Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Huyền thoại hoa nhã my

Huyền thoại hoa nhã my

Trằn trọc mãi tôi không tài nào ngủ được. Trở mình hết bên nọ lại bên kia mà đôi mắt tôi vẫn cứ chong chong. Ánh trăng luồn qua khe cửa chiếu vào chỗ nằm khiến cho tôi càng nôn nao bứt dứt. Giữa mùa mưa cao nguyên sao lại có đêm trăng đẹp đến thế?
Nhìn qua cửa sổ, trăng mười sáu vằng vặc giữa trời. Ánh trăng như dát vàng dát bạc xuống khắp rừng cao su, nhễ nhại trên tán lá cây kơ nia đầu hồi nhà Tuấn, chảy vào tận đây, chỗ tôi nằm. Bao tháng ngày quen với ánh điện phố phường, đêm nay bỗng dưng òa ra một đêm trăng như thế bảo sao tôi ngủ được? Hơn nữa, câu chuyện ban sáng, loài hoa lạ tôi gặp ban sáng lúc ở thác Phú Cường lại cứ ám ảnh tôi, nhiều lúc khiến tôi sởn da gà. Không thể chịu được nữa, tôi lay Tuấn:
– Này, dậy với tớ đi!
– Dậy làm gì? Anh không ngủ được à?
Tuấn dụi mắt. Tôi khẽ khàng thở dài:
– Không. Lạ lắm. Cứ chợp mắt là hình như có người lay gọi dậy.
– Anh mê ngủ thế nào chứ? Chắc tại hôm nay đi thác mệt quá mà. Thôi, nằm lại đi, đếm từ một đến một trăm khắc ngủ được.
Tuấn nhẹ nhàng khuyên tôi.
– Đếm rồi. Hơn một ngàn rồi mà vẫn không ngủ được.
Tôi chỉ ra ngoài:
– Chú nhìn xem, trăng đẹp thế kia cơ mà. Cứ lơ mơ là tớ lại thấy có một cô gái như tiên sa, bước ra từ rừng cao su, cầm một nhánh hoa nhã my chạy đến ôm tớ. Cô ấy khóc. Thật đấy. Chú bảo thế tớ làm sao mà ngủ được?
– Anh khéo tưởng tượng quá. Làm sao có chuyện ấy được.
– Thật mà – Tôi khẳng định – Này, cái chuyện hoa nhã my chú kể ban sáng có thật không mà ám ảnh tớ mãi thế?
– Thì em cũng nghe đồng bào ở đây truyền kể lại thế, em kể lại cho anh, thế thôi. Chẳng tin, mai hai anh em mình trở lại Phú Cường, vào bản gặp già làng khắc rõ.
– Thôi. Không mai nữa. Dậy đi với tớ, tìm gặp ông ấy luôn.
Tôi nhỏm người dậy sốt sắng. Tuấn giương mắt, tỉnh ngủ nhìn tôi ngạc nhiên:
– Đi giữa đêm khuya này?
Tôi gật đầu:
– Chú xem, trăng thế kia mà ngủ được sao? Dậy! Đi với tớ! Giữa đêm khuya tĩnh lặng, bát ngát trăng, giữa rì rầm tiếng thác mà nghe kể chuyện huyền thoại về một loài hoa thì còn gì bằng.
Chẳng ngờ tôi kích đúng cái máu lãng mạn trong con người Tuấn khiến cậu ta tỉnh như sáo. Tuấn dậy, khẽ khàng khép cửa cùng tôi vào làng.
