Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Tình rừng

Tình rừng

Vịn vào chạc cây sú vẹt, tôi kéo rút đôi chân khỏi bùn lầy. Nước biển mằn mặn cắn vào da thịt nhưn nhứt. Buông tay khỏi chạc cây, tôi cúi xuống vuốt bùn ở hai bắp chân. Tựa lưng vào gốc sú vẹt nghỉ một chút cho đỡ mệt rồi tôi sẽ tóm được nó. Tôi đã mò mẫm trong rừng sú vẹt cả tiếng đồng hồ để lần dò theo vết chân, bỏ qua hai lốt nằm của nó ở hai gốc sú vẹt, đến đoạn này thì vết chân của nó cào xuống lầy còn mới tinh, rõ cả lốt rê của hai cái mái chèo. Vết chân dài, đầu nhọn vuốt về phía sau mảnh mai, đích thị nó là con cua cái. Kinh nghiệm cho tôi hiểu con cua này ít cũng phải được đến bốn lạng.
Dò tìm một đoạn thì tôi lại phát hiện thấy vệt chân con cua khác. Chao ôi, những vết chân cua mới tinh như những vết dao chém xuống đất; bên phải ba vết, bên trái ba vết, song song hai hàng cách nhau chừng 20 cm. Cứ đo chiều rộng của hai hàng chân là biết con cua lớn lắm. Ở mỗi vết, đầu to hướng về phía nam, đầu nhỏ hướng về phía bắc, thế là con cua đã bò về hướng nam. Mỗi vết chém bập sâu, đuôi vết đậm, lại thêm vết kéo lê của hai đầu chiếc càng, đích thị đây là chú cua đực. Cua đực càng to, chân cùn, thì vết chém cũng thô, vết lê của đôi càng rất rõ…Tôi dò tìm được một lát thì vết chân con cua đực mất hút vì có đến ba vết chân những chú cua khác băm nát, rê tứ tung, hỗn loạn như "trận đồ bát quái", không còn xác định nổi đâu là vết chân của con cua nào. Tôi đành dừng lại phân tích… Con cua đực tôi đang săn tìm vết kéo lê của chiếc càng bên phải có một vết hơi trũng xuống. Có thể đó là một con hà nhỏ bám vào mép dưới của càng. Chỉ có cua lớn cỡ này mới có hà bám. Ba con còn lại, vết càng không rõ, trong đó có một con có lẽ chiếc mái chèo bên trái bị thương nên vết kéo lê bên trái hơi bai bải . Tôi lùi ra xa cái "trận đồ bát quái", đi một vòng rộng hơn. Quả nhiên tôi đã thấy lại vết chân của chú cua đực. Chỉ rượt thêm một quãng ngắn, tôi đã tóm được ngay nó đang làm mánh ở một vũng nước.
Trở lại tiếp tục tìm con cua cái, tôi dò theo thì ả bò một vòng xung quanh gốc một cây sú vẹt nữa, rồi vượt qua một bãi trống, tiến về khu rừng có bốn cây bần lớn vượt cao hẳn tầm của rừng sú vẹt. Ở một gốc bần, lầy hơi trũng xuống và có vẻ nhão hơn vì còn đọng nhiều nước biển, vết chân của con cua tiến thẳng đến vũng bùn nhão đó rồi dừng lại. Thế là kết thúc một cuộc săn tìm quái quỉ. Chỉ một chút nữa, chú cua khổng lồ này sẽ ngoan ngoãn nằm vào chiếc giỏ đeo sau lưng tôi. Kia rồi, tôi đã nhìn thấy một vết nứt như răng cưa, hình vòng cung ở gốc bần. Ở giữa cái vết nứt ấy, nhu nhú lên hai con mắt màu xanh đen như hai cái trứng kiến, ệp xuống lẫn với màu đục của bùn lầy. Chà, con cua cái, mẩy và lớn quá .Sao lại nằm quay vào trong ? Chưa bao giờ tôi thấy cua giấu mình ở gốc sú vẹt lại nằm như thế này? thường thì chúng phải hướng hai chiếc “thanh long đao” ra ngoài để sẵn sàng tiến công kẻ thù. Thôi kệ, dù quay vào trong, hay ra ngoài, trước sau cũng phải nằm vào trong giỏ. Tôi lựa chiều nằm của con cua, định chọc sâu bốn ngón tay xuống phía dưới hai bên yếm, đè ngón cái lên mai của nó, chỉ có cách bắt như thế thì mới tránh bị cắp. Nhưng tôi vừa chạm bàn tay phải vào con cua, thì vòm trời hình như đổ sập xuống mặt biển. Biển gồng lên quằn quại. Nắng, nước và bùn lầy bị khuấy tung hòa quyện làm thành một thứ màu sắc mê hoặc. Rồi bỗng dưng ở phía lưng tôi như có một vòng tay xiết mạnh. Một cảm giác đặc biệt mà tôi chưa từng biết bao giờ. Có chăng chỉ là trong giấc mơ của người trai trẻ. Nhưng nó mạnh hơn rất nhiều, mạnh đến nỗi làm thần kinh tôi tê liệt. Tôi vật ra bãi lầy, bất tỉnh.
