Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Bắt ma - Truyện ngắn của Trần Thúy Lành

Bắt ma - Truyện ngắn
của Trần Thúy Lành

Cả phân xưởng may im phăng phắc, chỉ có tiếng máy khâu ro ro, đều đều. Chả ai dám hé miệng nói chuyện riêng câu nào bởi mụ Hoa tổ trưởng mà bắt gặp thì thể nào cũng lu loa lên cho mà coi. Những lời nhiếc móc, rỉa rói được dịp tuôn ra từ cái miệng cong cớn, cặp môi đỏ chót, mỏng dính, nhìn đã biết là “hay hớt” để được thưởng công. Mụ Hoa mách lẻo đến tai mụ Nhung quản đốc khét tiếng thì thôi rồi, nào là trừ lương, nào là cắt hợp đồng… Hơi một tí là các mụ ấy dọa “cắt hợp đồng”, tuyển công nhân mới. Chỉ nghĩ đến những lời ngoa ngoắt ấy, Mơ cảm thấy bủn rủn cả chân tay. Bỗng dưng Mơ khựng lại, phát hiện mũi kim của máy khâu bị gẫy. Không kiềm chế được, Mơ buột miệng, hoảng hốt: “Chết rồi! Mũi kim gãy bắn đâu rồi? Làm thế nào bây giờ?”. Mấy chị em xung quanh vội đảo mắt nhìn sang, giục giã: “Tìm đi! Cố mà tìm đi! Mụ Hoa biết lại rách việc. Xem có bắn vào áo sơ mi như lần trước không?”.
Mơ ngồi thừ ra, đờ đẫn cả người, tự trách “sao số mình lại đen đủi thế, mới tháng trước gãy mũi kim, tháng này lại gãy mũi kim”. Nếu Mơ không tìm thấy mũi kim bị gãy thì công việc bị gián đoạn, lương bị trừ, lấy tiền đâu mà chi tiêu hàng chục khoản: thuốc men, mắm muối, đường sữa, điện nước, cỗ bàn…Cái gì Mơ cũng phải lo. Hàng của công ty là hàng xuất khẩu ra nước ngoài nên phải đảm bảo chất lượng, uy tín. Chỉ dính cái mũi kim thôi mà cả một đống áo sơ mi đã gấp gọn gàng, đóng thùng cẩn thận bị trả về nên công ty đề ra nội quy về việc công nhân làm gãy mũi kim thì phải tìm thấy mũi kim gãy mới được nhận kim khác. Lần trước, Mơ tìm mãi xung quanh không thấy nên sản phẩm của cả tổ dù đã chuyển sang khâu đóng gói đâu vào đấy rồi vẫn bị rũ tung ra. Cái máy dò kim dò khắp một lượt, mất gần nửa buổi mới tìm thấy cái mũi kim chết tiệt, dính vào cổ áo sơ mi. Bận ấy Mơ bị kiểm điểm, bị trừ lương, bị tổ đóng gói làu bàu bức xúc.
Bây giờ Mơ đang căng mắt tìm cái đầu mũi kim vừa bị gãy văng ra mà đã biến đâu mất. Chóng mặt, hoa mắt, chân tay bải hoải, bứt rứt, cô chỉ muốn đổ sụp xuống để chấm dứt cái công việc quái đản này. Đùng lúc ấy mụ Hoa tổ trưởng đi đến. Giọng lạnh lùng, mụ hất hàm hỏi Mơ:
– Lại gãy mũi kim hử? Khôn hồn thì tìm ngay chứ ỉm đi như lần trước, chuyển hàng sang đóng gói rồi mà lại phải rũ tung ra là đuổi việc nhá!
Mơ bỗng trợn mắt lên, hai tay múa mang liên hồi như nhập đồng trước mặt mụ Hoa. Mụ Hoa chưa hiểu Mơ định làm chuyện gì, bèn quát:
– Điên à! Tìm đi chứ!
Mơ ngồi bệt xuống nền nhà xưởng, chân khoanh tròn, đầu đảo liên hồi, chẳng khác gì con lật đật, mắt trợn ngược toàn lòng trắng. Mụ Hoa hoảng quá, mặt tái mét, cắt không được giọt máu, định bỏ chạy mà chân cứ cứng đờ. Mụ hét lên:
– Ối giời ơi! Ma …Ma nhập!
