Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Bốn mùa bông súng nở

Bốn mùa bông súng nở

Những đêm heo hắt mưa bay, Lâm ngồi thẫn thờ, tấu những giai điệu nhớ thương mỏi mòn trên chiếc đàn piano cũ kĩ. Còn cô. Cô đang ở đâu? Ở đâu trong những chương trình quái quỷ, không bao giờ chịu buông tha cho tình yêu của Lâm trở về?
“Bốn mùa bông súng nở
Mùa nào riêng cho ta”
(viết tặng MT ngày cuối năm âm lịch 2007)
Khi đơn vị vô đồng vỡ đất trồng mía, Lâm tình cờ phát hiện ra người con gái út của bác Chín có giọng ca hết sức độc đáo. Mới mười lăm tuổi mà chất giọng của cô nghe đã đầy đặn, cứng cáp, âm vực rộng, hơi dài, lại có âm sắc là lạ, nghe như tiếng con tim cọ vào buồng phổi mà phát ra từ thẳm sâu trong lồng ngực. Là cây ghi ta số một của tiểu đoàn, Lâm nhanh chóng chinh phục được sự ngưỡng mộ của cô. Bao giờ cũng vậy, hễ anh có mặt ở cái lán của tổ chính trị, là y như rằng thể nào cô cũng tìm đến. Cô hát và Lâm đệm đàn. Lâm còn dạy cho cô bảy nốt đô, rê, mi… Lâm cũng chỉ cho cô biết thế nào là điệu thức, là âm ổn định, âm không ổn định. Lâm là ông thầy dạy nhạc tuyệt vời đầu tiên trong cuộc đời cô gái chân quê, chân lấm tay bùn, đầu tóc vàng chạch, khen khét mùi nắng đồng đưng.
Đến lúc được chuyển ngành về Ty văn hoá, Lâm lại lặn lội vô đồng, xin phép ông Chín cho cô con gái út ra thành học trường năng khiếu. Bấy giờ Út đã thành thiếu nữ, trổ giò ngời ngợi. Đôi mắt long lanh. Suối tóc óng ả. Làn da mịn mượt. Cô toát ra vẻ đẹp đồng quê trong từng dáng vóc, cử chỉ, trong từng lời ăn tiếng nói. Cô nghe theo lời Lâm, liệng bỏ cái tên nhà quê Út Mót, đổi ra cái tên hết sức dễ thương: Lan Phương.
Lan Phương ở nội trú trong trường, nhưng hầu như ngày nào cô cũng đến với Lâm. Chưa quen với lối sống thị thành, nên đối với cô, Lâm là chỗ dựa, mỗi khi cần đi đâu đó giao thiệp ngoài xã hội. Lâm cũng ở tập thể. Trong căn phòng nhỏ, ngoài cây ghi ta, còn có một cây piano cũ kĩ, ọp ẹp, mà một ông bầu sô đã cho không phòng nghiệp vụ của trường. Với hai cây đàn ấy, hàng đêm, Lâm vẫn ngồi rị mọ sáng tác, rồi tấu lên những giai điệu rất riêng của mình. Âm nhạc của Lâm không đẹp, nhưng cũng không đến nỗi xấu. Nó chỉ nhàng nhàng bậc trung trên sóng Đài phát thanh và truyền thanh của tỉnh. Vậy mà với Lan Phương, đó là cả một kho báu. Cô tập tất cả và thuộc tất cả. Cô véo von diễn xướng nó ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Lâm là thần tượng của cô. Còn cô chính là niềm cảm hứng vô tận của Lâm. Hai người có dịp đi giới thiệu ca khúc mới ở đâu, cũng chở nhau cọt kẹt bằng cái xe đạp đòn vông; cà rịch cà tang mà hạnh phúc. Nhiều đêm, cô ở lại với Lâm, ngồi im lặng nhìn anh sáng tác đến khuya. Và mỗi lần thức khuya như vậy, bao giờ cô cũng đốt bếp dầu, nấu cho Lâm khi thì tô cháo thịt, khi thì gói mì ăn liền có đập thêm một hột gà. Cả hai cùng ăn, và cùng cảm thấy cuộc đời sao mà đáng yêu và hạnh phúc biết nhường nào.
