Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Thi ca Bắc miền Trung nhìn từ cái hay, cái mới

Thi ca Bắc miền Trung
nhìn từ cái hay, cái mới

Đỗ Lai Thúy đưa ra ba hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại của thơ Việt Nam: “nghĩa -> chữ, chữ -> nghĩa, chữ <-> nghĩa”. Ông cho rằng, ba hệ hình này luôn luôn gối tiếp nhau, trong đó, hệ hình tiền hiện đại đóng vai trò trung tâm, ảnh hưởng, chi phối đến hai hệ hình còn lại. Trong sáng tác của một tác giả, có thể tồn tại một hoặc nhiều hệ hình và có thể không lệ thuộc vào hệ hình mà tác giả đó đang sống.
Nhiều cây bút có khi vừa đại diện tiêu biểu cho giai đoạn này vừa khẳng định ở giai đoạn khác. Khuynh hướng sáng tác của các cây bút đa dạng, phong phú và có cả sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Vì thế, không riêng gì cả nước, mà ngay trong sáng tác của các cây bút Bắc miền Trung, luôn có sự đi về giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới. Vậy, trong sự gối nhau giữa truyền thống và hiện đại, cũ và mới, cái hay, cái mới của thi ca đương đại Bắc miền Trung được biểu hiện như thế nào?
Bàn về cái hay, cái mới
Thi sĩ là người luôn khao khát khám phá và mô tả cái tôi, biến nỗi niềm riêng tư của chính mình thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Khi nỗi niềm ấy chuyển hoá vào thơ, nó không còn là khoái cảm riêng của thi sĩ nữa mà đã trở thành khoái cảm chung của toàn nhân loại.
Nhưng để thơ lan toả sức hấp dụ, trở thành nguồn khoái cảm của nhân loại, thi sĩ phải là người biết tìm ra lối viết riêng. Nỗ lực kiếm tìm lối viết riêng chính là nỗ lực kiếm tìm cái mới.
Ở góc độ này, cái mới liên quan đến sự tồn tại và khả năng diễn giải, điều tiết của cái tôi. Ý thức khước từ, đả phá cái cũ đã có trong bản thân mỗi thi sĩ chứ không phải chắp nhặt từ bên ngoài. Cái mới là cái nảy sinh từ bên trong cái tôi bản thể của mỗi thi sĩ, cho nên, cách thức tạo cái mới cũng không ai giống ai.
Như thế, cái mới thể hiện ở sự viết và những ý tưởng mà thi sĩ chuyển tải trong đó. Cái mới đạt đến cái hay thì nó phải tạo được ấn tượng, hứng thú với độc giả. Cái hay lại đòi hỏi hay cả về nội dung lẫn hình thức.
Giữa cái mới và cái hay, cái nào là ngọn, cái nào là gốc? Cái hay có phải chắc chắn là cái mới không? Có cái hay không mới, thậm chí cũ thì sao? Không những thế, đánh giá cái hay, cái mới còn tuỳ thuộc vào thị hiếu của từng giai đoạn. Có thể giai đoạn này là hay là mới, nhưng ở giai đoạn sau, cái hay, cái mới ấy lại không còn hay, không còn mới nữa.
Khó có thể rạch ròi tiêu chí giữa cái hay và cái mới. Bởi thơ ca hiện đại là dòng chảy của tiềm thức, vô thức. Dòng chảy mơ hồ, huyền ảo của cái bí ẩn bên trong, dòng chảy kì dị của giấc mơ,… Phải chăng vì thế mà thơ hiện đại khó nắm bắt, khó giải mã, khó đo lường, khó phân định? Phải chăng vì thế mà cõi thơ hiện đại là cõi thơ bất khả giải? Mà liệu có phải những gì bất khả giải đều không hay, tắc tị? Thực tế, có những bài thơ, đọc không hiểu, nhưng khó cưỡng lại sự quyến rũ và hấp dụ của nó.
