm, làm bộ băn khoăn bứt rứt, hết sức xin lỗi cha tôi về thái độ đường đột của lũ bộ hạ mật thám trực thuộc hắn.
Kể từ ngày ấy cha chịu khó ngụy trang cho các cuộc tiếp tân hơn, người cho gọi cô đào đến hát, hát những bài ca trù chính người sáng tác; người cho mua bàn đèn, và quây quần quanh bàn đèn, các khách cách mạng của người bàn luận… soạn thảo… tổ chức những người trong nước, chuẩn bị những người ra đi… Các đồng chí đến rồi đi, nhưng cha tôi thì nằm đấy, thường xuyên nằm đấy, ôm lấy cái bàn đèn, cố định trong vai chủ tiếp khách. Cái bàn đèn mãi mãi là chiếc bình phong cho các bạn làm cách mạng, nhưng riêng với cha tôi, chiếc bàn đèn đó sau này đã làm chủ người.
Cha tôi nghiện thật sự nhưng nhờ lợi tức một trăm mẫu thượng đẳng điền ở quê nhà, thêm tài quán xuyến của mẹ, nên tuy nghiện mà phong thái của người vẫn như xưa, nhà vẫn đông khách; khách tới, lũ chúng tôi vẫn có buồng học riêng, sân chơi riêng để không làm nhộn các vị. Khuôn đúc trong nền giáo dục nghiêm khắc của cha nhưng kèm theo những khuyên răn dịu hiền của mẹ, nên chúng tôi thảnh thơi trong nề nếp con nhà như cá thảnh thơi với nước. Tôi có ý thức về nếp sống này phải kể từ năm lên bảy lên tám trở đi, bao nhiêu chuyện xảy ra hồi nhỏ trước tuổi này, chính anh Quát, người anh duy nhất hơn tôi ba tuổi, kể lại cho nghe về sau.
Hai anh em tôi thường hợp với lũ trẻ hàng xóm chơi trò “đánh Tây cướp thành Hà Nội”.
Trò này cũng là do một đồng chí trẻ tuổi của cha tôi bày ra. Chúng tôi chia làm hai toán, một toán làm Tây giữ thành Hà Nội, một toán làm quân cách mạng muốn lập mưu đánh úp để cướp thành. Bao giờ hai anh em tôi cũng cầm đầu toán quân cách mạng. Lần đầu tiên chuẩn bị trò chơi này, tôi trèo lên lũy tre trại nhà, nhận thấy nơi đây chỉ có một lối xuống độc nhất, còn vòng quanh lũy tre cao, chỗ thì dựng đứng như tường, chỗ thì chằng chịt những duối gai, xương rồng, hoặc hào nước ô rô, ngoài nữa, bao quanh lũy tre là ruộng chìm ngậm nước. Tối hôm đó, tôi thảo luận với anh về kế hoạch “lãnh đạo quân cách mạng”. Hôm sau anh em tôi nhử cho toán “Tây giữ thành Hà Nội” đuổi “quân cách mạng” qua khỏi độc đạo đó. Nhưng khi vừa xuống lũy, chúng bị toán “quân cách mạng” mai phục ùa ra đánh, đường độc đạo đã bị ngăn chặn bằng cách giăng ngang dây thừng và ném gạch đá dữ dội. Lũ “Tây” chạy re theo lũy tìm lối lên, nhưng lối lên không có, cực chẳng đã chúng đành chạy ùa xuống ruộng chiêm nước ngập tới bụng. Sau khi chúng chịu thua “trả lại thành Hà Nội”, “quân cách mạng” cho chúng lên, thì đã có mấy đứa bị đỉa cắn máu chảy ròng ròng ở bụng hoặc ở bẹn.
Tôi còn sáng kiến muốn bày trò chơi “Ký Con ám sát mật thám tay sai Pháp”, nhưng ai cũng muốn làm Ký Con mà chẳng ai chịu làm mật thám để tất nhiên bị ám sát (không thể khác được) nên trò này đành bỏ.
Tuổi thơ của tôi chấm dứt kể từ ngày mẹ chết, tôi thừa hưởng ở người thái độ nhẫn nại “dù no dù đói cho tươi”. Đúng thế, mẹ tôi thuở sinh thời kính cẩn thưa gửi người trên, dịu dàng sai bảo kẻ dưới, tuyệt nhiên tôi không thấy người cùng một lúc cau mày và dằn lời bao giờ. Còn nhớ, mỗi lần có điều gì phật ý hoặc bị cha đánh mắng, tôi có nhăn mặt khóc mếu thì mẹ thoáng nhìn vào thẳng đôi mắt tôi, nghiêm nghị mà vẫn dịu dàng, giọng trầm và mạnh, người nói gọn mà vẫn có âm vang êm đềm: “Tươi.i.i…” Tiếng “Tươi” kéo dài như vậy mà tuyệt nhiên không có một chút gì là đay nghiến, lập tức tôi bị thôi miên bởi đôi mắt gợn tia sáng hiền từ, tiếng ra lệnh gọn dịu âm vang đó và tươi ngay.
Từ sau ngày mẹ chết, tôi thường bị cha đánh đòn. Không phải vì tôi quá hư hỏng nghịch ngợm gì, nhưng phần vì cách giáo dục của cha tôi vẫn luôn luôn nghiêm khắc như vậy, phần vì từ sau ngày mẹ chết, cha tôi trở nên gắt gỏng và khắc nghiệt hơn nhiều, còn sự vụng dại của tuổi mười ba thì có gì là đáng ngạc nhiên. Những trận đòn bất ngờ tê dại da thịt, tôi còn nhớ. Tuy nhiên tôi không hề oán cha, trái lại luôn luôn thâm cảm rằng người vẫn thương yêu các con rất mực, chắc chắn là người còn thương yêu chúng tôi hơn cả khi mẹ còn sống. Nhưng chim phượng hoàng đó càng bay bổng ở miền thơ văn, càng bất lực ở thực tại gà trống nuôi con, do đó đâm ra giận mình rồi bẳn tính và trút cả những bực dọc đó trong tiếng quát tháo, trong những trận đòn bất ngờ. Rồi người mê một danh ca ở Khâm Thiên, có ý định lấy cô ta làm kế. Tôi lên mặt “bà cụ non” khuyên can cha. Người nổi trận lôi đình và tôi lại cắn răng chịu đòn. Nhưng chịu dứt trận đòn, tôi giữ được khuôn mặt tươi liền, thứ tươi bình thản của kẻ đã thắng, qua sự tươi sớm trở lại đó, gương mặt tôi vẫn giữ nguyên niềm kính mến với cha.
Lạy mẹ, con đã thừa hưởng trọn đời con thứ gia tài vô vàn quý giá của mẹ là biết chịu đựng mọi thử thách, mọi ngang trái của đời với một thái độ bình tĩnh kỳ diệu, nó làm cho những ngang trái đó mất hết hiệu lực bén nhọn của tàn phá giày vò và ngược chiều trở thành thứ lửa hữu ích nung nấu cho hồn mình thành kim cương. 