Khi tôi tỉnh dậy, thì mặt trời đã đứng bóng. Rừng sú vẹt như bị nung nóng bởi cái nắng của mùa hè. Nước đọng lại chút ít ở các gốc sú vẹt giờ cũng khô cạn. Mùi bùn nóng bốc lên ngột ngạt. Tôi cảm thấy rã rời, cạn kiệt.
Tôi ngồi tựa lưng vào gốc bần, thở nhè nhẹ, gỡ chiếc giỏ lặt lèo bên hông ra ngoài cho đỡ vướng víu. Khi đã tĩnh trí, tôi mới soay người nhìn về phía gốc bần, nơi con cua cái đã làm mánh. Ở đó chỉ còn lại một cái lốt cua nằm bằng bàn tay đặt ngửa. Con cua đã biến đi bằng cách nào mà không để lại một vết chân cào trên mặt lầy? thật là kỳ lạ! tôi nhổm dậy, hoảng hốt! Tự dưng toàn thân tôi gai ốc nổi rợn như da gà. Vội vàng nhặt chiếc giỏ, tôi nhanh chóng rời gốc bần. Bước được hai bước tôi phải sững lại, một cây bần đã bị chặt trụi, cái gốc trơ ra, sẻ rãnh, sù sì như một gốc sanh của người chơi bon sai. Sự căm giận của người chặt còn hằn rõ ở những nhát dao quắm. Tôi vịn vào cái cây sú vẹt bên cạnh, quị xuống . Đúng rồi! đây chính là nơi Ngàn đã chết . Ngàn đã rũ, gục xuống. Ngàn đã ngắc, ngoải, chờ đợi tôi đến cứu. Ngàn đã trút, hơi thở, cuối cùng, vì đói khát,và tiếp đó là triều cường lên cao tràn ngập bờ…
Tôi ngồi phủ phục ôm lấy gốc cây bần như thể đắm mình vào nỗi đau cách đây chưa xa. Nỗi đau cứa vào da thịt, dội vào tâm can của một người con trai mới lớn. Bởi thế, nó như một nhát dao chém sâu, không bao giờ liền sẹo, làm cho đôi mắt của tôi bây giờ dường như lúc nào cũng có nước với cái nhìn xa săm, tiếc nuối, ân hận… Tôi vừa biết ơn cái rừng sú vẹt đã nuôi sống tôi và gia đình, nhưng tôi cũng căm thù nó . Vì nó, mà tôi đã mất một người con gái. Tôi còn nhớ lúc đó không biết bằng sức mạnh nào, mà chỉ có hai nhát dao quắm chéo vát, cả một cây bần lớn như một cây sanh già đổ rụi. Tưởng tôi lên cơn điên, mọi người bỏ chạy hết, chỉ còn lại mình tôi với Ngàn. Tôi ôm Ngàn, lay, kêu, lắc, gào thét. Bất lực. Tôi nằm úp mặt, khít lên thân thể mềm nhũn của Ngàn như thể cố truyền sinh khí của mình, vớt vát tìm lại sự sống cho Ngàn. Tôi muốn chết quá, muốn chết với Ngàn quá. Nhưng tôi không chết được, không biết cách chết. Sau này, khi đã ngắc, ngoải sống và no nê đau khổ tôi mới hiểu sống được đã khó, nhưng chết được cũng không phải dễ.
