Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Bến đợi

Bến đợi

Rời con đò chiều, tôi và Hằng bước lên bến sông nhà nàng. Gọi là nhà, nhưng thật ra đó là mảnh vườn dừa hơn hai ngàn mét vuông của cha mẹ Hằng ngày xưa. Đứng trên bến sông, chúng tôi xúc động, tần ngần quan sát khu vườn cũ, nhất là Hằng lần này trở lại quê hương vào dịp cuối năm để thăm bà con, viếng mồ mả ông bà, bao nhiêu cuộc đời lắng đọng trong tiềm thức, giờ có dịp ùa về.
Bến sông xưa vẫn như ngày nào, đám lá dừa nước vẫn vững chãi mọc dọc theo bờ sông, soi mình trên mặt nước phẳng lặng. Chỉ có cây dừa quì trên bến sông mà ngày xưa tôi và Hằng thường ngồi trên đó tâm sự không còn nữa, thời gian đã hủy hoại nó, nhưng ký ức trong tôi vẫn sống động. Nắng chiều vàng ánh, xuyên qua những tàu dừa xanh mượt, mơn man mái tóc bồng bềnh của Hằng. Vợ chồng sống bên nhau mấy chục năm, nay trở lại nơi gặp gỡ ban đầu, những kỷ niệm ngày xưa vẫn tinh nguyên. Tôi không ngờ chính bến sông này và cả cuộc đời Hằng thành bến đợi tôi về.
Tôi quen Hằng trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Cuộc đồng khởi của nhân dân miền Nam nổi dậy lật đổ chế độ Mỹ – Diệm đã cuốn hút tôi từ Vĩnh Long về đây tham gia kháng chiến. Hôm ấy cũng vào một buổi chiều, sau trận càn quét của bọn bảo an quận Vũng Liêm, tôi còn đang ẩn mình trong một lùm ô rô cạnh bến sông nhà Hằng thì gặp em. Thuở ấy Hằng khoảng mười bảy, mười tám tuổi, thân hình chắc nịch, cân đối, tràn đầy sức lực tuổi thanh xuân. Một mình với chiếc ghe tam bản nhỏ, Hằng mặc quần đen, áo bà ba trắng, đầu đội nón lá, vội vã đẩy hai mái chèo, chiếc ghe băng băng từ hướng chợ Càng Long về.
- Em ơi, cho tôi hỏi thăm.
Nghe tiếng tôi gọi, Hằng rà mái chèo quay đầu lại. Một gương mặt trái xoan, trắng hồng hiện ra dưới nắng chiều, bóng em thanh thoát, nổi bật trên sông vắng như một bức tranh quê. Giá như không có trận càn quét của giặc, với tiếng pháo và tiếng súng liên thanh, mà khói thuốc vẫn còn lan tỏa đâu đây thì đẹp biết bao nhiêu... Tôi sững sờ nhìn thẳng vào mắt em thân thiện hỏi:
- Giặc rút hết rồi phải không em?
- Dạ, chúng nó đã qua sông hết rồi. Anh lên đi.
Sau ngày đồng khởi, quê hương Hằng được giải phóng, nhưng bọn giặc bảo an huyện Càng Long và Vũng Liêm thường xuyên phối hợp đánh phá, nhứt là bọn Ba Sáu ở Vũng Liêm rất ác ôn, hay đánh biệt kích sâu vào vùng mới giải phóng của ta. Được sống trong vùng giải phóng, bà con rất phấn khởi, việc bảo vệ nuôi dưỡng những cán bộ, chiến sĩ cách mạng như một nhiệm vụ đương nhiên. Tôi quen Hằng từ đó, và bến sông nhà nàng dần dần trở thành nơi Hằng đón đợi tôi mỗi khi đi xa về. Nhà Hằng nằm sâu trong vườn, xung quanh nhà toàn lá dừa nước, sầm uất không có lối đi. Đến nhà Hằng, tiện nhứt là đi từ bờ sông lên. Vì vậy, cơ quan tôi thường đóng ở nhà Hằng, làm việc trong buồng, không để nhiều người biết. Là một học sinh từ thị xã ra vùng giải phóng kháng chiến, trong ba lô tôi luôn có cây kèn Acmonica. Đêm đêm tôi thường thổi kèn cho các em thiếu nhi và thanh niên nam nữ múa hát... Những bài hát “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh...”, “Giải phóng miền Nam chúng ta thề quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước, ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời...” sao mà hừng hực khí thế cách mạng, thôi thúc mọi người. Tôi và Hằng hòa trong niềm vui ấy, những đêm trăng sáng, chúng tôi thường ra bờ sông ngồi vắt vẻo trên cây dừa cong mình trên dòng nước. Tôi kể cho Hằng nghe gia cảnh của tôi, chuyện học hành của tôi trên thành phố, những ước mơ khi đất nước thanh bình. Hằng lắng nghe thích thú, thỉnh thoảng chỉ tay nhìn bóng hai đứa trên dòng nước chảy, khi hợp, khi tan, hay tinh nghịch lượm một hòn đất ném mấy con cá thòi lòi, rượt đuổi nhau trên bãi.