3. Năm mười lăm tuổi, mặc dầu còn bị đòn cha đánh, tôi đã biết làm thơ, thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Bài đầu tiên tôi làm để ca ngợi Hai Bà Trưng, bài thứ hai ca ngợi Bà Triệu, bài thứ ba ca ngợi Phù Đổng Thiên Vương… Tôi ham đọc sử. Ý thơ còn vụng dại, nhưng lời thơ đã khá chỉnh. Bậc cha chú trong nhà thấy vậy thì khen là “con bố”, nhưng thực ra tôi yêu văn thơ, thích làm thơ là do thường xuyên sống với hình ảnh mẹ tôi, hiện thân của nghiêm kính và thương yêu với sức lôi cuốn mãnh liệt mà dịu dàng. Anh em tôi thừa hưởng của cha cái gì? – Cái hăng say cách mạng! Từ lúc đã lớn, không còn chơi trò “đánh Tây cướp thành Hà Nội” nữa, anh em tôi toàn bàn những chuyện to lớn, những chuyện mà sau này tôi mệnh danh là “những chuyện trên giời dưới biển”. Lẽ ra, nếu nhà có chị em gái thì năm mười lăm, mười sáu tôi đã biết cách làm dáng làm đỏm, biết e thẹn trước đàn ông, chết nỗi trên tôi chỉ có một anh trai, nên toàn bàn chuyện mai hậu sẽ tổ chức cai quản trăm mẫu tư điền của cha tôi ở nhà quê ra sao để có thể kiến thiến được một nhà bảo sanh thật rộng, một trường học thật đẹp, một nhà thương thật có tổ chức… Ấy đó, đại loại những điều tôi loay hoay nghĩ đều là những “việc lớn” có tính cách xã hội cách mạng như vậy, lúc nào đã thấy mệt về những toan tính tương lai đó, tôi làm thơ, thơ vịnh sử, hay thơ tình cảm cao khiết; tôi khinh vô cùng những chuyện tình, chuyện lợi, tôi không quan niệm nổi con người Việt Nam, nhất là thanh niên Việt Nam, lại có thể nói những chuyện tầm thường đó trong hoàn cảnh đất nước còn chìm đắm trong nô lệ ngoại bang như kia được. Hồi đó khách khứa của cha tôi vẫn đông như xưa, nhưng khách cách mạng ít đi, phần đông là trong giới làm báo, những chủ báo tiếng Việt đến bàn chuyện cách mạng trên lý thuyết, rồi xin những bài thơ ái quốc của cha tôi; vài ông chủ báo tiếng Pháp thì vì ngưỡng mộ mà tới, rồi dần dà vì tới luôn mà nên thân. Có khi họ họp ở nhà tôi rồi kéo cha tôi đi, đi đến tòa báo, đi ăn uống, đi đến nhà Đốc Sao (chốn du hí sang trọng vào bậc nhất Hà Nội thời thực dân đô hộ) ở Khâm Thiên, một hai ngày mới về. Nhiều khi nửa đêm lại thêm khách ùa đến bộn nhà, không khí chợt bừng lên rộn rã làm chúng tôi thức giấc ở buồng trong. Một lần, tôi nghe tiếng một ông bạn của cha tôi phát biểu ý kiến cho gọi cô đầu Khâm Thiên về hát khúc Tỳ Bà vào lúc đêm khuya thanh vắng đó. Cha tôi ưng liền, lấy danh thiếp viết, rồi sai người nhà phóng xe ra đi liền. Danh sĩ với danh ca! Tất nhiên danh ca luôn luôn thấy rằng đó là một bổn phận phải tức khắc đáp lời tri kỷ. Nàng, trên đường đi tới thì vội vã lật đật, nhưng khi đã tới thì giữ cho dáng người khoan thai, rồi tiếng phách reo giòn như tiếng reo vui, giao thoa giữa những tâm hồn tri kỷ. Rồi tiếng hát tỉ tê, nao nao êm ả đan lẫn vào tiếng đàn ngọt ngào, tôi ngủ thiếp khoảng nửa chừng khúc Tỳ Bà Hành, khúc hát vừa buồn vừa rạo rực, đê mê xao xuyến một cách cổ kính. Nàng danh ca đó có đôi lần đến thăm cha tôi vào ban ngày, thường ở lại lâu, nếu vào dịp nhà không có khách, tôi cảm thấy chướng mắt. Rồi có tin đồn cha tôi dự định lấy người đó làm vợ kế. Tôi đánh bạo hỏi, người quắc mắt nhìn tôi giây lâu, rồi quay đi không thèm trả lời. Tin đồn cơ hồ sắp thành sự thật, lần này tôi lên tiếng cản ngăn; người nổi cơn lôi đình thịnh nộ gọi tôi là “bà cụ non”, người ném cả chiếc gối mây về phía tôi, may tôi tránh kịp, chiếc gối veo tới tường gạch, văng chéo sang bên, dội mạnh vào chiếc đèn tọa, thông phong vỡ tan tành, dầu đổ tung tóe loang thành một khoảng lớn trên nền gạch. Tôi còn nhớ cảm giác nhói buốt khi nghe tiếng thủy tinh rơi vỡ ngày ấy, nhưng tôi vẫn giữ nguyên vẻ bình tĩnh, khẽ cúi đầu thầm lặng, ý cầu xin cha nguôi giận, rồi xuống nhà. Tôi còn lên tiếng can ngăn người mấy lần nữa, lần nào cũng bị người đánh, tát, kèm theo những lời quát mắng “bà cụ non”, “trứng khôn hơn vịt”… Nhưng lần sau cùng, cha tôi chỉ lừ mắt trầm ngâm, dường như có thở dài. Rồi nữ danh ca được chính thức đón về làm vỡ kế. Hai anh em tôi gọi nàng là “Dương Quý Phi” – nàng chả họ Dương. Dương Quý Phi đối với tôi thân thiện và nhã nhặn lắm, luôn luôn tỏ vẻ ân cần săn sóc, dù tôi biết chỉ hời hợt bề ngoài; và nếp sống của người nghệ sĩ đó làm sao có thể so sánh được với nếp sống thuần khiết đạo đức của mẹ tôi xưa. Đến lúc đó tôi mới có dịp ôn lại nếp sống của mẹ để so sánh. Kể từ năm lên tám, lên chín trở đi là năm tôi đã khởi sự có ý thức “lờ mờ” về mình, về người thân xung quanh, nhớ lại quả thực tôi chưa hề thấy mẹ cãi nhau với ai. Ngoài những khách cách mạng, văn nghệ của chồng, mẹ tôi còn luôn luôn niềm nở tiếp đón anh em bà con nhà chồng từ trong quê ra, năm mười người là thường. Gạo, muối, mắm, trứng, lạp xưởng, củi lửa… những thứ đó, không bao giờ trong nhà thiếu, bởi vậy dù khách tới bất ngờ đến đâu, số lượng dù tới chục người, mẹ tôi vẫn lẳng lặng điều khiển người nhà làm cơm tức khắc. Phải, có một lần cha tôi lật đật từ nhà trên xuống nhà dưới, nói với mẹ tôi:
- Bà làm ngay cho cái gì nhắm để giữ bác ấy ở lại, không có bác ấy đi mất.
Lập tức mẹ tôi đặt soong nước lên bếp, cắt tiết, chặt ngay đôi đùi, lấy nước sôi trữ sẵn làm lông, thả vào soong nước đã bắt đầu sôi, tính ra chỉ vừa mười lăm phút sau, người đã bưng mâm đồ nhấm thịt gà lá chanh, trứng luộc lên, kế đó các thức nhắm khác tiếp tục mang lên cho đến lúc tiệc tàn.
Không bao giờ tôi nghe mẹ to tiếng quát tháo người làm. Thảo nào hàng năm cứ đến ngày giỗ người, là u già, anh bếp, anh xe từ nhà quê lên làm lễ kính cẩn và ôn lại cho tôi nghe những năm được làm lụng dưới sự sai khiến của người.
Bên nội thì thế, đến bên ngoại thì sự quý trọng còn gấp bội vì xa xôi cách trở (quê ngoại tôi ở tận Sơn Tây). Sinh thời mỗi lần về thăm quê ngoại, chắc chắn là mẹ tôi lại có dịp can gián trên, hòa giải dưới, bậc trên thì nể và mến, bề dưới thì sợ và yêu. Thôi thì các anh chị em ruột, các chị dâu, em dâu, ai có chuyện gì lục đục chỉ chờ đến ngày đó mà phân trần với cô Phan, với chị Phan, với dì Phan… Vì vậy mẹ tôi thường có ý về trước ngày giỗ chính mấy ngày. Ông ngoại nhất nhất cái gì cũng hỏi ý kiến “cô Phan” trước đã, rồi mới quyết định.
“Ối chao, - lời một bà dì tôi cho tới nay vẫn thường nhắc – tới ngày giỗ, con cháu ngồi chật nhà trên nhà dưới, mấy chục mâm, mẹ cháu pha trò cười mấy mâm. Mẹ cháu vui mà nghiêm, các dì sợ “chị Phan” hơn mẹ.”
