Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Cánh đồng xa xăm

Cánh đồng xa xăm

Nhà văn Nguyễn Thu Hằng sinh năm 1976, quê quán ở Cao An, Cẩm Giàng, Hải Dương; hiện là giáo viên, ngoài giờ cùng chồng nghệ nhân tỉa tót cây cảnh kinh doanh; bắt đầu viết văn từ 2011. Đã xuất bản 8 tập truyện ngắn, chủ yếu là viết cho thiếu nhi, được nhận nhiều giải thưởng văn học của trung ương và tỉnh Hải Dương.
Ông Độ bị bệnh thoái hóa xương khớp đã lâu, từng chạy chữa khắp nơi, thuốc nam, thuốc tây, châm cứu, bấm huyệt, hiện đại, cổ truyền, ai mách đâu thì đến chữa đó, nhưng bệnh chỉ cắt cơn được thời gian ngắn, sau lại đâu đóng đấy.
Mấy ngày nay đổi gió, những cơn đau nổi lên hành hạ ông dữ dội, chúng như cái vòi bạch tuộc sục sạo ngoáy chọc khắp người ông, lúc thì ngang lưng, lúc nhói xuống hông, lúc lại nhằng lên cổ, lúc lại như rùi xuống gan bàn chân, có lúc những vòi bạch tuộc ấy cùng lúc tấn công làm ông đau đớn toàn thân thể như dần, như tẩm, ông rên la muốn chết quách đi cho xong. Sự đi lại của ông càng lúc càng khó khăn, muốn đi vệ sinh cũng phải nhờ bà vợ dìu, còn không kịp thì ông phải lệt bệt, thậm chí là cả bò lê bò quàng chẳng khác gì con cá rô rạch trên cạn.
Anh Thế, con trai cả đánh xe con từ tỉnh về bảo sẽ điệu bố sang bên làng Hường, có một thầy chuyên trị đau xương, đau răng, đau dây thần kinh… nói chung là trị đau trong người bằng bấm huyệt chưa từng thất bại. Ông Độ như cá gặp nước, giục vợ khăn gói ngay để hai bố con lên đường.
Xe vượt qua con dốc lên đê, cỏ gà mọc tràn trên mặt đê, tràn cả vào nền một cái điếm canh đê, sau điếm canh là cửa sông, một cái vó bè cũ đang phơi mình dưới nắng chờ nước lên. Ông Độ buột miệng thốt lên, cái cảnh này thấy quen quen. Anh con trai cười bắn cả nước bọt vào kính như mưa phùn, cười chán thì bảo, bố là cán bộ đi lên từ cơ sở, ở cái tỉnh này, vùng nào bố chẳng đi qua, không khéo chốc gặp người, ai cũng thấy quen nữa ấy chứ.
Ông Độ ngồi xoa cái chân đang tê dại đi không nói gì nữa. Đúng là trước kia, hồi còn trẻ, ông đã phấn đấu bợt mặt nên mới có thể từ một anh nông dân thuần chủng lên cán bộ được. Nào cày bừa giỏi, gánh lúa khỏe, rồi đạt danh hiệu lao động tiên tiến, được bầu vào cán bộ hợp tác xã. Lại thi đua lao động sản xuất, lại đạt danh hiệu lao động tiên tiến, ông được bầu lên làm phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm. Cấp trên cho đi học bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ. Cứ thế tới lúc nghỉ hưu, ông cũng có cái bằng thạc sĩ Nông nghiệp, giờ thì ông đóng khung nó trong tủ kính để con cháu noi theo tinh thần học nữa học mãi của ông mà kiên trì nỗ lực phấn đấu.