Cái anh chàng này là thế, máu phiêu du ngấm từ bé. Chả vậy mà đang công nhân quốc phòng, công việc đang ổn định ngoài bắc, bỗng dưng có mươi phút bỏ lại tất cả để vô đây. Từ trai bắc, nói giọng bắc, hơn chục năm qua, Tuấn đã trở thành người cao nguyên thứ thiệt, nói giọng nam khiến người thân cũng ngỡ ngàng. Từ công nhân cao su, Tuấn học bổ túc làm giáo viên cắm bản. Yêu thích văn chương, ham tìm hiểu khám phá, Tuấn đã  sưu tầm được nhiều câu chuyện dân gian ở đây, ghi chép nó lại và sáng tác được một số tản văn, bài thơ tâm đắc. Mấy ngày rong ruổi cùng Tuấn tôi mới thấy mảnh đất này đủ lý do để anh dừng chân. Chỉ nguyên cái đêm trăng hoang sơ nguyên thủy này đã làm tôi mê mẩn rồi huống gì Tuấn, cái máu nghệ sỹ ấy, cả tháng, cả năm hưởng khí trời, lộc đất, gió cao nguyên như thế dễ nào mà hắn bỏ đi được.
Hai chúng tôi đi bộ dưới ánh trăng. Đêm cao nguyên mát rượi. Gió lồng lộng phóng túng. Trời cao vằng vặc trăng. Sau khi tôi trình bày mong muốn của mình, quả đúng như tôi nhận định, già làng đồng ý liền. Ba chúng tôi đi bộ tiếp ra thác Phú Cường.
Từ xa đã nghe tiếng thác đổ. Lúc đầu là rì rầm, thủ thỉ, càng đến gần tiếng thác càng sục sôi, gầm réo. Ánh trăng chiếu vào ngọn thác trông như một bờm con ngựa bạch không lồ đang tung vó trên cao nguyên. Già làng kéo hai chúng tôi ngồi xuống trên một mỏm đất cao. Từ đây, chúng tôi vừa nhìn rõ ngọn thác, tiếng thác vừa đủ làm nền cho câu chuyện mà ông sắp kể.
Ngày xửa ngày xưa, nơi đây hoang sơ lắm. Rừng rú rậm rịt. Hổ beo, chim muông đầy đàn. Cây cối tốt tươi. Trăm hoa đua nở. Chim véo von hót. Buôn làng ít người lắm. Chủ yếu sống bằng săn bắt, hái lượm. Cuộc sống tưởng thanh bình, ấy vậy mà một năm nọ, xuất hiện một loài thú dữ thường xuyên về quậy phá buôn làng. Những con vật kỳ quái khiến voi, hổ cũng phải kiêng nể. Con đầu đàn xưng là chúa tể rừng xanh. Không chỉ tàn phá hoa màu, cướp bóc của cải, nó còn bắt dân làng hàng tháng phải cống nộp cho nó một cô gái đẹp.  Đến nỗi, một năm nọ, làng không còn cô gái nào nữa. Thì mỗi tháng cứ nộp một cô như thế làm sao mà đủ gái cho nó được?
Không biết trời xui đất khiến thế nào, hôm đó có một cô gái từ trong phía nam lạc về đây. Nàng đẹp lắm. Suối tóc nàng như mây. Da nàng trắng như nước. Đôi mắt nàng ngơ ngác giữa rừng xanh. Dân làng thấy cô cũng sững sờ. Con cái nhà ai, đi đâu mà lạc đến nơi khỉ ho cò gáy này? Già làng hỏi, nàng chỉ cười. Nàng cười làm bừng lên tiếng chim rừng. Chúng đua nhau hót râm ran. Lũ công, phượng xòe đuôi, nhún nhấy múa. Suối róc rách hòa ca. Nắng lung linh qua kẽ lá. Hoa rừng đua nhau tỏa hương thơm ngát. Lũ trai làng tròn mắt ngạc nhiên ngắm nàng. Các cụ già cũng ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của nàng.
