Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Mùa vải chín - Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng

Mùa vải chín - Truyện ngắn
Chu Quang Mạnh Thắng

Về tới nhà ông cậu, sau khi yết kiến bà ngoại và cậu mợ, tôi quăng túi hành lý xuống chiếc giường gỗ rồi đi thẳng một mạch sang nhà Lý, cô bạn thân từ thủa nhỏ. Nhà Lý ở trên một sườn đồi cách nhà cậu tôi cả một cánh đồng rộng. Chỉ cần tôi xuất hiện ở con đường tắt ngang cánh đồng là cả làng biết ngay. Lần này cũng vậy, tôi chưa đặt chân tới cổng nhà Lý, mọi người đã nhìn thấy thằng Công “bột”. Họ xì xầm: “Nhìn nó vẫn thế, vẫn đẹp trai và chưa vợ…”. Sở dĩ, tôi có thêm cái tên “bột” là do hồi nhỏ, tôi tròn và trắng như cục bột.
Dưới chiếc cầu ao cạnh chân đồi, Lý đang mải kỳ cọ đôi bàn chân bám đầy những đất bùn. Chắc em vừa lội ruộng về. Đến cạnh cầu ao, tôi khẽ lên tiếng khi em vẫn cắm cúi với cái bàn chân trắng muốt.
– Ôi, anh Công! – Lý khẽ reo lên mừng rỡ như vừa phát hiện ra một vì tinh tú trên bầu trời đêm đông – Anh xuất hiện đột ngột quá, cứ như từ trên trời rơi xuống ấy!
– Thì anh cũng vừa “rơi xuống” đây!
–  Thảo nào, em không biết!
–  Anh muốn dành cho em một sự bất ngờ!
–  Anh vừa về tới hả?
–  Ừ, nên phải tới trình diện ngay!
–  Anh đợi em một lúc nhá!
Lý khẽ mỉm cười duyên rồi lại cúi xuống cọ nốt cái bàn chân trắng muốt, nhìn em đáng yêu quá đi mất. Tôi bỗng cảm thấy vui vui. Năm nay, Lý đã hai mươi bốn rồi còn gì.
–  Mời anh “bột” vào trong nhà uống nước! – Lý nhoẻn cười khi leo lên khỏi cầu ao.
–  Đã bảo không được gọi như thế nữa!
–  Dạ, thưa anh Bột!
–  Chậc, chậc! Đúng là nhất quỉ nhì ma, thứ ba là… em mà! – Tôi khẽ mắng.
Lý lại tủm tỉm cười rồi dẫn tôi leo lên con dốc thoai thoải dẫn tới cái sân gạch to đùng. Leo lên tới sân, tôi nhìn quanh một vòng, ngắm đồi Vải rộng mênh mông rồi không giấu được sự thích thú:
–  Anh muốn tham quan một vòng được không?
–  Dạ, được! – Lý gật đầu –  Anh cứ tự nhiên!
Tôi liền chắp hai tay sau đít, nhìn giống như một ông bộ trưởng đi thăm vườn, rồi luôn miệng tấm tắc:
–  Năm nay nhà Lý được mùa lớn rồi!
Lý chỉ tay ra bốn phía:
–  Không chỉ có một mình nhà em mà cả vùng đều được mùa!
Tôi phóng tầm mắt nhìn khắp bốn phương. Chỗ nào cũng thấy những Vải là Vải.
–  Thích thật! – Tôi lại thốt lên.
–  À, anh về thăm quê có được lâu không?
–  Khoảng chục ngày!
Lý bứt mấy chùm Vải vừa mới chín đưa cho tôi:
–  Anh nếm thử xem ngon không?
      Đón lấy một chùm, tôi bóc một quả rồi đưa lên miệng, từ từ thưởng thức cái hương vị ngọt ngào của thứ trái cây được coi là đặc sản của mảnh đất này rồi gật đầu:
–  Ngon! Ngọt!