Các chị em cùng xưởng bỗng ngừng may, chạy xúm lại quây quanh chỗ Mơ ngồi. Một chị lớn tuổi ra vẻ hiểu chuyện, bạo dạn, thì thào:
– Chắc cái Mơ bị căn quả nặng rồi. Cứ bình tĩnh hỏi xem vong nào nhập vào nó. Để tôi hỏi cho: Lạy ngài, xin ngài xưng danh chứ đừng về đây quấy quả chúng con. Chúng con chỉ là công nhân làm thuê làm mướn thôi ạ, có lỡ đắc tội gì thì xin ngài đại xá cho.
Mơ không còn trợn mắt nữa mà lim dim, đầu vẫn đảo như con đông nam tây bắc, giọng khàn đục khác hẳn thường ngày:
– Không biết! Không biết!
– Có phải cô Chín không? – Một chị bạo dạn tiến lại gần Mơ, chắp tay hỏi.
Mơ gật đầu như bổ củi. Mụ Hoa hoảng sợ vội quỳ sụp xuống trước mặt “cô Chín”, chắp tay vái lia lịa, miệng khẩn khoản:
– Con cắn cơm cắn cỏ con lạy cô!
Nhìn mụ Hoa run run thật tội nghiệp. Mấy chị núp đằng sau bụm miệng cười, thầm nghĩ: “Chả bù cho lúc quát “cô Chín” tơi tả. Phen này sợ xanh mắt rồi nhé”.
Cái tin công nhân Mơ ở phân xưởng may 2 bị căn cô Chín nhập vào đã loan đến tai mụ Nhung quản đốc. Lúc đầu mụ không tin, tức tốc chạy xuống nhà may xem thực hư thế nào. Nhìn thấy đầu Mơ đảo liên hồi, giọng đổi khác, mụ lắc đầu quay ra:
– Gọi người nhà cô ta đến đưa về ngay! Căn quả nặng quá! Thôi, chị em đi làm việc của mình đi.
Mụ Nhung vừa dứt lời, Mơ ngã lăn đùng ra ngất xỉu. Ai nấy đều ngỡ ngàng: “Cô đi rồi”. Mọi người xúm vào bấm huyệt, giật tóc làm Mơ tỉnh lại. Mơ chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra, ai hỏi cũng chỉ lắc đầu: “Không nhớ! Không biết! Mệt lắm”.
Thực ra mấy tuần nay Mơ hay mất ngủ. Cô thấy trong người khó chịu, buồn bực, nôn nao, đầu cứ ong ong như có hàng trăm con muỗi vo ve. Mơ băn khoăn nói với chồng “Hay em bị bệnh?” nhưng Thành gạt đi: “Vớ vẩn! Mới tí tuổi đầu. Bệnh tật gì!”. Mơ câm nín, nuốt tiếng thở dài vào trong. Từ ngày sinh con bé thứ hai, Mơ vất vả gấp đôi, gấp ba nhưng Thành không chia sẻ, đỡ dần cùng vợ. Ban ngày Mơ bận tối mắt tối mũi, vừa việc công ty, vừa việc đồng áng. Nhiều đêm con bé quấy khóc ngằn ngặt mà Thành đi chơi đến khuya chưa về. Mơ vừa ru con vừa khóc. Giấc ngủ chập chờn vì Mơ cứ ngả lưng là ác mộng ùa về. Mơ nhìn thấy Thành đi với người đàn bà khác. Bao nhiêu tiền lương của Mơ, Thành mang cho gái hết. Mơ chạy đuổi theo níu chồng lại nhưng Thành hất tay, làm Mơ ngã sấp mặt. Mơ choàng tỉnh. Nỗi sợ hãi bủa vây cô trong bóng đêm đặc quánh.
Thành nghiện chơi game, chọc pi-a như đám thanh niên choai choai chưa vợ ở làng. Sửa chữa điện nước thì lúc có việc, lúc nhàn rỗi. Làm ít chơi nhiều, thua game cũng về hậm hực với vợ, xin tiền vợ để đi trả nợ. Mơ không chịu đưa tiền thì Thành dọa bỏ, dọa đi cặp bồ. Mơ nói mãi chẳng ăn thua vì Thành được mẹ hậu thuẫn. Mỗi lần nghe Mơ phàn nàn về chồng là mẹ chồng cô bênh con trai chằm chặp: “Đàn bà con gái, làm hơn chồng một tí đã tị với nạnh. Kệ nó, nó đi chơi chán rồi nó về, cấm làm sao được”. Mơ gồng mình lên để hoàn thành việc ở công ty, ngày nghỉ lại ra đồng với mấy sào ruộng và những đêm dài mất ngủ vì con quấy, vì chờ chồng trong nỗi nghi ngờ chồng có người đàn bà khác. Nỗi nghi ngờ ấy ngày một lớn thêm khiến đầu Mơ như muốn nổ tung.