Nhìn từ sự riêng khác
Tính 6 tỉnh Bắc miền Trung, từ Thanh Hoá vào đến Huế, chúng ta có một đội ngũ thơ ca hùng hậu, tài năng, sức sáng tạo dồi dào không thua kém gì hai đầu cầu, Hà Nội và Sài Gòn. Có thể điểm danh một số gương mặt như: Nguyễn Khoa Điềm, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Minh Khiêm, Lâm Bằng, Văn Đắc, Võ Quê, Văn Lợi, Lý Hoài Xuân, Mai Văn Hoan, Hồ Thế Hà, Trần Thu Hà, Thái Hải, Nguyễn Thị Phước, Vân Anh, Nguyễn Văn Hùng, Huy Trụ, Đinh Ngọc Diệp, Võ Văn Hoa, Võ Văn Luyến, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Thiền Nghi, Đỗ Thành Đồng, Phan Văn Chương, Trần Thị Huê, Đông Hà, Châu Thu Hà, Nhuỵ Nguyên, Phạm Nguyên Tường, Lê Vĩnh Thái, Nguyễn Lãm Thắng, Fan Tuấn Anh, Lê Tấn Quỳnh, Lưu Ly, Thy Lan, Trần Thị Ngọc Mai, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Phạm Thùy Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, Phạm Tiến Triều, Phong Lan, Lê Đáng,…
Thơ Bắc miền Trung đều nằm trên ba hệ hình: tiền hiện đại – hiện đại – hậu hiện đại. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thơ Bắc miền Trung đa phần thuộc về hai hệ hình, tiền hiện đại và hiện đại.
Nhiều sáng tác của các tác giả có sự giao thoa, ràng rịt giữa hai hệ hình này như Nguyễn Minh Khiêm, Đỗ Thành Đồng, Đông Hà, Nhụy Nguyên, Lê Vĩnh Thái, Phan Văn Chương, Trần Thị Huê,… Sáng tác của Hoàng Vũ Thuật, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Nguyên Tường, Lê Vĩnh Thái, Nguyễn Lãm Thắng, Fan Tuấn Anh, Lê Tấn Quỳnh,... thì nghiêng hẳn về hệ hình hiện đại. Về hệ hình hậu hiện đại, chỉ rải rác ở một số sáng tác của các cây bút trẻ, hoặc cả một tập thơ như tập “Tơ sương” của Hồ Thế Hà.
So sánh thơ Bắc miền Trung với thơ cả nước, ngoài một số cây bút đã khẳng định phong cách, tên tuổi, nhiều cây bút trẻ đang không ngừng nỗ lực bứt phá, thể nghiệm đổi mới thơ. Thơ Lê Vĩnh Thái “kiệm ngữ/ đa nghĩa” và giàu hình ảnh. Thơ Fan Tuấn Anh rậm rịt lời nhưng triết lý sắc bén. Thơ Nhụy Nguyên thấm đẫm tinh thần và triết lý nhà Phật.
Bắc miền Trung không có kiểu thơ “rặt” phong vị vỉa hè, đường phố năng động, tự do, phóng khoáng, ”nổi loạn” như Sài Gòn, hay thiên về trầm lắng, suy tư, tĩnh lặng như Hà Nội, nhưng Bắc miền Trung đã khảm vào thơ cái nôi của vùng đất địa linh nhân kiệt, đậm vùng miền mưa nắng khắc nghiệt, bão bùng lên trên nền thơ của cả nước, góp phần làm nên bản sắc, chất riêng trong dòng chảy thơ ca đương đại. Tiêu chí này cũng có thể xem là những nỗ lực tiến về vùng trung tâm và xoá bỏ những “thiên kiến vùng miền” của thi ca Bắc miền Trung.
Thực ra, so sánh và chỉ ra sự khác biệt trong sáng tác thi ca giữa các vùng miền chỉ mang tính chất tương đối. Đó là chưa tính sự ảnh hưởng, quen mà lạ của một số cây bút di cư, chuyển dời không gian sáng tác. Nhưng có một điều chúng ta không thể phủ nhận, không gian địa lý luôn ảnh hưởng sâu đậm đến không gian tinh thần của thi sĩ. Và tất nhiên, chỉ khi ý thức tự tôn về bản sắc vùng miền, xem vùng miền như là dòng máu đang chảy trong mình thì thi sĩ mới tạo được căn cước riêng khác.
Bắt nhịp thi ca đương đại
Đọc Hoàng Vũ Thuật, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Lãm Thắng, Phạm Nguyên Tường, Đỗ Thành Đồng, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Thị Huê, Fan Tuấn Anh, Lê Vĩnh Thái,… giá trị thơ của họ nằm ở đâu? Chúng ta xét cái hay cái mới thơ họ dựa vào tiêu chí nào?