Để đảm bảo an toàn, cơ quan tôi thường xuyên di chuyển, nên có lúc vài ba tháng chúng tôi mới gặp nhau một lần. Mỗi lần gặp nhau, từ bến sông bước lên bờ, người đầu tiên tôi thường gặp vẫn là Hằng, em mừng rỡ líu ríu mời tôi vào nhà, tôi bắt gặp đôi mắt đen của em trìu mến, long lanh, sau này khi kết hôn với nhau Hằng tâm sự tôi mới biết, chiều chiều em thường ra bến sông ngóng đợi tôi trở lại. Tình yêu hai đứa êm đềm như dòng sông Càng Long mỗi ngày lớn ròng lặng lẽ. Sau thắng lợi cuộc đồng khởi của nhân dân miền Nam, Mỹ - ngụy vội vã triển khai chiến lược “gom dân lập ấp chiến lược” hòng tách nhân dân ra khỏi cộng sản để tiêu diệt. Chúng tăng cường đánh phá, đàn áp dã man. Đối với vùng giải phóng, Mỹ - ngụy càn quét, chà đi xát lại, bắn giết và đốt nhà nếu ai chống lại không vào ấp chiến lược. Đến cuối năm 1962, tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long chỉ còn một vài lõm nông thôn giải phóng. Huyện Vũng Liêm duy nhất còn một ấp giải phóng.
Được sự chấp thuận của tổ chức và gia đình hai bên, chúng tôi tiến hành lễ cưới trong hoàn cảnh ấy. Đêm tân hôn của tôi và Hằng diễn ra vào chập tối, vì tờ mờ sáng hôm ấy địch từ nhiều hướng đánh vào và đóng quân cách nhà Hằng chỉ vài cây số. Mẹ Hằng quyết định lễ thành hôn của chúng tôi cứ tiến hành. Do giặc càn đóng quân gần nhà, nên lễ thành hôn chúng tôi, cha mẹ, thân nhân ruột thịt của tôi không ai đến được, chỉ có thủ trưởng đơn vị thay mặt cho tổ chức và đại diện luôn cho đàng trai. Ngay cả gia đình Hằng cũng không có ai, ngoài mẹ Hằng, hai anh và đơn vị du kích xã đến dự. Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, tôi và Hằng chắp tay làm lễ bàn thờ ông bà, tổ tiên. Mẹ Hằng lâm râm khấn vái, cầu mong hạnh phúc cho con. Đại diện cấp ủy xã đứng ra dặn dò, công nhận lễ thành hôn cho hai đứa. Tôi xúc động tràn ngập niềm thương yêu Hằng. Đối với tôi một thanh niên thời chiến tranh, đi kháng chiến, xa gia đình... thì đã đành. Còn Hằng là một thiếu nữ mới lớn, nhiều mộng mơ, đẹp nổi tiếng cả vùng, vậy mà đêm tân hôn không có áo cưới, xe hoa, không có bạn bè đến chúc rượu mừng hạnh phúc, bên nhà chồng không có một món nữ trang nào để tặng cô dâu... Thay vào đó là tiếng pháo 105 li, tiếng súng cối 60 li, tiếng súng liên thanh nổi lên từng hồi, từng hồi, xé toạc màn đêm tĩnh mịch.