Nơi có cái vùng biển cạn đầy nắng, đầy gió lại rất thơ mộng này là quê hương của tôi và cũng là quê hương của Ngàn. Nhưng 10 tuổi Ngàn phải theo gia đình về sống ở Hà Nội. Từ ngày về Hà Nội, ngoài những ngày giỗ, tết ra, hè nào cũng thế, Ngàn được cha mẹ cho về quê “ trọn gói” để “ nhớ và gắn bó lấy cái nôi mình sinh ra” anh Kiên à, cha mẹ Ngàn bảo thế. Nhưng thực ra ở Hà Nội, Ngàn buồn lắm anh Kiên ơi. Cha Ngàn đi suốt ngày, rồi suốt tuần và có khi cả tháng với cái nghề quan chức của mình. Trưa cha tiếp khách, tối cũng tiếp khách, chả mấy khi ăn cơm ở nhà. Mẹ Ngàn thì bấn bíu với cái công ty trách nhiệm hữu hạn của mình. Thường thì nửa đêm mẹ mới về, lên giường nằm với Ngàn một lúc lại điện thoại, hết di động, đến cố định. Ở nhà một mình buồn quá, Ngàn phải lao ra đường với bạn bè. Khi đã tụ tập thành nhóm với nhau thì biết thế nào được, hứng lên thì chả kể gì hết. Có khi đi suốt đêm, hô một tiếng là rú ga, đánh võng, lạng lách. Chán lại chui vào hát karaoke, hát chán thì nhảy. Lắc, bay thì chưa, nhưng cứ cái đà này thì... Thời kỳ đầu thấy tụi trong nhóm nói năng toàn là ngôn ngữ Đan Mạch (Đ.M) Ngàn nghe chướng tai lắm, rồi dần dần thấy bọn nó chửi, mình cũng ngứa miệng muốn chửi lại, riết thành quen. Lịch sinh hoạt cũng thay đổi: ngày ngủ, đêm thức. Mặc dù Ngàn không hợp lắm với nhóm, nhưng không thế thì biết làm gì được. Hơn nữa, tụi chúng nó rủ rê dữ quá, Ngàn đâm nể. May mà Ngàn còn có quê anh Kiên nhỉ? Tụi bạn Ngàn ở Hà Nội, không phải đứa nào cũng có quê đâu anh. Quê là cái gốc, như cái gốc sú vẹt cắm rễ vào lòng biển để ra hoa kết trái, phải không anh Kiên?
