Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Nhà thơ Ý Nhi: Làm nghệ thuật, không nên xu thời

Nhà thơ Ý Nhi: Làm
nghệ thuật, không nên xu thời

Sau tập sách Kỷ niệm không có mưa viết về bạn văn và đồng nghiệp như một dạng hồi ức, nhà thơ Ý Nhi lại vừa ra mắt tập sách Ngọn gió qua vườn dày dặn gồm cả văn và truyện ngắn, thành quả của hơn 50 năm cầm bút.
“Cả đời tuyển lại được chừng này đó” – nhà thơ Ý Nhi mở đầu cuộc trò chuyện với Thế giới sách kỳ này.
* Sau bao nhiêu năm làm thơ, viết văn và nay ra tập sách dày tuy gọi tuyển nhưng gần như toàn tập, tại sao bà chọn hình ảnh “ngọn gió qua vườn” làm nhan đề?
– Thực ra mà nghĩ thì mọi thứ đều thoáng qua thôi, đời người cũng vậy, như ngọn gió qua vườn cũng tụ lại chút ít trên cây cối, rồi đi qua. Cuộc đời mình từ trước đến nay tất cả vui buồn, lo toan, băn khoăn, day dứt, tìm tòi, rồi đến một tuổi nào cũng thấy nhẹ nhàng thôi.
* Thế hệ cầm bút của bà có chỗ đặc biệt: trưởng thành trong chiến tranh, vắt qua thời hậu chiến… Nay nếu phải chọn một điều để nói rằng mình thấm thía nhất thì đó là điều gì?
– Có thể nói, điều thấm thía nhất trong cách sống cũng như cách viết của tôi là trung thực. Trung thực với tình cảm của mình, với lương tâm của mình, với nhận thức của mình. Cái đó quan trọng nhất.
Và cũng phải nói thêm một ý nữa, là số phận của tôi cũng may mắn: sinh trong gia đình cha mẹ đàng hoàng, trí thức theo cách mạng, cha mẹ không bao giờ can thiệp đời sống riêng, lựa chọn ngành học. Thứ hai là thầy Lộc (PGS Nguyễn Lộc, chồng nhà thơ Ý Nhi – PV), người vừa hiểu biết và rất bao dung, thầy của tôi mà.
Thứ ba là bạn bè, có nhiều người tốt, tử tế và hiểu mình, dù là họ không làm giống mình.
Nhà thơ Ý Nhi đã có 10 tập thơ và 2 tập in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ và Xuân Quỳnh. Các tập thơ đầu tiên như: Nỗi nhớ con đường (in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ, NXB Văn Học, 1974), Đến với dòng sông (NXB Tác Phẩm Mới, 1978)… Bà từng đoạt các giải thưởng: giải khuyến khích cuộc thi Thơ do báo Văn Nghệ tổ chức năm 1969; giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985; giải thưởng Cikada – Thụy Điển năm 2015.
* Bà có bạn nhiều, bạn nổi tiếng nữa, nếu bây giờ dùng chữ “nhớ bạn” để nói về những bạn văn của bà, nói về cách sống thì bà nhớ đến ai, và nói về cách viết thì ai làm bà nhớ nhất?
– Trong Kỷ niệm không có mưa, tôi viết về những người thân thiết nhất, không những hiểu mà còn tôn trọng họ, cả những người lớn tuổi hơn tôi như Chế Lan Viên, Tế Hanh, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông… tức là lọc lại những gì đẹp nhất mà tôi còn lưu giữ.
Về cách sống, tôi chơi thân và nhớ nhất hai người Nam Bộ là ông Chim Trắng và Trang Thế Hy. Những người này tài năng thì đã hẳn rồi, nhưng mà họ sống hay lắm, như Chim Trắng, lúc mất còn đề nghị không lễ lạt gì cả, đưa ông về nhà thôi, mặc dù ông theo cách mạng từ 16-17 tuổi, qua hai cuộc kháng chiến…
Còn về cách viết, thì Thanh Nhàn làm thơ tình yêu thú vị và là người bạn tốt, người tử tế. Xuân Quỳnh có tài năng, là người trực cảm đến mức có thể nói là duy cảm, nên viết về tình yêu, tình mẹ con rất hay.
Quỳnh cũng có những bài thơ viết trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng có lẽ mảng hay nhất của Quỳnh là viết về tình yêu vì Quỳnh là con người như thế: giàu tình cảm và bộc lộ hết, tính bả vui lắm, đến cơ quan là nhộn nhạo hết cả lên vì bả chọc cười, có khi còn múa nữa…
Còn một người, lớn tuổi và có ảnh hưởng đến tôi là anh Việt Phương, tác giả Cửa mở đấy. Với anh Việt Phương thì nhớ cả cách sống và chuyện viết. Anh là ông quan thanh liêm đến không tưởng tượng được, làm thư ký cho ông Phạm Văn Đồng bao nhiêu năm mà nhà không có đủ ghế cho khách ngồi, tụi tôi đến ông phải hỏi vợ: Lan ơi, em có còn dùng chiếc ghế này không cho anh mượn (cười).
Anh Việt Phương sống rất tử tế, và anh rất yêu thơ, vô cùng yêu thơ, đối với ông thơ thiêng liêng lắm. Vì yêu thơ nên ông yêu quý các bạn làm thơ: Thanh Nhàn, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, và tôi, thân lắm. Anh lại luôn trăn trở, cố gắng thay đổi thơ, làm mới thơ, làm mới nhận thức, và đọc rất nhiều…
* Trải qua một cuộc đời tự chọn cách làm nghệ thuật như mình thích và làm được như bà vậy, nếu phải nói với đàn em sau này, những người đang làm văn chương hôm nay và mai sau nữa, có điều gì bà thấy cần nói không?
– Hãy viết những gì mình thích theo cái cách mà mình thấy hợp lý nhất. Thế thôi. Có thể là tân hình thức, hậu hiện đại…, cái gì cũng được, nhưng đừng có theo thời. Về mọi phương diện không nên xu thời, kể cả trong việc làm nghệ thuật. Cứ viết cái mình muốn viết theo cách hợp lý nhất.
Ví dụ tân hình thức, tôi rất thân anh Khế Iêm, nhưng tôi không làm tân hình thức được. Kể cả hậu hiện đại, nếu anh thấy nó chuyển tải được tư tưởng tình cảm của anh thì anh cứ làm thôi.
Nhưng nội dung mới là quyết định, chứ không phải hình thức. Và tất cả các trường phái, các cuộc cách mạng văn chương cũng chỉ nhằm tìm ra một cách viết, cách thể hiện tốt nhất thôi. Và làm mãi làm mãi như vậy thì nó sẽ xoay tròn, sẽ lặp lại thôi, mình cứ thoải mái với mình, sống cũng thế mà viết cũng thế.
10/1/2020
Lam Điền
Nguồn: TTO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...