Con hơn cha là nhà có phúc, anh Thế đã làm cho ông nở mày nở mặt với thiên hạ, xưa bằng tuổi anh ấy, ông vẫn làm cái anh chủ nhiệm, suốt ngày xắn quần tới bẹn chạy ra đồng đốc thúc công việc nào cấy cày, phân gio, nước nôi, mương máng… Ngẫm thấy các anh các chị ấy bây giờ làm cán bộ sung sướng thật, lại còn có cả xe con đi công tác, còn tranh thủ đánh xe về đưa bố đi chữa bệnh. Ngày xưa, mẹ ông đau ruột thừa, ông đang phải chỉ đạo bà con vào vụ gặt chẳng về kịp, bà phải nhờ hai người hàng xóm kiêng võng lên bệnh viện, may mà mổ kịp thời. Vụ đó hợp tác xã của ông đã thắng lớn, góp được bốn mươi tấn thóc cho tiền tuyến. Cuối năm cả hợp tác xã được khen, nhiều xã viên được giấy khen, ông cũng thế, mẹ ông cầm tấm giấy khen của ông mà nức lòng, thôi giận ông cái vụ không đưa bà đi cấp cứu nữa.
Cậu con trai ngồi bàn ghi đưa cho anh Thế cái phiếu số 8 rồi quay sang hỏi tên ông để ghi vào sổ. Trần Tiến Độ, ông khẽ đọc, cậu con trai cúi xuống nắn nót ghi tên ông vào sổ khám bệnh như người ta cẩn trọng ghi huân, huy chương. Ánh mắt cậu con trai hiền hòa dễ gần quá, cứ như ông đã nhìn thấy ở đâu rồi. Nhưng cậu ta còn trẻ, gặp sao được khi mà ông đã nghỉ hưu tới gần chục năm nay, ông đã không còn họp hành hay xuống cơ sở từ lâu rồi.
Sắp tới lượt số tám nhé. Vào trước đi.
Anh Thế nhắc:
– Nhớ giờ bố là số tám đấy.
Ông nhớ rồi, giờ ông là số tám. Ông chậm chạp đi vào, anh Thế vẫn đi theo để đỡ vì sợ ông ngã. Bên trong, người đàn bà cầm số bảy vẫn đang ngồi trên giường đợi thầy bấm huyệt vào. Số tám  nhìn số bảy mỉm cười, sau cái mỉm cười lại thấy cái bà lão số bảy quen quen.
– Trông ông thì cũng đau lắm phỏng? Bà số bảy hỏi.
– Vâng, đau lắm, bà ạ.
– Nông dân chúng em đi cày đi cấy gánh gồng khổ ải, đau lưng đau chân là chuyện thường còn ông tướng mạo an nhàn thế mà cũng đau cơ à?
– Bệnh này thì nó có từ một ai đâu bà. Giờ đau đến nỗi nhiều lúc như đôi chân muốn liệt rồi.
Ông Độ nói xong, chợt giật mình, trước kia ông sợ nói từ “liệt” lắm, ai nói tới từ đó ông cũng thon thót giật mình thế mà không ngờ giờ ông lại thốt ra. Số bảy định nói gì thì thầy Thuần vào. Đoán cũng chừng xấp xỉ tuổi ông, nhưng dáng thày săn chắc, mặt đầy gân guốc, răng hơi mái hiên, một nốt ruồi bên lông mày trái. Ông Độ chớp mắt mấy lần, người này thì quen lắm. Thật đấy, trí nhớ của ông chắc chắn còn chưa bị những cơn đau làm cho tê liệt đâu, đúng là đã gặp ở đâu rồi. Thuần, a, Thuần, cái tên gợi cho ông nhớ tới một người, chẳng lẽ là anh ấy, cũng tên Thuần, cái thằng bạn cày dưới hợp tác xã Tiến Tới năm nảo năm nào. Nhưng sao lúc trước về quê có người bảo anh ta đã chết rồi, nhà ông Cảnh bố nuôi của Thuần thì cũng vào Tây Nguyên làm kinh tế mới từ lâu, sao giờ còn gặp anh ta ở làng Hường này làm sao được? Ký ức đầy vơi chợt ùa về .
Nhờ có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, một mình cày ruộng năng suất bằng ba, nên cậu thanh niên Đô được cấp trên chọn tạo nguồn, cho đi học bổ túc văn hóa. Biết tin, tụi bạn thợ cày trong đó có thằng Thuần đang tắm với bầy trâu dưới sông đã kéo bằng được Đô xuống sông tắm, bắt Đô khao một bữa gáo sen. Cái thằng Thuần to mồm nhất. Trên danh nghĩa thằng Thuần là con nuôi ông Cảnh, thực ra là ở, làm cho nhà ông Cảnh được nuôi ăn, nó mới học hết lớp hai còn kém Đô năm lớp văn hóa nữa, nên biết tin Đô sắp được đi học lên cao, nó ngoạc mồm đòi khao gáo sen mạnh nhất bọn.