PHẦN II
Khuôn mặt và giấc mơ
1. Trong cuộc đời có chồng nhưng cô độc của tôi, tôi luôn luôn cảm thấy mình sắp khám phá ra điều gì. Một ngày kia, tôi chợt ngắm đứa trẻ nhỏ nhà đối diện. Đó là một cô bé mảnh mai, chừng tám chín tuổi, ngày ngày xách cặp đi học, chiếc cặp nặng trĩu, trông em xách mà tội nghiệp. Đúng là một cô bé hiền lành, khuôn mặt hao hao giống khuôn mặt tôi, khuôn mặt có gan chịu đựng, trông nghiêng thì hơi mỏng, có thể là một thứ em chồng đanh đá, một thứ mẹ chồng nanh ác về sau này, nhưng trông thẳng thì khuôn mặt đó lại hiền quá, nhất là đôi mắt của em, đôi mắt đen thăm thẳm. Lớn lên cô bé nhất định sẽ là một thứ nhan sắc kỳ lạ, thoạt có thể người ta không để ý, nhưng một khi đã để ý thì sẽ không bao giờ ra khỏi vùng trời huyền hoặc của đôi mắt ấy. Có một lần tôi cố ý đi ngược chiều để gặp em đương tiến đến chỗ chờ xe “buýt”. Thấy tôi mỉm cười nhìn, em cũng cười lại nhưng vội cúi đầu bẽn lẽn nên trông càng hiền. Khi em tiến ngang tôi, khuôn mặt nhìn nghiêng của em lại nhắc tôi nghĩ đến những người đanh ác, nhưng cũng lúc đó tôi như được mặc khải một chân lý: “Mới đơn độc có một đứa con trai hoặc một đứa con gái thì chưa thể quyết định là chúng thiện hay chúng ác, âm dương phải kết hợp, trai gái phải thành đôi, lúc đó chúng mới đủ khả năng rong ruổi theo hướng thiện hay hướng ác.”
Tôi ngoái lại một lần nữa, ánh nắng lọc qua lùm cây cao dày bâng khuâng như một ngày nhật thực, bóng áo trắng của em càng nhỏ đi, mong manh. Tôi bỗng thấy cuộc đời mênh mông và ớn lạnh lạ.
Khuôn mặt của em đã trở thành một ám ảnh cho cuộc đời tôi, tôi biết vậy! Tên em là Hoa.
Vì yêu em mà tôi để ý đến người cô của em đương học ở trường Đại học Sư phạm, ban Anh văn. Tôi đã học Anh văn và nói tiếng Anh khá thạo, việc làm quen với cô em thật dễ dàng đến nỗi về sau tôi không nhớ rõ là tôi đã tiến tới làm quen với Ngọc – tên người cô – hay Ngọc tiến tới làm quen với tôi.
Phái đoàn Chấn Hưng Đạo Đức Quốc Tế tới Sài Gòn, thăm các tỉnh miền Trung và cao nguyên vào dịp hè. Các nữ sinh viên ban Anh văn được mời đi cùng phái đoàn để thông ngôn đoàn thăm viếng là Vĩnh Long, lần này do sự giới thiệu của Ngọc, tôi cũng được mời vào ban thông dịch và đi Vĩnh Long.
- Chị có điều gì buồn thế? – Ngọc hỏi khi chúng tôi đã tới Vĩnh Long an trú tại trường Sư phạm.
- Không em ạ, chị chẳng có điều gì buồn cả đâu, tính chị thỉnh thoảng cứ chợt suy nghĩ không đâu như vậy.
Tôi trả lời Ngọc thế rồi cố làm vẻ tươi tỉnh chỉ vào hai cây đại cao hơn đầu người một chút ngay gần đấy và nói:
- Em trông hai cây đại này hoa màu hồng thật đẹp, chị vẫn thích hoa đại màu hồng!
- Vâng, em cũng đồng ý với chị, trông nó không tẻ chị nhỉ và gợi mình nghĩ đến những màu xác pháo ngày vui mừng.
Tôi mỉm cười, giờ đây thì tôi vui thật và hỏi lại Ngọc:
- Thế nào cô em, sắp đến ngày vui mừng của em rồi, còn bao lâu nữa thì em ra trường?
- Còn hơn một tháng nữa thôi chị ạ.
- Em thi đậu này, “anh chàng” đến đốt pháo trước cửa nhà em và rước em đi này, em được bổ giáo sư trung học lương cao này, tốt nghiệp Đại học Sư phạm mà.
- Trời em lo chết đi được, chị ơi.
- Em lo gì?
- Em lo thi.
- Năm cuối cùng ai nỡ đánh hỏng? Huống chi em chị lại học chăm và ngoan có tiếng.
- Năm ngoái ban Anh văn của em cũng có bốn người trượt khóa đầu, phải đợi khóa hai mới đỗ.
- Trước sau cũng thế, miễn là đỗ, phải không em?
- Đỗ khóa hai thì thường bị bổ đi nơi xa, điều đó hợp lẽ công bằng phải không chị?
Giá như nói chuyện với người khác thì tôi trả lời ngay: “Miễn là xã hội mình có công bằng,” nhưng nói chuyện với Ngọc thì tôi giữ được tâm hồn thanh thản, tôi chưa kịp nói gì thì Ngọc đã tiếp:
- Năm ngoái Nha Trung học đã quyết định là con gái thì chỉ bổ nhiệm tới Mỹ Tho là cùng, khỏi phải qua bắc Mỹ Thuận đi về những tỉnh miền Hậu Giang xa xôi, thế mà con bạn em đỗ khóa hai, hết chỗ gần rồi, phải bỏ đi Vĩnh Bình, miền sáng sớm có sương mù trắng xóa cách ba bước là không nhìn thấy mặt nhau.
Tôi vẫn yêu cảnh sương mù trắng xóa dày đặc, tôi còn nhớ cảm giác lâng lâng khi đi vào cánh đồng sương mù miền Bắc. Tôi nói với Ngọc:
- Đặc mình có cảm tưởng trần gian như được nhấc lên miền thượng giới, và lòng cũng quên bực dọc?
- Ấy chính các anh bạn học cùng lớp với con bạn em cũng nói thế và gọi đùa con bạn là “Người đẹp của miền sương trắng Vĩnh Bình”. Nhưng nó nói chuyện với em là những lúc thân gái một mình đội mưa đội nắng qua đò giang, những lúc giữa quãng đường xa hẻo lánh, xe đò bị “tụi nó” chặn thì thấy đồng lương mình lĩnh chẳng có nghĩa lý gì. Ấy thà là một chuyến đi chơi như chị em mình hôm nay thì không sao.
Tôi cùng Ngọc đi theo hai hàng thông còn thấp, tôi lẳng lặng đưa mắt nhìn về phía có khoảng đất hoang của nhà trường, khu đất hoang thì cỏ mọc như rừng, nhà trường thì trông xa cũng như trông gần đẹp như một đồ chơi quý giá. Tôi hỏi Ngọc:
- Chương trình chiều nay ra sao em nhỉ?
- Chừng một tiếng nữa chúng mình ăn cơm chiều, tám giờ đoàn bắt đầu diễn kịch và tuyên truyền, chừng mười một giờ rưỡi khuya thì xong, như thường lệ.
- Nếu vậy chị còn thì giờ lên tắm, rồi ăn cơm cho ngon.
- Vâng chị lên tắm đi, còn thừa thì giờ mà. Tôi cùng Ngọc quay trở lại, lên thềm, theo đường hành lang dài tắp, rồi lên lầu ký túc xá của nữ sinh viên Sư phạm, nơi tạm dành riêng làm chốn nghỉ ngơi cho nữ giới trong phái đoàn. Ngọc đưa cho tôi mượn chiếc mũ bằng ni lông, để lúc tắm chụp lên đầu cho khỏi ướt tóc.
