Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Giọt lệ giữa không trung

Giọt lệ giữa không trung

Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
Có nhiều quá không nước mắt khi nhà thơ Xuân Diệu viết câu thơ trên? Có phân định rạch ròi quá không trái đất? Viết như vậy có phù hợp không cuộc đời?
Thơ là tâm trạng. Câu thơ, bài thơ được viết ra từ một tâm trạng, từ một cảm hứng trong một thời điểm, thời gian cụ thể của thi nhân, thổ lộ một khoảnh khắc nỗi lòng hay triền miền nỗi lòng về mình hay về những gì mà nhà thơ cảm nhận từ đời. Người yêu thơ lại cảm nhận, yêu thích, thuộc câu thơ từ tâm hồn mình hay từ “những điều trông thấy”, những điều ngẫm ngợi trong cuộc đời mà mình đang sống. Mà nước mắt hay nói theo kiểu thi ca thì cái “ giọt lệ giữa không trung” này ai chẳng sẵn, chẳng nhiều. Người ta khóc nhiều lúc. Khóc khi buồn, khi khổ, khi cùng quẫn, khi bất lực. Khóc khi đau, khi ngã. Khóc khi vui, khi sướng. Khóc khi chia tay. Khóc khi gặp gỡ. Thương vay khóc mướn…Và như vậy nước mắt cũng rơi nhiều cảnh ngộ, nước mắt cũng rơi nhiều sắc thái khác nhau. Nước mắt chảy ràn rụa. Nước mắt rơi lã chã. Ngấn trong nước mắt. Và cả những giọt mắt đời không trông thấy. Nuốt nước mắt. Nước mắt chảy trong lòng. Nước mắt cá sấu. Người ta khóc từ khi ấu thơ tới khi trắng tóc, tới cả lúc nhắm mắt xuôi tay nước mắt cũng lặng lẽ chảy dài. Nhà thơ lại hay “khéo dư nước mắt”, lại hay “ buồn không hiểu vì sao tôi buồn” nên những câu thơ về nước mắt cũng nhiều và những giọt mắt rơi trong thơ chẳng những như đời mà còn thấm sâu, thấm ướt vào những trái tim đời.
Cũng nôm na như cách gọi ở đời, hai chữ nước mắt đi vào thơ tự nhiên như những gì ta gặp gỡ. Một  người lính trấn thủ lưu đồn xưa trong ca dao “ Tùng tùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”. Cả bài ca không nói gì về cuộc sống mà con người phải chịu đựng, chỉ miêu tả trang phục, hình dáng của người lính. Vậy mà chỉ một câu kết, một so sánh về nước mắt đã ngầm nói lên tất cả những gì khổ cực mà con người sẽ phải chịu đựng, sẽ phải trải qua. Và sâu hơn cả, đau đớn hơn cả là tâm thế của con người đang đi đến. Hai chữ nước mắt ở câu cuối mà như dội vào cả bài ca dao.
Cũng nước mắt, cũng nhiều nước mắt, trong bài thơ Lời kỹ nữ, nhà thơ Xuân Diệu đã diễn tả “Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt/ Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi”. Một chữ vỡ cụ thể có thể trông thấy, sờ mó được đã được dùng ở đây để diễn tả sự tan nát của cõi lòng. Diễn xuôi đi là nước mắt quá nhiều, nguời kỹ nữ đã khóc òa ra, vỡ ra làm nghẹn ngào, làm nức nở, làm lời than cũng như vỡ ra,tan nát. Ôi nước mắt! Còn gì đau hơn lúc này là nước mắt. Có thể làm gì được hơn sau những cuộc yêu đương là khóc cho sự cô đơn, cho cái vỡ nát của đời mình, của cõi lòng mình “ Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi/ Du khách đi/ Du khách đã đi rồi”. Nàng không phải chỉ khóc cho mình, nhà thơ không phải chỉ khóc cho riêng nàng, bài thơ của Xuân Diệu đã khóc cho kiếp người của bao năm tháng, khóc dùm ta một nỗi cảm thương .
Trong văn chương, các nhà thơ còn hay dùng từ lệ thay cho nước mắt. Chữ lệ đẹp, gợi hình, gợi cảm, kiểu cách hơn. Một nàng Kiều đa cảm“ Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” trong tiết Thanh minh, đã mở màn cho cuộc đời lưu lạc của mình bằng việc phải bán mình vì chữ hiếu, đã khóc cho chính số mệnh của mình
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
Người con gái đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” thì nước mắt là lệ hoa cũng thật đẹp. Nhưng bước đi thì chậm, nhích từng bước chậm, mà nước mắt thì chan chứa, thì thật là đau đớn, xót thương. Cũng diễn tả cái nhiều mà trong câu Kiều của Nguyễn Du lại khác. Số lượng mấy trong đời chỉ là nhóm nhỏ. Còn trong thơ làm sao hết được mấy hàng lệ hoa rơi. Trong Truyện Kiều có bao câu về nước mắt, về lệ rơi. Và cũng có bao câu không nhắc đến chữ nước mắt, chữ lệ mà thấm đầy lệ ướt. Bao lần Nguyễn Du đã thốt lên Thương thay, Xót thay, Tiếc thay, Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Cũng không còn là nước mắt cho một cô Kiều nữa. Rồi một câu thơ Nguyễn Khuyến với“  hai hàng chứa chan”, một Xuân Diệu với câu thơ “Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” và “Mắt không ướt nhưng bao hàng lệ nhỏ” cũng diễn tả cái khóc như không kìm nén được ấy. Hàng ở đây là dòng nước mắt chảy, chảy dài như không hề ngừng lại. Số lượng như vô định dù là hai hay là bao, là ngàn. Nước mắt sao nhiều thế. Nó đâu dừng trong câu thơ, ở đời thơ. Nước mắt cho đời. Câu thơ để lại với đời. Chữ lệ còn hay gắn với chữ giọt. Giọt lệ tròn trĩnh hơn và hình như có trọng lượng hơn
Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan
Câu thơ khép lại bài thơ Khóc Dương Khuê của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Như nhan đề, cả bài thơ là khóc bạn, là có nước mắt âm thầm chảy trong từng câu chữ. Bài thơ cảm động vì tiếng khóc chân tình. Nhưng cái tuổi già không cho phép người ta nhiều điều kể cả nước mắt. Cái “ giọt lệ như sương” ấy dường như nén lại sau bao sửng sốt đến bàng hoàng, đến chẳng muốn tin, đến vô lý. Và như vậy lại càng thêm đau xót. Bởi cái lẽ sinh tử ở đời ai mà biết được và ai mà không hiểu. Vậy mà với nhà thơ, người bạn ra đi như còn lẽ khác “Ai chẳng biết chán đời là phải/ vội vàng chi bác mải lên tiên”. Bài thơ đâu chỉ còn là nước mắt khóc bạn.