Suốt dọc đường ngồi sau xe máy của chồng từ công ty về nhà, Mơ chẳng nói chẳng rằng. Cứ đến những quãng đông người, tắc đường, Thành phải đi chậm hoặc dừng xe là Mơ lại buông thõng hai chân xuống đất. Nghe tiếng người đi đường gọi giật giọng: “Kìa! Cô kia, sao lại thả chân xuống đất”, Mơ cũng chẳng phản ứng gì. Thành phải đỗ xe, đặt hai chân của vợ lên chỗ để chân của xe máy rồi mới đi tiếp. Trong bụng Thành cũng run run, chở vợ mà cứ nghĩ mình đang chở “ma” vì nhớ lại câu chuyện mẹ kể năm nào về một ông giáo dạy học ở xã bên. Một hôm ông giáo đi qua cầu Phủ vào buổi sáng tinh mơ, thấy cô gái vẫy lại xin đi nhờ xe, ông vui vẻ chở cô bằng chiếc xe đạp phượng hoàng màu xanh cánh chả, đi được một quãng, xe cứ nặng dần, nhúc nhích từng chút, từng chút. Phía sau, cô gái cứ buông chân xuống đường quèn quẹt. Ông buột miệng: “Chân gì mà dài thế?”. Cô gái phá lên cười khanh khách: “Này thì dài nữa này”. Ông ngoảnh lại, chẳng thấy cô gái đâu, lúc ấy mới biết mình bị ma trêu. Thành vẫn nghĩ mẹ bịa ra chuyện ấy để dọa Thành chứ trên đời này làm gì có ma.
Vậy mà bây giờ con ma đói đang nhập vào người vợ Thành, đang ngồi trước mắt Thành. Thành chứng kiến tận mắt việc Mơ ăn sáu bát cơm mà vẫn còn lao bát xin cơm nữa nhưng nồi cơm đã hết nhẵn rồi. Mơ quay ra uống nước bắp cải luộc, miệng kề vào bát ô tô, uống ừng ực như người đi nắng về khát nước, ngụm cuối thì súc miệng sùng sục. Bà mẹ sợ quá, chép miệng liên hồi rồi rỉ tai Thành: “Chết thật! Đích thị là con ma đói ở đâu theo về rồi. Để mẹ ra nhờ bà Gái vào bắt ma cho”.
Bà Gái ở làng chuyên cúng trừ tà, tuy già cả nhưng vẫn còn minh mẫn. Hễ nhà ai có công có việc liên quan đến cúng bái hay ma trêu thì đều nhờ bà giúp đỡ. Bà không đòi tiền công, tùy tâm ai đặt lễ bao nhiêu bà nhận bấy nhiêu. Vậy mà bà cũng xây được một cái điện hoành tráng ở góc vườn, có hàng chục con hương theo hầu, tuần rằm nào cũng tấp nập người ra vào.
Nhìn Mơ ngồi vắt vẻo trên ghế đi văng bắt chân chữ ngũ, lại đòi uống cà phê, bà Gái khẳng định như đinh đóng cột: “Vong đàn ông rồi”. Bà sai Thành đi tìm roi dâu, tẩm vào nước giải để bà bắt “con ma” trong người Mơ phải khai ra xem nó ở đâu, lý do gì mà theo Mơ về đây. Cả xóm kéo đến nhà Mơ xem bà Gái “bắt ma”. Tiếng roi mây vun vút vung lên nhưng chưa chạm vào người Mơ. Bà Gái đanh giọng:
– Ngươi là ai? Khai ra thì gia chủ làm lễ tiễn hậu hĩnh, bằng không cây roi này sẽ vụt vào ngươi ngay lập tức.
Mơ cất tiếng chỏng lỏn, giọng ồm ồm như đàn ông:
– Không biết! Không biết! Không khai, không khai!