Ngàn có vẻ tự hào về quê lắm. Mỗi lần về quê sống một vài tháng, thì có đến hai phần ba thời gian Ngàn đắm mình với biển, như thể biển đã sinh ra Ngàn và Ngàn là biển. Ngàn bảo: “Anh Kiên biết không, khi trở về Hà Nội, Ngàn như đã được tắm gội bằng thứ nước màu nhiệm và cảm thấy mình thánh thiện; Ngàn lại như một cô thôn nữ trong sáng; để rồi cho Ngàn sức mạnh mà chống đỡ với tất cả những gì bụi bặm của phố phường; xa lạ với những cụm từ “ Híp, hóp”, “ Lắc, nhảy”, “ Thời trang Mỹ Tâm”, “Thời trang Hồng
Ngọc” “Tóc rẽ luống cày”... Tôi biết, hai năm gần đây, Ngàn siêng về quê hơn, ngoài tiếng gọi của biển, Ngàn còn có tiếng gọi thiết tha của một trái tim yêu thương. Tôi nhớ mãi, lần đầu tiên Ngàn và tôi đã xuýt trao nhau nụ hôn đầu đời cũng tại rừng sú vẹt này. Hôm ấy, hai đứa rủ nhau đi xét cua. Mò mẫm mãi chả được con cua nào, chỉ chuyện trò rối rít vang cả rừng. Gần trưa, hai đứa mệt lử, tựa vào hai cây sú vẹt đối diện ngắm nhau mà nghỉ. Nắng hè làm đôi má Ngàn ửng đỏ như trái nhót chín mọng, đôi mắt bồ câu sáng rực chao liệng. Không hiểu trời khiến đất xui thế nào, tôi bước tới. Rồi hai khuôn mặt như kề sát vào nhau, sát vào nhau đến nỗi tôi cảm nhận hơi thở của Ngàn nóng hổi. Chỉ đứng thế. Đứng thế rất lâu... Những chùm hoa sú vẹt trăng trắng màu sữa, bốn cánh hoa nhú nở, mật hoa lặng lẽ toả một mùi hương ngan ngát, quyến rũ... Cho đến khi hàng mi đen dài của đôi mắt bồ câu rợp lại, khuôn mặt thanh thoát của Ngàn ngước lên, đôi môi mọng đỏ như nụ hồng đón sương mai thì tôi từ từ cúi xuống định ấp đôi môi chưa một lần ân ái vào cái nụ hoa trinh tươi của Ngàn, thì bỗng ở gốc sú vẹt bên cạnh vang lên hai tiếng “tốp, tốp” như người đánh đáo lưỡi. “Ối! Ai?” Ngàn giật mình bừng tỉnh. Tôi ngượng quá bèn nói : “ Đó là con tôm tu nó bật càng đấy Ngàn ạ”. Để xí xoá cái giây phút run rẩy, tinh khiết, đang mong manh nhú lên, lớn dậy giữa hai người, tôi kể luyên thuyên đủ thứ chuyện xung quanh con tôm tu. Tôi thì cứ oang oang kể, còn Ngàn thì chỉ tủm tỉm cười.
Lần săn hụt con cua cái ở gốc bần và hiện tượng đặc biệt xảy ra đối với tôi, không những không làm tôi sợ mà càng thêm tò mò, cuốn hút. Chưa bao giờ tôi chịu bỏ cuộc khi săn tìm những chú cua lớn như thế này. Hôm nay mới là bốn con nước. Tôi phải chờ mười ba ngày nữa, mới có thể tiếp tục cuộc săn tìm.
Mỗi kỳ con nước có 13 con, đến con nước thứ 14 người ta gọi là ngày nước nghén. Sau ngày nghén, nước lại một con, rồi hai con nước, ba con nước... lặp lại cho đến con nước thứ 13, lại nghén... Từ một đến bốn con nước, triều không vào bờ. Cả một vùng biển cạn lầy khô dần, khô dần. Những chú cua biển hàng ngày theo triều vào bờ có thể là để lột xác, cũng có thể là do mải chơi, không kịp theo triều ra khơi, đành phải rúc xuống lầy trú ngụ ở những gốc sú vẹt để chờ ngày hôm sau triều vào thì lại theo nước trở ra đại dương. Bỗng có đến bốn ngày liền biển cạn, thế là chúng hoảng sợ bò đi tìm nước. Chúng bò đi để lại vết chân trên mặt lầy, và đó chính là dấu vết để lộ tung tích. Lợi dụng sơ hở đó của chúng, người ta đeo giỏ lội vào rừng sú vẹt để đi xét cua. Người giỏi một buổi sáng có thể bắt được vài chục con, người kém có khi đi không về rồi.
Một kỳ con nước đã qua và ngày chờ đợi đã đến. Ngay từ sáng sớm, tôi đã hăm hở ngoài bãi biển. Mới sáng mà trời đã nhưng nhức nóng. Mặt trời như hòn lửa từ dưới biển nhô lên phóng những tia nắng chói chang xuống rừng sú vẹt, tiếp tục hút khô những vũng nước còn đọng lại. Đàn dã tràng lập loè bãi cát, mẫn cán khuân vác như những người thợ hồ. Một chú cá loi choi màu sám nhỏ bằng chiếc đầu đũa từ mặt lầy nhảy như một con nhái để chạy thoát thân, rồi lao xuống vũng nước lặn, lại ngoi lên bơi như một con vịt, đến khi nguy quá nó bật vút lên cây sú vẹt, leo tót lên một chiếc cành cao hơn. Ở phía dưới, chú cá lác hoa phồng mang, trợn mắt bất lực, đành quay đầu bắt nạt mấy nàng cáy xanh bé nhỏ.