Bên cửa ngoài dãy phòng tắm là tấm gương lớn chiếm gần trọn một mảng tường, tôi chỉ dám liếc mắt nhìn thoáng bóng mình trong đó, tấm gương lớn quá phản chiếu cả dãy hành lang. Bên trong thoạt là một dãy vòi nước, nơi các nữ sinh viên đến đánh răng rửa mặt. Trên dãy vòi nước là cả một mảng gương hẹp nhưng chạy dài theo suốt dãy tường gạch tráng men, mảnh gương hẹp đó phản chiếu đủ gương mặt của mình nên gợi vẻ thân mật, ấm cúng. Vì vậy tôi dừng lại và nhìn vào lâu hơn chút ít rồi mới rẽ vào dãy phòng tắm. Dãy phòng vệ sinh và dãy phòng tắm dựa lưng vào nhau, tới đâu cũng gặp màu men trắng tinh, màu kền mạ sáng loáng.
Tôi vào phòng tắm gần cuối dãy. Cài chốt cửa xong, tôi khỏa thân vặn nước. Nước từ hoa sen đổ xuống thoạt mát lạnh làm tôi rùng mình, nhưng rồi quen ngay, tôi ngửa mặt đón những tia nước chan hòa trên khắp thân thể. Chợt tôi có cảm giác lạ dưới chân. Cuối nhìn: thì ra nước không thoát, dềnh lên. Tôi cúi xuống thấp hơn, tay quờ vào miếng đồng vuông có những lỗ hoa thị để thoát nước. Một cụm tóc mềm và mảnh của một nữ sinh viên nào đó tắm trước tôi đã bịt mất những lỗ hoa thị. Tôi chưa vứt đã tưng bừng rút đi tức khắc như có kèm theo tiếng reo vui. Nhìn cụm tóc mềm của “ai” lần cuối. Tôi nghĩ thầm: “Khi người con gái đó mơn mởn khỏa thân trong phòng tắm, nàng nghĩ gì về tương lai lứa đôi?” Tôi ném vội cụm tóc ra xa và cười thầm mình đã đứng tuổi rồi mà còn ưa nghĩ lẩn thẩn.
2. Ở phòng tắm về vừa trang điểm xong, tôi hay tin phái đoàn được mời xuống dùng cơm tại Cafeteria của nhà trường, nơi vừa là phòng ăn, vừa là phòng diễn thuyết, diễn kịch. Phía sau sân khấu có cửa thông sang nhà bếp.
Bàn bên là mấy nam sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn cùng đi với phái đoàn Chấn Hưng Đạo Đức như Ngọc, một nam giáo sư trường Sư phạm Vĩnh Long ngồi tiếp. Họ thoạt cũng nói chuyện nhân tình ấm lạnh, rồi những vụ hà lạm công quỹ, những thái độ luồn cúi đê mạt… Vị nam giáo sư trước là phi công khu trục cơ. Ông kể lại thời ông theo lớp huấn luyện ở Marrakech (Maroc), ông thuật lại buổi được thả cho đơn phi đầu tiên, trời cao xanh, một mình một máy, nhìn xung quanh, nhìn lên cao, nhìn xuống thấp, lướt trên đám mây này, chui vào đám mây nọ, càng thấy mình nhỏ bé, càng ý thức được sự tự do của mình lại càng thấy kiêu kiêu. Giọng ông say sưa vô cùng như để bù đắp cho biết bao phiền nhiễu của hiện tại nặng nề những ngu xuẩn. Chẳng riêng gì bàn tôi mà mấy bàn gần đấy cũng đều hướng về phía ông nghe chuyện. Những hình ảnh ông kể ăn khớp với những khát vọng trong lòng mọi người.
Vẫn vở kịch “Con Hổ” được diễn lại, trước vở kịch vẫn những lời giới thiệu ấy, vẫn những nhân vật ấy ra nói những lời đã nói ở Sài Gòn, nhưng vở kịch được diễn một cách say mê, lời nói luôn luôn thành khẩn nên tôi xem lại, nghe lại mà không thấy nhàm.
Suốt ngày hôm sau là cuộc tiếp xúc của phái đoàn với các nhân sĩ Vĩnh Long, công việc chúng tôi đứng trung gian phiên dịch lại những lời đàm thoại cũng chẳng có gì khó nhọc, vì đây là những câu nói cởi mở và nếu không cởi mở hoàn toàn thì cũng không đến nỗi khách sáo vô duyên, hoặc những lời gài bẫy nhau như trong những cuộc giao thiệp “chính trị”.
Buối tối chúng tôi và một số nhân sĩ ra ngồi ở Bungalow uống trà, đàm đạo, hoặc nhìn cảnh sông nước. Tôi kéo ghế nhích riêng về một góc vừa đủ để được tự do ngẩng nhìn bầu trời sao. Tôi ưa đắm mình trong cái mênh mông thăm thẳm của bầu trời sao để thoa dịu các vết thương, vết thương nhỏ mọn của riêng tôi, viết thương của cả đất nước. Mà kỳ lạ thay, tôi thấy hai vết thương là một, liên quan mật thiết với nhau. Tôi nhớ lại khuôn mặt hiền của cô bé Hoa, khi bé ngước nhìn thoáng vẻ lo lắng hỏi Ngọc: “Thế ở Vĩnh Long có yên không hở cô?”
Tuy còn bé dại ngày hai buổi cắp sách đi về, bé đã biết đất nước không yên, thấy người thân yêu đi xa thì ra chiều lo lắng. Đất nước người, ai nấy muốn đi đâu thì đi, thấy cỏ xanh thì nằm, thấy rừng đẹp thì vào săn, thấy sông đẹp thì thả thuyền; đất nước mình cốt nhục tương tàn, lấn trong màu cỏ xanh, nước xanh, rừng xanh còn tiếng cười vô hình của phá hoại xen lẫn với tiếng mìn, tiếng thủy lôi, tiếng súng phục kích.
Như vậy làm sao mà tôi chẳng thích bầu trời sao cho được, bầu trời thăm thẳm là màu nhung tôi dùng để đắp vết thương, tôi phóng tư tưởng vào cánh đồng sao ngút ngàn đó mà không sợ mìn, không sợ cạm bẫy.
Nửa đêm trời đổ cơn mưa lớn, tiếng gió heo hút va vào cửa kính, cái lạnh bên ngoài chuyển ùa vào ngập căn phòng khuya tranh tối tranh sáng. Qua tiếng gió lạnh lùng heo hút, tôi có ảo tưởng nghe thấy tiếng trẻ khóc. Tôi có ảo tưởng đó vì cách đây không bao lâu có một buổi tối ông anh tôi nghe tiếng trẻ khóc thét bên hàng xóm, bèn do một liên tưởng nào đó nói với tôi:
“Cô có thấy nhìn lại những năm tháng qua, từ thời ấu niên của anh em ta cho đến nay đằng đẵng bao nhiêu năm trường quốc nạn, anh thấy như chỉ mới mấy phút thoáng qua, nhưng nhìn vào tương lai, số ngày tháng ít ỏi còn sót lại, sao anh thấy nó kềnh càng đến khó chịu, anh có cảm tưởng nuốt chúng mà mắc nghẹn như con ếch không nuốt nổi con cua bướng bỉnh nhất định giương tám cẳng hai càng ra chống đối. Nhưng nay nghe đứa trẻ khóc thét, nghĩ đến nhịp vỗ của bàn tay bà mẹ trên lưng nó, nghĩ đến tiếng bà mẹ khen nựng miệng con thơm hơi sữa, nghĩ đến bé vòng tay ôm lấy cổ mẹ, cô có thấy vòng tay xinh xắn của nó là vòng xích sắt ràng buộc lấy tình mẹ, thứ xích sắt mà cả ngạn vạn trái bom nguyên tử nổ cùng một lúc không tiêu hủy nổi.”
Lời ông anh tôi nói thật có lý, thật thống thiết, lời nói của người đau khổ nội tâm nhiều, lời nói của kẻ cam chịu biết bao hủy diệt để đúc kết lấy một chút ít chân lý trong nhận định. Chân lý vẫn đơn giản nhưng chẳng phải ai cũng dễ nói lên được nó để xúc động kẻ khác.