Suốt một năm trời, khi Lan Phương còn đeo đẳng những buổi học thanh nhạc mệt tới bã người, Lâm đã thai nghén và hoàn thành xong bản tình ca riêng của anh. Anh đặt cho nó cái tên rất khiêm nhường: “Bốn mùa bông súng nở". Với bài hát đó, Lan Phương đã vượt trội hơn hẳn đám bạn diễn, trong đêm báo cáo kết quả cuối khoá học. Khi giọng hát của Lan Phương vừa dứt, Lâm ngồi lặng đi. Quên bẵng cả ý định ban đầu là chạy lên tặng cho cô bông hồng đỏ, mà anh đã mua và bọc nó cẩn thận trong tấm giấy kiếng từ chiều.
Mãi tới khi Lan Phương bước xuống, trở lại ngồi bên Lâm, Lâm mới sực tỉnh.
- Em tuyệt thật! Chưa bao giờ anh nghe em hát hay như hôm nay!
Lan Phương có lẽ đang đắm chìm trong hạnh phúc, cô choàng cả hai tay lên vai anh, nói nhỏ trong niềm xúc động:
- Nhờ bài ca của anh đó! Ghét anh thấy mồ! Chọc ta hoài hà!
Kết thúc đêm diễn, đáng lẽ phải về nhà, Lâm lại chở cô đi vòng vòng thị xã. Đi mãi. Đi mãi. Rồi hai người đưa nhau ra ngoại ô. Họ đi dọc theo triền sông vắng, trên con đường đá gồ ghề, hê hủng những ổ gà, ổ chó. Một bên là cánh đồng khoáng đãng. Một bên là dòng sông trăng thơ mộng. Cặp theo mé nước lóc bóc tiếng sóng, là lập loè lửa đèn đom đóm, chạy dài ngút mắt màu xanh sáng lân tinh lành lạnh. Tới một quảng đất bằng phẳng, hai người dừng lại, ôm chầm lấy nhau ngây ngất. Cái xe đạp vứt hơ hỏng trong tiếng gió thầm thì bài tụng ca không dứt.
Sau cái đêm hiến dâng ngọt lịm sao trời trên đám cỏ đẫm sương, hai người đưa nhau ra phường làm thủ tục đăng ký kết hôn. Chỉ có vậy, cùng một bữa cơm nho nhỏ với mấy người bạn, mấy chai rượu nếp, ông Chín đem từ đồng đưng ra biếu. Họ vẫn sống trong căn phòng nhỏ của Lâm. Họ nấu cơm, nấu thức ăn trong những chiếc xoong nhôm nhỏ xíu. Họ vừa ăn những món ăn đạm bạc, vừa nhìn vào mắt nhau, vừa gắp cho nhau những miếng rau dưa thắm đượm ân tình. Hương vị nồng nàn của tình yêu chung thuỷ thấm đẫm trong từng câu nói.
Ban ngày Lan Phương làm việc ở Trung tâm Văn hoá, ban đêm cô đi hát ở dancing. Tiền cô kiếm được cũng kha khá so với bạn bè trang lứa, nên chỉ mới năm đầu, họ đã dành dụm mua được chiếc Honda50 màu lá mạ.
Ngồi sau xe, một lần cô nói với chồng:
- Năm nay em sanh cho anh thằng cu con nhen!
Với Lâm, đó là điều khát khao bỏng cháy. Trai cũng được. Gái cũng được. Con trai anh sẽ đặt tên nó là Thanh Lâm, con gái anh sẽ đặt tên nó là Tùng Lâm. Con trai sẽ học viết nhạc, con gái sẽ học hát nhạc. Còn gì hơn được nữa. Cuộc đời tuyệt diệu quá thôi!
Hàng đêm, khi ôm ấp Lan Phương trong vòng tay, Lâm vẫn thường xoa nhè nhẹ lên bụng vợ. Anh như cảm thấy dưới lớp da mềm mại, nóng ấm của nàng, một mầm sống đang nảy nở, chậm chậm mà mãnh liệt. Nhiều khi anh ấp vùi mặt mình lên bụng người vợ yêu dấu, nói thì thầm:
- Ôi, con của ta! Con sẽ giỏi hơn ba mẹ rất nhiều!