Thẫn thờ một chút rồi tôi sốc lại chiếc giỏ, xác định lại hướng một lần nữa và cúi xuống luồn vào rừng. Chỉ một lát, tôi đã có mặt tại khu rừng có bốn cây bần.Trong rừng nóng hầm hập, lại thêm nắng như đổ lửa. Rừng sú vẹt như một tấm bạt chụp chặt lấy mặt biển cạn. Tôi leo lên một cây sú vẹt lớn để được phóng tầm mắt ra trùng khơi và hít thở không khí của trời xanh bao la. Cả một rừng xanh rì mút mắt bao bọc lấy xóm làng.Màu xanh của rừng sú vẹt kết hợp với màu xanh của rừng phi lao chạy dài trên bãi cát và cùng với màu xanh của những rặng tre làng tạo thành sắc màu làng quê của tôi, của Ngàn mà đi xa mấy cũng không thể nào quên được.Ngắm bầu không khí biển trời một lát, tôi lại phải trèo xuống tiếp tục công việc săn tìm. Lượn thêm một vòng nữa, tôi bắt gặp đúng lốt chân con cua cái mà tôi đang săn tìm từ kỳ con nước trước. Tôi chắc là thế, bởi cái vết chém của bốn chiếc chân vuốt lại phía sau mảnh mai, và đặc biệt vết chân thứ ba hàng bên phải bao giờ cũng chém xiên sang trái rồi vuốt nhẹ hơi vênh sang phải. Lần này cái yếm của nó chắc là đầy hơn, nên thỉnh thoảng lại thấy chợt xuống mặt lầy. Con cua đang thời kỳ làm gạch
Tôi đã lội lầy, dò tìm, quẩn quanh, băm nát cả một khoảnh rừng mà vẫn không tìm được con cua. Nắng gắt. Nóng bỏng. Những chiếc lá sú vẹt bỏng rát, mềm nhũn sờ vào như sờ tấm lá tôn bị nung nóng. Từng chùm trái sú vẹt nặng chĩu nhọn hoắt như những trái bom, tua tủa rũ xuống vì cành cây bị nắng luộc mềm. Tôi nâng vạt áo lau mồ hôi, bứt một chiếc lá sú vẹt đưa lên miệng nhấm nháp. Cái vị vừa chua, vừa chát thấm vào tia lưỡi cũng làm tôi có cảm giác bớt khát. Có lẽ ngày ấy Ngàn cũng phải ăn lá sú vẹt, uống nước biển mặn để chống trọi với cái đói và cái khát. Nghĩ lại, tôi thấy mình sao mà ngu quá. Dẫu sao thì Ngàn cũng là người Thủ đô, biển đối với Ngàn chỉ là nơi du lịch, niềm vui, say mê, thích thú, chứ biển đâu có phải là nghề, là nghiệp của Ngàn. Người làng tôi cũng bị lạc trong rừng chứ. Nhưng họ đều biết cách nhận biết phương hướng. Thường thì họ leo lên một cây bần hay cây sú vẹt lớn để quan sát. Cái tháp nhà thờ thiên chúa giáo xa xa, đó là hướng làng, cứ thế mà luồn rừng, thỉnh thoảng leo lên cây xem lại có chệch hướng không. Chỉ lận lầy một thôi, một thôi nữa, một thôi một hồi nữa là vào tới bờ.
Tôi cúi xuống tiếp tục cái việc săn tìn con cua cái. Lạ thật, thường mấy khi cua vào biển cạn trụ lại đến hai kỳ con nước. Vậy mà con cua này, hình như nó muốn chơi trò ú tim với tôi. Và chính như thế lại kích thích tính tò mò, cuốn hút tôi nhất định không bỏ cuộc.
