Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Tình huynh đệ

Tình huynh đệ

Anh ấy đưa tôi đến cửa phòng khám rồi quay xe: "Mày tự vào một mình đi!". Nếu tôi có được bản lĩnh đó, tôi đã không phải xuống nước nhờ vả. "Anh vào cùng em!". "Tao có đau răng đâu?". "Em van anh đấy!". "Đồ rắc rối! Đồ "dặt dẹo", lắm chuyện!". Anh ấy vừa gởi xe, vừa luôn miệng xủa rả tôi. Tôi là con trai chính cống, nhưng tôi im lặng. Thói quen kỳ lạ này hình như phát khởi từ lúc lọt lòng.
Anh tôi là một nhân vật hoàn hảo. Học hoàn hảo, chơi hoàn hảo, xử sự hoàn hảo. Là sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng và khả năng hư cấu tuyệt vời, các nhân vật văn học chắc gì được "điển hình" như anh tôi. "Hùng hoàn hảo" - từ lâu đã trở thành tên, thành biệt danh, thành niềm yêu mến, thành sự sùng kính và ngưỡng mộ của mọi người (trai có, gái có, già có, trẻ có, trung niên và thiếu niên nhi đồng đều có).
Đôi khi, tôi cay đắng nhận ra thân phận "cái phông", làm nền cho tính cách hoàn mỹ của anh. Nhưng có một thằng người trong đầu tôi vụt mắng át đi: "Cần phải tự hào và hãnh diện!". Thằng người ấy không có hình hài. Nó chặn không để nhuệ khí của tôi tiến về phía trước.
Bạn bè gọi tôi là "Hưng hâm hấp", nửa yêu, nửa ghét, nửa thương hại, nửa châm biếm, nửa cảm thông. Ngay cả tình cảm, tôi cũng không được đón nhận trọn vẹn. Trách tôi có "vấn đề" bởi vì tôi chẳng hề tự ái (??).
Lại nói về chuyện cái răng của tôi. Nguyên do là nó mọc lệch, không chịu yên phận đứng song hàng mà cứ thích tranh chỗ cái răng bên cạnh. Chẳng bên nào chịu nhường nên làm khổ đến cái lợi, nó sưng tấy, đỏ chót, đụng lưỡi vào cũng đau buốt. Mẹ hốt hoảng đòi đưa tôi đến bệnh viện. Bố thì bảo: "Tới phòng khám tư nhân tốt hơn, tuy có nhiều tiền một chút, bù lại nhanh, gọn, thủ tục đỡ rườm rà". Thế mới có chuyện anh ấy dẫn tôi đi rồi định mặc tôi một mình đối
mặt với bác sĩ.
Anh ấy thúc vào lưng, đẩy tôi lên trước, mũi nhăn nhúm vì mùi cồn. Lúc ấy trông anh xấu một cách tệ hại. Chúng tôi nhòm qua cửa kính, thấy kìm, nĩa inox sáng choang va nhau loảng xoảng mà rủn hết cả người. Một cô y tá trẻ măng ngoắc tay: "Vào đây, ngồi đợi năm phút!". Thằng bé con nhổ răng sữa hùng dũng nằm lên ghế sau những lời động viên, tán tụng, dỗ dành của mẹ nó và bác sĩ. Với nó, nhổ răng là một hành động anh hùng. Trẻ con thật dễ bị lừa phỉnh (!).
Tôi nài anh: "Đứng cạnh em đi!", lập tức anh ấy trố mắt. Mọi người phì cười: "Làm gì mà ủy mị thế?". "Không, cháu sợ, đau lắm!". Anh lại gần, túm chỏm tóc tôi giật giật: "Nhuệ khí của mày biến đâu rồi hả?". Tôi tủi thân thì ít, lo lắng thì nhiều nên đã bắt đầu rơm rớm. Chiếc khay trên tay cô y tá rung bần bật vì cơn cười lên đến cao trào. Mặc kệ cô ta, tôi nhìn anh cầu khẩn. Anh bĩu môi - một cái bĩu môi không giống con gái - nó chứa đựng sự coi thường nhiều hơn là sự giận dỗi hay sự làm duyên. Thuốc tê cay cay và đôi tay bà bác sĩ ân cần. Anh tôi đứng giữ hai chân tôi. Kỳ thực, phải nói là "tóm chặt" để cho nó khỏi giẫy đạp. Anh ấy quay mặt ra chỗ khác, tới khi cô y tá thủng thẳng: "Xong rồi, chàng trai!" mới lẳng lặng bỏ ra ghế ngồi. Dọc đường, tôi nín thinh bởi mãi cắn cái bông cầm máu. Anh ấy thì chỉ thốt lên mỗi một câu, chán chường và băng giá: "Mày hèn thế!", bóp còi xin đường liên tục mặc dù phố vắng tanh.
Sau bữa cơm, tôi kể cho bố mẹ nghe về bà bác sĩ kèm theo lời khuyên nên đi hàn chiếc răng sâu. Hưng phấn quá, tôi còn hứa sẽ hộ tống mẹ. Anh tôi cắm cúi ăn, nhếch mép cười lạ lùng.