Khi biết chắc Lan Phương đã trễ kinh gần một tháng, Lâm lúc nào cũng ngây ngất, bồn chồn như người bay trên mây. Chiều nào làm việc xong, Lâm cũng tha thẩn lang thang ngoài chợ, dọ kĩ từng món đồ ăn, xem món nào ngon mà rẻ để mua. Đêm nào Lan Phương đi hát về khuya, Lâm cũng hì hụi nấu sẵn một món gì đó thật ngon. Thật ngon để vợ anh, con trai anh, con gái anh, được tận hưởng tình yêu săn sóc của anh. Nhưng đúng vào những ngày Lâm đang ngất ngây trong niềm hạnh phúc tột cùng chờ đợi ấy, Lâm đột ngột hay tin, tấm giấy tươi tắn của Bộ Văn hoá - Thông tin cấp cho tỉnh một suất du học thanh nhạc ở Hung, đã đậu nhẹ nhàng xuống bàn tay thon nhỏ của Lan Phương - điều mơ ước đến ghen tị lồng lên của cả Trung tâm văn hoá. Vì tương lai ngày mai đầy hứa hẹn, hai người sau nhiều đêm day dứt trở trăn, buồn vui lẫn lộn, đã đau đớn quyết định hy sinh giọt máu đang tượng hình mà họ hằng hy vọng.
Bốn năm biệt ly dài đằng đẵng. Bao nhiêu giấy, bao nhiêu mực, đã biến thành những lá thư thổn thức yêu thương, bay qua bay lại giữa hai phương trời xa vời vợi. Hôm Lan Phương hiện ra ở cửa máy bay, Lâm không còn nhận ra được nàng. Nàng đẹp rực rỡ. Đẹp mê hồn. Kiêu sa, kiều diễm như một đoá hồng nhung xứ tuyết. Nàng chạy ào xuống, sà vào anh, ôm chầm lấy anh, ôm chầm lấy anh mà hôn tới chóng mặt, tới ngộp thở. Dáng vẻ e lệ, rụt rè ngày xưa không còn nữa. Trời Tây đã biến đổi nàng tới tận cùng từng chân tơ kẻ tóc.
“Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao”. Đêm ân ái đầu tiên sau bốn năm trời biền biệt bóng chim tăm cá, vẫn ngọt lịm đê mê, như đêm dâng hiến thuở nào trên bãi cỏ đẫm sương, bên dòng sông trăng thơ mộng. Nàng hát vào tai Lâm những lời nhớ thương chung thuỷ ngọt ngào. Nàng hát vào tim Lâm những lời yêu thương cuồng nhiệt. Nàng đòi hỏi Lâm phải trút hết sinh lực cho nàng, vì nàng yêu Lâm biết mấy; yêu Lâm hơn tất cả tình yêu trên thế gian này cộng lại. Còn Lâm. Lâm chỉ bùng cháy một niềm khát khao mãnh liệt: nàng sẽ ban ơn, sanh hạ cho anh một đứa con. Con trai sẽ là Thanh Lâm. Con gái sẽ là Tùng Lâm.
Nhưng Lan Phương không có thời gian để sinh con. Như con chim hoạ mi, cô phải bay đi khắp mọi nẻo đường, để cất cao tiếng hót, để dâng hiến tài năng cho con người, cho cuộc sống. Tiếng hót hoạ mi lọt vào tai những nhạc sĩ và nghệ sĩ tên tuổi. Họ cảm nhận mau mắn tài năng của Lan Phương một cách dễ dàng. Họ tìm xuống, khẳng định với lãnh đạo địa phương, rằng Lan Phương bây giờ đã là người của công chúng, cô cần một chỗ đứng trong các đoàn nghệ thuật lớn của quốc gia. Cô sẽ là niềm tự hào của tất cả. Cô cần phải có biển khơi để dong cánh buồm ra năm châu bốn biển. Và một lần nữa, vì tương lai của ngày mai đầy hứa hẹn, Lâm đành đau đớn dứt bỏ hạnh phúc riêng của mình, chấp nhận cho Lan Phương lên Sài Gòn đô hội.