Cơn mưa dầm dề kéo suốt đêm rồi suốt buổi sáng hôm sau. Cũng trong buổi sáng đó, đọc báo tôi hay tin trưa hôm trước ngoài đảo Phú Quốc có trên chục chiếc thuyền đánh cá bị bão biển cuốn ra khơi. Vậy đây là bão rớt rồi!
3. Phái đoàn Chấn Hưng Đạo Đức trở lại Sài Gòn ngay sáng hôm đó. Gió tiếp tục lành lạnh ghê ghê, trời tiếp tục âm u, mây khói lướt thướt, mưa chợt đổ xuống, chợt tạnh… Khi qua bắc Mỹ Thuận, con sông mênh mông như cửa biển, những đợt sóng đỏ hung dữ va vào mũi phà bắn tung tóe cao trên đầu người rồi đổ ụp xuống làm một số hành khách cuống quýt lùi lại giữa phà nấp sau những xe đò cao và dài. Phải mất tới hai mươi phút phà mới sang tới bên kia bờ. Theo lời những người quen đi thì chuyến phà lâu gấp ba lần thường lệ. Lẽ ra nhìn bầu trời chì với dòng nước đỏ mênh mông của dòng sông ta có thể tìm thấy vẻ đẹp hùng vĩ của tạo vật, nhưng tôi chỉ liên tưởng đến sự phản bội trong lòng người đương phản ánh thành sự phản bội hùng vĩ bên ngoài tạo vật. Từ phà lên, mọi người đều phải gò người lại để đi ngược chiều gió. Xe tiếp tục bon bon trên đường về, tôi nhận thấy cánh đồng hai bên mênh mông nước. Có những dãy nhà lá hôm đi thì có người ở, nhưng giờ đây thì nước ngập đầy bên trong, người đã tản đi chỉ còn lỏng chỏng một ít đồ đạc như chiếc giường gỗ, chiếc quang gánh, chiếc lu đựng nước… Cũng có đôi nhà thấp thoáng bóng người đơn độc ngơ ngác bên trong, chắc là về để kiểm soát những gì còn lại và xem chừng mực nước. Cái gì giúp người dân sống được trong cảnh tiêu sơ hèn mọn ấy? Há chẳng phải là tình quê hương? Cái gì giúp con người vui sống trên mảnh đất quê hương đầy bấp bênh ấy? Há chẳng là tình đồng bào? Cái gì giúp con người khuây khỏa trong khi phải đối phó với cả đồng bào? Há chẳng là tình cha mẹ với con cái, tình vợ chồng, tình trai gái? Để lẩn tránh tai ương, hay để an ủi những rủi ro bất hạnh người ta đều ẩn mình trong những cái mà ta có thể gọi chung là tình thương yêu. Bây giờ tôi mới khám phá ra tại sao hôm vào buồng tắm khi thấy nước dềnh lên vì một cụm tóc nhỏ của một nữ sinh viên nào đó lấp mất chỗ nước thoát và khi tôi gạt cụm tóc nhỏ ra ngoài, tôi có đặt thầm câu hỏi: “Khi cô con gái mơn mởn này khỏa thân trong phòng tắm, nàng nghĩ gì về tương lai lứa đôi?” Lúc đó tôi nghĩ rằng mình đã đứng tuổi còn nghĩ lẩn thẩn nhưng bây giờ đây thì tôi hiểu tôi có lý khi nghĩ vậy. Vô tình mà có lý!
Xe tới Bến Lức lúc nào. Trời vẫn một màu chì, gió vẫn thổi mạnh, nhưng mưa đã ngừng rơi. Xe ngừng lại đợi đến phiên qua cầu. Những tiếng chào hàng hối hả: “Mía, mía!” “Bánh tét, bánh tét đây!” “Khóm miếng, khóm miếng!” “Đậu phọng, đậu phọng!”
Kèm theo với tiếng rao hàng là tiếng đàn lục huyền cầm thô sơ điểm nhịp của một người mù hát dạo, đứa con gái đứng cạnh giơ cao chiếc nón lá xin tiền.
Tôi chú ý đến em bé bán khóm chạy loăng quăng. Em mặc chiếc áo kẻ vuông đỏ, chiếc quần thâm bạc màu, em bịt kín đầu và hai bên tai bằng một vành khăn mỏ quạ, vậy mà môi em cũng còn tím lại vì rét. Gió thổi mạnh làm dạt bụi lau trên đê cao gần đấy. Tiếng em rao “Khóm miếng, khóm miếng” đôi khi làm người lính gác trên đó phải nhìn xuống và hình như có mỉm cười. Người lính cầm súng trường có lưỡi lê tuốt trần đứng ngay trong chòi canh có những bao cát xếp vây tứ phía, chiếc đèn pha gần đấy chúc đầu về phía đồng xa gây bầu không khí khắc khổ của chiến tranh.
Bảng trắng báo hiệu đến lượt cho đoàn xe bên này lên cầu. Từ trên cầu cao nhìn xuống, con sông Bến Lức đẹp dịu dàng mơn mởn. Tôi liên tưởng ngay đến khuôn mặt của bé Hoa rồi đây khi vừa tới tuổi xuân. Màu nước xanh trong dềnh lên mấp mí bờ, những thửa ruộng ven sông cũng ngập nước, mạ thỏa thuê khoe màu xanh non; xa hơn, trên những thửa ruộng cao, là màu xanh của những luống mầu khoai sắn, rồi đến một khoảng tựa như rừng thưa gồm những cây cao ngất, thân trắng xóa và vòm lá xanh thẫm đốm vàng, trắng, đỏ. Tại sao không lập trường đại học cho sinh viên ở ngay hai bên bờ sông này? Tại sao không có những quán cơm sinh viên hay học sinh ở ngay hai bên bờ sông này? Để rồi học xong, ăn xong, đoàn thanh niên nam nữ vui chơi trên bờ sông, hoặc thả thuyền, hoặc bơi lội trên dòng sông? Sao không có những nhà giải trí hai bên dòng sông xanh để những người sau một ngày làm việc tận lực đến đây nâng chén trà, nghe câu ca? Đất nước loạn ly, ra khỏi châu thành là bất an, châu thành càng trở nên ung nhọt và lũ người chúng ta rúc đầu vào thành phố như lũ giòi rúc đầu vào đống phân, chúng ta bỏ rơi thiên nhiên với dòng sông xanh nước hậu hĩ tràn bờ, với màu xanh phong phú của cây cỏ. Tôi phải cầu cứu đến khuôn mặt kỳ lạ của bé Hoa trong ký ức để tự an ủi. Về tới Sài Gòn, tôi cùng Ngọc lên tắc-xi, khi xe qua khu ngã sáu mênh mông, khoảng chân trời xa tắp, phía cuối đường Lý Thái Tổ, một màu hồng rực đập vào mắt chúng tôi, màu hồng đó như đương chống trả ác liệt với bóng tối từ miền cao thẳm bủa xuống; cả vũ trụ cơ hồ chỉ còn khoảng ánh hồng này và màu hồng đó không chịu bị bóp nghẹt ở trên cao đã vùng vẫy tuột xuống và chảy lênh láng đầy đại lộ.
4. Ngay buổi tối có người bạn đến rủ tôi đi xi-nê. Mặc dầu cảm thấy mệt, tôi vẫn đi. Tôi đương thích hành hạ tôi. Hàng ghế trước tôi có cặp trai gái hẳn mới ăn ý nhau, họ quàng vai nhau âu yếm, nhưng rồi bàn tay kia của người con trai muốn đi quá trớn, người con gái cưỡng lại cố đẩy chàng trai ra xa. Cái ôm ghì càng mạnh, sức đề kháng càng tăng dữ để lấy thế thăng bằng, ánh sáng phản chiếu từ màn ảnh tới tuy mờ mờ nhưng cũng đủ để tôi thấy rằng người con gái không còn ở thế dịu dàng nữa mà ở thế chống trả khá mãnh liệt. Rồi người con trai đứng dậy vào phòng toilette, vài phút sau người con gái cũng đứng dậy, cô phủi áo, đi thẳng ra, tôi không biết màu áo cô mặc, nhưng thấy lấp loáng màu trắng chiếc ví cô cầm tay. Họ bỏ ra giữa phim. Tôi ngồi lại cùng bạn, thực ra cũng chẳng xem được gì hơn. Trở về nhà tôi nhức đầu thực sự. Nhiều lần suốt đêm chập chờn không ngủ, tôi vẫn cảm thấy cơ thể lành lạnh. Tôi không quen sự ốm đau tật bệnh dù chỉ là một điểm trong đầu nhức nhối.