Tôi tiếp tục theo vết chân con cua, vượt qua một cái trảng trống, nắng dọi xuống trắng gắt, những con cáy đá mình màu xanh có đôi càng trăng trắng đang nhởn nhơ gắp đất đưa vào miệng, thấy tôi chúng rào rào chạy xuống lỗ. Không để ý, tôi lội ào vượt qua trảng, xuyên vào rừng sú vẹt tiếp cận mục tiêu. Vết chân con cua tiến thẳng đến nơi có bốn cây bần lớn. Tôi hơi chờn chợn, rồi tiếp tục lao đi. Từ xa, tôi đã nhìn thấy cách khoảng ba bước chân nữa thì đến cái gốc bần “định mệnh”, chú cua cào lầy tạo thành một vũng nước.Ở giữa cái vũng nước, nó đào một cái lỗ xiên ngang, đất cào lên màu sám còn tươi rói. Thì ra mày đi tìm nơi có nước để đào lỗ lột xác.Cua bấy tuyệt lắm. Người đi xét cua mấy khi bắt được.Thường đã bắt được cua lột xác thì tóm luôn được cả đôi vợ chồng cá bớp.Cá bớp hay đào lỗ bên cạnh, chờ cho con cua vừa lột xác xong, chân yếu tay mềm, chả làm gì được, thế là vợ chồng chúng lao xuống, lôi lên xé xác
chén ngon lành. “ Cua có gọng, bớp có gan” là thế.
Tôi tựa vào một cây sú vẹt tự thưởng cho mình một phút nghỉ ngơi trước khi tóm con cua cho vào giỏ. Bỗng từ phía gốc bần gần đó một con cua đực to bằng bàn tay xoè, hai chiếc càng vàng khựa dữ dằn lao tới tấn công con cua cái đã lột xác mềm bấy nằm bất động trong vũng lầy trước miệng lỗ. Từ một chiếc lỗ cách con cua cái không xa, hai con cá bớp đen chũi, dựng ngược vây cũng lao tới. Con cua đực dừng lại dương hai chiếc càng như hai cái mã tấu ra nghênh chiến. Con cá bớp cái lao xuống vũng nước nằm che chắn cho con cua mềm , con cá bớp đực lừ lừ tiến đến con cua đực. Hai bên như hai võ sỹ chuẩn bị ra đòn. Con cá bớp đực bỗng du mình lao tới. Lập tức hai chiếc mã tấu của con cua đực chém rập một nhát. Nhưng con cá bớp đã nhanh hơn lộn ngược trở lại, thò chiếc đuôi vật vờ trước miệng con cua đực. Chớp thời cơ, con cua đực giơ chiếc càng bên phải phập một nhát vào đuôi con cá bớp. Chờ cho hai chiếc gọng kìm của chiếc càng bập sâu, con cá bớp mới vật mạnh chiếc đuôi của mình, thế là chiếc mã tấu thứ nhất của con cua bị gãy, bắn sang một bên.Con cua đực lùi né phòng thủ. Con cá bớp nhảy sang bên trái tiếp tục lùa chiếc đuôi vờn vào đầu chiếc càng bên trái còn lại của con cua. Mất cảnh giác, con cua đực lại bập hai chiếc gọng kìm vào đuôi con cá bớp. Phập, một nhát vẫy đuôi cực mạnh, chiếc mã tấu thứ hai của con cua gẫy văng ra xa. Bị tước hết vũ khí, con cua đực toan bỏ chạy. Nhưng cả hai con cá bớp đã lao tới, mỗi con bám vào một vết gẫy của hai chiếc càng trên mình con cua ray rỉa, mút cho đến khi con cua chết.