Sài Gòn mênh mông là chiến trường của nghệ thuật thật sự. Lan Phương như tên lính tuốt gươm trần trên lưng ngựa. Cô chiến đấu cho nghệ thuật với tất cả bầu máu nóng của mình. Cô liên tục xuất hiện trên làn sóng truyền hình, thu hút ngất ngây hàng triệu triệu người. Cô gây ra những cơn bão cuồng nhiệt tán dương ca tụng trong các rạp hát. Cô chinh phục mọi lứa tuổi, với những bài hát rực lửa, những khúc tình ca say đắm. Cô không còn một chút xíu thời gian để nhớ tới Lâm, thư từ cho Lâm. Lâu lâu xuất hiện ở quê hương một lần, cô phải sắp xếp kỹ lắm, mới có thể vội vã ghé thăm chồng vài tiếng. Chỉ vài tiếng nhoáng nhoàng, rồi lại phải ra đi. Cô và tài năng của cô đã thuộc về công chúng. Những ông bầu cần phải quản lý cô thật chặt. Cô không còn có dịp nào, cơ hội nào để hát nhạc của Lâm. Tất cả ca khúc cô trình diễn, đều đã được lên chương trình trước cả tháng, cả năm. Đến cả bản tình ca Bốn mùa bông súng nở, Lâm viết tặng cho cô, cô cũng không còn nhớ được một đoạn nào trọn vẹn. Cô gần như để mặc Lâm sống âm thầm như chiếc bóng.
Những đêm heo hắt mưa bay, Lâm ngồi thẫn thờ, tấu những giai điệu nhớ thương mỏi mòn trên chiếc đàn piano cũ kỹ. Còn cô. Cô đang ở đâu? Ở đâu trong những chương trình quái quỷ, không bao giờ chịu buông tha cho tình yêu của Lâm trở về? Nhớ vợ, Lâm chỉ còn biết cách lôi những tấm hình phóng lớn của Lan Phương trên bìa các báo và tạp chí, lặng lẽ chiêm ngắm, lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt rơi vào khuông nhạc. Những giọt nước mắt rơi xuống cây đàn. Rơi cả vào những tấm hình của Lan Phương. Lâm ngỡ như Lan Phương cũng đang khóc cùng anh.
Nhưng Lan Phương không khóc. Nàng là con chim hoạ mi. Nàng phải cất cao tiếng hót cho mọi người. Nàng từng là bông hoa súng đồng đưng. Nàng phải nở suốt cả bốn mùa. Nở và nở. Đi và đi. Ôi loài hoa vừa đi vừa nở. Nay thì đã phải bay lên. Bay lên với đỉnh cao nghệ thuật của cuộc đời này. Lan Phương đã nở tung từng cánh đẹp. Nàng đã bay, đang bay, và sẽ còn bay cao ngời ngợi. Thành phố và nghệ thuật, nghệ thuật và thành phố, cả hai đều có sức hấp dẫn riêng của nó. Lạc vào giữa mê hồn trận, Lan Phương bị vây bủa tứ bề. Xung quanh nàng là những tài năng tên tuổi. Họ đòi hỏi. Họ ngợi ca. Họ ràng buộc. Họ khe khắt tới lạnh lùng với công việc. Họ thắt chặt Lan Phương vào cuộc đời của họ, công việc của họ. Lan Phương vừa là nữ hoàng, vừa là tù binh của họ. Từng ngày. Từng ngày. Quay cuồng trong vòng quay hái ra tiền của nghệ thuật, Lan Phương đã đích thực là Lan Phương, không còn chút bóng dáng nào của đồng đưng, đồng nước nổi, không còn chút bóng dáng nào của áo bà ba và chiếc xuồng ba lá năm xưa. Không còn là cô Út Mót dịu dàng như bông súng ngày xưa.