Lý mỉm cười:
–  Ngọt như thế nào hả anh “bột”?
Thì ra, em vẫn không chịu buông tha. Tôi liền đưa sang một cái nhìn cũng không kém phần tinh nghịch:
–  Ngọt như… con gái vùng này vậy!
Lý hơi bối rối lắc đầu:
–  Con gái vùng này chanh chua lắm! Không ngọt như anh tưởng đâu!
Tôi lại bóc một quả Vải đưa lên miệng rồi gật đầu:
–  Ngày xưa, ông cụ nhà anh cũng đã chết mê những cô gái ở vùng này! Ấy thế cho nên ông đã trở thành con rể xứ này đấy!
–  Còn anh, có muốn lấy vợ xứ này không?
–  Muốn chứ! – Tôi gật đầu không do dự – Nhưng còn phải chờ xem có cô nào mê anh thầy nghèo này hay không?
Lý bật cười khúc khích:
–  Bây giờ, anh là dân thành thị rồi, lấy vợ xứ này mà làm gì!
–  Thì ông cụ nhà anh trước đây cũng là trai thành thị đấy thôi!
–  Nhưng mà ngày xưa khác, bây giờ khác!
–  Khác là khác thế nào?
–  Ngày nay, con trai thành thị…
Lý khẽ mỉm cười, bỏ dở câu nói…
–  Ai thế hả Lý?
Tiếng hỏi vọng ra từ một lùm Vải cạnh đó.
–  Dạ, cháu chào bác! – Tôi đã nhận ra tiếng hỏi của người trong lùm cây.
Ông lão bước ra, nheo mắt nhìn tôi:
–  Có phải Công “bột” đấy không?
–  Dạ, cháu là Công “bột” đây, thưa bác! – Tôi lễ phép.
–  Cậu về được lâu chưa?
–  Dạ, cháu vừa mới về được một lúc!
Ông lão vội quay sang bảo cô con gái rượu:
–  Mày về pha cho bố ấm trà đi con!
Không để cho tôi kịp ngăn lại,  Lý đã chạy biến đi.
Ông lão chỉ tay ra bốn phía, giọng hồ hởi:
–  Nhờ giời, năm nay cây Vải lại được mùa cậu ạ!
Tôi cũng cảm thấy phấn khởi khi mỗi ngày, mảnh đất này lại thêm đổi mới và giàu mạnh hơn. Nhất là kể từ khi có cây Vải. Đã có không ít người trở thành triệu phú chân đất rồi đấy.
–  Cậu đang nghĩ gì thế?
Ông lão hỏi đột ngột cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi rồi tiếp:
–  Chỉ vài ngày nữa thôi. Vải sẽ chín rộ và cả vùng này lại tất bật, vui lắm!
–  Vậy hả bác?
–  Mấy năm trước, tại cậu về muộn quá nên không biết đấy thôi!
Hè mọi năm, thường thì hết mùa Vải, tôi mới về. Cái không khí tấp nập ở miền đất này, tôi chỉ được thấy qua màn hình ti vi mà thôi. Ngày xưa, tôi đã lớn lên ở nơi đây và gắn bó với mảnh đất này cho đến khi học hết phổ thông. Sau đó, tôi xuống thị xã sống với gia đình. Thỉnh thoảng, tôi lại về thăm quê và cô bé tinh nghịch mà ngày xưa, mọi người vẫn thường gán ghép chỉ vì chúng tôi chơi thân và có hai cái tên thật đẹp: Công – Lý!… Tuổi thơ của tôi đã gắn liền với mảnh đất này, với cô bé xinh xinh và những tháng ngày nghịch ngợm, không bao giờ tôi có thể quên được…
–  Chừng nào thu hoạch, cháu sẽ giúp bác một tay!
Ông lão cười hơ hơ:
–  Được thế thì tốt quá. Tôi chỉ sợ được một ngày là cậu lại chạy mất dép như mấy chú bộ đội hồi năm ngoái.