Tôi cứ nghĩ khi chén xong con cua đực thì vợ chồng con cá bớp sẽ thịt tiếp con cua cái bấy mềm, nào ngờ chúng lại trở về lỗ của mình nằm để bảo vệ con cua cái. Tôi cảm phục vợ chồng con cá bớp vừa dũng cảm lại bao dung. Tôi lại cũng cảm thấy thương thương con cua cái bấy mềm không còn khả năng tự vệ. Thì ra loài vật cũng có nghĩa khí của loài vật…Nghĩ thế nên tôi không nỡ bắt con cua cái và đôi vợ chồng con cá bớp nữa.
Phải mất đúng 10 ngày tôi mới dậy được. Lần đầu tiên tôi ốm nặng như thế này. Người cứ như bị hút rỗng roãng, chao đảo, mất trọng lượng. Thức thì thôi, mà cứ ngủ đi là hình ảnh Ngàn lại xuất hiện. Đêm qua tôi mơ thấy Ngàn trở về cùng tôi đến cái nơi mà hai đứa đã định nói cái lời yêu thương nhất, cái lời đã nghiền ngẫm, đã nhẩm tính, đã học thuộc, vậy mà...đến lúc đó tôi không thể nào nói nổi. Đến khi Ngàn ôm một bó trái sú vẹt đặt xuống bãi cát, tôi chia nửa ngồi chơi trò xếp chữ. “ Ngàn ơi! Em học anh văn nhỉ?”. “ Sao ạ?”. “Kiên đố em nhớ”. “ Vâng , anh xếp đi”. Tôi run rẩy dùng trái sú vẹt xếp thành từng từ trên bãi cát. Ngàn nằm sấp, hai tay chống cằm, xoã mái tóc thề chạm cát, để trễ bộ ngực non tơ trắng mịn đánh vần dịch: “E...m...c...ó...y...ê...”.Vừa lúc đó ở dưới bãi lầy, một con nhệch vàng ươm to bằng cán cuốc, dài đến một mét, dựng đứng, đuôi chạm mặt lầy cất cao cái đầu như đầu con hổ mang bành, vây xoè căng như cánh chuồn đi như lướt trên mặt biển. Theo sau con nhệch, là hàng đàn nào cá lác hoa, cá bớp, tôm tu, cá loi choi, bo bỏ, còng gió, cáy hôi, hoa bầu, lư, ghẹ vv... hầu như mọi sinh vật trú ngụ ở cái vùng biển cạn này, mỗi loài một màu sắc, mỗi con một dáng vẻ bỗng bật dậy lũ lượt hành quân, rồi nhảy múa xung quanh con nhệch. Cả một vùng biển chói loà của một thứ ánh sáng ma quái.
Ngàn thích quá đứng dậy từ từ bước xuống bãi lầy. Tất cả đàn cá biển quây lấy Ngàn như một vòng hoa đủ sắc màu bay lượn xung quanh nàng tiên. Tôi cũng như mê, như sảng, cho đến khi tĩnh tâm trở lại thì cả vùng biển lại lặng như tờ, chỉ còn mình Ngàn đứng thẫn thờ dưới bãi.
Giấc mơ thuật lại một sự kiện có một không hai mà tôi và Ngàn đã từng chứng kiến.Cũng từ ngày ấy, hè nào cũng vậy, Ngàn về là hai đứa rủ nhau có khi cả tuần nằm phục để chờ cho sự kiện đó lặp lại. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa thấy, bây giờ thì Ngàn đã chết.
Ngàn chết mất rồi, sau này có những lúc tôi nghĩ quẩn, trách cha mẹ Ngàn. Nếu như 10 năm trước Ngàn không đi Hà Nội, ở lại Ngàn sẽ thành "thần biển" như tôi thì đâu đến nỗi.
Đợi cho đến ba con nước, cũng là lúc sức khoẻ hồi phục, tôi lại sắp giỏ ra rừng sú vẹt. Hôm nay nhất định tôi phải săn bằng được con cua quái kiệt này, dù thế nào tôi cũng không lùi bước. Tính tôi thế, đã quyết làm cái gì thì phải làm bằng được. Hơn nữa tính hiếu kỳ, tò mò của tuổi trẻ, thôi thúc tôi phải tìm ra sự thật.