Đúng lúc đang cảnh thần tiên ấy thì tin sét đánh đến. Chúa tể rừng xanh yêu cầu dân làng đúng rằm tới phải nộp cô gái theo đã định. Lấy đâu ra con gái đồng trinh mười sáu tuổi nữa? Các nhà trong làng đều không còn cô gái nào hết. Cứ cập kê là nó chuẩn bị bắt đi. Bây giờ toàn con nít, trẻ nhỏ. Chợt như cùng một lúc, hầu như tất cả mọi người trong làng đều nghĩ tới nàng. Rồi cũng trong khoảnh khắc ấy, đồng loạt một ý nghĩ chạy trong đầu mọi người. Và họ cùng lắc đầu đồng loạt: Không được! Không thể được! Giữa rừng, nàng vẫn ngây thơ hái hoa, ngắm cảnh. Chim vẫn hót véo von và suối vẫn chảy róc rách.
Chỉ còn một tuần nữa là đến hạn nộp mạng cô gái cho chúa tể rừng xanh. Cả làng chìm trong nỗi sợ hãi. Nếu không có người con gái nào nộp cho nó thì nó sẽ phá tan làng, giết hết người già trẻ con, đốt sạch của cải, nhà cửa. Những cặp mắt buồn bã nhìn nhau. Cái lo sợ hiện lên trên từng khuôn mặt. Cô gái lạc bước kia vẫn hồn nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Mọi người lo thay cho nàng. Đúng đêm rằm, nếu không thấy cô gái nào đến nộp mạng thì đích thân chúa tể rừng xanh sẽ đến làng. Nếu vậy thì cô gái kia, dù dân làng có muốn hay không cũng sẽ phải thế mạng. Bóng ma u ám trùm khắp núi rừng.
Đang lúc gay cấn như vậy, một hôm, có một đoàn ngựa chiến phi đến làng. Dẫn đầu là một chàng trai tuấn tú, khôi ngô. Vó ngựa tung bụi mù mịt cao nguyên. Mọi người ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của họ. Hỏi ra mới biết đó là đoàn chiến binh của nhà vua do một hoàng tử dẫn đầu vào để dẹp lũ yêu quái nọ. Cả làng thở phào mừng rỡ. Vị cứu tinh của ta đây rồi! Lũ làng ơi! Sống rồi! Giàng ơi! Sống rồi! Mọi người ai nấy đều reo lên hoan hỉ.
Trai làng dùng dáo mác, gậy gộc, nỏ tên kéo cùng đoàn quân cưỡi voi tiến vào rừng xanh. Quân reo dậy đất. Bụi cuốn mù trời. Sáng rằm năm đó, trong khi chúa tể rừng xanh đang hí hửng chờ tối để nhận lễ vật là cô gái thì đùng đùng ngoài cửa hang là voi gầm, ngựa hí, là người reo, mõ kêu… Quái vật ba đầu sáu tay nghênh ngang bước ra cửa hang. Lúc này, hoàng tử hùng dũng tiến lên phía trước giáp mặt nó. Hai bên lao vào trận đấu. Tiếng hò reo vang trời. Cây cối ngả nghiêng gió cuốn.
Đánh nhau đến trưa thì hoàng tử đã chặt được hai đầu, năm tay của con quái vật. Còn một đầu một tay, nó điên tiết lao lên quật đổ cây cối hai bên. Đuôi nó quẫy rạp cỏ cây, nát đất cả một vùng rộng lớn. Hoàng tử khéo léo dẫn dụ nó đến đoạn suối Ia Pet rồi thừa cơ lúc nó trượt chân, hoàng tử vung kiếm chém đứt nốt cái đầu và cái tay còn lại của con quái vật. Con chúa bị giết, lũ quái vật con bị các chiến binh và trai làng đánh cho tơi tả, chết gần hết. Núi rừng trở lại yên tĩnh. Dân làng từ chỗ ngỡ ngàng chưa tin nổi vào mắt mình chiến thắng kỳ diệu đó đến chỗ cùng hò reo, cùng chạy tới công kênh hoàng tử. Thế là từ nay, làng sẽ có một cuộc sống thanh bình. Núi rừng từ nay mãi mãi xanh tươi.
