Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Theo dòng thời gian

Theo dòng thời gian

1. “Tôi xa Hà Nội, năm lên mười tám, khi vừa biết yêu…“ là giòng đầu của một nhạc phẩm nổi tiếng. Câu hát đã đi sâu vào lòng, khi tôi rời Sài Gòn, cũng trong một tâm trạng tương tự.
Sau này, mãi sau này, mỗi lần trở về, tôi luôn mong mỏi tìm lại cảm xúc lúc ra đi.  Để rồi lại băn khoăn vì mọi thứ không giống xưa, cái gì cũng đã thay đổi…
Lần này về lại Thành Phố, tôi tình cờ gặp John trên chuyến bay từ Mỹ qua… Anh bạn còn trẻ, mặt mày sáng sủa, có dáng dấp của một nhà nghiên cứu khoa học. Anh người bang Maryland, cùng nơi tôi cư ngụ. Sau vài câu xã giao thông thường, ai nấy về lại chỗ ngồi, chờ cho cuộc hành trình 24 tiếng mau kết thúc.
Vài ngày sau, bước vô một quán nước gần chợ Bến Thành, tôi thấy anh đang một mình bên ly cà phê. Tôi ra chào hỏi, anh nhận ra người bạn đồng hành bữa trước, mừng rỡ mời ngồi cùng bàn.
John cho biết cách đây ba tháng có theo đoàn y tế thiện nguyện "Operation Smile" qua Việt Nam chỉnh hình cho các trẻ em bị tật bẩm sinh. Chuyến công tác kỳ rồi rất thích thú, và lần này anh trở lại làm khách du lịch.
Sau đó anh hỏi tôi về đây có việc gì? Tôi trả lời đã về hưu từ lâu, kỳ này tháp tùng bà vợ về Việt Nam. Cô ta hiện đang công tác từ thiện tại tỉnh, cũng trong lãnh vực y tế.
John tâm sự thân phụ anh trước đây phục vụ trong ngành quân y, đã từng sống tại Việt Nam. Lúc về Mỹ, ông hay nhắc tới mảnh đất xa xôi này, và có lẽ vì vậy, ngay từ nhỏ, John đã bị thu phục bởi  văn hóa Việt. Như muốn chứng tỏ điều trên, John bỗng chuyển qua tiếng Việt, tiếp tục câu chuyện với cách phát  âm rất chuẩn!
Sau phút giây ngạc nhiên, tôi hỏi anh bạn chắc hẳn làm cho cơ quan CIA? John vội vàng cải chính nói mình đang hành nghề luật sư, sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, cách đây ba năm.
Anh cho biết thêm thân sinh anh làm nha sĩ, và có ý khuyến khích anh nối nghiệp, nhưng anh không theo con đường của bố cũng vì mẹ anh. Tôi ngạc nhiên nhìn anh. John chậm rãi đưa tay lấy ly cà phê, đưa lên môi khẽ nhấp, trước khi trả lời:
- Mẹ tôi có lần phát biểu như sau: “Chồng tôi là một nha sĩ giỏi, trước khi làm gì cũng phải đeo bao… tay, khi làm thì rất nhẹ nhàng, êm dịu khiến tôi chẳng có cảm giác gì cả!"
Tôi phì cười vì câu trả lời khôi hài, lại ngoắc tay kêu thêm cà phê.
Sau đó, câu chuyện chuyển qua đề tài ẩm thực Việt Nam. Anh tỏ ra rất sành điệu, thao thao bất tuyệt bình phẩm, phân tách hết món này tới món khác.
Anh thú nhận rất thích món phở. Bên Mỹ, mỗi tuần phải tới tiệm phở hai lần! Theo anh, phở là biến thể của món súp “Pot au Feu” (súp vời thịt bò hầm) của người Pháp. Về điểm trên, anh có lời phân tích như sau: hai từ “Feu” và “Phở” phát âm gần giống nhau;  khi sửa soạn món “Pot au Feu”, cũng như khi nấu phở, người đầu bếp nướng hành tây trước khi cho vô nước đun cho nước dùng lên mùi. Ngoài ra, người Việt trước kia ít khi dùng thịt bò, mà phần đông dùng thịt gà, thịt heo trong bữa cơm hàng ngày. Bỏ thịt bò trong phở cũng là theo món súp Pháp thôi.
Anh bạn còn phân biệt giữa phở Bắc và phở Sài Gòn. Theo anh, bánh phở ở miền Nam nhỏ hơn ở miền Bắc. Ngoài ra  phở Bắc đặc trưng bởi vị mặn khác với vị ngọt trong Nam. Nước dùng được làm từ nước ninh xương bò, tuy nhiên ở miền Bắc, người đấu bếp còn dùng thêm tôm he và bột ngọt để nấu cho phở ngọt nước. Còn trong Nam, nhiều nơi nấu nước dùng bằng xương gà và thêm khô mực. Phở Bắc thường ăn với hành lá, còn phở Sài Gòn, ngoài hành lá còn có cả hành tây, giá, ngò gai, rau quế.
