Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Nhà văn Lê Minh Nhựt - Gã "Giang hồ vặt"

Nhà văn Lê Minh Nhựt
Gã "Giang hồ vặt"

Mấy năm gần đây, những người yêu văn học trong cả nước không còn xa lạ với cái tên Lê Minh Nhựt. Anh nổi lên như một “hiện tượng văn học” của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bởi, Lê Minh Nhựt chỉ tham gia lĩnh vực văn chương trong một thời gian ngắn nhưng nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá như: giải Nhất “Truyện ngắn đồng bằng”, giải Nhì “Văn học tuổi hai mươi”, giải Tư cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi do Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp với Đan Mạch và từng đoạt giải Ba thơ Chân dung tuổi mới lớn năm 2005.
Thế nhưng, ít ai biết, trước đó văn chương không phải là con đường anh chọn mà anh chọn học ngành y, khi có việc làm ổn định tại một bệnh viện huyện, anh đột nhiên chuyển về Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT). Hiện anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cà Mau.
Tôi biết Nhà văn Lê Minh Nhựt cách đây hơn 10 năm. Lúc đó tôi được Hội VHNT nhờ vẽ minh hoạ truyện ngắn “Vũ điệu quét rác” của anh. Thông thường tôi chỉ đọc lướt qua những trang đầu và một số trang cuối của truyện ngắn rồi lấy một ý nào đó nổi bật nhất trong câu chuyện để minh hoạ. Nhưng với truyện ngắn của anh thì khác, tôi phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần trước khi đặt bút vẽ. Không phải truyện anh viết khó hiểu, mà đơn giản vì anh có lối viết rất lạ và lôi cuốn độc giả một cách tài tình từ những trang đầu tiên. Anh đưa độc giả từ thắc mắc này đến tò mò kia, nên không ai có thể bỏ ngang giữa chừng được.
Trước ngày giao minh hoạ, tôi đọc thêm một lần nữa nhưng vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc ban đầu. Tôi đem thắc mắc này nói với Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (lúc đó công tác tại Hội VHNT). Ngọc Tư cười cho biết: “Tay này làm ngành y nhưng viết ghê lắm, mấy tháng nay dụ về Hội hoài mà còn chảnh, chưa chịu”. Chị nói: “Tôi vẫn nhớ cái mùi quan ải phập phồng trên những lá thư Nhựt gởi về Tạp chí Văn nghệ, dòng ghi địa chỉ trên thư đã gây một cảm giác phiêu bạt, giang hồ, khi Bạc Liêu, khi Chi Lăng, lúc thì Rạch Gốc…, những địa danh xa tít mù tắp như ở phía bìa trời. Một bữa anh “bìa trời” ghé qua, một cậu trai sinh năm 1981 trẻ măng chứ không phải ông già (như người toà soạn tưởng, dựa vào giọng văn), kín đáo, dè dặt chứ không phải cởi mở, phóng khoáng, băm bổ chịu chơi (như toà soạn tưởng, cũng dựa vào giọng văn) nên ai cũng rất ngạc nhiên và thích thú”.
Một thời gian sau đó, anh chuyển hẳn về Hội VHNT. Như cá gặp nước, anh bắt đầu cho ra đời những tác phẩm nặng ký hơn và chuyên nghiệp hơn. Tôi thích nhất cách thể hiện liên tục thay đổi trong truyện ngắn của anh. Lúc thì lí lắc, chọc ghẹo, lúc thì cao trào, khi quyết đoán… làm cho độc giả vô cùng thích thú.
Theo những người viết chuyên nghiệp thì cách viết đó rất khó, bởi tác giả phải nghiên cứu thật kỹ từng vấn đề vì không khéo sẽ bị lạc lõng, không ăn nhập gì với nhau… Nói gì thì nói, thiệt tình tôi vẫn thích anh viết về đề tài nông thôn và cách thể hiện tưng tửng sẵn có bấy lâu nay của anh, đọc nghe nó “đã” làm sao.
Cái hay của Lê Minh Nhựt là dù trước đó có rất nhiều nhà văn lớn viết về đề tài nông thôn và rất thành công, nhưng khi đọc những tác phẩm của anh tôi thấy có một sự khác biệt. Giọng văn và cách thể hiện của anh hoàn toàn mới, không lẫn vào bất cứ nhà văn đi trước nào. Trong đó, tôi thích nhất tác phẩm “Giang hồ vặt”, đoạt giải Nhất truyện ngắn ĐBSCL năm 2008. Cốt truyện chẳng có gì ghê gớm lắm, chỉ xoay quanh đời sống sinh hoạt của những người dân vùng sông nước, nhưng anh khéo léo chọn kiếp thương hồ để thể hiện, anh nhấn nhá những mảng miếng kịch tính tạo nên một tác phẩm thật hoàn hảo.
Có thể nói, Lê Minh Nhựt là một nhà văn trẻ thành danh sớm hơn các bạn đồng trang lứa ở ĐBSCL. Bởi hiếm có ai vào nghề trong thời gian ngắn mà gặt hái được nhiều như thế. Tính đến thời điểm này, ngoài những giải thưởng danh giá, anh cũng kịp xuất bản gần 10 đầu sách. Đồng thời, những gì anh phấn đấu trong thời gian qua đã được bạn bè đồng nghiệp và những người làm chuyên môn ghi nhận. Năm 2014, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Hỏi vui về bí quyết thành công, anh không trả lời mà chỉ cười hiền, rồi đôi mắt cứ nhìn xa xăm về một nơi nào đó. Lê Minh Nhựt là vậy, chỉ biết tận tâm vào công việc để hoàn thành một cách tốt nhất, ít khi nói về mình…
“Truyện ngắn của Lê Minh Nhựt là những chuyến đi vào tình người và lòng đời trên nền những dòng sông, đồng bãi, cánh rừng phương Nam ngỡ như quen mà lạ. Giọng điệu thay đổi chóng mặt, khi chân phương, thật thà, khi mộng mị, huyền ảo, khi chua lè, chát chúa. Như một chàng trai rụt rè sắp đi đến cuộc hẹn đầu tiên, anh dè dặt thử vài ba cái áo đẹp nhất, mong tìm được một cái hợp với mình mà không chìm lẫn vào người khác.
Cái bồn chồn này dường như người ta ai cũng trải qua, cái nhìn đầu tiên, cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên… Phải đến khi yêu nhau lắm người ta mới nhận ra tấm lòng quan trọng hơn tấm áo”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nói về Lê Minh Nhựt như vậy.
12/1/2020
Khởi Huỳnh
Nguồn: Báo Cà Mau
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...