Tôi thiếp ngủ…
Tôi ngắm căn nhà chúng tôi vẫn ở tuy bên ngoài tường long vách lở, nhưng bên trong còn giường chiếu, bên ngoài còn có mành mành che cửa. Tôi chợt thương mẹ nằm một mình ở căn nhà tranh tồi tàn. Mẹ tôi nghèo lắm, cảnh nghèo cô đọng của biết bao nhiêu cảnh nghèo mà tôi đã từng chứng kiến, thuở còn ngây thơ thì chứng kiến cảnh nghèo của những người thân sơ trong họ ngoài làng, từ khi lớn lên thì chứng kiến biết bao cảnh nghèo của đồng bào cả Trung, Nam, Bắc. Tôi rời khỏi nhà đi thăm mẹ. Căn nhà tranh xác xơ của mẹ tôi làm trên một cái gò nhỏ, phía trước mặt là chiếc ao nhỏ. Tôi lội xuống, để đi thẳng vào nhà. Không được! Khoảng đó hơi sâu, đã đành không sâu lắm, nhưng cũng đủ ngập đến ngang gối làm ướt quần. Tôi đi quành sang bên, nơi đó có bực xi-măng, xuống hết bực thì khoảng này nóng, chỉ việc nhón mấy bước là tới bực của căn nhà tranh tiều tụy. Tim tôi se lại! Làm sao mà tôi nỡ lòng quên phứt mẹ trong bấy lâu, để mẹ già nằm một mình trong căn nhà hiu quạnh và ẩm thấp kia. Khi bước xuống bực xi-măng, chiếc ao như biến thành chiếc bể đựng nước mưa bị rò thủng nơi nao, nước thoát đi hết, nay ráo hoảnh như người hết nước mắt. Ai hết nước mắt chứ tôi lúc đó thì nước mắt tràn ngập trong lòng. Tôi thương mẹ tôi nghèo hèn cô độc, tôi muốn khóc cho những lầm lỗi của cả đời tôi. Khi sắp bước lên bực nhà, óc tôi có thoáng nghĩ đến con chó giữ nhà, nhưng tôi yên chí là con chó đó mẹ tôi đã bán lấy tiền đong gạo rồi. “Mẹ ơi, con đến đón mẹ, con đến đón mẹ về ở với con, nhà con tuy cũng nghèo, nhưng còn là cái nhà và có giường có phản, có chăn có chiếu, mẹ về sống bên con, mẹ đừng ngại gì. Đến bây giờ con mới đến đón mẹ là tệ quá, nhưng thôi muộn còn hơn không, lòng mẹ như biển, mẹ chỉ khẽ gật đầu nhận là mẹ rửa hết tội lỗi cho con.” Trời ơi, nếu mở tấm liếp ra, mẹ tôi đã nằm chết trong đó rồi thì sao? Có thể người chết đói, chết rét và chồng chất bao nhiêu tủi cực câm lặng khác nữa. Tấm liếp đã mở. Tôi bước vào, ánh sáng mờ mờ từ ngoài lùa vào chiếu được cả căn nhà nhỏ hẹp không bằng một gian nhà tôi ở. Mẹ tôi nằm ngay lối vào, lẽ cố nhiên nằm đất vì nhà không có bóng giường phản hay một chiếc ghế nhỏ nào. Cái chiếu nửa trải để nằm, nửa kéo lên để đắp, người nằm phủ chiếu như vậy, trông như một nấm mồ đất đã xẹp xuống nhiều sau một trận mưa lớn. Tôi lật vội phần nửa chiếu đắp lên để xem mẹ tôi sống hay chết. Trời ơi! Dưới manh chiếu là bé Hoa tám chín tuổi nhà đối diện, khuôn mặt vừa buồn vừa có gan chịu đựng. Em mở mắt, đôi mắt nhung thăm thẳm, nhìn tôi mỉm cười, nụ cười buồn rầu và tinh khôn của đứa trẻ biết phận mình nghèo hèn không dám cười tươi với bất cứ kẻ nào còn đủ ăn đủ mặc. Lòng tôi thắt lại, tim tôi ngừng đập, nước mắt kết nghẽn, mặc dầu tôi òa khóc ngay lúc đó. Tôi quên hẳn hình ảnh mẹ tôi. Tôi cúi xuống muốn cầm tay em bé, nhưng hai bàn tay xinh rụt lại. - “Con ơi con về với bác!” - Em nghe tôi nói vậy chỉ mỉm cười, nụ cười càng vô cùng buồn rầu và chịu đựng. Em không nói gì nhưng nụ cười buồn rầu đó, cái nhìn của đôi mắt nhung thăm thẳm không chút gợn oán hờn đó, dường như nói với tôi trong im lặng: “Làm sao cháu về với bác được? Ai có phận nấy, người nào cũng có những lo âu riêng của người ấy.”
Tôi muốn gầm thét lên cho thiên hạ nhìn vào lòng ích kỷ của họ và nhìn vào tấm gương chịu đựng mênh mông của em nhỏ. Cao quý thay em nhỏ đã sớm ý thức được cái nghèo hèn của mình và nhất là biết mỉm cười lắc đầu không chịu nhận sự giúp đỡ của kẻ khác. Em không kết tội ai, nhưng cả nhân loại mang tội với em. Cả thân hình tôi muốn tràn ứ và tới lúc đó hai hàng nước mắt của tôi mới đổ ra. Tôi khóc như cha tôi chết, như mẹ tôi chết, lòng tôi thắt lại hơn nữa.
Sự quặn đau còn kéo dài khi tôi bàng hoàng sực tỉnh, nước mắt giàn giụa ướt đẫm gối. Trong phút bàng hoàng sực tỉnh ấy, tôi như thấy mình vẫn còn đứng trong căn nhà nhỏ, trước em gái nhỏ, với manh chiếu nửa nằm nửa đắp. Và tôi còn muốn nói – hay tiếng nói đó trong mơ vọng lại:
- Con ơi, con hãy về với bác!
Tôi vẫn chưa kể câu chuyện bí mật đời tôi cho chị Minh nghe. Có lẽ chẳng kể nữa thì hơn. Khuôn mặt chịu đựng với đôi mắt thăm thẳm của bé Hoa trong giấc mơ qua đã dạy tôi điều đó.
PHẦN III
Thung lũng
1. Tôi chỉ là người đàn bà!
Đã từ lâu và mãi mãi tôi cứ phải nhắc đi nhắc lại lời tự nhủ đó.
Xét cho cùng chuyện tôi không thể kể cho bất kỳ ai dù đó là những người thân mà tôi quý nhất đời, vợ chồng anh Minh. Đôi mắt thăm thẳm và chịu đựng của bé Hoa đã dạy tôi đúng điều đó.
Chuyện tôi chỉ có vô ngôn mới quán triệt được hết. Tôi làm thơ; lời thơ, ý thơ nói được là bao, tôi biết, nhưng tiếng thơ mình nói với mình ít ra cũng thoải mái, chân thành hơn bất kỳ với ai, dù ruột thịt hay thân thiết.
Với tôi thì ở đâu ánh bình minh mênh mông cũng luôn luôn lẩn quất bao phủ một màng sương u sầu mênh mông không kém.