Sen ở sông nhưng của nhà ông Gù cấy, chúng không dám lấy vì ông Gù chửi chua ngoa như đàn bà, chúng bắt Đô phải hái gáo sen khao, Đô đang là điển hình lại được chọn tạo nguồn của làng, xã, chắc ông Gù chẳng tiếc rẻ gì vài cái gáo sen.
Đô thì Đô chẳng dại, bao nhiêu công lao phấn đấu để được đi học, giờ hái trộm gáo sen thì khác nào đổ lửa đốt nhà. Đô định đánh bài chuồn, nhưng đám bạn cày đã quây lấy, không cho lên bờ, còn lùa bắt Đô ra đám sen ép hái. Vì đã cày bừa cả ngày trời nắng mệt mỏi, Đô bị chuột rút, lát sau đám bạn không nhìn thấy Đô đâu mới vội vã bủa đi mò.
Vớt được Đô lên bờ thì Đô đã rũ ra. Chúng thay nhau vác Đô chạy dọc bờ sông, rồi cũng học đòi hô hấp nhân tạo. Lúc Đô tỉnh dậy thì thấy cái mồm cá ngão hôi rình, chua lòm  như nước gạo ngâm của thằng Thuần đang định bập vào môi mình, Đô quay vội mặt đi để tránh, cả bọn rúc rích cười.
Thằng Thuần chỉ vào đũng quần  Đô mà hét: Tỉnh rồi là sống rồi. Mà Đô ơi, mày là lao động tiên tiến Trần Tiến Đô hay là đồ thiến chân đấy. Cả lũ bạn cày cười ré lên, chúng bảo, giờ thì chúng hiểu tại sao Đô chẳng bao giờ tắm tiên chung với chúng, chắc xấu hổ bởi chim bé quá.
Chúng lại đồng loạt chỉ vào đũng quần của chúng cho Đô xem, cái của thằng nào thằng ấy cứ phình lên như bắp ngô trên đồng Màu lúc thu hoạch. Thằng Hội còn tụt cả quần đùi, cầm cái của nợ ấy của nó vung vẩy cho Đô xem. Đô đỏ mặt như con gái lần đầu nhìn thấy cái của nợ của đàn ông.  Quả thực là đồ của chúng cứ lông lốc cả ra như bắp ngô, củ khoai lang dưới lớp quần đùi dấp dính nước, còn Đô thì vẫn chỉ nhỉnh hơn mầm giềng, giờ ngâm nước còn sun xoăn lại như con đỉa. Chúng gào lên váng cả mặt sông, đồ thiến chân, đồ thiến chân là Trần Tiến Đô, tưởng đô con thế nào hóa ra, chỉ đô cái chân để lội ruộng đi cày, còn cái chân đàn ông thì teo tóp như thiến thế kia. Trần Tiến Đô chỉ có thể là chiến sĩ trên mặt trận cày ruộng còn chúng tớ mới chính là chiến sĩ cày trên giường vợ.
Đô đau lắm, nhất là cái thằng Thuần, cái hơi thở thì hôi hám, da của nó thì đỏ choét mụn cóc, mụn ghẻ nhưng nó đầy tự tin chỉ vì cái giống của nó to hơn Đô. Nó cứ hớn hở trên vẻ mặt đau khổ của người khác, hơi thở hôi hám của nó vẫn cứ hồn nhiên phả lên mặt Đô như thách thức. Đô bỏ đi. Khi lũ con gái thợ cấy đi qua xuống rửa chân, chúng vẫn gào lên với nhau để tiết lộ thông tin cá nhân về cái chân giữa của Đô bé hơn chúng với vẻ mặt đầy âm mưu.
Mấy hôm sau, Đô gặp Nhạn, cô thôn nữ mà Đô đang có ý định cưa cẩm, thấy Nhạn có ý tránh mặt Đô nhưng khi thằng Hội đến gần thì Nhạn lại đồng ý cho thằng Hội gánh hộ gánh cỏ về. Đô đoán ngay ra lũ trai làng đã chơi đểu mình, nhìn hai đứa chúng nó sánh đôi về làng, Đô càng nghĩ càng ức mà không làm gì được.
