Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Nhà thơ Lê Chí: Đi tìm khuôn mặt từ đáy gương soi

Nhà thơ Lê Chí: Đi tìm
khuôn mặt từ đáy gương soi

Cùng với các tác giả thành danh như Nguyễn Bá, Nguyễn Thanh, Nguyễn Linh, Chim Trắng, Trang Thế Hy… từ R ra, mỗi người mỗi phong cách khác nhau trong làng văn chương miền Nam. Thơ Lê Chí mang hơi thở nồng nàn của cuộc chiến tranh khói lửa; của những cánh rừng tràm, rừng đước; cùng nhịp sống trăn trở, thay đổi, biến động của xóm chợ, phố xá, đồng ruộng, khu vườn, sông nước miền Tây đậm đà tình yêu thương.
Sau năm 1975, thính giả thường nghe nghe trên các đài phát thanh miền Tây Nam bộ bài hát: “Chúng tôi lại ra đi khi gà chưa gọi sáng/ Trăng mùng mười còn giỡn nước đầm sen/ Vẫn cơm gói mo cau vẫn xuồng ba lá/ Chiếc khăn rằn và khẩu súng thân quen/ Cánh đồng rộng trải mình ôm tiếng gió/ Cô gái giao liên đưa nón xuống mỉm cười/… Bước mỗi bước trên đường đánh Mỹ/ Thấy tâm hồn phơi phới bay cao”. Đây là những đoạn trích trong bài thơ của Lê Chí, soạn giả Anh Ðộng cảm tác thành bài vọng cổ “Dệt chặng đường xuân” mà đến nay vẫn nghe nhiều người mê mẩn hát. Câu chuyện viết về những cô gái thanh niên xung phong trong tuyến đường dây 1C những năm 1969 chuyên đưa đón bộ đội, cán bộ vượt đồn bót để “về thành” hay ra trận.
“Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Cỏ thấy xanh tươi đất rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người về thăm quê hương đất mũi xa xôi, trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề biển bao la sóng tung cánh chim hải âu...
   Ơi…Đất mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến. Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng đều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân, nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn.”.
Lạ là bài hát “Đất mũi Cà Mau” nổi tiếng của nhạc sĩ H.H, nhiều người thuộc lòng, hát khi nằm nghe sóng biển vỗ bờ, trớ trêu thay lại không ghi phổ thơ Lê Chí. Có lần tôi vui miệng hỏi chính ông: “Vì sao không nghe ông lên tiếng…?”. Ông cười hiền lành, nói lảng tránh đi: “Mình không có duyên với âm nhạc Dũng ơi!”.
Nhà thơ Lê Chí, tên thật là Lê Chí Trường, sinh năm 1940, quê ở Phú Hưng, Cái Nước, Cà Mau, hiện sống ở thành phố Cần Thơ. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1970, làm việc ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc khu ủy Tây Nam Bộ. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977. Nhà thơ Lê Chí nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ khóa V, Giám đốc Nhà xuất bản Mũi Cà Mau (1983 – 1988), Trưởng Ban Công tác Nhà văn Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Các tác phẩm chính đã xuất bản của nhà thơ Lê Chí: Cô gái đánh xe bò (1976), Mùa xuân đến sớm (1976), Những con đường lặng im (1986), Hoa quỳnh (1989), Ngẫm nghĩ cà phê (1990), Khuya xa (1990), Ngày ấy (1996), Thời gian (2012), Hạc (2013), Nhớ (2017), Đời (2017), Nếu… (thơ song ngữ Việt – Anh, 2019)…
Ông kể về tập thơ song ngữ “If…Nếu…”: [Mùa hè năm 2015, tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi dự trại viết tại Viện William Joiner (Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ). Đúng hơn, đây là cuộc gặp gỡ giữa những người hoạt động văn học đã từng tham chiến ở hai phía. Chuyện trò lan man, không có chủ đề rõ ràng, nó như là tâm tình giữa những người bạn lâu ngày gặp lại. Thời gian không dài lắm. Tôi cũng tranh thủ đi thăm New York và Washington D.C. Tôi đã đứng hồi lâu trước dải tường đá đen ghi tên hơn năm mươi ngàn lính Mỹ chết trận ở Việt Nam. Chỉ biết buồn và buồn.
Và tôi đã tặng cho những người bạn cựu chiến binh Mỹ ở Viện William Joiner vài tập thơ tôi viết trong những năm sau chiến tranh. Không nghĩ rồi người ta sẽ dịch thơ mình. Bỗng một ngày cuối năm 2018, nhận được bản thảo tập “If… Nếu…”, tôi có phần ngạc nhiên. Thì ra, con người giữa hai chiến tuyến ngày nào,
để hiểu được nhau, đến được với nhau, cũng không phải khó lắm. Với người làm thơ thì dù có những ẩn khuất trong lòng, họ cũng khó mà giấu được nhau qua những câu chữ trần tình biến ảo của chính mình.]
Trong lời giới thiệu về những bài thơ dịch ra tiếng Anh của Lê Chí, Fred Marchant, một nhà thơ, một giáo sư danh dự về văn học Anh Mỹ, người được trao giải May sarton Award từ Hội thơ Vùng New England đã có nhận xét khá sắc sảo về thơ Lê Chí: “Một giọng thơ nói chung mang tính thực tế, thực nghiệm và châm biếm…Đây là một nhà thơ biết rằng không có gì trong cuộc đời chúng ta mang tính đơn giản, và bất cứ hạnh phúc nào chúng ta may mắn tìm được đều xuất hiện dưới một ngọn lửa “nghiệt ngã””.
