Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Nhà thơ Giang Nam vẫn "Sống" mãi cùng Quê hương

Nhà thơ Giang Nam vẫn
"Sống" mãi cùng Quê hương

Là một công dân, ông đã dấn thân vào con đường đấu tranh cứu nước. Là một người cầm bút, ông đã đóng góp vào nền văn học mấy mươi tác phẩm thơ và văn xuôi, trong đó chỉ riêng bài thơ “Quê hương” bất tử đủ cho ông “sống” mãi trong lòng bạn đọc.
Vì tuổi cao sức yếu bệnh nặng, nhà thơ Giang Nam đã từ trần vào lúc 9h45 ngày 23.01.2023, nhằm mùng 2 Tết Quý Mão, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hưởng thọ 95 tuổi.
Nhà thơ Giang Nam là một trong những gương mặt văn học tiêu biểu đương đại của nước ta trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hợp cùng các nhà thơ Thanh Hải, Thu Bồn, Hoài Vũ… Giang Nam là đại diện sáng giá của thi ca miền Nam từ chiến trường khói lửa. Mặc dù sau ngày đất nước thống nhất ông vẫn tiếp tục sáng tác nhưng tinh hoa trang viết chủ yếu phát tiết trong chiến tranh.
Nhà thơ Giang Nam còn có các bút danh Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản ở miền Nam từ 1955 đến 1960). Ông tên thật là Nguyễn Sung sinh ngày 02.02.1929 tại ở làng Bình Trị nay thuộc xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nhà nho nghèo. Thuở nhỏ ông học tiểu học ở quê nhà và học trung học ở Trường Quốc học Quy Nhơn, Bình Định.
Ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945, làm công tác thông tin tuyên truyền thời 9 năm chống Pháp. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông ở miền Nam hoạt động, làm Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương cục, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định.
Đất nước thống nhất năm 1975, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II và III, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh cũ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài làm thơ, ông còn viết truyện, bút ký, với các tác phẩm đã xuất bản: Về thơ có “Tháng Tám ngày mai” (1962), “Quê hương” (1962), “Người anh hùng Đồng Tháp” (trường ca, 1969), “Vầng sáng phía chân trời” (1978), “Hạnh phúc từ nay” (1978), “Thành phố chưa dừng chân” (1985), “Ánh chớp đêm giao thừa” (trường ca, 1998), “Mầu nhiệm” (1999), “Sông Dinh mùa trăng khuyết” (trường ca, 2002), “Lắng nghe thời gian” (2008); Về văn xuôi có “Vở kịch cô giáo” (tập truyện ngắn, 1962), “Người giồng tre” (tập truyện – ký, 1969), “Trên tuyến lửa” (truyện ký, 1984), “Rút từ sổ tay chiến tranh” (truyện ngắn và ký, 1987), “Tôi đã học văn theo kiểu của mình” (hồi ký, 1995), “Sống và viết ở chiến trường” (hồi ký văn học, 2004)… Trong đó có một số bài thơ nổi tiếng của ông được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường như “Quê hương”, “Nghe em vào đại học”, “Tiếng nói Việt Nam”…
Nhà thơ Giang Nam đã được nhận các giải thưởng văn học: Giải nhì về thơ Tạp chí Văn Nghệ năm 1961 với bài thơ “Quê hương”, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cho tập thơ “Quê hương”, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Nhà thơ Phan Hoàng thời còn làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM năm nào cũng đưa một đoàn các nhà thơ, nhà văn về Phú Yên tham dự Hội Thơ truyền thống Nguyên tiêu núi Nhạn và dừng lại ở Nha Trang thăm nhà thơ Giang Nam. Nhờ sự kết nối này mà nhiều bạn viết các thế hệ sau ở Sài Gòn có mối quan hệ thân tình với tác giả của “Quê hương” như: Lê Thị Kim, Triệu Từ Truyền, Lê Xuân Đố, Bùi Chí Vinh, Vũ Trọng Quang, Huỳnh Thị Mi Hương, Trần Nhã Thụy, Trần Hoài Anh, Bùi Thanh Tuấn, Phùng Hiệu, Phạm Phương Lan, Hoa Nip,…
Theo nhà thơ Phan Hoàng: “Tôi gắn bó với nhà thơ Giang Nam từ thời còn là học sinh trung học ở Nha Trang. Qua thầy Lê Đức Định, học sinh chúng tôi được nhiều lần nghe nhà thơ Giang Nam trò chuyện. Sau này mỗi lần có dịp về Nha Trang tôi hay đến thăm bậc lão thành. Tôi cũng hay kết nối chuyện trò giữa nhà thơ Giang Nam với nhà thơ Hoài Vũ, hai người bạn thân thiết từ khi còn trên chiến trường. Một người là tác giả của bài thơ “Quê hương”, một người là tác giả của bài thơ “Vàm Cỏ Đông” đều rất quen thuộc”. Không chỉ là tài năng văn học mà họ còn là những nhân cách lớn, tấm gương sống và viết cho các thế hệ cầm bút đi sau”.
Nhà thơ Phan Hoàng còn nhìn nhận về cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Giang Nam: Là một công dân, ông đã dấn thân vào con đường đấu tranh cứu nước. Là một người cầm bút, ông đã đóng góp vào nền văn học mấy mươi tác phẩm thơ và văn xuôi, trong đó chỉ riêng bài thơ “Quê hương” bất tử đủ cho ông “sống” mãi trong lòng bạn đọc.
24/1/2023
Lan Phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình quê hương Thuyên, Đồng là hai người bạn thân cùng ở một làng: Làng Mỹ Lý. Sau ba tháng vào tìm việc ở Nam Kỳ, hai người mới tìm đượ...