Hàng ngày, anh em tôi gặp nhau vào hai lần vào bữa ăn. Vì thế khó mà bộc lộ hết vô vàn những khác biệt và bất đồng. Khuya, khi mọi người đi ngủ, tôi bật ti vi xem bóng đá. Anh càu nhàu: "Vô ý!". Tôi đọc báo, anh đổi giọng: "Rỗi hơi!". Tóm lại là khó chịu. Anh không biết đá bóng và thích đọc tiểu thuyết tâm lý tình cảm thì có thể chấp nhận. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc áp đặt thói quen của người khác.
Bạn tôi bảo: "Anh mày như nhà tu!". Phố nó với phố tôi nằm vuông thước thợ. Chị gái nó thật xinh, thật hiền, đảm đang, khéo tay, học khá và… "chơi đẹp". Mùa ôn thi, chị ấy thức cùng, nấu đủ thứ cho nó ăn bồi dưỡng. Mùa bóng đá, nó cũng có đồng minh để bàn luận tranh cãi. Chị có thể che dấu sự bất bình bằng nụ cười nhẹ nhàng và ánh mắt nghiêm khắc. Những người nói ít, làm nhiều thường tạo nên ấn tượng gần gũi, tin cậy, chắc chắn. Với một bà chị như thế, bạn tôi có quyền tự hào mà chẳng phải day dứt, khổ sở, đấu tranh tư tưởng triền miên như tôi.
Học vào loại khá, thỉnh thoảng lại tập tọng làm thơ và có bài đăng báo, kỳ hội diễn văn nghệ hay nhóm họp nào người ta cũng giới thiệu tôi ngâm thơ. Giọng chẳng có gì đặc biệt nhưng cảm xúc là đồ "zin" chính hiệu nên được hoan nghênh nhiệt liệt. Anh tôi thoạt đầu bảo rằng: "Thơ của mày như gà con, suốt ngày léo nhéo!". Từ khi nổi tiếng, tôi đã học được cách phản đối. Làm như vô tình, những bài thơ nằm rải rác khắp nhà. Cả đến cái tủ lạnh nhỏ xinh trong bếp của mẹ vốn chỉ để chứa thức ăn và đồ uống (nhưng đó là chức năng của các ngăn) tôi cũng chẳng tha. Tôi đặt thơ lên mặt tủ, bởi vì anh tôi có thói quen đứng gác tay nói điện thoại với bạn gái. Khi ấy anh hay bối rối và cái tay thừa kia nhất định sẽ lật xem bất cứ thứ gì (từ chiếc mũ bảo hiểm tới cái ghim sách bé tí mân mê và săm soi như thể đang nghiên cứu nó cho đến lúc hết chuyện. Riêng thơ của tôi, anh không mó đến. Anh mỉa mai rằng: "Mày viết cao "xiêu" quá, may ra thì thánh hiểu!". Chị của bạn tôi không phải là thánh thần nhưng luôn thấu tình đạt lý. Đoạn nào dở, chị ấy "phê" nhẹ nhàng: "Hơi non tay, lần sau khá hơn!". Đoạn nào tốt, lại khích lệ: "Có ấn tượng, tự nhiên và giàu cảm xúc!". Chẳng máu mủ ruột rà, cũng chẳng cái gì gọi là "hối lộ", chị công minh, vô tư tiếp nhận những "tâm huyết" của tôi. Lúc bị anh "đàn áp" quá, tôi đuối lý, đuối sức chỉ kịp nói vung lên: "Anh xem, chị thằng Thao đấy! Thế mới đáng làm cho người khác kính phục!". "Ôi, đồ con gái, trách làm gì!". Bao giờ cũng một câu ấy thôi rồi nín khe. Để tỏ ra bao dung, để tỏ ra cao thượng, để tỏ ra quân tử… hay là gì nữa tôi cũng chẳng biết (??)…
Sau này, anh ít mắng tôi. Có thể vì tôi đã lớn, đã nổi tiếng tí chút, không dễ bị đàn áp, cũng có thể bởi anh mới vào đại học, phải bớt đi những nét càu cạu khó chịu của một ông già; hoặc cũng có thể vì bạn gái anh không còn vương vấn với những "cảm xúc đầu tiên" và chuẩn bị đi xa…
Sự thay đổi lớn nhất khiến tôi mừng rỡ là anh tôi "đột nhiên" quen với chị bạn tôi. Một kiểu "đột nhiên" rất dễ thương, rất lãng mạn, rất lôgic và rất trình tự. Có nghĩa là đủ cả màn "gặp tình cờ", "giúp vô tư", "quen sơ sơ", và "thân mật thiết". Hai người biết chuyện đó đều nín miệng. Tôi chỉ muốn nói rằng, ngoài bố mẹ chẳng còn người ruột thịt nào gắn bó khăng khít cùng tôi trong cuộc đời này. Nghe có vẻ "cải lương, chèo, tuồng" quá. Nhưng quả thật tôi đã "giác ngộ" được điều này sau một cuộc nghe trộm điện thoại… Anh tôi gác tay lên mặt tủ lạnh, hai tay đỏ dừ, khẽ khàng thả vào ống nghe những lời ngọt ngào: "Phải chi mình giỏi giang hơn một chút, dũng cảm thêm đôi phần, nhất định mình sẽ…". Tiếp đó là một khoảng im lặng đầy ý nghĩa. Và tôi sung sướng nhận ra rằng những mỹ từ "châu ngọc" trong đoản văn mới đăng báo của tôi hóa ra lại vô cùng hữu ích (!!)…
Nguyễn Thị Thu Trang
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...