Bà Gái quát to:
– Khai thật ra, lúc nhận bừa căn cô Chín, giờ lại bảo không biết là sao. Sự thật thì mi là ai?
Bà Gái vụt liên tiếp cây roi dâu tẩm nước giải lên người Mơ. Mỗi lần vụt bà lại hét lên:
– Đi đi! Ăn rồi thì đi đi!
Đau quá, Mơ không chịu được bèn giằng lấy cái roi từ tay bà Gái vứt ra ngoài sân. Mọi người có mặt hoảng hồn định chạy hết thì bà Gái trấn an:
– Việc gì phải sợ. Ma chẳng sợ người thì thôi việc gì người phải sợ ma. Anh Thành! Mang tỏi lại đây!
Thành giãy nãy lên:
– Không được! Bà định nhét tỏi vào mồm vợ cháu à? Để vợ cháu tắc thở à? Không đuổi ma bằng cách này được đâu. Bà không phải thầy cao tay rồi.
Bà Gái giận dỗi, vùng vằng:
– Ai thèm nhét tỏi vào miệng vợ anh. Thế thì nhà anh tự lo liệu lấy. Tôi về đây. Nhưng tôi nói cho mẹ con anh biết nhé, con ma này khôn lắm, đêm nay nó sẽ tìm cách dụ vợ anh ra khỏi nhà để nó bắt đấy. Cẩn thận đấy…
Bà Gái giận dỗi bỏ về, hàng xóm cũng lần lượt kéo nhau ra về, vừa đi họ vừa xầm xì to nhỏ, mắt tròn mắt dẹt vì sợ ma. Mẹ con Thành hoang mang, chỉ mong trời mau sáng để đi tìm thầy “cao tay” về đuổi con ma nhập vào người Mơ.
Đêm ấy, tí tí Mơ lại vùng dậy, hết đòi đi vệ sinh lại đòi tháo màn. Lần nào Mơ cũng bảo “Trời sắp sáng rồi”. Hình như “con ma” trong người Mơ cứ thôi thúc Mơ phải ra khỏi giường, ra khỏi nhà nhưng Thành đã níu lại, vì Thành nhớ lời bà Gái dặn: “con ma này khôn lắm”. Thành sợ con ma sẽ bắt vợ Thành đi nên Thành không dám chợp mắt một chút nào. Hai lần Mơ ở cữ, Thành cũng chẳng thức nổi một đêm để bế con cho Mơ ngủ đủ giấc vì Thành nghĩ việc chửa, đẻ, cho con bú là việc của đàn bà. Tối tối, Thành vẫn tụ tập cùng đám thanh niên trong làng chơi game ở quán nét như hồi chưa cưới vợ. Hễ Mơ gọi điện giục về là Thành tắt phụt máy đi để thảnh thơi chơi tiếp. Nhưng bây giờ nhìn Mơ như người mất hồn, Thành lo lắm. Thành sợ “con ma” nó hành Mơ, rồi hành cả nhà Thành.
Sáng hôm sau, ông thầy “cao tay” ở mãi huyện bên được mới đến. Ông này được những người sùng bái đồn thổi tôn là pháp sư, chuyên dùng bùa ngài đuổi được ma đói, ma khôn. Ông ta nhìn vào mắt Mơ và quả quyết: “Con ma chưa ra khỏi người đâu”. Nói rồi ông sai Thành trói Mơ vào chân giường, lấy cái áo Mơ mặc hôm qua cho vào chảo rang lên nóng giẫy và bắt đầu tra khảo:
– Khai ra! Mi là ai?
– Mơ ngoảnh mặt nhìn lên bàn thờ, chỉ tay vào ảnh bố chồng quá cố.
Ông thầy quát:
– Láo! Đưa nước giải đây!
Bà mẹ chồng vừa bê bát nước giải lại gần, Mơ liền vung tay hất đổ. Nước giải khai mù bắn tung tóe, văng cả vào quần áo của những người đứng gần. Thành giơ tay tát thẳng vào mặt Mơ. Mơ hét lên, y hệt giọng bố chồng cô lúc ông còn sống:
– Mày dám tát bố mày à! Đồ mất dạy!