Những nhận xét trên, dĩ nhiên cũng không có gì mới lạ. Tuy nhiên, phát xuất từ miệng người nước ngoài, lại mang tính chất độc đáo. Vốn sinh trưởng tại Việt Nam, nên tôi cũng rất hiếu khách và mang ít nhiều thành kiến “Bụt chùa nhà không thiêng”. Và đã ngồi nghe anh bạn phân tách món phở, trong lòng đầy thán phục.
Chuyện trò tới đây, John tỏ vẻ bồn chồn, liếc nhìn đồng hồ trên tay. Bắt gặp ánh mắt dò hỏi của tôi, John phân trần:
- Thú thật với “you”, kỳ trước qua Việt Nam, tôi có quen một thiếu nữ...
“Thì ra thế!”  Anh chàng này không những bị thu phục bởi văn hóa Việt, bị thu hút bởi ẩm thực Việt, mà còn bị thu hồn bởi con người Việt Nam nữa!
Tôi hỏi lại:
- Hai người quen nhau ra sao?
- Chúng tôi gặp nhau trong dịp công tác với "Operation Smile"  tại An Giang, ba tháng trước. Cô ta là sinh viên khoa kinh tế tài chánh.
John trầm giọng, đầy vẻ mơ màng:
- Vì không trong ngành y, nên chúng tôi được bổ nhiệm việc phân phát thuốc men, lo hậu cần. Nàng chú ý đến tôi, chắc vì tôi nói tiếng Việt lưu loát.
- Còn anh, vì sao để ý tới nàng?
John trả lời không chút đắn đo:
- À, vì nàng hồn nhiên. Lại rất lanh lợi, thông minh. Luôn luôn có những nhận xét rất tinh tế về mọi việc. Nhờ nàng, tôi đã học hỏi thêm nhiều về văn chương Việt Nam, về cách xử thế của người Việt.
- Thế sao!
- Rồi chúng tôi kết bạn… Sau ngày làm việc, biết tôi mê món ăn Việt Nam, nàng đưa tôi đi thử những món ăn dân dã miền Nam, đặc thù của một thời đi mở cõi.
- Những món gì vậy?
John mỉm cười:
- Chuột đồng khìa nước dừa này, rồi dơi quạ hấp chao, sau đó là rắn hổ nấu cháo đậu xanh.
- Anh thấy ngon miệng không?
- Thì… cũng có cái ăn được, cũng có cái ăn không được. Nhưng phải cố gắng nuốt hết!
Tôi phì cười. John tiếp:
- Sau đó tôi về Mỹ. Trong ba tháng qua, chúng tôi liên lạc thường xuyên, hết email, rồi “chat” với nhau đều. Hôm nay có hẹn nhau tại quán này.
- Tôi có lời mừng anh, sắp sửa được nếm món ăn “đặc sản” nữa!
John gật đầu một cách yếu ớt.
Rồi anh cập nhật thông tin đã đưa ra:
- Nàng cũng là người mẫu thời trang nữa.
Tôi vỡ lẽ tại sao anh bạn ăn thịt chuột, thịt dơi, thịt rắn mà thấy ngon!
Anh bổ túc thêm:
- Tuy chưa nổi tiếng lắm!
John bỗng ngưng giọng. Đôi mắt anh sáng lên. Anh vội vã đứng dậy, nhìn ra phía cửa vào, đưa tay vẫy vẫy.
Tôi quay người lại và thấy một thiếu nữ đang bước về phía chúng tôi. Cách phục sức hợp thời trang, với mảnh áo thun đỏ bỏ ngoài chiếc quần ”jeans” bó sát cặp đùi thon dài, càng làm tăng thêm vẻ tươi sáng của cô gái vốn dĩ đã được trời ban cho sắc đẹp tự nhiên.
Thiếu nữ bước tới bàn, John mừng rỡ ra chào hỏi, và giới thiệu cùng tôi:
- Đây là cô Hà... Đan Hà.
Thiếu nữ nhìn tôi. Cô bỗng nhíu mày, rồi cười thật tươi:
- Em xin chào thầy!
Tôi  ngạc nhiên vì lối xưng hô. Đan Hà tiếp lời:
- Mấy năm trước, em có học một khóa về kinh tế thầy dậy. Hồi đó, thầy là giáo sư thỉnh giảng của trường.
Thấy sự hiện diện của mình thừa thãi, tôi tính rút lui. Tuy nhiên Đan Hà có ý nài giữ, tôi đành nấn ná lại bên bàn với hai bạn trẻ.