Dẹp xong quỷ dữ, các chiến binh được hoàng tử cho về quê làm ăn sinh sống. Riêng hoàng tử từ lúc gặp nàng (khi đó, nàng đã được một gia đình người BaNa không có con nhận về nuôi) đã xao động không còn thiết gì nữa. Rũ bỏ gươm giáo, cân đai mũ mão, chàng tìm đến nhà nàng. Từ đó, những buổi tình tự với nhau bên suối cứ nhiều lên. Và tình yêu của họ nảy nở đẹp như hoa rừng, nước suối. Dân làng ai cũng mừng cho cặp trai tài gái sắc.
Cho đến một ngày chàng nhận được tin gấp của vua cha. Chàng phải về bắc để đưa quân đi trấn ải biên cương. Quân lệnh như sơn, hơn nữa, chàng là hoàng tử phải vâng lệnh vua cha. Bên bờ suối Ia Pét, nàng lưu luyến tiễn chàng về nhận nhiệm vụ. Họ thề non hẹn biển sẽ kết tóc se duyên nên vợ thành chồng ngay sau khi chàng dẹp xong giặc nước.
Một năm, hai năm rồi ba năm… nàng chờ chàng đằng đẵng. Chàng biệt vô âm tín. Ngày nào, nàng cũng ra bờ suối đoạn mà chàng và nàng hay tình tự để soi gương và tìm lại những kỷ niệm với chàng nhất là những đêm trăng sáng. Dân làng ai cũng cảm thương cho nàng. Một số trai làng đánh tiếng là muốn thế chân hoàng tử đem lại hạnh phúc cho nàng. Nàng đều kiên quyết từ chối, một lòng một dạ chờ chàng. Cho đến năm cả hai bố mẹ nuôi của nàng mất thì nàng suy sụp hẳn. Mọi người nhớ mãi cái đêm rằm năm đó, sau khi cùng dân làng chôn cất bố mẹ nuôi xong, nàng ra bờ suối ngửa mặt nhìn trăng, trông về phương bắc và khóc. Nàng khóc ròng rã như thế cả tháng trời. Ai khuyên bảo gì nàng cũng không nghe. Đến rằm tới thì giông gió nổi lên, sấm chớp đùng đùng, mưa tuôn dữ dội. Giữa đêm, một tiếng sét lớn nổ vang khiến cả làng kinh động. Sáng ra, mọi người đều không tin nổi ở mắt mình, đoạn suối mà nàng ngồi đã sụt lở biến thành một con thác tuôn nước ầm ầm trắng xóa. Không ai thấy nàng đâu nữa. Mọi người nhìn nhau. Già làng thở dài. Nước mắt của nàng đã làm cho con suối Ia Pét từ chỗ nhỏ bé đã rộng lớn hơn và trở thành con thác này đây. Và rồi, sau đó ít ngày, hai bên vách thác mọc ra một loài hoa kỳ lạ chưa ai thấy bao giờ.
Lại nói về hoàng tử, sau khi chia tay nàng, chàng lao vào cuộc chiến hết năm này qua năm khác. Chinh chiến liên miên, hình ảnh về nàng vẫn đau đáu trong tim chàng. Cái kỷ vật là một chạc ba cành kơnia có hình dáng như chiếc chìa khóa, như lá bùa hộ mệnh nàng trao lúc chia tay, chàng luôn để trong túi ngực, phía sau làn áo giáp. Chính nhờ cái bùa hộ mệnh ấy mà chàng liên tục giành chiến thắng trong các cuộc giao tranh. Khi dẹp tan hết giặc, chàng xin phép vua cha trở lại tìm nàng. Cha chàng đồng ý. Chàng liền một mình một ngựa vượt hàng vạn dặm trở lại chốn xưa.