Đô rầu rĩ, đau đớn âm thầm như bố chết, tự dưng thấy ghét cái tên bố mẹ đã đặt cho. Trước lúc đi học, Đô nghĩ mãi, rồi quyết định chấm thêm một dấu nặng vào dưới chữ Đô, rồi lên xã xin lại giấy khai sinh, từ đó không còn Đô nữa mà là Độ- Trần Tiến Độ, cái tên rất phù hợp với hợp tác xã cũng như nhịp đời.
Ở lớp của Độ, có một bạn gái tên Chiêm rất xinh, Độ cũng thấy thinh thích. Một lần đi học về qua cầu ao sau bụi tre, Độ nhìn thấy Chiêm tắm dưới ao, đêm về nằm mơ, chim nở to, rỉ nước ướt cả đũng quần, Đô lên lớp ngập ngừng hỏi thầy Doan, thầy  cười bảo, không sao, là đàn ông phải thế. Độ bắt đầu thấy yên tâm.
Sắp thi tốt nghiệp thì máy bay giặc ném bom, trường học phải sơ tán đến làng Vó, ven sông. Vừa học vừa dựng lán, dựng lớp, vừa giúp dân lao động sản xuất. Độ gặp Chiêm vẫn không dám nói năng gì.  Nói không ngoa chứ thằng con trai nào trong lớp, cả thầy giáo nữa, cũng thích được ngắm khuôn mặt bầu bĩnh mà tươi tắn của Chiêm. Buổi nào học mà không có Chiêm y rằng lớp học chẳng có hồn vía gì nữa, lũ con trai thì trông ra cửa đầy ngơ ngẩn, hay cãi cọ nhau, đến thầy giáo Doan cũng khó tính, giảng bài mà học trò không hiểu, tức bực cứ quát mắng om tỏi cả lên. Hai ngày sau, lớp học mới lấy lại được hồn, đó là khi Chiêm ở quê ra, mang theo bao nhiêu là xoài, mít chia cho các bạn. Nhưng nguy hiểm nhất là theo sau Chiêm để bê đám mít, xoài ấy tới lớp chính là thằng Thuần. Tối đó, Thuần ngủ lại bên lán con trai. Nó lựa lúc Độ đi giặt quần áo ra tranh thủ nói chuyện riêng.
– Không ngờ, mày lại học với Chiêm ở đây.
– Cũng không ngờ gặp mày ở đây. Sao bảo mày bỏ nhà ông Cảnh đi làm thuê ở đâu rồi mà.
– Lúc đó, tao bị bố đánh cho một trận vì cái tội quậy phá hay nói càn nói bửa, giận quá tao bỏ đi làm thôi. Đến làng của Chiêm đóng gạch thuê, gặp cô ấy, tao kết ngay. Mà này mày, chỗ người làng người nước cũ…
Thằng Thuần rụt rè, không hiểu sao giờ nó còn nhắc tới tình nghĩa người làng người nước ở đây với Độ làm gì, chẳng lẽ…
– Tao tán Chiêm đấy, Chiêm đang bảo đợi để còn tìm hiểu. Mày học ở đây có gì vun vén giúp tao một câu nhé.
– Tao biết đâu đấy, kệ chúng mày.
Độ vùng vằng đi vào.
Hôm sau thì Thuần về tiếp tục đóng gạch thuê. Còn Độ thì được thầy giáo rủ ra sông để kéo vó bè, ông lão Lưới nói chuyện với thầy, nước sông lên, cá ở đâu về nhiều lắm. Thầy còn bảo Độ rủ cả Chiêm đi ra sông kéo vó, thầy có chuyện muốn nói với Chiêm.  Độ hơi buồn, Độ cũng từng nằm mơ được nắm tay Chiêm chạy trên đồng cỏ, nhưng giờ thì giấc mơ ấy có lẽ sẽ không thuộc về Độ. Độ đành nhận lời với thầy Doan sẽ rủ Chiêm ra chỗ vó bè của lão Lưới. Với lại, Độ cũng đang muốn cho thằng Thuần nếm mùi thất tình.