Tôi nhớ lại ngày xa xưa nào, ở Sơn Tây, quê ngoại, đã trèo lên đỉnh núi (cần gì phải nhớ tên núi bạn nhỉ), trông vắng lặng, tôi nhìn những con đường mòn chạy ngang sườn núi sang bên kia thung lũng. Chao ôi, đi cô độc trên những đường mòn đó đỡ cơ độc biết là chừng nào! Lần đó như để chiều theo tâm linh tôi, trời đổ cơn mưa lớn bất ngờ, tôi nép mình vào một hốc cổ thụ. Sét có thể đánh vào cổ thụ này, tôi biết lắm chứ, nhưng lòng hân hoan vô ngần, ngắm những bông hoa sim quanh mình run rẩy trong mưa lạnh, một vẻ đẹp vừa kỳ ảo vừa vĩnh cửu. Hoa nở là nhu cầu của tạo hóa, đức hạnh là nhu cầu của con người, cũng như nhu cầu của nước là lao đầu xuống vực trũng sâu.
Tôi lại nhớ đến mẹ tôi rồi. Mẹ tôi hiểu tất cả, chấp nhận tất cả và tha thứ tất cả. Nhưng tôi vẫn tự hỏi không hiểu nếu mẹ còn sống, nhìn cuộc nhân duyên của tôi với Phiên, người có nhìn thấu sự thật, nhìn thấu những bẽ bàng, trống vắng, hoang vu của những giờ khắc đêm ngày trôi trùm lên tôi như nước sông lạnh lùng lướt qua miết mải trên một xác chết trôi?
Thưa mẹ, ngày đó người con gái bên hàng xóm bị hiếp khi quân Pháp tràn vào làng, dòng máu trinh tiết chảy dọc theo kẽ hông xuống đùi, nhưng mẹ ơi, chính vì vậy mà nàng trở thành đàn bà, trưởng thành cả về thể xác lẫn tâm hồn. Sự thánh thiện không thể có tự bẩm sinh. Phải sống qua những giao động biến cố của đời. Con ngây thơ quá vì còn trinh trắng và sống trong ảo tưởng, mẹ ơi! 
2. Thì tôi đã bảo tôi là nạn nhân của tôi mà! Người đàn ông siêu việt có thể cúi xuống ân ái với người đàn bà, trong ái ân đó có cả tình yêu và nhục dục. Nhưng bảo đàn bà hạ xuống, ban cho đàn ông ái tình để cùng hưởng nhục dục, thì không có. Tôi nào phải một tâm hồn siêu việt để có thể tự kiêu với niềm cô độc như thế.
Tôi không siêu việt, nhưng khốn khổ thay, tôi lại là một ý hướng mãnh liệt về siêu việt. Những ý nghĩ kiêu kỳ lãng mạn tôi tự thỏa mãn đơn phương đã khiến khi gặp bất kỳ chàng trai nào có những ve vãn háo hức, là tôi biến thành một thứ lân tinh chạy trốn, ngọn lân tinh chạy trốn trong hơi mát thăm thẳm của vực đêm đẹp như một vì sao từ thinh không lạc bước xuống trần. Mấy người đàn ông mang tên Huân, tên Thiện xưa kia háo hức theo đuổi tôi, chính vì họ ở vào tình trạng đó, chứ tôi nào có cái đẹp rực rỡ, lồ lộ, chim sa cá lặn làm lợi khí mê hoặc ai đâu.
Giây phút vắng lặng, không còn ai đeo đuổi, tôi, bóng lân tinh, vì sao từ thinh không lạc bước, bèn dừng lại vật vờ, trí suy tư nhọn hoắt như mũi gươm.
Tôi thèm tình yêu! Tôi thèm tình yêu! Tôi nêu thầm câu hỏi nhọn hoắt: Tại sao
Hán Vũ Đế đặt Nhạc Phủ, định lễ Giao Tự để tế thiên địa, tôn miếu và bách thần, không đặt thêm một quan Hiệp Luật Đô Úy trông coi về việc tấu nhạc khi nhà vua giao hoan với các cung tần mỹ nữ? Ngụy Vũ Đế, khi sắp mất, dặn bọn gia thần và tì thiếp phải tấu nhạc và múa hát ngay khi dâng đồ cúng. Thật là ngu xuẩn, sao không tấu nhạc và múa hát ngay khi mình còn sống vào lúc vui vầy giao hoan với mỹ nữ?
Cũng chính trong một tình trạng phân cực tận tình tương tự, tôi gặp Phiên vào năm tôi đã hai mươi sáu tuổi.
Ngày đó Phiên trọ nhà Nga, cô bạn đồng học cũ của tôi. Bao giờ Phiên cũng vậy, rất ít nói, lời nói thốt lên như hư vô. Nga tự ý săn sóc Phiên đến nỗi chồng ghen. Nga đã là nạn nhân của Phiên, lao mình vào hư vô chăng? Như Huân, như Thiện đã là nạn nhân của tôi khi rượt bắt ánh lân tinh của vì sao lạc.
Chồng Nga cầu cứu tôi. Tôi nào đã biết sẽ giúp anh được gì. Cha tôi không giấu nỗi lòng phiền muộn khi thấy tôi là con gái lớn duy nhất trong nhà mà chưa ai chạm ngõ.
Rồi tôi ngẫu nhiên gặp chồng Nga và Phiên vào một dịp nào đó, chồng Nga nói thẳng muốn ghép tôi thành đôi với Phiên. Lời Phiên vang êm trong hư vô, thú thật anh đã phát nguyện với sư phụ thụ Bồ tát giới, nghĩa là nếu có thành đôi với ai, chỉ là hình thức. Cũng nhờ hoàn cảnh thuận tiện đó, tôi thẳng thắn nói hình thức đó cũng chính là sở nguyện của tôi.
Tôi không ưa vợ chồng, nhưng tôi cũng muốn chui vào hình thức vợ chồng đúng lúc để làm vui lòng cha.
Phiên là hư vô, tôi đứng bên hư vô, có gì mà ngại?!
Thế là tôi thành đôi với “hư vô”. Hợp với sở nguyện biết chừng nào!
Ảo tưởng!
Tôi chính thức là nạn nhân của mình kể từ đấy!
Tôi ở với Phiên như ở với người anh đạo đức, và cách biệt. Thụ Bồ tát giới, ăn trường chay, không gần đàn bà.
Sư phụ Phiên, một vị cư sĩ cực kỳ khả kính, đã từng nhiều năm dạy các tăng sĩ ở chùa Quán Sứ, một ngày cụ chỉ ăn một bữa, từ quá ngọ trở đi không ăn gì nữa, và cụ làm việc hết mình, xả thân vì Đạo.
Phiên là ý hướng mãnh liệt về hư vô, cũng như tôi là ý hướng mãnh liệt về siêu việt, tâm tư Phiên thuần hậu và thuần nhất, Phiên lại gặp được thày chân truyền, anh nhẹ bỗng, bốc lên, ngửa nhìn cao nữa, chiêm ngưỡng vòm hư vô. Làm sao Phiên còn nhìn thấy tôi trĩu nặng như núi Thái Sơn bên dưới?
Ngửa mặt lên, ít ra tôi còn nhìn thấy hướng Phiên đi! 
3. Tôi muốn hóa thân thành tiếng sáo, thành điệu sa mạc miền Bắc, và tôi nghĩ hóa thân như vậy là hóa thân thành hạnh phúc của đời.
Bỗng nhiên trước mắt tôi, một con ong sà xuống châm nhụy hoa bông mướp vàng. Như có tiếng nhủ xa vời: hiện thân của hạnh phúc trên đời là nhục thể. Từ đời sống súc vật thuần túy, nhục thể con người tiến lên văn hóa, như rễ cây hút no màu nhày nhụa dâng lên cho nở hoa.
Tôi chạy trốn ý nghĩ trên. Tiếng gió trong hoang lạnh có gì khác với những con ong mật và những nhụy hoa vàng? Tôi muốn cầu cứu mẹ! Hiền như mẹ, thì dù khép mắt nghìn thu tình thương còn hóa thân thành gió chiều vuốt ve đàn con, vuốt ve lũy tre, ruộng mạ của quê hương. Hình ảnh mẹ êm ả như đương đi giữa thiên nhiên màu xanh bỗng trông thấy dòng sông lớn. Nhưng mẹ cũng bất lực! Địa ngục ở đâu? Địa ngục đang run rẩy ngay trong lòng con, do chính con gây nên cơ mà!