Dân làng toàn người mới, chẳng ai quen biết. Lớp cũ không còn. Lớp trẻ lớn lên chẳng ai biết chàng là ai. Ngôi nhà xưa bên suối của nàng cũng chẳng còn. Chàng gọi nàng trong vô vọng. Cả người và ngựa mệt nhoài sau chặng đường dài hàng tháng trời. Tìm đến chốn cũ, nơi chàng và nàng thường hò hẹn thì hỡi ôi, trước mắt chàng là con thác đang gầm réo. Mỏi gối, chồn chân cả người và ngựa lững thững xuống thác. Chàng cứ thế quẩn quanh thác hàng tháng trời chờ đợi nàng. Có đêm, mệt quá chàng ôm gối gục xuống, thiếp đi lúc nào không biết. Và rồi, trong mơ, chàng chợt thấy ông bụt hiện lên mỉm cười nói với chàng: “Người mà con yêu đang ở bên con đấy!”. Chàng choàng tỉnh ngơ ngác. Nhìn ra xung quanh chẳng thấy gì hết. Chỉ có những đóa hoa lạ, màu tím biếc đang lấp lóa dưới trăng.
Cũng chính lúc này, những đóa hoa lạ ấy dù ở xa vẫn cứ cố vươn về phía chàng. Những tiếng kêu chẳng thành lời âm âm u u vọng lại: “Chàng ơi! Em đây! Em của chàng đây! Hãy đến với em chàng hỡi!”. Không ai nghe được tiếng gọi thảm thiết đó. Chỉ có tiếng thác ầm ầm đáp lại. Chỉ có tiếng gió ù ù thổi lại. Chỉ có ánh trăng luênh loang trong sương. Chỉ có sương mây giăng mờ mờ ảo ảo…
Mãi đến một đêm rằm nọ, dân làng lại nghe thấy một tiếng nổ lớn giữa đêm trăng thanh vắng ở ngoài thác. Sáng sau, mọi người thấy dưới chân thác không phải là đất cát như trước nữa mà lổn nhổn những đá là đá. Đá đủ loại hình thù, đủ mọi kích cỡ. Ngay mô đất chỗ hoàng tử hay ngồi giờ đã là một phiến đá to tướng có thể ngả lưng mà ngủ. Những viên đá hiền ngoan nằm la liệt dưới chân thác. Người ta bảo đó là chàng gối đầu lên chân nàng mà ngủ sau bao ngày chinh chiến binh đao, xung quanh là hoa rừng ngát hương, và kia nữa là thác nước – suối tóc của nàng.
Dân buôn làng ngạc nhiên vì hiện tượng lạ này. Giữa cao nguyên đất đỏ lại mọc ra một khu toàn đá là đá. Già làng bảo đó là xương thịt của hoàng tử hóa thành. Và loài hoa lạ ấy từ khi có đá thì hình như tươi tốt hơn, hoa thắm màu hơn. Các cụ bảo, hoàng tử hóa đá để những dòng nước mắt của nàng rơi vào đó, bắn thành bọt tung lên tưới cho hoa. Những ngày mưa nắng xen nhau, những bọt nước li ti ấy kết thành một dải cầu vồng lung linh bảy sắc làm cho cảnh tượng nơi đây như chốn thần tiên. Từ đấy trở đi, dân làng đặt tên cho loài hoa mới này là hoa Ia My. Tiếng dân tộc gọi Chư là núi (Chư Sê, Chư Prông…), Ia là nước. My là mắt, Ia my là nước mắt. Phiên âm dần là Ja my và để phổ thông hóa, về sau này mọi người gọi loài hoa này là hoa Nhã My.
Hoa nhã my nở đẹp nhất vào mùa thu. Lúc này nước suối Ia Pét vừa đủ, thác không ầm ầm tựa tấm màn bạc, mịt mù hơi nước như mùa mưa, nó thu gọn lại đổ xuống óng mềm như dải lụa để hoa nhã my rực rỡ khoe màu. Đứng từ dưới nhìn lên, dải thác như chiếc khăn lụa trắng nổi bật trên nền trời thu xanh thắm với một vùng hoa lá cỏ cây vây quanh. Và hoa nhã my kia, dù khiêm nhường đến mấy vẫn cứ nổi bật lên giữa thảm thực vật xung quanh thác.