Sợ Hằng tủi thân, tôi nắm chặt hai bàn tay em an ủi: “chiến tranh mà, miễn chúng mình yêu nhau là hạnh phúc lắm rồi, nhiệm vụ em là chăm sóc gia đình, nuôi con, anh ra ngoài mặt trận; hạnh phúc lứa đôi phải gắn liền với hạnh phúc của dân tộc phải không em”... Tôi lúng túng nhắc lại lời của đồng chí đại diện cho cấp ủy địa phương đối với chúng tôi trong lễ thành hôn. Hằng mỉm cười gật đầu, ngã vào lòng tôi. Tôi ôm ghì lấy em, đặt lên môi Hằng một nụ hôn mà cả đời không sao quên được. Hạnh phúc và niềm tin là sức mạnh to lớn, chúng tôi bất chấp cuộc chiến tranh đang hồi khốc liệt. Hạnh phúc mà tôi và Hằng ấp ủ hơn hai năm trời, bây giờ đã thành sự thật, chúng tôi quyện chặt vào nhau, trao cho nhau tất cả... lấn át cả tiếng pháo 105 li và tiếng súng liên thanh nổ liên hồi trên đầu xóm. Đó là điều mà mẹ Hằng hiểu tình yêu của con mình hơn ai hết và việc mẹ quyết định tiến hành lễ thành hôn với lý lẽ mà không ai cãi lại được: “Chiến tranh biết đến khi nào kết thúc, đình lại tội nghiệp cho các con”...
Hôm sau tôi mang ba lô chuyển địa bàn công tác sang nơi khác, Hằng ra tận bờ sông tiễn tôi đi. Tôi nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của em, dặn dò đôi điều và bước xuống thuyền. Hằng lắp bắp dặn tôi đi cẩn thận, giữ gìn sức khỏe và đến nơi ở, nhớ viết thư về. Thuyền đã rời bến, bốn mắt chúng tôi dán chặt vào nhau không rời, gởi gắm cho nhau biết bao điều chưa nói. Từ hôm ấy cũng trên bến sông này, Hằng phải chờ đợi tôi ròng rã hơn mười năm trời, trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt... Đó là sự thử thách quá lớn đối với tình yêu và sự thủy chung của chúng tôi, nhất là đối với Hằng, một người con gái mảnh mai vừa bước vào đời phải đương đầu với bao nghiệt ngã của chiến tranh, giữa sống và chết, giữa tiền tài, vật chất, sự cám dỗ con người trong thời loạn ly... Tôi ngồi trên thuyền, đưa tay tạm biệt em trên bến sông. Hằng đưa cả hai tay vẫy vẫy tiễn tôi. Tôi nhìn hình bóng em nhòe đi và khuất dần trong đám lá dừa nước.
Chiến lược gom dân lập “ấp chiến lược” của Mỹ - Diệm đã thất bại thảm hại. Với thủ đoạn dùng máy bay, trọng pháo kết hợp với bộ binh càn quét ném bom, bắn phá bừa bãi vùng nông thôn, quân ngụy đi đến đâu đốt nhà đến đó, dùng lưỡi lê, họng súng thúc đẩy nhân dân gom lên lộ giao thông, lên thị trấn, ven huyện lỵ, thị xã. Ở làng nào chúng cũng lập “ấp chiến lược kiểu mẫu”. Mỗi “ấp chiến lược” đều có rào dây kẽm gai, đắp bờ thành bao bọc, cặm chông, gài mìn xung quanh, nhân dân ra vào “ấp chiến lược” phải đi qua cổng gác. Bộ máy chính quyền ngụy kiểm soát gắt gao: tề xã, tề ấp, liên gia, công an nổi, công an chìm, dân vệ, tự vệ hương thôn... “ấp chiến lược” thật sự là một trại tập trung, một nhà tù. Chánh sách đàn áp, khủng bố, lừa mị của Mỹ - Diệm mất lòng dân, đặc biệt là nông dân vốn gắn bó với ruộng vườn, mồ của ông bà, tổ tiên, nên đã vùng dậy chống trả quyết liệt, nhiều tấm gương dũng cảm liều chết của các mẹ, các chị, các anh không vào ấp chiến lược, nhiều nơi ban ngày bị địch gom vào, tối nhân dân đồng hè đốt lều trại, kéo trở về quê cũ. Ở xã Tân An, huyện Càng Long có ông Thạch Dư người Khơme, nhất quyết không vào ấp chiến lược, quân ngụy kéo đến đốt nhà, ông dùng dao mác vót đâm chết hai lính ngụy. Tuy bị giặc bắn chết, nhưng ông Dư để lại một tấm gương bất khuất cho nhân dân trong vùng.