Mỗi nhà thơ một cách viết, một lời thơ diễn tả khác nhau dẫu vẫn chỉ là khóc cho mình, khóc cho người, cho nhân tình thế thái trong đời. “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu”, người rơi nước mắt, thi nhân buồn cô đơn khiến cho thời gian, không gian, cảnh sắc cũng hòa đồng, ướt lệ. Trong thơ Vũ Hoàng Chương “ Đêm rớt lệ trăng ôm niềm tóc bạc” và cả đến hoa kia cũng “ Trắng phau muôn giọt lệ hương trà”. Đêm hay người, hương hoa hay tình người rớt lệ. Thơ bàng bạc, phảng phất nỗi niềm. Trong thơ Hàn Mặc Tử, đau đớn quá, nhà thơ đã kêu lên “ Sao bông phượng nở trong máu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu”. Xuân Diệu cũng đã viết “ Máu của linh hồn là nước mắt/ Còn rơi biết đến thủơ nào thôi”. Máu và nước mắt. Cụ thể và không cụ thể. Liên tưởng và định nghĩa. Những câu thơ mang nước mắt thi nhân buồn vậy, đau xé lòng vậy cứ còn mãi còn mãi với những nỗi đau đời. Nhà thơ là như vậy đó. Có những lúc tưỏng “vui mà đau đớn mà rơi lệ/ Ngọc đá thành tro ai biết không?” khi Vũ Hoàng Chương viết về cố đô Thăng long. Nước mắt đâu còn là của riêng ai nữa. Có những lúc “ Cười là tiếng khóc khô không lệ/ Người ta cười trong lúc quá chua cay”. Đời là thế và thơ cũng phải là như thế. Câu thơ của Xuân Diệu cho một định nghĩa ngậm ngùi, chua chát quá, nhưng có những khi thật là hợp lẽ với cảnh ta, cảnh đời. Cái lệ khô không nhìn thấy, cái “ bao hàng lệ/ Len tỉ tê thấm trộn quay vào” biểu hiện của nỗi niềm đớn đau, nén chịu quá lớn.             
Nhà thơ Trúc Thông lại có tiếng khóc riêng, giọt lệ kiểu riêng của mình
Về thương lại bến  sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Làm sao nhỉ, sao có thể để dành được giọt lệ cuối bởi biết giọt nào là cuối. Sự đời cứ vơi lại đầy. Tình người cứ lạnh lại ấm. Nhưng nhà thơ biết. Chỉ có thơ là biết. Và vì thế mà có nhà thơ, có câu thơ hay để lại cho đời. Những câu thơ viết về nước mắt bao đời đều có. Bởi lẽ thơ vui dẫu có thì thơ buồn, thơ nhớ vẫn có nhiều. Sự cô đơn và những nỗi sầu thiên cổ vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Cái giọt mắt làm ta ái ngại, làm nặng trĩu lòng ta  
Đừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm
Nước mắt thi nhân rỏ trong những trang thơ. Nước mắt của tình nhân nặng lòng thi sĩ. Cái nước mắt dễ chảy khi chia tay, trong thơ Đồng Đức Bốn day dứt lòng ta, buông trong lòng ta, như cũng muốn kéo chìm lòng ta khi nghĩ về ai đó.
Thơ là vậy. Nhà thơ là như vậy. Chỉ nước mắt thôi, nước mắt buồn đau vào thơ lung linh, có hồn có cảm. Có gì đó vô lý trong đời mà nhà thơ vẫn cảm và ta vẫn nhận. Những câu thơ có nước mắt đọc nó ta bùi ngùi, thậm chí thầm rơi nước mắt. Nhưng nó là đời, là một mặt không thiếu được của đời. Hãy khóc đi khi cần phải khóc. Nước mắt làm nhẹ buồn đau, sầu tủi. Ta hình dung thế nào đây nếu trái đất không có nước mắt. Ta sẽ sống sao đây nếu đời không có nước mắt. Trong hành trang của mỗi chúng ta khi cất tiếng khóc chào đời tới khi từ giã cõi đời này tích tụ dần dần những giọt mắt, mang theo nước mắt. Và nếu như có thế giới bên kia, quả nhiên có thế giới bên kiachắc vẫn cần nước mắt.
Là giọt lệ thời gian đầy trong hốc nhỏ
Ta khóc cho mình đời khóc cho ai
Là giọt lệ thời gian tẩm ướp đêm dài
Có có không không vô cùng vô nghĩa.
18/5/2007
Bùi Kim Anh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...