Trước khi Độ đi thực thi nhiệm vụ cơ mật của thầy, thầy động viên Độ, Độ có tiến bộ lắm, còn trẻ còn phải phấn đấu, đừng vướng vào chuyện tình ái sớm, ý chí sẽ bị thui chột đi, cố lên để được bằng giỏi, ra trường công tác sẽ thuận lợi hơn.
Chiêm đồng ý đi ra kéo vó ngoài sông. Hai đứa đang vừa đi vừa nói chuyện trên trời dưới bể, đến cái điếm canh, chợt Chiêm dừng lại, ngập ngừng hỏi về Thuần.  Phải lúc lâu, đợi cho Chiêm sốt ruột, Độ mới e hèm, giọng ra điều quan trọng :
– Thực ra thì anh cũng coi em như em gái nên em hỏi thì anh nói. Nó vốn dân phiêu bạt, mồ côi được ông Cảnh làng anh đem về nuôi, nhưng tính nết coi trời bằng vung, bạ đâu nói đấy, thích gì làm đấy, đã bị ông bố đánh một trận vì cái tật không chịu sửa, nay bỏ làng đi.
– Sao anh ấy bảo đi đóng gạch thuê kiếm tiền về giúp bố mẹ.
– Thằng nào mang rùi đục đi hỏi vợ hả em?
Nói đến đây thì cái chuyện khoai bé khoai to năm trước lại hiện về làm Độ nóng mặt, Độ chốt một câu như điểm huyệt.
–  Với lại cái thằng này làng anh còn gọi nó là Thuần ghẻ, bây giờ em gặp nó vào mùa lạnh thì không thấy chứ tới mùa nóng, người nó đầy ghẻ lở hắc lào,  có được gọi đi khám bộ đội đâu, còn cái này nữa, nó đã hôn em bao giờ chưa?
Chiêm đỏ mặt như gấc, lắc đầu.
– Thế thì sao mà em biết được, thằng này dạ dày có vấn đề, mồm nó hôi như đống rác.
– Sao anh biết?
– Ờ…ờ thì, có đứa trong làng ở một tình thế bất khả kháng bị nó cưỡng hôn đã kể thế.
Sau buổi câu vó bè hôm ấy, hai tháng sau thi tốt nghiệp xong thì Độ về xã nhận nhiệm vụ mới.
Một hôm, Độ nhận được lời mời ăn cỗ của thằng Hội với Nhạn, vài hôm sau, Độ lại nhận được thiệp mời đám cưới của thầy Doan với Chiêm, Độ cười đắc ý, vậy là tỉ số một đều.
Sau đám cưới của Chiêm, thằng Thuần tìm về làng, nhà ông Cảnh đã xung phong đi xây dựng kinh tế mới trong Tây Nguyên, nó tìm đến nhà phó chủ nhiệm Độ để nói chuyện, trách chán việc Độ không vun vén cho nó, Độ bảo, đừng đũa mốc chòi mâm son nữa. Cuối cùng nó bảo chán đời chẳng biết làm gì để sống. Độ biết có chương trình đi xây dựng Tây Bắc, động viên nó, nó đi luôn. Chẳng biết nó lên đó đã làm được những gì. Mấy năm sau, khi đã lên làm cán bộ trên huyện, lúc trở về quê nghe đâu dân làng kể, nó vào rừng bẫy chim đã bị hổ vồ mất xác rồi. Độ cũng có chút ăn năn, thương tiếc. Rồi công việc cứ cuốn đi, chuyện về thằng bạn cày năm xưa trên cánh đồng cũng lui vào dĩ vãng xa xăm.
Bây giờ thì thằng Thuần ghẻ, đã là thầy Thuần mát tay bấm huyệt trị bệnh ngồi ung dung kia, đang  bấm nốt huyệt trên gan bàn chân cho số bảy. Thầy thuốc với bệnh nhân nói chuyện lầm rầm vui vẻ lắm, ông Độ hơi nặng tai lại ngồi xa thế này nên không nghe rõ họ nói chuyện gì.  Sắp tới lượt số tám rồi, ông Độ chợt nửa muốn vào nửa muốn quay ra. Biết ăn nói thế nào, vì ông mà Thuần không lấy được cô Chiêm lại còn phải lên Tây Bắc vật lộn với rừng rú, thú dữ, may mà nó chưa bỏ mạng cho hổ đói trên rừng là may rồi. Mồ hôi ông Độ cứ túa ra hai bên thái dương, đôi chân bỗng run bần bật. Bà số bảy đi ra phòng ngoài qua mặt ông, ông muốn đứng dậy đi ra theo.