Để đối phó với chiến lược mới của Mỹ ngụy, Khu ủy khu IX chỉ đạo các Đảng bộ phải bám theo dân, dùng ba mũi giáp công để đánh địch, nhứt là mũi chính trị, binh vận, vừa đấu tranh, vừa tranh thủ vận động binh lính địch, đi đôi với hoạt động vũ trang trừ gian, diệt ác ôn hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của nhân dân... Những nơi địch đã lập được “ấp chiến lược”, cán bộ đảng viên phải bám theo dân dưới mọi hình thức: hợp pháp, bán hợp pháp, bất hợp pháp để lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng, khi đủ điều kiện phát động nhân dân đồng loạt đốt nhà, phá “ấp chiến lược” trở về quê cũ.
Quê hương Hằng thuộc vùng nông thôn sâu, bị chia cắt nhiều sông rạch, địch không lập “ấp chiến lược” mà dùng chiến thuật “tát trắng” đuổi dân đi. Trong hoàn cảnh ác liệt ấy Hằng và mẹ phải từ bỏ quê hương lên ven lộ giao thông ở tạm gia đình người thân. Phần tôi, do cơ quan chuyển sang một địa phương khác, nên mối quan hệ giữa tôi và Hằng càng khó khăn hơn. Bẵng đi gần một năm, tôi mới được thư em. Lá thư ngắn, xúc tích mà tràn đầy niềm thương yêu:
Anh yêu!
Mới xa nhau gần một năm mà em tưởng chừng dài hơn thế kỷ. Anh bây giờ đang ở nơi đâu? Tháng rồi về quê nhà, gặp mấy anh quen, hỏi thăm, biết anh mạnh khỏe, em rất mừng. Anh cố gắng công tác, đừng lo gì cho em. Dù trong hoàn cảnh gian khổ thế nào, em cũng một dạ yêu anh, chung thủy suốt đời. Mẹ vẫn khỏe, luôn nhắc đến anh.
Hẹn ngày thắng lợi. Đoàn tụ. Hạnh phúc.
Vợ yêu quý của anh.
Đọc thư, dù em không nói gì khó khăn để tôi phải lo lắng. Nhưng tôi biết em phải đối mặt với bao nhiêu gian truân. Rời ruộng vườn, em phải đi làm mướn, buôn bán lặt vặt lấy tiền nuôi mẹ. Sống trong vùng kiềm kẹp của giặc, em còn trẻ, mới hơn hai mươi tuổi, có nhan sắc, bao nhiêu chàng trai dòm ngó, ngon ngọt đủ điều. Đặc biệt là bọn tề ngụy, lính dân vệ, bảo an, biết gia đình em từ vùng giải phóng lên, chúng tìm mọi cách khống chế, dụ dỗ. Mỹ - ngụy công khai chủ trương cho bọn làng lính khuyến dụ vợ con cán bộ cách mạng đầu hàng, lấy lính làm chồng, chúng sẽ thưởng. Đây là thủ đoạn ly gián nguy hiểm, đánh vào tinh thần cán bộ chiến sĩ ta. Hằng hết sức khó khăn, vừa phải lo cho cuộc sống, vừa phải đối phó với giặc, có đêm em phải đổi chỗ ngủ từ nhà này sang nhà khác để tránh bọn tề ngụy đến làm khó dễ, o ép đủ điều...
Chủ trương của Đảng đưa cán bộ, đảng viên bám theo lãnh đạo nhân dân phá “ấp chiến lược” đem lại hiệu quả to lớn. Sau thời gian không đầy một năm, ta đã gầy dựng cơ sở trong lực lượng dân vệ, phòng vệ dân sự, tề ấp, tề xã... nên ta đã làm chủ “ấp chiến lược”. Nhiều nơi đã kết hợp lực lượng vũ trang bên ngoài đánh vào diệt ác ôn, đưa dân trở về vùng giải phóng. Đêm cuối năm 1963, nhân thời cơ Mỹ thay ngựa giữa dòng, làm đảo chánh giết anh em Diệm - Nhu, lập chính phủ mới, nhân dân các địa phương đã vùng lên phá banh “ấp chiến lược”. Vùng giải phóng mở rộng. Quê hương Hằng lại được giải phóng.