Đã nhiều lần Lâm xin nghỉ việc tìm lên thành phố, nhưng ít khi anh gặp được nàng. Cả lần này cũng vậy. Ngôi nhà của nàng cửa khoá trái im lìm. Cái ống khoá to như nắm đấm, lừ lừ nện vào mắt Lâm một cú nhìn lạnh ngắt. Lâm nhìn nó chua chát, khổ đau. Làm sao Lâm có thể bỏ quê xứ mà lên với nàng, mà cột chặt đời mình trong ngôi nhà lạnh lùng, vô công rỗi việc. Thành phố rộng lớn và phù hoa là chiến trường của nàng. Còn với Lâm, nó hoàn toàn xa lạ. Tài năng của anh không đủ sức neo đậu ở đây. Tài năng của anh chỉ có thể lớn lên cùng mùi bùn đất quê nhà. Bốn mùa bông súng nở, nhưng mùa nào nó nở cho anh!? Nàng đang hát ở rạp. Những tấm pano sáng trưng đã nói lên điều đó. Anh tìm đến trước cửa rạp, ngồi lặng lẽ nhâm nhi từng giọt đắng cà phê trên hè phố. Những làn khói thuốc bay lên nhoà nhạt. Thấp thoáng gương mặt Lan Phương, thời cô còn là Út Mót, hay tựa hẳn cái đầu khét nắng vào vai anh nhỏ nhẹ: “Vui thiệt ha anh? Bài hát mà cũng có màu sáng màu tối. Âm nhạc mà cũng có đảo phách nghịch phách. Út chỉ biết ca vọng cổ theo nhịp song loan của ngoại. Giờ Út mới được ca với đàn ghi ta của anh. Anh dạy cho Út thiệt nhiều bài ca nhen!”. Vậy mà giờ đây… Bao nhiêu yêu thương đã dần xa vời vợi. Út bây giờ là Lan Phương. Một ngôi sao cao tít trên vòm trời xa xanh thăm thẳm. Út bây giờ đã là một ngôi sao lạ lắm. Không còn là bông súng của ngày nào.
Lối gần mười giờ, Lâm bàng hoàng nhìn thấy Út xuất hiện, cùng một người đàn ông chỉn chu trong comple, cà vạt. Gương mặt cả hai đều tươi tắn và ngời ngời thoả mãn. Út mặc xoa rê tím sậm, khoác chiếc áo choàng ngắn màu cánh sen, ôm một bó hoa tuy líp đỏ thắm, cười rạng rỡ. Có lẽ Út vừa xong suất diễn. Lâm đã dợm bước đứng dậy, nhưng chợt nhìn thấy một chiếc Mercedes màu đen trờ tới, đỗ xịch trước bậc tam cấp. Người tài xế lẹ làng mở cửa sau. Út và người đàn ông xa lạ chui tọt ngay vào đó. Chiếc xe lừ lừ trôi về phía trước. Có lẽ họ còn một suất diễn ở đâu đó, trong vô vàn những tụ điểm, những dissco club, trong cái thành phố rộng lớn, chuyên thức trắng đêm này. Mà cũng có thể… Lâm thấy đắng chát nghẹn ngào, khẽ nấc lên một tiếng vô vọng.
Vẫy chiếc xích lô bên đường, Lâm nói anh ta chạy đảo ngang qua ngôi nhà của Lan Phương. Ngôi nhà vẫn khoá trái cửa im ỉm. Cái ống khoá to như nắm đấm, vẫn lừ lừ nện vào mắt Lâm cú nhìn lạnh ngắt.
Trở về miền Tây, Lâm lôi chiếc xe đạp đòn vông ngày xưa ra, đạp vòng vòng thị xã. Anh lặp lại i xì lộ trình đêm Lan Phương đăng quang với Bốn mùa bông súng nở. Rồi anh đi dọc theo triền sông, tìm dến đúng chỗ ngày xưa hai người đã dâng hiến trọn vẹn mối tình ngọt lịm cho nhau. Lâm đã định ngồi xuống, nhưng khi rờ tay thấy sương đêm ướt nhớp nháp trên vạt cỏ, anh lại thôi.
Cây đàn piano cũ kỹ rên rĩ cùng anh một giai điệu thổn thức tới trắng đêm.
Khi vầng mặt trời xuất hiện, một tia nắng hồng hào lọt qua khe cửa, rọi đúng vào dòng chữ ghi đậm nét nhất, trên trang giấy kẻ nhạc, lấm tấm những giọt nước mắt đã làm hoen nhòe dòng chữ: MẾN TẶNG LAN PHƯƠNG!.
Vĩnh Long, 9/1/2008
Hồ Tĩnh Tâm
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...