– Mấy chú bộ đội nào hả bác?
–  À – ông lão lại cười – Mấy chú bộ đội đóng quân ở quả đồi bên kia – ông lão chỉ tay về phía một quả đồi khá to, nơi có một tiểu đoàn phòng không đang đóng quân rồi tiếp – Mấy cậu lính ấy cũng vui tính lắm. Không hiểu sao lại quen biết được với con Lý. Ngày Vải chín rộ, chúng nó kéo sang đông lắm. Cả gần tiểu đội chứ không ít. Đúng là lính có khác, chúng làm mạnh lắm. Một đứa có thể làm bằng hai người như tôi. Đứa nào cũng bố bố, con con suốt cả một ngày. Rồi chúng nó chọc ghẹo con Lý, tiếng cười nói xôn xao cả đồi Vải… Vậy mà không hiểu sao, ngày hôm sau thì chẳng thấy “thằng con” nào tới thăm bố nữa…
Tôi cũng bật cười. Ông lão vén mấy chùm Vải xoã ra lối đi:
–  Năm nay thì chúng ra quân hết rồi!
Tôi theo ông lão đi về nhà. Lý đã pha sẵn một ấm trà thơm phức. Ông lão chỉ vào một tấm ảnh cưới treo trên bức tường vôi:
–  Vợ chồng con Liên đấy! Chắc vài ngày nữa, chúng nó cũng về!
Liên là chị gái của Lý, nhiều hơn tôi một tuổi. Liên lấy chồng hồi năm ngoái. Ngày cưới của Liên, tôi không về được.
–  Còn con Lý nữa, ai ưng là tôi gả ngay! – Ông lão tiếp.
Lý liền nháy mắt với tôi, cuời tinh nghịch:
–  Bố em chỉ thích gả con xa thôi!
Ông lão vội lườm con gái:
–  Gả gần để vài năm nữa phải ẵm con cho các cô thì được ích gì?
–  Gả gần còn tốn cả… cơm nguội nữa bác ạ! – Tôi vội xen vào.
–  Ừ! – ông lão gật đầu – Cậu nói đúng lắm!
Căn nhà bỗng đầy ắp những tiếng cười rồi ông lão chép miệng:
–  Nói vậy thôi chứ lúc chúng nó đi hết, còn mình tôi ở nhà chắc cũng hiu quạnh lắm cậu nhỉ?
–  Vậy bố bắt rể đi bố! – Lý lại tinh nghịch đá lông nheo về phía tôi – Đỡ sợ thừa cơm nguội bố ạ!
Ông lão chép miệng:
–  Con gái gì mà lúc nào cũng như quỉ sứ ấy, ai mà dám tới gần?
Lý khẽ bịu môi:
–  Bố lại coi thường con gái mình rồi!
–  Chứ, tôi nói không phải hả?
Vẫn vẻ nghịch ngợm, Lý tự hào:
–  Con gái phải hơi nghịch một chút mới… có duyên bố ạ!
Rồi Lý quay sang phía tôi:
–  Đúng vậy không thầy Công?
Tôi khẽ mỉm cười…
–  Bố thấy chưa? Đến thầy Bột cũng còn phải công nhận nữa là…
Rồi Lý tủm tỉm cười. Những nụ cười của em khiến lòng tôi xao động…
Chẳng mấy chốc, Vải đã chín rộ. Những đồi Vải đỏ rực một màu.
Dọc theo con đường lộ và trước cổng chợ, những chiếc xe tải từ các nơi đã đổ về đậu san sát, chờ thu mua rồi mang đi tiêu thụ. Có cả những chiếc xe đông lạnh từ miền trong chạy ra đậu chật kín cả đường. Cả vùng Vải trở nên tất bật, nhộn nhịp cứ y như có hội. Bà con, họ hàng ở xa cũng nhân dịp hè kéo nhau về thăm quê và để được tận hưởng cái không khí xôn xao của mùa Vải quê nhà. Khắp các đồi Vải, chỗ nào cũng thấy có tiếng người, khác hẳn những lúc Vải còn chưa chín rộ.