Thời tiết đã chuyển dần sang cuối hè, nắng có dịu đi đôi chút. Vì thế mà mặt biển cạn vào ba con nước như hôm nay đỡ khô, cua cũng sẽ ít bò đi tìm nước. Người đi xét cua cũng ít hơn, chỉ những ai xét cua giỏi, hoặc rỗi rãi mới ra biển.
Tôi quan sát một lượt, rừng sú vẹt như một giải lụa mềm xanh biếc. Xa xa bốn cây bần nhô cao vượt hẳn mặt rừng. Tôi xác định phương hướng rồi lội một mạch tới khoảnh rừng có bốn cây bần. Cũng chẳng cần phải mất công gì nhiều, tôi phát hiện được ngay vết chân con cua quen thuộc. Sau một kỳ con nước, con cua đã dần dần cứng cáp từ khi lột xác, cũng vì thế mà vết chân của nó tuy có lớn hơn, nhưng còn yếu ớt, cái vệt chân trễ nải, mảnh mai, lười biếng.
Con cua không nằm lại bất cứ nơi nào như mọi lần, mà nó tiến thẳng đến chỗ bốn cây bần quen thuộc. Cách cây bần đầu tiên chừng 10 mét, vết chân nó bỗng biến mất. Theo kinh nghiệm , trong trường hợp này thì con cua đã bị người khác bắt. Nhưng nếu có ai bắt thì phải để lại dấu chân?Vậy thì nó biến đi đâu? Cua không bao giờ leo được cây, cũng không thể nhảy như con nhái, con cóc được. Tôi có nghe nói ở trong rừng miền sơn cước có những con cáo tinh khôn, mỗi khi trở về hang cách độ dăm mét là chúng nhảy để giữ bí mật cửa hang. Chả lẽ giống cua cũng tinh khôn như thế? Nhưng dù nó có tinh khôn, cua cũng không thể làm như con cáo được.
Tôi đi một vòng, rồi quyết định tiến đến bốn cây bần. Quả nhiên tại đó vết chân con cua lại xuất hiện, nó cũng bò vài vòng quẩn quanh như thể xác định một chỗ nằm ưng ý rồi làm mà tại gốc bần mà tôi đã chém cụt hồi trước. Con cua không ý tứ gì hết, nó nằm gần như lồ lộ trên mặt lầy. Cái mai vẫn còn màu xanh nhạt chứng tỏ mới lột xác chưa được cứng cáp, đôi mắt thô lố ệp xuống, cửa miệng sùi ra một chút bọt. Thế là kết thúc một cuộc săn tìm kéo dài hơn một tháng trời vất vả, một lần phải chết ngất và một trận ốm nặng. Thành công sau một loạt khó khăn khiến tôi sung sướng quá.
Tôi gỡ chiếc giỏ đặt ra bên cạnh để chuẩn bị bắt con cua bỏ vào. Khi chạm bàn tay vào nó, lại cũng như lần trước, tôi ngã sấp xuống, quằn quại và lồng lộn. Gió biển bỗng gầm rú, rít lên như có giông, tố. Rừng sú vẹt ào ào chuyển động. Biển cạn dềnh lên, nghiêng ngả. Trời và đất như giao hoà làm một... Thời gian trôi đi như thế không biết bao lâu, đến khi tôi tỉnh dậy, thì thấy toàn thân nằm sấp xuống mặt biển, nơi con cua đã làm mà. Trời, biển vẫn lặng yên, vài tiếng tốp tốp của những con tôm tu bật càng dưới lỗ làm cho không gian càng thêm tĩnh lặng. Tôi ngồi dậy nhưng không thể nào dậy được. Tôi cố mãi, rồi lật mình vịn gốc bần, ngồi thở phào, nhìn lại cái vùng vừa nằm, không thấy vết tích con cua đâu cả, ở đó chỉ còn lại một cái hang của con nhệch sâu hun hút. Tò mò, tôi cúi xuống xem xét, trên miệng hang có vương một giọt máu hồng, và nơi đó phảng phất hương thơm của mùi mật hoa sú vẹt.
19/7/2005
Bùi Thanh Minh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...