Sau thất bại chiến lược “gom dân lập ấp chiến lược”, Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” đưa gần năm trăm ngàn quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam. “Chiến tranh cục bộ” cũng không cứu nổi ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, hàng chục ngàn quân Mỹ phải đền tội. Trận Bàu Bàng, Bờ lây - me, chiến dịch Giônxơn City, đường Chín Nam Lào... quân Mỹ bị đánh tơi tả. Đặc biệt cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 quân giải phóng đánh đòn quyết định vào Sài Gòn, buộc Mỹ phải xuống thang rút quân, chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa”... Mỗi lần thay đổi chiến lược chiến tranh, thủ đoạn Mỹ - ngụy lại ngày càng thâm độc, mật độ bom đạn ngày càng cao, binh khí kỹ thuật của chúng ngày càng hiện đại, giết người hàng loạt. Quê hương Hằng là vùng nông thôn sâu. Địch đóng đồn lấn chiếm. Ta diệt đồn, giải phóng đi, giải phóng lại nhiều lần. Hết quân ngụy, rồi quân Mỹ càn quét liên miên. Các loại máy bay phản lực, trực thăng, pháo đài bay B52, chất độc hóa học, pháo bầy, bom chùm, bom napan, bom rải thảm, bom tọa độ... đều có mặt trên chiến trường này. Trong “chiến tranh cục bộ”, “bình định Việt Nam hóa” vùng giải phóng của ta là vùng oanh kích tự do của địch. Nhưng nhân dân ta vẫn bám trụ vùng giải phóng, thề “một tấc không đi, một ly không rời” ruộng vườn, “sống là đây, mà chết cũng là đây”. Đương đầu với giặc Mỹ và tay sai, sự hy sinh, chịu đựng bom đạn của nhân dân ta là vô cùng lớn. Riêng gia đình Hằng, cho đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, hơn hai phần ba người thân ruột thịt trong gia đình em đã chết vì bom đạn Mỹ - ngụy. Hằng đau đớn khóc mẹ, khóc cha, khóc anh... Trong hoàn cảnh đó, tôi và Hằng ít có dịp gần nhau. Có khi một hai năm chúng tôi mới gặp lại một lần. Mỗi lần gặp nhau chỉ một hai ngày. Có khi Hằng phải đi nhiều ngày, vượt qua nhiều đồn bót giặc để thăm tôi. Kết quả những lần gặp nhau ấy, Hằng đã sinh cho tôi hai đứa con kháu khỉnh. Càng nghĩ, tôi càng thương yêu quý trọng Hằng; tuy không trực tiếp ra tiền tuyến, nhưng em vừa chiến đấu, đánh địch tại quê nhà, vừa tảo tần mưu sinh và nuôi dạy con tôi nên người.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Thời gian và thực tiễn cuộc sống là thước đo chính xác lòng người. Mấy mươi năm, chúng tôi yêu nhau, thành vợ thành chồng, Hằng vẫn một lòng, một dạ thủy chung, chờ đợi, đảm đang gia đình, để tôi an lòng đi chiến đấu. Mỗi lần gặp nhau là một trời kỷ niệm. Hằng luôn là tổ ấm, là bến đợi tôi về.
Hôm nay đất nước thanh bình, chúng tôi có dịp cùng nhau trở lại quê hương. Đứng trên bến sông nhà Hằng, lòng chúng tôi nôn nao nhớ những kỷ niệm của cuộc đời. Trong nắng chiều rực rỡ, nhìn mái tóc bồng bềnh của Hằng, vẫn thân hình mảnh mai, cân đối, mặc dù năm nay tuổi em đã quá năm mươi, nhưng tôi vẫn tìm thấy cô Hằng xinh đẹp ngày nào, bất chấp mọi hiểm nguy, ghé mũi thuyền vào lùm ô rô đón, đưa tôi về nhà em.
Tôi cảm nhận niềm hạnh phúc tràn ngập trên bến sông.
30/4/2004
Bùi Nhất Chi
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...