– Số tám vào giường nằm đi nhé.
Thầy Thuần ngẩng lên. Đôi mắt thầy nhìn ông khá lâu, lưỡng lự, băn khoăn, rồi lóe sáng.
– Bác, em trông bác quen quen!
Ông Độ lại phải lấy khăn chấm mồ hôi, miệng ông như cứng lại:
– Tôi cũng thấy thầy quen quen, có phải….
– Ông, ông… có phải là Đô,… Trần Tiến Đô… “đồ thiến chân” không?
– Vâng, tôi Đô, còn ông là Thuần, có phải Thuần ghẻ ngày xưa không? Sao bảo Thuần bị hổ vồ rồi cơ mà?
– Chuyện dài lắm.
Vừa bấm các huyệt đạo trên lưng cho ông Độ, ông Thuần vừa kể. Đợt đi lên Tây Bắc đúng là lắm gian nan. Đến đâu cũng chỉ thấy rừng cây, núi đá. Ông và hai mươi thanh niên khác được đưa đến một bản có người Mông sinh sống để chuẩn bị làm công trình Trường Trạm điển hình đầu tiên trên miền ngược. Một buổi rỗi việc, Thuần rủ một người bạn nữa vào rừng săn chim, săn thỏ để đổi bữa, chẳng ngờ hai người lạc nhau. Thuần càng tìm đường ra thì càng lạc sâu vào rừng rậm âm u. Trời đang tối dần, Thuần hoảng loạn chạy bổ ngang bổ dọc mà chỉ thấy lá mục, cát đá, rễ cây, cỏ dại chằng chịt dưới chân. Bỗng nhiên chim bay dàn dạt qua đầu, mùi hôi thối, mùi máu tanh lòm bốc lên, kèm theo là những bước chân thú chạy rầm rập vang trong gió, cây rừng nghiêng ngả. Thuần chưa kịp định thần thì một bóng đen đầy lông lá lao tới kèm theo mùi hôi thối và tiếng gầm rung chuyển núi rừng, Thuần chỉ kịp vung con dao quắm lên, khối thịt lông lá như tảng đá chồm lấy người Thuần.
Khi tỉnh dậy, Thuần thấy mình đang nằm cạnh bếp củi. Một cô gái dân tộc Mông đang sắc thuốc cho Thuần đã kể, đúng lúc Thuần bị hổ vồ thì cha cô đã tới kịp, mũi tên có tẩm thuốc độc cắm phật vào giữa trán con hổ, chỉ trong giây lát nó đổ vật xuống. Ông cụ vốn là thợ rừng, rình con hổ này đã lâu.
Sau gần ba tháng, nhờ  ông cụ bấm huyệt và sắc thuốc lá lấy trong rừng cho uống, Thuần dần hồi phục. Cô con gái dẫn Thuần tìm về nơi cũ thì điểm Trường Trạm đã xây xong, đoàn đã chuyển đi nơi khác. Thuần lại quay vào rừng, rồi sau mê cô con gái. Thuần học làm thợ rừng, học bấm huyệt. Cô con gái bảo, phải khỏi ghẻ lở, hôi mồm mới cho cưới. Vài tháng sau thì Thuần khỏi bệnh. Chỉ chữa bằng uống lá thuốc ông cụ mang về và bấm huyệt.
Họ nên vợ nên chồng. Hai đứa con ra đời, rừng cũng hết thú dữ, ông cụ ốm rồi mất, trước khi mất có dặn Thuần đưa vợ con xuống núi, chỗ gần trường học mà ở. Một thời gian sau, Thuần chuyển đến làng Hường này.