Già làng kết thúc câu chuyện thì trời vừa sáng. Ông vươn vai đứng dậy nhìn hừng đông đang rạng, nhìn ngọn thác đang tung bọt nước trắng xóa. Phía cuối rừng kia là vầng trăng còn đang ngơ ngác lạc trôi trên nền trời như muốn nghe mãi câu chuyện huyền thoại hoa nhã my. Đoạn, ông bảo hai chúng tôi về nhà ông uống rượu. Bao giờ cũng thế, cứ kể xong huyền thoại hoa nhã my là người ông như trút hết tinh lực, trở nên rỗng tuếch, chênh chao. Là người nghe, tôi cũng cảm thấy sởn da gà, như có một luồng điện chạy dọc khắp người. Ông kể tỉ mỉ chi tiết hơn Tuấn kể cho tôi sáng qua. Đóa nhã my tôi giấu trong túi áo ngực dường như đang cựa quậy tỏa hương ngầy ngậy thơm. Tôi bâng lâng bước theo già làng và Tuấn.
Đợi cho hai người ngả nghiêng vì rượu, tôi quyết định trở lại thác Phú Cường. Kể cũng lạ, uống nhiều rượu như thế, nhậu tới bến như thế, thế mà tôi vẫn tỉnh như sáo. Trong khi đó, già làng và Tuấn thì gục ngay bên ché rượu cần.
Một mình tôi xuống thác. Tôi đi như thôi miên, bước chân vô định trên từng viên đá, men theo vách thác. Mắt tôi nhòa đi khi trước mặt là bạt ngàn những nhành hoa tím rung rinh trong gió sớm mai. Hoa như vẫy gọi tôi, mỉm cười cùng tôi. Những hạt nước li ti như mưa bụi bắn ra từ thác phả vào mặt tôi, tưới lên những đóa hoa khiến tôi có cảm giác hơi lành lạnh. Vừa lúc đó, mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi. Những tia nắng sớm mai chiếu xuống thác gặp hơi nước tạo thành chiếc cầu vồng lung linh bảy sắc bắc qua ngọn thác. Tôi ngây người tưởng mình như sắp bước lên cầu kia mà bồng bềnh phiêu du.
Hoa nhã my! Ơi đóa hoa nhã my huyền thoại! Tôi lựa chân nhảy qua trên từng viên đá, tới vạt hoa gần nhất ngắt cho mình cả một bó nhã my. Ôm chặt bó hoa nhã my trước ngực, tôi úp mặt vào hoa hít hà cái hương thơm dìu dặt, nhắm mắt lại để tận hưởng cái sắc màu lung linh tím biếc thủy chung. Những giọt sương mai hay giọt nước thác đọng ở hoa làm khuôn mặt tôi cũng ướt nhòe. Ơ kìa, hay là tôi khóc? Thương quá một loài hoa! Yêu quá một huyền thoại! Bất chợt tôi nhớ em vô cùng. Những hòn đá dưới chân tôi hình như cũng đang cựa quậy. Tôi quyết định chọn lấy hai viên đá đẹp nhất tượng trưng cho hòn chồng hòn vợ cùng với bó hoa nhã my này tôi sẽ mang về tặng em, kể cho em nghe về huyền thoại một loài hoa cao nguyên đầy nắng gió. Tôi sẽ đặt hai viên đá và trồng cây nhã my này trong vườn thơ của tôi như lời thề tình yêu tôi với em – lời thề hoa nhã my. Huyền thoại hoa nhã my sẽ chắp cánh cho thơ tôi, cho tình yêu của tôi bay lên, bay lên…
8/6/2021
Đỗ Xuân Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chuyện danh nhân Hải Dương: Ông Nghè Tân viết đơn khai trâu chết Thời nhà Nguyễn, luật pháp bảo vệ trâu rất nghiêm cẩn. Dân chúng không ...