Đồi Vải nhà Lý cũng đầy những tiếng nói cười. Nào thì vợ chồng Liên vừa mới kịp về. Mấy cô bạn của Lý cũng tới giúp. Những tiếng cười rúc rích cứ vang lên khắp đồi Vải. Chỉ có ông lão là buồn rầu chép miệng:
–  Năm nay, giá Vải lại hạ, còn có hai mươi lăm (2.500đ/kg). Không chừng vài ngày sau còn hạ nữa!
Rồi ông than vãn:
–  Làm cái ông nông dân khổ thế đấy! Mất mùa thì uất đứt ruột. Được mùa bội thu thì lại mất giá, bán rẻ như cho thế thì có chết không cơ chứ! Cậu thấy chưa? Nông dân nhà mình muôn đời vẫn cứ khổ là thế đấy!
–  Thế bác có định chế biến gì không?
–  Có chứ! Bây giờ đang đầu mùa, Vải tươi còn được giá thì tôi hái bán. Vài ngày nữa thì phải sấy thôi cậu ạ! Hy vọng giá Vải khô sẽ không rớt nhiều!
Giúp ông lão khuân những chiếc sọt chứa đầy Vải đổ lên một chiếc xe bò xong, tôi lại chui vào những lùm Vải. Ông lão cầm roi quất con bò khoang một cái khiến nó giật nảy mình.
–  Huầy! – Ông lão quát.
Con bò choãi chân, cố gò lưng kéo xe Vải ra con đường mòn dưới chân đồi. Chiếc xe ì ạch  đi ra hướng đường lộ, nơi có những chiếc xe tải đang đậu sẵn đợi cân Vải.
Ông lão vừa đánh xe đi khỏi, mấy cô bạn của Lý liền xúm vào chọc ghẹo tôi:
–  Anh thầy Bột ơi, về làm rể xứ này đi! Có Vải ăn trừ bữa! – Tiếng một cô vọng ra từ một lùm Vải.
– Ờ, em lấy tôi nhá!
– Không! Con Lý nó đang liếc em kia kìa!
–  Ai thèm liếc? – Tiếng Lý chống chế.
–  Vậy thì mày nhường anh thầy Bột cho tao nhá!
–  Ơ con kia, tao làm gì có quyền mà nhường với không nhường!
–  Vậy thì anh Công ơi, lấy em nhá!
–  Hi, hi, hi …
–  Ha, ha, ha …
Những tiếng cười lại rộ lên.
–  Cô nào vừa bạo miệng thế? – Tôi hỏi.
–  Em! Em ở trong lùm này này! – Tiếng cô gái ban nãy vọng ra.
–  Mày bước ra cho anh ấy ngắm một tí! – Một cô khác.
–  Thôi! Xấu hổ lắm!
–  Mày mà cũng biết xấu hổ à? Ôi, anh Công ơi, nó xấu hổ chui vào bụi rồi kìa! Ra ngay, kẻo kiến nó cắn chết bây giờ!
–  Con quỉ!
–  Tao mà quỉ á?
–  Chứ còn không hả?
–  Hi, hi, hi… anh thầy Công đẹp trai quá mày nhỉ?
–  Lại hiền nữa!
–  Và không có râu nữa!
–  Hí, hí, ha, ha, ha…
Những tiếng nói cười lại thi nhau cất lên từ những bụi Vải. Tôi quay sang phía Liên đang lúi húi ở bụi bên cạnh:
–  Con gái quê mình bạo miệng quá chị Liên ạ!
–  Ừ! – Liên gật đầu – Thầy mà không biết cách tấn công lại là chúng nó cho đo ván ngay!
–  Em hiểu, bọn này ghê gớm từ khi còn là học trò kia! À mà ngày xưa, chị có cho người ta đo ván nhiều không?