Anh bạn John, từ khi Đan Hà tới, thần sắc lờ đờ hẳn đi như kẻ mất hồn, cặp mắt luôn dán chặt vào khuôn mặt cô bạn gái. Tôi cũng thông cảm với anh vì cô bé lanh lợi, ăn nói có duyên. Rất dễ mến! Có lẽ dưới nhãn quan của John, cô mặn mà như một tô phở với nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai… Đương nhiên, tô phở cũng không kém phần “lanh lợi”, “thông minh”!
Đan Hà ngồi sát bên John, chăm chú nghe từng lời anh bạn thốt, như thể anh là người quan trọng nhất trên cõi đời này. Thỉnh thoảng cô nghiêng đầu, nhẹ rủ mái tóc óng ả xuống bờ vai. Lại có lúc cô thân mật khẽ phớt tay lên cánh tay người đối thoại. Hiển nhiên, cô gái rất có cảm tình với anh bạn.
Tôi tự hỏi cô đã thấy gì nơi anh ta? Anh thông thạo tiếng Việt? Đây có thể là một lý do. Hay một tương lai sáng đẹp bên anh?
Nghĩ cho cùng, anh chàng này sinh đẻ tại Mỹ, tốt nghiệp luật sư đại học danh tiếng Harvard, ăn nói lưu loát, sau này có thể có sự nghiệp lẫy lừng trong chính trường! Bên Mỹ, hai tổng thống Kennedy và Clinton, nghị sĩ Edwards, thống đốc Spitzer, cũng như anh, đều là luật sư, xuất thân từ trường danh tiếng; và cũng như anh bạn, rất… mê gái! Dĩ nhiên cũng có những luật sư Mỹ đắc cử nghị sĩ, rồi thân bại danh liệt  vì mê... trai. Nhưng đây là thành phần thiểu số, sau khi bị báo chí phanh phui ra “xì căng đan”, tên tuổi cùng chìm dần trong sự lãng quên của quần chúng.
Hài lòng với ý tưởng trên, tôi đứng dậy cáo từ đôi bạn trẻ.  Đan Hà cẩn thận tiễn tôi ra khỏi bàn. Còn anh bạn John thì xin số điện thoại di động dể tiện việc liên lạc trong thời gian tại Việt Nam.
Trong ký ức, tôi luôn nhớ tới Sài Gòn qua hình ảnh những con đường thênh thang với hàng cây cao bên ven tỏa bóng mát che nắng cho khách bộ hành. Những đêm hè nóng nực, đám con nít chúng tôi thường ra bắt ve sầu, bắt dế trên đường vắng.
Nhưng đó là chuyện nữa thế kỷ trước. Ngày nay, Thành Phố  Hồ Chí Minh bao gồm 19 quận, trên diện tích 2 ngàn cây số vuông, với dân số gần 10 triệu người. Thành Phố phát triển quá nhanh, nên môi trường đã bị ô nhiễm bởi phương tiện giao thông, các công trường xây dựng và công nghiệp sản xuất.
Mỗi năm, Thành Phố đón khoảng 3, 4 triệu khách du lịch quốc tế, nên các khách sạn, từ 1 sao tới 5 sao mọc như… sao trên trời. Thành Phố cũng không thiếu những thương xá lộng lẫy bày hàng sang trọng Louis Vuitton, Gucci, Cartier, v.v... Để đáp ứng nhu cầu người dân, các khu chung cư, từ bình dân cho tới cao cấp, cũng đã được xây cất khắp nơi.
Tôi thả bộ trên con đường Hai Bà Trưng, từ Quận Nhất xuống khu Tân Định. Vỉa hè nhỏ hẹp, nhiều khúc còn được dùng làm bãi giữ xe gắn máy, nên khách bộ hành cũng không có chỗ đặt chân bước. Đường hẹp, xe đông, các bác tài lại không triệt để tuân thủ luật giao thông, nên khi qua đường là một thử thách lớn cho người bộ hành. Dân điạ phương thường nói: “Ở các tỉnh khác, có thể quẹo phải khi đèn đỏ bật, riêng tại Sài Gòn, có đèn đỏ, quẹo trái luôn!”  Lời nhận xét rất đích xác!
Đi một quãng đường nữa, gặp một người đàn ông đang khoa chân múa tay trước một khách sạn 1 sao. Tôi dừng bước, tò mò bắt chuyện. Người đàn ông cho biết là nhân viên khách sạn, và đang đặt hàng với quán cà phê bên kia đường. Thấy tôi bỡ ngỡ, anh giải thích: “Qua đường khó khăn, dùng điện thoại thì tốn tiền, nên khi khách trong khách sạn sai đi mua cà phê, phải dùng tín hiệu báo cho nhân viên quán cà phê  bưng qua”. Tôi hỏi tín hiệu ra sao? Anh giơ một ngón tay lên nói: ”Một ngón tay là một ly cà phê đen, hai ngón là hai ly”. Rồi anh giơ chân lên, giảng tiếp: ”Cà phê đá!” Sau đó anh vừa giơ tay lẫn chân, vừa xoa ngực: ”Và đây là cà phê sữa đá!”