Với tôi, cái hay, cái mới thực chất như hai mặt của một tờ giấy, đều được kiến tạo từ chính thế giới tâm hồn, sự thận trọng về mặt ngôn từ của thi sĩ, và kể cả những tác động từ phía độc giả. Chính những cuộc trình diễn tâm hồn trong sự đa chiều cạnh của không thời gian, trong lớp sương mù dày đặc của cõi vô thức đã đưa đến những khởi sắc, những ám tượng về mặt ngôn từ, gia tăng chất thơ.
Và nhất là, miền đớn đau, mất mát, cô độc mà thi sĩ quăng/đẩy vào thơ bao giờ cũng làm dày/đầy giá trị cứu chuộc và tái sinh. Trong tận cùng cô đơn, tuyệt vọng, thi sĩ mới thực sự vật lộn kịch liệt với cái tôi để truy tìm bản thể. Và cũng chỉ có con đường này, nhà thơ mới đối diện trọn vẹn nhất cái tôi của chính mình, không bị trộn lẫn giữa nghìn trùng cá thể, mới phát tiết cái riêng, cái lạ, cái độc.
Chúng ta có một Hoàng Vũ Thuật thường lạ hoá sự tưởng tượng của mình bằng nhiều đường gấp uyên ảo; một Hồ Đăng Thanh Ngọc đã tạo phong cách ở thơ tân hình thức, luôn nhịp nhàng hôn phối truyền thống trong cái nhìn cách tân bằng nhiều trò chơi ngữ ngôn đầy lý thú; một Nguyễn Lãm Thắng sẵn sàng rạch họng đêm để truy tìm bản thể chính mình và các mảnh ghép của cuộc sống; một Phan Văn Chương dùng tín ngưỡng, sắc màu của huyền thoại tái tạo bức tranh thuần khiết, giàu vẻ đẹp nữ tính, phồn thực; một Nguyễn Anh Tuấn không phải là người độc quyền thủ pháp “phúng dụ” nhưng anh biết dùng nó tạo dấu ấn riêng mình, phát huy tính kép, tính đa bội, tính bất ổn của các mã ngôn ngữ; một Lê Vĩnh Thái, cả tâm hồn lẫn con chữ đều đau đáu với tình yêu nguồn cội, cuộc sống, và các thi liệu ấy luôn được anh soi chiếu bằng điểm nhìn mới mẻ, tân thời.
Chúng ta cần thấy rằng, hiện thực cuộc sống là khởi nguồn của thi ca. Hay nói cách khác, thơ ca phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhưng hiện thực khi đi qua trái tim của thi sĩ, hiện thực ấy đã bị quy chiếu, ảnh hưởng bởi những rung chấn phức tạp, bí ẩn của anh ta. Lúc này, nhà thơ không chỉ là người làm sống động hiện thực ấy mà còn phủ lên hiện thực ấy những mảng khối, sắc màu đa dạng, biến ảo.
Do đó, để cảm được cái hay cái mới của thơ hiện đại, chúng ta cần tạo sự đồng cảm, cần thẩm thấu nó bằng linh cảm của trực giác, bằng kinh nghiệm uyên ảo của nội giới. Nhiều khi, hướng tiếp cận của người đọc vênh lệch, xa rời so với ý tưởng sáng tác của thi sĩ, điều này đã tạo ra sự thoả thuận mới, mà chúng ta ít thấy ở thơ truyền thống. Mỗi một sự thoả thuận là một hành trình đến với giá trị của thi ca.
Chúng ta không nên lấy một khuynh hướng sáng tác nào làm tiền đề đánh giá thơ. Mỗi thi sĩ đều có cách diễn đạt, tư duy khác nhau, miễn thơ làm ra hay, thể hiện được giá trị sống và giá trị người. Nói cách khác, thơ hay là thơ xếp chồng cảm xúc của thi sĩ lên cảm xúc của mọi người, rồi tiếp tục sóng đôi sự rung chấn ấy lên bạn đọc. Nhờ thế, “nhu cầu và khát vọng nhân sinh” trong thơ mới được trừu xuất một cách thẩm mỹ. Lúc này, sự không tách rời giữa tính nhân sinh và tính thẩm mỹ là thước đo sáng tạo, tiêu chí minh định cái hay của thơ.
Thi ca Bắc miền Trung đã và đang nỗ lực khẳng định và làm mới từ chất liệu đến thi tính. Những đổi mới, đột phá để tạo cái mới, cái hay trong một số sáng tác của các cây bút trẻ cũng ít nhiều cho thấy những ứng xử đẹp đối với thơ. Liên kết, nhập cuộc nhưng vẫn kiến tạo bản sắc và khác biệt.
28/5/2021
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...