Có lẽ những niềm khắc khoải nhân sinh đau đáu, cộng với bản chất chân thật, luôn hướng thiện tạo cho thơ của Lê Chí một phong cách riêng không lẫn vào đâu được.Và chính điều này làm nên hệ giá trị nhân bản riêng của người làm thơ đất Nam Bộ. Tôi nhớ mãi nhận xét của chị Út Loan, một độc giả ở thị xã Cà Mau: “Tôi đã đọc tập thơ “trúc trắc” của ông Lê Chí rồi. Ông không nói về ai hết mà tự dằn vặt với mình. Thấy khổ quá, buồn quá và cay đắng quá. Nhưng càng đọc, càng nghĩ thì cũng nghe được”. Đây là lời bình luận “đáng đồng tiền, bát gạo”, thật thà nhất làm ấm lòng tác giả viết những câu thơ trang trải lòng mình ra với đời sống quay cuồng, đổi thay chóng vánh xung quanh.
Còn ông tự khẳng định về thơ mình:
“– Tôi chẳng có tham vọng gửi gắm gì. Làm thơ chính là để tự giải tỏa mình. Với tôi, làm thơ còn là cách ghi chép không gian, thời gian đời sống bằng cảm xúc mà thôi. Tôi hay nói vui với bạn bè, không thật với thơ thì đừng mong mình thật với ai. Do vậy, những ghi chép ấy cần cân nhắc thận trọng, bởi nó còn có thể giúp mình ứng xử với những diễn biến phức tạp của cuộc sống hàng ngày.
– Tôi sống thực tế, cố gắng “làm vệ sinh” thường xuyên đầu óc mình để bớt mất thời giờ cho những nghĩ ngợi mà mình không với tới được. “Liệu cơm gắp mắm” cũng là cách tôi thường nghĩ để tự điều chỉnh mình.”.
Thơ Lê Chí là một phiên bản trung thực của con người ngoài đời và chính nghệ thuật làm thơ của ông:
những mái tóc hoa râm
ngày ngày lặn lội
tìm hạt giống người
Đọc thơ Lê Chí, đôi lúc thấy ông thắc thỏm lo âu những giá trị văn hóa của vùng đất miền Tây biến đổi, mất đi nhanh quá mà xót xa, đau lòng, nhiều khi bất lực đứng nhìn. Ông muốn tâm sự, giãi bày, đây là tâm trạng đáng quí, nhưng đôi lúc ông định vị hơi quá đà với đời sống cần đòi hỏi những tiến bộ nhanh chóng, thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn.
xin đừng có trong lòng ta khoảng tối
bởi em biết
như tình yêu không nói
Tôi nhớ có lần phóng viên hỏi  Jorge Luis Borges: “Người ta nói thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Người khác nói thơ là nghệ thuật của thẩm mỹ…Tuy nhiên, nghệ thuật của thơ và về thơ, lúc nào cũng quyến rũ người viết, người đọc tìm hiểu. Như vậy, nghệ thuật thơ là gì?. Ông J. L. Borges điềm tĩnh trả lời:
” Nhìn sông chảy bởi nước và thời gian
Hãy nhớ thời gian là một dòng sông khác.
…Thấy trong cõi chết một giấc mơ,
trong hoàng hôn nỗi buồn rực rỡ, là thơ,
tầm thường mà bất hủ,
thi ca, luân chuyển, như hoàng hôn và bình minh.
Đôi khi buổi chiều thấy khuôn mặt nhìn chúng ta từ đáy gương soi.
Nghệ thuật phải là loại gương như vậy vạch trần mặt ta cho ta xem”.
Mới đây tháng 7 năm 2023, tôi nhận được tập thơ Muối, Lê Chí gởi tặng, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành gồm 49 bài thơ và một phụ lục Nghe & Chép. Ông ghi ở bìa gập tập thơ: “Sợ nhứt thơ mình lạc vào những tìm kiếm vu vơ bỏ quên cảm xúc.”.  Hình như nhà thơ Lê Chí đang cố gắng đi tìm “khuôn mặt nhìn chúng ta từ đáy gương soi”.
Có một điều luôn làm tôi băn khoăn là ngôn ngữ, cấu trúc bài thơ và tư tưởng của thơ Lê Chí không có nhiều đổi mới, đôi lúc giọng điệu, nhịp thơ rề rà làm cho bạn đọc “hơi mệt” khi theo ông suốt chặng đường dài sáng tác xuyên suốt. Với độ chín và chiều sâu tâm hồn hiện nay hi vọng ông có nhiều cách “biến hóa” kỳ diệu thơ mình để tạo sự thu hút, hài hòa, lôi cuốn hơn với những người từng yêu thích thơ ông.
Cùng với các tác giả thành danh như Nguyễn Bá, Nguyễn Thanh, Nguyễn Linh, Chim Trắng, Trang Thế Hy… từ R ra, mỗi người mỗi phong cách khác nhau trong làng văn chương miền Nam. Thơ Lê Chí mang hơi thở nồng nàn của cuộc chiến tranh khói lửa; của những cánh rừng tràm, rừng đước; cùng nhịp sống trăn trở, thay đổi, biến động của xóm chợ, phố xá, đồng ruộng, khu vườn, sông nước miền Tây đậm đà tình yêu thương.
29/8/2023
Trần Hữu Dũng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...