Bàn tay ông Thuần nắn nắn, rồi ấn, day, tự dưng có tiếng khậc dưới lưng ông Độ phát ra. Ông Độ hốt hoảng hỏi tiếng gì đấy, ông Thuần cười, tôi nắn lại cho chúng vào đúng hàng ngũ ấy mà. Bấm và xoa bóp xong, ông Thuần đỡ ông Độ ngồi dậy. Ông Độ vươn vai, rướn chân, rướn tay, thấy người nhẹ hẳn, cơn đau như tan biến, bụng khâm phục tài nghệ của ông Thuần lắm.
Lúc hai người ngồi uống chén trà nóng, ông Độ bảo:
– Cuối cùng ông thế mà hay, biết bấm huyệt chữa bệnh mà lại không dùng thuốc mới tài. Già mà vẫn còn giúp được đời. Còn tôi, trẻ xông pha, già đợi chết,  giờ lại thành như phế thải, làm khổ vợ con. Nhớ lại chuyện đưa ông đi nên đó để bị hổ vồ tưởng chết rồi, tôi cứ ân hận lắm.
– Nói thật, không có những chuyện trên cánh đồng làng thủa nào, không có chuyện thất tình với cô Chiêm, không có cái lần ông bắt được mạch chán đời, giúp tôi được đi, dù rằng tôi chưa có đóng góp gì lớn cho công trình xây dựng Trường Trạm ở Tây Bắc. Và vì cái buổi lạc rừng gặp hổ dữ đó, nói theo quân ngũ thì tôi là thằng đảo ngũ, nhưng đường đời vốn là số phận, dẫu sao thì sau đó, cuộc đời đã nở hoa với tôi khi tôi đã chia tay với bệnh ghẻ lở và hôi miệng, còn lấy được vợ đẹp, trọng nhất là được cha vợ truyền cho nghề bấm huyệt này.
Các tác phẩm đã xuất bản của Nguyễn Thu Hằng:
– Cánh thư bay, Tập truyện thiếu nhi, Nhà xuất bản Dân Trí, 2014.
– Thì thầm cùng giọt sương, Tập truyện thiếu nhi, Nhà Xuất bản Kim Đồng, 2017.
– Bám biển, Tập truyện ngắn, Nhà Xuất bản Thanh Niên, 2017.
– Mật thư trên ngọn đa, Tập truyện thiếu nhi, Nhà Xuất bản Kim Đồng, 2018.
– Đảo thức, Tập truyện ngắn, Nhà Xuất bản Thanh Niên, 2018.
– Cánh đồng xa xăm, Tập truyện ngắn, Nhà Xuất bản Thanh Niên, 2019.
– Mưa ngâu, Tập truyện ngắn, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, 2020
– Mùa hoa lưng chừng gió, Nhà Xuất bản Kim Đồng, 2021.
Giải thưởng văn chương:
1. Giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, năm 2011.
2. Giải Nhất cuộc thi viết “Trường Sa trong lòng Tổ quốc” do VTC phối hợp báo Tuổi trẻ tổ chức, năm 2011.
3. Giải Nhì, cuộc thi Bút kí Hội VHNT Hải Dương.
4. Giải C, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn, năm 2016, tập truyện thiếu nhi “Cánh thư bay”.
5. Giải Ba, cuộc thi viết “Truyện ngắn và ký năm 2016- 2017”, Quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức.
6. Giải Khuyến khích, cuộc thi viết “Truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2015-2017”.
7. Giải Khuyến khích cuộc thi “Thơ Haiku Việt Nhật lần thứ VI”, 2017.
8. Giải Tư cuộc thi “Sáng tác Văn học Trẻ năm 2018” của Tạp chí Xứ Thanh.
9. Giải Nhất, cuộc thi “Sáng tác tác phẩm học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2019” của Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương.
10. Giải Nhì (Không có giải nhất) cuộc thi viết của Tạp chí Văn học Tuổi trẻ, năm 2019.
11. Giải Ba, cuộc thi truyện ngắn “Quán chiêu văn”.
12. Giải Nhì, cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại Eneos x Mogu Nhật Bản tại Việt Nam. (2020).
13. Giải Ba, cuộc thi viết về hình ảnh người chiến sĩ CSGT, Bộ Công an, 2021.
26/5/2021
Nguyễn Thu Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...