–  Cũng khoảng ngần này…! – Liên đưa hai vốc tay ra trước mặt rồi toét miệng cười.
Cái sự tinh nghịch của Liên càng làm cho những cô bạn của Lý có thêm đà để chọc ghẹo tôi. Lắm lúc, tôi chống đỡ không kịp khiến các cô càng bạo miệng…
Mặc kệ cho đám bạn chọc ghẹo tôi, Lý chỉ tủm tỉm cười. Thỉnh thoảng, em lại ném về phía tôi một cái nhìn thật tình tứ… Thực ra, chúng tôi đã dành cho nhau những cái nhìn như thế từ lâu lắm rồi, có lẽ từ cái thủa em còn mười tám, đôi mươi… Khi ấy, em trẻ… nhất làng.
Không khí xôn xao lắng dần sau khoảng chục ngày Vải chín rộ, cũng là lúc tôi chuẩn bị rời khỏi quê ngoại để về thị xã.
Đêm cuối cùng, tôi và Lý hẹn nhau ra con đê cạnh làng. Chúng tôi ngồi dưới ánh trăng mùa hạ. Trăng đêm nay đẹp quá. Một vài kỷ niệm thời thơ ấu chợt ùa về trong tôi khi ngắm vầng trăng tròn vành vạnh…
–  Bố em bảo, anh nhớ về chơi đều đều! – Lý nói khẽ.
–  Ừ, nhất định rồi!
–  Anh hứa chắc nhé!
–  Ư, hứa chắc!…
–  Bố em còn bảo, năm nay anh đã hăm bảy tuổi rồi…
–  Thì… sao?
–  Phải lấy vợ đi thôi!
–  Em lấy anh nhá!
–  Dạ… th…ô…i…
Hai tiếng dạ… th…ô…i… sao mà đáng yêu quá đi mất… Ngửa mặt nhìn lên dải Ngân Hà đầy sao, tôi cảm thấy vui vui lạ. Rồi tôi kéo Lý vào lòng mình, không để cho em kịp phản ứng. Đêm miền quê thật yên tĩnh và thơ mộng. Tôi thú thật với Lý rằng, từ lâu, tôi đã rất yêu em, tôi luôn luôn nhớ đến em… Sang năm, tôi sẽ xin chuyển công tác về quê ngoại, về mái trường mà ngày xưa tuổi thơ tôi đã từng gắn bó. Và, tôi muốn được cưới em làm vợ…
–  Dạ… th…ô…i…
–  Sao vậy?
–  Bố em bảo…
–  Bảo sao?
–  Bố em bảo… ước gì bắt được anh về làm… con rể!
Tôi bật cười, nắm lấy cánh mũi em lôi nhẹ. Lý nghiêng đầu, tựa vào bờ vai tôi và im lặng… Ánh trăng vẫn toả sáng khắp cánh đồng trước mặt. Từng cơn gió lại ùa về, thổi bay mái tóc dài óng ả của Lý. Hương bồ kết trên mái tóc em như đang cuốn lấy hồn tôi bay bay theo từng cơn gió mùa hạ… Tôi hẹn, mùa Vải sang năm sẽ làm đám cưới. Em lặng lẽ mỉm cười… Những ánh trăng đêm nay sao mà đáng yêu đến thế. Ngước nhìn những vì sao đang lấp lánh như những viên kim cương trên bầu trời quê ngoại, một niềm hạnh phúc bỗng ngập tràn trong tôi khi nghĩ đến mùa Vải sang năm. Chẳng mấy chốc nữa đâu, đồi Vải nhà Lý sẽ lại trổ bông và cũng chẳng mấy mà chín rộ…
Lý bỗng e thẹn nép vào lòng tôi như những ánh trăng thanh đang “mắc cỡ” trốn vào một đám mây nhỏ. Hương bồ kết trên mái tóc em lại như cuốn lấy hồn tôi bay bay theo từng cơn gió mùa hạ…
30/5/2021
Chu Quang Mạnh Thắng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...