Ông thầy nhăn mặt, nháy mẹ con Thành ra góc sân, thì thào :
– Con ma này thành tinh rồi! Nguy hiểm lắm ! Bùa đây, đốt thành tro rồi hòa với nước cho cô ấy uống. Tôi cam đoan chỉ ba ngày sau là nó ra khỏi người. Còn bùa này là vật bất ly thân của cô ấy, khi ra ngoài không ma nào theo được.
Ông ta nhận một khoản tiền lớn rồi ra về, hứa với Thành rằng không bắt được ma thì sẽ trả lại. Thành sắc thuốc bắc, hòa tro bùa vào, dỗ dành Mơ uống cho khỏe người, cho lại sức, có sữa cho con bú. Uống được hai ngày thì Mơ tỉnh táo, không còn nhận mình là hồn này ma nọ nữa. Mẹ chồng Mơ mừng lắm, Thành cũng thở phào nhẹ nhõm. Thành nghĩ: “Hóa ra trên đời này có ma thật”.
Đến ngày thứ ba thì mẹ chồng đinh ninh là «con ma» đã ra khỏi người Mơ nên bà vui vẻ đồng ý cho Mơ dắt con lớn, bế con bé sang hàng xóm chơi để bà cuốc lại luống đất trồng rau. Chưa cuốc xong, ruột gan bà đã nóng như lửa đốt. Không kịp rửa chân tay, bà chạy vội sang hàng xóm tìm ba mẹ con Mơ. Tim bà như muốn rụng ra ngoài vì nhà nào cũng bảo: «Mẹ con nó về lâu rồi». Bà gọi Thành và hô hào mọi người đi tìm giúp. Các ngõ ngách được lục tung lên mà không thấy ba mẹ con Mơ đâu. Ruột gan Thành rối bời, lẽ nào “con ma” đã bắt vợ con Thành ? Trời ơi! Thành sẽ sống thế nào đây. Nỗi sợ hãi choán hết tâm trí Thành.
– Thành ơi ! Cái Mơ bế con xuống sông – Tiếng gọi thất thanh của ai đó làm Thành lao ra bờ sông như điên dại.
Dưới sông, nước đã ngập đến ngang bụng Mơ và đứa con gái nhỏ tám tháng vẫn được kẹp chặt ở một bên nách mẹ. Tiếng khóc thét gọi mẹ của thằng con trai lớn chưa đầy bốn tuổi đang đứng trên bờ sông khiến Mơ choàng tỉnh. Đôi mắt dại, đờ đẫn của Mơ vụt lóe sáng. Gương mặt thất thần, hoảng hốt, Mơ sững lại, chôn chân một chỗ.
Thành lao xuống, một tay giằng con nhỏ ấp vào vai, tay kia túm lấy Mơ lôi vào bờ. Mơ nằm vật ra bờ sông, ngất lịm. Mọi người xúm lại, xôn xao vì họ bảo Mơ “cao số” nên “con ma” không thể bắt đi được. Anh trạm trưởng y tế xã đến tận nơi sơ cứu cho Mơ trước khi xe cứu thương đưa Mơ vào bệnh viện.
Cơn ác mộng ào về, Mơ nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của mụ Hoa tổ trưởng và mụ Nhung quản đốc. Tiếng bà mẹ chồng đay đả. Tiếng con quấy khóc. Đầu Mơ ong ong như có hàng ngàn con ve sầu kêu inh ỏi. Mơ bật dậy, hai tay bịt chặt tai, miệng gào lên:
– Chồng tôi đâu! Chồng tôi đâu!
Thành hoảng hốt chạy đi gọi bác sĩ:
– Bác sĩ ơi! Vợ tôi tỉnh lại rồi. Con ma nó vẫn ở trong người vợ tôi! Phải làm thế nào bây giờ hả bác sĩ?
Vị bác sĩ già lấy tay đẩy gọng kính đang trễ xuống mũi, nhìn Thành như nhìn người ngoài hành tinh, giọng gay gắt:
– Ma nào? Chẳng có ma nào hết. Vợ anh bị trầm cảm nặng. Phải điều trị lâu dài. Muốn cô ấy hồi phục nhanh thì người nhà phải quan tâm, săn sóc, yêu thương. Anh có hiểu tôi nói gì không?
Thành đứng bần thần ở hành lang bệnh viện, thở hắt ra. Nghĩ lại chuyện mời thầy cúng đến “bắt ma” cho vợ, anh bỗng rùng mình.
28/5/2021
Trần Thúy Lành
Theo 
https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...