Sau khi chia tay anh chuyên viên tín hiệu khách sạn, tôi tiếp tục cuộc hành trình, đi ngang qua công viên Lê Văn Tám, rồi rẽ trái, bước về phía đường Pasteur. Đi được vài chục thước, nỗi mệt mỏi bỗng tiêu tán, khi khứu giác nhận được mùi nước dùng phở ngào ngạt… Tôi vội bước về phía tiệm.
Nhìn tô phở nóng hổi nghi ngút khói được người tiếp viên đặt trước mặt, tôi chợt nhớ tới John. Anh là người phương Tây, nên hay phân tích cặn kẽ mọi việc, kể cả việc ăn phở.
Tôi muốn theo gương anh bạn, lấy muỗng múc nước dùng đưa vô miệng, cố găng nhận nhị mùi vị thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế... Nhưng rồi chỉ thấy đầu lưỡi tê lại trong hương vị ngọt ngào của quá khứ.
Thuở còn cắp sách đi học, mỗi khi tan trường, tôi thường dừng chân bên những hàng phở gánh trên con đường về nhà. Sau một ngày mệt mỏi trong lớp, hay trên sân đá banh với đám bạn, không còn gì quyến rũ hơn là hương vị tô phở. Tiêu chuẩn vệ sinh hàng gánh yếu kém, nhưng thủa đó, chưa có cúm gà, cúm heo, nên cũng chẳng ai nề hà. Chỉ dừng lại bên hàng, ngửi mùi nước dùng không đã thấy ngọt ngào, thích thú rồi, và những lúc đó, tôi hằng mong mình chóng lớn, để có đủ tiền mua phở.
Rồi tôi rời tuổi vô tư của chuỗi ngày đá banh, đánh đáo để… biết yêu. Để hẹn hò bạn gái bên hàng phở gánh, để kiếm thấy những rung cảm mới mẻ trong vị nước dùng thơm ngọt, bên ly chanh muối, trong ly chanh đường mát lạnh…
Sau này, khi thật sự trở thành “người lớn”, mỗi lần nhấp muỗng nước dùng đầu tiên - dĩ nhiên trong những quán phở sạch sẽ và hoành tráng hơn xưa - thoảng theo mùi hồi, mùi quế, hương vị quá khứ luôn luôn bừng dậy trong lòng.
Hương xưa còn đó, nhưng cảnh vật thì không. Phải chăng cảnh cũ đã đổi thay, vì mình vắng mặt?
Thật ra, dù mình có mặt hay không đi nữa, cảnh vật cũng vẫn biến di.
Khái niệm về một vũ trụ thường hằng, tĩnh lặng của Newton đã thuộc về quá khứ: theo thuyết “Big Bang”, mọi sự vật đều biến đổi, và vũ trụ không ngừng giãn nở, như được mô tả qua những phương trình toán học của Alexander Friedman, George Lemaitre, và Edwin Hubble.
Vũ trụ luôn giãn nở, và những thành tố của vũ trụ - những hành tinh, tinh tú, những giải ngân hà, những nhóm thiên hà - cũng đều chuyển động, xoay quanh trục của mình và quay quanh các thiên thể khác, trong một điệu luân vũ bất tận….
Tô phở trước mặt tưởng như không chuyển động trong giây phút hiện tại? Điều đó sai. Nếu lấy mặt trời làm khung quy chiếu, tô phở đang cùng trái đất di chuyển với vận tốc 30 km mỗi giây. Nếu lấy giải Ngân Hà làm khung quy chiếu, tô phở, hàng phở, mặt trời và cả Thái Dương Hệ còn di chuyển nhanh hơn nữa, với vận tốc 230 km mỗi giây. Ngay cả giải Ngân Hà cũng đang chuyển động về hướng nhóm thiên hà Andromeda…
Trong ngành vật lý hiện đại, thông số “c.t” (với “c” là vận tốc ánh sáng [1] và “t” là thời gian) được coi như là một chiều đặc biệt thêm vào cho không gian ba chiều của ngành vật lý cổ điển, để tạo thành liên thể không gian-thời gian bốn chiều.
Chúng ta đang sống trong một liên thể không gian-thời gian bốn chiều.  Và không có thời gian và không gian nào bất biến cả.
Mọi thứ không giống xưa, cái gì cũng đã thay đổi. Và sẽ còn thay đổi...
Chú thích:
[1] C = 3 triệu mét mỗi giây, trong “chân không” (vacuum).
Hằng số “C” cũng được dùng  trong phương trình E= M.C2.
28/2/2011
Bùi Quang Đạt
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...