Nhiều khi tôi nghĩ tuổi trẻ nào thì cũng trống rỗng dù ở thời nào, nơi nào. Tôi sắp mất tuổi trẻ, tôi càng thấy trống rỗng là phải. Sự thực tinh lọc dường như chỉ thể hiện trong những giấc mơ. Mới cách đây vài ngày, tôi mơ như mình là người đàn ông đã đứng tuổi - cỡ tuổi tôi bây giờ - yêu âm thầm một cô gái đẹp.
Cứ căn cứ vào tâm trạng trong mơ thì vì một lẽ gì đó, bất khả kháng, tôi không bao giờ có thể thổ lộ tình yêu với người con gái. May sao hôm đó trời mây u ám, gió Đông Bắc thổi tới heo hút, lạnh và buồn. Tôi giật mình. Đúng là thứ lạnh và buồn của một kẻ sắp mất tuổi trẻ và đã không hề biết sử dụng tuổi trẻ khi còn tuổi trẻ trong tay. Tôi ôm người con gái đẹp tôi yêu vào vòng tay để quy tụ tất cả tuổi đã mất vào giây phút tuyệt vời, tôi cúi xuống dịu dàng nhưng say đắm hôn nàng, bàn tay khẽ vuốt tóc nàng. Sau đó, tôi kề má lên mái tóc nàng, mát như lụa, ngước nhìn bầu trời vần vụ xám, đồng thời với mấy tia nắng lọt khỏi kẽ mây trực chỉ xuống trần gian. Gió đều đặn buồn bã chảy ra, tràn lan khắp bầu trời màu nắng sữa. Y như sự tê dại mênh mông ngày nào tôi mơ thấy người đàn ông dìu tôi nằm xuống bãi cát, môi chạm môi đê mê vào đúng lúc vừng trăng xa xôi chìm vào biển mây, để cả trăng, núi, rừng, biển cùng nhòa thành hư vô. Tôi đi tìm hơi ấm, như những người lữ hành mệt nhọc lê gót trong bóng đêm, hướng mắt soi mói tìm những đốm lửa kinh thành. Sao tôi không thay đổi cái nhìn, thay đổi chiều suy tư, họa may thấy rằng niềm hạnh phúc mênh mông chính là bóng tối mênh mông, bóng tối miên trường, ôm ấp lấy bốn bề kể cả những đốm ánh sáng nhỏ nhoi của chốn đô thị bon chen. Nghĩ đến đây, bỗng dưng lòng tôi tràn ngập một niềm hạnh phúc rã rời. Cái gì cũng có khả năng vừa đưa mình lên thiên đ vừa dìm mình xuống địa ngục!
4. Tôi vừa ăn bữa chiều vừa ngước nhìn nắng chiều thoi thóp trên đỉnh cây. Màn đêm buông xuống, sao trời thắp lên. Trời chiều càng êm ả, tôi càng cảm thấy nôn nao, hoang vắng đến muốn thét lên cho đầy ắp. Sự thực lúc đó tôi quả đã hét lên, đem hết cả sức lực mà hét lên, thành tiếng kêu siêu âm. Tôi có cảm tưởng vừa biến thành người lính thú, tôi nói lính thú vì những gì là thiên nhiên, là thú vật trong tôi như được vắt kiệt cho chảy thành thứ nước trong, linh thiêng, và soi vào đấy tôi thấy lại tôi, thuở là cô gái mới lớn, tuy ngỗ nghịch mà lòng vằng vặc tinh trong, thánh thiện biết chừng nào.
Tôi ra nằm trên ghế xích đu giữa khoảng sân nhỏ, mặt được ngửa nhìn vòm cây, ngắm những đốm sao nhỏ trên đỉnh cao, tránh sự vây bủa của những nóc nhà thành phố. Tôi bảo con cháu mang cho tôi tấm chăn, tấm chăn gấp bốn đặt lên ngang bụng. Người đàn ông đó đè nặng trên tôi, ghì riết lấy tôi, chắc chắn tôi có phương thế riêng để gián tiếp giúp chàng ghì tôi thêm say đắm. Nhưng lần này tôi chưa kịp thỏa mãn người đàn ông đã lao vút lên thang, ánh mắt tôi đuổi rượt bắt, níu giữ. Tôi bừng tỉnh, vẫn nằm trên xích đu, bao giờ cũng vậy, vào trường hợp này, chiếc chăn đã do tiềm thức tôi điều khiển giữ nguyên thế gấp bốn đặt nặng trên bụng. Một vì sao tuyệt đỉnh không biết đã xuất hiện từ lúc nào đương hấp háy nhìn tôi, giễu cợt. Tôi không chạnh lòng. Hồn tôi lúc đó cũng là một vì sao bồng bềnh trong không gian, dùng ánh sáng của chính mình làm chiếc phao chống đỡ.
Tôi tự hứa ngày mai sẽ đến thăm Phiên tại ngôi chùa anh vẫn chọn làm nơi làm việc. Định mệnh đã an bài. Bao giờ và mãi mãi tôi kính trọng Phiên như người anh cả.
Tôi vào nhà, lên giường nằm. Lúc đó khoảng nửa đêm thì phải.
Cơn bão đã được báo từ hôm trước, trời trở lạnh, mưa bắt đầu rơi… Tiếng mưa rả rích làm tôi bớt cô đơn, nằm trên giường mà như đu đưa trên võng. Tiếng mưa dìu dặt là lời an ủi tuyệt vời. Niềm cô đơn đã chiếm được tôi làm sở hữu, hay chính tôi đã chiếm cô đơn làm sở hữu?
Sáng mai tôi sẽ tới chùa thăm Phiên như thường lệ, nhưng đêm còn lâu mới sáng mà. Trong khi chờ đợi sao tôi không cất tiếng kể chuyện đời tôi? Kể hoài hoài, vừa ôn lại những gì đã qua, vừa xen vào những gì đương tới, giọng kể trầm buồn mà thao thao, da diết, kể cho đến khi chết, kể thật rõ ràng, giọng vàng sang sảng, từng chi tiết phút lâm chung của tôi, và còn kể tiếp nữa những gì sau khi chết, giọng vàng càng sang sảng. 
5. Tôi lên đường vào lúc cơn bão tạm ngớt, khoảng mười giờ sáng, tới con đường mòn dẫn vào chùa Phiên ở, cũng ngót mười một giờ. Trời hé nắng, nhưng tôi biết sẽ đổ ập mưa lúc nào không hay. Tuy nhiên ánh sáng chói chang đã sớm làm không gian nơi đây sức nực mùi cỏ khô thanh khiết. Xác một chiếc xích-lô máy ba bánh quẳng lọt giữa hai nấm mộ xây cũng chỉ là một vệt sáng trang trí giữa vùng thiên nhiên ven đô này. Bóng tre đổ xuống mát rượi, tiếng sỏi đá vang rộn dưới chân trên đường mòn tôi đi. Phân bò, phân heo, phân chó rải rác đây đó, cánh bướm, cánh chuồn nhởn nhơ ngang tầm mắt. Chúng quên cơn bão chưa dứt, còn có thể bất ngờ chụp xuống bất kỳ lúc nào. Tôi cũng quên cơn bão, cúi xuống hái một bông hoa tím và muốn cài lên mái tóc để làm dáng như thuở nào vừa đến tuổi dậy thì.
Tiếng sỏi trên đường vang hơn. Tôi né tránh nhường lối cho một đứa trẻ đương dắt theo con bò vàng. Tôi có cảm tưởng tất cả chúng tôi đương đi trên một thung lũng mây có đủ cả bụi chuối tiêu sơ, rặng dừa biêng biếc, có cả cụm tầm xuân ẻo lả và vô số loại cây leo vi diệu.
Tiếng chuông thiền vừa vang lên làm rung rinh cả những thân cổ thụ bạc phau màu thời gian.
Doãn Quốc Sỹ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...